Thứ Hai, 15 tháng 12, 2014

ĐỊA NGỤC TRẦN GIAN 12

(ĐC sưu tầm trên NET)



Kẻ sát nhân ở nhà tù Tuol Sleng (Phần 1)
QĐND - Thứ sáu, 27/12/2013 | 10:31 GMT+7
QĐND Online - Phiên tòa xử các cựu thành viên của Khơ-me Đỏ tại Campuchia đã diễn ra. Người đầu tiên phải ra trước vành móng ngựa là Kaing Guek Eav- tên thường gọi là Duch- từng là chỉ huy trại tù khét tiếng Tuol Sleng (S21). Duch đã nhận được bản án thích đáng với những tội ác chống lại nhân loại mà y đã gây ra. QĐND Online xin giới thiệu tới bạn đọc hành trình phát hiện và vạch mặt “Tên đồ tể của Pôn Pốt này theo hồi ức của nhà báo Anh Nic Dunlop.
Đại diện cho cỗ máy giết người hàng loạt
Hắn thường nhìn thẳng vào người đối diện. Đôi mắt hắn toát ra sự tin cậy, nhưng khi hắn cười thì sự tin cậy dường như tan biến đâu mất. Đối với nhiều người, Duch không hề xa lạ, hắn chính là người thường xuyên ngồi bên cạnh chiếc micro trong các buổi họp quan trọng của Khơ-me Đỏ.
Tôi nhìn vào tấm ảnh Duch và tự hỏi hắn đang nói gì ở thời điểm đó. Có thể hắn đang trình bày trước các thành viên cao cấp của tổ chức về sự trong sạch của cách mạng, của Khơ-me Đỏ hoặc có thể là đang “lên lớp” họ để họ không cảm thấy hối hận vì các hành động tội ác đã gây ra đối với nhân dân Campuchia.
Duch là chỉ huy của nhà tù Tuol Sleng trong suốt thời Khơ-me Đỏ nắm quyền từ 1975 tới 1979, giai đoạn mà hơn 2 triệu người dân Campuchia đã bị giết vì kiệt sức, bệnh tật, đói khát và hành hình.
Là người đứng đầu cơ quan thẩm vấn, y trực tiếp thẩm vấn và xử tử hơn 20.000 người, bao gồm cả đàn ông, phụ nữ và trẻ nhỏ. Duch là điển hình cho chiến lược của Khơ-me Đỏ và những cỗ máy giết người hàng loạt tàn bạo hơn thời trung cổ. Người ta coi Duch như là tên đồ tể của Pôn Pốt.
Những gì còn lại của nhà tù Toul Sleng sau khi Khơ-me Đỏ rút chạy khỏi Phnôm Pênh
Hình ảnh tù nhân được đánh số và quản lý một cách khoa học theo "sáng kiến" của tên Duch. Họ thường được "quản lý" theo dạng một bức ảnh khi vào tù và một bức ảnh chụp cảnh hành quyết hoặc những phần thân thể còn lại.
Một số dụng cụ tra tấn tại Tuol Sleng.
Nhà tù Tuol Sleng trước khi là “lò sát sinh” Khơ-me Đỏ từng là một trường trung học ở trung tâm thủ đô Phnôm Pênh. Nhà tù này hiện là viện bảo tàng trưng bày tội ác dã man và hình ảnh các nạn nhân của Duch ở ngay trong các căn phòng tù nhân từng bị giam giữ. Tại đây còn lưu trữ hàng nghìn trang tài liệu về các vụ hành quyết, các phương thức tra tấn tù nhân tàn độc theo lệnh của Duch. Hắn tàn bạo đến mức khi một quản ngục hỏi phải làm gì với 9 đứa trẻ hiện đang bị giam giữ tại đây, Duch thét lên: “Giết chúng đi!”.
Năm 1989, tôi đến Campuchia lần đầu tiên và đã gắn bó với quốc gia này 10 năm sau đó. Mỗi lần đến Phnôm Pênh, tôi đều đến thăm nhà tù Tuol Sleng. Khi quan sát kỹ các bức ảnh nạn nhân của Duch, tôi đặc biệt quan sát kỹ khuôn mặt họ và hình dung chuyện gì đã xảy ra. Mỗi khi đến làm việc ở quốc gia  Đông Nam Á này, tôi đều viếng thăm các “cánh đồng chết” và chụp một vài bức ảnh làm kỉ niệm.
Tôi biết đến những bức ảnh về Duch khi còn đang học trung học, nhưng chúng chỉ thoảng qua trong tôi và bị lãng quên nhanh chóng. Dường như chúng thuộc về thế giới đã bị quên lãng ở một nơi xa lạ nào đó. Tuy nhiên, bây giờ lại khác, khi được nghe kể và chứng kiến tội ác dã man của chế độ diệt chủng Khơ-me Đỏ, tôi bắt đầu quan tâm tới Duch ở mọi nơi từng đặt chân.
Manh mối
Sau khi nội chiến chấm dứt năm 1998, một phần đất nước Campuchia đã được mở cửa với thế giới. Tôi cho rằng với tấm hình của Duch trong tay sẽ rất dễ dàng tìm thấy y vì Duch quá nổi tiếng, nhưng mỗi khi tôi hỏi, mọi người đều lảng tránh hay trả lời một các miễn cưỡng vì nhắc tới y là nói đến một con người đáng bị lãng quên.
Có rất nhiều tin đồn về Duch. Lúc thì người ta nói hắn đã chết, lúc thì cho là y đã đổi tên và làm việc cho một tổ chức cứu trợ quốc tế. Đầu năm 1999, theo chân một đội rà phá bom mìn, tôi đi vào vùng Sam-lốt, nơi từng nằm dưới quyền kiểm soát của Khơ-me Đỏ. Khi các thành viên của đội ngồi nói chuyện với già làng địa phương, tôi lang thang đến gần nhóm người nằm trên võng bên cạnh Ủy ban hành chính của địa phương.
Khi tôi đang nói chuyện với một cựu binh Khơ-me Đỏ, thì bỗng xuất hiện một người người đàn ông có vóc dáng nhỏ và săn chắc, mặc một áo phông trắng trên có biểu tượng của tổ chức cứu trợ ARC (Ủy ban Tỵ nạn Mỹ). Anh ta bắt tay và tự giới thiệu bản thân bằng một giọng tiếng Anh chuẩn rằng tên anh ta là Hang Pin, một tín đồ Thiên chúa giáo. Anh ta làm cho ARC từ năm 1997.
Anh ta tỏ vẻ rất quan tâm đến chiếc máy ảnh Leica của tôi và hỏi nó đáng giá bao nhiêu tiền. Anh ta muốn tôi chụp ảnh cho mọi người trong nhóm. Tôi lướt ống kính qua anh ta. Khuôn mặt với chiếc mũi to, răng đen, mái tóc ngắn rất giống với tấm ảnh mà tôi giữ trong ví. Không thể nhầm được, Hang Pin chính là Duch.
Trại tù khủng khiếp mang mật danh S-21
Bức ảnh đầu tiên về nhà tù Tuol Sleng được công bố trên thế giới do nhà quay phim Hồ Văn Tây ghi lại được. Ngày 7-1-1979, hành quân cùng Quân tình nguyện Việt Nam truy đuổi Khơ-me Đỏ đã tan rã và bỏ chạy, Hồ Văn Tây đã có may mắn tiến vào thủ đô Phnôm Pênh đầu tiên.
Khi nhà quay phim Hồ Văn Tây đi sâu vào trong thành phố, anh nhìn thấy trên đường đầy rẫy mảnh vụn của các toà nhà bị cướp phá, đèn giao thông luôn đỏ, xe cộ xếp hàng dài trên đường. Máy giặt, tủ lạnh và các thứ đồ “phản động” khác nằm lay lắt trên những con phố vắng tanh. Trong ngân hàng, những tờ ngân phiếu nằm yên trên quầy thu ngân, chủ nhân của chúng bỏ lại vì tiền bạc đã không còn giá trị kể từ 14-4-1975.
Khi qua cầu Monivong, anh này bỗng ngửi thấy một mùi “hôi thối khủng khiếp” từ một nơi nào đó. Lần theo mùi hôi thối, Hồ Văn Tây đến một khu phòng học. Trên lối vào có khẩu hiệu “Củng cố tinh thần cách mạng”. Đây chính là cổng của trại thẩm vấn Tuol Sleng. Nhìn qua của sổ, phóng viên Tây phát hiện ra nguồn gốc của mùi hôi là những xác chết đang thối rữa nằm trên chiếc giường sắt. Tài liệu rơi vãi khắp nơi lẫn vào giữa những đám bầy nhầy của da thịt người đang thối rữa. Những vũng máu chưa khô và những dụng cụ tra tấn nằm trên bàn. Ở một căn phòng, Hồ Văn Tây còn thấy thấy một bức tượng bán thân của Pôn Pốt. Anh bước qua những xác chết, vừa đi vừa bắt đầu chụp ảnh.
Dưới thời Khơ-me Đỏ, Phnôm Pênh là thành phố ma. Sau khi quân đội Khơ-me Đỏ tiến vào thủ đô, chính quyền  mới được thiết lập và tuyên bố bắt đầu từ năm 1975 sẽ chính là “Năm số không” của nhà nước Khơ-me Đỏ. Chúng bắt đầu trục xuất toàn bộ dân chúng ra khỏi các đô thị.
Tôi tới nhà tù Tuol Sleng 10 năm sau nhà quay phim Hồ Văn Tây. Lúc này, ở cổng vào chỉ có vài người hướng dẫn với tôi. Tôi đến căn phòng mà Hồ Văn Tây đã đến năm xưa. Ở đó vẫn còn một trong những chiếc giường sắt ngày trước nhưng bên trên treo tấm ảnh Hồ Văn Tây chụp một xác chết đang phân huỷ.
Với sự giúp đỡ của chính phủ Việt Nam, năm 1980, Tuol Sleng đã trở thành viện bảo tàng trưng bày tội ác chiến tranh và mở của cho người vào tham quan. Khu nhà đầu tiên là khu A, nơi có phòng “thẩm tra” và giam giữ các tù nhân quan trọng. Tầng trệt của Khu B và Khu C là nơi những phạm nhân khác bị giam giữ và bây giờ được treo rất nhiều ảnh.
Dưới chính quyền Khơ-me Đỏ, nhà tù Tuol Sleng mang bí danh S-21 và tù nhân hay “người có tội” sẽ đi “lao động cải tạo” ở đây. S-21 còn được mệnh danh là nơi “vào mà không có đường ra”.
Ảnh của hàng ngàn nạn nhân được treo trên tường nhà tù: Nam có, nữ có, trẻ con, sư sãi, giáo dân và cả người nước ngoài. Trong một số bức ảnh, các tù nhân cố gượng cười, cứ như là người chụp ảnh cố gắng thương hại họ. Số khác thì đã bất tỉnh, khuôn mặt sưng húp, đầy máu me. Trong đó, đáng chú ý là một bức ảnh ghi lại hình ảnh đứa bé mà số thứ tự được khắc trực tiếp lên phần da ngực.
Theo từ điển tiếng Khơ-me thì Toul Sleng có nghĩa như một Ngọn Đồi Độc Dược, cái tên như gắn liền với lịch sử của nó. Tuol Sleng từng là một trường học, nhưng Khơ-me Đỏ đã dùng dây thép gai để quây khu vực, đồng thời biến các phòng học thành các phòng giam nhỏ để tra tấn các tù nhân, trở thành trại tập trung của chế độ diệt chủng Khơ-me Đỏ. 
Năm 1975, trường được chuyển thành nhà tù với tên gọi Nhà tù an ninh S21. Trong thời gian 4 năm cầm quyền của Khơ-me Đỏ, nơi đây giam giữa khoảng 17.000 người (có nguồn khác cho răng con số này là 20.000), phần lớn là thành viên hoặc lính trước đó của Khơ-me Đỏ bị kết tội phản bội. Hàng nghìn người đã bị tra tấn ở đây, chỉ có một số ít tù nhân còn sống sót khi rời nhà tù vốn là “nỗi ác mộng” của Campuchia. 
TUẤN SƠN (theo Tạp chí Prospect)
Kẻ sát nhân ở nhà tù Tuol Sleng (Phần 2)
QĐND - Thứ bảy, 28/12/2013 | 16:22 GMT+7
Lai lịch tên đao phủ
QĐND Online - Duch tên thật là Kaing Guek Eav, sinh năm 1944 tại Kompong Thom. Y là con cả và là con trai duy nhất trong một gia đình có 5 anh chị em. Gia đình Eav rất nghèo, sống ở một vùng chịu ảnh hưởng sâu sắc của Khơ-me Đỏ. Kompong Thom chính là quê nhà của Pôn Pốt, người tự coi mình là “người Khơ-me thuần khiết”.
Năm 15 tuổi, Eav lên tỉnh lỵ Kongpom Thom học cao đẳng rồi sau đó đến Phnôm Pênh học đại học. Với dáng người gầy gò, nhưng mạnh mẽ, Eav nhanh chóng bộc lộ khả năng lãnh đạo. Một trong những quan điểm của hắn là “chỉ gắn bó với học tập là biểu hiện của sự hèn yếu”. Năm 1960, Eav vào học ở Lycee Sisowath, một trường danh tiếngở Phnôm Pênh. Tại đây, Eav giành giải nhì cuộc thi toán toàn quốc.
Năm 1963, khi đang học thêm chứng chỉ sư phạm tại Viện Sư phạm, Eav được Chhay Kim Hour giới thiệu vào tổ chức tiền thân của Khơ-me Đỏ sau này. Eav và Hour trở thành bạn rất thân. Trớ trêu thay, 15 năm sau, chính ông này lại bị bịt mặt dẫn qua cửa Tuol Sleng bởi chính các đồng đội và bị xử tử kín.
Trong thời kỳ đầu những năm 1960, Eav dạy toán tại trường cao đẳng ở tỉnh Kongpong Thom. Đây là thời kỳ chính trị Campuchia rối ren, hỗn loạn. Eav coi thường các chính sách của Thái tử Sihanouk, nhưng chính y lại được hưởng lợi từ những cải cách trong ngành giáo dục, vốn chịu ảnh hưởng của nền giáo dục kiểu Pháp. Số sinh viên được đào tạo nhiều hơn số người chính quyền cần, bởi vậy tương lai của giới trí thức thật ảm đạm. Những thanh niên trẻ sau khi tốt nghiệp trở thành người xa lạ với văn hoá truyền thống Campuchia và ngay với cả chính gia đình họ.
 
 
 
 Một số hình thức tra tấn tàn độc tại Tuol Sleng.
Eav sử dụng đồng lương ít ỏi của mình giúp đỡ các học sinh nghèo. “Mọi người đều kính trọng Eav”, một cựu học sinh cho biết, khi nhớ về Eav như một “người hiền lành và tốt bụng”. Năm 1967, Eav đã vận động một nhóm sinh viên tới Kongpong Thom khích động dân ủng hộ Khơ-me Đỏ, tổ chức theo đường lối dân tộc chủ nghĩa cực đoan. Sau vụ việc, 3 sinh viên đã bị bắt giam và bản thân Eav cũng bị tống vào tù.
Đầu năm 2001, tôi đã có cơ hội gặp gỡ mẹ và em gái của Eav, họ vẫn sống ở Kongpong Thom. Tôi hỏi thăm về tình hình của Duch ở trong tù và không tiết lộ rằng chính vì tôi mà hắn bị bắt. Người phụ nữ già, tóc bạc mặc một bộ quần áo truyền thống theo kiểu Khơ-me nhìn chăm chú vào bức ảnh của Duch mà tôi đưa cho và thốt lên: “Tôi không nhầm thì  anh ta là đứa con trai duy nhất của tôi”.
“Anh ta có bị tra tấn ở trong tù không?”, tôi hỏi.
“Tôi không hỏi”, mẹ của Duch nói.
“Vậy khi gặp con mình, gương mặt và cả thái độ của anh ta có biểu hiện gì không, bà có nghĩ rằng anh ta đang sợ hãi ?”.
Cuộc nói chuyện của chúng tôi dần mất hết thú vị và chẳng dẫn tới đâu cả. 37 năm bị “cầm tù” đã khiến ký ức về Eav trong gia đình hắn là một cái gì đó rất xa xôi.
Eav được thả tự do năm 1970 khi Thống chế Lon Nol đảo chính Sihanouk với sự trợ giúp của tình báo Mỹ. Cuộc chiến chống lại Khơ-me Đỏ và nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà (nay là Cộng hòa XHCN Việt Nam) bắt đầu từ đây. Khi lên nắm quyền Lon Nol đã ký lệnh ân xá cho hàng nghìn tù nhân chính trị dưới chế độ cũ, trong đó có Eav. Theo gia đình Eav, hắn rời nhà lên Phnôm Pênh tìm việc. “Sau đó chiến sự lan rộng, không ai đến và ra được vùng này”, em gái của Eav nói. Đây là lần cuối cùng mọi người trong gia đình nhìn thấy Kaing Guek Eav. Khoảng 5 năm sau, người ta chỉ còn thấy người mang tên Duch quay về. 

Campuchia hồi sinh

Cuối năm 1991, sau khi mua máy ảnh mới, tôi quay trở lại Phnôm Pênh tìm lại tinh thần làm việc hăng say thời tuổi trẻ. Tôi đã chứng kiến sự trở về trong vinh quang của Hoàng thân Sihanouk sau 13 năm lưu vong. Hòa bình đang đến với mọi người dân Campuchia. Mỹ xoá bỏ cấm vận đối với nước này. Sau năm 1979, Quân tình nguyện Việt Nam đánh đuổi quân Khơ-me Đỏ. Trong những năm của thập kỷ 1980, từ các căn cứ trên đất Thái Lan, Khmer Đỏ đã tổ chức các hành động quấy phá cho tới khi quân tình nguyện rút năm 1989 và ký hiệp định hoà bình Paris năm 1991. Liên hợp quốc đã tổ chức tổng tuyển cử để chính thức khép lại một trang đầy đau thương của dân tộc Campuchia. Tôi có may mắn ghi lại những thước phim miêu tả tiến trình hòa bình ở các vùng nông thôn nghèo đói, nơi ra đời chủ nghĩa “quái thai” của Khơ-me Đỏ.
Quay trở lại Tuol Sleng, tôi thấy có nhiều sự thay đổi. Người gác cửa thu của khách tham quan 5 USD (trước đây là miễn phí). Khu văn phòng chính đã trở thành khu bán đồ lưu niệm, ở đó có bán khăn quàng cổ Campuchia, Coca cola, các bản sao lậu của phim “Cánh đồng chết” và tiền Khơ-me Đỏ để lưu niệm.
Nhà tù Tuol Sleng luôn là điểm đến quan trọng trong hành trình du lịch tới đền Angkor. Những chuyến du lịch kéo dài một ngày viếng thăm những nơi đáng sợ dưới thời Pol Pot. Khách du lịch có thể thăm bảo tàng và ăn trưa tại một nhà hàng Tây Ban Nha, nơi mà khách có thể đóng vai tù nhân cảm nhận các loại hình tra tấn đã từng có trong trại Tuol Sleng ở đây. Sau đó, Xe buýt sẽ chở bạn đến cánh đồng chết Choeung Ek và quay lại ăn tối trong thành phố.
Tại Tuol Sleng, một bức ảnh đã gây ấn tượng mạnh với tôi. Trong ảnh là một người phụ nữ, tay bế một đứa trẻ, ngồi thất thần trước ống kính, nét mặt vô hồn. Tóc cắt ngắn theo đúng quy định, mặc một bộ quần áo đen, đôi mắt thâm quầng vì khóc và trên cổ có một dòng chữ Khơ-me. Đây chính là Chan Kim Srun, vợ của nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Khơ-me Đỏ.
Thực tế, S-21 được lập ra để loại trừ kẻ thù trong nội bộ Khơ-me Đỏ. Đa số tù nhân đều là người có chức sắc và hầu hết không được ân xá. Một số những bức ảnh ở đây chụp những người điều tra của nhà tù. 

Nhiếp ảnh gia của trại tù S-21

Trong suốt thời gian Khơ-me Đỏ nắm quyền, chỉ có duy nhất một người được chụp ảnh ở nhà tù Tuol Sleng và người này có vài bức ảnh chụp Duch. Giữa những năm 1990, có một tay súng Khơ-me Đỏ đầu hàng ở vùng Tây Bắc Campuchia, tên hắn là Nhem Ein. Ein kể với các phóng viên là trước đây y đã từng sang Thượng Hải, Trung Quốc học nhiếp ảnh và năm 1976 về làm việc dưới quyền Duch cho đến khi chế độ sụp đổ.
Là con một nông dân nghèo ở tỉnh Kompom Chnang, Ein tham gia cách mạng năm 1970 khi hắn 10 tuổi. Những bức ảnh của các tù nhân thuộc trại Tuol Sleng đã trở thành biểu tượng về thảm họa diệt chủng ở Campuchia. Khơ-me Đỏ cho Ein làm thợ chụp ảnh và những bức ảnh chân dung do Ein chụp khiến tôi nghĩ tới nghệ thuật chụp ảnh theo một hướng khác, xấu xa và tàn nhẫn.
Năm 1997, các bức ảnh của Ein được trưng bày tại Viện bảo tàng Nghệ thuật đương đại New York cùng với cuốn sách “Cánh đồng chết”. Tôi tự hỏi liệu điều đó có làm mất ý nghĩa thực của bộ ảnh hay không vì khi bộ ảnh được trưng bày ở New York với ý nghĩa chính là một điểm nhấn về nghệ thuật thẩm mỹ, rồi mới xét tới là chứng cứ tội ác của của hành động giết người hàng loạt. Ở Tuol Sleng, những hình ảnh của các tù nhân thường được chụp trên nền một tấm ga trắng khiến người xem không thể biết được ngoại cảnh. Hơn 20 năm sau sự hãi hùng, tất cả những gì còn lại trong chúng ta về chúng chỉ đơn giản là một bức ảnh. Những bức ảnh bạo lực không được đưa vào triển lãm như cảnh trên bãi xử tử Moma - một người đàn ông bị đập chết bằng một chiếc cuốc hoặc ảnh một người đàn ông gào thét trong phòng khi bị rạch phanh ngực.
Nhem Ein có vóc người nhỏ nhưng dẻo dai. Với điệu cười khúm núm dễ bảo, hắn chộp ngay lấy tay tôi. Ein là người biết cách kiếm tiền nếu hắn nhìn thấy nó. Những bức ảnh của Ein được in thành sách và có mặt ở nhiều phòng triển lãm trên thế giới. Hắn cũng xuất hiện trên các ấn phẩm danh tiếng như: Thời báo New York, Điện tín và nhiều tạp chí khác. Ein mặc áo phông trắng trên có hình ảnh hai chiếc bút trong hộp (biểu tượng cấp bậc của Khơ-me Đỏ) và mặc quần ống hộp. Hắn yêu cầu tôi 300 USD cho một giờ nói chuyện, tôi thương lượng để giảm xuống là 50 USD.
Nhem Ein gặp Duch năm 1976. “Ông ấy (Duch) có vẻ là người khiêm nhường”, Ein nói, “nhưng tôi biết ông ta là cánh tay phải của Pôn Pốt”. Sáu tháng sau, Ein làm việc ở trại Tuol Sleng. Lúc này Phnôm Pênh là một thành phố ma và hắn tự đi cướp các thứ cần thiết cho công việc. “Chúng tôi lấy hoá chất, phim và giấy ảnh từ các cửa hàng”, Ein cười.
Khi tù nhân bị giải tới, họ khai báo lý lịch và tình hình sức khoẻ, Ein sẽ chụp ảnh họ. Một số trường hợp sẽ ghi lại quá trình tra tấn tù nhân và xem họ chết một cách từ từ. Trong đó có cảnh, một người đàn ông bị xích đang cố trườn ra xa khỏi tên cai ngục, trên sàn bê bết máu của anh ta. Sau này khi cháu của tù nhân kia đối mặt với Ein, hắn chỉ đưa ra lời giải thích: “Tôi chẳng thể giúp gì được cả”.
Duch rất yêu mến Ein. “Một lần tôi mắc lỗi khi tôi in một bức ảnh trong đó có Pôn Pốt. Một vệt đen đã làm hỏng bức ảnh đó và họ nghĩ là do tôi cố tình gây ra”, hắn nói. Dưới thời Khơ-me Đỏ, mọi người thường bị giết bởi những nguyên nhân rất “lãng xẹt”. Duch đã can thiệp để cứu Ein thoát chết.
“Theo lệnh của Duch, tôi tới nhà và chụp ảnh cho ông ta và con gái. Duch ôm cô con gái vào lòng và hôn nó. Có thể y là một tên đồ tể tàn ác, nhưng với cô con gái thì Duch thật tuyệt vời. Tôi rất sợ khi chụp ảnh cho Duch”, Ein nói. Duch luôn muốn chắc chắn rằng bức ảnh chụp cha con y đã bị tiêu hủy. Có khoảng 6.000 người sống sót ra tù khi chế độ Khơ-me Đỏ sụp đổ, nhưng chỉ có 2 trong đó có liên quan tới Duch. Đó là Ein và người kia là đầu bếp trong nhà tù S21.
Ein đã đưa cho công chúng những tấm ảnh về những gì mà anh ta chụp được dưói thời Khơ-me Đỏ và biết rằng chúng đang trên đường đến với “chính quyền” ở pháo đài Anlong Veng. Những bức ảnh là bằng chứng về tội ác của chính quyền cũ dường như không làm Ein lo lắng. Tôi đưa tiền cho hắn và Ein cười nhăn nhở và muốn xin thêm. Tôi đưa thêm 5 USD nữa.
TUẤN SƠN (theo tạp chí Prospect) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét