TỰ PHẢN CÁCH MẠNG 16

ĐẤT ĐAI LÀ CỦA AI, CỦA ĐẢNG, CỦA NHÀ NƯỚC, CỦA TOÀN DÂN, HAY CỦA NGƯỜI DÂN CỤ THỂ?

-Trước đây, với nền kinh tế theo phương thức bao cấp, rõ ràng chúng ta đã đi ngược lại với xu thế phát triển của xã hội loài người. Khi nhu cầu tiêu dùng, sức sản xuất và đòi hỏi mưu sinh toàn xã hội đạt đến trình độ nào đó thì vì nó không thể quay lại thời "ăn lông ở lỗ" (quen sống có điện rồi mà bây giờ phải sống như thời cổ đại thì thật...chịu không nổi!) và do đó kinh tế tự cung tự cấp không còn đáp ứng, mà chỉ có kinh tế thị trường mới làm thỏa mãn nó. Điều vô đạo lý đó tất yếu gây ra những tệ nạn xã hội và những mâu thuẫn gay gắt giữa nhân dân với nhà nước, đe dọa đến sự tồn vong của chế độ. Chính vì vậy mà có cuộc "Đổi mới"!
-Trước "Đổi mới", có nhiều mâu thuẫn gay gắt giữa nhân dân với nhà nước, nhưng lạ lùng là không có mâu thuẫn lớn về đất đai.
-"Đổi mới" thực chất là thừa nhận tính chân lý của nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa (hay kinh tế thị trường chủ nghĩa xã hội?) !
-Trong thời đoạn xây dựng và phát triển mọi mặt đất nước (có nghĩa là đời sống nhân dân đã được cải thiện, nền kinh tế thị trường - sản xuất hàng hóa đã được thiết lập và phát huy hiệu quả, dù những định hướng lớn nhiều khi vẫn sai lầm, làm cho sự phát triển ấy chưa đạt như mơ), thì những mâu thuẫn trước "Đổi mới" đã hầu như mất đi, nhưng do sự phát triển ngược chiều của chính nhu cầu phát triển cơ sở vật chất của nền kinh tế và số lượng cư dân làm cho đất đai tăng giá trị, gây ra mâu thuẫn (thường có thể giải quyết ổn thỏa được!) giữa nhân dân với nhà nước.
-Nhưng do có sự lũng đoạn của sự tham lam vị kỷ trong lòng không thể dũ bỏ được của một số quan lại cộng sản có thế lực, không còn chí hướng "vì nhân dân phục vụ" nữa, mà mâu thuẫn ấy ngày càng trở nên trầm trọng, gây rạn vỡ niềm tin đã được tạo lập từ thời kỳ tiền cách mạng xưa kia giữa nhân dân với đảng cộng sản và nhà nước.
-Định hướng cho dân càng lúc càng giàu, nước càng lúc càng mạnh mà hành động gây ra mâu thuẫn như thế là chưa đúng. Nhà nước cần rà soát lại chính sách đất đai, thậm chí là phải quan niệm lại khái niệm "sở hữu đất đai" cho phù hợp lòng dân hơn. Đừng để xảy ra những vụ như Đồng Tâm nữa.
-Khi sử lý các trường hợp tranh chấp đất đai, nhà nước phải nhanh chóng, kịp thời, dứt khoát, nghiêm minh và phải ưu tiên đứng về phía quyền lợi của nhân dân lao động, phía đảm bảo đời sống của người dân sau khi khiếu kiện.
-Ngày xưa, khi cần, nhân dân sẵn sàng hiến đất, xả thân cho cách mạng. Ngày nay, cách mạng đã thành công, đã có của ăn của để thì cũng phải vì dân. Như thế mới hợp lẽ công bằng, và chỉ cần thế thôi cũng đã tốt rồi, chứ cần chi đến phải tốt như đã từng tuyên truyền, đã từng hứa!

------------------------------------------------------------
(ĐC sưu tầm trên NET)

                                            Dân Oan tại Lâm đồng bị dồn ép 22 năm qua

       gia tộc Lê Thanh Hải

Dồn điền đổi thửa, quan xã ẵm toàn 'đất vàng'

 - Người dân xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) nhiều tháng nay bức xúc bởi việc sau khi xã tiến hành dồn điền đổi thửa, họ mới biết quan xã đã ngang nhiên chiếm dụng hàng ngàn m2 ở vị trí đất vàng trong một thời gian dài. Trong khi đó, nhiều hộ dân thiếu tư liệu sản xuất.
Quan xã chiếm đất vàng
Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức) là xã thuần nông. Cả xã có gần 10.000 dân nhưng số khẩu được chia ruộng đất canh tác là hơn 7.000 khẩu, trong đó, mỗi khẩu được chia 230m2 đất lúa và 134m2 đất trồng màu.
Mỹ Đức, huyện Mỹ Đức, xã Đồng Tâm, dồn điền đổi thửa, Đồng Tâm Mỹ Đức
"Đất vàng" của ông Bí thư xã Đồng Tâm chiếm dụng trái phép cho một đơn vị sản xuất bê-tông xây dựng nhà xưởng trên đất trồng hoa màu. Mảnh đất rộng nhiều ngàn m2 này nằm ngay trên mặt tỉnh lộ 429.
Số khẩu còn lại, trong đó, các cháu ở độ tuổi sinh năm 1995 trở về sau thuộc diện không được chia đất canh tác, không có ruộng.
Thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới, chính quyền xã Đồng Tâm tiến hành dồn điển đổi thửa, quy hoạch lại ruộng đất và triển khai xây dựng kênh mương nội đồng để phục vụ bà con nông dân sản xuất canh tác.
Thế nhưng, chủ trương trên không được người dân hồ hởi đón nhận. Rất nhiều hộ, đội sản xuất đã từ chối không nhận đất.
Nguyên nhân: lãnh đạo xã đã “bỏ riêng” một phần lớn diện tích vào quỹ đất 5% và tự ý chia nhau sử dụng. Theo tính toán của người dân, quỹ đất “bỏ riêng” lên tới 194ha, tương đương… 40% quỹ đất toàn xã.
Mỹ Đức, huyện Mỹ Đức, xã Đồng Tâm, dồn điền đổi thửa, Đồng Tâm Mỹ Đức
Giữa cánh đồng thâm canh lúa 2 vụ, khu đất 5.000m2 được lãnh đạo xã tiếp tay cho một hộ dân xây dựng cơ sở sản xuất gạch.
Không những thế, các lãnh đạo của xã Đồng Tâm còn sử dụng sai mục đích, tiến hành xây dựng nhà cửa, trang trại, cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuê mặt bằng… trên đất hoa màu.
Bức xúc trước thực tế trên, hàng trăm hộ dân đã ký đơn kiến nghị tập thể gửi UBND huyện Mỹ Đức. Nhiều cán bộ lão thành, từng là lãnh đạo chính quyền xã Đồng Tâm đại diện tập thể đứng đơn tố cáo.
Ông Lê Đình Kình, cán bộ lão thành, đã từng đảm nhiệm các chức vụ chủ tịch xã, bí thư Đảng ủy xã… là người nắm rõ tình hình quy hoạch, sử dụng đất nông nghiệp của địa phương, cùng nhiều cán bộ đã nghỉ hưu khác, đại diện các hộ dân đứng đơn kiến nghị.
Theo ông Kình, việc dồn điền đổi thửa tại xã Đồng Tâm được tiến hành gần chục năm qua, nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa hoàn thành bởi có quá nhiều sai phạm trong quản lý đất đai của chính quyền xã được người dân phát hiện.
Năm 2011, thực hiện chỉ đạo của TP Hà Nội về đồn điền đổi thửa, xã Đồng Tâm đã họp dân, đưa ra phương án dồn ruộng, nhưng nhiều hộ dân cho rằng phải lấy quỹ đất II (đất nông nghiệp giao theo Nghị định 64 năm 1993 cho tổ chức, gia đình, hộ cá nhân sản xuất nông nghiệp) còn nhiều diện tích bỏ hoang để chia thêm cho dân.
Việc cho thuê, giao thầu bị buông lỏng, nguồn thu không được công khai dẫn đến diện tích đất bỏ hoang nhiều năm nay vẫn tồn tại lãng phí; cộng với việc cán bộ lãnh đạo xã hiện tại và các thời kỳ trước mua bán, chuyển nhượng, 'xí phần' trái quy định gây bức xúc, bất bình trong nhân dân.
Ông Kình dẫn chứng: dọc theo tỉnh lộ 429 từ địa điểm cây xăng lên đến Trường bắn Miếu Môn, đất được phân lô, chia ô thành các khoảnh hàng ngàn m2. Chủ sở hữu của những ô, thửa đất vàng này là các cán bộ cốt cán của xã.
Nhưng, bức xúc hơn, đất trồng hoa màu đó lại được dựng nhà ở, làm trang trại. Nhiều khu vực được cho các doanh nghiệp thuê để đúc dầm, cột bê-tông.
“Thửa đất của gia đình ông Nguyễn Văn Sơn, bí thư xã Đồng Tâm sở hữu, rộng hơn 3.000m2, có mặt tiền giáp tỉnh lộ 429 rộng vài chục mét, chạy sâu cả trăm mét.
Ông Sơn dựng một căn nhà sàn, xung quanh là cây cảnh… để làm khu nghỉ dưỡng cho gia đình. Tuy nhiên, sau khi người dân phản ánh, ông Sơn cho dỡ ngôi nhà sàn, nhưng lại tiếp tục cho một doanh nghiệp chuyên đúc bê-tông thuê làm nhà xưởng. Họ xây nhà kiên cố trên đất nông nghiệp khiến người dân rất bức xúc” – ông Kình bức xúc.
Ngoài ông bí thư xã đương nhiệm, các “quan xã” khác như phó bí thư thường trực, chủ tịch xã, cán bộ văn phòng, chủ tịch Hội nông dân xã… cũng đều sở hữu mỗi người cả ngàn m2 đất, và đều không trồng hoa màu, cho thuê làm nhà xưởng…
Mỹ Đức, huyện Mỹ Đức, xã Đồng Tâm, dồn điền đổi thửa, Đồng Tâm Mỹ Đức
Đất hoa màu dọc tỉnh lộ 429 đi qua xã Đồng Tâm bị sử dụng sai mục đích, cho thuê mặt bằng xây dựng nhà xưởng.
Chưa hết, trên khu vực trồng lúa thâm canh, lãnh đạo xã đã cho “người nhà” tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng từ trồng lúa sang làm… lò gạch, không chỉ ảnh hưởng đến việc sản xuất nông nghiệp của những hộ dân có ruộng xung quanh, mà còn gây ô nhiễm môi trường.
Chị Lê Thị Loan, xóm 12, xã Đồng Tâm cho hay: “Khoảng năm 2004, gia đình chị có thửa ruộng 12 thước nằm trong khu vực lò gạch bây giờ. Khi đó, chủ lò gạch, ông Nguyễn Văn Sự đứng ra thuê đất của gia đình chị, mỗi vụ trả 1,5 tạ thóc.
Tuy nhiên, mấy năm gần đây, nhân việc dồn điền đổi thửa, ông Sự đã “thâu tóm” ruộng của gia đình mình thành một, và chuyển đổi thành lò gạch quy mô lớn với diện tích 4 – 5.000m2”.
Giữa cánh đồng thâm canh của Đồng Tâm, bỗng nhiên “nảy” ra một xưởng sản xuất gạch quy mô lớn trong sự bức xúc, ngỡ ngàng của hàng ngàn người dân.
Thu hồi đất vàng trái phép của cán bộ xã chia cho dân
Trao đổi với VietNamNet, bí thư huyện ủy Mỹ Đức, ông Lê Văn Sang cho biết: huyện ủy, UBND huyện Mỹ Đức đã chỉ đạo xử lý nghiêm những sai phạm theo như nội dung tố cáo của người dân.
Bí thư huyện Mỹ Đức cho biết, chương trình nông thôn mới triển khai tại Mỹ Đức đã hoàn thiện được 99,7%, chỉ còn “vướng” đúng 0,3% còn lại, rơi đúng vào xã Đồng Tâm.
Ngay sau khi có đơn phản ánh của bà con xã Đồng Tâm, ngày 10/1/2014, UBND huyện đã chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra để xác định nội dung tố cáo của công dân. Ngày 21/1/2014, Đoàn công tác của Huyện ủy cũng xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý sử dụng đất đai, dồn điền đổi thửa, xây dựng NTM tại xã Đồng Tâm.
Ông Sang thừa nhận: việc tố cáo của người dân là có cơ sở. Quỹ đất 5% của xã Đồng Tâm đã bị “đội” lên 27%, gấp hơn 5% mức cho phép. Việc cán bộ xã tự ý chia nhau “đất vàng” dọc theo trục tỉnh lộ 429 như người dân phản ánh là đúng.
Mỹ Đức, huyện Mỹ Đức, xã Đồng Tâm, dồn điền đổi thửa, Đồng Tâm Mỹ Đức
Lò gạch giữa vùng đất bờ xôi ruộng mật.
“Huyện ủy, UBND huyện Mỹ Đức yêu cầu các cán bộ xã đang sử dụng trái phép quỹ đất này phải tự tháo dỡ công trình, nhà xưởng trên đất, và bàn giao lại đất trước ngày 15/5/2014.
Trên cơ sở diện tích đất thu hồi này, huyện sẽ chỉ đạo chia cho các tổ, đội sản xuất, chia cho các hội viên để bổ sung đất sản xuất cho bà con nông dân”.
Bí thư huyện Mỹ Đức cũng khẳng định, việc xử lý sai phạm của các cán bộ xã cũng sẽ được làm nghiêm minh.
“Chúng tôi sẽ xem xét mức độ sai phạm của các cá nhân để từ đó có mức xử lý tương xứng. Huyện ủy, UBND huyện không bao che bất cứ trường hợp cán bộ nào".
Mỹ Đức, huyện Mỹ Đức, xã Đồng Tâm, dồn điền đổi thửa, Đồng Tâm Mỹ Đức
Theo bí thư huyện Mỹ Đức, sẽ yêu cầu các lãnh đạo xã chiếm dụng đất màu phải tự tháo dỡ nhà xưởng, trả lại đất để tiến hành chia lại cho người dân.
Trong khi đó, chủ tịch UBND Đồng Tâm, ông Lê Đình Thuần giải thích: “Khi người dân kiến nghị về việc chia thêm đất nông nghiệp, xã đã tiến hành kiểm kê, kiểm đếm, từ đó sẽ chia bổ sung cho mỗi khẩu từ 11 – 14m2 đất hoa màu".
Xung quanh những sai phạm của đội ngũ lãnh đạo xã do người dân kiến nghị, ông Thuần cho biết: hiện xã đang báo cáo với các đoàn công tác của Huyện ủy, Ủy ban huyện Mỹ Đức.
Ban Nội chính (Thành ủy Hà Nội) vào cuộc
Ngày 24/4, Phó Ban Nội chính (Thành ủy Hà Nội) Nguyễn Thế Toàn làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với đại diện lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Mỹ Đức.
Theo biên bản làm việc, các nội dung chính đang được làm rõ, bao gồm: Xã Đồng Tâm thực hiện sai quy định trong dồn điền đổi thửa để diện tích quỹ II vượt quá quy định (30%); việc bán đất, chia đất, giao đất trái thẩm quyền đối với nhiều thửa, lãnh đạo xã tiếp tay cho việc sử dụng đất sai mục đích; lợi dụng chức vụ để mua úp (úp thầu đất); bán đất sai thẩm quyền, hợp thức hóa GCN quyền sử dụng đất…
Biên bản làm việc thừa nhận, các nội dung người dân phản ánh tố cáo là có cơ sở. Phó Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội yêu cầu Mỹ Đức tập trung chỉ đạo, xử lý giải quyết, báo cáo tiến độ giải quyết với Ban Nội chính.
Xử lý hàng loạt quan xã “ẵm đất vàng”

Xử lý hàng loạt quan xã “ẵm đất vàng”


UBND huyện Mỹ Đức vừa có hai kết luận thanh tra theo đơn tố cáo  về việc hàng loạt quan xã ẵm đất vàng. Thường vụ huyện ủy huyện Mỹ Đức đang xem xét hình thức xử lý những cá nhân sai phạm.
Kiên Trung

Những mẫu chuyện ‘sở hữu toàn dân’

Cuộc cải cách sở hữu ngập ngừng
Ba mươi năm Đổi mới, nhiều người giàu lên vì đất. Tôi tưởng mang cả ba-lô tiền mặt đi săn đất Phú Quốc, hiện tượng ấy chỉ có ở Việt Nam. Tôi đã lầm. Từ cổ chí kim, hàng ngàn năm nay, của cải để dành của các dân tộc tuyệt đại đa số là nhà đất. Tệ hơn nữa, thời nào của cải cũng chảy vào chỗ trũng, những nhóm nhà giàu thiểu số thời nào cũng kiểm soát hầu hết sự thịnh vượng của các quốc gia 1.
Vì bất công, nên cách mạng xảy ra liên miên, tâm điểm của những cuộc cách mạng ấy thường liên quan tới phân phối lại sở hữu. Sau giải phóng miền Nam, cũng là khi nền kinh tế kế hoạch được ấn định trên phạm vi toàn quốc, về bản chất chúng ta đã xóa đi chế độ sở hữu cũ, lập ra sở hữu mới, gọi là sở hữu toàn dân, mọi nguồn lực kinh tế đều do nhà nước kiểm soát và chỉ huy. Vượt rào, khoán chui cho tới Đổi mới, cuộc cải cách kinh tế từ 1986 cho đến nay về bản chất là trả lại quyền định đoạt sở hữu, nhất là quyền tài sản về nhà đất cho các hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp.
Tuyên bố những nguồn tài nguyên này thuộc “sở hữu toàn dân” là đúng về đạo lý, về chính trị. Song khái niệm này không thể dùng được về mặt pháp lý. Không thể có ông chủ toàn dân.
————-
Của bạn, của tôi, của thành phố, của đất nước chúng ta, sở hữu phải rõ ràng thì quốc gia mới khơi thông thêm được tiềm năng phát triển. Vì lẽ ấy, tránh tụt hậu, không còn cách nào khác phải thúc đẩy cải cách sở hữu.
Nhờ ơn cuộc cải cách đó, hàng triệu người dân Việt Nam đã đổi đời. Từ 1986 đến nay, tính trung bình, GDP của nước ta tăng trưởng bình quân là 6.5%, một tốc độ tăng trưởng đáng tự hào trên thế giới (từ sau Thế chiến II cho đến nay chỉ có 13 quốc gia đạt mức độ tăng trưởng liên tục trên 7% một năm trong vòng 30 năm liên tiếp). Đó là mặt lấp lánh của tấm huy chương.
Mặt khác, trời thì xa nước Trung Hoa thì gần. Cũng trong 30 năm đó, Trung Quốc tăng trưởng liên tục bình quân 10% một năm. Thua kém Trung Quốc trong 30 năm qua đã đẩy Việt Nam vào thế yếu dần. Nếu như những năm 70 của thế kỷ trước, thu nhập bình quân của người Việt và người Trung Quốc là ngang nhau trong một thời gian rất dài, thì 30 năm sau, thu nhập bình quân của người Trung Quốc đã cao hơn 2,5 lần người Việt Nam. Càng yếu, càng lệ thuộc về kinh tế, càng khó giữ biển đảo, càng khó giữ chủ quyền.
Như vậy, đằng sau mặt lấp lánh tấm huy chương còn có mặt sần sùi, đó là đáng lẽ Việt Nam có cơ hội phát triển nhanh và tốt hơn nữa. Nhiều cơ hội đó đã bị bỏ lỡ, chúng ta đã phát triển dưới mức tiềm năng. 10 năm sau gia nhập WTO, Trung Hoa trở thành cường quốc dẫn đầu về kinh tế, viết tiếp sự phát triển thần kỳ của các dân tộc Đông Bắc Á. Tưởng là đồng văn và ít nhiều đồng chủng, song tôi lại cũng lầm, quốc gia chúng ta dường như rất khó sánh vai với Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Chúng ta đang tụt lại cùng Philippines và nhiều quốc gia kém phát triển phía Nam.
Rào cản ngăn nước ta phát triển dưới mức tiềm năng chính là những cuộc cải cách sở hữu ngập ngừng, không triệt để. Là di sản của tổ tiên để lại, đất đai và các nguồn tài nguyên thiên nhiên hiển nhiên cần phải được hưởng dụng có lợi cho cả dân tộc, cho thế hệ này và cho các thế hệ mai sau. Như vậy, tuyên bố những nguồn tài nguyên này thuộc “sở hữu toàn dân” là đúng về đạo lý, về chính trị. Song khái niệm này không thể dùng được về mặt pháp lý. Không thể có ông chủ toàn dân.
Của bạn, của tôi, của thành phố hoặc đất nước chúng ta, mọi thửa đất phải có chủ rõ ràng. Chủ càng rõ trách nhiệm càng cao. Của đau con xót, vì lợi riêng, mọi phần tử trong xã hội sẽ ganh đua cạnh tranh, sự cạnh tranh ấy tạo nên sức mạnh bất diệt làm sinh sôi của cải, tạo ra phúc lợi chung. Vì lẽ đó, minh định sở hữu sẽ khơi thông tiềm năng phát triển.
Nói thì dễ, làm mới khó. Thúc đẩy cải cách sở hữu hiện nay rất khó. Sợ mất sở hữu công là mất công cụ kiểm soát nền kinh tế, chúng ta né tránh thảo luận tới tận cùng và chấp nhận hiện trạng nửa vời: từng chủ sử dụng đất giữ một số quyền, nhà nước giữ một số quyền, trong đó quan trọng nhất là quyền thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng và đền bù giá đất theo giá nhà nước xác định. Tất nhiên, ẩn sau nhà nước là vô số bàn tay của cá nhân và tổ chức chia nhau giữ từng quyền quản lý. Hóa ra, từ của chung có thể phát sinh lợi riêng, sở hữu toàn dân đã trở thành tấm bình phong giúp các nhóm có thế lực kiểm soát hầu hết các nguồn lực của quốc gia chúng ta, từ đất đai, rừng biển, các con sông và vốn đầu tư trong doanh nghiệp nhà nước, trong các dự án công. Các nhóm đó đã trở nên giàu sụ và hùng mạnh, họ hiển nhiên không hề muốn thay đổi chế độ sở hữu hiện hành.
Các nhà kinh tế cảnh báo nước ta sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Về thể chế pháp luật, cũng có thể dự báo nước ta có nguy cơ bị kẹt giữa những thể chế mang tính khai thác, bóc lột; của cải của quốc gia ngày càng dồn vào tay những nhóm lợi ích, tổ chức. “Ở đây muôn sự của chung, ai khéo vẫy vùng thì được của riêng”, đó là điều chúng ta không hề muốn. Của bạn, của tôi, của thành phố, của đất nước chúng ta, sở hữu phải rõ ràng thì quốc gia mới khơi thông thêm được tiềm năng phát triển. Vì lẽ ấy, tránh tụt hậu, không còn cách nào khác phải thúc đẩy cải cách sở hữu.
Phạm Duy Nghĩa
———
* PGS TS Trưởng Khoa Luật UEH, nghiapd@ueh.edu.vn
1 Tham khảo cuốn sách “Chủ nghĩa tư bản trong thế kỷ XXI” gây tranh luận dữ dội trong giới kinh tế học trong hai năm qua của Thomas Piketty (2013), Le Capital au XXIe siècle; Capital in the Twenty-First Century, (2014).
Nguồn: Tiasang.com.vn (26.01.2016)
============
Cái gốc của vấn nạn dân oan
Tác Giả: Kami  – Blog RFA – 20 April 2015
dan oan
Ngày 14/04/2015 tại Thạnh Hoá (Long An), gia đình ông Nguyễn Trung Can và bà Mai Thị Thu Hương do không đồng ý giao đất để tiến hành công trình bờ kè thị trấn Thạnh Hóa cho chính quyền, khi đoàn cưỡng chế tiến hành thực hiện thì đã có một số người trong gia đình đã chống đối, cho nổ bình hơi hàn và tạt axit đậm đặc làm nhiều công an trọng thương.
Nguyên nhân dẫn tới việc người dân dùng bạo lực để chống lại đoàn cưỡng chế cũng vì gia đình họ không được chính quyền đền bù khu đất vốn của họ đang định cư bị giải tỏa một cách thỏa đáng và công bằng. Theo gia đình nạn nhân cho biết, chính quyền chỉ đền bù 300 ngàn đồng/1m2, trong khi đó bán cho họ đất định cư ở ngay bên cạnh với giá 25 triệu đồng/1m2 tức là cao gấp gần 80 lần giá đền bù. Và cuối cùng một bi kịch đã xảy ra đối với cả những nhân viên nhà nước tham gia cưỡng chế, với hàng chục người bị thương do bị bỏng axit và 07 thành viên gia đình ông Nguyễn Trung Can và bà Mai Thị Thu Hương đã bị bắt giữ và sẽ bị truy tố
Sự việc này làm người ta liên tưởng tới các vụ án Đoàn Văn Vương ở Hải phòng, người đã dùng vũ khí tự tạo và bình gaz để chống trả lực lượng cưỡng chế từng làm rúng động dư luận cách đây mấy năm. Hay trường hợp của ông Đặng Ngọc Viết, một người dân oan ở Thái Bình, trong lúc tuyệt vọng đã cầm súng đến trụ sở cơ quan quản lý đất đai nã súng vào 5 cán bộ rồi tự sát v.v…. Điều đó cho thấy vấn đề những người dân bị mất đất, mất nhà, mất nơi làm ăn sinh sống… và bị dồn vào đường cùng và cuối cùng họ đã buộc phải lựa chọn sử dụng vũ khí để đáp trả nhân viên nhà nước tham gia cưỡng chế đất đai của gia đình họ trong tâm trạng tuyệt vọng đang là một vấn đề nổi cộm trong xã hội cần phải được các cấp, các ngành xem xét và tìm ra các giải pháp nhằm giải quyết triệt để.
Trước hết cần phải thừa nhận, vấn đề dân oan là sản phẩm đặc thù của xã hội Việt Nam, đây là một vấn nạn nhức nhối và dai dẳng của xã hội Việt Nam trong suốt gần 30 năm đổi mới và cho đến hôm nay vẫn chưa thấy lối thoát. Vấn nạn này xuất hiện kể từ khi nhà nước tiến hành việc đổi mới kinh tế, để chuyển nền kinh tế từ hình thái kế hoạch hóa kiểu XHCN theo mô hình cộng sản, sang nền kinh tế thị trường xuất hiện từ năm 1986. Kể từ đó, khi một bộ phận cán bộ nhà nước có thẩm quyền ở các cấp đã cấu kết với các thương nhân, núp dưới danh nghĩa đầu tư các công trình phát triển kinh tế – xã hội để thu hồi và sử dụng một số lượng đất đai rất lớn của nhà nước vào mục đích kinh doanh của mình. Thông qua việc chạy chọt các thủ tục và các hợp đồng ăn chia giữa các cán bộ có thẩm quyền, đất do nhà nước được cấp cho tư nhân với giá đền bù rẻ như cho, kể cả đối với đất đai của người dân đang canh tác hoặc sử dụng thì bị thu hồi và đền bù cho chủ đất với giá rẻ như bèo, cụ thể là đền bù cho chủ đất một phần rồi phân lô bán nền với giá cao hơn gấp cả trăm lần.
Hậu quả của việc thu hồi đất này đã đẩy vô số những người dân hiền lành ra đường để nhập vào đội ngũ dân oan khiếu kiện, vì trong tay họ lúc đó chỉ có một chút tiền đền bù do nhà nước chi trả, trong lúc mọi tư liệu sản xuất để duy trì cuộc sống của họ đã không còn. Trong trường hợp người dân không đồng tình vì giá cả đền bù quá rẻ mạt, họ không có cơ hội để kiếm sống thì chính quyền lấy danh nghĩa các công trình quan trọng của nhà nước để dùng lực lượng công an, thậm chí kể cả quân đội dùng bạo lực để tham gia cưỡng chế. Như ở khu đô thị Ecopark – Hưng yên hay Giáo xứ Cồn Dầu  – Đà nẵng là những dẫn chứng điển hình. Và đối với những người không chấp nhận sự bất công đã cầm vũ khí đứng lên chống trả lực lượng cưỡng chế thì oan nghiệt lại ập lên gia đình họ. Lúc đó họ không chỉ mất nhà mất đất, mà bản thân họ và những người trong gia đình sẽ rơi vào vòng lao lý, tù tội.
Đây cũng là lý do giải thích vì sao hầu hết các đại gia ở Việt Nam hiện nay đều giàu và phất lên từ kinh doanh đất đai và bất động sản. Điểm mặt các doanh nghiệp tầm cỡ ở Việt Nam bây giờ, sẽ thấy các doanh nghiệp này hầu hết liên quan rất ít đến các ngành công nghiệp, dịch vụ, mà chủ yếu liên quan đến đất đai. Sự giàu lên một cách chóng mặt của các đại gia chủ yếu là nhờ vào xin cấp đất của nhà nước để kinh doanh bất động sản. Nguyên nhân sâu xa và là cái gốc của vấn đề dân oan cũng bởi chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai, đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn tới tình trạng một số ít người giàu lên nhanh chóng nhờ đất và trong khi đó thì có hàng nghìn, hàng vạn người đã bị đẩy ra đường để trở thành những người dân oan.
Vấn đề là ở chỗ, nếu mỗi người dân Việt Nam đều có quyền sở hữu chính danh trên mảnh đất của mình – sở hữu cá nhân, thì lúc đó nhà nước sẽ không thể áp dụng thủ tục thu hồi đất đai hay tổ chức cưỡng chế để thu hồi, mà phải tiến hành thủ tục trưng mua đối với chủ sở hữu. Song với thủ tục trưng mua, sẽ mang lại sự công bằng hơn cho người dân mất đất, nhưng lúc ấy sẽ khó khăn hơn cho người muốn có đất là các đại gia. Đây là lý do vì sao ở các quốc gia khác trên thế giới chúng ta không thấy hiện tượng có một lực lượng đông đảo những người dân bị mất đất, mất nhà, mất cửa… bị đẩy ra đường và tập trung khiếu nại trên đường phố các thành phố lớn như ở Việt Nam.
Điều bất hợp lý của chế độ sở hữu toàn dân mà ai cũng thấy là, người dân vinh hạnh được nhà nước coi là chủ nhân của đất đai, tài nguyên và vùng trời…, song trên thực tế cho thấy người dân hoàn toàn không có quyền định đoạt về những cái đó. Nghĩa là người dân thực sự chỉ có tiếng nhưng không có miếng. Vậy câu hỏi đặt ra là “ai là chủ sở hữu toàn dân”? Theo tất cả các văn bản luật hiện hành thì “Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân”. Nhưng một câu hỏi đặt ra tiếp theo là “vậy thì ai là Nhà nước”. Theo quy định thì Nhà nước là một bộ máy và hệ thống tổ chức bao gồm nhiều thiết chế và cơ quan khác nhau, từ ông Thủ tướng cho đến ông Chủ tịch xã. Thậm chí một ông các bộ quèn của ủy ban xã cũng có thể nhân danh là người nhà nước. Do không làm rõ quyền đại diện, nên trong thời gian vừa qua đã xảy ra tình trạng khá phổ biến, đó là các cán bộ cấp xã cấu kết với nhau cũng có quyền bán đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Trong khi những người dân, vốn được cho là chủ nhân của đất đai, vùng biển, vùng trời thì chẳng hề mảy may có chút quyền hành gì.
Chính vì thế, theo chuyên gia Kinh tế Lê Đăng Doanh đã nhận định rằng : “Toàn dân không phải là một pháp nhân, cho nên cần phải cụ thể hóa người chủ sở hữu thật có tư cách pháp nhân là ai, có trách nhiệm giải trình như thế nào, ai giám sát việc thực thi quyền sở hữu ấy? Cần phải tiến tới xác định đa dạng hóa hình thức sở hữu về đất đai. Loại nào là sở hữu toàn dân? Loại đất mà người nông dân đã cày cấy bao nhiêu đời nay thì phải thừa nhận quyền sở hữu của họ chứ! Nếu không rõ ràng, dễ dẫn đến lạm dụng cái sở hữu toàn dân ấy để thu hồi đất, ăn chênh lệch giá, là điều hết sức nguy hiểm.”
Vấn đề sở hữu toàn dân thực sự là một rào cản, đồng thời là nguồn gốc của vấn đề dân oan. Những tồn tại và sự bất cập của loại hình sở hữu này thì ai ai cũng biết và chắc chắn những người lãnh đạo quốc gia đều biết. Song vì loại hình sở hữu mập mờ này vẫn có giá trị trong việc đánh lừa người dân, rằng sở hữu toàn dân là đặc trưng cho xã hội cộng sản, mọi tư liệu sản xuất đều thuộc về sở hữu toàn dân. Nhưng vấn đề cơ bản nhất là loại hình sở hữu này đã giúp cho các quan chức ở các cấp giàu lên nhanh chóng thông qua việc cấp đất cho các ông chủ tư nhân dưới chiêu bài các dự án phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Tuy vậy. một vài người giàu lên vì những dự án liên quan đến đất thì cũng có hàng nghìn, hàng vạn người mất đất mất nhà, mất cửa. Với giá cả và các chính sách đền bù như hiện nay thì sẽ còn vô số những dân oan xuất hiện và trong số đó sẽ còn không ít người quá uất ức sẽ chống người thi hành công vụ, sẽ dẫn đến việc gây thương tích nghiêm trọng cho nhân viên nhà nước và bản thân họ sẽ lâm vào cảnh khốn cùng và có thể kết thúc trong vòng tù tội. Đã đến lúc, câu hỏi về giải pháp công bằng cho người dân trong các dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội cần phải có câu trả lời thỏa đáng từ phía nhà nước. Vấn đề đất đai thuộc sở hữu toàn dân cần phải được xem xét hủy bỏ, để thay bằng các chủ sở hữu thực sự và phải là một thực thể pháp lý cụ thể. Khi đó, việc nhà nước thu hồi đất của dân để tiến hành các dự án phát triển kinh tế xã hội sẽ phải thông qua thủ tục trưng mua theo giá cả mà cả hai phía đều có thể chấp nhận được. Chỉ có như thế thì mới có thể giải quyết tận gốc vấn đề dân oan khiếu kiện như hiện nay.
Ngày 19 tháng 04 năm 2015
© Kami
============
Sở hữu toàn dân thua vạn lần dân thuộc địa
Tác Giả: Ma Kiêm Mai– Blog – 02-06-2015
Cách nhau 80 năm, cũng lần đầu có các hãng nước ngoài vào Nhà Bè đầu tư, tại sao nông dân Nhà Bè năm 1911 thì lên đời, mà nông dân Nhà Bè năm 1991 lại xuống đời? Khốn nạn quá!
Sáng nay đọc status trên Face Mạnh Kim: “Sinh hoạt Sài Gòn tiếp tục bị xáo trộn. Một sự xáo trộn nữa lại bắt đầu từ một con hẻm nhỏ, rất nhỏ, và rất Sài Gòn – hẻm 71 Mạc Thị Bưởi, quận 1, khi một công văn lạnh lùng phán vội chiều nay dí vào từng mặt người dân, yêu cầu toàn bộ con hẻm phải bị giải tỏa trong… ba ngày nữa!”. Đây là ví dụ “điển hình tiên tiến” của nước XHCN tước đoạt quyền an cư lạc nghiệp của dân trên mãnh đất thuộc sở hữu toàn dân.
Tôi xin kể quyền sở hữu đất của dân cách đây 104 năm, tại Nhà Bè, dưới thời thuộc địa, để thấy thực dân Pháp có lòng “nhân bản” gấp vạn lần XHCN. Trước hết, nói về bối cảnh cho dễ hiểu. Sau khi chiếm trọn Nam kỳ, Pháp đặt chế độ thuộc Pháp, nên ban hành Dân luật Giản Yếu vào năm 1883, với các nguyên tắc học lý giống Dân luật Pháp quốc. (Sau đó, chiếm Bắc kỳ đặt chế độ bảo hộ, Pháp ban hành Dân luật Bắc kỳ năm 1931. Rồi, ký hòa ước với triều đình Huế để Trung kỳ tự trị, Pháp ban hành Dân luật Trung kỳ năm 1936). Nghĩa là, Dân luật Giản yếu công nhận xã hội dân sự và các quyền dân sự của người dân An Nam bị đô hộ, trong đó có quyền sở hữu đất.
Năm 1911, hãng Shell (tập đoàn Anh – Hà Lan) đến Nhà Bè đầu tư Cảng và kho chứa xăng dầu. Thực dân Pháp “ngu” hơn XHCN, vì không đứng ra đền bù đất, rồi giao cho Shell xây dựng, để kiếm tiền chênh lệch, mà Pháp tôn trọng quyền dân sự, để cho Shell thương lượng trực tiếp với 3 chủ đất tại đây, để thuê 100 mẫu, trong thời hạn 99 năm (Đến 30/4/1975, 3 HĐ này chưa đáo hạn, nhưng chủ hãng Shell bỏ của chạy lấy người, đất và cơ ngơi thành của Nhà nước).
Lúc bấy giờ, 3 chủ đất đang cho cả trăm tá điền thuê tại địa điểm sẽ làm hãng (đong lúa 10 giạ/1.000m2/ năm) nay Shell đàm phán giá thuê cao gấp 5 lần giá tá điền thuê, lại được lãnh tiền hàng tháng qua chi phiếu (Cheque). Chủ đất sướng rên, nhưng Dân luật Giản yếu bảo vệ tá điền hiện hữu cho họ có quyền tiên mãi (được ưu tiên mua cùng giá, mà chủ đất định bán cho người khác hoặc được ưu tiên thuê cùng giá mà chủ đất định cho người khác thuê với giá cao hơn).
Tuy tá điền không thuê nổi theo giá Shell thuê cao gấp 5 lần, nhưng họ có quyền không ký giấy khước từ thuê đất. Mà không có đủ giấy khước từ của tá điền, thì chủ đất không thể ký hợp đồng với Shell được. Do đó, chủ đất phải thương lượng cho tá điền được hưởng tiền thuê đất mấy năm đầu mà hãng Shell trả, để tá điền chịu ký tờ khước từ thuê đất.
Bỗng nhiên, tá điền có một cục tiền, có nhiều tá điền đi vô vùng sâu mua ruộng để làm chủ. Có nhiều tá điền – như ông nội tôi (Mai Bá Điền sinh 1885 chết 1979) quyết bỏ nghề chân lấm tay bùn, xin vào hãng Shell làm cu – li (sai gì làm nấy), đổi đời, lãnh lương tháng, thay vì đến Tết mới gặt lúa, nộp chủ ruộng, còn bao nhiêu trả nợ. Ông nội bỗng dư tiền nuôi ba tôi học hết cấp sơ học (lớp ba), tiếng Tây nói bập bẹ, còn trẻ nên hãng Shell nhận vào đào tạo nghề xăng dầu. Đến năm 1975, tổng lương xồi (lương chính + phụ cấp thâm niên + phụ cấp đắt đỏ + phụ cấp vợ con) của ba tôi là 94.000 đ/tháng, đóng thuế lợi tức 40.000 đồng (dã man hôn?), thực lĩnh: 54.000 đ vẫn gấp 2 lần lương giáo sư đệ nhị cấp.
Nhờ ông, cha làm làm hãng FDI xịn, tôi được học miễn phí ở Vườn trẻ Shell (ăn bánh Tây, uống sữa, múa hát). Con em công nhân học cấp 2 trở lên được Hãng Shell, Esso cho xe đưa rước đến các trường ở Sai Gòn (đến năm 1965, Nhà Bè mới có trường trung học). Nhờ là thợ cả, ba tôi được Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè lưu dụng để truyền nghề cho công nhân mới XHCN từ miền Bắc vào. Đến năm 1983, ba tôi về hưu không lãnh một cắt lương hưu. Nhưng, đến năm 2001, Hãng Shell gửi về cho ba tôi (và các nhân viên chưa tới tuổi hưu lúc giải phóng) 6.000 USD gọi là đền bù do hãng chưa kịp trả lương hưu. Vì, Hãng đã vi phạm HĐLĐ, do ngày 30/4/1975 đã từ bỏ không điều hành Hãng nữa, mà không thông báo cho công nhân biết trước một tháng!
Sau Shell, ESSO và CALTEX đến tiếp tục thuê đất của địa chủ làm hãng dầu, mà bây giờ thành Tổng kho xăng dầu Nhà Bè. Nhờ thực dân Pháp, địa chủ cho thuê đất giá cao, nên nộp thuế hoa lợi cho Pháp cao hơn. Khoảng 400 tá điền đổi đời thành công nhân FDI, có tiền cho con ăn học làm Bác Sĩ, Kỹ Sư, giáo viên lứa đầu tiên ở Nhà Bè.
Bây giờ, nhớ lại năm 1991, UBND huyện Nhà Bè đứng ra làm “cò” giải tỏa 300 ha đất nông nghiệp để giao Đài Loan làm KCX Tân thuận. Với giá đền bù 11.000 đ/m2, nông dân bị giải tỏa trắng tay (đến ông Sáu Món – phó chủ tịch Hội nông dân huyện, cũng phản đối đếch nhận tiền đền bù), không đủ tiền vào vùng sâu mua ruộng canh tác, mà cũng không có tay nghề để được vào làm KCX, càng không có có tiền cho con học làm KS, BS để đổi đời.
Cách nhau 80 năm, cũng lần đầu có các hãng nước ngoài vào Nhà Bè đầu tư, tại sao nông dân Nhà Bè năm 1911 thì lên đời, mà nông dân Nhà Bè năm 1991 lại xuống đời? Khốn nạn quá!
============
“Nếu chúng ta nói rõ cái gì của ai thì đất nước đã khác”
Tiến sỹ Phạm Duy Nghĩa đã có bài thảo luận về quyền sở hữu tại một hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức vào ngày 25-6. Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online lược ghi.
Điều gì đã cản trở Việt Nam trong 20 năm vừa rồi không thể phát triển? Thực ra, trong 30 năm vừa rồi, mình cải cách nửa chừng, giúp đất nước phát triển, nhưng cũng làm đất nước vướng nhiều cái do mình làm không đến nơi đến chốn….
Nền kinh tế tư nhân chia thành hai loại. Một loại giàu lên rất nhanh. Ngay như điểm tin sáng nay cũng thấy, có đại gia ôm hàng trăm tỉ tiền mặt vào Phú Quốc mua đất. Sự giàu có của một bộ phận tư nhân gắn bó với sân sau, với những người có quyền phân chia đất. Như vậy, có một bộ phận tư nhân phát triển rất tốt, tốt một cách không tin được. Nhưng có một bộ phận tư nhân khác, tức hàng trăm, hàng ngàn doanh nghiệp tư nhân chết mà không chết được, teo tóp đi.
Tức là loại nào mà bám vào chính quyền, quan hệ tốt, trở thành sân sau thì phát triển rất tốt, còn loại không có được những quan hệ đó rất khó.
Còn về doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thì bao nhiêu năm nay vẫn không có gì mới. Chúng ta đã nói từ mấy chục năm nay rồi. Sở hữu không rõ, thành ra nhiều anh khai thác quyền của mình để kiếm được lợi tư từ khối DNNN.
Vì vậy, DNNN thích hợp với những ai nắm quyền quản trị, và can thiệp được vào khối tài sản này. Cũng có những DNNN thành công như Vinamilk, Viettel… Nhưng còn các DNNN khác thì cũng có nhiều khó khăn lắm. Những khó khăn này dẫn đến thoái vốn, bán tống bán tháo tài sản nhà nước đi. Rồi dưới chiêu bài xã hội hóa, công tư hợp doanh để phân phối tài sản công cho tư nhân cũng khá nguy hiểm.
Khu vực thứ 3 là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) thì lại đang phát triển tốt, ngày càng tăng trưởng. Lập luận của chúng tôi là, hóa ra khu vực này nó không dùng luật Việt Nam mình. Tài lực, vật lực nó mang từ bên ngoài vào, thuê đất, nhân công của mình, lắp ráp ở mình rồi bán đi. Tài sản của họ ở mình thì có nhiều đâu. Nếu có tranh chấp thì họ có nhờ tòa mình xử đâu, họ mang ra nước ngoài.
Như vậy, thể chế của Việt Nam mình chỉ làm khổ dân mình thôi, chứ không làm khổ khu vực nước ngoài nhiều lắm. Chính vì vậy, họ vay mượn từ bên ngoài, họ vượt qua được thể chế của mình. Đó là lý do giải thích vì sao khu vực FDI có thể đóng góp vào xuất khẩu lớn với lý do không vướng vào những phiền nhiễu của chế độ sở hữu trong nước.

Bây giờ cải cách thế nào? Nếu mà đất nước nói rõ cái gì của ai thì đã khác. Chỉ đơn giản thế thôi chứ có gì đâu mà phải nghĩ ngợi cho nhiều. Chẳng hạn như lô đất này của VCCI, thì chủ của nó là VCCI. VCCI không thích thì bán, hay cho thuê. Như vậy sẽ rõ chủ sở hữu của mảnh đất là ai…
Hơn 10 năm trước, chúng tôi từng nói một ý rằng: sở hữu toàn dân là cái ý chí chính trị, nhưng khái niệm ấy không dùng được, không có ý nghĩa về pháp lý. Nó phải có chủ thể rõ ràng. Lấy ví dụ, Hà Nội hay TP.HCM là một pháp nhân. Là pháp nhân thì họ có đất, cây… khi cây đổ vào ô tô của tôi thì tôi có thể kiện chính quyền. Sở hữu toàn dân như là một vòng kim cô. Việt Nam mình phải làm như Trung Quốc năm 2007 khi ban hành luật về vật quyền.
Sở hữu toàn dân rất có lợi cho những người biến ao ruộng, miếng đất đáng giá thành bao nhiêu cây vàng. Cái lợi ấy chạy hết vào túi của những người đó, nhà nước chẳng thu được đồng thuế nào, vì phần lớn sẽ nằm trong tay những người có quyền quyết định đối với những lô đất đó. Vì thuộc về toàn dân, thuộc quyền nhà nước nên xảy ra nhũng nhiễu, hạnh họe người ta. Nếu sở hữu rõ ràng thì phải thương lượng. Vì không rõ sở hữu nên nay anh thu hồi, mai anh chuyển đổi. Những người đó giàu lên rất dữ nhưng nó làm cho doanh nghiệp không dám đầu tư lớn. Thể chế sở hữu không chắc chắn thì không ai dám đầu tư.
Rất nhiều đại gia Việt Nam bây giờ đang bán tài sản cho nước ngoài. Đây cũng là điều cảnh báo cho những nhà làm chính trị tại Việt Nam. Khi những đại gia này làm ăn đến mức nào đó … người ta bán đi.
Ngoài ra còn có những loại sở hữu thông qua hợp đồng. Chẳng hạn có người sở hữu biệt thự ở Vũng Tàu, cho thuê 2 tuần/lần. Người ta sẽ sáng tạo ra đủ thứ sở hữu. Đáng ra luật pháp phải đảm bảo sự tự do đó, và dùng hệ thống tòa án bảo vệ những điều đó.
Thứ 3, giả sử một người làm ăn tồi, vỡ nợ, thì tài sản đó phải nhanh chóng chuyển sang tay chủ nợ. Chẳng hạn một ngày đẹp trời, OceanBank, Ngân hàng Xây dựng sẽ chuyển sang cho anh khác. Nên luật phá sản là cái roi rất dữ đe nẹt những anh làm ăn dở. Nhưng mình chưa bảo vệ được những chủ nợ.
Nhưng vấn đề sở hữu ở đất nước mình chưa ai dám thảo luận rộng, sâu.
Giới nhà giàu có được quyền lợi từ cái đó cũng không muốn đổi, còn những thành phần khác muốn đổi thì tiếng nói không mạnh.
Bây giờ, nhà nước muốn lấy đất đai của dân thì khó hơn một chút, giá thì do nhà nước đề ra, dân mất đất thì có thể khiếu nại, tố cáo… Thế thì vòng vo tam quốc nhưng mình có chữa được luật đâu. Hôm nay mình nói mạnh hơn để cố gắng 20 năm sau con cháu mình nó có cái nhà của nó là của nó, không phải của nhà nước. Nhà nước muốn lấy, thu hồi thì phải thương lượng, mua với giá đàng hoàng, chứ không thể thu hồi không.
Tư Giang lược ghi
(Thời báo KT Sài gòn – 27.06.2015)
==========
Sở hữu của toàn dân
Alan Phan
3 December 2012
Theo luật quốc tế, người ta thường qui trách nhiệm pháp luật cho sở hữu chủ. Tôi còn nhớ một bài học đắt giá vào năm 1977 tại California. Một người bạn thân từ Pháp ghé thăm và vì tôi phải đi làm, nên giao chiếc xe Pontiac Bonneville của mình cho anh mượn, lái thăm quan tiểu bang mà anh yêu thích. Anh lái theo kiểu dân Paris chính cống , lượn lách ngay cả trên các xa lộ cao tốc. Qua khỏi Burbank, xe anh đâm vào một chiếc xe khác từ sau, gây tử vong cho một phụ nữ mới 28 tuổi.
Đương nhiên là anh có lỗi và phải chịu toàn trách nhiệm. May là xe tôi có bảo hiểm, nhưng lại bị giới hạn về tiền bồi thường (tối đa 1 triệu đô la). Tòa xử phía bị đơn phải bồi thường tổng cộng khoảng 1.25 triệu đô la cho phiá nạn nhân. Tôi lãnh đủ 250 ngàn tiền sai biệt sau khi hãng bảo hiểm trả phần họ; cộng với chiếc xe Pontiac hư hại hoàn toàn. Anh bạn thì sợ bỏ trốn về Pháp 2 ngày sau khi gây tai nạn và biệt tích giang hồ.
May mà gia đình nạn nhân cũng giàu có nên họ bớt cho tôi 100 ngàn và cho tôi trả 150 ngàn đô còn lại trong 3 năm. Sau đó các bạn tôi thường than phiền là tôi ích kỷ, không thích cho ai mượn xe.
toan dan so huu11
Tuần vừa qua, một quan chức Việt Nam, ông Tường, TGD Công Ty Đường Sắt Viêt Nam, nhắc nhở lại cho chúng ta quy tắc trên về luật sở hữu. Trách nhiệm sau cùng phải thuộc về sở hữu chủ, dù họ có can dự hay không vào “các tai nạn” hay bất cứ “sai phạm, thất thoát, lãng phí” ngay việc “sử dụng” các tài sản này có tạo ra tội ác hay không? Ông hoàn toàn đúng luật.
Về điểm này, tôi phải thành thực mà công nhận chủ nghĩa XH “ưu việt” hơn hẳn chủ nghĩa tư bản. Và các nhà lập pháp hay hành pháp (nôm na là các bác lãnh đạo) thuộc phe XHCN xứng đáng là đỉnh cao trí tuệ của loài người.
Khi để “toàn dân” sở hữu tất cả tài sản quốc gia từ đất đai đến khoáng sản đến các công ty sân sau của phe nhóm, thì ‘toàn dân” phải chịu trách nhiệm cho mọi sự cố từ tốt đến xấu. (Thực ra, theo lịch sử, thì 5 ngàn năm qua chưa bao giờ có sự cố tốt hay xấu cho các tài sản “tập thể”, chì có “tai nạn” và “ thảm họa” do hoàn cảnh khách quan). Ngoài ra, vì “toàn dân” là sở hữu chủ nên họ phải chịu trách nhiệm về mọi nợ nần, hư hỏng hay phá hoại. Tôi đang đợi một phiên tòa quốc tế có 90 triệu dân bị còng tay đưa ra xét xử về tội “xù nợ” hay “tàn phá môi trường”.
Đến ngày hôm nay, tôi mới thông hiểu hết cái thâm thúy tuyệt vời của chủ nghĩa Mác Lê. Một chủ thể gọi là “toàn dân” mới chính là tội đồ cho mọi đổ đốn nơi đây. Tên “toàn dân” này quả là một thế lực thù địch nguy hiểm nhất của xã hội.
Lời khuyên của ông già Alan: Bạn đừng làm “toàn dân”. Coi chừng có ngày phải đi tù vì trong sổ sách của tòa, tội trạng của tên “toàn dân” này sau 67 năm dài hơn 48 cuốn Thư Mục Tham Khảo (encyclopedia) của Britannica… và sắp sửa lấp đầy Thư Viện Quốc Gia.
Alan Phan

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH