Thứ Hai, 22 tháng 12, 2014

ĐỊA LINH NHÂN KIỆT 30 (Mạc ĐĩnhChi)

(ĐC sưu tầm trên NET)

Mạc Đĩnh Chi

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Đền thờ Mạc Đĩnh Chi ở quê hương

Tượng Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, thờ ở chùa Dâu, Bắc Ninh
Mạc Đĩnh Chi (chữ Hán: 莫挺之; 1280-1346), tên tựTiết Phu (節夫), làm quan đời Trần Anh Tông trong lịch sử Việt Nam. Tương truyền ông vừa là trạng nguyên của Đại Việt và cũng được phong làm "Lưỡng quốc Trạng nguyên" (Trung Hoa và Đại Việt) khi sang sứ Trung Hoa thời nhà Nguyên.

Thân thế và khoa nghiệp

Mạc Đĩnh Chi là người làng Lũng Động, huyện Chí Linh (nay thuộc xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Ông có tướng mạo xấu xí nhưng trí tuệ thông minh.
Năm 1304 đời vua Trần Anh Tông niên hiệu Hưng Long thứ 12, triều đình mở khoa thi lấy 44 người đỗ Thái học sinh (tiến sĩ). Mạc Đĩnh Chi đỗ đầu, chiếm học vị trạng nguyên. Ông được cử giữ việc coi sóc thư khố của nhà vua, rồi chức Tả bộc xạ (Thượng thư). Đặc biệt hai lần đi sứ Trung Quốc, ông đã dùng tài năng và phẩm chất thông minh của mình khiến người nước ngoài phải khâm phục. Về sau ông được cháu 7 đời là Mạc Đăng Dung truy tôn là Kiến Thủy Khâm Ninh Văn Hoàng Đế.

Tài ứng đối

Mạc Đĩnh Chi là người giỏi ứng đối.

Tài ứng đối thứ nhất

Năm 1308 Mạc Đĩnh Chi đi sứ nhà Nguyên, đến cửa khẩu sai hẹn, quân Nguyên canh gác bắt phải chờ đến sáng hôm sau. Thấy sứ bộ Đại Việt cứ biện bạch mãi, viên quan phụ trách canh cửa ải thả từ trên lầu cao xuống một câu đối, thử thách sứ bộ Đại Việt nếu đối được thì họ sẽ mở cửa. Câu đối có nội dung như sau:
Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan 過關遲, 關關閉, 願過客過關
(nghĩa là: Tới cửa ải trễ, cửa quan đóng, mời khách qua đường cứ qua)
Một vế đối hóc búa đến 4 chữ quan và 3 chữ quá? Mạc Đĩnh Chi thấy khó, nhưng ông đã nhanh trí dùng mẹo để đối như sau:
Tiên đối dị, đối đối nan, thỉnh Tiên sinh tiên đối 先對易, 對對難, 請先生先對
(nghĩa là: Ra câu đối dễ, đối câu đối khó, xin mời Tiên sinh đối trước).
Vế đối của ông có 4 chữ đối và 3 chữ tiên, đúng với yêu cầu câu đối của viên quan ấy. Tưởng lâm vào thế bí, hóa ra lại tìm được vế đối hay, khiến người Nguyên phải phục và liền mở cửa ải để đoàn sứ bộ của Mạc Đĩnh Chi qua biên giới.

Tài ứng đối thứ hai

Tới kinh đô nhà Nguyên, Mạc Đĩnh Chi được vời vào tiếp kiến vua Nguyên. Vua Mông Cổ ra một câu đối đòi ông phải đối lại:
Nhật: hỏa; vân: yên; bạch đán thiêu tàn ngọc thố.
(nghĩa là: Mặt trời là lửa, mây là khói; ban ngày đốt cháy vầng trăng).
Mạc Đĩnh Chi hiểu rõ dụng ý tỏ vẻ kiêu ngạo của một nước lớn và cả mục đích đe dọa của vua Nguyên. Ông đã ứng khẩu đối lại:
Nguyệt: cung; tinh: đạn; hoàng hôn xạ lạc kim ô.
(nghĩa là: Trăng là cung, sao là tên; chiều tối bắn rụng mặt trời).
Vế đối rất chuẩn và tỏ rõ sự cứng rắn của người dân nước Việt, không run sợ và sẵn sàng giáng trả và làm thất bại kẻ thù.
Có thuyết nói rằng vì câu đối này của Mạc Đĩnh Chi, người phương Bắc đoán con cháu ông sau này sẽ làm việc thoán đoạt (ứng với hành động của Mạc Đăng Dung).

Tài ứng đối thứ ba

Có lần Mạc Đĩnh Chi sang sứ đúng vào dịp công chúa của vua Nguyên mất. Lúc tế vong, quan nhà Nguyên đưa cho Chánh sứ An Nam bài điếu văn viết sẵn, bảo đọc. Khi Mạc Đĩnh Chi mở giấy ra thì chỉ thấy viết có 1 chữ "Nhất" "-"(là một). Ông chẳng hề lúng túng, vừa nghĩ vừa đọc thành bài điếu văn:
Thanh thiên nhất đóa vân
Hồng lô nhất điểm tuyết
Thượng uyển nhất chi hoa
Dao trì nhất phiến nguyệt
Y! Vân tán, tuyết tan, hoa tàn, nguyệt khuyết!
青天一朵雲
烘爐一點雪
上苑一枝花
瑤池一片月
噫雲散雪消花殘月缺
Tạm dịch:
Một đóa mây giữa trời xanh
Một giọt tuyết trong lò lửa
Một cành hoa giữa vườn thượng uyển
Một vầng trăng trên mặt nước hồ
Ôi! mây tản, tuyết tan, hoa tàn, trăng khuyết!
Bài văn khiến người Nguyên rất khâm phục.

Tài ứng đối thứ tư

Một lần Mạc Đĩnh Chi đến thăm phủ Thừa tướng nhà Nguyên. Trong phủ trang hoàng lộng lẫy, giữa phòng có treo một bức trướng to hình con chim sẻ đậu trên cành trúc trông rất thật. Mạc Đĩnh Chi ngỡ là chim sẻ thật đậu ngoài cửa sổ nên chạy đến xem thì mới biết đó chỉ là bức hoạ. Thừa tướng và các quan quân nhà Nguyên đều phá lên cười và có ý châm chọc. Mạc Đĩnh Chi vội lấy bức họa xuống và xé toạc thành nhiều mảnh. Mọi người đều kinh ngạc. Bấy giờ ông mới nghiêm mặt giải thích:
Tôi nghe người xưa vẽ cành mai và chim sẻ, chứ chưa thấy vẽ chim sẻ đậu cành trúc bao giờ. Nay trong bức trướng của tể tướng lại thêu cành trúc với chim sẻ. Trúc là bậc quân tử, chim sẻ là kẻ tiểu nhân. Tể tướng thêu như vậy là để tiểu nhân trên quân tử, sợ rằng đạo của tiểu nhân sẽ mạnh, đạo của quân tử sẽ suy. Tôi vì thánh triều mà trừ giúp bọn tiểu nhân.[1].
Quan nhà Nguyên cho là phải, không dám cười nữa.
Một hôm Mạc Đĩnh Chi cùng với phái bộ triều Nguyên đi chơi. Tới gần một cây cầu, chẳng may Trạng Việt Nam bị sa hố, phái bộ đều chạy lại để đỡ ông dậy. Để đùa vui, họ ra cho ông một vế câu đối:
Can mộc, hoành cừ, lục giả tương như tự đạo
(Nghĩa là: Gỗ thẳng, cầu ngang, đường đi ngỡ là đất phẳng)
Cái khó của câu này là ở chỗ dùng toàn tên người ghép lại. Theo đó, can mộc là Đoàn Can Mộc - một nhân vật đời Chiến quốc, Hoành Cừ: tên hiệu của Trương Tải - một triết gia đời Bắc Tống, Lục Giả: người nước Sở, giỏi biện luận, theo giúp Hán Cao Tổ, tương như: Lạn Tương Như, một nhân vật nổi tiếng đời Chiến Quốc, tự đạo: Giả Tự Đạo, người đời nhà Tống, một quyền thần chuyên chế.
Mạc Đĩnh Chi nhìn quanh nom thấy ở bên kia sông có cái đình dưới chân núi, nhân thế chỉ tay thẳng đình mà đối:
Đại đình, an thạch, vọng chi nghiễm nhược Thai sơn
(Nghĩa là: Đình to, đá vững, nhác nom như thể Thiên Thai)
Câu này cũng dùng toàn tên người ghép lại như ở câu trên mà lại có ý khoáng đạt hơn nhiều, theo đó Đại Đình là một biệt hiệu của Thần Nông, an thạch tức Vương An Thạch thừa tướng đời Bắc Tống, Vọng Chí là người đời Hán, làm phụ chính cho Hán Nguyên đế (hai từ "nghiễm nhược" và "Thai sơn", các nhà nghiên cứu cho biết chưa tra cứu ra là ai).
Một lần nữa, người Nguyên lại phải khâm phục tài văn học của Mạc Đĩnh Chi.

Lưỡng quốc Trạng nguyên

Lại một lần khác, Mạc Đĩnh Chi cùng với sứ thần một số nước ra mắt vua Nguyên. Nhân có nước nào đó dâng chiếc quạt, vua Nguyên bắt sứ thần Đại Việt và sứ thần Triều Tiên đề thơ. Giữa lúc Mạc Đĩnh Chi còn tìm tứ thơ, thì sứ Triều Tiên đã viết liến thoắng. Ông nhìn theo quản bút đọc thấy sứ Triều Tiên viết hai câu chữ Hán, dịch nghĩa như sau:
"Nóng nực oi ả, thì như Y Doãn, Chu Công" (là những người được vua trọng dụng)
"Rét buốt lạnh lùng, thì như Bá Di, Thúc Tề" (là những người bị ruồng bỏ)
Với sự nhanh trí kì lạ, Mạc Đĩnh Chi liền phát triển hai câu thơ trên thành một bài xuất sắc, mô tả chiếc quạt:
Lưu kim trước thạch, thiên địa vi lô, nhĩ ư tư thì hề, Y Chu cự nho.
Bắc phong kỳ lương, vũ tuyết tái đồ, nhĩ ư tư thì hề, Di Tề ngạ phu.
Y! dụng chi tắc hành, xả chi tắc tàng, duy ngã dữ nhĩ, hữu như thị phù.
Dịch nghĩa:
Chảy vàng, tan đá, trời đất như lò, ngươi bấy giờ là Y Chu đại nho.
Gió bấc căm căm, mưa tuyết mịt mù, ngươi bấy giờ là Di Tề đói xo.
Ôi, được dùng thì làm, bỏ thì nằm co, chỉ ta cùng ngươi là thế ru!
Bài của Mạc Đĩnh Chi làm xong trước, ý sắc sảo, văn lại hay, nên vua Nguyên xem xong cứ gật gù khen mãi. Vua Nguyên cảm phục tài và đức của Mạc Đĩnh Chi, và phong "Lưỡng quốc Trạng nguyên" (trạng nguyên hai nước) và chữ do chính tay hoàng đế nhà Nguyên viết.

Giai thoại dân gian

Mạc Đĩnh Chi đi xứ sang nhà Nguyên có đi qua đền thờ Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ ở bến Ô Giang, tương truyền hễ ai đi qua đoạn sông này y như rằng sẽ gặp sóng to gió lớn. Người dân ở đây bảo phải mang hàng vạn tiền vàng ghé qua đền thắp hương đốt vàng tiền cho Bá Vương thì mới qua được, nhiều người y lời làm như vậy quả nhiên sóng gió lập tức ngừng lại ngay. Từ đó thành lệ hễ ai đi qua muốn suôn sẻ cũng phải dừng lại đốt tiền vàng như thế cả, Mạc Đĩnh Chi thấy vậy đến bên đền cầm bút viết ngay trước cổng bài thơ sau:
"Quân mạc phi quân thần phi thần"
"Như hà miếu mạo tại giang tân"
"Giang Đông tích nhật do hiềm tiểu"
"Hà tích thiêu tàn bách vạn cân"
君莫非君臣非臣
如何庙冒在江津
江东惜日由嫌小
何惜烧残百万斤
Dịch nghĩa
Vua chẳng ra vua tôi cũng không
Cớ sao đền miếu ở bên sông
Giang Đông ngày trước còn chê nhỏ
Sao hám tiền gio mấy vạn đồng
Từ đó về sau khi đi qua đoạn sông này người ta không còn thấy sóng gió như trước nữa.

Tính liêm khiết

Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi sống rất liêm khiết, thanh bạch. Vì vậy tuy làm quan to nhưng vẫn nghèo. Vua Trần Minh Tông biết rõ sự tình nên sai người lúc đang đêm đem 10 quan tiền bỏ trước nhà của ông. Sáng sớm khi thức dậy, ông thấy tiền không chủ nên mang vào triều nộp và tâu vua. Vua cười bảo: "Không ai đến nhận, khanh cầm lấy mà tiêu". Vua khen ông trong sạch và tặng ông hai chữ "Lịch sự".
Trang này được sửa đổi lần cuối lúc 13:09, ngày 31 tháng 7 năm 2014.

Mối tình xuyên biên giới của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi

(LĐĐS) - Số 37 Đông Xuyên

    Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi vốn nổi tiếng là người học vấn uyên thâm, có tài ứng đối mẫn tiệp nhưng người thấp bé, hình dung xấu xí. Còn một câu chuyện nữa rất thú vị về cuộc đời của ông mà ít người biết đến là ông có một người vợ yêu dấu ở tận xứ sở Cao Ly và suốt 600 năm nay, hậu duệ của ông vẫn không ngừng khắc khoải tìm về cội nguồn.

    Chuyện trạng Việt Nam lấy vợ Cao Ly
    Mạc Đĩnh Chi (1286-1350) tự là Tiết Phu, quê ở Hải Dương. Ông đỗ Trạng nguyên khoa Giáp Thìn (1304) thời Trần Anh Tông khi chưa đầy 20 tuổi. Thời xưa, người được chấm đỗ thi Đình có khi còn phải vào yết kiến để vua xét dung mạo rồi mới quyết định cho đỗ hẳn hay không. Mạc Đĩnh Chi vào ra mắt, nhưng vì Vua Trần Anh Tông thấy tướng mạo ông xấu xí nên có ý không muốn cho đỗ trạng.
    Ông làm bài phú "Ngọc tỉnh liên" (Hoa sen trong giếng ngọc), ca ngợi sự cao quý của bông sen, tự ví mình với hoa quân tử. Vua đọc xong rất đẹp ý, bèn thuận cho ông đỗ Trạng nguyên. Ông làm quan trải qua ba đời vua: Anh Tông (1293-1313), Minh Tông (1314-1328), Hiến Tông (1329-1340), làm đến chức quan Thượng thư. Trong hành trình quan lộ của mình, Mạc Đĩnh Chi đã hai lần được cử đi sứ sang Trung Quốc, ông thường tỏ ra có tài hùng biện, dùng văn chương áp đảo triều thần nhà Nguyên, những câu ứng đối tài tình của ông được chép nhiều trong sách sử Trung Hoa. Đặc biệt, ông từng được vua Nguyên khen tặng là "Lưỡng quốc Trạng nguyên".
    Bức tượng Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi trong đền thờ ở thôn Long Động. Đền thờ Mạc Đĩnh Chi tại quê nhà.
    Trong chuyến đi sứ đó, một trong những giai thoại được dân gian biết đến nhiều nhất là câu chuyện Mạc Đĩnh Chi cùng với sứ thần Cao Ly thi tài làm thơ đề quạt. Sau này, 2 người đã trở thành đôi bạn tri kỷ. Khi Trạng Cao Ly về nước, ông mời Trạng Mạc sang thăm Cao Ly bốn tháng. Lần ấy, Trạng Cao Ly làm mối cho Trạng Mạc một người cháu gái để làm thiếp. Sau bốn tháng, người thiếp ấy theo Trạng Mạc về Trung Quốc, 5 năm sau thì bà về nước cùng với hai người con, một trai một gái. Mười năm sau, Trạng Mạc lại sang Cao Ly một lần nữa. Lần này, ông ở lại Cao Ly sáu tháng, đi du lãm khắp Cao Ly và có tập thơ truyền thế. Người Cao Ly rất hâm mộ ông, bởi ai cũng biết ông là bậc thông minh xuất chúng. Hết sáu tháng, ông trở về Trung Quốc rồi về Việt Nam, khi ấy người thiếp có mang đã ba tháng, sau sinh một bé trai.
    Người vợ Cao Ly của ông rất chịu thương chịu khó nuôi nấng dạy bảo các con, dựng vợ gả chồng và thường ở với người con trai út. Sau đó, bà từ biệt con cháu, đi vào chùa ở, hưởng thọ 93 tuổi. Hai người con trai của Mạc Đĩnh Chi sau này cũng trở thành bậc kỳ tài của xứ sở Cao Ly. Người con trai cả của Trạng ra làm quan võ, sinh được 12 người con: 8 trai, 4 gái... Nhánh trưởng này phần đông là người giàu có. Nhánh thứ hai, sau này sinh ra nhiều nhân tài, phần nhiều là người trung nghĩa liêm khiết.
    600 năm khắc khoải tìm về cội nguồn
    Để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, phóng viên đã ngược về quê hương của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi ở thôn Long Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương để xác minh. Tại ngôi đền thờ quan Trạng, Ông Mạc Văn Kết -Trưởng dòng họ Mạc ở thôn Long Động và ông Mạc Đức Bẩy - thủ từ của đền Mạc Đĩnh Chi - đã xác nhận, câu chuyện trên là hoàn toàn có thật. Các ông cũng cũng đã được nghe các cụ cao niên trong dòng họ kể lại sự việc này và hành trình tìm về nguồn cội của hậu duệ họ Mạc ở Cao Ly. Nhưng tiếc rằng cho đến nay, họ Mạc ở Long Động vẫn chưa gặp mặt và kết nối được với hậu duệ của Mạc Đĩnh Chi ở xứ sở Cao Ly.
    Theo nguồn tài liệu trên trang mạng Mactoc.com (trang của dòng họ Mạc) thì hành trình tìm về nguồn cội của hậu duệ Mạc Đĩnh Chi ở Cao Ly bắt đầu từ khá sớm. Trang mạng này viết, năm 1926, ông Sơn Sa Lê Khắc Hoà cho biết rằng, chính ông đã gặp hậu duệ của Mạc Đĩnh Chi từ Cao Ly về Việt Nam trên một chuyến xe về phủ Khoái Châu (Hưng Yên), nhân dịp ông về thăm cha mẹ ở quê. Khi xe chạy đến gần Đình Dù thì ôtô hỏng máy, ông cùng với người Cao Ly vào nghỉ trong một lều tranh bên đường, đem giấy và bút chì ra bút đàm cùng nhau.
    Ông Khắc Hoà miêu tả, người đó trạc ngoài bốn mươi, râu ba chỏm, trán hói, có vẻ thông minh xuất chúng, thái độ đĩnh đạc. Người đó kể rằng, ông là người Cao Ly nhưng vốn là dòng dõi của Mạc Đĩnh Chi, là cử nhân, thi đỗ từ năm 16 tuổi, làm quan tới chức quận trưởng. Bởi không chịu nổi cảnh áp bức của người Nhật nên ông từ quan về cố quốc, đi buôn sâm cho qua ngày tháng. Ông cũng khoe rằng, ông thuộc thế hệ nhánh trưởng, thân ở Cao Ly mà hồn ở Việt Nam. Cao Ly là nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng đất Việt mới là quê cha đất tổ. Hồn thiêng sông núi đất Việt luôn luôn gọi ông trở về.
    Ông thủ từ Mạc Đức Bẩy cũng cho biết thêm, trong dòng họ có ông Mạc Đạm, gốc ở Cao Bằng, trước 1975 sống ở Sài Gòn (nay đang ở Hoa Kỳ) thường hay về thăm đền Mạc Đĩnh Chi ở thôn Long Động có kể lại vào năm 1966, tại Sài Gòn có một người Hàn Quốc xưng là hậu duệ của Mạc Đĩnh Chi sang tìm lại cội nguồn. Sự việc cũng đã được đăng tải trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng của Sài Gòn lúc bấy giờ, nhưng do điều kiện lịch sử lúc bấy giờ, ông chưa thể hoàn thành được tâm nguyện.
    Có một sự trùng hợp nữa là trong năm 2012, đền thờ Mạc Đĩnh Chi ở thôn Long Động đã đón tiếp 2 đoàn tham quan có người Hàn Quốc. Đầu tiên là đoàn gồm 170 người của tổng hội họ Mạc toàn thế giới sống ở nhiều quốc gia khác nhau như Trung Quốc, Anh, Hoa Kỳ, Hàn Quốc… do ông Mạc Tin (đang sống ở Anh) dẫn đầu. Đoàn thứ hai có khoảng 7 người Hàn Quốc đến sau đó một tháng. Tuy nhiên, do bất đồng ngôn ngữ nên ông không giao tiếp được để hỏi sâu.
    Ông Mạc Văn Kết - Trưởng tộc họ Mạc ở Long Động - bày tỏ mong muốn: Cách đây 400 năm, do những biến động của lịch sử, họ Mạc đã phải phiêu tán đi nhiều nơi. Chính trong giai đoạn này, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có một câu sấm để đời: “Tứ bách niên tiền chung phục thủy/Thập tam thế hậu, dị nhi đồng” (Bốn trăm năm trước, cuối cùng trở lại như ban đầu/Mười ba đời sau, khác biệt mà vẫn cùng chung).
    Quả thực sau 400 năm sau, con cháu họ Mạc đã dần tìm về cội nguồn. Họ Mạc đã tổ chức được Đại hội lần thứ nhất họ Mạc trên toàn quốc quy tập được nhiều hậu duệ ở nhiều nơi trong cả nước. Thôn Long Động chính là nơi phát tích đầu tiên của dòng họ Mạc Việt Nam, đây cũng là nơi chôn nhau cắt rốn của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Vì vậy, ông rất mong qua phương tiện thông tin đại chúng mời các hậu duệ của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi ở Hàn Quốc nói riêng và trên toàn thế  giới nói chung về thăm lại cội nguồn.

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét