Thứ Tư, 3 tháng 12, 2014

ĐỊA LINH NHÂN KIỆT 28 (Nguyễn Bình)

(ĐC sưu tầm trên NET)

Nguyễn Bình

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Nguyễn Bình (1908 - 1951) là Trung tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, lãnh đạo quân dân miền Nam Việt Nam kháng chiến chống Pháp.
Nguyễn Bình tên thật là Nguyễn Phương Thảo, quê ở thôn Yên Phú, xã Tịnh Tiến (nay là xã Giai Phạm), huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.[1]
Thời trẻ, ông lên Hải Phòng làm thủy thủ trên tàu viễn dương chạy tuyến Việt Nam - Pháp.
Được Trần Huy Liệu vận động, ông tham gia cách mạng, gia nhập Việt Nam Quốc dân đảng, phụ trách quân sự. Sau thất bại của khởi nghĩa Yên Bái, lực lượng Việt Nam Quốc dân đảng bị phân hóa. Cả Trần Huy Liệu và Nguyễn Phương Thảo đều bị thực dân Pháp bắt giam và đày đi Côn Đảo. Do tư tưởng thiên tả, 2 người bị nhóm cực hữu trong đảng kết án tử hình nhưng đều may mắn thoát nạn. Riêng Nguyễn Phương Thảo bị đâm mù một mắt.
Năm 1936, ông được trả tự do, về Hải Phòng hoạt động cách mạng và xây dựng căn cứ riêng. Cũng trong thời gian này, ông đổi tên thành Nguyễn Bình, với ý nghĩa "Bình thiên hạ", chính thức ly khai Việt Nam Quốc dân đảng. Từ năm 1943, ảnh hưởng của Nguyễn Bình từ Bần Yên Nhân, tỉnh Hưng Yên mở rộng sang vùng Kiến An, Hải Phòng, đến An Lão, Hải An, Thủy Nguyên, tỉnh lị Kiến An và thị xã Đồ Sơn.
Tháng 6 năm 1945, Nguyễn Bình thành lập chiến khu Đông Triều và đảm nhận nhiệm vụ tư lệnh. Khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 nổ ra, ông chỉ huy du kích đánh chiếm tỉnh lỵ Quảng Yên và cướp vũ khí ở một số huyện.
Khi thực dân Pháp đánh chiếm rộng ra toàn Nam Bộ, Nguyễn Bình được Chủ tịch Chính phủ Hồ Chí Minh cử vào Nam lo việc thống nhất các lực lượng vũ trang. Tháng 12 năm 1945 ông được cử làm Khu trưởng Khu 7 Nam Bộ, lập tổng hành dinh ở Làng An (Biên Hòa), sau bị địch truy quét nên chuyển về xã An Phú (Gia Định) rồi xã An Thành, phía nam Bến Cát. Dưới sự chỉ huy của Nguyễn Bình, tình trạng cát cứ dần giảm bớt, các quân phiệt cát cứ bị giải tán và hạn chế, các đơn vị bộ đội được phiên chế thống nhất thành các chi đội Vệ quốc đoàn. Ông còn lập các ban Công tác thành làm nhiệm vụ phá hoại sau lưng địch. Năm 1946 ông gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngày 20 tháng 1 năm 1948, ông được Chính phủ phong quân hàm Trung tướng và cử làm tổng chỉ huy chiến trường Nam Bộ. Cùng đợt có Võ Nguyên Giáp được phong Đại tướng, Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng, Chu Văn Tấn, Hoàng Sâm, Hoàng Văn Thái, Lê Hiến Mai, Văn Tiến Dũng, Trần Đại Nghĩa, Trần Tử Bình được phong Thiếu tướng. Lễ thụ phong Trung tướng được tổ chức tháng 7 năm 1948 tại làng Nhơn Hòa Lập trên con kênh Dương Văn Dương, Đồng Tháp.
Khi Bộ tư lệnh Nam Bộ được thành lập vào tháng 10 năm 1948, ông làm Tư lệnh. Ông còn là Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, Ủy viên quân sự Nam Bộ.
Ngày 29 tháng 9 năm 1951, theo yêu cầu của Trung ương, ông lên đường ra Bắc nhận nhiệm vụ mới. trên đường đi, ông bị quân Pháp phục kích và hi sinh tại xã Srê Dốc, huyện Sê San, tỉnh Xtung Treng, trên đất Campuchia. Người chỉ huy lực lượng bảo vệ ông khi ấy là cán bộ cấp tiểu đoàn Nguyễn Văn Sĩ, nay là thiếu tướng nghỉ hưu tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 2 năm 1952, Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh 84/SL truy tặng ông Huân chương Quân công hạng nhất. Ông cũng là người đầu tiên trong quân đội được nhận Huân chương cao quý này.
Ngày 29 tháng 2 năm 2000, Bộ Tư lệnh quân khu 7 đã di chuyển hài cốt của ông về an táng tại nghĩa trang thành phố Hồ Chí Minh. Tang lễ được cử hành theo nghi thức long trọng. Ông còn được nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Nhận định

Trung tướng Nguyễn Bình là người chỉ huy mưu lược, quyết đoán và dũng cảm, giữ kỷ luật nghiêm minh, lập nhiều chiến công xuất sắc ở những nơi nguy hiểm vào những thời điểm khó khăn nhất. Ông có công trong việc thống nhất lực lượng kháng chiến ở Nam Bộ và xây dựng Ban công tác thành (biệt động) Sài Gòn.
Sau khi ông qua đời, nhiều sách báo đã viết về ông như một hiện tượng đặc biệt về tài năng quân sự những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp.
Tuy nhiên ở đây cũng phải nói đến mỗi quan hệ giữa tài năng của Nguyễn Bình và sự tinh tế, mạnh dạn trong cách dùng người của Hồ Chí Minh. Một vị chỉ huy như Nguyễn Bình, sau cách mạng xứng đáng được đứng vào hàng ngũ những người cộng sản mà sao phải đợi đến năm 1946. Chắc hẳn không phải Nguyễn Bình là người duy nhất trong số rất ít những người có khả năng đảm đương vai trò của ông vào thời điểm những buổi đầu của Nam Bộ kháng chiến mà Bác chỉ tin tưởng giao phó cho ông ‘’Bác giao Nam Bộ cho chú!’’. Tất nhiên có rất nhiều lí do, nhưng ta có thể kể đến những lí do có tính chiến lược như: với tình trạng của Nam Bộ thời kì đầu của Nam Bộ kháng chiến, thì việc một người ngoài Đảng cộng sản sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hơn đối với đông đảo đồng bào Nam Bộ vốn thời kì đó trong tình trạng ‘’cát cứ phân tranh’’ với nhiều màu sắc chính trị, đảng phái, tôn giáo… Mặc khác, vì là người ngoài Đảng cho nên ông sẽ ít bị mật thám Pháp để ý hơn. Thực tế lúc bấy giờ, quân Pháp không biết gì nhiều về ông. Quân Pháp tập trung vào việc tìm hiểu, điều tra các ông Trần Văn Giàu – Trưởng ban kháng chiến Nam Bộ, rồi ông Phạm Ngọc Thạch… mà ít chú ý đến tướng Nguyễn Bình, trong khi chính ông mặc dù chỉ là Ủy viên quân sự nhưng thực tế là người thiết kế, tổ chức kháng chiến.
Thảo có can đảm, vũ dũng hơn người và trung hậu với bạn, trung thành với đoàn thể. Trước Cách mạng Tháng Tám, Thảo lập chiến khu Đông Triều một cách tự động..." (Nhà sử học Trần Huy Liệu)
Sử gia người Pháp chuyên về Đông Dương P.Sê-nút đã viết về "Nguyễn Bình - ông tướng một mắt". Các sử gia người Pháp tặng Nguyễn Bình biệt danh "Lưu Bá Thừa của Việt Nam" - Lưu Bá Thừa là tướng "độc nhãn long" nổi tiếng chuyên về tiến hành chiến tranh du kích của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Sê-nút ngợi ca Nguyễn Bình là "Lưu Bá Thừa của Việt Nam" đã ngã xuống cho Nam Bộ đứng lên.
Trang này được sửa đổi lần cuối lúc 08:28, ngày 30 tháng 11 năm 2014.

Trung tướng Nguyễn Bình: Những trang nhật ký cuối cùng
Chủ nhật, 28/09/2008, 15:01 (GMT+7)
(SGGP 12G).- Ngày 29-9-2008 là kỷ niệm 100 năm ngày sinh của vị trung tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Hội Cựu chiến binh TPHCM và nhiều nhân sĩ lão thành, tướng lĩnh quân đội đã có buổi tọa đàm xung quanh sự hy sinh của Trung tướng Nguyễn Bình.
  • Những ngày ở Nam bộ

Trung tướng Nguyễn Bình
Cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8-1945 giành thắng lợi to lớn đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2-9-1945). Tuy nhiên ngay sau đó, thực dân Pháp bắt đầu chiếm lại miền Nam với mưu đồ đặt ách thống trị lên đất nước ta một lần nữa.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vào năm 2003 đã xác nhận: “Chính tôi, theo chỉ thị của Bác, đã trực tiếp nói chuyện với đồng chí Nguyễn Bình (lúc này là Khu trưởng Chiến khu Duyên hải Bắc bộ, nay là QK3) và chuyển lệnh nhận nhiệm vụ vào miền Nam công tác. Đồng chí phấn khởi và khẩn trương lên đường vào miền Nam và đã có những cống hiến quan trọng trong nhiệm vụ mới”.
Lúc này, giặc Pháp đang mở rộng chiến tranh; các lực lượng vũ trang (LLVT) kháng Pháp có dấu hiệu bị tan rã và phân hóa, một số bộ phận còn trở thành thổ phỉ, cơ hội cát cứ. Ngay sau khi vào đến Thủ Dầu Một (Bình Dương), Nguyễn Bình đã triệu tập “Hội nghị quân sự Nam bộ” bàn việc thống nhất lực lượng, phân chia khu vực hoạt động của các LLVT, các đơn vị bộ đội tự phát đánh giặc.

Tuy chưa ngăn chặn được nạn cát cứ nhưng hội nghị cũng đã thống nhất được nhiều lực lượng (quan trọng nhất là bộ đội Bình Xuyên) và bầu Nguyễn Bình là Tư lệnh Giải phóng quân Nam bộ. Nếu tính thời điểm Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam bộ Trần Văn Giàu phát lệnh “Nam bộ kháng chiến” (23-9-1945) thì từ chỗ 8.000 quân tự vệ Sài Gòn, đến năm 1949, LLVT của ta ở Nam bộ đã hình thành 3 thứ quân: chủ lực, địa phương và dân quân du kích với hàng vạn người…
Bằng sự quả cảm, quyết đoán và tính cách dễ thu phục lòng người, Nguyễn Bình đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh phong hàm trung tướng đầu tiên của quân đội ta. Tiếp sau đó vào năm 1949, Trung tướng Nguyễn Bình được giao nhiệm vụ Tư lệnh Bộ Tư lệnh Nam bộ. Cần biết rằng trước khi vào Nam bộ, Nguyễn Bình chưa phải là đảng viên cộng sản. Trước đó, ông có thời gian tham gia Quốc dân đảng và bị đày ra Côn Đảo. Chính tại đây, ông đã giác ngộ đường lối của Đảng Cộng sản.
  • Nhật ký trước lúc hy sinh
Tháng 6-1951, nhận được lệnh triệu tập ra Trung ương, Nguyễn Bình khởi hành từ Tân Uyên với 22 bảo vệ đi vòng qua đất bạn Campuchia để ra Bắc. Ông viết: Đi từ Sốcky đến Suối Đá, rồi từ Suối Đá đi Tà Nốt, tôi đành phải nằm trên xe bò vì bệnh ngày càng nặng. Bác sĩ ở Cao Miên nói phải tạm nghỉ trong 2 tháng nếu không muốn quỵ dọc đường. Tôi nghĩ nếu dừng hai tháng, rồi đến mùa mưa thêm 3 tháng, sau đó đi 6 tháng nữa mới ra tới trung ương thì không thể được. Một năm không hoạt động gì trong khi cuộc kháng chiến đang diễn ra ác liệt… không, tôi kiên quyết ra đi.
Ngày 20-9 tại Kompong Chàm, chú Bốn vào rừng săn được một con khỉ lớn. Theo kinh nghiệm của người dân địa phương, anh em lấy bộ não và hai tinh hoàn của con khỉ nấu cho tôi ăn. Thật kỳ lạ, bệnh gần như khỏi hẳn!
…80% đoàn bị bệnh, bốn chiếc xe bò cũng không chở hết. Gạo đã gần hết. Từ một tháng nay mỗi ngày tôi chỉ ăn chút xíu đủ để đứng vững. Tôi đã ăn măng thay cơm… Đang đi thì một xe bò bị gãy trục, theo dân địa phương là một điềm rất xấu.
Ngày 21-9, tất cả đều bệnh. Tôi vào bếp nấu cơm cho cả đoàn. Hai trinh sát viên đi liên lạc có thể đã bị bắt và các đồng chí ở Nackor đã không hay biết gì về chúng tôi.
Ngày 23, tôi quyết định phái tổ trinh sát vượt sông Serepok, đi vòng để tránh gặp địch. Ngày 24, cả đoàn không còn gì ăn nữa. Tôi quyết định vào sóc mua một con bê nhưng thổ dân ở đây từ chối, chỉ bán một con bò cái. Đến khi làm thịt, mới biết nó đang có chửa.
Ngày 25, 26, 27, anh em câu vài con cá. Không có mỡ, không có gia vị nên chỉ đem nấu canh me. Ngày 29, đêm qua tôi trằn trọc suốt đêm không ngủ được. Sáng tôi cho người đi mua sắn cũng không được. Hôm nay tôi và một số anh em khác sẽ nhịn ăn để nhường gạo cho những người ốm…

Trưa ngày 29-9-1951, Trung tướng Nguyễn Bình hy sinh, quyển nhật ký kết thúc!
  • Đôi điều...
Cách đây 12 năm, ngày 28-9-1996, Báo SGGP có đăng bài viết của Thiếu tướng Phùng Đình Ấm, nguyên Phó Tư lệnh Mặt trận 479, Phó đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Campuchia, ông trăn trở: “Nên đặt tên Nguyễn Bình cho một con đường ở TPHCM và phải tìm cho được hài cốt Trung tướng Nguyễn Bình như để trả nghĩa với ông”.
Một chiều tháng 2-2000, già làng Kpal Rô Mía, xã Srepok, huyện Se Sai, tỉnh Stung Treng, Campuchia cho biết: Năm 1951 ông từng chôn cất “lục thum” (ông lớn), ông nhớ rõ vì “lục thum” có bốn cái răng vàng và bị hư con mắt bên trái. Trung tướng Phùng Đình Ấm và đoàn tìm kiếm hài cốt Việt Nam reo mừng và đi dọc bờ sông Serepok khoảng 1 km thì tìm được mộ.

Điều cảm động là dù đã gần nửa thế kỷ nhưng ngôi mộ chỉ bị xói mòn thấp đi một ít trong khi cây cối xung quanh không hề phủ lấp chứng tỏ người dân địa phương đã chăm sóc ngôi mộ của “lục thum” rất đàng hoàng. Những vị tướng lĩnh, dân làng Kpal Rô Mía và các sĩ quan Quân đội hoàng gia Campuchia tham gia cuộc tìm kiếm ngót nửa thế kỷ đều xúc động rơi nước mắt.
Như ước vọng của Thiếu tướng Phùng Đình Ấm, hiện nay TPHCM đã có một con đường mang tên Nguyễn Bình kéo dài từ xã Phú Xuân đến xã Nhơn Đức của huyện Nhà Bè. Hài cốt của vị trung tướng lẫy lừng đã được an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ TPHCM.
MINH ANH (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét