Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

NHÀ THƠ CAO BÁ QUÁT

(ĐC sưu tầm trên NET)

                                                                                 
Chương 8
CAO BÁ QUÁT
(?-1855)


          -Cao Bá Quát là một nhà thơ lỗi lạc đồng thời là một lãnh tụ của phong trào nông dân khởi nghĩa ở giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII, nửa đầu thế kỷ XIX.
          -Cao Bá Quát sinh vào khoảng 1808-1810 và mất năm 1855.
          -Cao Bá Quát tự là Chu Thần (bậc thần tử của nhà họ Chu), hiệu là Cúc Ðường, Mẫn Hiên. Ông người làng Phú Thọ, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh.
          - Cao Bá Quát xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo. Thân sinh của ông sống vào thời kỳ Lê mạt, xã hội loạn lạc nên ông không đi thi để ra làm quan mà chỉ sống bằng nghề dạy học. Nhưng dòng họ Cao là một dòng họ có truyền thống về thi phú và khoa bảng.
          -Ngay từ nhỏ, ông đã là một người thông minh, học giỏi và bản lĩnh. Tương truyền năm 14 tuổi ông đã lều chõng đi thi nhưng không đỗ, chín năm sau (1831) ông mới đỗ thứ hai kỳ thi hương (đỗ á nguyên, sau giải nguyên, đỗ cử nhân thứ hai nhưng sau bộ Lễ xếp lại đánh tuộtt xuống cuối bảng). Sau đó nhiều lần Cao Bá Quát đi thi hội ở kinh đô nhưng không đậu, trượt mãi (chắc không phải vì bất tài mà vì ông là người cương trực nên bị bọn quan lại ghen ghét). Mặt khác ông vốn là người tự do, phóng túng nên không chịu viết văn theo khuôn phép trường thi.
          -Ðậu cử nhân từ năm 1831 nhưng mãi đến năm 1841 ông mới được bổ làm một chức quan nhỏ mọn: chức hành tẩu bộ Lễ (bộ Lễ: nơi làm việc của quan văn có nhiều chức, chức hành tẩu là nhỏ nhất chỉ là chân thư ký). Thời gian này ông được cử làm sơ khảo kỳ thi hương ở trường thi Thừa Thiên. Thấy một số bài thi xuất sắc nhưng phạm húy, ông đã cùng một người bạn chữa lỗi cho những bài thi đó để lấy đậu nhưng bị phát giác. Ông bị khép vào tội chết, sau triều đình xét lại  chỉ cách chức và đày vào Ðà Nẵng. Sau ba năm bị giam, ông được cử đi phục dịch một đoàn sứ bộ của triều đình đi công cán ở Xinhgapo để lập công chuộc tội (gọi là đi dương trình hiệu lực).
          -Ở nước ngoài về, ông được giữ chức cũ một thời gian rồi lại bị thải, ông trở về sống với vợ con ở Thăng Long.
          -1847, ông lại nhận được chiếu chỉ của nhà vua bổ vào làm việc ở Viện Hàn Lâm (sưu tầm, sắp xếp các bài thơ cho nhà vua ngâm vịnh). Nhưng vốn là một con người có tài.và cương trực cho nên Cao Bá Quát trở thành cái gai trong mắt bọn quan lại ở triều đình, vì thế chúng đã tìm cách đẩy ông đi xa.
          -1852, ông bị đẩy đi làm Giáo thụ ở phủ Quốc Oai, Sơn Tây (chức quan trông coi việc học hành ở một vùng). Nơi này là một vùng hẻo lánh, ít người đi học. Ðối với ông, đó là một việc đày ải thực sự nên càng làm cho ông bất bình. Năm ấy mùa màng lại bị châu chấu tàn phá, nhân dân vô cùng đói khổ, nhất là ở vùng Sơn Tây. Bị đẩy đến bước đường cùng, họ đã đứng lên chống bọn địa chủ, quan lại để giành sự sống. Cao Bá Quát liên lạc được với các lãnh tụ khởi nghĩa bèn vứt bỏ chức Giáo thụ quèn. Ông mượn cớ phò Lê, tôn Lê Duy Cự làm minh chủ, mình làm quốc sư đứng lên kêu gọi nhân dân vùng này khởi nghĩa đánh đổ triều Nguyễn. Ðáng tiếc là cuộc khởi nghĩa lại sớm thất bại. Cao Bá Quát hi sinh trong một cuộc chiến với quân triều đình. Sau khi ông mất, nhà Nguyễn đã trả thù dòng họ này một cách dã man bằng cách thi hành lệnh tru di tam tộc cả dòng họ.    
2.Sự nghiệp thơ văn.


 -Sáng tác của Cao Bá Quát chủ yếu bằng chữ Hán, chữ Nôm cũng có nhưng ít. Khác với Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát sống vào thời kỳ chính sách đề cao chữ Hán của nhà Nguyễn đã có ảnh hưởng sâu rộng trong giới nho sĩ. Có lẽ Cao Bá Quát chịu ảnh hưởng của chủ trương này.
-Về tác phẩm chữ Hán ông có hai tập thơ: Chu Thần thi tập và Cúc Ðường thi thảo. Cả hai tập thơ này có tên chung là Cao Bá Quát thi tập. Số bài thơ của hai tập thơ này chưa rõ là bao nhiêu nhưng chắc chắn nhiều hơn số hiện nay chúng ta sưu tập được: 1353 bài thơ và 21 bài văn xuôi. Sau khi nhà thơ qua đời, tác phẩm của ông cũng phải chịu sự bạc đãi của triều đình nhà Nguyễn.
-Về mặt chữ Nôm: ông có bài phú nổi tiếng Tài tử đa cùng (Người tài giỏi có nhiều điều cùng khổ).
Ngoài ra ông còn có một số bài thơ Ðường luật và ca trù.
1.Thơ ông chứa đựng một nội dung hiện thực phong phú.


-Thơ văn Cao Bá Quát thuộc khuynh hướng phê phán  hiện thực, bộ mặt của xã hội đương thời được phản ánh khá rộng rãi, đa dạng và phong phú trong tác phẩm của ông. Chẳng hạn qua thơ văn của ông người ta có thể thấy cuộc sống thiếu thốn, vất vả của một nhà nho nghèo có hoài bão, tâm huyết đến cuộc sống của một kẻ bị tù tội oan uổng; những sức ép tàn bạo bằng ngục tù, roi đòn của nhà Nguyễn đối với những con người có tài năng, có tư tưởng tiến bộ rồi cuộc đời cùng quẫn của nhân dân lao động trong xã hội đương thời. Cũng như bao nhà thơ tiến bộ khác, Cao Bá Quát cũng bắt đầu từ những vấn đề của cá nhân để đi đến những vấn đề có tính xã hội và càng về sau thơ văn ông càng giàu tính hiện thực. Từ những chi tiết mang tính hiện thực ấy ta thấy hiện lên bộ mặt của một chế độ đã già cỗi, tàn bạo, bất nhân đáng nguyền rủa và đáng bị tiêu diệt.
2. Thơ Cao Bá Quát chứa đựng nhiều tình cảm tốt đẹp, nhiều tư tưởng tiến bộ.


Thơ văn Cao Bá Quát là sản phẩm tinh thần của một con người có nhân cách cứng cỏi, trí tuệ sáng suốt; một tâm hồn lộng gió thời đại, một trái tim nhạy bén giàu cảm xúc. Vì vậy thơ văn ông chứa đựng nhiều tình cảm tốt đẹp, nhiều tư tưởng tiến bộ.
                           2.2.1.Lòng yêu nước và tự hào dân tộc.
        -Khâm phục và ngưỡng mộ những người anh hùng cứu nước, ông viết các bài thơ Vịnh Phù Ðổng Thiên Vương, Vịnh Trần Hưng Ðạo...Qua việc ca ngợi những người anh hùng đó Cao Bá Quát bộc lộ ước muốn cứu dân, cứu nước của mình. Ông như tìm thấy sự tiếp sức từ trong lịch sử của dân tộc. Ðây là điểm khác biệt giữa thơ vịnh lịch sử của ông và các nhà thơ khác (họ vịnh lịch sử để quay lưng với hiện thực cuộc sống).
        -Cao Bá Quát còn là con người say mê với những cảnh đẹp của non sông đất nước, ông ca ngợi những cảch đẹp ấy. Hầu hết các danh lam thắng cảnh của miền Bắc, ông đều có đến thăm và đề thơ ngâm vịnh như: núi Ba Vì, hồ Tây, núi Thúy Dục, sông Hương. Nét đặc sắc của nhà thơ khi miêu tả các cảnh này là ở chỗ ông không miêu tả nó theo lối của những ẩn sĩ đi du ngoạn để chữa bệnh tinh thần mà lại kèm theo hào khí dân tộc. Dải sông Hương mềm mại đến thế mà khi hiện lên trong thơ ông vẫn mang một hào khí hùng tráng:
Trường giang như kiếm lập thanh thiên
(Con sông dài như thanh kiếm dựng giữa trời xanh)
                                      (Buổi sáng qua sông Hương).
Núi Dục Thúy, núi Tản Viên, hồ Tây từ lâu đã trở thành niềm tự hào của đất nước và đặc biệt là là hình tượng núi Tản đã từng tượng trưng cho khí phách hào hùng của dân tộc ta. Và trong thơ Cao Bá Quát nét đặc sắc  là câu tự vấn của tác giả: Non sông như thế, mình thì sao đây? khi đứng trước những thắng cảnh ấy. Tình cảm của ông bao giờ cũng là tình cảm hai chiều: Yêu thương và trách nhiệm. Ðây không phải là điều dễ tìm thấy ở các nhà thơ đương thời.
-Ðặc biệt trong thời đại sống của mình Cao Bá Quát đã ý thức, đã băn khoăn cho số mệnh của đất nước trước hiểm họa xâm lăng từ phương Tây.
                  2.2.2.Lòng yêu thương con người nghèo khổ, bất hạnh.
Ðây là nét đặc sắc nổi bật nhất, phân cách giữa Cao Bá Quát và các nhà thơ đương thời. Cao Bá Quát có một ý thức vì dân thực sự, ông đã đứng về phía quần chúng lao động để thông cảm với những nỗi khổ đói cơm, rách áo của họ.
          -Nhà thơ đã thực sự xúc động trước những tình cảnh đói cơm, rách áo của những người dân nghèo: 
                    +Bài thơ Dọc đường gặp người đói giúp ta cảm nhận được một tấm lòng yêu thương với tình cảm dạt dào.
                    +Bài Người tát nước trên đồng cao buổi sángtáïc giả miêu tả cảnh những người lao động đang tát nước trên đồng cao. Buổi sáng sương núi còn dày đặc, trời rét, bụng đói, môi run cầm cập mà cứ phải luôn tay kéo gàu.
                    +Bài Cô gái từ trên cầu trở về lúc buổi tối (Mộ kiều qui nữ) tả cảnh buổi chiều tối, trời rét, một cô gái phải đi bán áo để mua cám cho gia đình, khi trở về qua cầu gió hun hút thổi mà cô gái vẫn thản nhiên bước đi bởi lòng cô như ấm lên khi nghĩ tới người nhà đang tựa cửa chờ mình.
          -Cao Bá Quát cũng đã nhìn thấy được nguyên nhân của sự đói khổ của quần chúng lao động là do sự áp bức, bóc lột của giai cấp thống trị. Vì thế nhà thơ đã hết sức căm giận và trực tiếp phê phán chính sách cai trị hà khắc của triều đình nhà Nguyễn. Lòng yêu thương quần chúng của Cao Bá Quát cũng đã biến thành trách nhiệm, đây cũng là nét đặc sắc của tác giả này. Ông băn khoăn, day dứt về trách nhiệm của mình đối với dân. Có lúc ông tỏ ra bực tức vì thấy mình đã già, đã bất lực:
Lòng thẹn với lòng này hóa lão
Cúi đầu lẳng lặng dựa bên tường
                           2.2.3.Thơ ông chứa đựng nhiều tình cảm đậm đà, chung thủy
trong quan hệ bè bạn, gia đình, làng xóm.Thời kỳ bị giam, nhà thơ đã viết nhiều bài thơ thể hiện lòng thương vợ, nhớ con, nhớ quê hương, bạn bè da diết.
          -Ở bài thơ Tiếp thư của vợ gửi áo rét, bút và vài thứ nhà thơ đã viết những câu thơ thật xúc động:
Trước đèn thư mở lệ muôn hàng
Hồn gửi phòng the luống vấn vương
        -Bài Mộng vong nữ   (Chiêm bao thấy con gái đã mất) là tiếng nói yêu thương, đau xót thể hiện một tâm hồn giàu chất nhân văn của nhà thơ. Tronh mơ ông thấy người con gái đã mất trở về với quần áo mong manh, rách nát, sắc diện thê thiết.
          -Bài Trả lời người bạn hỏi thăm viết khi bị thải về nhà:

Chợt nghĩ tới mình ruột gan như từng khúc

Nhớ bạn mỗi ngày tính đến trăm lần
                  2.2.4.Thơ ông còn chứa đựng nhiều tư tưởng tiến bộ.
-Ông là người có thái độ đúng đắn trước sức mạnh vật chất của người phương Tây. Ông không tỏ ra khiếp sợ tuy có ngạc nhiên. Bài thơ Hồng mao hỏa thuyền ca ông miêu tả con tàu không buồm, không chèo, không người đẩy mà đi ngang, chạy ngược nhanh như ngựa phi. Khói phun ngùn ngụt, sóng tung tóe ầm ầm như sóng. Nhưng kết thúc bài thơ, ông kết luận đầy khí phách, cảnh cáo con tàu đừng chủ quan khi đến biển Ðông. Bởi sóng nước ở đây không dễ dàng như bể Tây đâu. 
-Ông có một thái độ đúng đắn và tiến bộ trước lối học từ chương khoa cử của nền giáo dục phong kiến từ ngàn đời nay. Cao Bá Quát là người đầu tiên dám phê phán và phủ định lối học đó, ông coi lối học từ chương là trò nhai văn nhá chữ, là lối học trẻ con, hoàn toàn xa lạ với cuộc sống thực tế. Ông phê phán bằng lời và cả hành động của mình. Việc ông chữa các bài phạm húy tựu trung cũng mang ý nghĩa phản kháng, phê phán, xuất phát từ chỗ ông không đồng ý với những phép tắc ngu xuẩn của trường thi thời bấy giờ.
-Ông quan tâm đến tác dụng của văn thơ và đề xuất một số quan niệm về văn thơ rất tiến bộ. Ông cho rằng thơ vừa phải có quy cách vừa phải có tính tình nhưng tính tình là cái quyết định.
3.Thơ Cao Bá Quát in đậm dấu ấn bản lĩnh và phong cách nhà thơ.


Cao Bá Quát là một con người phóng túng, có nhân cách cứng cỏi, có tâm hồn, có trái tim giàu cảm xúc. Những điều đó đã in đậm vào sáng tác và trở thành phong cách riêng của nhà thơ, phong cách đó tạm quy vào mấy nét sau:
          -Sáng tác của ông mang tính chất phóng túng: Tiêu biểu nhất là trong thơ chữ Hán, ông sử dụng nhiều hình tượng mới mẻ, có nhiều tứ thơ đột xuất. Nói tới hoa mai, các nhà thơ xưa thường ca ngợi sự trắng trong và tinh khiết của nó. Cao Bá Quát cũng ca ngợi cái tinh khiết, cái trắng trong đó của hoa mai nhưng thiết thực hơn ông muốn tự tay mình gieo lên núi một rừng mai để rồi khi xuân đến mai sẽ xanh tươi điểm tô cho bầu trời, mai sẽ trở thành bức tranh tuyệt tác cho đời xem chung (Tài mai). Nói đến dòng sông Hương của Huế, người ta thường nghĩ tới một dòng sông hiền hòa mềm mại, nhưng dưới con mắt của Cao Bá Quát thì sông Hương lại giống như một thanh kiếm dựng đứng giữa trời xanh. Bài phú Tài tử đa cùng cũng là một hiện tượng đặc biệt. Do tính chất biền ngẫu của câu văn nên phú thường có cái gò bó của nó nhưng đọc bài phú của Cao Bá Quát ta thấy ngòi bút của ông vẫn phóng túng hết mực. Ông vẫn diễn tả được một cách sôi nổi cái háo hức của tuổi trẻ. Trong bài phú ông dùng nhiều động từ diễn tả hành động mạnh bạo để thể hiện tư tưởng lành mạnh, tiến bộ của mình.
          -Thơ Cao Bá Quát kết hợp nhuần nhuyễn giữa cảm xúc và suy nghĩ, giữa tình cảm và lí trí. Lí trí làm cho tình cảm của nhà thơ trở nên sâu sắc hơn, đậm đà hơn ngược lại tình cảm làm cho suy nghĩ của nhà thơ trở nên đúng đắn hơn. Ông luôn băn khoăn về con đường đi của mình, về trách nhiệm của một nhà nho đối với nhân dân.
          -Hiện thực trong thơ ông nôm na mà bay bổng (chất thơ) để nói rõ sự việc Cao Bá Quát đã không ngại đi vào những chi tiết chân thực nhất của cuộc sống.
Cao Bá Quát là nhà thơ lớn nhất trong khuynh hướng phê phán hiện thực của văn học nửa đầu thế kỷ XIX. Ðóng góp của thơ văn Cao Bá Quát trước hết là ở nội dung, cái hơn người của ông là nội dung tư tưởng, là lòng dũng cảm, là sự sáng suốt cả về chính trị lẫn văn hóa. Cuộc đời của ông vẫn là một bài học quí, khi cần thiết ông biết ném cây bút để nắm lấy Long tuyền.
(ĐC chép từ .ctu.edu.vn)



THƠ CAO BÁ QUÁT

Cao Bá Quát (Chu Thần, 1809 – 1854) quê làng Phú  Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Ông chỉ đỗ  đến cử nhân nhưng trên thực tế, Cao Bá Quát  đã trở thành một nho sĩ kiệt hiệt của thời  đại. Vua Tự Đức đã phải khen:
Văn như  Siêu, Quát vô Tiền Hán.
    (Với văn của Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát thì  văn thời đời Tiền Hán coi bằng không).
Còn những người sùng bái ông thì gọi ông là Thánh Quát!
Danh bất hư truyền, Cao Bá Quát là người con trác việt mà non sông Việt Nam đã sản sinh ra: một con người toàn diện với trái tim vô cùng nhân hậu, tâm hồn đằm thắm, với hồn thơ và tài năng văn chương lỗi lạc, với nhãn quan vô cùng sâu sắc của một hiền triết am tường chân tướng của thời đại, với tầm vóc và cốt cách của một bậc đại hùng đại đức. Ông đã để lại trên thi đàn Việt Nam cổ kim một tên tuổi bất hủ, đồng thời để lại một trang sử chói lọi chống chính quyền phong kiến thối nát.
Mặc dù đại sự “thay đổi thời cục” không thành, Cao Bá Quát đã thực thi một sứ mạng lịch sử: dùng tất cả sức mạnh “hích” lịch sử tiến lên phía trước! Sự phủ nhận triệt để của ông với chính quyền phong kiến đương thời là một sự cảnh báo nghiêm khắc, là lời tiên tri cực kì chuẩn xác: chỉ vài ba năm sau khi ông từ trần, triều đình Tự Đức, vì cố tình cưỡng lại cú hích ấy, không tiếp nhận lời cảnh báo ấy, không chịu lột xác, đã dần đi đến chỗ bại vong, rốt cuộc phải đầu hàng nhục nhã trước thực dân Pháp, chịu để mất nước và trở thành bù nhìn cho kẻ xâm lược.
Những trăn trở, đớn đau của Cao Bá Quát với số  phận của đất nước ta thời ấy sao mà giống với những trăn trở đớn đau của thi hào Puskin với số phận của nước Nga dưới chế độ Sa hoàng đến thế!
Có  lẽ vì vậy mà cả hai thiên tài, đồng thời là hai nhân vật anh hùng ấy đều phải ngã  xuống vì mũi tên hòn đạn của những thế  lực phản động! 
Tục ngữ Việt Nam có câu: “người đôi ba đấng”. Theo chúng tôi, để tìm hiểu “chân tướng” của một hiện tượng rất lớn lao, phức tạp – hiện tượng Cao Bá Quát – có lẽ phương pháp tốt hơn cả là “giải mã” cái bản chất “đấng” ấy của ông, tức là bản chất tính cách anh hùng của ông phát lộ theo một logic nội tại trải qua các giai đoạn: ra đời, được đào luyện, thử thách trong “lò đời”, và phát triển tới tột bậc. Căn cứ nguyên lí “những người có tài trí lỗi lạc, đức độ bao la, khi đem tài đức ấy thi thố ra việc làm, thì là sự nghiệp, khi thổ lộ ra lời nói, thì là văn chương” (Nguyễn Năng Tĩnh), chúng ta có thể thông qua những áng văn chương ông để lại để nghiên cứu toàn diện về ông.
Trên thi đàn Việt Nam kim cổ, ngoài thơ của Nguyễn Công Trứ và một vài thi nhân sau này như Tú  Xương, Tản Đà… thơ Cao Bá Quát đã đặc tả cái tính cách anh hùng ấy hết sức đậm nét. Sở dĩ ông làm được điều đó bởi vì ông đích thị là người mang cái tính cách ấy (những thi nhân không có tính cách ấy thì lấy gì mà miêu tả nó?).
Một người sinh sau Cao Bá Quát là Phan Bội Châu đã viết:
                Sinh vi nam tử  yếu hi kì,   
                Khẳng hứa càn khôn tự  chuyển di?
                (Sinh ra làm trai cần phải hiếm, phải lạ,
                Không lẽ để cho trời  đất tự ý xoay vần?)
Ngay từ khi còn rất trẻ, Cao đã tỏ ra là một  đấng nam tử “hiếm, lạ”. Cái “chí làm trai” của ông đã luôn luôn thôi thúc ông tìm đến hoà mình vào với đất trời cao rộng:
            Trời  đất có núi ấy,
                Muôn thuở  có chùa này.
                Phong cảnh đã kì tuyệt,
                Lại thêm ta đến đây.
                Ta muốn lên  đỉnh núi
                Hát vang với nước mây…
                (Qua núi Dục Thuý) – Ngô Lập Chi dịch
Nhiều bài thơ biểu đạt cái tráng khí ngất trời của một chàng thanh niên đang nung nấu một lí  tưởng cao vời:
                  Ví  không sóng gió phũ phàng
                  Thì  sao biết được dặm trường chí  xa?
    (Từ  Thanh Trì buông thuyền xuôi nam) – Trần Huy Liệu  dịch
                  Sáng lên Hoành Sơn trông,
                  Chiều xuống Bàn Thạch tắm.
                  Nhặt hòn  đá mỗi nơi,
                  Núi sông không đầy nắm.
         (Tắm ở khe Bàn Thạch) – Hoá Dân dịch
Cùng với thiên nhiên kì vĩ, những tấm gương hiển hách của bao đấng anh hùng trong lịch sử dân tộc đã khích lệ và đào luyện nên khí phách anh hùng của nhà thơ, đúng theo qui luật “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Những câu thơ Cao viết về đề tài này thật hùng hồn khác thường:
  … Phá giặc roi vàng gầm sấm sét,
      Lên không ngựa sắt lạ xưa nay.
      Công ghi cõi Việt so trời đất,
      Oai dẹp quân Ân khiếp cỏ  cây.
      Miếu cũ thông reo khi gió động,
      Tưởng quân thắng trận trở về  đây.
      (Vịnh Đổng Thiên Vuơng) – Vũ Mộng Hùng dịch 
      Tiết cứng, lòng trong, khí phách hùng,
      Một tay muốn kéo lại vầng hồng.
      Cô  trung sấm sét không sờn chí,
      Thất trảm yêu ma phải rợn lòng…
      (Vịnh Chu An) – Vũ Mộng Hùng dịch
Con đường lập danh phổ biến nhất của kẻ sĩ  đương thời là… thi đỗ ra làm quan! “Ở đời thì  phải chiều đời”, Cao đã cố gắng nhập cuộc. Nhưng ác hại thay, chế độ thi cử đương thời không phải là cái thước có thể đo được những tài năng kiểu như Cao (hoặc Tú Xương sau này). Chính vì vậy mà “Thánh Quát” lúc trẻ đã nhiều lần… thi trượt:
                Đời ta vì chữ danh,
                Mười năm uổng miệt mài.
                Một chút tên trên bảng
                Phờ  phạc cả con người…
          (Viết hôm tiếp được thư nhà) – Hoàng Tạo dịch
Có  thể nói, những thất bại về khoa cử giống như “những cú đấm đầu tiên” vào tính cách anh hùng của Cao và nó làm cho chàng thanh niên nhức nhối. Thế rồi, do đỗ đạt thấp, Cao chỉ  được nhận một chức quan nhỏ: hành tẩu bộ Lễ (chạy việc vặt trong bộ Lễ). Một tiềm năng lớn lao bị cột vào một địa vị nhỏ nhoi vô bổ như vậy, khác nào một chú chim đại bàng bị nhốt chặt trong lồng? Phản ứng lại tình trạng đó là những lời thơ cám cảnh:
                Cỏ  vườn, tên chẳng rõ
                Hoa đỏ cháy bên thềm.
                Có  sắc, được người chuộng,
                Không hương, đời lãng quên.
                Cành mọc, vẻ  xuân đượm,
          Quả  ra, chẳng thể ăn!
                Nét thanh cao riêng giữ,
                Xui ta luống thở  than!
                (Cỏ trong vườn) –  Kiều Văn dịch
Cũng như Nguyễn Công Trứ, cái tôi nhân bản của Cao Bá Quát được thể hiện vô cùng sắc nét trong thơ, làm nên “máu thịt” của một dòng văn chương đích thực về con người, đối lập với thứ văn chương ước lệ vô giá trị vẫn thường xuất hiện đầy dẫy trong mọi thời:
          Đời ta vốn là hơi là bụi,
          Theo từng cơn gió  thổi tơi bời,
          Đi về chẳng có  định nơi,
          Chỉ  trong giữa khoảng đất trời mênh mang.
          Từ  trăm luyện sắt gang cứng rắn,
          Khí  hào hùng một đấng ngang tàng,
          Lưới đời từ độ vấn vương,
          Giày vò  kể đã nhiều phương giũa mài.
          Lòng ta vốn một hai phóng khoáng,
          Nỗi lo buồn bỗng vướng như không,
          Khác chi chiếc lá  vẫy vùng…
                      (…ở ngục Thừa Thiên) – Vũ Mộng Hùng dịch 
Quả  thật con người mang tính cách anh hùng ấy đã bị  dằn vặt ác liệt vì không tìm được  đường tiến thân:
          Bãi cát, bãi cát, ngao ngán lòng,
          Đường phẳng mờ mịt, đường hiểm vô cùng!
                Nghe ta hát  “cùng đồ” một khúc!
                Phía bắc núi bắc, núi muôn lớp!
                Phía nam núi nam, sóng muôn  đợt!
                Sao mình anh còn trơ  trên bãi cát!
          (Đoản ca “Đi trên bãi cát”)  – Huệ Chi dịch
“Anh hùng đa nạn”, chính lúc đang ở bước “đường cùng” ấy thì một tai hoạ lớn ập xuống: Cao bị tù tội chỉ vì lòng “liên tài” (ông đã chữa một chữ trong quyển thi của một thí sinh để cứu thí sinh này khỏi bị rớt uổng). Không còn là chuyện một thư sinh lãnh “những cú đấm” trong thời “thi trượt” nữa, mà là một nhân tài lỗi lạc, một nhân cách cao cả bị một triều đình phong kiến làm nhục, gìm sâu xuống vũng bùn nhơ:
          …Thân tù nằm sấp, vẻ xanh xám,
          Như  con dê sợ nhìn trước sau…
          Bị  tra tấn mãi miệng cứng đờ…
          Tiếng quan như  sét rường nhà rung
          Ánh roi như chớp vụt tứ tung,
          Giơ  lên, rồng quật bờ ao lở,
            Ngừng lại, nước dội nồi canh bồng…
      (Bài ca “cái roi song”) – Xuân Trang dịch 
Nội dung đặc biệt nổi bật trong thơ Cao Bá Quát là  những tâm tư, những nỗi uất hận sâu sắc về thân thế mù mịt, về cảnh sống tù hãm của một con người hào kiệt bất phùng thời. Những lời thơ rướm máu tuôn trào dưới ngòi bút của họ Cao tưởng có thể làm đau đớn đến muôn đời:
          Con nước mới, giục  đêm tàn,
          Rét  đầu mùa tiễn muộn màng cảnh thu.
          Tháng ngày  đôi mắt mịt mù,
          Giữa  đất trời, một anh tù làm thơ.
          Trông gươm tựa gối bơ  phờ,
          Gọi  đèn xem lại xác xơ áo cừu.
          Xót mình tâm lực cạn  đâu,
          Mà  thân giam hãm mối sầu khôn nguôi!
          (Đêm một mình cảm nghĩ)  – Hoàng Trung Thông dịch
          Chết trong nghiên bút, ta nào phải,
          Sống cậy văn chương, chuyện có rồi.
          Công mẹ  uổng sinh ngoài xứ sở,
          Thân con thừa gửi giữa trần ai…
                       (sau khi bộ Lễ tra tấn… gượng đau viết) –
           Khương Hữu Dụng dịch
          Dòng thơ  oán hận lệ hoà máu,
          Chén rượu phân kì  hồn dễ say.
                (Gửi hận) – Hoa Bằng dịch
Thời gian trôi qua, mối hận lớn đối với thời cuộc càng tích tụ trong lòng, và biến người anh hùng thành một… cuồng sĩ. Chúng ta hãy đọc đôi câu đối của “cuồng sĩ” dán ở nhà dạy học khi ông làm giáo thụ Quốc Oai:
          Nhà  trống ba gian, một thầy, một cô, một chó  cái;
          Học  trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi.
Với trí tuệ sáng suốt phi thường, Cao Bá Quát nhận thức được rằng hoàn toàn không phải “những rủi ro vụn vặt” tạo nên bất hạnh của đời ông. Trái lại, bất hạnh lớn nhất của bản thân  ông cũng như của toàn dân tộc ông chính là không được ở vào một thời đại tốt đẹp như thời Nghiêu – Thuấn (ông gọi thời đại của ông là thời “vô Nghiêu Thuấn”!). Để khẳng định nhận định ấy, ông đã thâm nhập vào cuộc sống của nhân dân ông, kể cả những tầng lớp cùng đinh của xã hội. Và ông đã phát hiện toàn bộ hiện thực xã hội thối nát và đen tối thời Tự Đức. Cũng như trong văn thơ của Nguyễn Du trước kia, trong thơ ông đầy dẫy những hình ảnh bi thương, đau xót của “thập loại chúng sinh”: những người nông dân “môi run, bụng lép, tơi quèn” tát nước trên đồng cao, một cô gái “chịu rét bước qua cầu” vì vừa phải cầm áo để đổi gạo cứu người nhà đang đói lả, những người dân đói đi lĩnh phát chẩn, những người ăn xin…
“Những điều trông thấy” ấy, trước kia thi hào Nguyễn Du đã mô tả trong thơ với lòng cảm thương, đau xót. Còn Cao Bá Quát thì khác, ông cũng ghi chép tất cả với lòng thương xót vô hạn, nhưng không chỉ thế, ông còn đặt ra một câu hỏi lớn: tấn bi kịch cuộc đời ấy do đâu mà có? Và những nhà nho, những bậc sĩ phu, những đấng quốc sĩ có trách nhiệm gì với tấn bi kịch đó hay không? Một câu hỏi như vậy chỉ có những ngươi anh hùng mang ý chí dời non lấp biển như Cao Bá Quát mới có thể đặt ra mà thôi! Ông cảnh cáo những kẻ mang “mục dân chi trách” (trách nhiệm chăn dân):
          Chú  bé chăn bọ ngựa
          Buộc nó  bằng sợi dây.
          Sợi dây quấn chằng chịt,
          Nó  chết trên cành cây…
          Người dắt dân ta hỡi!
          Xét kĩ  trên lông mày.
                (Chú bé chăn bọ  ngựa) – 
          Hoàng Trung Thông dịch
Với lí trí xét đoán tinh tường và tấm lòng ưu thời mẫn thế, ông nhìn rõ cảnh suy vong của đất nước:
          Bậc nhất phồn hoa kinh khuyết cũ
          Cao sâu Nùng, Nhị  vẫn sơn hà. 
          Thành trì  trơ mấy hồi kim cổ, 
          Phường phố  thay bao lớp trẻ già. 
          Tết lạnh cửa hầu, đèn lạt khói, 
          Gió  thơm quán rượu, liễu tươi hoa. 
          Hồ  Tây khôn nỡ thuyền trăng dạo, 
          Sáo gợi hồn quê rợn bóng tà.
                (Cảm xúc khi lên thành Thăng Long ngắm cảnh) – 
                Hoàng Tạo dịch
Có  thể nói, vào những năm cuối đời, trong tâm hồn Cao Bá Quát luôn luôn sôi réo một ngọn lửa cháy ngầm dữ dội… Những câu hỏi thi nhau dằn vặt  ông: 
                    - Kim cổ miên man tình đất nuớc,
          Sao mình làm mãi một thi ông?
          - Dưới thì  không ngủ có ta,
            Trên thì  sao sáng lững lờ muốn rơi.
          - Phí  công cầm bút đã mười năm,
            Lo trước vui sau chí  chửa cam.
          - Trai ba mươi tuổi chẳng nên danh,
            Mỏi gót chưa nguôi nỗi bất bình…
            Ca đoạn bảy bài nhìn trở  lại,
            Cau mày thêm giận kiếp phù sinh.
          - Thái bình một chước chưa thành,
            Tầm thường nghĩ  thẹn cho mình nhà nho.
          - Muốn khơi cạn nước dòng Tô thuỷ,
            Rửa sạch cho đời dạ nhớp nhơ… 
Mặc dù thể chất ông đã suy yếu sau những chặng đời đầy dẫy chông gai, khổ ải, lo buồn, nhưng trong người anh hùng dường như có một sức mạnh nội tại phi thường, đúng như Kinh Dịch đã nói: “Thiên hành kiện. Quân tử dĩ tự cường bất tức” (Trời chuyển vận mãnh liệt. Người quân tử cũng tự làm mạnh mình không ngừng nghỉ). Rốt cuộc cái nhân cách anh hùng của Cao Bá Quát đã đi đến chỗ “cùng”. Ông quyết chối bỏ quá khứ vô nghĩa:
            Ngán cho mình đóng cửa nhai văn, nhấm chữ  bấy lâu rồi
          Sâu  đo nọ những đòi đo thế  giới!
          Từ  vượt bể qua Ba Sơn  đất mới,
          Bừng mắt trông, ôi sáu cõi mênh mang!
          Rõ  trò chơi từ trước, chuyện văn chương,
          Khách nam tử  ai sống suông bằng sách vở?
          (Đề sau khúc “Yên  đài anh ngữ”…) – Hoàng Tạo dịch
Ông đã mô tả cái trạng thái ngột ngạt của một xã hội như đang chờ đợi những biến cố sẽ xảy ra:
          Mây trôi trôi mãi chưa về,
          Sớm hôm tất tả  chẳng hề được yên.
          Bỗng đâu trận gió nổi lên,
          Đưa mây trôi dạt vào miền núi cao.
          Trần gian đang ngóng mưa rào,
          Sấm  đâu còn ở nơi nào im hơi1
          (Đám mây trôi) – Nguyễn Văn Tú dịch
Thế  rồi “cùng tắc biến”, tính cách anh hùng hào kiệt của Cao Bá Quát đã loé sáng như một tia chớp giữa bầu trời đen tối của lịch sử. Ông rũ sạch cả món nợ văn chương vô bổ  lẫn cái “công danh” đáng phỉ nhổ, oai phong lẫm liệt bước lên chiến luỹ để tuyên bố một cuộc chiến sống mái với triều đình nhà Nguyễn! Những khái niệm “khi quân”, “loạn thần”… thường vẫn làm các nhà nho khiếp hãi và “tránh như tránh tà” thì người anh hùng họ Cao thản nhiên chấp nhận tất! Không nghi ngờ gì nữa, dưới mắt ông, Tự Đức chỉ là một tên vua hề bất lực và vô vị, không thể bén gót ông ở bất cứ phương diện gì. Ông khẳng định phẩm chất cao cường của mình và hoàn toàn tin rằng phải một nhân vật như ông mới có thể cứu vớt được nhân dân khỏi vòng khốn đốn, mới đủ bản lĩnh và tư cách lãnh trách nhiệm “chăn dân”! Mặc dù do hạn chế tất yếu của thời đại, ông chưa tìm được một “chủ nghĩa” đúng đắn, khoa học để đưa đất nước thoát khỏi chế độ phong kiến đã đến hồi tan rã, nhưng tư duy của ông có một nhân tố hết sức đúng: nếu người đứng đầu triều đình không phải một ngu quân mà là một đấng minh quân thật sự thì triều đình ấy tất sẽ lãnh đạo quốc dân tốt hơn gấp bội. Ông chủ trương một cuộc “thay đổi lãnh đạo” theo tinh thần ấy.     
Năm 1853, cuộc khởi nghĩa Mĩ Lương (thuộc Hà Nội) do ông lãnh đạo đã nổ ra. Tinh thần “thế thiên hành đạo” và triệt để phủ nhận triều đình Tự Đức – một điều hoàn toàn phù hợp với yêu cầu bức xúc của lịch sử dân tộc lúc đó - được thể hiện đầy đủ trong đôi câu đối của ông thêu trên cờ nghĩa:
          Bình Dương, Bồ Bản vô Nghiêu – Thuấn,
            Mục Dã, Minh Điều hữu Vũ – Thang.
          (Bình Dương, Bồ Bản không Nghiêu – Thuấn
          Mục Dã, Minh Điều có Vũ  – Thang)
Sau nhiều trận đụng độ dữ dội với quan quân triều  đình, cuối cùng Cao Bá Quát đã bị trúng đạn và ngã xuống trên chiến trường. Ba họ của ông bị triều đình Tự Đức tru di.
Từ  một nhà văn hoá với danh hiệu “Thánh Quát”, bỗng chốc trở thành một lãnh tụ nghĩa quân và  tử trận trong một cuộc chiến đấu: Cao Bá  Quát trở thành một hình tượng anh hùng hiển hách, chói lọi như Spartacus (nước Ý), Pougachev (nước Nga) hoặc anh em nhà Tây Sơn trước kia. Một hình tượng anh hùng kì vĩ như vậy, lịch sử có khi phải thai nghén cả nhiều trăm năm mới sản sinh ra được. Con người kì vĩ đó lại đích thực là một bậc văn chương quán thế cho nên những tác phẩm ông viết ra ắt hẳn phải là những tác phẩm thượng thặng cả về nội dung lẫn nghệ thuật!
Sau khi ông chết, tri kỉ của ông là Phương Đình Nguyễn Văn Siêu đã vô cùng thương tiếc khóc  ông:
                  Duy biên thư  sử, bích biên cầm,
                  Nhất mộng du du thất hảo  âm.
                  Sơn  hải di tung hà xứ ẩn,
                  Hương quan li hận thử  hồi thâm…
                  (Đàn cầm bên vách, sách bên màn,
                  Một giấc miên man bặt tiếng vàng.
                  Non biển chốn nao lưu dấu cũ,
                  Quê hương mấy bận xót li tan…)
                                Kiều Văn dịch  
Vậy mà, nếu chỉ khảo sát tính cách anh hùng của Cao Bá Quát qua thơ ông như chúng tôi vừa trình bày thì chúng ta vẫn chưa thấy được toàn bích bức chân dung tuyệt diệu của con người ông. Thật vô cùng đáng kinh ngạc: Cao Bá Quát là đấng anh hùng cái thế, nhưng ông đồng thời là một “đệ nhất tao nhân mặc khách” trong đời, một tâm hồn đa cảm, lãng mạn, và một nhà thơ trữ tình lớn! Những áng thơ của ông viết về đề tài “tình cảm cá nhân và gia đình” thật quí vô giá trong nền thơ cổ điển Việt Nam.
Là  bậc quốc sĩ trọn đời lo lắng về đất nước, ông đồng thời là người của quê hương, là con, là chồng, là cha trong một gia đình Việt Nam bình thường với những tình cảm vô cùng thắm thiết. Ông thú nhận ông không thuộc hạng “thánh nhân vong tình”:
          Vong tình riêng những thẹn không hay,
          Vui, xót, lòng ta rộn bấy chầy.
          Mảnh kính còn phong niềm biệt cũ,
          Ngọn  đèn không tỏ mối sầu tây.
          Hồn quê  bên gối ba canh dõi,
          Hoa tuyết trong khăn một tối dày…
          (Từ biệt người nhà…) – Nguyễn Văn Bách dịch
Là  “lữ khách xa nhà”, nhà thơ đã bao phen phải  “thổn thức gan vàng” mỗi khi được nghe chuyện quê hương, làng xóm, gia đình:
          Lặng lẽ  nhìn nhau gạt lệ dồn,
          Rì  rầm chưa dứt chuyện trong thôn.
          Cha già  mạnh khoẻ thương con vắng,
          Bé  dại mừng vui biết bố còn…
          (Thấy người ngoài Bắc vào, nhân hỏi chuyện quê) – 
          Hoá Dân dịch
Sau khi bị nếm đủ mùi cay đắng của cuộc đời, thoát cảnh gông cùm, ông lê gót trở về quê hương và “ngã vào lòng gia đình” như sau:
          Mái tóc bơ  phờ sự chẳng dè,
          Trở  về nay lại thấy làng quê.
          Điếm Cây gạo đó sương vừa ngớt,
          Hồ  Ngựa trời đây nắng chửa hoe.
          Hàng xóm xôn xao dồn chuyện hỏi,
          Mẹ  già mừng tủi thấy con về.
          Đời gian nan mãi từ nay hối,
          Bàn chuyện xa nhà  dạ những e.
          (Về đến nhà) –  Nguyễn Văn Tú dịch
Những vần thơ ông dành cho vợ thật là âu yếm nhưng thường là tràn đầy nước mắt vì vợ  chồng ông phải hứng chịu biết bao nghịch cảnh khe khắt nhất của cuộc đời:
          Người viễn tái, kẻ cô phòng,
          Tương tư  ai chẳng não lòng như ai!
          (Mưa dầm suốt đêm cảm tác) – Hoàng Tạo dịch
          Tựa gối, vợ  đần tung tóc chải,
          Lôi tay, con nhỏ  ngã đầu nằm…
          (Trong lúc ốm) – Nguyễn Quí Liêm dịch
          Trước đèn thư mở, lệ muôn hàng,
          Hồn gửi  phòng the luống vấn vương!
          … Áo mền ủ ấm bao tình tứ,
          Bút mới dầm tan mọi thảm thương!
          Rồi nữa nhà  Lai, khi trở lại,
          Bước vào mừng có  bạn tao khang.
          (Tiếp thư vợ gửi  áo rét…) – Nguyễn Quí Liêm dịch
Chắc chắn Cao Bá Quát là một người hiểu thấu chân giá trị tình yêu nhân bản của tất cả giống người trên khắp trái đất. Chính vì vậy, có lẽ ông là nhà thơ Việt Nam đầu tiên, ngay từ giữa thế kỉ XIX đã “cảm” được thứ “tình yêu phương Tây” mà phần đông các nhà nho lúc ấy cảm thấy... nghịch mắt! Thật hiếm thấy trong thơ chữ Hán một bài thơ mang “tứ mới lạ” như thế này:
       Thiếu phụ Tây dương áo trắng phau,
          Tựa vai chồng dưới bóng trăng thâu,
          Ngó  thuyền Nam thấy đèn le lói,
          Kéo  áo rì rầm nói với nhau.
          Hững hờ  cốc sữa biếng cầm tay,
          Gió  bể đêm sương thổi lạnh thay!
          Uốn  éo đòi chồng nâng đỡ dậy,
          Biết  đâu nỗi khách biệt li này!
               (Dương phụ hành) – Lê Tư Thục dịch
Cao Bá Quát cũng có những bài thơ viết về  con cái mà ngày nay đọc lại, chúng ta vẫn thấy cảm  động:
          Đôi trẻ nhà ai đó
          Thỏ  thẻ bước khoan thai.
          Quên tình nào mấy kẻ?
          Ta nhớ  con ta hoài,
          Khi quấy mẹ, kêu  đói,
          Lúc học  ông, vái người…  
                          (Nỗi nhớ) – Hoá Dân dịch
          Nhà  xa bệnh lại dày vò,
          Nhớ  con hằng nén xót chua nghẹn ngào.
          Đêm qua bỗng thấy chiêm bao,
          Gặp con, giọt lệ  tuôn dào như mưa.
          Áo đơn lạnh lẽo xác xơ,
          Ủ ê nét mặt, bơ phờ hình dung.
          Tuy nghèo, dưa muối  đủ dùng,
          Đắng cay con hãy về cùng với cha!
          (Chiêm bao thấy con gái đã mất) – Nguyễn Văn Bách dịch
Thơ  Cao Bá Quát còn cho thấy ông là một đấng tao nhân mặc khách hay rượu, hay thơ và yêu thiên nhiên một cách vô cùng say đắm nhưng với phong cách rất “Cao Bá Quát”: phóng khoáng, lãng tử, mạnh mẽ, táo bạo!
          Ta muốn lên  đỉnh núi
          Hát vang với nước mây.
          (Qua núi Dục Thuý) –  Ngô Lập Chi dịch
          Sông tựa dải là  cô gái đẹp,
          Núi như  chén ốc khách làng say.
          (Dọc đường Ninh Bình) –  Vũ Mộng Hùng dịch
          Chao đảo lòng xuân khôn cầm nổi,
          Tây Hồ  đây thật một Tây Thi!
          Mươn mướt nét mày, cơn sóng dịu,
          Lả  lơi dải lụa, cỏ đương thì.
          (Tứ tuyệt chơi Hồ  Tây) – Kiều Văn dịch
Thậm chí nhà tài tử còn nảy ra một ý “ngông” như sau:
          Ước ao quả  động to kia
          Có  ai chịu khó khênh về  cho ta
          Để bày những chỗ lại qua,
          Hồ  Tây, Phượng Chuỷ cùng là  Châu Long.
                (Chơi động Tiên Lữ)  – Hoa Bằng dịch
     
Qua những phân tích trên, chúng ta thấy: Cao Bá Quát đích thực là một con người viên mãn và ưu việt trước khi là nhà thơ. Và chính sự viên mãn, ưu việt ấy đã quyết định tính ưu việt của thơ ông, đã khiến ông được đời suy tôn bằng một danh hiệu cao quí “Thánh Quát”!   
Tóm lại, chúng ta chỉ có thể hiểu được thơ Cao Bá Quát trên cơ sở tìm hiểu bản chất con người ông và lịch sử cuộc đời ông. Cũng giống như các trường hợp của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ…, con người ông, đời ông là một với thơ ông và quyết định phẩm chất thơ ông cả về nội dung lẫn nghệ thuật. Điều đó phân biệt ông với những “thi nhân”… rởm, suốt đời chỉ làm thơ trên “đầu môi chót lưỡi” bằng cách học mót nghệ thuật thơ của thiên hạ, bởi vì họ bị thiếu những cái vốn không thể thiếu đối với một người làm thơ: một con nguời đích thực và một cuộc đời đích thực!
Cao Bá Quát hiểu hơn ai hết về “nguyên lí sáng tạo thơ” ấy, và ông đã rung chuông cảnh cáo các “thời bệnh”: kẻ kém cỏi thì làm thơ  dễ dãi, kẻ có sức học dồi dào một chút thì mô phỏng quá nhiều mà phong cốt chưa cao, tô điểm có khéo nhưng tinh thần còn thấp… (Đề cuối tập thơ của Miên Thẩm). Ông cực lực phê phán những kẻ làm thơ chỉ cốt “ham khoe nhiều những điều… không quan hệ gì đến tính linh cả” (nói theo ngôn ngữ bây giờ, đó là thứ “thơ không hồn”).
Bất luận viết về đề tài nào, thơ Cao Bá Quát cũng chứa chất cái “hồn” và cái khí lực rất mạnh mẽ của tinh thần ông. Vì vậy, nghệ thuật thơ của ông có phong cách rất gần với thơ Nguyễn Gia Thiều, hay thơ Hàn Mạc Tử sau này: đó là thứ thơ huyết lệ. Ông luôn vứt bỏ không khoan nhượng tất cả những gì “không phải thơ” cho dù chúng được người đời ưa chuộng, sùng bái đến mấy. Và chính vì luôn sáng suốt nhìn ra được những yếu tố đích thực là thơ mà ông có được những sáng tạo kì diệu như bài thơ “tả chân” sau đây:
          Sương nặng gầu đôi mới kéo lên,
          Môi run, bụng lép, chiếc tơi quèn.
          Ven đê cỏ vỡ ngoài trăm dặm,
          Dăm thước vừa gieo mạ  ruộng trên.
          (Thợ tát nước trên  đồng cao buổi sáng) – Khương Hữu Dụng dịch
Rõ  ràng bài thơ này (cũng như bài Dương phụ hành) có thể được coi là những bài thơ tiên khu của dòng thơ hiện thực trữ tình sẽ phát triển mạnh mẽ vào nửa đầu thế kỉ XX, nhất là trong thời kì Thơ Mới. Cao Bá Quát đã đi trước thời đại mình đến gần một thế kỉ! Thiên tài thơ của ông thật đáng khâm phục biết bao!
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ SaìGòn ngày 28.02.2011.
. Trích đăng lại vui lòng ghi rõ nguồn newvietart.com
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét