Chuyển đến nội dung chính

VÕ THUẬT TINH HOA 58 (Võ sư Hà Trọng Sơn)

(ĐC sưu tầm trên NET)
                                   

                       tuyệt kỹ võ công Việt đánh Đông dẹp Bắc


Tuyệt kỹ võ công gia tộc Hà Trọng





Nhiều võ sư, võ sĩ của dòng họ này từng thượng đài nhiều lần và chiến thắng vang danh.

Gia tộc Hà Trọng nổi danh ở Bình Định với nhiều cao thủ như cố võ sư Hà Trọng Sơn, võ sư Hà Trọng Ngự, võ sư Hà Trọng Khánh... “Hùm xám miền Trung” là biệt danh của cố võ sư Hà Trọng Sơn. Nhiều năm liền, ông gần như không có đối thủ trên võ đài.
Huyền thoại “Hùm xám miền Trung”
Võ sư Hà Trọng Sơn quê ở xã Phước An, Tuy Phước, Bình Định. Vốn có năng khiếu, ông sớm tinh thông các trường phái võ học, sử dụng nhuần nhuyễn các loại binh khí. Không chỉ giỏi võ cổ truyền, ông còn am tường võ thuật Trung Hoa và Tây phương.
Tám tuổi, ông theo học võ với một người anh họ. Về sau, Hà Trọng Sơn theo học ông Beo, người Tàu, sống ở vùng An Khê (Bình Định). Chưa tròn 17 tuổi, Hà Trọng Sơn đã thượng đài ở các giải đấu lớn. Từ những trận đánh đó, ông bén duyên với môn võ quyền Anh. Dạo ấy, một viên quan Ba người Pháp ở đồn Mang Cá (Huế) đến xem ông thượng đài, thấy ông có khả năng nên đem về Huế dạy quyền Anh.       
Võ sư Hà Trọng Ngự. Ảnh: NGUYỄN THỊNH
Cuộc thi võ thuật Đông Dương tổ chức năm 1944 ở Đà Nẵng, ông thượng đài với võ sĩ người Pháp là Esperpaire và đoạt giải vô địch. Tiếp đó, tại Hội chợ Bình Định và Hội chợ Đà Nẵng, ông liên tiếp đoạt chức vô địch miền Trung. Từ đó, Hà Trọng Sơn được báo chí và giới võ lâm đặt cho biệt danh là “Hùm xám miền Trung”. Thời đó, trong Nam Bộ có Kid Demsey, võ sĩ giữ chức vô địch Đông Dương nhiều năm liền. Khi võ sĩ này ra miền Trung, hai người có dịp so găng cùng nhau. Hà Trọng Sơn đã đánh hòa Kid Demsey.
Một trận đấu vang danh khác của ông là trận đấu vào đêm 17-8-1960 tại Bồng Sơn (Bình Định) với võ sĩ Ku Xam Thum, người Việt, gốc Thái Lan.
Vừa bái tổ xong, Ku Xam Thum đã xuất chiêu tấn công như vũ bão. Thân hình khá to lớn, vạm vỡ nhưng Ku Xam Thum thi triển đòn thế cực kỳ mau lẹ và linh hoạt. Ngang tài, cân sức, hai võ sĩ sử dụng hầu hết những tuyệt chiêu của mình. Qua năm hiệp đấu, họ vẫn bất phân thắng bại. Vào hiệp thi đấu thứ sáu quyết định hơn thua, Hà Trọng Sơn đã sử dụng chiêu “Đề khí thiết công phục lôi hổ giáng” (gióng trảo bấu vai, lật đầu tháo khớp), một thế đánh chu toàn, mạnh và chuẩn xác để kết thúc trận đấu. Một tiếng thét thất thanh vang lên sàn đài, Ku Xam Thum nhũn người ngã quỵ.
Thời gian sau, ông không thượng đài nữa mà quay về ẩn dật, truyền thụ võ thuật. Ông mất ở tuổi 90 trong những ngày cuối tháng 3-2010 tại quê nhà.
Những truyền nhân cao thủ
Năm 1970, tại Nha Trang, võ sĩ Hà Trọng Ngự (gọi cố võ sư Hà Trọng Sơn bằng bác ruột) có một trận đánh nổi tiếng với võ sĩ Trọng Dũng. Cả hai cùng trạc tuổi nhau. Trọng Dũng liên tiếp ra những đòn chân mạnh mẽ, Hà Trọng Ngự điềm tĩnh, chuyển bộ, xoay mình tránh né và phản công. Sau ba hiệp đấu, họ hòa nhau. Đó có thể coi là trận đấu hay và trận đấu sau cùng của võ sư Ngự.
Võ sư Hà Trọng Khánh. Ảnh: NGUYỄN THỊNH
Võ sư Hà Trọng Khánh (em ruột của võ sư Hà Trọng Ngự) cũng từng thượng đài nhiều, phần lớn là thắng và hòa. Nhưng để lại trong trí nhớ giới võ thuật là hai trận đấu với Nguyễn Thành Triều và Hồng Dung.
Nguyễn Thành Triều là võ sĩ của võ đường Nguyễn Thành Công ở Tuy Phước, Bình Định. Lúc đó võ sư Khánh khoảng 25-27 tuổi. Trận đấu diễn ra tại xã Phước Nghĩa, Tuy Phước, Bình Định.
Ông Khánh kể: “Hiệp một, tôi thi đấu dè dặt từng đòn thế, chủ yếu để thăm dò đối phương. Thành Triều đánh phủ đầu, tấn công liên tục. Thành Triều có những cú đá rất hay, cộng với đòn tay rất nhanh. Tôi né đòn, mượn lực địch để đánh địch. Hai tay kẹp kỹ để thủ thế và tìm cách nhập nội, đánh cận chiến. Tôi nghĩ cách tiêu hao địch bằng những chiêu phá bộ tấn của Thành Triều. Sang hiệp hai, đối phương xuống sức. Nắm được tình thế, tôi vừa tấn công vừa thủ. Chủ yếu dùng gối và chỏ áp sát tấn công. Nguyễn Thành Triều trở về thế phòng ngự. Sang hiệp ba, tôi đánh áp đảo và thắng”.
Trận thứ hai, ông đánh với võ sĩ Hồng Dung là học trò của thầy Năm Mãi của võ đường Hồng Khanh (Bình Định). Nơi họ so găng là võ đài ở Trường Trưng Vương, TP Quy Nhơn, Bình Định, vào ngày mồng một tết năm 1985. Hồng Dung cũng là võ sĩ lớp đàn anh của Khánh. Ở khu vực miền Trung thời đó, tay đấm Hồng Dung không có đối thủ.
 
Võ sư Hà Trọng Kha Vy với bài “Quyền ba chân hổ”. Ảnh: NGUYỄN THỊNH
Ở hai hiệp đầu, võ sĩ Hồng Dung chiếm ưu thế, ra đòn tới tấp. Sang hiệp ba, phán đoán ra chiêu thức của Hồng Dung dùng đòn đá chân trái rất hay, từng hạ nhiều đối thủ bằng đòn này, võ sư Ngự chỉ đạo Khánh phải nội nhập để đánh phá thế. Nghe lời, Hà Trọng Khánh vừa tấn công vừa thủ chờ thời cơ. Khi Hồng Dung tung ra đòn đá trái, chặt gót trái vào vùng bụng, lập tức Khánh bỏ chân trái tới, tay trái đỡ. Đồng thời, lăn tròn người nhập nội đánh hai chỏ lái liên tiếp vào bụng, xoay về thuận đánh gối phải vào vùng bụng đối phương. Ngay sau đó, Khánh tung chỏ ngay vào mặt. Trúng đòn, võ sĩ Hồng Dung choáng váng nhưng vẫn chưa bị đánh bại. Hồng Dung lại tiếp tục tung đòn chân trái, lập tức Khánh bay nhập nội cả gối chỏ vào đối phương. Hồng Dung gục tại chỗ. Khánh bay rơi nằm trên sàn đài, đập lưng trên cạnh sàn đài và rớt xuống nằm tại chỗ. Trọng tài đếm nhưng không ai đứng dậy được.
Sau nhiều chuyến phiêu bạt, tháng 2-2010, võ sư Hà Trọng Khánh đến TP.HCM dạy võ tại võ đường Hà Trọng Ngự (ở Gò Vấp), phái Việt Nam Võ Ta - Tây Sơn Bình Định.
Bí quyết truyền nghề
Một tuyệt kỹ của dòng họ này là phương pháp dạy võ theo năng lực từng võ sĩ để phát huy sở trường của từng người. Qua một thời gian tập luyện, khoảng 2-3 tháng, các sư phụ sẽ cho học trò so găng, đấu với nhau trong võ đường. Từ những trận đấu đó họ nhìn ra tố chất riêng, đặc biệt của từng học trò để bồi dưỡng, phát huy.
Từ phương pháp đó, phần lớn học trò của võ đường này đều có những tuyệt chiêu của riêng mình. Chẳng hạn như hai con trai của võ sư Khánh là Hà Trọng Hoàng Phi và Hà Trọng Hoàng Vỹ. Sở trường của Hoàng Phi là có đòn đá phá đùi, bộ tấn đối phương và đòn tay số 2, đặc biệt là đòn tay số 4 gây choáng đối phương. Hoàng Phi từng giành huy chương bạc toàn quốc tại giải CLB Boxing 2010. Với những đòn đánh đều nhau, ưu thế là đòn tay trực diện, Hoàng Vỹ từng đoạt huy chương đồng toàn thành tại giải Muay Thái.
Ngoài ra còn có võ sĩ nhí Hà Gia Lợi, con gái võ sư Khánh. Mới hơn sáu tuổi nhưng Gia Lợi đã có thâm niên theo cha học võ ba năm. Em thuộc rất nhiều bài quyền của võ phái.
Bài “Quyền ba chân hổ”
Võ sư Hà Trọng Ngự đã được sư phụ Hà Trọng Sơn truyền lại bài “Quyền ba chân hổ”. Bài quyền này có gần 200 năm trước do một người tiều phu ở khu vực Núi Bà (Bình Định) sáng tạo ra sau khi nhớ lại những đòn thế mình dùng để chiến đấu với con hổ.
Để luyện bài quyền này, võ sư Hà Trọng Ngự đã mất cả tháng trời với bao khổ luyện. Võ hổ, quan trọng nhất là bộ trảo, vì hổ chuyên dùng móng vuốt tát địch thủ. Để luyện bộ trảo, ông Sơn bắt Ngự dùng sạn đổ vào một cái chảo to, có hòa lẫn thuốc võ rồi đặt trên lửa xào nóng rồi dùng hai tay bấu, hốt cho các ngón chai lại, có độ cứng… Sau đó dùng tay chụp vô thân cây chuối, bao cát, vỏ bánh xe để luyện tay thêm sắc bén.
Để luyện thân pháp nhanh nhẹn, người tập phải đào một cái hố độ sâu ngang ngực (hoặc nách) rồi từ dưới đáy hố nhảy lên cao. Sau một thời gian phải cột thêm vào hai ống chân hai bao cát hoặc chì để luyện tăng sức nặng. Luyện thành công, võ sĩ đó có thể nhảy cao đến 2 m.
NGUYỄN THỊNH

Chuyện về vị võ sư "hùm xám miền Nam" và tuyệt kỹ "Ba chân hổ" huyền thoại

Chuyện về vị võ sư "hùm xám miền Nam" và tuyệt kỹ "Ba chân hổ" huyền thoại
  

GiadinhNet - Lớn lên trong miền đất võ thuật của các anh hùng áo vải cờ đào, cậu bé Hà Trọng Ngự sớm khai tâm học võ tiếp nối truyền thống võ nghiệp của gia đình. Với tố chất thông minh và sự khổ công rèn luyện, ông đã tiếp quản làm chưởng môn phái võ Ta – Tây Sơn Bình Định từ sư phụ của mình.

Ông được coi là “hùm xám miền Nam” vì sáng tạo ra bài quyền “ba chân hổ” huyền thoại một thời, đồng thời là truyền nhân cuối cùng lưu giữ tuyệt kỹ lừng danh của võ phái tưởng chừng bị lãng quên và phát triển vào miền Nam rồi vượt qua lãnh thổ nước Việt. Vị võ sư đã qua tuổi “tri thiên mệnh” ấy luôn tâm niệm rằng: Là người học võ không nên giấu nghề, như vậy sẽ làm mai một tinh hoa võ học của nước nhà.
Chuyện về vị võ sư "hùm xám miền Nam" và tuyệt kỹ "Ba chân hổ" huyền thoại 1
Vị “thần đồng” dòng dõi võ học

Trải qua hơn nửa đời người cũng là lúc sự nghiệp võ thuật của võ sư Hà Trọng Ngự đạt đến độ “chín muồi” và thăng hoa trong con mắt ngưỡng mộ của giới võ Việt. Dù đã đến tuổi xế chiều nhưng đôi mắt và giọng nói của ông vẫn toát lên sự tinh anh và nội lực của “hùm xám” ngày nào. Hằng ngày, ông vẫn dành hết tâm huyết của mình để truyền dạy võ thuật cho môn sinh trên khắp đất nước đến bái sư. Trong ngôi nhà nằm ở con hẻm đường Quang Trung (Gò Vấp, TP.HCM), chúng tôi đã có cơ hội được cùng ngồi hàn huyên võ học với vị võ sư đặc biệt này, cũng là người lưu giữ cuối cùng tuyệt kỹ của môn phái võ Ta – Tây Sơn Bình Định mà sư phụ ông sáng lập nên.

Được sinh ra trong cái nôi võ thuật của quê hương Quy Nhơn (Bình Định), Hà Trọng Ngự sớm có tố chất con nhà võ và bước vào con đường võ nghiệp lúc 6 tuổi (năm 1953). Cậu bé được đại võ sư Hà Trọng Sơn - cũng là người bác truyền thụ võ nghệ nức danh của mình. Sau bao năm khổ công tập luyện, cộng với năng khiếu “thần đồng” của mình, cậu bé Ngự đã sớm lĩnh hội những bí kíp võ học của môn phái một cách thành thục. Vì thế, sau 10 năm dùi mài quyền cước, chàng thanh niên 16 tuổi đã đại diện cho môn phái thi đấu võ đài ở giải trẻ võ tự do  Nam Trung bộ. Và quả ngọt đầu tiên, chàng trai trẻ đã làm nên thành tích vẻ vang cho môn phái với 10 trận thắng, 2 trận hòa và đoạt chức vô địch trẻ hạng cân 54kg. Điều đó đã đánh dấu cho sự phát triển võ học lẫy lừng về sau của cậu bé “thần đồng” từ quê hương võ Việt.

Với khả năng vượt trội của mình, khi bước vào tuổi 25, Hà Trọng Ngự đã đứng ra mở võ đường dạy võ Tây Sơn – Bình Định tại quê nhà, thu hút nhiều người mê võ đến tập luyện. Chưa hài lòng với thành quả ban đầu, ông nhận thấy cần phải bổ sung, hoàn thiện thêm những chiêu thức của võ phái. Nghĩ là làm, ông vừa dạy võ, vừa học hỏi thêm những tinh túy của phái võ Bắc Phái Thiếu Lâm Tự do Đại võ sư Trịnh Thiếu Anh truyền dạy. Từ đó, tiếng tăm của võ đường do vị võ sư trẻ tuổi càng ngày càng lan nhanh trên quê hương áo vải cờ đào. Trong thời gian này, võ đường của ông đã đào tạo được hàng ngàn môn sinh và hàng ngàn võ sĩ từ khắp nơi đổ về. Với những đóng góp trên, năm 1996, ông vinh dự được bầu làm Chủ tịch hội võ thuật Thành phố Quy Nhơn.

Ngang dọc trên võ lâm, võ sư Hà Trọng Ngự biết bao lần tỉ thí trên các võ đài như một cách chứng tỏ bản lĩnh võ công và học hỏi võ thuật môn phái khác. Thời đó, uy tín của võ công họ Hà khiến cả giới võ lâm phải kính nể bởi những trận thắng liên tiếp, dường như không có đối thủ. Thế nhưng, trận đấu khiến vị võ sư nhớ nhất lại là một trận hòa. Đó là vào năm 1970, tại Nha Trang, Hà Trọng Ngự thi đấu với võ sĩ Trọng Dũng - học trò của võ sư Trọng Đãi, chưởng môn Thiếu lâm Bắc phái, đấu thủ năm xưa của sư phụ mình. Cả hai bên ngang sức ngang tài, liên tục xuất ra những chiêu hiểm hóc của môn phái khiến đối phương phải ra sức chống đỡ. Suốt ba hiệp đấu trong đêm hôm ấy, cả hai như con mãnh hổ lao vào vờn nhau, đọ sức với nhau nhưng đành bất phân thắng bại. Đó là trận đấu “khó nuốt” nhất, cũng là trận tỉ thí để đời của võ sư Hà Trọng Ngự mỗi khi ôn lại chuyện xưa.
“Hùm xám miền Nam”- người phát triển bí kíp “ba chân hổ” huyền thoại
Chuyện về vị võ sư "hùm xám miền Nam" và tuyệt kỹ "Ba chân hổ" huyền thoại 2

Mong muốn bí kíp môn phái được phát triển xa hơn, ông đã rời quê hương để vào miền Nam tạo lập nhiều võ đường ở khắp Biên Hòa và Sài thành, nơi hoạt động của giới võ lâm đang rất nhộn nhịp. Nếu sư phụ Hà Trọng Sơn được mệnh danh là “hùm xám miền Trung” thì võ sư Hà Trọng Ngự được mọi người xem như “hùm xám miền Nam” với công lao gìn giữ và phát triển bí kíp võ phái ra toàn thị trường võ thuật miền nam sôi động. Không những thế, những võ sư thành tài mà ông truyền dạy đã ở lại mở võ đường ở phương trời Tây. Đến nay, phái võ do võ sư Hà Trọng Ngự làm chưởng môn đã mở tất cả 15 võ đường ở Việt Namvà 3 võ đường ở Pháp, Mỹ, Nauy, thu hút hàng ngàn môn sinh trong và ngoài nước theo học.

Những tinh hoa của phái võ Ta – Tây Sơn Bình Định được vị chưởng môn kế tục lưu giữ và phát triển đạt đến trình độ điêu luyện. Trong nhiều bộ quyền pháp độc đáo của môn phái như: Linh miêu độc chiến, độc đăng thương, roi thiết lĩnh,… thì bài quyền “Ba chân hổ” được xem là một tuyệt kỹ bí truyền mà võ sư Hà Trọng Ngự là vị truyền nhân cuối cùng. Bài quyền về “diệt chúa sơn lâm” ấy đã từng lừng danh một thuở bởi sức mạnh “hổ vồ” và huyền thoại ly kỳ của nó.

Tương truyền, trên 200 năm trước, trên khu vực núi bà thuộc huyện Phù Cát (Bình Định) xuất hiện một con cọp ba chân khổng lồ, vô cùng tinh ranh và hung dữ. Nó đi khắp nơi lùng sục thịt người để ăn, khiến cho dân làng ở đây vô cùng khiếp sợ bởi những người chết mất xác. Một hôm, một người tiều phu đang gánh củi về làng khi trời đã xẩm tối, xoay người quay gánh củi phang ngang vào mãnh hổ. Sau đó, nhanh như cắt, ông liền rút cây đòn gánh đã được vuốt nhọn hai đầu để giao chiến với cọp dữ suốt đêm hôm ấy.Ánh trăng mờ ảo đủ để tiền nhân nhìn thấy được các thế cọp nhảy tới vồ, tát, chồm tới, nhảy cao rồi trụt xuống nằm ẩn mình, hụp lặn né đòn của cọp khi người tiều phu phản công quyết liệt. Biết gặp phải thứ dữ, con cọp với tấm thân đầy thương tích, chạy sâu vào rừng để lại chiến trường tan tành cùng người tiều phu toàn thân nhuốm máu. Sau trận tử chiến ấy, cọp ba chân bặt vô âm tín, không còn xuất hiện nữa.

Người tiều phu giỏi võ ngày nào đã ghi chép lại những thế đánh cận chiến với mãnh hổ. Từ đó, ông hệ thống lại bài bản và khai sinh ra bài “Quyền ba chân hổ” với ý chí chiến đấu với thú dữ hay kẻ thù xâm lược để bảo vệ đất nước. Cứ thế, bài quyền được lưu truyền từ đời này sang đời khác trong cộng đồng dân cư núi Bà và cố võ sư Hà Trọng Sơn với biệt danh “Hùm xám miền Trung” may mắn học được bài quyền ấy. Và đến năm 1986, võ sư Hà Trọng Ngự đã được sư phụ mình truyền lại bài quyền “độc nhất vô nhị” này và khổ luyện suốt một tháng trời mới nắm bắt được hết thần thái linh hoạt của “hổ quyền”. Bởi nó có tính sát thương rất cao nên giờ đây, ông không tùy tiện mà chỉ truyền lại cho em trai Hà Trọng Khánh và con trai Hà Trọng Kha Vy đều là những võ sư tài năng.

“Quyền ba chân hổ” là một tuyệt kỹ nghệ thuật của nền võ học Bình Định. Người học quyền ba chân hổ phải hội tụ đầy đủ đầy đủ các yếu tố cơ bản như võ đức, võ đạo, võ tâm, võ lý, võ y và võ pháp. Đó là nhu – cương – cường – nhược đều hội tụ đủ trong bài quyền, linh hoạt, nhạy bén nhưng không kém phần uy lực trong từng thế đánh. Võ sư Hà Trọng Ngự từng răn dạy học trò mình rằng: “Quyền ba chân hổ với sự điêu luyện, các đòn thế có tính sát thương cao, không nên sử dụng một cách vô tâm. Nó chỉ được sử dụng khi bất khả kháng giữa sự sống và cái chết ta chỉ chọn một mà thôi. Vì học võ không phải cất kỹ để chết mang theo xuống mồ mà phải dùng sao cho đúng nghĩa và đúng đối tượng phù hợp với tinh thần thiêng liêng cao quý.”

Để luyện được tuyệt kỹ này, người bắt đầu học võ đến khi nhuần nhuyễn phải mất một thời gian khá dài là 2 năm hoặc lâu hơn nữa. Muốn thực hiện bài quyền mang đủ sắc thái, tính năng, thần sắc đồng thời thân pháp dẻo dai giống như Hổ thật đòi hỏi người luyện võ phải thật kiên trì và có tố chất võ học. Quan trọng nhất trong bài quyền là bộ “trảo” với bàn tay cứng như sắt thép, uy lực như mãnh hổ đã phải trải qua giai đoạn luyện công hết sức nghiêm ngặt. Tất cả những thao tác rình mồi, vờn mồi, vồ mồi, tung và xé mồi trong bài quyền do võ sư Hà Trọng Ngự biểu diễn tạo cho người thưởng thức cảm giác giống như đang xem một con hổ bắt mồi chứ không nghĩ là một võ sư múa võ.

Giờ đây, khi tóc đã hoa râm, vị võ sư “hùm xám” ấy vẫn dẻo dai và có thể lực sung mãn của một mãnh hổ để truyền dạy cho các thế hệ học trò nối tiếp. Ông tâm sự: “Tôi chỉ mong muốn rằng bí kíp võ phái mà sư phụ để lại không bị mai một theo năm tháng. Giờ đây, quyền ba chân hổ đã trở lại mạnh mẽ hơn xưa là niềm hạnh phúc lớn nhất trong nghiệp võ của tôi lúc này”.   
Diệu Linh
 

“Hùm xám” Hà Trọng Sơn giã biệt cõi thế

Võ sư huyền thoại Hà Trọng Sơn, sinh ngày 1.6.1920, tại làng võ Phước An, Tuy Phước, Bình Định, trong một gia đình “võ nòi”. Lần đầu sau 15 năm khổ luyện (1943), tại Đại hội quyền thuật Đông Dương (tổ chức ở Nha Trang), ông đã khẳng định đẳng cấp của mình bằng chiến thắng vang dội trước võ sĩ nổi tiếng của Pháp là F.Nicolai và tay đấm lừng danh của Đông Dương lúc bấy giờ là Tiết Mãnh, gây chấn động võ giới.
“Hùm xám” Hà Trọng Sơn giã biệt cõi thế - ảnh 1
Chân dung "hùm xám" Hà Trọng Sơn
Sau đó 1 năm (1944), tại giải vô địch bán phần Đông Dương (tổ chức tại Đà Nẵng), để “lấy lại danh dự” các ông bầu người Pháp đã tung tay đấm bất bại Esperpaire “tiếp” ông. Nhưng với phong độ và các đòn thế hóc hiểm của võ Việt, nhất là các cú móc tay trái “xuyên tâm” cực độc, đã nhanh chóng đưa ông lên ngôi quán quân. Năm 1948, ông lại tiếp tục thủ đài tại Bình Định, lần lượt đánh bại các danh thủ hàng đầu như: Trịnh Thiếu Anh, Trung Anh, Bảo Trung Phong…
Sau nhiều năm liên tiếp “thủ đài”, không chỉ các võ sĩ kỳ tài trong nước, mà cả nhiều tay đấm thượng thặng của Pháp cũng phải bái phục, không dám so găng với ông. Mãi đến năm 1952, tại Hội chợ Đà Nẵng, ban tổ chức mới cân nhắc và quyết định đưa tay đấm số 1 miền Nam Huỳnh Tiền, người được giới hâm mộ mệnh danh “Đệ nhất anh hùng miền Đông” thượng đài để xô ngã thành trì bất khả chiến bại. Song với bản lĩnh và biệt tài “xuất kỳ thuận ý”, ông đã nhanh chóng hạ đo ván võ sĩ Huỳnh Tiền (một tay đấm chưa một lần nếm mùi thất bại), bảo vệ xuất sắc ngôi vô địch trước sự thán phục của hàng vạn người hâm mộ. Và cũng từ đây, ông được báo giới hết lời ca ngợi và mệnh danh là “Hùm xám” miền Trung.
Đặc biệt, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông đã cùng các võ sư tâm huyết của các tỉnh thuộc Liên khu 5 cũ (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên) nghiên cứu, rút tỉa những thế kiếm bí truyền từ các bài kiếm pháp độc đáo của dân tộc, xây dựng thành bài kiếm mang tên “Mười hai” nổi tiếng, huấn luyện cho lực lượng vũ trang, dân quân du kích. Bài này chỉ có 12 thế kiếm liên hoàn, cực kỳ hóc hiểm, mang tính sát thương cao, đã nhiều phen làm cho quân Pháp phải hoang mang, khiếp sợ...
Trải qua bao thập niên “bá chủ” các võ đài danh tiếng và truyền dạy gần một vạn môn sinh, trong đó có các võ sư, võ sĩ vang bóng một thời như: Huỳnh Bông, Trần Cang, Hà Trọng Ngự, và các con: Hà Thị Phi, Hà Thanh Mao, Hà Đăng Quyền, Hà Nhất Linh… Ông đã thanh thản ra đi trong những ngày cuối tháng 3.2010 tại quê nhà ở tuổi 90 trong niềm thương tiếc của người dân đất võ và người hâm mộ võ thuật cả nước.
Phạm Đình Phong

Độc cô cầu bại của võ thuật Việt Nam: Vang danh Hùm xám miền Trung

Thanh Niên 3 liên quan
Mỗi lần nhắc đến những trận thượng đài đỉnh cao, giới võ thuật ở Bình Định liền nhớ ngay đến cố võ sư Hà Trọng Sơn (1924 - 2010), người được mệnh danh là Hùm xám miền Trung.
Doc co cau bai cua vo thuat Viet Nam: Vang danh Hum xam mien Trung - Anh 1
Võ sư Hà Trọng Sơn (giữa) và hai người bạn
Đánh bại võ sĩ tây
Nhà của cố võ sư Hà Trọng Sơn ở thôn An Hòa 1, xã Phước An (H.Tuy Phước, Bình Định). Từ ngày ông mất, ngôi nhà này phải đóng cửa, giao lại cho người con gái là Hà Thị Phi (62 tuổi) trông coi. Những người con của ông gồm: Hà Thị Trinh, Hà Thị Phi, Hà Văn Mao, Hà Văn Đằng, Hà Nhất Linh, Hà Thị Minh Nguyệt đều biết võ, từng tham gia thi đấu hoặc dạy võ. Tuy nhiên, hiện các con của võ sư Hà Trọng Sơn không còn theo nghiệp võ mà đi làm ăn xa.
Theo bà Phi, ông Hà Trọng Sơn đam mê võ thuật từ nhỏ. Năm 8 tuổi, ông được những người anh trong họ hàng như Hà Cảnh, Hà Tùng, Hà Để dạy võ nghệ. Sau đó, ông theo học rất nhiều võ sư khác, trong đó có võ sư Lâm Đắc Đạo (người miền Bắc vào Bình Định lập nghiệp) và ông Beo (người gốc Hoa, sống ở vùng An Khê, Gia Lai). Năm 17 tuổi, ông Sơn được một sĩ quan người Pháp là đồn trưởng đồn Mang Cá (ở Huế) dạy đấu quyền anh...
Năm 1943, tại Đại hội quyền thuật Đông Dương tổ chức ở Nha Trang, ông Hà Trọng Sơn đã giành chiến thắng trước võ sĩ nổi tiếng của Pháp là F.Nicolai và võ sĩ Tiết Mãnh, vốn là tay đấm lừng danh của Đông Dương lúc bấy giờ. Tháng 10.1944, tại hội thi võ thuật Đông Dương tổ chức tại Đà Nẵng, ông Sơn có trận đấu chung kết với một võ sĩ người Pháp là Esperpaire, một tay đấm bất bại cho đến thời điểm đó. Võ sĩ Esperpaire cao, to, nặng hơn ông Sơn rất nhiều nên khi vào trận đấu, nhiều võ sư người VN rất lo lắng. Sau khoảng 5 phút thăm dò, võ sĩ người Pháp ra đòn tấn công rất mạnh hòng hạ gục ông Sơn. Tuy nhiên, bằng sự linh hoạt, ông Sơn né tránh hết các đòn đánh của đối phương. Khi trận đấu được hơn 20 phút thì Hà Trọng Sơn bất ngờ tung đòn hiểm, Esperpaire dính đòn, đổ gục trên sàn đấu.
Doc co cau bai cua vo thuat Viet Nam: Vang danh Hum xam mien Trung - Anh 2
Võ sư Hà Trọng Sơn khi còn trẻ
Đấu với các cao thủ miền Nam
Võ sư Trần Can (86 tuổi, ở xã Phước An, H.Tuy Phước, Bình Định), học trò của võ sư Hà Trọng Sơn, kể: Năm 1948, võ sư Hà Trọng Sơn thủ đài tại Bình Định, lần lượt đánh bại các danh thủ hàng đầu như: Trịnh Thiếu Anh, Trung Anh, Bảo Trung Phong... Thời điểm này, ở miền Nam có 3 tay đấm rất nổi tiếng là Huỳnh Tiền, Minh Cảnh, Minh Sang thì võ sư Hà Trọng Sơn đã thượng đài thi đấu với 2 người là Huỳnh Tiền và Minh Cảnh.
Năm 1950, tại hội chợ ở Đà Nẵng, ông Sơn thách đấu với võ sư Huỳnh Tiền, người được mệnh danh “Đệ nhất anh hùng miền Đông” hay còn gọi là “cáo già miền Nam”. Tuy là cao thủ nhưng võ sư Huỳnh Tiền rất mê tín, mỗi khi lên đài, ông thường ngậm thẻ có hình ông Phật để phù hộ giành chiến thắng. Trận này, ông Sơn đã hạ đo ván võ sư Huỳnh Tiền. Từ đó, Hà Trọng Sơn được báo chí ca ngợi và mệnh danh là Hùm xám miền Trung. Sau này, võ sư Hà Trọng Sơn còn đấu với võ sư Huỳnh Tiền nhiều trận, thắng bại đều có nhưng hai người đã trở thành bạn thân.
Cũng trong giai đoạn này, võ sư Minh Cảnh là nhà vô địch Đông Dương về quyền thuật, được mệnh danh là Võ vương Minh Cảnh. Võ sư Hà Trọng Sơn và võ sư Minh Cảnh nhận lời thượng đài với nhau một lần tại Phan Rí (Bình Thuận). Lúc đó, ông Sơn cao gần 1,76 m, nặng 78 kg, còn ông Cảnh thấp hơn nhiều và chỉ có 54 kg nhưng hai bên vẫn nhận lời thi đấu. “Vào trận, thầy Minh Cảnh dùng đòn tay liên tục tấn công vào mặt thầy Sơn. Sau này, thầy Sơn có nói với tôi là đòn tay mặt của thầy Cảnh mạnh như búa bổ. Còn thầy Sơn cũng đánh trúng mặt thầy Cảnh hai lần. Tuy nhiên, trận đấu này phải hoãn giữa chừng do gặp mưa”, võ sư Trần Can nhớ lại.
Võ sư Hà Trọng Sơn còn đánh hòa với võ sĩ Kid Demsey, người giữ chức vô địch Đông Dương nhiều năm liền, đánh bại võ sĩ Ku Xam Thum (người Việt, gốc Thái Lan) vào năm 1960 tại Bồng Sơn (Bình Định)... “Trận thượng đài cuối cùng của cha tôi là với võ sư Phan Huệ (ở Hà Nội). Sau năm 1975, nghe danh cha tôi, võ sư Phan Huệ tìm đến thách đấu. Trận đấu diễn ra tại Trường hát Sùng Nhơn ở Quy Nhơn. Thượng đài chưa đầy một phút, võ sư Phan Huệ dính đòn của cha tôi nên xin thua. Trước trận đấu, ban tổ chức hứa là trả tiền thi đấu rất cao nhưng sau đó họ nuốt lời, không chịu trả và nói rằng: Đánh thắng nhanh như vậy thì lấy tiền làm gì!”, bà Phi kể.
Bảo vệ bản sắc võ Việt
Trong sách Võ cổ truyền Bình Định (xuất bản năm 2004), tác giả Lê Thì, nguyên Giám đốc Sở Thể dục - Thể thao Bình Định, cho rằng bài roi Ngũ Môn phá trận và bài Mai Hoa kiếm pháp là hai môn gia truyền của võ sư nổi tiếng Hà Trọng Sơn. Lúc sinh thời, võ sư Hà Trọng Sơn thường hạ đối thủ bằng các đòn như: thử trước đánh sau, đánh lật sườn, gióng trảo bấu vai lật đầu tháo khớp (đề khí thiết công phục lôi hổ giáng)... Năm 1954, võ sư Hà Trọng Sơn cùng các võ sư khác đã nghiên cứu, rút tỉa những thế kiếm bí truyền từ các bài kiếm pháp độc đáo của dân tộc, xây dựng thành bài kiếm mang tên “Mười hai” nổi tiếng, huấn luyện cho lực lượng vũ trang, dân quân du kích khi tập kết ra miền Bắc.
Hoàng Trọng

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH