Thứ Sáu, 19 tháng 12, 2014

ĐỊA NGỤC TRẦN GIAN 16

(ĐC sưu tầm trên NET)


Những kiểu tra tấn, giết người man rợ và tàn độc

Hà Phương
ANTĐ - Bẻ răng, đốt hạ bộ, nhúng nước sôi, đóng đinh vào đầu, khoét bánh chè khớp gối... là những trò tra tấn dã man nhất, trong số 45 hình thức tra tấn ở Nhà tù Phú Quốc.

Các tù binh cộng sản bị quân Nguỵ đánh bên ngoài Biệt giam B2. Chúng gọi những màn đánh tù binh này nhằm "để máu lưu thông"


Theo mô tả ở Nhà tù Phú Quốc: Quân Nguỵ đã áp dụng trên 45 hình thức tra tấn tù binh từ thời trung cổ cho đến hiện đại ở nhà tù khét tiếng trên hòn đảo tuyệt đẹp này. Mục đích của chúng nhằm phát hiện tổ chức, người lãnh đạo, chủ trương vượt ngục và ép buộc tù binh vào trại sinh hoạt.

Hậu quả, hơn 4000 tù binh bị sát hại trong thời gian hơn 5 năm tồn tại của trại giam (tháng 7-1967 đến tháng 3-1973). Minh chứng bằng những hố chôn tập thể hàng nghìn người và những chiếc đinh 8 đến 12 phân còn găm ở xương đầu, ống chân, bàn chân, đầu gối, cánh tay… các hài cốt được tìm thấy. 

Giữa năm 1968, phong trào đấu tranh của tù binh lên cao, Mỹ - Nguỵ cho xây dựng các biệt giam 2,4,5,6, trong đó biệt giam B2 là biệt giam khủng khiếp và ác liệt nhất. Biệt giam B2 được làm bằng nhiều lớp bùng nhùng, dựng một lớp vỉ sắt bên ngoài và nền cũng lát vỉ sắt, trên phủ bạt, rất nóng và chật trội.

Các chiến sỹ cộng sản bị quân Nguỵ nhốt trong gian biệt giam nóng kinh người, với chằng chịt dây kẽm gai trên đầu...


Diện tích biệt giam chỉ là 27 m2, nhưng khi cao điểm chúng giam tới 180 người. Vì vậy tù binh phải chia ra, nửa nằm, nửa ngồi, còn lúc ngủ phải nằm nghiêng, co chân gác lên vai người trước, một số người thay nhau đứng. Mọi tiểu tiện diễn ra ngay trong phòng giam nên rất hôi thối.

Mỗi ngày chúng phát cho tù binh một ca nước, hai nắm cơm nhỏ và muối hột. Trước mỗi bữa ăn, địch đánh tù binh mỗi người 5-10 gậy, với cái gọi là “ngon miệng” hay “để máu lưu thông”. Địch còn áp dụng nhiều hình thức đánh đập tra khảo tù binh rất dã man. Ban đêm thỉnh thoảng chúng cho mang thùng nước xà phòng hay nước hoà bột tiêu, bột ớt vào tưới lên người tù binh, nói là để cho “tỉnh giấc”. Nhiều tù binh đã chết và thương tật ở đây. Biệt giam thực sự là “địa ngục trần gian”.

Trói tay vào tường và đánh bằng roi là một trong những màn... "nhập trại" đơn giản, nhẹ nhàng nhất

Tù nhân bị quân lính đạp giầy đinh vào bụng, thậm chí bắt ăn phân

Có tù nhân bị chúng trói, dùng ván gỗ và ốc vít để ép vào ngực.
Lại có người bị ép giữa hai tấm ván dày rồi dùng vồ đập



Chúng dã man đóng đinh 12 phân vào đầu, vai, gối... những người cộng sản

Có tù nhân bị chúng dùng mồi lửa đốt vào hạ bộ

Rồi dùng kích điện để tra tấn...

Man rợ dùng thanh gỗ để "đào" răng...

Có tù nhân lại bị trói, bị nilon lên mặt rồi nhỏ nước liên tục khiến không thể thở nổi

Màn tra tấn bằng đèn pha công suất lớn khiến nhiều tù nhân hỏng mắt

Tù nhân cộng sản bị trói trên ống sắt, đốt lửa ở dưới...

Một màn tra tấn kinh dị khác là tống tù nhân vào thùng phuy đầy nước, một tên ấn đầu xuống, một tên dùng vồ đập mạnh vào thành phuy. Tù nhân vừa sặc nước, vừa như vỡ tai, đầy đau đớn.

Nhiều tù nhân máu phun ra khi bị bắt cởi trần, lộn người trên những thanh sắt đầy sắc nhọn

Hình ảnh mô tả một tù nhân bị trói, treo người lên rồi đánh bằng roi và vồ bằng gỗ

Chúng còn dã man cho tù nhân cộng sản vào bao bố (bao tải) rồi đun trên chảo nước...

Tù nhân bị chúng dùng búa, thanh gỗ đục bánh chè đầu gối

Quân Nguỵ còn dã man chôn sống tù nhân giữa trời nắng. Dù chúng đã dùng những màn tra tấn kinh dị, không thể tưởng tượng nổi, giết chết hàng nghìn người, tuy nhiên ý chí của những chiến sĩ cộng sản đã chiến thắng, vượt qua tất cả.

Cuộc vượt ngục huyền thoại ở Phú Quốc

Bác Nguyễn Hà Long cùng 6 anh em chiến sỹ tù Cộng sản tại đảo Phú Quốc (Kiên Giang) chỉ có vỏn vẹn 140 ngày gian khổ để đào 120m hầm vượt ngục. Cuộc vượt ngục thành công và huyền thoại đào 120m hầm để vượt ngục đã gắn với tên tuổi của bác Long cùng các chiến sỹ tù cách mạng Phú Quốc, trở thành nỗi kinh sợ mỗi khi quân địch nhắc đến.

Đào hầm bằng lắp cà mèng đựng cơm
Trong căn nhà nhỏ ven sông Nhuệ, bác Hà Long kể với chúng tôi câu chuyện đào hầm vượt ngục cách đây hơn 40 năm mà dường như mới xảy ra hôm qua…
Từ tháng 4/1965, khi tham gia chiến dịch phá các đồn bốt của địch, bác Long bị thương ở chân. Sau đó, bác bị bắt và bị giam ở nhà tù Đông Nam Bộ. Bác đã bị địch dùng nhiều hình thức tra tấn khác nhau để lấy khẩu cung như: điện giật, cho người vào thùng phi gõ… nhưng người chiến sỹ cách mạng Nguyễn Hà Long không hề run sợ và khuất phục trước những kiểu tra tấn của quân địch. Không lấy được lời khai của người chiến sỹ cách mạng, quân địch chuyển bác Long qua nhiều nhà tù Cây Me, rồi Biên Hòa (Đồng Nai) và đến năm 1967 là nhà tù Phú Quốc.
 

Sau khi chuyển ra nhà tù Phú Quốc được một thời gian. Xuất phát từ ý tưởng một số chiến sỹ ngục tù trong Đà Nẵng đã từng đào hầm vượt ngục, nhưng không thành công. Sau khi nghiên cứu đặc điểm đất ở Phú Quốc có thể đào được hầm để vượt ngục, bác Long cùng các chiến sỹ thấy thời cơ trong trại giam tại Phú Quốc đã đến, do quân địch không cảnh giác. Tuy nhiên, khi tiến hành đào hầm, bác Long cùng các chiến sỹ nhận định công tác bảo vệ là điều quan trọng, để tránh địch phát hiện.
Bác Long cùng các chiến sỹ trong trại giam quyết định chọn ra những người tâm đầu ý hợp, vừa giữ bí mật, tổ chức bảo vệ, rồi tổ chức đào hầm... "Chúng tôi xác định đào hầm phải vượt qua hàng rào bảo vệ của địch thì mới có khả năng an toàn cho anh em chiến sỹ vượt ngục. Còn nếu để quân địch phát hiện khả năng bị giết là rất cao", bác Long bồi hồi nhớ lại.
Khi chuẩn bị đào hầm bác Long cùng anh em đặt ra câu hỏi rằng địa điểm, phương tiện đào hầm như thế nào? "Đêm mùng 9/2/1967, tôi và một vài anh em cắt lắp cà mèng đựng cơm tiến hành đào cửa hầm. Và vị trí đào là ngay tại phòng giam, được kê chiếc phản gỗ cách mặt đất chừng 30cm. Nhưng khi đào, vấn đề đặt ra là đổ đất đi đâu? Khi đào được miệng hầm rộng chừng 30cm, dài 45cm… tôi cùng anh em suy đi tính lại và quyết định trước mắt đưa đất đổ lên luôn ở nền đất trong phòng giam. Và điều kỳ lạ xảy ra là số đất moi dưới hầm lên đổ ra nền đêm hôm trước, nhưng sáng hôm sau trông y hệt nền đất cũ trong phòng giam", bác Long nhớ lại.
Những ngày kế tiếp, bác Long cùng anh em bố trí luân phiên đào hầm, người nào không đào thì canh gác đề phòng địch kiểm tra. Bác Long kể lại: "Cứ 9h đêm, khi địch không tiến hành điểm danh thì anh em tiến hành đào đất. Điều đặc biệt là khi chui xuống hầm không ai mặc quần áo cả. Người thứ nhất đào, người thứ hai dồn đất cho vào túi, còn người thứ 3 đất đi đến đâu thì kéo ra ngoài. Với phương thức đào theo kiểu "sâu đo", cứ 7 - 10m thì đào thêm một hàm ếch và lỗ thông hơi... nên chỉ trong một thời gian ngắn hầm sâu đã hình thành".
Chậm rãi rít hơi thuốc, bác Long lại kể tiếp: "Hầm đào càng sâu thì đất đổ đi càng nhiều và phải tìm cách đổ đất đi. Tôi cùng anh em nghĩ ra cách xin quân địch cho chúng tôi đi đào thêm hố vệ sinh. Lấy cớ đó, anh em tranh thủ chuyển đất hầm đào được ra ngoài mà địch không hề nghi ngờ".
Chính nhờ sự mưu trí, dũng cảm của bác Long cùng các chiến sỹ trong tù, hầm vượt ngục ngày càng vươn dài ra khỏi hàng rào canh gác của quân địch. Cơ hội vượt ngục của anh em ngày càng hiện hữu…
Sự cố sập hầm phải đổ phân để che mắt địch
Một điều kiện khó khăn nữa là khi bác Long cùng anh em không mặc quần áo đào hầm lên trên mặt đất, lại không có nước tắm rửa, toàn thân dính đất cát bẩn bê bết, địch rất dễ phát hiện. Bác Long nghĩ cách xin thêm nước để tắm rửa cho anh em.
Bác Long kể, điều khó khăn nữa là khi hầm đi qua hàng rào bảo vệ của địch thì ban đêm gặp cơn mưa như trút nước ở đảo Phú Quốc. Đến sáng hôm sau anh em phát hiện hầm sập một đoạn, lại ngay bốt canh gác của quân địch. Biết hiểm nguy cận kề, không xử lý kịp thời thì địch phát hiện. Bác Long  nhớ lại: "Tôi cùng anh em nghĩ ra sáng kiến là xin quân địch cho mang thùng vệ sinh của các tù nhân đi đổ vì mùi hôi quá không chịu được...

Mục đích cuối cùng là khiêng ra đúng chỗ hầm sụt lún rồi đổ lên. Trong khi đó, lính địch không hề hay biết. Vì thấy mùi hôi thối quá địch đã quát tháo chúng tôi và bắt lấp đất lại. Thế là anh em được đà đổ đất lên đoạn hầm sụt mà địch không hề nghi ngờ…".
Sau phen "hú vía", bác Long cùng anh em quyết định đào hầm vòng qua đoạn sập về hướng Đông rồi mới đào lên mặt đất. Tuy nhiên, điều không may là đúng khu vực địch dự kiến làm bãi mìn. Và bác Long cùng các chiến sỹ cách  mạng quyết định phải vượt ngục sớm, nếu không địch đặt mìn thì dù có vượt ngục cũng khó mà bảo toàn tính mạng. Khoảng 7h tối 5/1/1968, cửa hầm được mở lên mặt đất và đến 4 rưỡi sáng có 21 chiến sỹ cách mạng cùng bác Long đã thoát ra ngoài.
Đến đầu giờ sáng hôm sau, khi địch điểm danh thấy thiếu 21 người, chúng tổ chức lùng tìm bên trong trại, nhưng không phát hiện được gì. Khi chúng tìm rộng ra thì mới phát hiện được cửa hầm mà các chiến sỹ cách mạng trốn thoát. Quân địch một mặt đàn áp anh em trong tù, mặt khác tổ chức truy tìm anh em ngục tù đã trốn.
Rất may mắn khi thoát ra, bác Long cùng anh em đã trốn trong các khe đá, rừng rậm, gai góc… nên quân địch cũng ngại lùng sục và sau khi địch rút hết, bác Long cùng  anh em chiến sỹ chạy theo hướng An Thới - Hàn Linh để đi vào đất liền. Đến chiều hôm sau, các đơn vị bộ đội địa phương gặp được bác Long và các chiến sỹ cách mạng…
Sau khi đường hầm vượt ngục "huyền thoại" của bác Long cùng các chiến sỹ cách mạng thành công, về sau này quân địch tìm mọi cách để hạn chế đào hầm bằng cách đóng cọc sắt hàng rào sâu tới 2m, rồi làm sân nền xi măng phía ngoài, hoặc cứ 3 -4 tháng chúng tổ chức đảo trại 1 lần…  để chống đào hầm vượt ngục.
Bác Long kể lại, ở nhà tù đảo Phú Quốc tổng số có 39 đợt vượt ngục của các chiến sỹ cách mạng với hơn 240 người thoát ra bằng nhiều hình thức khác nhau. Nhiều cuộc vượt ngục thành công, nhưng cũng có cuộc vượt ngục bị lộ anh em chiến sỹ cách mạnh phải đánh đổi cả tính mạng, tất cả vì mong muốn được tiếp tục chiến đấu giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Mặc dù nay đã ngoài tuổi 70, bác Long vẫn rất minh mẫn và tận tụy với công việc hàng ngày là tham gia Hội cựu chiến binh và rồi chiều chiều bác lại về sum vầy, vui vẻ cùng con cháu... Mặc dù thi thoảng những vết thương của chiến tranh lại tái phát hành hạ nhưng không thể làm lung lay ý chí của người chiến sỹ cách mạng năm xưa.
Bài, ảnh: Nguyễn Hiếu

Thăm lại Sơn La (20/8/2013)

Đến thăm nhà tù Sơn La những ngày cả nước đang sục sôi hào khí kỷ niệm Cách mạng tháng 8, chúng tôi đã hiểu rõ hơn về những chứng tích cách mạng và tinh thần bất khuất của những người cộng sản kiên trung năm xưa. Nén hương thơm được thắp lên cũng là lời tri ân và tưởng nhớ các chiến sĩ đã hy sinh ở nơi này.

Giờ đây, thành phố Sơn La đã trở thành một đô thị giữa rừng núi Tây Bắc. Giữa lòng thành phố đang phát triển đó có ngọn đồi mang tên Khau Cả nằm soi mình bên dòng suối Nậm La. Trên ngọn đồi đó có nhà tù Sơn La do thực dân Pháp xây dựng vào đầu thế kỷ XX để đầy ải các chiến sĩ cộng sản.

Nhà tù Sơn La là nơi lưu giữ chứng tích lịch sử và minh chứng của một thời kỳ lịch sử đấu tranh cách mạng, tinh thần bất khuất của những người cộng sản kiên cường đã bị đầy ải bởi thực dân Pháp giam cầm. Nơi đây đã giam giữ tổng cộng 1.007 lượt tù nhân cộng sản, trong đó có nhiều đồng chí là Thành ủy, Xứ ủy, Ủy viên Trung ương Đảng như Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng, Trần Quốc Hoàn, Lê Đức Thọ, Nguyễn Cơ Thạch, Xuân Thủy, Song Hào...

Giặc Pháp muốn biến nhà tù thành nơi đè bẹp ý chí đấu tranh cách mạng của những chiến sĩ trung kiên, mượn nơi rừng thiêng, nước độc này để thủ tiêu những người cộng sản. Thế nhưng, sự hà khắc, tàn ác của thực dân Pháp không làm nhụt chí những chiến sĩ cộng sản. Cuối năm 1935, với quyết tâm biến chốn tù đày thành nơi rèn luyện ý chí của người cộng sản, tổ chức Hội đồng thống nhất do đồng chí Trường Chinh làm Chủ tịch được bí mật thành lập. 4 năm sau, Chi bộ lâm thời Nhà tù Sơn La được hình thành, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được cử làm Bí thư chi bộ. Tổ chức Đảng được bí mật thành lập đã lãnh đạo các tù nhân ở nhà tù Sơn La khôn khéo đấu tranh để không ra gốc ổi - có nghĩa là đấu tranh để sống trong hàng ngũ, để sống với Đảng, với cách mạng, không phải gửi nắm xương tàn nơi nghĩa địa gốc ổi. Chi bộ Nhà tù Sơn La bắt liên lạc với bên ngoài thông qua hộp thư cây đa bản Hẹo. Nhiều quần chúng tốt được giác ngộ cách mạng, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Tiêu biểu là Lò Văn Giá - một thanh niên người dân tộc Thái đã mưu trí, dũng cảm dẫn đường cho đoàn tù vượt ngục thành công. Hoạt động của Chi bộ Nhà tù Sơn La gắn liền với tên tuổi của nhiều đảng viên cộng sản trung kiên, nổi bật nhất là vai trò của đồng chí Tô Hiệu. 

Cảm phục ý chí kiên cường của những người tù cộng sản bị giam cầm tại nhà tù Sơn La, Bác Hồ đã viết: "Biến cái rủi thành cái may, các đồng chí đã lợi dụng những ngày tháng ở tù để hội họp và học tập lý luận. Một lần nữa, việc đó lại chứng tỏ rằng, chính sách khủng bố cực kỳ dã man của kẻ thù chẳng những không ngăn cản được bước tiến của cách mạng. Mà trái lại nó đã trở nên một thứ lửa thử vàng, nó rèn luyện cho người cách mạng càng thêm cứng rắn…"



Cô hướng dẫn viên của Bảo tàng tỉnh Sơn La đưa chúng tôi vào thăm quan các điểm di tích, nơi đã từng giam giữ những người tù trung kiên của cách mạng. Chẳng hạn như xà lim ngầm bên trên có bể nước để xả nước xuống tra tấn hoặc thủ tiêu các chiến sĩ cộng sản bất cứ lúc nào. Rồi đến xà lim chéo, trại ba gian làm chúng tôi rùng mình căm phẫn vì sự hà khắc, tàn ác của giặc Pháp đối với những chiến sĩ cách mạng của ta. Điển hình là người chiến sĩ cộng sản dân tộc Tày tham gia hoạt động cách mạng rất sớm Đàm Văn Lý, vào Đảng năm 1932, năm 1936 là Châu ủy viên châu Hà Quảng, năm 1939 bị bắt, bị đày lên nhà tù Sơn La. Năm 1940, ông vượt ngục nhưng chẳng may bị bắt lại. Bọn cai ngục đã sát hại ông, chặt đầu bêu trước cổng nhà tù Sơn La để uy hiếp tinh thần các chiến sĩ cộng sản. 

Cô hướng dẫn viên cho chúng tôi biết: Thời Pháp thuộc, cứ mỗi lần nhắc đến Sơn La là người ta thường gắn với cụm từ "lam sơn chướng khí" "rừng thiêng, nước độc". Hồi đó, không riêng gì người tù mà cả những người dân nơi đây thường mắc các căn bệnh như phù thũng, kiết lỵ, thương hàn, sốt rét. Thực dân Pháp lợi dụng sự khắc nghiệt về thời tiết là những trận gió Lào, dịch bệnh làm vũ khí để giết dần, giết mòn tù nhân cộng sản. Chính vì vậy, trong một lá thư mật gửi cho Thống sứ Bắc Kỳ, Công sứ Sơn La Xanhpulôp đã viết: "... Xin ngài cứ tiếp tục gửi chính trị phạm lên Sơn La. Bọn này nếu ở Hỏa Lò là những hạng hung hăng khó trị thì rồi đây lên tới Sơn La, chỉ trong vòng sáu tháng thôi, vi trùng sốt rét sẽ làm cho chúng suy nhược và trở nên hiền hòa".

Đến thăm mhà tù Sơn La những ngày cả nước đang sục sôi hào khí kỷ niệm Cách mạng tháng 8, chúng tôi được nghe kể, tận mắt ngắm nhìn và cảm nhận sự khó khăn, vất vả nhưng rất đỗi vinh quang của những người chiến sĩ cộng sản trong tù đầy đã sáng tạo, tuyên truyền, giác ngộ, nuôi dưỡng lý tưởng cách mạng không chỉ cho những người tù cộng sản mà cho cả những quần chúng yêu nước ở địa phương thời kỳ ấy; cùng thắp nén hương thơm để tri ân và tưởng nhớ các chiến sĩ cách mạng đã hy sinh nơi này để có được ngày Tổng khởi nghĩa tháng Tám của dân tộc thành công…

Trải qua hai trận đánh phá bằng bom của giặc. Lần thứ nhất vào năm 1952, khi rút khỏi Sơn La, thực dân Pháp đã cho máy bay thả bom phá nhà tù nhằm xóa dấu vết bao tội ác trời không dung, đất không tha do bọn chúng gây ra ở địa ngục trần gian. Lần thứ hai vào năm 1965, đế quốc Mỹ khi đánh phá thị xã Sơn La đã thả bom phá hủy phần còn lại của nhà tù Sơn La.... Mặc dù nhà tù Sơn La bị phá huỷ gần hết nhưng như có một phép màu kỳ lạ, cây đào do đồng chí Tô Hiệu gieo trồng bên cửa sổ nơi bị giam giữ vẫn như còn nguyên vẹn. Cây đào tiếp tục bám rễ, vươn cành và nở hoa mỗi dịp Tết đến, Xuân về như một chứng nhân của lịch sử, khẳng định sức sống vĩnh hằng, ý chí quật cường, đấu tranh gian khổ của những con người cộng sản trung kiên, giành độc lập cho dân tộc, cho đất nước.



Hậu duệ của cây đào Tô Hiệu

Sau ngày hòa bình thống nhất, năm 1980, Bảo tàng tỉnh Sơn La bắt đầu tiến hành phục chế lại nhà tù; xây dựng lại một số đoạn tường rào bao quanh, phục chế lại 2 tháp canh, nhà bếp, trại giam lớn, gia cố lại hầm ngầm, xà lim ngầm, xây dựng các bức tường của các phòng giam theo dấu vết của các nền móng cũ. Đặc biệt là cây đào Tô Hiệu và hậu duệ của nó được chăm sóc cẩn thận, nhân giống để trồng ra nhiều nơi.

Hàng năm, tại di tích lịch sử nhà tù Sơn La đã đón tiếp hàng vạn lượt du khách đến tham quan, nghiên cứu, học tập. Mỗi người đến đây không chỉ để được trải nhiệm, hồi tưởng lại cuộc chiến tranh diễn ra hơn một thế kỷ đã qua mà quan trọng hơn là nhắc nhở các thế hệ tiếp nối hãy sống, làm việc và học tập sao cho xứng đáng với những gì mà các bậc tiền bối đã dày công gây dựng cho hôm nay.

Xuân Quảng

Đến Phú Quốc nghe kể về liệt sỹ Nguyễn Đình Xô

Nhà tù Phú Quốc trong ký ức của mỗi chiến sỹ cách mạng đã từng bị bắt và giam giữ tại đây có lẽ không khác địa ngục trần gian. Trong hơn bốn vạn chiến sỹ cách mạng đã ra đi vì đòn thù điên cuồng của kẻ thù, một trong những cái chết thê thảm, bi thương nhất nhưng oanh liệt phải kể đến liệt sỹ Nguyễn Đình Xô, quê xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

Những dòng tiểu sử dài hơn cuộc đời
Nguyễn Đình Xô vào Nam chiến đấu ở chiến trường Gia Lai-Kon Tum từ năm 1965 đến năm 1966 thì bị thương gãy tay phải và bị địch bắt giam mấy tháng ở trại giam Pleiku, sau đó chúng đưa anh và một số đồng chí khác ra giam giữ tại nhà tù Phú Quốc. Năm đó, Nguyễn Đình Xô mới 23 tuổi nhưng đã là Đảng viên cộng sản, sinh hoạt trong chi bộ nhà tù và được cử làm Bí thư Ban chấp hành liên chi đoàn nhà tù phân khu B5. Khi mới bị đày ra Phú Quốc, ở trại A1, anh cùng tập thể tổ chức diệt ác, nhiều kẻ "bán đứng" đồng đội ở trại này đã phải đền tội.
Vì thế, Nguyễn Đình Xô đã rơi vào "tầm ngắm" của bọn cai ngục. Mặc dù vậy, anh cùng các tù nhân trực tiếp tham gia nhiều cuộc đấu tranh tập thể đòi dân sinh, dân chủ, chống lao dịch ở nhà tù Phú Quốc. Thực hiện chủ trương của Đảng ủy nhà lao, nhiều lần anh đã vận động, cùng với các tù nhân đứng lên tố cáo tội ác dã man của chế độ nhà tù Mỹ-Ngụy với các phái đoàn Chữ thập đỏ quốc tế khi họ ra thăm đảo. Nguyễn Đình Xô cùng một số chiến sỹ cách mạng khác bị ghi tên vào "sổ đen" của cai ngục, bị liệt vào danh sách trả thù hèn hạ nhất của nhà tù này.
Tháng 3/1969, anh cùng các đồng chí đấu tranh chống lại chế độ tàn ác của nhà tù, đòi yêu sách chính đáng của tù binh như Công ước Giơ-ne-vơ năm 1949 - quy định nhằm chống đàn áp, đánh đập vô cớ. Đầu tiên, bọn cai ngục có phần nhượng bộ, nhưng không lâu sau, chúng vin cớ và bắt anh Xô cùng 11 đồng chí khác giam giữ tại phòng chiêu hàng (phòng tra tấn đặc biệt - PV) của khu 5 nhằm tra tấn, đánh đập, ép khai ra thành phần, lực lượng, tổ chức bí mật của Đảng, đoàn trong nhà tù.

Tên cai ngục mất nhân tính
Phong trào noi gương liệt sỹ Xô Theo tài liệu PV Người Đưa Tin tìm hiểu, sau cái chết đầy bi tráng của liệt sỹ Xô, Đảng ủy trại tù phân khu 5 lúc đó tổ chức phong trào học tập gương chiến đấu, chịu đựng và anh dũng hy sinh, sẵn sàng chấp nhận cái chết để giữ tròn khí tiết người cách mạng của chiến sỹ Nguyễn Đình Xô - một con người kiên trung bất khuất, một tấm gương sáng trong công cuộc chiến đấu chống lại ngoại xâm, nêu cao tư tưởng, tinh thần của người chiến sỹ cách mạng. Toàn bộ chiến sỹ cách mạng bị giam giữ ở nhà tù Phú Quốc đã lấy cái chết của liệt sỹ Xô nêu cao tinh thần chiến đấu của bản thân, tạo khối đoàn kết mạnh mẽ hơn nữa, cùng nhau đấu tranh chống sự cai trị hà khắc, độc ác của chế độ nhà tù đế quốc.     
Tên thiếu úy Đỗ Ngọc Long, (quê ở Ninh Bình) đi lính Pháp rồi di cư vào Nam làm cai ngục trưởng khu 5. Thời đó, hắn nổi tiếng là tên hung bạo, có "ngón" tra tấn độc ác nhất nhà tù Phú Quốc. Hướng dẫn viên du lịch tên Hương, giọng nhỏ nhẹ giới thiệu: Biết anh Xô là người miền Bắc, thuộc thành phần lãnh đạo chi bộ và đoàn thanh niên trong nhà tù nên tên Long "giành" lấy để tra tấn, mong "lập công lớn" để xu nịnh cấp trên. Tên thiếu úy cai ngục này có dáng vẻ nhỏ thó, bệnh hoạn của kẻ ăn chơi trác táng. Anh em tù binh thường bảo hắn có tâm hồn "máu cá".
Hôm đó, với vẻ mặt đằng đằng sát khí, hắn lạnh lùng thản nhiên lấy còng số 8 còng chặt hai tay và hai chân anh Xô vào bàn ghế, rồi lấy những chiếc đinh ghim giấy dài chừng 3 phân, lần lượt đóng vào đầu ngón tay anh Xô. Mỗi lần chuẩn bị đóng, tên cai ngục ác ôn hỏi: "Mày có phải là lãnh đạo Đảng trong nhà tù không?". Anh Xô trả lời dứt khoát: "Không". Cứ thế, cho đến ngón tay thứ 6 thì anh ngất đi, hắn vẫn thản nhiên đóng đinh đến ngón thứ 10. Chờ cho anh tỉnh lại, tên này lấy sợi chỉ dài khoảng 50 phân, một đầu gắn vào những tờ giấy pơ-luya trắng, một đầu buộc vào mấu đinh còn nhô lên trên các đầu ngón tay anh Xô.
Sau đó, chúng bật quạt máy siêu tốc, những tờ giấy bay liệng như diều mang theo cả những giọt máu đỏ thẫm, những chiếc đinh cứ động đậy, quay từ từ, máu loang đỏ cả mặt bàn, có những chiếc đinh bị găm chặt quá, máu không tuôn ra được thì làm cho cả ngón tay anh Xô tím lại, đen sì. Anh Xô vẫn quyết không khai, dù mặt đã tái nhợt lại vì đau đớn.
Tên ác ôn lại hỏi: "Mày có khai không?", lần nay thì anh không nói, chỉ lắc đầu. Tên thiếu úy mất nhân tính hướng về phía bàn dụng cụ tra tấn rồi nở nụ cười nham hiểm và buông thõng một chữ: "Được!". Hắn từ từ ra bàn tra tấn lấy một chiếc kìm, sau đó tháo cùm tay chân cho anh Xô. Hắn đưa anh chiếc kìm sắt và ép anh tự rút đinh ra khỏi đầu ngón tay của mình. Tên thiếu úy vẫn nghĩ rằng, ý chí người cộng sản dù quật cường đến đâu cũng gục ngã bởi thủ đoạn tra tấn của hắn. Thế nhưng, hắn đã lầm. Anh Xô lúc đó toàn thân đau đớn, phần nhạy cảm dưới rỉ máu, 10 ngón tay tê buốt nhưng vẫn thản nhiên cầm kìm, từ tốn rút từng chiếc đinh ngay trước mắt kẻ địch. Máu cứ thế tuôn ra nhưng anh vẫn không một lời kêu rên. Tên Long đổi giọng hỏi anh: "Ông có đau không?". Anh Xô quắc mắt nhìn thẳng vào tên bán nước, thản nhiên chìa hai bàn tay đầy máu ra phía trước mà không thèm đáp lại.
Với chủ trương "thà giết nhầm còn hơn bỏ sót", tên thiếu úy này không buông tha anh. Hắn dùng đòn tra tấn hèn hạ nhất, bắt anh liếm hết chỗ máu đang loang lổ trên sàn. Người chiến sỹ cách mạng không hề nao núng, anh cúi xuống với dáng người mệt mỏi, từ từ liếm mấy cái rồi bất thình lình phun cả máu và nước bọt thẳng vào mặt tên thiếu úy ác ôn, rồi buông câu nói gọn lỏn: "Đồ chó sói".
Lời hướng dẫn viên Hương vang vọng: "Sự hy sinh anh dũng của Nguyễn Đình Xô như một giọt nước tràn ly, toàn trại tù B5 vùng lên đấu tranh tuyệt thực, chống đánh đập, đàn áp tù binh và đòi được mai táng và truy điệu anh Xô chu đáo. Lúc đó Bộ chỉ huy trại giam Phú Quốc đã phải nhượng bộ, cử người đến xin lỗi, chấp nhận những yêu sách mà trại tù B5 đề ra. Vài tên lính quân cảnh chứng kiến sự tra tấn tàn ác, hiểm độc, vô nhân tính đối với anh Xô đã phải thốt lên: "Chúng tôi không hiểu, không thích cộng sản các ông, nhưng với ông Xô chúng tôi xin chắp tay bái phục!".                                                
Bảo Long

Ký ức oai hùng về những ngày sống ở 'địa ngục trần gian'

Bị giam cầm gần 5 năm tại các trại giam - nhà tù Côn Đảo, người chiến sĩ cách mạng trở về với "kỷ niệm" là nhiều vết thương từ đòn tra tấn cực hình của địch.

Người lính "Cộng sản ba không"
Chiến tranh đã lùi xa, song với ông Phùng Quốc Triệu (xã Phú Phương, huyện Ba Vì, Hà Nội)- cựu tù Côn Đảo, mỗi chi tiết nhỏ của ký ức ngày nào vẫn như mới xảy ra ngày hôm qua, thiêng liêng và nguyên vẹn. Ông nhớ lại: "Tôi vẫn nhớ như in những ngày tháng khổ nhục bị đầy ải, tra tấn dã man ở nhà tù Côn Đảo. Những năm tháng đã ăn hằn trong trí và nằm lòng tôi. Giờ lục lại quá khứ, tôi nhớ không ít đồng đội của mình đã không có cơ may sống sót trở về đoàn tụ với gia đình...".
Trò chuyện với PV, ông Triệu cho biết, tháng 5/1965 ông bắt đầu nhập ngũ ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Theo tiếng gọi của mặt trận miền Nam, tháng 1/1967, ông cùng với hàng triệu thanh niên lên đường vào Nam chiến đấu. Sau 3 tháng hành quân và huấn luyện, tháng 4/1967, ông đảm nhận nhiệm vụ tiểu đội trưởng làm nhiệm vụ giữ thông tin liên lạc cho các đơn vị tham gia chiến đấu tại đơn vị 208A (bộ phận tên lửa DKB), làng 2, công trường 9, miền Đông Nam Bộ.
Khi ấy, sân bay Đồng Dù và Tân Sơn Nhất là mặt trận mà ông Triệu cùng các đồng đội phải đảm bảo thông suốt thông tin liên lạc. Khi đang chiến đấu tại sân bay Tân Sơn Nhất chuẩn bị cho trận đánh tết Mậu Thân 1968, bất ngờ, đơn vị ông bị trúng pháo, sập hầm. Ông và một số đồng đội may mắn sống sót nhưng lại rơi vào tay của quân ngụy. Chúng bắt ông cùng những người lính khác về giam giữ ở phòng Nhì, Sài Gòn. Ở đây, lính ngụy sử dụng nhiều hình thức tra tấn dã man hòng bắt ông khai nhận những tin tức về hành trình di chuyển của quân ta từ Tây Ninh xuống Sài Gòn.
Trong những đòn tra tấn dã man mà ông đã từng nếm trải, ông Triệu không thể nào quên "đòn" tra tấn hiểm ác bằng việc dùng điện gí vào tai, thậm chí chúng còn cho ông vào thùng phi, đổ đầy nước lấy gậy đập mạnh phía ngoài thùng phi khiến cho ông bị sức ép, đau tim và hộc máu. Sau chuỗi ngày tra tấn, chúng không khai thác được thông tin gì và quy ông là "Cộng sản 3 không" (không biết, không thấy, không nói-PV) và tiếp tục giam giữ, tra tấn.
Sống trong "địa ngục trần gian"
Ngày 17/8, ông Triệu bị dẫn giải từ phòng Nhì, Sài Gòn ra giam giữ tại trại giam Biên Hòa. Thời gian ngắn ngủi ở đây, ông Triệu được "tạm tha" không bị tra tấn. Ngày 30/8, ông Triệu bị đày ra Côn Đảo. Với ông, đó là những ngày tháng sống ở "địa ngục trần gian". Hằng ngày, ông và những người đồng đội bị quân địch tra tấn bằng hình phạt nhốt vào chuồng cọp. Nói đến đây, giọng ông Triệu lạc đi. Những hình ảnh về khu chuồng cọp bao quanh bằng dây thép gai, căn phòng chật chội lại ùa về trong ký ức của ông. Bất cứ ai bị nhốt vào chuồng cọp đều phải chịu cảnh đứng không đứng được, ngồi không ngồi được.
"Gần một tháng phải sống trong chuồng cọp kẽm gai, toàn bộ mảng da ở lưng của tôi bị phồng rộp, các bệnh về da thì tôi đã từng mắc phải và cũng chẳng còn nhớ nổi là mình đã bị những bệnh gì nữa. Mỗi ngày, chúng tôi đều ăn, ngủ, đi lại trong chiếc chuồng cọp đó dưới sự giám sát 24/24 của những tên cai ngục. Chỉ lúc được dẫn đi nhà xí là lúc chúng tôi cảm thấy thoải mái nhất, là được đứng thẳng", ông Triệu nhớ lại.
Trong tâm trí ông Triệu, ngày 30/8/1968 vẫn còn hằn sâu. Đó là ngày ông bị quân Ngụy dẫn giải ra nhà tù Côn Đảo (Phú Quốc). Ông bảo lúc bị dẫn giải đi cũng chỉ nghĩ chúng chuyển nhà lao, ít ai nghĩ rằng đó là thời điểm bắt đầu cho gần 5 năm biệt tích ở nhà lao được coi là "địa ngục trần gian", có đi mà không có ngày trở về. Tại nhà tù Côn Đảo, ông Triệu đã nếm trải đủ ngón đòn tra tấn dã man chỉ có trong thời trung cổ. Chúng đánh đập, nhốt vào chuồng cọp, rải vôi sống, cho phơi nắng sương nhiều tuần liền nhằm mục đích bắt những người tham gia cách mạng ký đơn xin tự ly khai.
Ông Triệu nhớ lại, vào năm 1968, chúng đưa ra nhiều chiêu bài để chiêu hồi các chiến sĩ cách mạng, nhất là những chiến sĩ đang bị bắt giam tại nhà tù Côn Đảo. Chúng đưa ra cam kết xin ly khai, từ bỏ đấu tranh cách mạng để hưởng được những chính sách đãi ngộ do chúng đưa ra, đồng thời có thể sớm trở về đoàn tụ cùng gia đình. Biết được ý đồ thâm độc của chế độ ngụy quyền, nên các tù nhân ở Côn Đảo đã dấy lên phong trào chống ly khai ngay tại nhà tù.
Lúc bị giam ở nhà tù Côn Đảo, ông và các bạn tù cùng phòng đã bàn kế hoạch đào hầm qua hàng rào để có cơ may sống sót. Cả phòng tù gần 100 con người, chờ đợi những đêm mưa rào, ông cùng bạn tù mang nắp của những chiếc cà mèng (nắp cặp lồng-PV) ra cặm cụi đào đất. Sau đó tung ra ngoài trời mưa, những nắm đất cát dễ dàng bị nước mưa cuốn trôi. Nhờ đó, mà hành động của chúng tôi không bị lính và những tên cai ngục phát hiện.
7 ngày chứng kiến bạn tù bị phơi xác
Khi kế hoạch đào hầm vượt ngục vẫn đang dang dở, thì có một tù nhân vượt ngục bị bọn lính ngụy bắt được. Cai ngục làm riết, nhất cử nhất động của những cựu tù khi ấy đều không lọt qua tầm ngắm của chúng. Nói đến đây, giọng ông Triệu bỗng nghẹn lại, ông mường tượng ra cảnh người bạn tù bị bắn chết khi đang tìm cách thoát khỏi hàng rào thép. "Hòng dập tắt ý chí đấu tranh của các tù nhân bị giam giữ, những tên cai ngục mang xác của tù nhân đó phơi giữa sân nhà tù đúng một tuần để làm gương răn các tù nhân khác. Hàng ngày, chúng lùa chúng tôi ra nhìn cái xác nằm trơ trơ giữa cái oi nóng và những trận mưa rào của mảnh đất Côn Đảo này", ông Triệu mắt hoe đỏ nói:
Để dập tắt phong trào cách mạng, phong trào đấu tranh của các tù nhân bị giam giữ tại hệ thống nhà tù Côn Đảo, kẻ địch đã dùng nhiều thủ đoạn, từ dụ dỗ đến dùng cực hình nhằm cho lực lượng theo cách mạng nhụt chí từ bỏ sự nghiệp đấu tranh vì lý tưởng cách mạng, thống nhất đất nước.
Thế nhưng, dẫu chứng kiến cảnh bạn tù bị bắn chết, phơi xác và chịu đựng nỗi đau đớn của đòn roi, các hình phạt tàn bạo trong trại giam, tin tức về những cuộc vượt ngục thành công của các đồng đội khiến ông Triệu và hàng nghìn người lính khác phấn chấn, hy vọng vào những cuộc vượt ngục thành công tiếp theo.
Theo lời kể của ông Triệu, một trong những cơ hội tốt nhất với những ai "nuôi" ý định trốn khỏi nhà tù Côn Đảo là việc đi đổ những thùng phi phân thải. Ở mỗi nhà xí của nhà tù Côn Đảo đều có những thùng phi đựng chất thải. Mỗi lần đi đổ, chúng cần phải có hai người khiêng một thùng. Ông Triệu kể rằng: "Một lần, có 10 người khiêng 5 thùng phi ra ngoài đổ, trong lúc nghỉ giải lao, một người tù đã giả vờ xin chút lửa của những tên cai. Nhanh như chớp, các tù nhân cướp súng và trốn vào rừng. Những tin tức trốn thoát của bạn tù khiến tôi và các bạn tù khác trong lòng luôn nuôi một khát khao cháy bỏng là sẽ thoát ra khỏi trốn "địa ngục" này để quay trở về hàng ngũ chiến đấu cùng các đồng đội, đồng chí".
Sau khi ra Bắc, ông được chuyển đi điều trị các vết thương. Trở về quê hương với thương tật 1/3 cơ thể, ông đi học lớp nghiệp vụ về điện và công tác tại đài phát thanh 273 (đài phát thanh Đông Dương- tại thôn Lễ Khê, xã Xuân Sơn, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Sơn Bình (cũ)-PV). Đến năm 1983, do các vết thương từ chiến tranh khiến sức khỏe ông giảm sút, ông về nghỉ hưu sớm.
Câu chuyện mà ông Triệu kể cho chúng tôi nghe đan xen nhiều cảm xúc, ông nhắc nhiều đến cô con gái út đang sống trong xóm chạy thận (ở phố Lê Thanh Nghị, Hà Nội). Với ông Triệu, những năm tháng cuối đời, ông lại đang tiếp tục "chiến đấu" để giành lại sự sống cho con. Dẫu ông biết rằng, hy vọng rất mong manh...       
Ký ức ở bến sông Thạch Hãn Sau khi Hiệp định Pari được ký kết vào 27/1/1973, những số tù nhân như ông Triệu ở Côn Đảo được trao trả. Trong tâm trí ông Triệu, ký ức về thời khắc lịch sử ở bến sông Thạch Hãn (Quảng Trị) vào tháng 2/1973 như mới xảy ra ngày hôm qua. "Tôi còn nhớ, khi những chiếc thuyền chở chúng tôi chưa đến bến ở bờ phía Bắc của sông Thạch Hãn, tất cả anh em đã nhảy xuống nước, chạy ùa vào bờ. Chúng tôi cởi áo, vui mừng khôn siết. Nó cảm giác như một lần nữa được sinh ra. Chúng tôi ôm hôn, khóc trên vai nhau như những người thân trong gia đình đã lâu không gặp lại", ông Triệu chia sẻ.
Hương Lan- Đỗ Thơm

Người anh hùng 3 lần bị giặc cưa chân ở "địa ngục trần gian"

Chúng tôi may mắn được trò chuyện với ông Nguyễn Tài Triệu, người cựu binh đã bị địch bắt và bỏ mặc với vết thương hoại tử phải 3 lần cưa chân đến háng nhưng vẫn một lòng kiên trung với lý tưởng cách mạng.

Trong tiết trời ấm áp của tháng 3 Hà Nội, Ban liên lạc Trại giam tù binh Phú Quốc đã tổ chức cuộc gặp mặt đầy xúc động với gần 1.300 cựu tù nhân cộng sản là người Hà Nội đã từng bị địch giam giữ tại nhà tù Phú Quốc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. 40 năm đã trôi qua, nhưng câu chuyện phi thường về những con người dạ sắt, gan vàng tại "địa ngục trần gian" vẫn khiến chúng ta cảm phục.
Chúng tôi may mắn được trò chuyện với ông Nguyễn Tài Triệu, người cựu binh đã bị địch bắt và bỏ mặc với vết thương hoại tử phải 3 lần cưa chân đến háng nhưng vẫn một lòng kiên trung với lý tưởng cách mạng.
Người cựu tù binh năm xưa giờ đã ngoại lục tuần. Dù bước đi đã chậm chạp và khó khăn, đôi tai nghe không còn rõ, nhưng ông vẫn nhiệt tình, hào hứng kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời làm lính của mình.
 

3 lần bị cưa chân khi chưa đầy 20 tuổi
Tháng 5.1965, chàng thanh niên Hà Nội Nguyễn Tài Triệu, khi ấy mới 16 tuổi, đã trốn bố mẹ, khai tăng 2 tuổi để được đi bộ đội theo phong trào "Ba sẵn sàng". Sau khi nhập ngũ, ông Triệu được điều về đơn vị pháo cối 120 và hành quân vào Nam chiến đấu. Tháng 6.1966, ông đã bị bắt trong trận đánh ấp Hòa Trị, thị xã Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên với vết thương giập đầu gối.
Ông Triệu nhớ lại những ngày tháng gian khổ ấy: "Tôi bị thương nặng, mảnh rốc-két phạt vào bắp vế chân phải. Xương mác gãy nát nhưng xương ống chân vẫn còn nguyên. Máu ra nhiều, tôi ngất xỉu. Mãi đến khi tụi lính địch dùng câu liêm có cán dài, móc vào người kéo tôi, tôi mới tỉnh lại và biết mình đã bị địch bắt.
Trực thăng chở tôi về thị xã Phú Yên. Địch để tôi nằm trên băng-ca, đưa vào một căn phòng nhỏ, tối và ẩm thấp. Chúng "ga-rô" chân phải của tôi bằng một sợi dây cao su cắt từ chiếc săm xe đạp cũ. Bị thương nặng, bị đánh, không còn sức giãy giụa nên tôi lịm dần. Sau đó, chúng cho người đến tiêm thuốc.
Tỉnh lại, chúng lại tiếp tục tra hỏi nhưng tôi chỉ trả lời một câu duy nhất: "Không biết". Không khai thác được gì, chúng "ga-rô" chân tôi cho tới ngày hôm sau, vết thương bị nhiễm trùng nặng, bị hoại tử. Chân phải của tôi đã bị cưa tới 3 lần, cụt gần đến háng.
Tháng rưỡi sau, khi vết thương còn mưng mủ, địch đã tống tôi vào tù - nơi mà chúng gọi là trại tù phiến cộng Hố Nai - Biên Hòa. Lúc đó là tháng 7.1967, tôi chưa đầy 20 tuổi".
Tại đây, dù không biết ngoại ngữ nhưng ông đã thuộc lòng câu tiếng Anh "bồi" "Tôi là người tù binh" để đấu tranh trực diện với các sĩ quan tâm lý chiến ngụy và các cố vấn Mỹ, bắt địch phải công nhận ông và đồng đội là tù binh và được hưởng quy chế tù binh.
Qua thử thách, rèn luyện trong công tác, đấu tranh tại lao tù, ông Triệu đã được tổ chức tin tưởng, bố trí giao nhiệm vụ làm liên lạc cho Đảng ủy ở khu A, khu B nhà tù Hố Nai - Biên Hòa và phân khu D9 - nhà tù Phú Quốc.
Trong thời gian đó, ông cùng đồng đội chống việc bị địch đàn áp, chống chào cờ, chống gọi là tù phiến cộng (chưa được coi là tù binh và bị địch đối xử như với loài súc vật), chống việc làm công trình quốc phòng… Mỗi lần đấu tranh là một lần bị địch tra tấn và đã có rất nhiều người đổ máu.
  
 
Ông Triệu bồi hồi nhớ lại: "Đến giây phút cuối cùng của cuộc đời, chắc chắn tôi vẫn nhớ rõ như in buổi kết nạp Đảng đặc biệt tại B18 (phòng 18) khu A nhà tù Hố Nai. Sáng ngày 20.7.1970, lễ kết nạp Đảng cho tôi diễn ra chỉ trong vài phút với đầy đủ các nghi lễ nhưng nói ngắn gọn bằng miệng.
Để giữ bí mật, chúng tôi phải nằm ngửa trên nền bê-tông, dưới gầm sạp cao 0,5 mét so với nền nhà, phía trên là lá cờ búa liềm được vẽ bằng than. Lúc đấy, tôi vô cùng xúc động, tự hào vì được trở thành Đảng viên. Tôi đã giơ tay thề trước cờ Đảng: "Hy sinh đến giây phút cuối cùng vì Đảng, vì dân".
Nước mắt ngày trở về
Ngày 15.2.1973, sau 6 năm bị tù đày, ông Triệu đã được trao trả tự do tại sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị. Sau ngày đất nước thống nhất, ông làm việc tại Nhà in Ngân hàng cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2007.
Ông tâm sự: "Năm 1973, tôi ra tù, lúc đó mới có 24 tuổi, đi khám bác sĩ bảo chân của tôi ngắn quá nên không lắp được chân giả. Lúc đó, tôi thực sự thấy buồn, thấy lo lắng vì không biết có đi lại được không. Về sau, khi đã dần hòa nhập với cuộc sống, nỗi đau cũng nguôi ngoai".
Những thương tích của chiến tranh để lại khiến cho những bước đi của ông phần nào gặp khó khăn. Tuy vậy, ông vẫn phụ giúp vợ làm việc nhà và trông mấy đứa cháu ngoại giúp con gái. Ông cười bảo đó là niềm hạnh phúc rất giản dị của những người đã bước vào tuổi ngoại lục tuần.
Vợ ông là bà Hoàng Thị Oanh - một phụ nữ Hà Nội hiền lành ở Thanh Xuân, Hà Nội. Bà đã cùng ông chịu đựng những ngày gian khó để nuôi dạy các con nên người, chăm sóc ông những lúc trái gió trở trời bị vết thương hành hạ.
Bà chia sẻ: "Hồi đó, chúng tôi làm việc cùng cơ quan, thấy hợp nhau nên quyết định làm đám cưới. Nhiều khi nghĩ lại thấy đó cũng là cái duyên, cái số. Thời của chúng tôi sao biết thế nào là yêu, về ở với nhau chỉ cốt làm sao sống cho trọn vẹn nghĩa tình để có một gia đình hạnh phúc".
Sau 37 năm chung sống, ông bà đã có với nhau 2 người con gái. Cả hai đều đã lập gia đình. Giờ đây, trong căn nhà nhỏ được bày biện đơn sơ của hai vợ chồng ông tràn ngập tiếng cười vui của các con, các cháu.
Nhìn đứa cháu sà vào lòng ông ngoại nghe ông kể chuyện, chúng tôi thấy rõ nét hạnh phúc rạng rỡ trên khuôn mặt của người cựu binh này. Hy sinh cả tuổi thanh xuân cho cách mạng, ông Triệu không đòi hỏi gì cho bản thân. Ông chỉ luôn tâm niệm một điều là mong sao thế hệ thanh niên hôm nay và mai sau có thể hiểu, trân trọng và phát huy được tinh thần đấu tranh kiên cường của thế hệ cha anh đã chiến đấu anh dũng tại nhà tù Phú Quốc năm xưa.
Nhà tù Phú Quốc - "địa ngục trần gian"
Chỉ trong vòng 6 năm, từ năm 1967 - 1973, nhà tù này đã giam giữ gần 40.000 lượt tù binh là những chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang và cán bộ hoạt động cách mạng.
Phần lớn những chiến sĩ bị tù đày ở đây đã vượt qua mọi thủ đoạn tra tấn dã man của kẻ thù, đấu tranh kiên cường cho đến ngày trở về trong tư thế hiên ngang của người chiến thắng.
Tại nơi đây, hơn 4.000 người đã bị kẻ địch sát hại, anh dũng ngã xuống với khí phách hiên ngang, ý chí cách mạng kiên cường.
Thực hiện Hiệp định Paris, từ ngày 15.3.1973, chính quyền Sài Gòn buộc phải thực hiện việc trao trả tù binh Phú Quốc và đó cũng là ngày đánh dấu cảnh "địa ngục trần gian" tại hòn đảo này vĩnh viễn bị xóa tên.
Theo Dòng Đời


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét