Thứ Ba, 9 tháng 9, 2014

ĐỊA LINH NHÂN KIỆT 20 (Trần Thủ Độ)

(ĐC sưu tầm trên NET)

Trần Thủ Độ

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Trần Thủ Độ (chữ Hán: 陳守度; 1194-1264), là thái sư đầu triều nhà Trần, người có công sáng lập và là người thực tế nắm quyền lãnh đạo đất nước những năm đầu triều Trần, khoảng gần 40 năm, từ 1226 đến 1264. Trần Thủ Độ sinh tại làng Lưu Xá, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, Việt Nam. Đánh giá về Trần Thủ Độ, có nhiều luồng dư luận trái chiều, ông là người có công sáng lập nhà Trần, ý kiến khác lại cho rằng ông là người đáng chê trách khi giết hại vua nhà Lý.

Sự nghiệp

Đưa nhà Trần lên ngôi

Từ đầu thế kỷ 13, do có công dẹp loạn Quách Bốc, dòng họ Trần, đứng đầu là Trần Tự Khánh (anh họ của Trần Thủ Độ), đã nắm quyền thao túng chính trường nhà Lý. Sau khi Trần Tự Khánh chết (1223), Trần Thủ Độ thực sự là người thay thế nắm quyền trong triều. Đối với nhà Lý, ông tỏ ra còn cứng rắn hơn Trần Tự Khánh.
Năm 1224, ông được phong làm Điện tiền chỉ huy sứ. Vua Lý Huệ Tông và vợ, tức chị họ ông, là Trần Thị Dung có 2 con gái, người em tên là Phật Kim, được phong là công chúa Chiêu Thánh. Ông xin Huệ Tông bỏ ngôi lên làm thái thượng hoàng để nhường ngôi cho Phật Kim, tức là Lý Chiêu Hoàng, khi đó mới lên 7 tuổi.
Sau đó ông đưa con Trần Thừa là Trần Cảnh (sau này là Trần Thái Tông), mới 8 tuổi, vào hầu Lý Chiêu Hoàng, rồi dàn xếp để Trần Cảnh lấy Lý Chiêu Hoàng và nhường ngôi để chuyển ngai vàng sang họ Trần vào cuối năm 1225. Nhà Trần thay nhà Lý do Trần Thủ Độ. Thượng hoàng Huệ Tông đi tu, truất làm sư Huệ Quang.
Nhà Trần thành lập, ông được phong là Thống quốc thái sư, lo toan mọi việc cho triều đình nhà Trần.
Để củng cố quyền lực nhà Trần, ông đánh dẹp các sứ quân Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng bên ngoài, sắp xếp quan lại trong triều. Năm 1232, nhân lúc tông thất nhà Lý về quê ngoại ở làng Hoa Lâm (nay là xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội) làm lễ cúng tổ tiên, ông đã làm bẫy sập chôn sống nhiều tôn thất nhà Lý, bắt những người sống sót đổi sang họ Nguyễn và một số họ khác để trừ tuyệt hậu họa.

Thái sư nghiêm minh

Trần Thủ Độ làm quan rất nghiêm minh, khi Thiên Cực công chúa có xin riêng cho một người làm Câu Đương, ông nhận lời. Đến lúc xét, ông gọi người ấy lên mà bảo: "ngươi vì có Công chúa xin cho được làm Câu Đương nên không thể so với người khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt." Người ấy sợ quá xin mãi mới được tha. Từ ấy không ai dám đến nhà riêng xin xỏ nữa.
Vợ Trần Thủ Độ là Linh Từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung khi đi ngang qua cung cấm thì bị một người lính chạy cờ ngăn lại. Bà trở về nhà thuật lại và khóc: "...Mụ này là vợ ông mà bị bọn quan khinh nhờn như vậy!" Trần Thủ Độ tức giận sai bắt người lính chạy cờ về trị tội. Nhưng sau khi nghe người này trình bày nguyên do thì ông cười và nói: "Ngươi ở dưới cấp thấp mà biết giữ phép nước, ta còn trách gì nữa", sau đó ban thưởng cho người này.
Lại có người thấy ông có nhiều quyền uy trong triều, vào gặp Thái Tông tâu rằng: "Bệ hạ còn thơ ấu mà Thủ Độ quyền át cả vua, xã tắc rồi sẽ ra sao?". Thái Tông lập tức đưa người ấy đến dinh Thủ Độ, nói hết những lời người ấy nói cho Thủ Độ nghe. Thủ Độ trả lời: "Đúng như những lời hắn nói.". Rồi lấy tiền lụa thưởng cho người ấy.

Vì cơ nghiệp lâu dài của họ tộc

Để ngăn ngừa sự nhen nhóm nổi lên của các lực lượng chống đối, Trần Thủ Độ đặt ra quy định khoanh vùng các làng ở nông thôn, tạo ra sự ngăn cách từng làng. Các nhà nghiên cứu cho rằng đây chính là nguyên nhân khiến nhiều đời sau các làng mạc Việt Nam chỉ phát triển khép kín trong lũy tre làng, không giao lưu, mở mang được với bên ngoài.
Vua Thái Tông và hoàng hậu Chiêu Thánh (tức Lý Chiêu Hoàng) lấy nhau đã lâu chưa có con. Năm 1236, Trần Thủ Độ liền ép Thái Tông lấy chị dâu là công chúa Thuận Thiên - vợ Trần Liễu, chính là chị ruột của Chiêu Thánh vì Thuận Thiên đã có mang sẵn với Trần Liễu được 3 tháng. Việc đó khiến Trần Liễu thù hận cất quân nổi loạn và Trần Thái Tông toan bỏ đi tu. Nhưng trước sức ép cứng rắn của Trần Thủ Độ, Thái Tông quay trở lại ngôi vua, còn Trần Liễu sau khi thất bại cũng phải hàng phục và được phong làm An Sinh vương ở Kinh Môn (Hải Dương).
Tuy nhiên, người con của Trần Liễu mà Trần Thủ Độ sắp đặt để làm con Trần Cảnh là Trần Quốc Khang sinh ra năm 1236 cũng không được làm thái tử dù là con trưởng. Năm 1240, Thái Tông sinh được Trần Hoảng, lập làm thái tử và sau trở thành vua Trần Thánh Tông.

Nhận xét

Trần Thủ Độ tuy không đỗ đạt khoa cử nhưng mưu lược hơn người, không chỉ là quyền thần nhà Lý mà là quyền thần của ngay nhà Trần. Đối với nhân dân Đại Việt nói chung, lúc đó và sau này, việc làm của ông đóng vai trò tích cực. Ông giúp nhà Trần bình phục được giặc giã trong nước, làm cho Đại Việt bấy giờ được cường thịnh trở lại sau hồi suy yếu cuối thời Lý, và đó chính là cơ sở để đủ sức lực và tinh thần chống cự được với Mông Cổ. Nhiều nhà nghiên cứu đã thống nhất rằng sự thay thế của nhà Trần đối với nhà Lý trong thời điểm đó - mà sự thay thế và xây dựng ban đầu không thể không nói tới Trần Thủ Độ - có vai trò quyết định sự tồn vong của Đại Việt trước nguy cơ ào tới của vó ngựa Mông mà Trung Hoa lớn mạnh ở phương Bắc cũng không trụ nổi.
Sử chép: "Thái Tông lấy được thiên hạ đều là mưu sức của Thủ Độ cả, cho nên nhà nước phải nhờ cậy, quyền hơn cả vua.".

Câu nói nổi tiếng

Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo!
—Nói với Vua Trần Thái Tông vào năm 1258, trong khi diễn ra Chiến tranh Nguyên Mông-Đại Việt lần 1

Đền thờ và lăng

Lăng Thái sư Trần Thủ Độ nằm ở thôn Ngừ (tên chữ là Phù Ngự) trước là xã Khuông Phù, sau đổi là xã Liên Hiệp, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Lăng nằm chếch về phía bắc Quốc lộ 39B. Kiến trúc lăng xưa bề thế, có nhiều tượng thú tạc bằng đá nhưng phần lớn đã bị tiêu hủy. Riêng pho tượng hổ tiêu biểu của ngành điêu khắc thời Trần đã chuyển về Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ở Hà Nội nên lăng mộ không còn gì là nguyên thủy. Năm 2008, nhà nước mới công nhận giá trị lịch sử của ngôi lăng đến năm 2012 công việc xây cất vẫn đang xúc tiến.
Bên làng Nại cũng thuộc xã Liên Hiệp là đền thờ Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung còn được gọi là Bà Chúa Ngừ, tức chính thất của Trần Thủ Độ.
Trang này được sửa đổi lần cuối lúc 17:10, ngày 10 tháng 7 năm 2014.
 
Trần Thủ Độ và khoảng trống phía sau cuộc đời ông
 
Sách "Đại Việt sử ký toàn thư" chép: "Giáp Tý năm thứ 7 (1264), mùa xuân, tháng giêng, Thái sư Trần Thủ Độ qua đời (71 tuổi), truy tặng Thượng phụ Thái sư Trung vũ Đại vương. Thủ Độ tuy không có học vấn nhưng tài lược hơn người, làm quan triều Lý được mọi người suy tôn. Thái Tôn lấy được thiên hạ đều là mưu sức của Thủ Độ cả, cho nên nhà nước phải nhờ cậy, quyền hơn cả vua".

Nhà bia - lăng mộ thái sư Trần Thủ Độ, làng Ngừ, xã Liên Hiệp, Hưng Hà, Thái Bình. Ảnh: Quang Thọ


Thông qua các tài liệu chính sử và văn bia, thần phả, thần tích, chúng ta được biết, Trần Thủ Độ là người có bản lĩnh chính trị và cá tính khác thường. Ông xử lý việc gì cũng thẳng thắn, quả quyết theo ý chí của mình, ít khi để cho tình cảm sai khiến. Ông là người luôn đặt lợi ích của dòng họ Đông A lên trên. 
Có thể nói ông là nhân vật trụ cột, là người thực hiện thành công ý tưởng đoạt ngôi vua triều Lý về tay triều Trần mà Trần Tự Khánh trước đây thường ấp ủ nhưng không thực hiện được vì ông mất sớm (1223). Trần Thủ Độ là một đại công thần, là người sáng lập và trực tiếp lãnh đạo công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước những năm đầu thời kỳ nhà Trần. Trong suốt 40 năm (1226-1264), cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn liền với nghiệp đế của họ Trần, với quá trình khôi phục và phát triển kinh tế xã hội Việt Nam từ đống tro tàn của triều Lý vào thế kỷ XIII. 
Chiến công oanh liệt đánh bại quân xâm lược Mông Cổ lần thứ nhất (1258) và câu nói bất hủ, khảng khái, thể hiện ý chí của người anh hùng: "Đầu thần chưa rơi, xin bệ hạ đừng lo" của ông, đã để lại trong dân tộc Việt Nam một hình tượng Trần Thủ Độ anh hùng, bất khuất, tài năng, quả cảm. Đánh giá về ông xưa nay vẫn có nhiều cách nhìn nhận khác nhau; nhưng không thể phủ nhận được công lao to lớn của ông với Vương triều Trần và nhà nước Đại Việt. 
Trần Thủ Độ sinh năm Giáp Dần (1194), ở Lưu Gia, Tinh Cương, hương Đa Cương (nay là làng Lưu Xá, xã Canh Tân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). 
Theo nguồn tư liệu điền dã của cụ Dương Quảng Châu, thì thân sinh của Trần Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị. Đáng tiếc các tư liệu điền dã đó chưa đủ cơ sở để chứng minh một cách khoa học, chính xác về thân phụ của Trần Thủ Độ. Chính sử đều ghi ông mồ côi cha mẹ từ bé và ở với bác là Trần Lý chứ không ghi rõ bố mẹ ông là ai. 
Thực tế khảo sát điền dã ở làng Mẹo (Thái Phương, Hưng Hà), chúng ta đã thấy rõ đền đình ở đây thờ lục vị thần hoàng (những vị thần hoàng này không có ai là họ Trần như một số người lầm tưởng); và cũng không thờ vị nào tên là Trần Hoằng Nghị được tôn là thần hoàng hay phúc thần của làng. Nhân vật được thờ ở làng Xuân La và Phương La là "Trang Nghị Đại Vương". Đây là nhân vật mà một số nhà nghiên cứu cho rằng đó là Trần Hoằng Nghị, nhưng theo thần phả, thần tích ở đình làng Xuân La thì Trang Nghị Đại Vương là một Thiên thần (con thần sấm) được vua Đường Trung Quốc và Cao Biền phong cho chứ không phải là một nhân thần. 
Thực tế, nếu một người có công với dân với nước như Trần Hoằng Nghị: Khai hoang, lập ấp, dạy dân làm nghề, mở chợ, buôn bán và lại là thân sinh của Trần Thủ Độ (?) thì chắc hẳn triều đình phong kiến ngày xưa chí ít cũng phải phong cho ông làm một chức gì đó hoặc tôn ông làm thần hoàng và thờ ở đình làng. Ngay cả Trần Thủ Độ cũng không được thờ ở làng ứng Mão xa xưa thì quả là điều vô lý vì nó trái với đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt Nam. Từ đó có thể nói rằng, đền Nhà Ông và Trần Hoằng Nghị không liên quan đến Trần Thủ Độ. Ông sinh ra ở Lưu Xá chứ không phải ở làng Mẹo như một số người lầm tưởng. 
"Đại Việt sử ký toàn thư" từng ghi nhận thời Trần có hai người được vua cho lập sinh từ thờ khi vẫn còn sống là Trần Thủ Độ và Trần Quốc Tuấn. Vậy chẳng lẽ bố Trần Thủ Độ lại không được thờ phụng hoặc được truy phong, chí ít cũng là thần hoàng của một làng (?). Trong khi đó ở Hưng Hà hiện có năm làng thờ Trần Thủ Độ nhưng không phải là ở làng Mẹo mà là ở tổng Tống Xuyên xưa (nay gồm các xã Thái Hưng, Liên Hiệp thuộc Hưng Hà, Thái Bình). 
Điều đó rõ ràng không phải nhà Trần quên Trần Hoằng Nghị mà thực ra không có nhân vật này. Thực tế chỉ có vị Thiên thần Trang Nghị Đại Vương được thờ ở xã Thái Phương mà thôi. Vì thế, không thể nói khi chưa đủ chứng cứ để khẳng định có nhân vật Trần Hoằng Nghị và càng không thể nói ông là thân sinh của Trần Thủ Độ được. Giáo sư Vũ Khiêu trong tổng kết cuộc hội thảo về Trần Hoằng Nghị tại Hà Nội năm 2007, khi đánh giá về việc ai là thân sinh của Trần Thủ Độ, đã nói: "Đây là vấn đề tồn nghi cần phải tìm hiểu các tư liệu ở các địa phương trong nước và ngoài nước. Tiến hành hội thảo nhiều lần mới đi đến kết luận chính xác được". 
Thực tế bố mẹ Trần Thủ Độ là ai, đến nay qua bảy, tám trăm năm vẫn chưa ai giải đáp được (kể cả Lê Văn Hưu - sử gia thời Trần; Phan Phu Tiên và Ngô Sĩ Liên - thời Lê). 
Chính sử khẳng định Trần Lý ở Lưu Gia trang và chính sử cũng cho biết Trần Lý nuôi Trần Thủ Độ từ nhỏ. Từ đó có thể nói Trần Thủ Độ sinh ra ở đất Lưu Xá (Hưng Hà, Thái Bình). Cuộc đời Trần Thủ Độ là cuộc đời của một con người tài ba, thao lược cả về chính trị, quân sự và kinh tế... Có thể nói sau khi Trần Tự Khánh chết (1223), Trần Thủ Độ là người kế tục một cách xuất sắc sự nghiệp toan tính giành ngôi từ vương triều nhà Lý về tay nhà Trần. Đỉnh cao của toan tính này là "màn kịch" nhường ngôi vua của Lý Chiêu Hoàng cho chồng là Trần Cảnh vào cuối thời Lý (1225); mở đầu cho giai đoạn nắm quyền cai trị nước Đại Việt của Vương triều Trần. Khi còn sống, Trần Thủ Độ là người nắm thực quyền và là linh hồn của Vương triều Trần. Sử chép: "Thủ Độ tuy làm Tể tướng, nhưng mọi việc không việc gì là không để ý tới". Thực tế khi Trần Cảnh bị ép lấy chị dâu (vợ Trần Liễu), bỏ lên Yên Tử nhưng cuối cùng cũng phải quay về kinh thành trước sự cứng rắn và khôn khéo của Trần Thủ Độ: "Vua ở đâu thì kinh thành ở đó". Với tư tưởng có dựng được nước mạnh mới giữ được nước bền, Trần Thủ Độ tiến hành từng bước đổi mới đất nước Đại Việt. 
Trần Thủ Độ là người không chỉ có mưu lược trong việc dựng nước và giữ nước mà ông còn là một người có đầu óc tổ chức, phát triển kinh tế đất nước. Các tư liệu lịch sử về việc đổi mới kinh tế thời Trần (khi Trần Thủ Độ còn sống) không có nhiều, nhưng qua các tài liệu hiện còn lưu giữ, ta có thể thấy rằng khi thực sự nắm quyền điều hành đất nước, Trần Thủ Độ và Vương triều Trần đã nhận thấy sự yếu kém về kinh tế của nhà nước Đại Việt dưới thời Lý Huệ Tông. Vì thế ông đã tiến hành cho phép chuyển công hữu thành tư hữu. 
Cụ thể, "Đại Việt sử ký toàn thư" ghi: "Tháng Sáu bán ruộng công, mỗi diện 5 quan tiền (diện tương đương với mẫu bây giờ), cho phép nhân dân mua làm ruộng tư". 
Sau khi đã nắm thực quyền trong tay, Thủ Độ đã tấu với vua không chỉ bán ruộng cho những người nông dân không tấc đất cắm dùi mà ông còn củng cố đê điều, đắp đê ngăn nước mặn, đào sông khai thông đường thuỷ, bộ. "Đại Việt sử ký toàn thư" viết: "Tháng 3, sai các lộ đắp đê giữ nước sông, gọi là đê Đỉnh Nhĩ (Quai Bạc), đắp suốt từ đầu nguồn đến bờ biển để giữ nước lụt khỏi tràn ngập. Đặt chức Hà đê Chánh phó sứ để trông coi. Chỗ đắp thì đo xem đắp mất bao nhiêu ruộng đất của dân, theo giá trả lại tiền. Đắp đê Đỉnh Nhĩ bắt đầu từ đấy"(1). Qua các tài liệu lịch sử triều đại thì các công trình thuỷ lợi dẫn nước, tiêu nước sản xuất nông nghiệp ở thời nhà Trần phát triển rất cao. 
Trần Thủ Độ huy động không chỉ sức dân mà còn lệnh cho binh lính phải tham gia làm thuỷ lợi. "Đại Việt sử ký toàn thư" ghi: "Tân Mão năm thứ 7 (1231), (Tống Thiên Định năm thứ 4), mùa xuân, tháng giêng, sai Nội Minh Tự là Nguyễn Bang Cốc (hoạn quan) trông coi các binh hữu đường phủ, đào vét các kênh trầm và hào từ phủ Thanh Hoá đến cõi Nam Diễn Châu"(2). Được sự tấu trình của Trần Độ, Trần Cảnh xuống chiếu cho cả nước Đại Việt dùng tiền "tinh bạch", mỗi tiền là 60 đồng (tiền nộp cho nhà nước là tiền thượng cung thì mỗi tiền là 70 đồng). 
"Năm Bính Thìn (1236), mùa xuân, tháng giêng, định lệ cấp lương bổng cho các quan văn võ trong triều và các quan ở cung điện, lăng miếu, chia tiền thuế ban cấp theo thứ bậc" (Sđd). Không những thế, Trần Thủ Độ còn bỏ tiền đánh thuế bằng hiện vật, thu thuế bằng tiền mặt. Một sự đổi mới chính sách thuế theo sở hữu ruộng đất cũng là một việc làm hơn hẳn các triều đại trước. Nó thể hiện tư duy phát triển kinh tế rất cao của Trần Thủ Độ: "Nhân dân có ruộng đất thì nộp tiền thóc, người không có ruộng đất thì miễn cả... (riêng tô vẫn thu bằng thóc)" (Sđd). 
"Tháng Chín, xuống chiếu cho các ty xét án được lấy tiền bình bạc" hoặc "duyệt sổ đinh" để thu thuế và cũng là để điều động xây dựng kinh tế, thành lập ra 61 phường ở kinh thành để quản lý việc giao thương. Rõ ràng, dưới sự quản lý và chỉ đạo của Trần Thủ Độ, kinh tế Đại Việt đã phát triển mạnh mẽ, việc buôn bán giao lưu bằng đường bộ, đường sông rất thuận lợi, không những thế ông còn chú trọng mở các thương cảng ven sông, biển để đẩy mạnh việc giao lưu buôn bán hàng hoá trong nước và ngoài nước. 
Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế mà ông còn chủ trương phát triển Nho học. Trần Thủ Độ tâu vua cho xây Quốc Tử Giám, đẩy mạnh việc thi cử để tuyển chọn hiền tài cho đất nước: "Tháng 2 (1232), thi thái học sinh. Đỗ đệ nhất giáp là Trương Hanh, Lưu Diễm, đệ nhị giáp là Đặng Diễn, Trịnh Phẫu, đệ tam giáp là Trần Chu Phổ"(1). 
"Đinh Mùi năm thứ 16 (1247), mùa xuân, tháng 2, mở khoa thi chọn học trò. Cho Nguyễn Hiền đỗ trạng nguyên, Lê Văn Hưu đỗ bảng nhãn, Đặng Ma La đỗ thám hoa, lấy đỗ thái học sinh 48 người"(2). Chính nhờ sự chú ý và coi trọng (hiền tài là nguyên khí quốc gia) nên thời nhà Trần đã xuất hiện rất nhiều hiền tài phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đặc biệt là trong ba cuộc chiến tranh chống Nguyên Mông, các nhân sĩ, tướng lĩnh Đại Việt, tuổi trẻ tài cao đã góp phần làm vẻ vang cho lịch sử dân tộc như: Nguyễn Hiền, Đặng Ma La, Trương Hán Siêu, Phạm Ngũ Lão, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải v.v... 
Trần Thủ Độ còn hoạch định: "Chép công việc của quốc triều làm Bộ Quốc triều thường lễ, 10 quyển" (Sđd).

Ông đề ra khung bậc, thể thức của luật hình. Tạo đường cho Bộ Quốc triều hình luật ra đời để tiện việc nắm tình hình đất nước, quản lý chặt chẽ hơn. Trần Thủ Độ chia nước thành 12 lộ, mỗi lộ đặt chức chánh phủ xứ. Trần Thủ Độ còn duyệt định hộ khẩu trong cả nước, đặt các chức quan đại tư xã cùng các chức xã chính, xã quan. Không chỉ là người đề ra các tư tưởng pháp trị, mà ông còn để lại cho đời sau tấm gương về tính thẳng thắn, nghiêm túc trong việc thi hành luật. Đối với ông, luật pháp không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, bất cứ ai, dù là đối tượng nào, ở vị trí nào đi chăng nữa, nếu vi phạm lụât pháp đều bị xử lý theo đúng quốc luật đã ban hành. Nặng hay nhẹ tuỳ thuộc vào hành vi vi phạm luật của người đó. 
"Đại Việt sử ký toàn thư" chép: "Thủ Độ tuy không có học vấn nhưng tài lược hơn người, làm quan triều Lý được mọi người suy tôn. Thái Tôn lấy được thiên hạ đều là mưu sức của Trần Thủ Độ cả, cho nên nhà nước phải nhờ cậy"... (tr.478). 
Tài năng nhìn người của ông được thể hiện ở việc "khi vua Trần Thái tông muốn cho người anh của Thủ Độ là An Quốc làm tướng, Thủ Độ nói: "An Quốc là anh thần, nếu là người hiền thì thần xin nghỉ việc, nếu cho là thần hiền hơn An Quốc thì không nên cử An Quốc"... vua bèn thôi"(1). Phải chăng, Trần Thủ Độ đã sớm nhìn ra tính cách hai mặt của anh trai mình? Sự thật sau này An Quốc đã cùng với vợ (tương truyền là một công chúa nhà Lý) nổi loạn chống lại nhà Trần ở Quắc Hương, Vụ Bản, Nam Định. Cuộc nổi loạn đã bị chính Trần Thủ Độ dẹp tan. Phải khẳng định rằng ông là người có bản lĩnh chính trị và cá tính đặc biệt trong lịch sử Việt Nam. Ông làm việc gì cũng dứt khoát, xử lý quyết đoán theo ý chí của mình, ít để cho người khác sai khiến. 
Ông luôn là người đi tiên phong trong cuộc đấu tranh giành ngôi vua từ tay nhà Lý chuyển sang nhà Trần cũng như các cuộc chiến đấu chống lại các phe phái như Đoàn Thượng, Nguyễn Nộn hoặc trong kháng chiến chống Nguyên Mông. Đối với ông hoặc là chết cả họ hoặc là được cả thiên hạ! Bất cứ việc gì có lợi cho dòng tộc nhà Trần thì ông đều quyết làm bằng được. Ông là người đa mưu túc trí, khi đánh dẹp các thế lực chống đối, ông thấy thắng thì đánh, thấy cần hòa hoãn để đợi thời cơ thì tiến hành đàm phán. Thậm chí gả cả em gái vua cho Nguyễn Nộn hoặc phong vương cho Nguyễn Nộn và Đoàn Thượng (Đông Hải Đại Vương). Không những thế, ông còn bày mưu chia rẽ, gây mâu thuẫn để Nguyễn Nộn tiến đánh và giết Đoàn Thượng, nhằm mượn tay người để giảm bớt lực lượng chống đối mình. 
Khi giặc Nguyên xâm lược Đại việt lần thứ nhất, ông là linh hồn của cuộc kháng chiến với câu nói bất hủ "Đầu tôi chưa rơi xuống đất thì bệ hạ không cần lo ngại gì cả"(1). Ông là người ngồi trong màn trướng mà định việc thiên hạ; chỉ đạo các tướng Lê Tần, Trần Khánh Dư, Trần Phó Duyệt và kể cả Trần Hưng Đạo (lúc đó còn trẻ) ra trận. Ngay chính cả vua Trần Thái Tông, thái tử Trần Hoảng... cũng đều vác gươm đánh giặc. Trần Thủ Độ là nhà chính trị, kinh tế, quân sự toàn tài. 
Ông một lòng trung thành với triều đình nhà Trần. Đối với ông, Vương triều Trần là tất cả. Ngay cả việc ép vợ Trần Liễu gả cho Trần Cảnh ông cũng dám làm. Không phải ông không nghĩ tới việc Trần Liễu có hay không có động thái phản ứng; mà điều ông quan tâm nhất là tương lai của ngai vàng triều đình do ông tốn bao công sức xây dựng lên, liệu có người nối dõi hay không. Ông quả là một công thần hiếm có của Vương triều Trần - Đại Việt và là một người anh hùng của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ thứ XIII. 
Sử chép: "Giáp Tý năm thứ 7 (1264), Tống cảnh định năm thứ 5, Nguyên chí nguyên năm thứ 1, mùa xuân, tháng giêng, Thái sư Trần Thủ Độ chết (tuổi 71), truy tặng Thượng phụ Thái sư Trung Vũ Đại Vương".
Đặng Hùng
Hội viên Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam
                                   

Chuyện tình đế vương: Tình sử hoàng hậu Trần Thị Dung

Thứ bảy, 02/11/2013 21:20
Là hoàng hậu của nhà Lý nhưng lại tái giá với thái sư Trần Thủ Độ, cuộc đời bà có nhiều thị phi.
Hoàng hậu Trần Thị Dung được biết đến với tư cách hoàng hậu cuối cùng của nhà Lý, vợ vua Lý Huệ Tông, mẹ nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Việt Nam Lý Chiêu Hoàng.
Sau khi vua Lý Huệ Tông mất, bà trở thành vợ thái sư nhà Trần - Trần Thủ Độ.
Việc bà Trần Thị Dung tái giá với thái sư Trần Thủ Độ không chỉ bị đánh giá là thất tiết mà còn được xem là một hành động phản bội nặng nề với triều Lý.
Trước hết, vì vua Lý Huệ Tông đã vô cùng thương yêu hoàng hậu, luôn cố gắng làm mọi điều tốt đẹp để bảo vệ bà.
Hơn nữa, Trần Thủ Độ lại chính là người đã hạ bệ vua Lý Huệ Tông và khiến cho quyền lực nhà Lý rơi vào tay nhà Trần.
Ảnh minh họa
Cuộc tình giữa hoàng hậu Trần Thị Dung với thái sư Trần Thủ Độ được lưu truyền và ghi chép với nhiều giai thoại khác nhau.
Có người nói rằng, ngay từ khi Trần Thị Dung còn ở quê nhà, Trần Thủ Độ đã đem lòng yêu mến.
Để được gần gũi Trần Thị Dung, Trần Thủ Độ thường trốn học đến nhà nàng. Tuy nhiên, Trần Thị Dung khi đó không để ý đến Trần Thủ Độ vì gia đình phản đối.
Phải đến năm 1223, sau khi Trần Thủ Độ được phong làm điện tiền chỉ huy sức, ông mới có cơ hội tiếp cận với Trần Thị Dung, lúc này đã là hoàng hậu của vua Lý Huệ Tông.
Có giai thoại cho rằng, Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung đã lén lút qua lại, vừa để thỏa mãn dục vọng vừa tính chuyện chuyển giao quyền lực từ nhà Lý sang nhà Trần.
Sau khi Trần Cảnh (Trần Thái Tông) lên ngôi, Trần Thị Dung chính thức thành vợ của Trần Thủ Độ và được phong là Linh từ quốc mẫu.
Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả chuyện tình ái của bà hoàng nổi tiếng Trần Thị Dung. Bà còn có một người tình nữa là Phùng Tá Chu.
Mối tình của Trần Thị Dung và Phùng Tá Chu không được sử ghi chép lại nhiều và cho đến nay vẫn còn nhiều sự kiện không rõ đúng sai.
Chỉ biết rằng, Phùng Tá Chu chính là mối tình đầu của Trần Thị Dung trước khi bà trở thành hoàng hậu của vua Lý Huệ Tông.
Theo một số sử liệu thì gia đình ông Trần Lý, bố của Trần Thị Dung, vào thời đó là bậc phú gia dịch quốc, hùng trưởng cả một vùng.
Tiểu thư Trần Thị Dung xinh đẹp được nhiều chàng trai có danh vọng theo đuổi.
Nhưng chỉ có duy chỉ Phùng Tá Chu, hơn Dung 2 tuổi, một chàng trai khỏe mạnh, có tư chất thông minh hơn người, văn võ toàn tài, là có thể sánh ngang với người đẹp.
Tá Chu cũng là bạn thân và là em kết nghĩa của Trần Tự Khánh, anh ruột của Trần Thị Dung.
Không những thế, Tá Chu lại được Trần Lý giao cho chỉ huy, rèn luyện đội gia binh họ Trần với mấy trăm tay cung kiếm.
Chính vì vẻ đẹp, sự khỏe mạnh và tư chất hơn người của Phùng Tá Chu mà Trần Thị Dung rất có cảm tình với chàng trai này.
Biết được tình cảm ấy, Tá Chu ngày càng dốc hết tâm sức với họ Trần.
Tuy nhiên, sự kiện hoàng tử Sảm (Lý Huệ Tông) chạy trốn đến thôn Lữ Gia - Hải Ấp rồi say đắm cô gái Trần Thị Dung đã thay đổi hoàn toàn dự tính của đôi trai tài gái sắc.
Mối tình của Trần Thị Dung với Phùng Tá Chu cũng bị cuốn vào trong vòng xoáy triều chính thay đổi giữa hai họ Lý - Trần.
Cuộc đời và chuyện tình của hoàng hậu Trần Thị Dung cho đến nay vẫn còn rất nhiều bí mật.
Dù có nhiều ý kiến trái chiều về cuộc đời cũng như hành động của bà nhưng không ai có thể phủ nhận công lao của bà với đất nước và dân tộc trong cuộc chống ngoại xâm Nguyên Mông.

Đền thờ Thái sư Trần Thủ Độ

Từ thị trấn Neo, huyện lỵ Yên Dũng xuôi theo Tỉnh lộ 284 về phía Bắc Giang chừng 1,5km rồi rẽ phải qua cây cầu nhỏ bắc qua kênh Nham Sơn chừng 100m ta sẽ gặp một ngôi đền có dáng vẻ cổ kính nằm ở trung tâm thôn Minh Phượng, đó là đền thờ thái sư Trần Thủ Độ.

Di tích có tên chữ là "Thanh Nhân Từ" (đền Thanh Nhàn). Tương truyền rằng đền được khởi dựng từ thời Trần, trải qua các triều đại phong kiến sau này, nhiều lần di tích được trùng tu tôn tạo cho nên dấu tích ngôi đền có sự pha tạp phong cách kiến trúc của các triều đại ấy. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đây là khu rừng thanh vắng, nơi bộ đội và du kích địa phương trú quân, tập kết vũ khí, đạn dược - Đồng thời là cơ sở tiếp nhận cứu chữa thương binh từ vùng Bắc Ninh chuyển tới - Chính vì thế mà giặc Pháp đã nhiều lần bắn phá khu vực này và di tích đền Thanh Nhàn cũng bị bom đạn phá hoại. Năm 1997, nhân dân thôn Minh Phượng (thuộc xã Nham Sơn, huyện Yên Dũng) đã phục hồi tôn tạo trên nền đất cũ.
Công trình kiến trúc và cảnh quan mới được khôi phục nhưng trong di tích vẫn bảo tồn được một số cổ vật quý như: Lò thiêu hương bằng gang được đúc năm 1465, cây hương đá, bia đá, cột đá khắc câu đối... Qua những di vật trên ta phần nào hiểu thêm về lịch sử của di tích này.
Tuy có tên gọi là: Đền thờ Thái sư Trần Thủ Độ, nhưng thực tế di tích phụng thờ cả Thái sư và vợ ông là Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung. Thần tích đền Thanh Nhàn kể rằng: Thời bấy giờ vùng Nham Biền còn rậm rạp, nơi đây là thang mộc ấp của Linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung, đồng thời là hậu cứ quan trọng của nhà Trần nên nhân chuyến đi kinh lý miền Đông Bắc, Trần Thủ Độ đã dừng chân ở Hương Cảo (khu vực thôn Minh Phượng ngày nay). Nhân dân trong vùng biết Thái sư đến bèn mang lễ vật tạ và tâu rằng: Trong khe núi có một con rắn khổng lồ thường xuống làng xung quanh bắt người ăn thịt, rất mong được Thái sư ra tay trừ loài ác thú (nơi đó nay vẫn gọi là Khe Rắn).
Nghe xong Thái sư vỗ về nhân dân rồi lập kế nhử rắn ra khỏi hang mà giết chết, mang lại sự bình an cho nhân dân quanh vùng. Sau đó ông lại dạy dân chế tạo ra cạm bẫy để trừ bắt các loài thú phá hoại mùa màng. Tưởng nhớ công lao của Thái sư, sau khi ông qua đời nhân dân trong vùng đã lập đền tại nơi ông hạ trại nghỉ ngơi và lấy tên là: Thanh Nhàn từ.
Lại nói khi Thái sư đi kiểm tra quân sĩ trên sông Như Nguyệt, người đứng trên gò đất cao tại bến đò Cáu (Đông Hương) nhân dân Kẻ Cáu dâng lễ vật và kể về nỗi niềm khổ cực túng thiếu vì mất mùa, lũ lụt, hạn hán. Thái sư xem xét địa thế núi sông rồi hướng dẫn nhân dân đắp đê quai vạc để ngăn lũ, lại khơi mương lấy nước khi nắng hạn. Dân trong vùng thoát khỏi thiên tai, đời sống no đủ đã lập miếu, đình tôn thờ vợ chồng Thái sư làm thành hoàng.
Như vậy, không riêng đền Thanh Nhàn và cả đình, miếu Kẻ Cáu (Đông Hương) cũng thờ phụng ông như một vị phúc thần - vị thần có công trừ rắn độc, thú dữ, lại giúp dân đắp đê ngăn lũ lụt đem lại cuộc sống ấm no, thanh bình cho cả một vùng rộng lớn.
Hàng năm vào ngày mồng 8 tháng Tư và mồng 1 tháng Mười một âm lịch dân làng làm lễ đền Thanh Nhàn. Tế lễ xong thì thụ lộc, hôm sau mở cửa đình rồi tổ chức hội. Hội xưa có hát chầu văn, đấu vật, cờ người và không thể thiếu hai trò chơi truyền thống là: Múa bông đánh bệt tượng trưng cho người nhử rắn ra mà trừ diệt; Bơi chải tượng trưng cho tướng sĩ luyện tập thuỷ chiến trên sông Như Nguyệt.
Đền Thanh Nhàn là công trình tín ngưỡng văn hoá, nơi tưởng niệm danh nhân lịch sử của dân tộc là Thái sư Trần Thủ Độ và Linh Từ quốc mẫu Trần Thị Dung. Ở phần nội tự vẫn còn lưu giữ 3 đôi câu đối cổ khắc trên đá phản ánh ngợi ca công lao đức độ của Thái sư với dân tộc nói chung quê hương Minh Phượng nói riêng:

- Thúc phụ Đông A triều, vạn lý sơn hà đáp khí 
  Thái sư Nam Việt quốc, thiên thu thảo mộc tri danh
(Xứng bậc cha chú vương triều Trần, vạn dặm núi sông dậy khí) 
Làm Thái sư nước Việt, nghìn thu cây cỏ lưu danh) 
- Đức trạch nguy nga sơn hữu sắc
Anh uy hạo đãng thuỷ vô ba
(Ân đức sáng trong ngời sông núi
Uy danh cao rộng cảm nước non)
- Cảm ứng linh thông hồn mạc trắc
Tảo trừ bảo hộ diệu vô cùng
(Cảm ứng linh thông hồn bất diệt 
Giúp dân trừ ác để đức sáng ngàn thu).
                                       

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét