Thứ Bảy, 13 tháng 12, 2014

ĐIA NGỤC TRẦN GIAN 7

(ĐC sưu tầm trên NET)



Quan tài chôn những người đang sống tại "địa ngục trần gian"

19/09/2014 08:23

Trong lòng xứ Huế mộng mơ có một nhà tù - nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian” - Nhà giam Chín Hầm do Ngô Đình Cẩn cải tạo từ một nơi để vũ khí đạn dược do người Pháp để lại.

Nhà giam Chín Hầm tồn tại từ năm 1954 đến 1963. Ngay ngày gia đình họ Ngô bị đảo chính, Ngô Đình Cẩn bị bắt, người dân xứ Huế đã lên nhà giam Chín Hầm đập phá tan hoang. Nửa thế kỉ đã đi qua, nhà giam Chín Hầm ngày nay vẫn còn lại dấu tích minh chứng cho tinh thần yêu nước, sức mạnh quật cường của đồng bào ta, của những chiến sĩ cách mạng khi đối mặt với sự tàn độc vô độ của bạo chúa khét tiếng Ngô Đình Cẩn.
Sau khi Ngô Đình Diệm lên làm tổng thống Việt Nam Cộng hòa đã hình thành một chế độ độc tài gia đình trị họ Ngô. Đại diện cho gia đình trị họ Ngô ở miền Trung và cao nguyên Trung phần là Ngô Đình Cẩn. Là con thứ 8 trong gia đình, khác với các anh em trong nhà ai cũng học hành đàng hoàng, Cẩn chỉ học bậc tiểu học, hết lớp 3 thì nghỉ. Khi lớn lên có sở thích mặc áo dài the, đầu đội khăn xếp, miệng nhai trầu, chân đi guốc mộc nghênh ngang giữa đường. Cẩn ở nhà phụng dưỡng bố mẹ và thờ cúng tổ tiên nên được anh chị em trong nhà quý mến.
Cẩn tự xưng là cố vấn đặc biệt của các tỉnh miền Trung và cao nguyên Trung phần thành lập bè đảng và tay sai gây nhiều tội ác cho đồng bào miền Trung và đặc biệt là việc dựng lên nhà giam Chín Hầm. Trước thời Cẩn, khu vực này vào năm 1941 thực dân Pháp xây dựng bê tông cốt sắt rất kiên cố để giấu vũ khí. Năm 1946 thực dân Pháp quay lại và biến nơi đây thành nơi giam giữ tù binh. Năm 1954, Ngô Đình Cẩn tình cờ đi săn bắn phát hiện thấy đây là nơi lý tưởng để thủ tiêu các chiến sĩ cách mạng, ông ta nhanh chóng cải tạo khu vực này và gọi là Chín Hầm.
Tượng đài bất khuất tại Khu di tích lịch sử Chín Hầm.
Tượng đài bất khuất tại Khu di tích lịch sử Chín Hầm.
Ngôi biệt thự của Ngô Đình Cẩn cách “địa ngục trần gian” 100 m, như so sánh một bên thiên đường, một bên địa ngục. Cẩn là người máu lạnh, dù gì, nhà giam Chín Hầm cũng là nơi giam cầm tù nhân chính trị, và những ai chống đối với gia đình họ Ngô. Ngoài tù cộng sản còn có không ít các sinh viên, tăng ni, phật tử, thương nhân…
Có thể gọi nhà giam Chín Hầm là hầm xay thịt vì có hàng trăm sinh mệnh đã bị bức tử trong đó. Nhưng, hằng ngày bạo chúa miền Trung ở cách đấy không xa vẫn vui thú điền viên, ăn chơi xa xỉ.
Hầm số 1, 2, 3 ở phía trước đỉnh đồi. Hầm số 4, 9 trên đỉnh đồi. Sau đỉnh đồi là hầm số 5, 6, 7, 8. Tùy thành phần phạm tội khác nhau bị giam giữ ở các hầm khác nhau. Hầm nào cũng xây dựng bê tông cốt sắt. Mỗi hầm có duy nhất một lỗ thông hơi. Mỗi hầm có 20 chuồng cọp. Ngày nay, một tượng đài sừng sững và uy nghiêm để tưởng nhớ những người đã hy sinh tại Chín Hầm. Tượng đài bất khuất khắc lại hình ảnh ba đồng chí còn sống sót ở hầm số 8, căn hầm quỷ quái, khốn khổ nhất. Bên cạnh đấy là đền thờ tưởng niệm những người đã hy sinh tại đây.
Diện tích toàn bộ khu vực nhà giam là 4 ha. Những dụng cụ để tra tấn được lưu giữ trong bảo tàng lịch sử. Người ta kể lại rằng, lính của Ngô Đình Cẩn bỏ tù nhân vào trong xe và đi một vòng quanh đồi để đến nhà giam. Với những người tù chúng tra tấn đã chết, ai may mắn thì được chôn chung vào một cái hố, còn với nhiều thây người khác chúng vứt xuống vực để làm mồi cho hổ đói.
Hầm số 4 xây kiên cố, theo kiểu bán quân sự, nửa dưới lòng đất, nửa trên mặt đất. Hầm này từng giam giữ đồng chí Nguyễn Vĩnh Nghiệp - nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM. Trước đây hầm có một bể chứa nước, nước này sẽ lấy từ sông, từ hai hồ ở phía dưới lên cung cấp cho tù nhân.
Bên trong nhà giam Chín Hầm.
Bên trong nhà giam Chín Hầm.
Riêng hầm số 8 giam giữ tù nhân là tình báo - những người dù tra tấn dã man cỡ nào cũng nhất quyết không khai, chiêu hồi cũng không khai. Hầm số 8 là căn hầm điển hình nhất của “địa ngục trần gian”. Năm 1963 khi bà con miền Trung lên nhà giam Chín Hầm đập phá đến căn hầm số 8 người ta thấy nhà tình báo - Đại tá Nguyễn Minh Vân là một trong ba đồng chí còn sống sót. Vào căn hầm số 8, tù nhân không bị tra tấn nữa nhưng lại bị đày ải về tinh thần.
Vào đây rồi ngày cũng như đêm chỉ một màu tối thui. Ngày không ánh nắng mặt trời, đêm không ánh lửa. Mỗi tù nhân có một đĩa để ăn cơm, một ca để đựng nước, một xô để đi tiểu tiện, đại tiện. Xô này làm bằng gỗ. Cứ 7 đến 10 ngày lính xách xô đi đổ một lần. Vì xô làm bằng gỗ nên lâu dần theo thời gian xô ngấm nước, bay nắp đi, tù nhân phải ngửi mùi hôi thối nồng nặc.
Cơm được ăn hai lần tùy theo tâm lý phục vụ của bọn lính. Bữa ăn được mô tả cơm sống trộn với máu tanh mùi thịt rữa, lâu lâu khuyến mại vài cọng rau muống già, một vài con mắm mà ruồi bọ lúc nhúc.
Mỗi tù nhân được phát hai lon nước một ngày. Một lon để uống và một lon để vệ sinh thân thể. Vào đây rồi thì ngàn năm không tắm rửa, tóc dài tua tủa ngang vai. Trời nắng thì như ngồi trên chảo rang. Trời mưa thì lạnh buốt xương da. Đồi núi hoang vu nên rắn và chuột nhiều vô số kể. Có nhiều đồng chí bị phù nề không thể ngồi, đứng nữa, chỉ đủ sức lết người lại nhanh mà liếm thức ăn không chuột ăn mất phần.
Mô hình tù nhân bị giam trong nhà giam Chín Hầm.
Mô hình tù nhân bị giam trong nhà giam Chín Hầm.
Những người tù cộng sản khi quen rồi thì kí hiệu bằng ngôn ngữ của họ. Họ cảm nhận rõ đồng chí bên cạnh đang trút hơi thở cuối cùng. Nghe đồng chí bên cạnh dặn: “Hãy cố gắng sống, sống để về bảo với Đảng với dân, giữa một thành phố hoa lệ như thế này vẫn còn những địa ngục trần gian mà không ai biết”.
Đồng chí ở phòng số 7 nhắc đồng chí Nguyễn Minh Vân ở phòng số 8 là hãy cố gắng sống. Và khi người đồng đội của mình (có biệt hiệu là Mai Ka) trút hơi thở cuối cùng, đồng chí Nguyễn Minh Vân kêu lính vào để khiêng xác đồng chí này ra thì lính làm lơ.
Đến đêm thì đồng chí nghe tiếng rục rịch chuột gặm nhấm thi thể của đồng chí mình. Vào đây rồi thì theo ngôn ngữ của ông Cẩn là “sống chết mặc bay”. Thời kỳ đó với tinh thần bất khuất kiên trung, các đồng chí bị giam cầm làm thơ để ghi lại những ngày tháng ngục tù.
Đại tá - cựu tình báo Nguyễn Minh Vân là người đã sống trong căn hầm số 8 với thời gian 724 ngày. Mỗi ngày ông làm 20 câu thơ. Sau này ông đã làm được 3.000 câu thơ và tuyển tập thành quyển Sống trong mồ. Nay ông đã ở tuổi 93 và đang sống ở Hà Nội.
Khác với các nhà tù ở Côn Đảo, Phú Quốc, 7 đến 10 ngày người tù còn được ra ngoài để nhìn ánh sáng thiên nhiên, còn được dội trên mình những gáo nước dù chỉ thấm ngoài cơ thể. Nhưng ở đây thì không. Nhà giam Chín Hầm như một cái quan tài chôn những người đang sống. Đôi khi chuột cắn cụt cả ngón chân không đủ sức mà cựa người.
Hầm số 6 dùng để tra tấn. Thời gian tra tấn từ 1-3h sáng. Có thể xẻo từng miếng thịt một. Treo ngược tù nhân cho đi tàu bay xích đu. Hoặc chúng cho uống nước xà phòng rồi dẫm lên bụng. Tra điện vào đầu ngón tay, ngón chân. Dùng búa đánh vào mắt cá - nơi đau đớn nhất của cơ thể.
Mục đích của Cẩn là làm nhụt ý chí đấu tranh, làm cho sống không bằng chết, sống trong quằn quại đau đớn. Ở hầm số 5, có những khi 30, 40 người chết vì ngột ngạt, đói khát, tra tấn. Lính chỉ đào một hố to đổ người xuống rồi để nhành khô lên trên. Lính không tử tế sẽ đem xác vứt vào các khe núi có nước để xác trôi đi, hoặc ném ra bìa rừng làm mồi cho hổ. Tù nhân chết nhiều vô số kể. Hiện nay còn rất nhiều những ngôi mộ vô danh của những người tù cộng sản hy sinh.
Một trong những bức ảnh được trưng bày tại phòng lưu niệm của nhà giam Chín Hầm ghi lại khoảnh khắc bước dần đến cái chết của bạo chúa miền Trung. Dưới bức ảnh ghi chú: “Ngày 9/5/1964, Ngô Đình Cẩn bị xử tử ở nhà giam khám Chí Hòa”. Lúc này một phần vì nỗi lòng tang tóc, lại do ăn uống không đầy đủ nên suy kiệt về tinh thần và thể xác, khi đưa ra pháp trường xử tử thì Cẩn không còn sức để đứng mà phải dìu. Kết cục tang thương liên tiếp của gia đình họ Ngô là luật báo ứng nhân quả của kẻ đã gây ra tội ác đời đời, kiếp kiếp không bao giờ gột rửa được

Chín Hầm

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Khu lưu niệm tội ác khu vực Chín Hầm

Hầm số 8 được gọi là "Địa ngục trần gian"
Khu Chín Hầm thuộc ấp Ngũ Tây, làng An Cựu, xã Thủy An, thành phố Huế, cách trung tâm thành phố khoảng 6km về phía Tây nam, dưới chân núi Thiên Thai.
Gọi là Chín Hầm nhưng thực ra chỉ có 8 hầm và 1 căn nhà gác. Đây là khu vực kho tàng vật liệu vũ khí chiến tranh do quân đội Pháp xây dựng từ năm 1941.
Từ năm 1954, Ngô Đình Cẩn dùng nơi này để biệt giam những người Cộng sản và một số người dân Huế đấu tranh chống chế độ độc tài gia đình trị họ Ngô.
Các hầm được phân bố trên 2/3 quả đồi, cửa hầm hướng xuống chân đồi, hầm có hình chữ nhật, chiều rộng bằng 2/3 chiều dài. Trừ hầm số 1 chìm sâu xuống lòng đất, các hầm còn lại đều nổi lên mặt đất từ 1/3 đến 2/3 chiều cao của hầm. Hầm được xây dựng kiên cố bằng bê tông cốt sắt, trần hầm có độ dày 0,5m.
Những hầm này còn được gọi là chuồng cọp, trong hầm được chia thành 2 dãy xà lim chuồng cọp, mỗi chuồng rộng 0,9m, dài 0,2m, cao 1,5m phía trên đầu là một lưới sắt, mỗi hầm có 1 lỗ thông hơi nhỏ.
Sau năm 1975 Chín Hầm đã được xếp hạng di tích quốc gia.
Theo quyết định số 2015VH-QĐ ngày 26/02/1993, Chín Hầm và ngôi biệt thự của Ngô Đình Cẩn (cách đó 1 km) được Nhà nước Việt Nam công nhận là Di tích lịch sử với tên gọi "Di tích lịch sử lưu niệm tội ác khu vực Chín Hầm và nhà Ngô Đình Cẩn".
Ông Trần Quốc Hương (là cấp trên trực tiếp của các nhà tình báo: Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn) từng bị giam tại đây
Một đại tá tình báo khác là Hoàng Minh Vân cũng từng bị giam ở đây trong thời gian 1957-1963. Ông đã sáng tác truyền khẩu một tập thơ "Sống trong mồ" để mô tả cuộc sống địa ngục tại đây.
Trang này được sửa đổi lần cuối lúc 06:10, ngày 20 tháng 6 năm 2014.

Chín hầm địa ngục trần gian thời Ngô Đình Diệm
Ngô Diệp
26 tháng 6, 2009
Hình của www.baodatviet.vnChúng tôi đã được biết đến “địa ngục trần gian Chín Hầm” qua báo chí và nghĩ: Có lẽ nó không khủng khiếp như những địa ngục Sơn La, Hỏa Lò (thời Pháp thuộc), Côn Đảo, Phú Quốc (thời ngụy quyền Sài Gòn), như chúng tôi đã từng mục kích. Bởi, dù sao, nó cũng chỉ là nhà ngục địa phương! Nhưng, khi đến khu di tích lịch sử Chín Hầm, chúng tôi thật sự bất ngờ trước sự tàn bạo, quái đản của bọn cai ngục ở đây.
Khu di tích nằm về phía tây nam, cách thành phố Huế 6 cây số. Nhà tưởng niệm-Tượng đài bất khuất được xây dựng ngay cổng vào khu tù ngục trước. Ở đây, ngoài bản đồ, sa bàn chỉ dẫn bao quát còn lưu giữ nhiều tư liệu, hiện vật quý về quá trình hình thành, xây dựng khu tù ngục quái gở Chín Hầm; những tội ác cực kỳ man rợ của Ngô Đình Cẩn và thuộc hạ do chính những nhân chứng sống sót từ ngục tù này kể lại; những tấm gương kiên trung, bất khuất của đồng bào, chiến sĩ bị giam hãm đày đọa v.v..
Địa ngục này là sản phẩm tội lỗi của Ngô Đình Cẩn. Y là em trai Ngô Đình Diệm, con thứ tám của Ngô Đình Khả. Tên thường gọi ở nhà của y là cậu Út - Út Cẩn. Trong sáu anh em trai nhà họ Ngô, Ngô Đình Cẩn là người ít học nhất, tính tình lại thất thường. Trong khi anh em bươn chải làm chính trị, y thúc thủ ở lại quê trông nom hương hỏa, phụng dưỡng mẹ già, sống cuộc đời của tên cường hào địa phương.
Khi Ngô Đình Diệm làm Tổng thống của cái gọi là “Việt Nam cộng hòa”, tính chất lưu manh, cường bạo của Ngô Đình Cẩn được dịp bùng phát. Y tự xưng là lãnh chúa miền Trung, điên cuồng đàn áp những người cách mạng, yêu nước; những người khác chính kiến, tôn giáo; cướp bóc trắng trợn tài sản của nhân dân... Khét tiếng tàn bạo nhất trong bộ máy của Ngô Đình Cẩn là mạng lưới mật vụ tình báo. Dưới trướng chúng có hàng loạt lò giam giữ tra tấn như: Lao xá Ty công an, trại Tòa khâm, trại Thừa Phủ, nhà tù Long Thọ, trại đồn Mang Cá nhỏ… Đỉnh điểm tội ác là khu biệt giam Chín Hầm.
Khu Chín Hầm nằm trên một ngọn đồi thông xa dân cư. Nguyên trước đây là kho chôn cất vũ khí của người Pháp. Tám kho và một lô cốt bốt gác xây cất vào lòng núi, rải rác quanh đồi. Tường kho bằng bê tông cốt thép dày hơn 40cm. Căn hầm lớn nhất có diện tích 85m2, căn nhỏ nhất 41m2. Ngô Đình Cẩn cho sửa lại các căn hầm này làm trại giam. Cấu trúc bề ngoài căn hầm không thay đổi, chúng chỉ gia cố lại cửa thép, lưới sắt nắp hầm. Trừ hầm số 5, các hầm khác ngăn thành xà lim nhỏ. Theo lời kể của nhân chứng, các căn hầm này khi trời mưa, nước ngập đến thắt lưng; ngày nắng, nóng hầm hập như trong lò than; trời rét, lạnh cắt da cắt thịt. Người bị giam sống chung với chuột, dòi, muỗi mòng…
Mỗi căn hầm là một ngôi mộ chôn những người sống đúng cả nghĩa bóng và nghĩa đen.
Các căn hầm số 1, số 6, số 7, số 8 giam giữ những tù nhân chúng gọi là cộng sản, Việt cộng nằm vùng.
Căn số 3 giam cầm những công thương gia giàu có; chúng vu oan cho họ, bắt giữ tra tấn, buộc gia đình phải bỏ tiền, vàng ra chuộc thân.
Căn số 3, 4 nhốt những người đối lập, những quan chức sĩ quan của chính quyền đương nhiệm không tuân theo lệnh Ngô Đình Cẩn.
Căn số 5 giam giữ các tăng ni, phật tử, học sinh sinh viên phản kháng chế độ độc tài gia đình trị họ Ngô. Căn này không ngăn thành xà lim, có thời điểm, chúng dồn hàng trăm người vào đây, đến nỗi họ chỉ có thể đứng sắp lớp với nhau. Vì thế, nhiều người đã chết vì ngộp thở.
Căn số 9 là bốt gác đồng thời cũng là nơi tra tấn, khảo cung những người chúng cho là có tội. Khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ, nhân dân đã phẫn nộ kéo đến phá tan tành khu biệt giam, lùng bắt Ngô Đình Cẩn và chân tay của y.
Ngày nay, các căn hầm chỉ còn lưu lại các bức tường bê tông cốt thép để làm chứng tích tội ác. Ban quản lý khu di tích lịch sử đã dựng lại nguyên dạng căn hầm số 8 để người đời có thể hình dung phần nào tội ác “trời không dung, đất không tha” của tập đoàn phản động Diệm-Nhu-Cẩn.
Cánh cửa sắt nặng hàng tấn của căn hầm mở ra, đồng chí trưởng ban quản lý khuyên chúng tôi chờ một lúc để không khí oi nồng trong căn hầm thoát bớt. Hầm có diện tích 72m2, một lối đi ở giữa rộng chừng 1m, hai bên là dãy xà lim, mỗi xà lim y như chiếc quan tài, chiều dài 1,8m, rộng 0,8m; một tấm ván lót sàn, một chiếc xô tôn nhỏ để đi vệ sinh cùng dây xích, cùm kẹp.
Cả căn hầm chỉ có một lỗ thông hơi hình vuông, mỗi bề hơn 20cm. Trong các xà lim có hình nhân với đủ kiểu hành hạ như khi họ bị giam cầm: Nằm quỵ úp mặt xuống sàn, đứng khom lưng, ngồi kẹp giữa hai gối, treo lơ lửng…
Chúng tôi chỉ vào hầm quan sát khoảng mươi lăm phút mà tay chân bủn rủn, đầu óc như muốn vỡ tung, đủ biết sức chịu đựng của các chiến sĩ bị giam giữ ở đây thật phi thường.
Ông Nguyễn Văn Thành-người Hà Nội, một cựu tù Côn Đảo khi đến Chín Hầm đã thốt lên: “Bản thân tôi đã đối mặt với kẻ thù gần 11 năm ở các địa ngục: Bạch Đằng 3-Chí Hòa rồi chuồng cọp, hầm đá Côn Đảo, nhưng tôi phải rùng mình trước sự tàn bạo cùng cực của kẻ thù đối với đồng bào, đồng chí, đồng đội của tôi ở khu biệt giam Chín Hầm này!”.
Đốt nén hương trầm nghiêng mình trước anh linh của đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống ở Chín Hầm, chúng tôi lòng tự nhủ lòng cố gắng sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh cao cả và vô giá ấy.

NGÔ DIỆP
nguồn: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/89/70/83/83/83/80983/Default.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét