Thứ Ba, 23 tháng 12, 2014

ĐỊA LINH NHÂN KIỆT 31 (Chu Văn An)

(ĐC sưu tầm trên NET)

Chu Văn An

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Chu Văn An (chữ Hán: 朱文安; 12921370), tên thật là Chu An, hiệu là Tiều Ẩn (樵隱), tên chữ là Linh Triệt (靈澤), là một nhà giáo, thầy thuốc, đại quan nhà Trần trong lịch sử Việt Nam, được phong tước Văn Trinh Công nên đời sau quen gọi là Chu Văn An.

Tiểu sử

Quê ông ở làng Văn Thôn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay thuộc xóm Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Là người chính trực, đã từng đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học ở làng Huỳnh Cung, bên kia sông Tô Lịch, ông có công lớn trong việc truyền bá, giáo dục tư tưởng đạo đức Khổng giáo vào Việt Nam. Vua Trần Minh Tông (13001357) mời ông ra làm tư nghiệp Quốc tử giám, dạy cho Thái tử Trần Vượng, tức là vua Trần Hiến Tông tương lai. Đến đời Dụ Tông, ông thấy quyền thần làm nhiều điều vô đạo, ông dâng Thất trảm sớ xin chém 7 tên gian nịnh, nhưng vua không nghe. Ông chán nản từ quan về ở núi Phượng Hoàng (Chí Linh, Hải Dương), lấy hiệu là Tiều ẩn (người đi ẩn hái củi), dạy học, viết sách cho tới khi mất.

Vinh danh

Cuộc đời thanh bạch và tiết tháo của ông là tấm gương sáng của thời phong kiến Việt Nam. Ông là một trong số rất ít bậc hiền nho được thờ ở Văn Miếu. Sự nghiệp của ông được ghi lại trong văn bia ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám.
Hiện nay còn lăng mộ và đền thờ của ông nằm trên núi Phượng Hoàng, thuộc xã Văn An; cách khu di tích Côn Sơn khoảng 4 km. Đây là một điểm di tích văn hoá và danh thắng, với cảnh rừng thông đẹp trùng điệp, có đền thờ cũ và mới xây xong năm 2007. Lăng mộ Chu Văn An nằm trong khu di tích này. Lễ hội vào tháng tám và tháng một, trọng hội vào ngày 25-8 và 26-11. Khu di tích được xếp hạng năm 1998.
Đền thờ ông trên núi Phượng Hoàng
Câu đối thờ Chu An:
Trần vãn thử hà thời, dục vịnh đại phi hiền giả lạc
Phượng sơn tồn ẩn xứ, trĩ lưu trường ngưỡng triết nhân phong
Dịch:
Cuối đời Trần là thời nào, ngâm vịnh rong chơi há chẳng phải là cái thú vui của bậc hiền giả?
Núi Phượng vẫn còn dấu vết ở ẩn, đỉnh non vẫn mãi mãi ngưỡng mộ phong thái của kẻ triết nhân !
Ông được Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép
An (người Thanh Đàm), tính cương nghị, thẳng thắn, sửa mình trong sạch, bền giữ tiết tháo, không cầu lợi lộc. Ông ở nhà đọc sách, học vấn tinh thông, nổi tiếng gần xa, học trò đầy cửa, thường có kẻ đỗ đại khoa, vào chính phủ. Như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát đã làm hành khiển mà vẫn giữ lễ học trò, khi đến thăm thầy thì lạy hỏi ở dưới giường, được nói chuyện với thầy vài câu rồi đi xa thì lấy làm mừng lắm. Kẻ nào xấu thì ông nghiêm khắc trách mắng, thậm chí la hét không cho vào. Ông là người trong sạch, thẳng thắn, nghiêm nghị, lẫm liệt đáng sợ đến như vậy đấy. Minh Tông mời ông là Quốc Tử giám tư nghiệp, dạy thái tử học.
Dụ Tông ham chơi bời lười chính sự, quyền thần nhiều kẻ làm trái phép nước, An khuyên can, [Dụ Tông] không nghe, bèn dâng sớ xin chém bảy tên nịnh thần, đều là những kẻ quyền thế được vua yêu. Người bấy giờ gọi là "Thất trảm sớ". Sớ dâng lên nhưng không được trả lời, ông liền treo mũ về quê.
Ông thích núi Chí Linh, bèn đến ở đấy. Khi nào có triều hội lớn thì đến kinh sư. Dụ Tông đem chính sự trao cho ông, ông từ chối không nhận. Hiến Từ thái hoàng thái hậu bảo: "Ông ta là người không thể nào bắt làm tôi được, ta sai bảo thế nào được ông ta?". Vua sai nội thần đem quần áo ban cho ông. Ông lạy tạ xong, liền đem cho người khác hết. Thiên hạ đều cho là bậc cao thượng.
Đến khi Dụ Tông băng, quốc thống suýt mất, nghe tin các quan đến lập vua, ông mừng lắm. Chống gậy đến xin bái yết, xong lại xin trở về quê, từ chối không nhận chức gì. Khi ông mất Vua sai quân đến tế, ban tặng tên thụy, ít lâu sau có lệnh cho tòng tự ở Văn miếu.[1]

Tác phẩm

Hình ảnh

Trang này được sửa đổi lần cuối lúc 01:35, ngày 20 tháng 10 năm 2014.
 
 
 
Đền thờ Chu Văn An
Vị trí: Tọa lạc trong khu di tích Phượng Hoàng, thuộc địa phận phường Văn An, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương, cách Hà Nội khoảng hơn 80 km về phía đông.
Đặc điểm: Đền mang đậm phong cách kiến trúc thời Nguyễn, thờ thầy giáo Chu Văn An (1292 - 1370).
Vùng đất Chí Linh được người xưa coi là một vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, với thế đất “Lục thuỷ tứ linh”, sáu con sông giao hoà một mối gọi là Lục Đầu Giang. Bốn dãy núi trùng điệp xếp lại thành một bức tranh tuyệt hảo gọi là tứ linh: Long-Ly-Quy-Phượng. Nơi đây còn có dãy núi Phượng Hoàng bao gồm 72 ngọn, tượng trưng cho 72 con chim phượng hoàng tung cánh. Phượng Hoàng là biểu tượng cho trí tuệ và tài năng, còn gọi là “Tiều ẩn cổ bích” (tường nhà cổ), nơi ở ẩn của thầy giáo Chu Văn An mà theo sách “Phượng Sơn từ chí lược” của Nguyễn Định Phủ viết “Chu Văn Trinh tiên sinh ẩn cư sứ”.
Chu Văn An quê gốc ở làng Văn Thôn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông là người có công lớn đầu tiên trong việc truyền bá, giáo dục tư tưởng đạo đức Khổng Giáo ở Việt Nam. Năm 16 tuổi, ông đã đỗ “Đình Thí” (khoa Thi đình) nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học ở làng Huỳnh Cung nằm gần làng Văn Thôn. Ngoài 20 tuổi, ông được Vua Trần Minh Tông (1314 – 1329) mời làm tư nghiệp Quốc tử giám dạy học cho Thái tử. Đến đời Vua Trần Dụ Tông (1341 – 1369), vì không chịu nổi bọn gian thần ác bá, ông đã trao ấn từ quan về ở ẩn trên núi Phượng Hoàng, lấy hiệu là “Tiều ẩn” (tiều phu), chỉ chuyên dạy học, viết sách, làm thơ, nghiên cứu y dược cho tới khi mất.
Sau khi Chu Văn An qua đời (1370), tại nơi thầy làm nhà dạy học đã được dựng ngôi đền thờ thầy. Tuy nhiên, trải qua sự nghiệt ngã của thời gian, sự khốc liệt của bom đạn chiến tranh, đến những năm 80 của thế kỷ trước đền đã bị phá hủy gần như hoàn toàn. Trước thực trạng đó, những năm 90 của thế kỷ trước, được sự nhất trí của chính quyền các cấp, Bảo tàng Hải Dương, UBND phường Văn An và ngành Giáo dục cùng bà con địa phương đã tiến hành một cuộc đại trùng tu và tôn tạo lại đền. Kết quả sau 2 giai đoạn trùng tu, năm 2008 đền thờ Chu Văn An đã trở thành quần thể kiến trúc bề thế trang nghiêm bao gồm: tam quan nội, tam quan ngoại, sân hạ, sân trung, sân thượng, vườn cây, hai nhà giải vũ, hai nhà bia, đền thờ chính cùng những bức phù điêu chạm Long Phượng vờn mây và 112 bậc đá dẫn lên đền thờ chính.
Đền thờ chính tọa lạc trên thế đất cao, rộng, theo phong thủy, đây chính là mắt của chim Phượng. Phía trước đền có núi Ngọc làm tiền án, phía sau có núi Phượng làm hậu trẩm, hai bên là núi Kì Lân và núi Phượng Hoàng chầu về. Đền được xây dựng theo hình chữ Nhị (), kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái, ngói liệt với 8 góc đao cong, bao gồm 5 gian tiền tế và 1 gian hậu cung. Chính giữa tiền tế đặt ban thờ công đồng, ngay phía sau là ban thờ gia tiên họ Chu, bên phải là ban thờ sơn thần núi Phượng Hoàng, bên trái là ban thờ các môn sinh của thầy. Trong hậu cung đặt tượng thờ thầy bằng đồng, nặng 100kg. Nghệ thuật trang trí trong đền theo đề tài tứ linh (Long, Ly, Quy, Phượng), tứ quý (Tùng, Cúc, Trúc, Mai). Các bức y môn sơn son thếp vàng trang trí mỹ thuật theo hình tượng “rồng chầu hoa cúc mãn khai”. Phía trước đền là đôi rồng đá mang phong cách kiến trúc thời Trần…
Trong không gian quần thể đền Chu Văn An uy nghi, thanh tịnh nằm ẩn mình giữa khu rừng thông xanh ngút ngàn, nổi bật lên hàng chữ “Vạn thế sư biểu”, đặc biệt là bảng khắc chữ “Học” rất lớn theo nét bút thư pháp ở trên con đường vào đền. Đây là sự thể hiện tấm lòng tri ân của bao thế hệ người Việt đối với người thầy giáo mẫu mực Chu Văn An. Một điểm rất khác biệt nữa ở đền Chu Văn An, mỗi khi du khách vào đền, ngoài việc dâng lễ chay, lễ mặn còn dâng cả bút, sách, vở để cầu công danh, thi cử, học hành.
Đền thờ Chu Văn An là điểm du lịch tâm linh và giáo dục truyền thống của rất nhiều du khách, cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên trên cả nước. Hàng năm, tại đây diễn ra lễ khai bút đầu xuân (nét đẹp văn hóa được gìn giữ từ khi thầy Chu Văn An về đây mở lớp dạy học) vào ngày 6 tháng Giêng với 4 chữ thư pháp Hán Nôm: Chính-Học-Thuần-Hành, với 10 chữ Quốc ngữ: Tâm-Đức-Chí-Nghĩa-Trung/Tài-Minh-Trí-Thành-Vinh; lễ hội mùa thu từ 1 – 25/8 âm lịch (chính hội ngày 25); lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 dương lịch; lễ hội về nguồn từ 24 – 26/11 âm lịch (chính hội ngày 26).
Đền đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 1998.


                                                                                                                                                      Thanh Hải (TITC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét