Thứ Năm, 11 tháng 12, 2014

HIỆN THỰC KỲ ẢO 56

(ĐC sưu tầm trên NET)

 

Chân dung văn nghệ: Hoàng Dương Chương

  
                                  



                        HOÀNG DƯƠNG CHƯƠNG
Sinh năm 1943
Quê thôn Mai Xá, xã Mỹ Xá, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định.
Chỗ ở hiện nay:
Thạc sĩ chuyên ngành Thư viện.
Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Nguyên chiến sĩ đặc công nước (1963 – 1972) chiến đấu ở chiến trường Đông Nam Bộ chuyển ngành đi học ở Liên Xô rồi về công tác tại Thư viện tỉnh Hà Nam Ninh.
Nguyên Giám đốc Thư viện tỉnh Nam Định. Hiện nghỉ hưu. Trú tại thành phố Nam Định.
Hội viên Hôi Y học cổ truyền dân tộc Việt Nam.
Hội viên Hội Khoa học lịch sử Việt Nam.
Trưởng ban Thanh tra Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nam Định khóa VI.
Khen thưởng:
- Huân chương chiến công hạng Ba.
- Huân chương chiến sĩ giải phóng hạng Hai.
- Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Ba.
- Huy chương vì sự nghiệp văn hóa.
- Huy chương vì sự nghiệp công đoàn.
- Huy chương vì sự nghiệp khoa học công nghệ.
Tác phẩm:
Đồng tác giả và có bài viết trong các sách đã xuất bản:
- Lược khảo tác gia văn học Nam Định (1997).
- Văn hóa Nam Trực cội nguồn và di sản (1998).
- Danh nhân văn hóa Nam Định (2000).
- Anh hùng dân tộc, thiên tài quân sự Trần Quốc Tuấn và quê hương Nam Định (2000).
- Danh nhân Nam Định thế kỷ XX được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (2001).
- Tuyển tập VHNT Nam Định (2004).
- Dấu ấn thời gian (2007).
- Tiến sĩ Vũ Huy Trác (2008).
- Thi sĩ Nguyên Bính hồn thơ Việt (2008).
- Trạng nguyên đất học Nam Trực (2009).
- Đông A nhân kiệt (2009)

               Đối đầu với sấu dữ rừng Sác



Tượng dài chiến sĩ Hoàng Dương Chương đối đầu với cá sấu rừng Sác tại khu du lịch rừng Sác.
            
Rừng Sác là vùng đất sình lầy ngập mặn sông rạch chằng chịt, từ sông Soài Rạp vắt ngang qua quốc lộ 51, từ Nhà Bè theo sông Lòng Tàu đổ ra cửa biển Vũng Tàu, có diện tích hơn một nghìn cây số vuông với bạt ngàn các loài cây đước, chà là, bần, mắm quần tụ, phát triển thành rừng. Đây cũng là môi trường thích hợp cho loài cá sấu nước mặn dữ tợn, phàm ăn sinh sống.
             Trong kháng chiến chống Mỹ, Trung đoàn 10 đặc công, đơn vị Anh hùng, đã chọn rừng Sác làm địa bàn hoạt động, khống chế toàn tuyến giao thông huyết mạch vận tải đường thuỷ, từ biển Vũng Tàu vào cảng Sài Gòn. Vượt qua muôn vàn gian khó, bám trụ trên sông nước, ở giữa sình lầy, bộ đội đặc công rừng Sác đã lập nên những chiến công vang dội, đánh cháy, bắn chìm hàng trăm tàu giặc các loại trên sông Lòng Tàu, nơi bến cảng; pháo kích kho xăng Nhà Bè, kho bom Thành Tuy Hạ, dinh Độc Lập, toà đại sứ Mỹ. Cuốn sách Một thời Rừng Sác (giải thưởng văn học Trịnh Hoài Đức, tỉnh Đồng Nai năm 2000) của đại tá Lê Bá Ước, nguyên trung đoàn trưởng Đoàn 10 đặc công Rừng Sác anh hùng dành hẳn một chương kể chuyện sấu dữ rừng Sác, trong đó gây ấn tượng hơn cả là câu chuyện chiến đấu với cá sấu của chiến sĩ Hoàng Dương Chương.
               Chiến sĩ Chương nhận nhiệm vụ vượt sông Lòng Tàu trong đêm tới căn cứ Đội 2. Qua Cồn Bà, gặp địch phục kích, thoát khỏi lưới đạn của ổ biệt động Mỹ, anh đạp xuồng, lặn sâu, bơi về hướng Rạch Tràm thì bị cá sấu tấn công, hai bả vai anh ngập sâu trong hai hàm răng nhọn hoắt, ngực anh như dẹp lại bởi hai gọng kìm xiết chặt. Giữa lúc một sống hai chết, người chiến sĩ đặc công tự nhiên bình tĩnh hẳn lại. Vừa lúc bàn chân chạm đất, anh co lên lấy thế, bất thần dùng hết sức mình đạp thật mạnh xuống đất cho nổi người người lên. Con cá sấu sợ mất mồi, liền xốc một cái cho anh lọt sâu vào miệng nó. Trong khoảnh khắc đó, anh giật được cánh tay trái ra khỏi miệng cá, quờ tay túm được cái mắt lồi của nó, dùng hết sức của năm đầu ngón tay bấm sâu vào và giật mạnh. Bị đánh bất ngờ, cá sấu liền ngoạm lại và siết chặt hàm răng. Dù lồng ngực như sắp vỡ ra nhưng anh cũng đã giật được tay phải ra khỏi hàm cá sấu. Anh rút dao găm ở thắt lưng, dùng hết sức thọc mạnh vào mũi con quái vật. Đòn hiểm trời giáng đã giúp anh thoát khỏi miệng cá sấu. Anh lùi vội về phía bờ, tay lăm lăm con dao thủ thế. Dưới ánh trăng, nhìn rõ cái đuôi răng cưa to như tàu chuối của nó đang quẫy lấy đà hòng đớp mồi thêm lần nữa. Không chần chừ, anh rút lựu đạn ném xuống. Con cá sấu dữ tợn lãnh trọn trái lựu đạn và chìm bên bờ nước… Đêm ấy, đồng đội tìm được Chương khi anh đã kiệt sức. Họ dùng xuồng đưa anh về bệnh xá Trung đoàn bên sông Thị Vải. Mãi bốn tháng sau, Chương mới ra viện với nhiều vết sẹo kéo dài trên thân thể.
             Đã trên ba thập kỷ qua, chiến khu Rừng Sác thời chiến tranh nay đã thành vùng du lịch sinh thái huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh. Về đây, du khách có dịp đi xuồng vào thăm khu di tích đại bản doanh của Trung đoàn 10 bộ đội đặc công Rừng Sác đã được phục dựng, bảo tồn. Từ cụm tượng đài trung tâm ĐẶC CÔNG RỪNG SÁC đi ra phía đìa hố bom, nhìn xuống đầm, du khách sẽ thấy một khóm tượng được thả nổi trong làn nước thẳm xanh như đang dậy sóng: người chiến sĩ đặc công nước mình trần giữa hai hàm răng cá sấu. Anh ra đòn “trời giáng”, thọc lưỡi dao găm sáng loáng vào mắt con quái vật, máu chảy đỏ lòm. Đó là hình tượng “dũng sĩ diệt cá sấu” Hoàng Dương Chương trong trận chiến trên sông Lòng Tàu, tháng 5 năm 1966.
                                                                              Phạm Trọng Thanh

                Chỉ Có Một Cái Chưa Biết

                                                   (Giai thoại làng văn)
               Ông HV là một tác giả "tầm tầm" cỡ địa phương có tính rất thích khoe sự hiểu biết của mình. Một lần đi cơ sở, ông ta thao thao bất tuyệt hết chuyện trên trời đến chuyện dưới biển, không còn để cho ai nói chen vào được. Quan khách nói đến lĩnh vực nào ông cũng tham gia bàn luận say sưa, tỏ ra hiểu biết hơn người.
            Trong số những người phải ngồi "chịu trận" trước ông HV có nhà nghiên cứu - phê bình văn học Thạc sĩ Hoàng Dương Chương tình cờ cũng đi điền dã ở cơ sở đó. Hoàng Dương Chương là nguyên mẫu của một số ký sự và truyện "Dũng sĩ diệt cá sấu" mà một thời được bạn đọc nhỏ tuổi say mê. Hiện ở bảo tàng đặc công rừng Sác có bức tượng dũng sĩ diệt cá sấu đề rõ tên tuổi anh. Anh còn là tác giả hàng trăm bài nghiên cứu đăng báo chí, đồng tác giả trên chục công trình nghiên cứu và sách đã xuất bản, là Uỷ viên Ban chấp hành, Trưởng ban thanh tra Hội Văn học Nghệ thuật Nam Định.
        Chờ cho ông HV nói chán chê rồi, Hoàng Dương Chương mới nhận xét:
        - Thưa ông, quả là cái gì ông cũng biết, nhưng có một cái hẳn ông chưa biết.
        Ông HV ngạc nhiên:
        - Cái mà tôi chưa biết là cái gì?
         Hoàng Dương Chương thẽ thọt:
        - Thưa, cái mà ông chưa biết chính là cái ông không biết mình chưa biết cái gì.
         - !!!
                                                                            Trần Mỹ Giống

                      Không Chấp

                                      (Giai thoại làng văn)
            Hoàng Dương Chương thường được mời vào Ban giám khảo các cuộc thi về nhiều lĩnh vực ở địa phương. Một lần, Hội đồng nghệ thuật tỉnh N. gặp khó khăn trong việc xét giải thưởng thường kỳ cho một tác phẩm hiện có nhiều ý kiến đánh giá trái ngược nhau, bèn mời anh thẩm định giúp để tham khảo. Bản thẩm định của anh đã có tác động mạnh tới các thành viên Hội đồng nghệ thuật. Kết quả là tác phẩm đó (được Hội đồng nghệ thuật cơ sở đề xuất loại A) đã bị hạ xuống loại C. Trong khi dư luận bạn đọc đồng tình với nội dung bản thẩm định của anh thì tác giả của tác phẩm bị hạ loại lại phản đối quyết liệt bằng đơn thư kiến nghị gửi các cơ quan chức năng và thơ văn nặc danh với lời lẽ rất thiếu văn hoá bôi nhọ anh. Thấy anh cứ bình thản, không có phản ứng gì trước việc người ta bôi nhọ mình, tôi hỏi:
          - Là nhà nghiên cứu - phê bình văn học có uy tín của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh mà anh lại để yên cho cái tay học vấn chưa qua phổ thông nó điên cuồng bôi nhọ mình là làm sao?
          Anh điềm tĩnh trả lời tôi bằng một câu hỏi làm tôi " ớ " người ra:
          - Thế ông bảo tôi có nên chấp với một kẻ điên khùng không?
          - !!!
                                                                               Trần Mỹ Giống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét