Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

Câu chuyện tâm linh 30

+Tôi lắng nghe "duy vật", tôi lắng nghe "duy linh", tôi tôn trọng cả hai, tin cả hai và như thế có nghĩa là không tin hẳn cả hai. Tôi đang sống trong thời đại mà loài người vẫn còn nhận thức "rất ú ớ" về tâm hồn mình, cho nên tôi đành phải theo R. Đềcác - cha đẻ của triết học hiện đại - và như thế, tôi chỉ có một niềm tin "chắc cú": "Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại!", còn lại là những niềm tin dè dặt trên tinh thần: "Hoài nghi tất cả!".
+ Trong lá thư gửi tới một hội nghị của Bộ môn Cận tâm lý, Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người tháng 9-2009, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: "Mong các nhà khoa học ra sức nghiên cứu để ngày càng lý giải được khả năng đặc biệt của các nhà ngoại cảm, để làm rõ sự nghiệp bảo vệ đất nước".
___________________________________________

1- ĐC sưu tầm (trích từ "Hiện tượng tâm linh", Đỗ Kiên Cường, NXB Trẻ-2001):
+ Mỗi trường phái triết học đều có quan niệm riêng về bản chất sự sống. Chỉ riêng chủ nghĩa duy vật đã có ba hệ thống quan niệm: duy vật nguyên thủy, duy vật siêu hình và duy vật biện chứng. Các nền triết học nguyên thủy đều có điểm chung, dù ở phương Đông hay phương Tây, Ấn Độ hay Trung Quốc - đó là quan niệm: sự sống do một loại vật chất đặc biệt qui đinh. Loại vật chất, loại "sinh khí" đó khác biệt với loại vật chất tạo ra thế giới không sống. Và vì sự sống huyền diệu, nên loại vật chất đó cũng rất huyền diệu: tồn tại cả khi con người đã chết, có thể tác dụng tức thời và không suy giảm trong không gian và thời gian...Nó được dùng để giải thích các hiện tượng lạ thường như cầu hồn, tiền kiếp, phong thủy, đọc ý nghĩ người chết, tìm mộ liệt sĩ...
(...)
Triết học tiên tiến nhất về sự sống là chủ nghĩa duy vật biện chứng, với việc loại bỏ các quan niệm duy tâm hay siêu hình. Theo chủ thuyết này, sự sống là thuộc tính, là hình thức vận động mới của những "vật chất cũ" (như trong thế giới không sống), xuất hiện theo qui luật lượng đổ chất đổi, theo sự biến chất (xuất hiện chất lượng mới theo só lượng tăng nhảy vọt), tại một cấu trúc có tổ chức cao là tế bào.(...)
(...)
Xin nhấn mạnh, chúng tôi tin chủ nghĩa duy vật biện chứng. Ngay cả sau sự kiện Đông Âu, chưa một ai phê phán được học thuyết này.(...)
+ Chỉ xin nhấn mạnh rằng, do tin vào những chủ thuyết triết học khác nhau, nên chúng tôi và những nhà "nhân điện học" không bao giờ thống nhất được. Họ có quyền bác bỏ chủ nghĩa duy vật biện chứng, nếu trả lời được những câu hỏi sau: 1/ Loại vật chất đặc biệt đó là gì? 2/ Nó từ đâu ra? 3/ Sở hữu nó như thế nào?
+ Thần giao cách cảm là khả năng phát và thu bức xạ điện từ vùng radio phản xạ trên tầng điện ly. Đọc ý nghĩ người khác là đọc tín hiệu điện từ của xung thần kinh chạy trong mạng neuron. chữa bệnh bằng bàn tay (như nhà nhân điện) là kết hợp điện từ sinh học trị liệu với tâm lý liệu pháp. Nhận năng lượng vũ trụ là cộng hưởng tác dụng của trường điện từ sinh học với các trường liên hành tinh, trước hết là trường địa từ. Đọc ý nghĩ người chết là đọc bức xạ điện từ tàn dư từ các xung thần kinh tạo nên ý thức. Do một số cơ chế đặc biệt, các bức xạ này có thể tồn tại đủ lâu sau khi chết. Bí mật căn nhà có "hồn ma" được lý giải nhờ chúng.Tiền kiếp là một người tình cờ giải mã được nhiều thông tin chứa trong bức xạ tàn dư. Thân nhân người đã chết chỉ còn cách bái phục những gì được nghe! Tìm mộ liệt sĩ là do đọc ý nghĩ người chết và cả người sống (người chôn cất) và cảm xạ thi hài nhờ đo biến động địa từ địa phương hay phát trường điện từ thăm dò.(...)
Cách tiếp cận trên là dựa vào khoa học hiện đại và chủ nghĩa duy vật biện chứng. Nó thấy được giới hạn của nhà ngoại cảm. Ngoại tâm lý có thật nhưng khả năng rất hạn chế. Sự khen chê ngược nhau khá gay gắt là vì vậy. Phủ nhận ngoại tâm lý, mê tín dị đoan hay giải thích nó bằng loại vật chất siêu hình là những quan niệm không nên khuyến khích. Vật lý sự sống là câu trả lời thích hợp, khoa học và biện chứng.
+ Riêng thái độ đối với các hiện tượng dị thường, quan điểm của GS Tiền Học Sâm, lãnh đạo Hội nhân thể học Trung Quốc (được thành lập để nghiên cứu Trung y, khí công và các công năng đặc dị của con người) có thể là gợi ý tốt. Ông nói: "Mọi vấn đề được bàn trong khoa học nhân thể đều liên quan với những nghiên cứu về sự thống nhất biện chứng giữa vật chất và tinh thần, giữa khách quan và chủ quan, giữa đại não và ý thức. Đụng phải vấn đề phức tạp như thế, nếu chúng ta không vận dụng triết học mácxít, không vận dụng chủ nghĩa duy vật biện chứng để chỉ đạo thì khó lòng tránh khỏi sai lầm"
Chúng tôi nhất trí với một định hướng chung sáng suốt như thế. Về mặt thế giới quan, chúng ta là những người duy vật, vô thần và không có gì có thể buộc chúng ta phải thay đổi cách nhìn nhận đó. Tuy nhiên, là môn đệ của duy vật luận biện chứng, chúng ta công nhận và tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng bên cạnh việc bài trừ mê tín dị đoan, một tệ nạn đang sinh sôi nảy nở nhanh chóng do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc truyền bá quá mức và thiếu tính phê phán đối với các hiện tượng ngoại cảm và tâm linh.

2- ĐC thắc mắc:
+ Không gian chắc chắn tồn tại, nhưng là vật chất hay phi vật chất? Nếu là phi vật chất thì quan niệm duy vật về tự nhiên phải sai. Nếu là vật chất thì là vật chất gì và nhất là có tham gia vào quá trình hợp thành sự sống không?
+ Thừa nhận rằng trong khái niệm "tiên tiến" có hàm chứa ý niệm "đúng đắn", và chỉ thế thôi chứ không bao hàm ý niệm "đúng đắn hoàn toàn", cũng có nghĩa là phải lường đến trường hợp: hôm nay, ở đây đúng nhưng ngày mai, ở đó sai.
+ Một học thuyết không (hay chưa) ai phản bác được chưa chắc đã hẳn đúng. Có rất nhiều sự kiện lịch sử chứng minh, trong đó điển hình là sự "sống bền bỉ" suốt 1500 năm như một chân lý tuyệt đối của thuyết Địa Tâm.
+ Quan niệm sinh tử và cũng là lý do tồn tại của triết học duy vật biện chứng chính là quan niệm vật chất là "thứ" duy nhất thực sự tồn tại và mọi "thứ khác" đều chỉ là phản ánh của vật chất. Ấy vậy mà thật lạ lùng, triết học đó "cho đến nay, nhận thức luận vẫn chưa vượt qua được" (Lênin), nghĩa là vẫn chưa trả lời một cách trực tiếp, rạch ròi được vật chất- thứ mà nhờ nó triết học đó tồn tại- là gì (?). Nếu triết học duy vật biện chứng không có đủ tư cách bác bỏ vật lý dù vật lý chưa thể trả lời được "vật chất tối" là gì, thì nó cũng không có quyền bác bỏ huyền học dù huyền học chưa thể trả lời được "sinh khí" hay "vật chất đặc biệt" là gì.
+ Sự giải thích nói trên về những hiện tượng tâm linh có thể có (nhiều) ý đúng nhưng cũng có thể nói chung là chưa đúng, vì hầu như vẫn chỉ là những kết luận định tính rút ra từ suy lý, giả định "nặng" cảm tính. Biết đâu chừng đó cũng chỉ tương tự bức phác thảo có được về thế giới siêu vi mô bằng quan sát và nhận thức bị giới hạn trong phạm vi vĩ mô? Mặt khác, cách giải thích đó vẫn không thể bác bỏ được quan niệm duy linh vì không những nó bộc lộ mâu thuẫn nội tại mà còn hàm chứa ý niệm duy tâm- thứ mà nó không thể dung hòa được. Một nhà tâm linh vẫn có thể dùng nó làm cơ sở để khẳng định về sự tồn tại của linh hồn!
+ Triết học, nói nôm na là nhận thức định tính về thực tại khách quan, được suy ra theo cách hiểu chủ quan của con người trên cơ sở quan sát và nhận thức đã có, trước những thể hiện từ những hiện tượng xảy ra trong hiện thực. Sự nhận thức thực tại khách quan của loài người là một quá trình phát triển tự nhiên với đầy trắc trở từ thấp đến cao, từ nông-hẹp đến sâu-rộng. Tuân theo tiến trình đó và nhất là bị chi phối, hạn chế bởi sự suy lý định tính chủ quan trên bình diện nhận thức thời đại nên bất cứ một triết thuyết nào xuất hiện trong tiến trình đó đều hàm chứa nguy cơ bất ổn, sai lầm, do đó mà cũng chưa đủ độ tin cậy một khi nó chưa được khoa học xác minh chắc chắn một cách định lượng. Cũng chính vì thế, bắt khoa học  phải nghiên cứu theo "chỉ đạo" của triết học là...ngược đời. Lịch sử cho thấy rằng sự phát triển khoa học đã bị kìm hãm ghê gớm tới mức nào dưới cái ách "chỉ đạo" của triết học kinh viện (thần học), và rằng khoa học đã phát triển mạnh mẽ như thế nào khi được giải phóng khỏi niềm tin đã bị tri thức thời đại áp chế một cách cực đoan, giáo điều.
+ Nếu không đủ tài năng quản lý, loại trừ mê tín dị đoan và triệt phá nạn buôn thần bán thánh, trừng trị đích đáng lũ lừa đảo, thì đơn giản nhất, cứ cấm tiệt tất cả đám hoạt động và nghiên cứu tâm linh là...khỏe re như cấm đốt pháo ngày tết đã từng là niềm hứng khởi tồn tại cả ngàn năm vậy!

3- ĐỌC THÊM CHO VUI:

BÀN VỀ MỘT BÀI CA DAO THỜI MINH MẠNG
ĐÀO ĐỨC NHUẬN
Cái váy của người đàn bà đất Bắc không biết xuất hiện từ bao giờ, nhưng đến khi nhà Minh xâm lăng Việt Nam vào năm 1414, thì ngay sau đó “bọn Hoàng Phúc muốn bắt dân ta đồng hóa với người Tàu, cấm con trai con gái không được cắt tóc, đàn bà con gái phải mặc áo ngắn quần dài theo kiểu người Tàu, nghĩa là không được mặc váy như trước . . .” (ĐLQT, tr.206).
Váy là đồ mặc che nửa thân người phía dưới của người đàn bà xứ Bắc ngày xưa. Nó có hình thức gần giống như cái skirt (Mỹ) hay cái jupe (Pháp) của người phụ nữ Tây phương thường mặc. Và đúng như người bình dân của ta đã mô tả trong một câu đố như sau:
                        Vừa bằng cái thúng mà thủng hai đầu,
                        Bên ta thì có, bên Tàu thì không.
            Đến năm Cảnh Trị thứ 3 (1665) đời vua Lê Huyền Tông (1663-1671), nhà vua lại ra sắc dụ cấm đàn bà con gái mặc quần theo kiểu Tàu mà trở lại mặc váy theo y phục truyền thống của dân tộc.
            Vậy là, sau 250 năm, người đàn bà xứ Bắc lại mặc váy như trước thời kỳ bị quân Minh xâm lược bắt phải đồng hóa theo kiểu ăn mặc của đàn bà Tàu. Đó là tình trạng ở đất Bắc tức từ Thanh Hóa trở ra. Tình trạng ở phía nam đèo Ngang tức từ Quảng Bình trở vào lại khác.
            Số là, vào năm 1558, Nguyễn Hoàng được vua Lê cho vào trấn thủ đất Thuận Hóa rồi sau đó cho kiêm nhiệm trấn thủ đất Quảng Nam. Nguyễn Hoàng lúc đầu còn phải ra vào đất Bắc để phục vụ cho vua Lê, nhưng đến năm 1559 cuối đời vua Lê Thế Tông (1573-1599), Trịnh Tùng xưng vương hiệu là Bình An Vương lập nên phủ Chúa và vua Lê chỉ còn hư vị thì ngay năm sau (1600), Nguyễn Hoàng cũng lo củng cố và xây dựng đất Thuận Hóa rồi sau đó là đất Quảng Nam để đối đầu với chúa Trịnh ở đất Bắc. Đến khi Nguyễn Hoàng mất (1613), con là Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) lên thay, Nguyễn Phúc Nguyên tự bổ nhiệm quan lại để cai trị đất Đàng Trong, không còn nhận quan lại của vua Lê và chúa Trịnh gởi vào nữa. Tuy nhiên, đến đời chúaNguyễn Phúc Trú (1725-1738)  các chúa Nguyễn vẫn chỉ xưng quận công hay quốc công và vẫn tuân theo một số luật lệ và phong tục của đất Bắc. Đến đời  Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765), Khoát mới xưng vương gọi là Võ Vương (1744) đúc ấn quốc vương, định triều nghi và đưa ra một số cải cách để chứng tỏ sự tách biệt hoàn toàn với đất Đường Ngoài, chẳng hạn:
            “Vào khoảng năm 1744 chúa Võ Vương ở phương Nam bắt dân gian cải cách y phục. Theo giáo sĩ Koffler thì chúa bắt bỏ lối quần áo thô bỉ của người đường ngoài, mà châm chước theo lối quần áo của người Tàu. Có lẽ từ bấy giờ, người đàn bà đường trong bắt đầu mặc áo gài khuy và mặc quần, mà không mặc áo thắt vạt và mặc váy như người đường ngoài nữa.” (VNVHSC, tr.173)
            Vậy có thể nói, từ đời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát trở về sau, cách ăn mặc của người Đàng Trong lại giống như cách ăn mặc của người Đàng Ngoài thời kỳ trước khi vua Lê Huyền Tông ra lệnh bỏ lối phục sức theo kiểu nhà Minh, hay nói một cách khác, trong lúc phụ nữ Đàng Trong dưới quyền chúa Nguyễn mặc quần dài 2 ống thì người phụ nữ Đàng Ngoài dưới quyền vua Lê chúa Trịnh lại mặc váy.
Đến khi nhà Nguyễn dựng đế nghiệp (1802),  để thống nhất việc ăn mặc cho cả nước, vua Minh Mạng (1820-1840) đã hai lần ra sắc dụ bắt dân chúng Đàng Ngoài phải thay đổi cách ăn mặc theo người Đàng Trong. Việc cải đổi y phục của vua Minh Mạng đã gặp phải sức kháng cự của người dân Đàng Ngoài bằng hành động bất tuân phục và đặt ra những bài hò vè để chế diễu phản đối.
            Trong tác phẩm Đất Lề Quê Thói, tác giả Nhất Thanh Vũ Văn Khiếu đã viết về vấn đề này như sau:
            “Người xứ Bắc vốn không qui phục nhà Nguyễn . . . lại gặp phải chính sự hà khắc cấm đoán cả về y phục, trái với lẽ thường, dân mất váy lần này có câu ca rằng:
Tháng chín có chiếu vua ra:
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng.
Không đi thì chợ không đông,
Mà đi thì lột quần chồng sao đang.
Có quần ra quán bán hàng,
Không quần đứng nấp đầu làng trông quan ”
            (Đất Lề Quê Thói,  tr. 207-208)
(Trích từ e-cadao.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét