Thứ Bảy, 20 tháng 12, 2014

ĐỊA NGỤC TRẦN GIAN 17

(ĐC sưu tầm trên NET)

Nhà tù Phú Lợi

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Tượng đài tại nhà tù Phú Lợi
Nhà tù Phú Lợi nay là một di tích lịch sử cách mạng của tỉnh Bình Dương. Di tích này nằm cách trung tâm thị xã Thủ Dầu Mộtkm. Nơi đây là một nhà tù do Đệ nhất Cộng hòa Việt Nam xây dựng vào năm 1957 để giam cầm những người được cho là Cộng sản. Nhà tù Phú Lợi có tổng diện tích khoảng 77.082 m2, ngày 10 tháng 07 năm 1980, nhà tù này được nhà nước công nhận và xếp hạng là di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Trong suốt 8 năm tồn tại (1957 - 1964), nhà tù Phú Lợi được mệnh danh là "Địa ngục trần gian" với đủ thứ cực hình tàn khốc. Cũng chính tại đây, trong thời gian bị giam cầm, nhà văn Sơn Nam đã cho ra đời bài thơ thay lời tựa truyện Hương rừng Cà Mau nổi tiếng.

Lịch sử

Vào tháng 11 năm 1958, chính phủ Đệ nhất Cộng hòa Việt Nam tổ chức các đợt đày tù nhân chính trị (tù nhân "loại A" hay còn gọi là "tù Cách mạng") ra Côn Đảo. Do biển động, tàu không ra được vùng biển Vũng Tàu - Côn Đảo nên chuyến đi phải hoãn lại.
Ngày 30 tháng 11 năm 1958, nhà tù đã bỏ thuốc độc vào khẩu phần ăn của tù nhân khiến hàng ngàn tù nhân bị trúng độc (đến ngày 1 tháng 12 năm 1958 số người tử vong đã lên đến hàng ngàn). Trước tình hình đó, tổ chức Đảng Cộng sản trong nhà tù vừa tổ chức tự cứu chữa cho tù nhân bị trúng độc, vừa đấu tranh tố cáo hành động này. Các tù nhân đã tung nóc nhà giam, chiếm đài phát thanh, dùng các tấm tôn cuộn thành loa lên tiếng tố cáo. Vụ việc lan truyền rộng khắp, gây nên làn sóng căm phẫn không chỉ trong nước mà cả thế giới, cuối cùng nhà tù Phú Lợi buộc phải giải tán vào năm 1964.

Miêu tả

Ngày nay, nhà tù Phú Lợi được xem như một bằng chứng về tội ác của chế độ Đệ nhất Cộng hòa Việt Nam tại miền Nam Việt Nam.

Bên trong phòng biệt giam nhà tù Phú Lợi
Trung tâm nhà tù là bức tượng bằng đồng cao 3,5 m của nhà điêu khắc Diệp Minh Châu ghi lại sự kiện "Phú Lợi căm thù". Các khu nhà giam C, nền nhà giam A, B, nhà kỷ luật, tháp canh, lô cốt đều được giữ nguyên vẹn hoặc tôn tạo lại. Nơi đây còn lưu giữ nhiều hiện vật quý về cuộc đấu tranh của các tù nhân đồng thời phản ánh đời sống tâm hồn phong phú của các tù nhân, như bộ cờ tướng chạm khắc tinh xảo bằng gỗ cẩm lai, chiếc vỏ gối được thêu hay chiếc quần nhiều tác dụng...

Tham quan

Giờ đây 12 ha đất thuộc khu trại giam Phú Lợi ngày xưa đã và đang được tôn tạo thành công viên cây xanh, làm nơi vui chơi, giải trí cho mọi người và là điểm tham quan giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau.

Nhà tù Phú Lợi với thơ ca

Trong một ngày - mùng một tháng mười hai.
Nào ai ngờ không có nữa ngày mai
Chúng tôi chết trong đêm dài tàn khốc
Đứt ruột gan, nắm cơm thuốc độc.
Tím xương da nanh nọc lũ đê hèn.
Trái tim hồng chết uất máu bầm đen
Tố Hữu
20-01-1959
Đừng hỏi tên ai còn ai mất.
Sáu ngàn người chỉ 1 tên chung.
Chỉ 1 tên: hòa bình,thống nhất.
Tên những người bất khuất,kiên trung.
Hoàng Trung Thông
Trang này được sửa đổi lần cuối lúc 13:18, ngày 12 tháng 12 năm 2014.
Ngày 1-12-1958, cách đây tròn 50 năm, gần 4.000 tù nhân Nhà tù Phú Lợi (TX.TDM) bị chế độ Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm đầu độc. Vụ việc nhẫn tâm này đã làm hàng trăm người bị thương nặng và chết, khiến dư luận trong nước và trên thế giới vô cùng căm phẫn.

Sự kiện bắt đầu diễn ra vào những ngày cuối tháng 11-1958. Hồi đó như thường lệ, mỗi năm Mỹ - Diệm thường tổ chức các đợt đày tù nhân “loại A” ra Côn Đảo với ý đồ bí mật thủ tiêu tù nhân trong chuyến đi này. Những ngày cuối tháng 11 và đầu tháng 12, biển động mạnh, tàu không ra được vùng biển Vũng Tàu - Côn Đảo, nên chúng lỡ chuyến đi. Không từ bỏ dã tâm, ngày 30-11, Mỹ - Diệm đã bỏ thuốc độc vào khẩu phần ăn của tù nhân khiến nhiều người bị đau bụng, nôn mửa, co quắp... Đến ngày 1-12, hàng trăm người bị đầu độc, nhiều người chết, số người bị bệnh nặng bị địch khiêng ra khỏi trại tù và không có ngày trở lại.

Với tinh thần kiên cường bất khuất, Đảng ủy trại giam quyết định đấu tranh công khai trực tiếp, các tù nhân đã tung nóc nhà giam, phát loa phóng thanh kêu cứu trong ngày bi thảm 1-12. Vụ việc đã lan truyền rộng khắp, nhiều nơi nổi dậy đấu tranh tố cáo tội ác của Mỹ - Diệm. Chỉ sau 1 tháng vụ đầu độc, liên tiếp nhiều bức thư điện của Liên hiệp Công đoàn thế giới, Hội Liên hiệp học sinh thế giới, Hội Luật gia thế giới... được gửi về nước. Biến đau thương thành hành động, khắp nơi trong nước dấy lên phong trào hướng về Phú Lợi, từ tiếng gọi căm thù, tiếng gọi đau thương... “Tuần lễ thi đua” vì Phú Lợi và miền Nam ruột thịt của Ủy ban đấu tranh Trung ương chống vụ đầu độc ra đời, làm bừng lên phong trào thi đua trên công xưởng, nông trường, hợp tác xã, thao trường, thông tin đại chúng...

Theo ông Bùi Văn Sửu, cựu tù nhân Nhà tù Phú Lợi, việc đày tù nhân ra Côn Đảo là để Mỹ - ngụy ra sức thực hiện chiêu bài “Tố cộng diệt cộng”. Diệt thể xác không thành, chúng quay sang diệt về tinh thần và tư tưởng, làm cho người cách mạng mất đi ý chí chiến đấu hoặc phải đầu hàng khuất phục. Nhưng chúng đã sai lầm, người cách mạng chẳng những không mất đi khí tiết anh hùng, truyền thống yêu nước mà còn vững vàng vươn lên trong mọi hoàn cảnh để đấu tranh giành thắng lợi cuối cùng. Nhà tù Phú Lợi buộc phải giải tán năm 1964 là vì thế.

Ông Đào Văn Tiên, Phó ban liên lạc tù chính trị và tù binh tỉnh - cựu tù Phú Lợi, xúc động cho biết, tuy vụ đầu độc đã xảy ra 50 năm nhưng ảnh hưởng của nó thì còn vang mãi. Anh em cựu tù mỗi lần gặp nhau lại hân hoan tay bắt mặt mừng cùng nhau ôn lại kỷ niệm xưa: những năm tháng chiến đấu gian khổ, vượt lên thử thách của chế độ lao tù khắc nghiệt, đọa đày, tàn bạo nhất của Mỹ - ngụy, nhưng anh chị em vẫn giữ lòng kiên trung bất khuất để chiến thắng trở về với Đảng, với nhân dân.

Để ghi khắc dấu ấn lịch sử và giáo dục thế hệ trẻ, di tích Nhà tù Phú Lợi vẫn lưu giữ nhiều hiện vật quý minh chứng cho sự khắc nghiệt, bạo tàn của chế độ nhà tù, đồng thời còn in đậm dấu ấn đấu tranh anh dũng, bất khuất của tù nhân - những chiến sĩ cách mạng kiên trung.

“Sức nặng” của sự kiện ngày 1-12 những năm qua luôn thôi thúc thế hệ trẻ về với khu di tích Nhà tù Phú Lợi. Hàng năm, nhiều đoàn viên thanh niên trong khắp mọi miền của Tổ quốc lại đến thăm, tìm hiểu và lắng nghe lời kể của các cựu tù, giúp cho mỗi người có được cái nhìn thấu đáo, rèn luyện phẩm chất bản thân trong sáng để phụng sự đất nước. Chị Nguyễn Trường Nhật Phượng- Bí thư Chi đoàn Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND tỉnh chia sẻ: “Về với di tích Nhà tù Phú Lợi hôm nay, tôi nhận ra một điều thật giản dị nhưng đầy ý nghĩa: thanh niên không thể sống mãi với quá khứ, nhưng không được phép quên và không thể quên lịch sử. Có hiểu hết lịch sử mới thấy được rằng, thanh niên đang có một cuộc sống thật hạnh phúc - hạnh phúc của những người được sống trong hòa bình, độc lập, tự do. Lịch sử đã sang trang, nhưng mãi mãi thế hệ hôm nay và mai sau sẽ luôn nhắc đến “Phú Lợi căm thù” như một tượng đài cách mạng; tinh thần bất khuất, ý chí kiên cường và lý tưởng cao đẹp của các cô chú sẽ là tấm gương để tuổi trẻ học tập và noi theo”.
  • Bình luận
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét