Thứ Năm, 18 tháng 9, 2014

CÂU CHUYỆN TÌNH BÁO 25

(ĐC sưu tầm trên NET)

(Tình báo - Gián điệp) - Trận đánh sân bay Udon đã gây thiệt hại nặng cho không quân Mỹ: 4 máy bay F-5 trở thành đống sắt vụn, 24 sĩ quan và nhân viên kỹ thuật Mỹ đền tội.
Thiếu tướng tình báo Vũ Thắng là Trưởng phòng điệp báo ngoài nước của Cục Tình báo Bộ Quốc phòng (nay là Tổng cục 2) từ năm 1966 cho đến sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Trong rất nhiều chiến công của những chiến sĩ tình báo ngoài nước, Thiếu tướng Vũ Thắng đã kể lại với phóng viên trận đánh vào căn cứ không quân Udon và U-Tapao, nơi xuất phát những máy bay ném bom của Mỹ đi gây tội ác ở Việt Nam.
Trong chiến tranh Việt Nam, Mỹ thành lập khối quân sự Đông Nam Á (SEATO) gồm 6 nước, biến một số quốc gia ở khu vực này thành căn cứ quân sự của Mỹ.
Ở Thái Lan, ngoài quân cảng Sattahip, Mỹ xây dựng sân bay quân sự chiến thuật và chiến lược cho máy bay F-4, F-5 ở Udon, Ubon, Korat, Takhli, Chiangmai… đặc biệt là căn cứ không quân chiến lược B-52 ở U-Tapao.
Từ những nơi này, máy bay Mỹ hằng ngày mang bom đạn gieo rắc đau thương cho đồng bào ta ở hai miền Nam, Bắc, Lào và Campuchia.
B-52 tại sân bay U-Tapao
B-52 tại sân bay U-Tapao B-52 tại sân bay U-Tapao
Phải trừng trị kẻ gây tội ác, phải đánh thẳng vào nơi xuất phát của những tên “giặc trời”. Đó là mệnh lệnh của Tổ quốc giao cho Phòng điệp báo ngoài nước.
Một buổi sáng đầu năm 1968, Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng gọi Cục trưởng Cục tình báo quân sự Phan Bình và Trưởng phòng Vũ Thắng lên, nói:
- Quân và dân ta đang Tổng tiến công và nổi dậy đánh Mỹ-ngụy ở khắp miền Nam. Để phối hợp với chiến trường này, Bộ Tổng tham mưu giao cho các đồng chí nghiên cứu đánh sân bay U-Tapao. Liệu các đồng chí có thực hiện được không?
Cục trưởng Phan Bình trả lời:
- Báo cáo Tổng tham mưu trưởng, chúng tôi đã có các cơ sở ở các sân bay, sơ đồ bố trí của địch chúng tôi nắm vững. Đề nghị cho Cục thời gian để gọi các đồng chí ấy về huấn luyện cách đánh.
Đồng chí Văn Tiến Dũng căn dặn:
- Tôi đồng ý! Nhưng phải giải thích cho các đồng chí ấy hiểu rằng, đánh U-Tapao là đánh đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam. Tuyệt đối bảo vệ tính mạng và tài sản cho nhân dân Thái Lan.
Đại tướng Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng
Đại tướng Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng Đại tướng Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng
Ngay lập tức, Cục trưởng Phan Bình cử thêm Thiếu tá Phó trưởng phòng điệp báo ngoài nước Nguyễn Trọng Tể và Đại úy Bùi Nghi, cán bộ tham mưu của phòng hỗ trợ cho Trưởng phòng Vũ Thắng lập phương án tác chiến. Được sự chuẩn y của Tổng Tham mưu trưởng, Phòng điệp báo ngoài nước rút hai tổ của hai đồng chí Phùng Hồng Lâm và Lê Văn Đình đang hoạt động ở Thái Lan về nước, hình thành tổ đánh U-Tapao do Phùng Hồng Lâm chỉ huy.
Phùng Hồng Lâm vốn là nhân viên đường sắt, được ta đào tạo trở thành tổ trưởng tổ tình báo ở Băng Cốc dưới bình phong một nhà buôn. Nhiệm vụ của tổ anh là móc nối các cơ sở để nắm tình hình các căn cứ không quân Mỹ trên đất Thái Lan.
Còn Lê Văn Đình cũng là tổ trưởng tình báo, giỏi sử dụng điện đài, lại nguyên là sĩ quan lục quân nên có kiến thức quân sự. Đó là sự bổ sung rất tốt cho Phùng Hồng Lâm.
Nhưng muốn đánh U-Tapao, trước hết phải đánh Udon. Căn cứ quân sự Udon nằm ở đông bắc Thái Lan, giáp với nước Lào, nơi xuất phát những máy bay F-4 đi oanh tạc ở thượng Lào và Bắc Việt Nam. Đây là đòn thử phản ứng với Mỹ, đồng thời đánh lạc hướng chúng để tổ của Phùng Hồng Lâm đánh U-Tapao được thuận lợi.
Tổ đánh sân bay Udon được thành lập gồm 5 người, do Đại úy Trần Viết Tính, Tổ trưởng tình báo tại Udon làm chỉ huy. Các tổ viên gồm có: Thượng úy Bùi Thế Sách, Trung úy Lê Đức Mục, Trung úy Võ Tá Kiều và Thượng sĩ Nguyễn Văn Triêm. Ngoài ra, Phòng điệp báo nước ngoài còn chọn một số đồng chí khác, vốn là cán bộ giao thông và điệp báo ta tại Lào làm nhiệm vụ hỗ trợ khi cần thiết. 5 tình báo viên được triệu tập về nước, nhờ Binh chủng Đặc công huấn luyện chiến thuật vượt rào, đặt mìn…
Phòng điệp báo ngoài nước cử Đại úy Lê Thoong, người thông thạo địa hình hai nước Lào và Thái, làm nhiệm vụ đưa đón 2 tổ đánh sân bay Udon và U-Tapao, đồng thời vận chuyển vũ khí, thuốc nổ đến nơi tập kết.
Tháng 5-1968, tổ đánh sân bay Udon lên đường.
Từ Hà Nội, các chiến sĩ tình báo đi ô tô vào Quảng Bình, lên đường 12 qua nước Lào, vượt qua vùng địch tạm chiếm, rồi đến trạm 12, một cơ sở của Phòng điệp báo nước ngoài ở Thà Khẹc. Từ đây, có một con đường bí mật để cả tổ vượt sông qua Thái Lan.
Trong tổ, có tình báo viên Bùi Thế Sách từng sống nhiều năm ở Thái Lan, nên từ hình thức, cử chỉ đến giọng nói rất giống người Thái. Hằng ngày, anh trà trộn vào toán lao công ở sân bay rồi sau đó về báo cáo với chỉ huy sơ đồ sân bay và các quy luật hoạt động của địch.
Sau khi đã nghiên cứu kỹ, cả tổ quyết định tập kích…
Giờ đây ngồi kể chuyện với tôi, Thiếu tướng Vũ Thắng còn nhớ nội dung bức điện của Tổ trưởng Trần Viết Tính gửi về trước giờ ra trận: “Mấy ngày qua, chúng tôi theo dõi qua đài được biết đế quốc Mỹ đã cho máy bay ném bom ác liệt, giết hại nhiều đồng bào vô tội ở miền Bắc nước ta. Toàn tổ chúng tôi kiên quyết hành động để trả thù, dù có phải hy sinh trên đường băng Udon”.
Một đêm cuối tháng 5-1968, sau khi dùng chiến thuật đặc công đột nhập và đặt mìn vào 4 máy bay, trên đường rút ra, 5 chiến sĩ tình báo bị địch phát hiện. Thượng úy Bùi Thế Sách và Trung úy Lê Đức Mục tình nguyện ở lại kìm chân địch để 3 người còn lại rút lui an toàn. Sau một hồi quần nhau với địch, chưa kịp rút cùng đồng đội thì 4 quả mìn phát nổ, Bùi Thế Sách và Lê Đức Mục anh dũng hy sinh.
Trận đánh sân bay Udon đã gây thiệt hại nặng cho không quân Mỹ: 4 máy bay F-5 trở thành đống sắt vụn, 24 sĩ quan và nhân viên kỹ thuật Mỹ đền tội.
Trước khi trận đánh sân bay Udon diễn ra, đầu tháng 4-1968, Đại úy Phùng Hồng Lâm và Đại úy Lê Văn Đình ở tổ đánh sân bay U-Tapao được Đại úy Lê Thoong đưa đến trang trại của một gia đình người Thái Lan ở Bangkok. Do thông thạo tiếng Thái Lan, lại làm việc chăm chỉ nên hai anh được ông chủ tin tưởng. Từ nơi này, hai tình báo viên đi điều tra, nghiên cứu sân bay U-Tapao.
U-Tapao là sân bay chiến lược B-52 của Mỹ, cách Bangkok khoảng 190 km. Với hệ thống hàng rào dây thép gai cài dày đặc các loại mìn, được bố phòng cẩn mật, lại nằm xa biên giới Thái Lan-Lào, người Mỹ cho rằng đây là căn cứ quân sự bất khả xâm phạm. Chính vì vậy, số lượng máy bay B-52 có trong căn cứ thường xuyên là 20 chiếc, trong đó mỗi đêm chúng sử dụng 3-5 chiếc đi rải bom ở Việt Nam.
B-52 cất cánh từ sân bay U-Tapao
B-52 cất cánh từ sân bay U-Tapao
Mỗi lần đi nghiên cứu sân bay, Phùng Hồng Lâm và Lê Văn Đình lại lên xe khách ở Bangkok lúc 3 giờ chiều. Đến cách sân bay vài cây số là lúc trời tối, họ xuống xe, đi bộ rồi tạt vào bìa rừng cởi bỏ quần áo dài, hóa trang rồi tiềm nhập vào sân bay. Hai anh thức suốt đêm để nghiên cứu, tìm quy luật hoạt động của địch cho đến 4 giờ sáng trở ra tắm rửa, mặc lại quần áo rồi hòa vào đám người buôn bán trở về Bangkok.
Mỗi tuần hai lần, và ròng rã trong 2 tháng, hai anh ra vào sân bay như vậy.
Nhiều lần, các anh đến tận từng chiếc B-52 để xem xét, đu người lên càng máy bay để gài thử mìn. Khi đã thấy chắc ăn, họ lên kế hoạch tập kích vào đầu tháng 6.
Thế nhưng lần cuối cùng đi trinh sát, hai anh thấy sân bay U-Tapao có hiện tượng khác thường. Ô tô chở lính tuần tiễu chạy liên tục trên con đường bao quanh sân bay, kiểm tra gắt gao tất cả sĩ quan, binh lính và công nhân ra vào khu vực quân sự. Thì ra, bị đòn choáng váng ở Udon, địch canh gác một cách nghiêm ngặt hơn. Tập kích vào lúc này sẽ rất mạo hiểm, tổ trưởng Phùng Hồng Lâm cùng Đại úy Lê Thoong quyết định tạm hoãn trận đánh và báo cáo về Trung ương.
Tháng 6, tháng 7, thời gian địch canh phòng cẩn mật cũng là lúc tổ tình báo nắm thêm nhiều thông tin, bổ sung nhiều chi tiết cho kế hoạch trận đánh của mình.
Đầu tháng 8, địch bắt đầu chủ quan, đi tuần thưa hơn, ít kiểm tra hơn. Đây là thời cơ để tổ quyết định tấn công.
Vào chiều tối 3-8-1968, Phùng Hồng Lâm và Lê Văn Đình như thường lệ, xuống xe khách ở U-Tapao. Đến quãng vắng, hai anh tạt vào bìa rừng, nơi cất giấu sẵn thuốc nổ. Quyết tâm phải phá hủy ít nhất hai chiếc B-52, hai người chuẩn bị hai quả bộc phá, mỗi quả 5 kg, gài kíp định giờ, sau đó dùng chiến thuật đặc công vượt qua những hàng rào dây thép gai rồi lao thật nhanh đến 2 chiếc B-52 đỗ cạnh nhau. Gài xong bộc phá, đúng 4 giờ sáng ngày 4-8-1968, hai tình báo viên nhanh chóng rút khỏi sân bay, đến chỗ tập kết tắm rửa, mặc quần áo rồi ung dung bắt xe khách trở về Bangkok.
Xe chạy được một quãng thì từ phía sân bay U-Tapao phát ra hai tiếng nổ lớn làm rung cả cửa kính xe. Một lát sau là tiếng còi hụ của xe cảnh sát, xe cứu hỏa, cứu thương từ mọi hướng lao về sân bay. Mọi người trên xe nhốn nháo, lo sợ, không hiểu điều gì xảy ra. Họ không để ý rằng, có hai người đang mỉm cười sung sướng.
Hai ngày sau đó, báo chí Thái Lan đăng tin “Việt cộng” tập kích sân bay U-Tapao, tiêu diệt hai chiếc B-52 và làm hư hỏng 2 chiếc khác, hơn 20 sĩ quan và nhân viên kỹ thuật Mỹ thiệt mạng. Do đài chỉ huy bị hư hại, nên căn cứ không quân này phải đóng cửa 10 ngày để sửa chữa.
Anh hùng LLVT nhân dân Phùng Hồng Lâm
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phùng Hồng Lâm
Sau chiến công đó, cả 8 tình báo viên đều được tặng thưởng huân chương Chiến công (một hạng nhất và 7 hạng nhì). Đồng chí Phùng Hồng Lâm được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, hai liệt sĩ Bùi Thế Sách và Lê Đức Mục được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
46 năm đã trôi qua, 8 chiến sĩ tình báo ngày đó người còn, người mất. Trung tá Lê Thoong, Trung tá Trần Viết Tính từ trần đã hơn 20 năm, Đại tá Phùng Hồng Lâm qua đời từ năm 2007; Đại tá Lê Văn Đình hiện sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, Đại úy Võ Tá Kiều sống ở Thái Bình, Chuẩn úy Nguyễn Văn Triêm ở Quảng Bình. Vì là nhiệm vụ bí mật nên chiến công của họ chưa được nhắc đến trên các phương tiện thông tin đại chúng, còn các cơ quan tình báo đối phương thì cho rằng tập kích vào hai sân bay trên là lực lượng Đặc công Việt Nam. Họ không thể ngờ rằng, chiến sĩ tình báo Việt Nam không những chỉ giỏi đấu trí, mà khi Tổ quốc cần, những con người đó còn dám xả thân như những chiến sĩ ngoài mặt trận.
Bởi vì, trong suốt 30 năm chiến tranh, tình báo Việt Nam là một bộ phận không thể thiếu của Quân đội nhân dân Việt Nam.
(Theo Tri Thức Trẻ)

 

Chuyện về Cụm điệp báo A10 khuấy động chính trường Sài Gòn (kỳ 1)

(LĐO) Trường Sơn
    Ông Võ Vân trong ngày cùng với những người đồng đội của mình trong Lõm chính trị Điệp báo A10 đón nhận danh hiệu “Tập thể Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” do Nhà nước phong tặng.

    Là một nhánh được lập ra từ cuối năm 1972, hoạt động trong mạng lưới tình báo của Ban an ninh Sài Gòn – Gia Định(Ban an ninh T4), Cụm điệp báo A10 đã lập nên những chiến công xuất sắc nhưng thầm lặng. Chính A10 đã góp phần làm lung lay ý chí của Tổng thống Dương Văn Minh để ra quyết định đầu hàng vô điều kiện; bàn giao chính quyền, góp phần giải phóng Sài Gòn trong nguyên vẹn; hạn chế tối đa sự đổ máu cho chiến sĩ cũng như nhân dân trong ngày toàn thắng.

    * A10 qua lời kể của cháu nguyên Chủ tịch nước Võ Chí Công
    Với thế hệ trẻ ngày hôm nay, khi nói đến Ban an ninh T4 nói chung và Cụm điệp báo A10 thì phủ quanh đó là một sự bí ẩn với vô vàn câu hỏi cần phải giải đáp để làm sáng tỏ. Để đi tìm sự giải đáp, qua sự giới thiệu của Nhà văn Nông Huyền Sơn – tác giả của cuốn “Điệp báo A10” - chúng tôi đã được gặp một thành viên của Cụm điệp báo A10 hiện đang làm việc tại Sở GTVT TPHCM – đó là ông Võ Vân (bí danh Ba Vân, cháu của nguyên Chủ tịch nước Võ Chí Công). Qua lời kể của ông, Cụm điệp báo A10 từng một thời khuynh đảo chính trường Sài Gòn hiện ra một cách sống động vô cùng gần gũi.
    Tuy đã hơn tuổi lục tuần nhưng chất giọng của ông vẫn còn sang sảng và đôi mắt tinh anh, ông khái quát lại về cụm điệp báo mà ông từng một thời gắn bó, cùng đồng đội lập nên những chiến công to lớn nhưng thầm lặng.
    Vào tháng 9.1972, sau Hội nghị Bình Giã của Thành ủy T4 (Sài Gòn - Gia Định), tại căn cứ Cây Dầu ở Campuchia, thực hiện chỉ đạo của đồng chí Trần Quốc Hương (bí danh Mười Hương), Trưởng ban An ninh T4, đồng chí Sáu Ngọc (tức Lê Thanh Vân - Phó Ban An ninh T4 - phụ trách điệp báo) phổ biến quyết định thành lập một cụm điệp báo mới lấy bí số Cụm A10 và giao cho ông Nguyễn Minh Trí (bí danh Mười Thắng) làm Cụm trưởng.
    Ban đầu, Cụm A10 có các đồng chí Huỳnh Huề (bí danh Ba Hoàng), Trần Thiếu Bảo (bí danh Hai Phương), Nguyễn Hữu Khánh Duy (bí danh Năm Quang), Má Bảy (một Đảng viên kiên trung, đã mất tại Bến Tre năm 2001), Nguyễn Thị Thọ (vợ của luật sư Nguyễn Đăng Trừng - Trưởng đoàn Luật sư TPHCM), Ba Vũ (Võ Vân, cháu của đồng chí Chủ tịch Nước Võ Chí Công) và một số giao liên khác.
    Nhiệm vụ chính của Cụm A10 là xây dựng lực lượng điệp báo bí mật, tổ chức thu thập và báo cáo kịp thời các tin tức tình hình, ý đồ tổ chức của địch phục vụ công tác phản gián, tình báo chiến lược kết hợp xây dựng các “lõm chính trị” phục vụ yêu cầu của cách mạng, góp phần làm tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo phong trào ở đô thị, tấn công chính trị nhằm vào các giới ở Sài Gòn mà đặc biệt là nhắm vào nhóm Dương Văn Minh. Tìm cách gây ảnh hưởng đối với các nhân vật chính trị có khả năng là con bài của Mỹ, chi phối một vài tờ báo đối lập. Trọng tâm là làm sao tác động để Dương Văn Minh lật đổ Nguyễn Văn Thiệu rồi sau đó, chi phối hoạt động của ông ta theo hướng có lợi cho cách mạng.
    Thực hiện nhiệm vụ trên giao, Cụm A10 đã xây dựng được 39 cơ sở bí mật đi sâu nắm tình hình trong các cơ quan quan trọng của địch như Nha Kỹ thuật, Tổng cục Tiếp vận (Bộ Tổng Tham mưu), Văn phòng Phó Thủ tướng, Văn phòng Bộ Tổng Tham mưu, Cơ quan Nha Cảnh sát Đô thành, Đài Phát tín Mẹ Việt Nam (do CIA chỉ đạo)...
    Trong quá trình hoạt động, A10 đã tổ chức đưa cán bộ điệp báo nắm vai trò Giám đốc kỹ thuật tờ Điện Tín (đây là tờ báo thân Dương Văn Minh và đối lập với Nguyễn Văn Thiệu), chi phối tờ Đại Dân tộc, bản tin nội bộ của nhóm Dương Văn Minh, Ban tham mưu lực lượng Luật sư tranh đấu, làm Thư ký Phó Thủ tướng đặc trách kinh tế... để nắm được âm mưu của địch đối với việc thành lập chính phủ 3 thành phần, trong đó có lực lượng thứ ba. Nhiệm vụ của Cụm A10 phải nhanh chóng xây dựng một số đầu mối có thể đi sâu vào nhóm Dương Văn Minh vì lúc này Minh được xác định là “thủ lĩnh” của lực lượng thứ ba.
    Anh Huỳnh Bá Thành, quê ở Ngũ Hành Sơn, Quảng Nam - Đà Nẵng là một Đảng viên trung kiên, gan dạ, hoạt động công khai trong vai trò là nhà báo, là họa sĩ biếm họa nổi tiếng (bút danh là họa sĩ Ớt). Do nắm vai trò Giám đốc kỹ thuật tờ Điện Tín, nên anh có nhiều quan hệ, ảnh hưởng trong giới trí thức, ký giả và các nhân vật thân cận với ông Dương Văn Minh.
    Huỳnh Bá Thành hoạt động ngay trong Dinh Hoa Lan, bên cạnh Tổng thống Dương Văn Minh. Thực tế, với vai trò một điệp viên cách mạng, anh Thành đã trở thành người nhà của ông Minh - lúc đó là người đứng đầu lực lượng thứ ba - có xu hướng ôn hòa. Nhiệm vụ của anh Huỳnh Bá Thành là tác động vào chính giới Sài Gòn để đưa ông Dương Văn Minh lên làm Tổng thống, sau đó chi phối ông ta để có lợi cho cách mạng.
    Về nhiệm vụ của tôi, cuối năm 1972, tôi với bí danh Ba Vân được đồng chí Huỳnh Huề (bí danh Ba Hoàng) và đồng chí Nguyễn Hữu Khánh Duy (bí danh Năm Quang) trực tiếp giao nhiệm vụ “Tổ chức xây dựng Lõm chính trị của Điệp báo A10 – Căn cứ cách mạng Bảy Hiền”. Khu Ngã tư Bảy Hiền rộng khoảng hơn 1km2, sát sân bay Tân Sơn Nhất và nằm lọt trong vòng vây dày đặc các căn cứ quân sự Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Đây là nơi đặt trại Hoàng Hoa Thám, Tiểu đoàn 3 lính dù, Cuộc Cảnh sát quốc gia ngụy, đồn nghĩa quân ở Bàu Cát và Hãng RMK (Mỹ)...
    Bà con ở Bảy Hiền hầu hết từ miền Trung vào Nam trong những năm thập niên 60, sống chủ yếu làm nghề dệt cổ truyền. Ngoài ra còn có những người dân miền Nam sinh sống bằng nghề làm rau cải và người dân miền Bắc đa số theo đạo Công giáo.
    Tôi sống tại khu Bảy Hiền, dưới vỏ bọc là một sinh viên. Lõm chính trị do tôi phụ trách ở vùng chủ yếu là bà con Công giáo, thợ dệt Bảy Hiền. Vừa làm công tác điệp báo, tôi và các cán bộ Cụm A10 còn dạy cho con cái họ học hành, thu phục được lòng người, chủ yếu là để xây dựng lực lượng nòng cốt trong quần chúng nhân dân Bảy Hiền .
    Vào đầu tháng 3.1975, đồng chí Ba Hoàng đã trực tiếp truyền đạt chỉ đạo của đồng chí Mười Hương và đồng chí Sáu Ngọc giao cho Lõm chính trị Bảy Hiền chuẩn bị hậu cần và tập hợp lực lượng quần chúng nhân dân Bảy Hiền để chuẩn bị nổi dậy chiếm chính quyền. 


    Kỳ tiếp: Lãnh đạo quần chúng nổi dậy cướp chính quyền, góp phần giải phóng Sài Gòn trong nguyên vẹn

    Đồng chí Trần Quốc Hương (đứng giữa), đồng chí Nguyễn Hữu Khánh Duy (bên trái), đại tá Năm Hiền (bên phải) và đồng chí Võ Vân (đứng sau).

    Kết hợp giữa lực lượng quân sự và lực lượng vũ trang, những ngày cuối tháng 4.1975 lịch sử, toàn bộ quần chúng trong các Lõm chính trị Bảy Hiền Điệp báo A10 (nay thuộc phường 11, quận Bình Thạnh, TPHCM) đã nhất tề xông lên, tiến về các cơ quan đầu não của địch, vận động binh sĩ buông súng đầu hàng, giữ vững các mục tiêu chiến lược để đón đại quân vào giải phóng thành phố trong nguyên vẹn.


    Từ tháng 3.1975, khi tiếng súng vang lên tại các chiến dịch Huế - Đà Nẵng, Chiến dịch Tây Nguyên với khí thế tấn công như vũ bão của Quân Giải phóng, một bộ phận lớn các quân đoàn, sư đoàn chiến lược của địch bị đánh tan rã, tháo chạy về Sài Gòn.

    Cảnh binh lính, sỹ quan địch vứt bỏ súng ống, quân trang, tháo chạy trong hoảng loạn đã trở thành nỗi ám ảnh của chế độ Sài Gòn - dù lúc này đang ra rả giọng điệu “tử thủ” nhưng tinh thần đã bắt đầu rệu rã.

    Tại Lõm chính trị Bảy Hiền, bà con, binh lính, sĩ quan tan rã từ Buôn Mê Thuột, Quảng Nam - Đà Nẵng, Huế... chạy vào, đem theo nỗi kinh hoàng của cuộc di tản từ Tây Nguyên và miền Trung dưới đạn pháo cuộc chiến lúc này đang đi đến hồi kết.

    Trong số đó, tôi (Ba Vũ - NV) có những người bạn là những sĩ quan từ Tây Nguyên chạy về. Tuy đơn vị đã bị Quân Giải phóng đánh cho tan rã nhưng họ vẫn mặc quần áo sĩ quan. Tôi giao cho họ nhiệm vụ cầm sơn đi sơn lấp hình cờ ba que, sơn cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam (gọi tắt là Mặt trận).

    Trong những giờ phút chiến thắng đến gần, những cơ sở của tôi như như bà Huỳnh Thị Khóa và Lê Thị A đã nuôi dưỡng, cất giấu tài liệu, cung cấp tin tức và chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh; hai mẹ con bà Nguyễn Thị Nguyên và Nguyễn Nghĩa che giấu, nuôi dưỡng cán bộ điệp báo, cung cấp tin tức, cất giấu tài liệu, cờ Giải phóng, chuẩn bị hậu cần cho khởi nghĩa trong chiến dịch Hồ Chí Minh; bà Kiều Tiên (do Huỳnh Bá Thành giới thiệu) làm giao liên, hộp thư hỏa tốc; anh Võ Văn Tân, Nguyễn Dzạ Lữ và Thân Phúng là trinh sát ngoại tuyến...

    Các anh Bùi Tân Trung, Võ Văn Chín, Đặng Công Ngữ (hiện là Giám đốc Sở Nội vụ kiêm Chủ tịch UBND Huyện đảo Hoàng Sa thuộc Thành Phố Đà Nẵng), Nguyễn Văn, Nguyễn Nhật Quỳnh... tổ chức cùng quần chúng may cờ, sôi sục khí thế chuẩn bị “khởi nghĩa”.

    Ngày 23.4.1975, ngay sau khi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đọc diễn văn từ chức, tại Lõm chính trị Bảy Hiền, bà con rất hồ hởi, phấn khởi nhưng cũng rất lo. Phấn khởi vì ngày toàn thắng của cách mạng đã sắp cận kề, nhưng lo sẽ bị bom pháo gây ra đổ nát trong trận chiến cuối cùng này. Nỗi lo càng tăng vì Tổng thống kế nhiệm là Trần Văn Hương đã tuyên bố sẽ “tử chiến”.

    Ngày 26.4.1975, có dư luận ông Dương Văn Minh sẽ lên thay Trần Văn Hương, bà con Lõm Bảy Hiền cho rằng ông Minh là người ôn hòa. Biết anh Thành là nhà báo yêu nước, bà con Bảy Hiền tìm gặp hỏi han tình hình, xem ông Minh lên làm Tổng thống thì có chịu ngừng bắn không? Anh Thành nói rằng phải ngừng bắn. Dù vậy, Đài phát thanh Việt Nam Cộng hòa vẫn phát sóng với giọng điệu chống Cộng.

    Lúc 16h30 ngày 28.4.1975, ông Dương Văn Minh nhận bàn giao chính quyền từ Trần Văn Hương, chính thức trở thành Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Sau lễ nhậm chức của ông Minh khoảng 30 phút, phi trường Tân Sơn Nhất bị dội những quả bom từ máy bay A37 do phi công - Anh hùng LLVT Nguyễn Thành Trung xuất phát từ sân bay Thành Sơn vào oanh kích.

    Cả Sài Gòn nói chung, khu vực Bảy Hiền nói riêng trở nên rúng động, náo loạn sau những tiếng bom ấy. Cũng từ thời điểm đó, giọng điệu trên Đài Phát thanh Việt Nam Cộng hòa đã có những lời lẽ ôn hòa hơn.

    Chiều tối 28.4, anh Huỳnh Huề (bí danh Ba Hoàng) - lúc đó là cán bộ phụ trách của A10 - cùng tôi đến thăm anh Huỳnh Bá Thành. Lúc này, tuy rất bận nhưng anh Thành vẫn tranh thủ về ăn cơm tối với con gái, bé Huỳnh Bá Lai Vu lúc đó chưa đầy 1 tuổi. Khi chúng tôi đến thì đã thấy bà con Bảy Hiền có mặt ở đó rất đông.

    Anh Thành nói Tổng thống Dương Văn Minh đang thương lượng để ngừng bắn, bà con Bảy Hiền tin tưởng và yên tâm hơn. Tôi nhớ lúc đó, mẹ anh Thành nói xen vô, giọng Quảng đặc sệt: “Còn cái chi mô mà thương với lượng. Mi vô nói ông Minh đầu hàng cái là xong, chớ Cách mạng có xe tăng, pháo đoàn tau thấy ở miền Trung vô số, lại còn máy bay thả bom nữa”.

    Ngày 29.4.1975, lực lượng nòng cốt của Lõm chính trị Điệp báo A10 đã xóa sạch cờ 3 sọc của chính quyền Sài Gòn; đồng thời sơn cờ Mặt trận trên khắp khu vực Bảy Hiền và đã chuẩn bị hậu cần khá đầy đủ với khí thế cách mạng sục sôi.

    Khoảng 6 giờ sáng ngày 30.4, tôi đã truyền đạt chỉ đạo của lãnh đạo Cụm Điệp báo A10 cho các anh, chị em cơ sở và đưa thêm anh Lê Văn Ngô (Ba Khôi) vào Lõm chính trị Điệp báo A10 rồi giao nhiệm vụ phối hợp cùng với nhân dân Bảy Hiền chủ động phát loa phóng thanh và phất cờ Mặt trận, kêu gọi toàn dân đứng lên làm chủ vận mệnh đất nước, tước vũ khí của quân Việt Nam Cộng hòa gồm hàng trăm súng ống các loại, hàng ngàn viên đạn, lựu đạn, M79,… buộc binh lính, sĩ quan quân đội VNCH cởi bỏ quân phục đầu hàng vô điều kiện; đồng thời chiếm lĩnh các trụ sở của chính quyền Sài Gòn tại địa phương, hạ cờ 3 sọc xuống, treo cờ Mặt trận với băng rôn, khẩu hiệu của chính quyền cách mạng lên.

    Cả khu vực Bảy Hiền lúc này là rừng cờ Mặt trận tung bay từ trụ sở chính quyền đến các nhà dân và khắp các nẻo đường.

    Khoảng 9h cùng ngày, anh Ba Hoàng cùng anh Lương Mạnh Dũng (cán bộ Điệp báo A10) ngồi trên chiếc xe Zeep do một sĩ quan quân cảnh là cơ sở của Điệp báo A10 cầm lái, chạy lên khu vực Bảy Hiền để dẫn đầu lực lượng quần chúng cùng tiến về hướng Dinh Tổng thống của chính quyền SG, góp một phần nhỏ trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

    Lõm chính trị Bảy Hiền Điệp báo A10 đã cùng nhân dân khu vực Bảy Hiền với tinh thần quật khởi và khí thế cách mạng sục sôi trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã có công rất lớn là nổi dậy làm chủ tình hình giành lấy chính quyền tại khu vực Bảy Hiền, góp phần vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

    Với những chiến công đó, tập thể Lõm chính trị Bảy Hiền Cụm Điệp báo A10 đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Tập thể Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” do Chủ tịch Nước trao tặng vào năm 2013.

    (Ghi theo lời kể của đồng chí Võ Vân - bí danh Ba Vũ - Điệp báo A10)

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét