Thứ Bảy, 20 tháng 12, 2014

CÂU CHUYỆN TÌNH BÁO 28

 (ĐC sưu tầm trên NET)

Kim Philby : kẻ phản bội hay người có lý tưởng ?





Gửi mail cho bạn Bổ sung vào blog


Trong khuôn khổ của dự án “Giải mật tình báo”, đài “Tiếng nói nước Nga” đăng bài phỏng vấn giáo sư lịch sử của Đại học Cambridge David Fowler, trong đó ông kể về Kim Philby – nhà quý tộc người Anh, sinh viên tốt nghiệp của trường Đại học Cambridge đã gắn bó số phận của mình với tình báo Xô Viết và sáng lập nhóm gián điệp quý tộc nổi tiếng ở Anh mang tên “Bộ năm Cambridge”.
-Kim Philby thuộc tầng lớp thượng lưu của xã hội Anh. Tại sao ông lại trở thành gián điệp ? Vì lý do gì ? Ông nghĩ sao về việc ông ấy đã phản bội đất nước mình ?
- Vâng, tôi có thể kể cho các bạn biết là Philby đã bắt đầu bước vào chính trị như thế nào. Ông đậu vào Đại học Cambridge năm 1929. Ông thuộc tầng lớp trên trung lưu. Cha ông là một công chức cao cấp ở Ấn Độ và Kim Philby đã học ở một trường trung học tư khép kín ở Westminster, vốn được coi là một trong những trường đặc quyền nhất ở Anh ngang với Eaton.
Năm 1929, ông vào học ở Cambridge. Khi đó cũng là lúc trên thế giới bắt đầu cuộc Đại suy thoái. Và vậy là ông bắt đầu đi theo các đảng viên Xã hội khi vào học ở Cambridge, mặc dù không bao giờ tiếp xúc với những người Cộng sản tại đây. Tuy nhiên, đến năm 1931, Đảng Lao động mà ông ủng hộ đã bị đánh bại trong cuộc bầu cử. Đối với ông, đó là sự sụp đổ của tất cả mọi hy vọng : ông rất muốn Đảng Lao động truyền bá chủ nghĩa xã hội ở Anh. Nhưng họ đã thua và trong tay họ không có quyền lực nào trong thời kỳ hậu chiến. Ông bắt đầu tìm kiếm lối thoát nào đó cho mình. Và ông đã tiến thẳng về phía những người Cộng sản từ năm 1931.
Như tôi đã nói, các sinh viên của Cambridge là một bộ phận của tầng lớp thượng lưu. Hầu hết các sinh viên hoặc thuộc về tầng lớp trên trung lưu, hoặc thuộc tầng lớp quý tộc. Và họ chưa bao giờ được tiếp cận với giai cấp vô sản. Một thời điểm quan trọng đã thúc đẩy Philby đến với chủ nghĩa cộng sản, đó là cuộc đình công của những người tuyệt thực. Đó là những cuộc biểu tình rất lớn do những công nhân thất nghiệp đứng ra tổ chức. Một cuộc đình công tương tự cũng tràn vào Cambridge vào năm 1934. Có lẽ đó là lần đầu tiên Philby và bạn bè Cambridge của ông đã tiếp xúc trực tiếp với các công nhân.
Philby thực sự kinh hoàng trước tình trạng nghèo đói cùng cực. Anh cùng xuống đường tham gia biểu tình trong năm 1934 nhưng không có gì thay đổi. Cũng trong năm 1934, các điệp viên tình báo Liên Xô đã tuyển dụng ông làm việc. Khi đó, cùng với các sinh viên Cambridge, các giảng viên của trường cũng là những người theo Đảng Cộng sản và Đảng xã hội. Giảng viên kinh tế tại Trinity College là một người tên là Morris Dobb, đảng viên Đảng Cộng Anh từ năm 1929. Chúng tôi cho rằng chính ông Dobb đã tuyển mộ Philby bởi vì ông này đã từng đến thăm Nga, là Viện sĩ - cộng sản đầu tiên ở Anh và ông ta phải có những mối liên lạc với tình báo Liên Xô.
- Người Anh cho rằng Kim Philby đã phản bội đất nước của mình?
- Đây là một câu hỏi hay. Được biết là sau Thế chiến II, khi được hỏi về “Bộ năm Cambridge”, về việc họ đem lại thiệt hại đến mức nào khi trao những bí mật của Anh cho Nga, vốn là nước đồng minh của chúng tôi trong thời kỳ chiến tranh, Thủ tướng Churchill đã trả lời là “Bộ năm Cambridge” mà Kim Philby là thành viên không làm tổn hại đến mối quan hệ giữa hai nước. Có nghĩa là, theo tôi nghĩ, nói chung là mọi người coi Philby như một cái gì đó không bình thường, nhưng không đem lại điều gì xấu cho đất nước, vì dù gì thì Liên Xô vẫn ở cùng bên với chúng tôi trong thời gian chiến tranh.
- Xin ông giải thích thêm về “Bộ năm Cambridge”. Người ta nói rằng nhóm này có hơn năm người. Ông biết gì về điều này?
- Tôi chắc chắn là có hơn năm người trong nhóm. Như được biết, điệp viên thứ năm bị phát hiện chỉ trong đầu những năm 90, còn người thứ tư - Burgess – bị phát hiện trong năm 1980. Không có cơ sở nào để cho rằng trong những năm tiếp đó không xuất hiện thêm người nào khác, nhưng đồng thời cũng cần phải hiểu rằng, đối với tất cả những người trẻ tuổi trong giai đoạn những năm 1930 - những người trẻ tuổi trí thức - chỉ tồn tại hai lựa chọn: hoặc chủ nghĩa phát xít, hoặc chủ nghĩa cộng sản, mà chủ nghĩa phát xít đã làm rất nhiều người chán ghét. Vào đầu những năm 30, nhiều sinh viên đã đến thăm nước Đức, được tận mắt chứng kiến chủ nghĩa quốc xã và điều đó đã thúc đẩy họ quay sang phía những người Cộng Sản. Vâng, tôi nghĩ rằng vì vậy chúng ta cần phải tìm hiểu thêm về những thành viên khác của tổ chức mang tên “Bộ năm Cambridge”.
Mạnh mẽ nhưng dễ bị tổn thương
Kim Philby thời trẻ.

Trong lịch sử tình báo quốc tế thế kỷ XX, Kim Philby (tên thật là Harold Adrian Russel Philby) là một nhân vật huyền thoại, một "thiên tài tình báo" như báo chí đã gọi. Ông từng là một trong những lãnh đạo của tình báo hoàng gia Anh nhưng lại là đảng viên Cộng sản và điệp viên của Moskva trên "hòn đảo sương mù".

Kim Philby sinh năm 1912 tại Ấn Độ trong một gia đình viên chức Anh. Năm 1929, ông vào học ở Trường Trinity thuộc Đại học Cambridge. Năm 1933, vì quan điểm chính trị nên đã nhận lời cộng tác với tình báo Xôviết.  Tốt nghiệp đại học, Kim Philby về làm cho tờ "The Times" và từng là phóng viên thường trú của báo này tại Tây Ban Nha trong thời gian nội chiến, đồng thời thực hiện những nhiệm vụ mà cơ quan tình báo Xôviết giao cho.
Năm 1940, Kim Philby gia nhập cơ quan phản  gián MI-6 của Anh và sau đó một năm, đã trở thành Phó phòng phản gián. Năm 1944, ông được đưa vào vị trí lãnh đạo Cục 9 SIS, chuyên về theo dõi các hoạt động liên quan tới phong trào cộng sản ở Anh. Năm 1945, Kim Philby đã được nữ hoàng Anh Elizabeth II trao tặng Huân chương Đế chế Anh. Còn năm 1947, chính lãnh tụ Xôviết Stalin đã ký quyết định trao tặng ông Huân chương Cờ đỏ. Một trường hợp độc nhất vô nhị trong lịch sử!
Cũng từ năm 1947 (cho tới năm 1949), Philby là Trưởng chi nhánh tình báo Anh ở Istambul (Thổ Nhĩ Kỳ). Từ năm 1949 tới năm 1951, ông phụ trách bộ phận liên lạc với Washington để thiết lập các mối quan hệ với các lãnh đạo CIA và FBI cũng như phối hợp hành động giữa tình báo Anh và Mỹ trong cuộc chiến chống lại cánh tả.
Kim Philby và Rufina Pukhova.
Năm 1951, khi hai thành viên đầu tiên của nhóm điệp viên người Anh phục vụ cho tình báo Xôviết "Bộ ngũ Cambridge" là Donald Maclean và Guy Burgess bị lộ, Kim Philby đã cảnh báo họ về mối tai họa đang rình rập và bản thân ông đã bị nghi ngờ. Tháng 11/1952, Kim Philby đã bị cơ quan tình báo Anh MI-5 thẩm vấn nhưng rồi lại được thả ra vì họ không có đủ chứng cớ buộc tội.
Năm 1955, ông đã buộc phải về hưu. Thế nhưng, năm 1956, MI-6 lại mời ông ra làm việc. Dưới vỏ bọc là phóng viên tờ "The Observer" và tạp chí "The Economist", Kim Philby đã sang thường trú ở Beirut. Ngày 23/1/1963, Kim Philby đã bí mật tới Moskva và sống ở đây cho tới cuối đời, ngày 11/5/1988, với suất lương hưu đặc biệt.
Cũng tại Moskva, Kim Philby đã cưới một phụ nữ Nga tên là Rufina Pukhova làm vợ (trước đó, ông từng có ba đời vợ!). Mới đây, bà Pukhova đã có một cuộc trò chuyện với phóng viên báo "Moskovsky Komsomolets" và tiết lộ nhiều chi tiết thú vị về đời thường của "thiên tài tình báo" này.
Khi Kim Philby và Rufina Pukhova gặp nhau, bà đã 38 tuổi, còn ông đã gần lục thập. Bà Pukhova kể:
"Khi đó tôi đang làm biên tập viên tại Viện Toán Kinh tế Trung ương cùng với vợ của nhà tình báo (cũng là người Anh!) George Blake, chị Ida, làm công tác phiên dịch. Chị Ida có lần kể rằng, anh George có một người bạn rất tốt tính nhưng chỉ có một điểm yếu duy nhất, đó là hơi thích… rượu! Rồi một hôm chị Ida nhờ tôi kiếm vé đi xem trình diễn trượt băng ở cung thể thao Luzhniki.
Và chúng tôi đã định đi xem trong thành phần 4 người, gồm có chị Ida và  anh George, cùng mẹ anh ấy mới từ Hà Lan sang thăm con trai và tôi. Nhưng bất ngờ mẹ anh George bị ốm và thế là tôi thấy chị Ida đã mời một người đàn ông đứng tuổi đi thay. Đó là Kim.
Tôi hôm đó đeo đôi kính đen. Khi mọi người giới thiệu chúng tôi với nhau, anh  Kim bảo: "Chị làm ơn tháo kính xuống giúp, tôi muốn được nhìn thấy đôi mắt của chị." Tôi với chị Ida đi trước. Và như anh Kim kể lại, chính lúc đi theo sau chúng tôi, anh ấy mới quyết định sẽ cưới tôi làm vợ. Ở thời điểm đó, anh Kim có người con trai là Thomas sang chơi. Anh ấy cũng mang theo cậu với hy vọng có thể mua lại được một chiếc vé ai đó bỏ thừa. 
Nhưng đã không có vé thừa nên anh Kim cùng Thomas đã về nhà và mời mọi người tới đó uống sâmpanh. Tuy nhiên, sau khi xem xong, chúng tôi lên xe bus điện để về và tôi đã không tới nhà anh Kim mà ra về tiếp bằng tàu điện ngầm.
Vài ngày sau, chị Ida mời tôi tới trại nghỉ ở Tomilino vào dịp cuối tuần. Anh Kim cũng đến đó. Anh mang theo một túi to đựng đầy rượu vang, rượu whisky, nấm trắng, thịt gà, các loại rau quả. Thậm chí anh ấy còn mang theo cả xoong nồi. Anh ấy bảo là anh ấy sẽ nấu món gà trống theo kiểu Pháp. Tôi với chị Ida định giúp anh ấy làm bếp nhưng anh ấy chỉ cho rửa món nấm trắng đã bị đen tới nửa.
 "Đó cũng là protein!" - anh Kim bật cười. Bản tính thường hay dễ dãi nhưng anh ấy lại không chịu được có thêm ai trong bếp. Trong bất cứ thời điểm nào, ngay cả khi đang bận bịu với một công việc quan trọng và tôi vô tình tới quấy, thì anh ấy vẫn luôn đón tôi bằng nụ cười tươi. Nhưng một khi anh ấy đang nấu ăn với vẻ cực kỳ tập trung, thì không thể nói quấy một câu nào…".
Và ngay buổi tối hôm đó, Kim Philby bắt đầu "chiến dịch tình yêu". Bà Pukhova kể: "Thực ra thì những gì xảy ra vào buổi tối không thể gọi là sự tán tỉnh. Ban ngày chúng tôi ngồi ở ngoài vườn. Theo phong tục Anh, chúng tôi đã uống nước chè vào 5 giờ chiều. Tới 6 giờ chiều thì bắt đầu uống khai vị. Chỉ hôm đó tôi mới được lần đầu uống thử rượu gin pha tonic và hiểu ra rằng, đó là thứ đồ uống mà tôi thích nhất. Bữa tối kéo dài đến khuya và anh George cùng chị Ida đi vào buồng ngủ. Tôi cũng đi về buồng dành sẵn cho mình. Bên ngoài tường vẫn vang lên cuộc trò chuyện bằng tiếng Anh và chỉ có một từ được nhắc đi nhắc lại: "Rufa! Rufa!" (cách gọi thân mật cái tên Rufina - TTT).
Và lúc tôi vừa thiếp đi thì bỗng vang lên tiếng kẹt cửa và trong bóng đêm đen như mực bỗng hiện ra một chấm đỏ của đầu điếu xì gà đang cháy: anh Kim bước vào. Anh nhẹ nhàng ngồi xuống mép giường và nói một cách trịnh trọng: "Anh là người đàn ông Anh quốc!".
Tôi hiểu là anh đã quá chén nên nói: “Em biết anh là một trang nam nhi!" - "Không,  - anh Kim phản đối, - anh là người đàn ông Anh quốc!". Thật là một tình huống ngốc nghếch! Tôi định hoãn binh: "Tomorrow!" (Ngày mai). Và anh ấy đi ra rồi lại đi vào. Tới cả ba lần như thế. Tôi thấy tức cười quá…
Sáng hôm sau, lần đầu tiên tôi nhìn anh ấy bằng cặp mắt khác. Dáng vẻ nghiêm túc, như tượng, anh ấy không có gì gợi lại cuộc phiêu lưu trong đêm và tỏ ra rất hấp dẫn. Và khi đi dạo chơi trong rừng, anh ấy đã im lặng rất lâu, khiến tôi ngỡ rằng anh ấy đang ân hận vì chuyện đã xảy ra. Thực ra thì anh ấy chẳng nhớ gì cả mà chỉ đang bị đau đầu. Tôi thương anh ấy rõ là uổng công!.. Để làm cho anh Kim vui, tôi đã hái một cành hoa quả chuông và tặng đùa cho anh ấy. Và anh ấy cứ nắm lấy cành hoa suốt cả đường đi và sau đó về cố công tìm cho được cái bình để cắm nó. Anh Kim không phải người lụy tình nhưng rất cảm động trước mọi sự quan tâm đến mình…".
Sau "cái đêm hôm ấy đêm gì", Kim Philby đã tính đến chuyện thêm một lần lấy vợ. Bà Pukhova kể tiếp:
"Rồi chị Ida mời tôi đi chơi theo tuyến danh lam thắng cảnh Vòng cung Vàng bằng xe hơi. Chị nói rằng anh Kim cũng sẽ đi. Đối với tôi lúc đó chuyện này không quan trọng vì đơn giản là tôi cũng chỉ muốn thư giãn khỏi công việc thường ngày".
Tới thành phố Yaroslav, chúng tôi đi dạo trong công viên bên bờ sông Volga. Tôi cảm thấy anh Kim không dửng dưng đối với tôi. Và tôi hơi ngượng nghịu vì thế. Cuối cùng, anh ấy không kiềm chế được nữa, cầm lấy tay tôi - tay anh ấy rắn như thép! - và đặt xuống ghế rồi nói: "Anh muốn cưới em!".
Tôi thấy lúng túng, vì chúng tôi có biết được gì nhau nhiều đâu, chỉ mới quen nhau thôi mà, nên tôi tìm cách thoái thác rằng tôi lười biếng lắm, tôi đã quen sống độc thân rồi, rằng sức khỏe tôi yếu lắm… Nhưng không thể làm anh ấy lùi bước được. Anh ấy nói: "Anh không phải là trai trẻ. Anh không thúc giục em. Anh có thể chờ…".
Ngày hôm sau, trên đường về Moskva, anh Kim mời tôi vào nhà hàng ăn trưa ở khách sạn Metropol. Tôi tới chậm gần 40 phút và đã nghĩ là anh ấy không chờ tôi nữa. Tôi cảm thấy ân hận và dự định là sẽ gọi điện xin lỗi anh ấy. Thế nhưng, khi tôi tới nơi thì thấy anh Kim đang đứng, vẻ mặt đầy thiểu não. Vừa nhìn thấy tôi, anh ấy đã nở ngay nụ cười mãn nguyện đến mức trái tim tôi tan ra như nước. Tôi cảm thấy rất dễ chịu và tự nhiên trong nhà hàng.
Anh ấy nhờ tôi dạy anh ấy tiếng Nga và mời về nhà uống trà. Chúng tôi cùng ngồi ở trong bếp. Rất ấm cúng, theo kiểu gia đình. Thời gian trôi như bay. Anh ấy còn nói đùa: "Anh chỉ định mời em uống trà nhưng hình như em muốn ngồi tới bữa tối…", rồi nhắc lại lời cầu hôn của mình. Lúc đó tôi đã bị anh ấy chinh phục hết rồi nên gật đầu, mặc dù tôi đã không ở lại để cùng ăn bữa tối…".
Cho tới khi ấy, bà Pukhova không hề biết gì về quá khứ điệp viên của Kim Philby. Ở Moskva, ông đã sống với họ giả là Martins. Theo bà Pukhova kể, thoạt tiên ông được đặt tên họ theo kiểu thuần Nga Andrey Piodovich Fedorov nhưng là một người Anh, nói tiếng Nga chưa sõi nên một khi ông xưng danh như thế thì ai nghe cũng phải bật cười.
Thế là ông phải chọn một cái họ trung tính, nghe như có vẻ gốc người nước ngoài! Trong lý lịch giả của Kim Philby ở Nga, trong mục "Nơi sinh" ghi là New York, còn "dân tộc" thì ghi là "Người Latvia". Nhưng ngay cả với vai trò này, xem ra ông cũng không thích hợp lắm… Vì ông là một người Anh đến tận cùng xương tủy.
Bà Pukhova sống cùng với Kim Philby 18 năm. Chỉ sau hai năm đầu tiên, tật nghiện rượu của "thiên tài tình báo" đã giảm đi rõ rệt dù chưa bao giờ ông hứa với vợ là sẽ cai rượu. Chỉ duy nhất một lần ông nói với bà: "Anh sợ sẽ mất em nên anh sẽ không uống nữa!". Và ông đã làm việc rất nhiều. 
Sống ở Moskva, Kim Philby, theo lời vợ ông kể, luôn cảm thấy day dứt vì được hưởng một chế độ đãi ngộ cao hơn hẳn những công dân Xôviết bình thường. Bà Pukhova nhận xét rằng, Kim Philby là một người đàn ông mạnh mẽ nhưng lại dễ bị tổn thương: "Anh ấy không chịu được cảnh đơn chiếc và luôn cảm thấy bi thiết mỗi khi tôi ra khỏi nhà. Tôi phải sửa soạn rất lâu để nói rằng tôi muốn đi xem hát hay tới chơi với các bạn gái. "Ừ, thì em đi đi…", - anh ấy luôn nói với vẻ cam chịu. Bản thân anh ấy không thích đi chơi đâu cả. Anh ấy chỉ thích ở nhà…".
Bà Pukhova kể: "Cho tới phút cuối, Kim Philby vẫn tin vào một xã hội công bằng, vẫn tin vào chủ nghĩa cộng sản và dâng hiến cả đời cho nó…"
Trần Thanh Tịnh

Nga vinh danh điệp viên huyền thoại Kim Philby

VietnamDefence - Điệp viên huyền thoại Kim Philby vừa được vinh danh với tấm bảng đồng in hình và câu nói nổi tiếng của ông tại trụ sở của Cục Tình báo đối ngoại SVR của Nga ở Moskva.
Tấm bảng đồng được đặt tại trụ sở SVR
Phó Thủ tướng Nga S. Ivanov, bà Rufina Pukhova - phu nhân Kim Philby, và Giám đốc SVR M. Fradkov (từ trái qua phải) tại buổi lễ
Tham dự lễ vinh danh có Phó Thủ tướng Nga Sergei Ivanov, Giám đốc SVR Mikhail Fradkov và phu nhân của Kim Philby là Rufina Pukhova.

Chân dung Philby được khắc họa trên tấm bảng đồng giống như vị thần trấn môn Janus trong thần thoại La Mã, với hai gương mặt đối diện nhau, tượng trưng cho sự thay đổi, chuyển tiếp, khởi đầu và kết thúc.

Tấm bảng cũng in câu nói của Philby: “Nhìn lại cuộc đời mình đã cống hiến cho sự nghiệp, tôi tin tưởng chân thành và mạnh mẽ sự nghiệp đó là đúng đắn”.

Harold Adrian Russell 'Kim' Philby (1.1.1912-11.5.1988) là sĩ quan cao cấp của Cục Tình báo Anh MI-6 (Secret Intelligence Service), làm việc cho tình báo Liên Xô từ năm 1933, thành viên của nhóm tình báo “Bộ ngũ Cambridge” lừng danh, chạy trốn sang Liên Xô năm 1963. Tại Liên Xô, ông tiếp tục tham gia đào tạo các sĩ quan tình báo trẻ cho KGB. Ông mất năm 1988 và được an táng ở Moskva.
  • Nguồn: BBC, 9.12.2010.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét