Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013

HẾT HỒN

 (Xây quá là thành...phá!)

 Chớm ra thoát xác đói nghèo
Vội mơ lốt mới, cắm đầu mà xây
Xây nhà, non bộ, bon sai
Xây sau, xây trước, xây vây hàng tường
Xây đường sá, xây phố phường
Xây đài, xây tháp, xây mương, xây cầu...

Xây choáng rộng, xây ngất cao
Thi đua đồ sộ, nháo nhào bê tông
Xây bạt núi, xây nghẽn sông
Búa xua lấn khắp ruộng đồng nước non...

Ngàn năm di tích có còn?
Trăm năm đã thấy hết hồn nhà quê!
Đám quèn ngỏng cổ ủ ê
Bạc vô, mẹ kiếp, đầy phè cò, quan!

                                                       Trần Hạnh Thu

                  COI CHỪNG,THÁI QUÁ
 
                        THÌ...BẤT CẬP !


____________________


ĐỒ NGU XUẨN

 Thằng Nam khuyên thằng Đông:
"Tao nói cho mày nghe này, nhóc "Trưởng họ" à:
-Nhớ nằm lòng nhé, dòng họ mày hiền lành mà trực tính, thuần phác nhưng bất khuất!
-Đừng vì tham lam mà "mượn" trò "qui hoạch" để trục lợi, nhẫn tâm vơ vét cho riêng mày mà rồi dòng họ biết được, điên tiết lên là mày mất cả chì lẫn chài, bị nguyền rủa đời đời đấy nhé!
-Đừng nhắm mắt nghe lời dụ khị, cắm đầu bắt chước, hùng hục chạy theo thằng Tây mà bôi bác, phá phách truyền thống gia phong nhé! Tỉnh táo chọn học cái khôn, miếng ngon của nó thôi, chứ nó cũng có ối cái dại, miếng dở ẹc! Hơn nữa, luôn phải nhớ rằng nó là Tây, quen ăn thịt, còn mày là Đông, quen ăn rau!
-Cố mà bảo toàn "cây đa, giếng nước, câu hò" của nhà mày nhé! Non xanh nước biếc nhà mày đẹp và linh lắm, đừng để bị văn hóa "hậu hiện đại" xâm hại, làm xấu xí, mất linh đi là khốn nạn lắm đấy! 
-Cố giữ gìn đất đai trồng trọt mà tổ tiên ông bà mày để lại nhé, đừng đổ bê tông vào "đô thị hóa" nó, kẻo không những nhãn tiền làm đổ đốn con cháu của mày, gây ra bất hòa trong anh em nhà mày, mà còn làm cho mai sau hậu duệ nhà mày chết đói cả nút đấy!
-Tao nhắc nhở mày thế, hiểu không?
-Không hiểu à? Đồ ngu xuẩn!"

Thằng Đông đi kể lại cho thằng Tây, rồi hỏi:
"Tao có ngu xuẩn không?"
Thằng Tây vừa dúi vào tay thằng Đông tờ 10 đôla vừa đáp tỉnh bơ:
"No! Đông number one, Nam number ten!"
Thằng Đông cúi xuống nhìn tờ đôla, gật gù ra chiều đã hiểu...

                                                                                            ĐC
________________________

(Chép lại từ "Đại học Quốc Gia Hà Nội - Trung tâm Nghiên cứu đô thị")

Đô thị hóa nông thôn & sự chuyển dịch cơ 

cấu kinh tế






Đô thị hóa với bức tranh khang trang, sạch đẹp là điều ai cũng nhìn thấy và không thể phủ nhận, đặc biệt là tại các vùng nông thôn. Tuy nhiên, đằng sau bức tranh đẹp ấy dường như đang tồn tại nhiều nét lỗi, như những làn sóng ngầm sau bức tranh quê yên ả. Đâu đó, người dân vẫn còn loay hoay với ngôi nhà, thửa ruộng, với việc sẽ làm gì tiếp theo khi đất canh tác không còn nữa... Sự thay đổi về lối sống đã thấy rõ, còn sự chuyển dịch về cơ cấu kinh tế và phương thức sản xuất dường như vẫn là bài toán còn nhiều vướng mắc !  
NÔNG THÔN VÀ LÀN SÓNG ĐÔ THỊ HÓA 
Nông thôn Việt đang được nhìn nhận ở hai khía cạnh. Một bên là hình ảnh đặc trưng của làng quê Bắc Bộ xưa với cây đa, bến nước, mái đình, làng quê khép kín sau rặng tre xanh; Miền Nam là những rặng dừa trải dài xanh mát. Ở một khía cạnh khác, hình ảnh làng quê hiện tại dù Bắc hay Nam cũng đều rất quen, quen đến độ tất yếu, đó là những dãy nhà lô, nhà ống đều san sát theo nhau, những đường làng ngõ xóm bê tông sạch đẹp. Có người nói, nhà chia lô là sản phẩm tất yếu của quá trình đô thị hóa, cũng có người cho rằng, đó là hệ quả của quá trình phát triển tự phát và thiếu định hướng. Thế nhưng, cho dù đó có là xu hướng, là hệ quả thì cuối cùng vẫn là một bức tranh quê đang vẽ lại, sạch đẹp nhưng thiếu vắng linh hồn. 
Nhà ở nông thôn có lẽ là cái nhìn dễ thấy nhất minh chứng cho tốc độ lan rộng của quá trình đô thị hóa. Nhiều nhà cổ, làng cổ vài trăm năm tuổi lần lượt "rủ nhau" xóa tên khỏi danh sách bảo tồn. Đừng nói chỉ thành phố mới ngổn ngang xây dựng, nông thôn cũng không khác gì đại công trường. Tất nhiên, điều này đáng mừng bởi nó cho thấy đời sống vật chất của người dân đang được cải thiện. Cái được nhiều, nhưng cái mất cũng là không nhỏ. Không còn cây đa, bến nước, giờ thay vào đó là những cửa hàng san sát, dịch vụ vui chơi giải trí, quán bia, quán nhậu hay ghi lô đề... Người dân đang giàu lên, nhưng không phải hoàn toàn từ nông nghiệp, mà phần nhiều từ đất nông nghiệp bị thu hồi. 

Theo thống kê, trong 5 năm, từ 2001 - 2005, tổng diện tích đất nông nghiệp đã bị thu hồi để xây dựng các khu công nghiệp, đô thị và kết cấu hạ tầng là 366,44 nghìn ha (chiếm 3,89% đất nông nghiệp đang sử dụng). Các vùng kinh tế trọng điểm là khu vực có diện tích đất nông nghiệp thu hồi lớn nhất, chiếm khoảng 50% diện tích đất thu hồi trên toàn quốc. Nói như GS Nguyễn Lân Dũng: “Rất đáng buồn là toàn những ruộng nhất đẳng điền, toàn những bờ xôi ruộng mật bị lấy đi để xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất, sân golf hoặc xây các khu nhà để kinh doanh. Vậy mà ngay các KCN được cấp giấy phép từ lâu nhưng ruộng đất vẫn bị bỏ không một cách vô cùng lãng phí”. Người dân có tiền, nhà xe đầy đủ nhưng không việc làm ổn định, sinh ra tệ nạn, phải ra thành phố kiếm sống...
Nông thôn mới với chương trình lớn của Chính phủ đang được triển khai, bước đầu mang nhiều dấu ấn tích cực. 19 tiêu chí khung với sự sửa đổi, bổ sung sau 3 năm thực hiện đang dần được các địa phương áp dụng. Cái khó nhất, có lẽ vẫn là việc cho ra đời một bản quy hoạch nông thôn mới đồng bộ và phù hợp. Trong đó, việc xác định cơ cấu kinh tế, phương thức sản xuất và sự chuyển dịch trong tương lai cho mỗi làng, xã là điều quan trọng nhất, đánh dấu sự thành bại trong việc xây dựng nông thôn mới. 
CƠ CẤU KINH TẾ NÔNG THÔN CHUYỂN DỊCH THEO HƯỚNG NÀO? 
Theo dự tính, đến năm 2020 Việt Nam về cơ bản trở thành một nước công nghiệp, phát triển theo hướng hiện đại. Nhưng với thực tế phát triển nông thôn hiện nay quả là rất khó. Nếu vẫn quyết tâm thực hiện thì ngay từ lúc này chúng ta phải có những quyết sách thật đúng đắn, thực hiện một cách mạnh mẽ, quyết liệt. Việc sử dụng đất nông nghiệp như thế nào, vào mục đích gì là bài toán cần được cân nhắc kỹ vì trong vấn đề này, chỉ cần “sai một ly” cũng có thể “đi một dặm”. Việt Nam là một nước nông nghiệp lấy sản xuất lúa nước làm chính. Có tới 69,4% cư dân đang sống ở nông thôn (2011). Trong thu nhập quốc nội (GDP 2011) thì nông lâm thủy sản còn tới 22,02%. "Hồn" Việt chính vẫn là nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Tuy nhiên, cái "hồn" đó đang ngày càng mờ nhạt mà tiêu điểm là vấn đề sử dụng đất đai và thiếu định hướng cho một sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp.
Với các làng ven đô, cơ cấu kinh tế được định hình vào việc phát triển theo các nhu cầu của đô thị. Hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp đang là bài toán khó để duy trì được tính ổn định của quá trình chuyển đổi nghề nghiệp. Một mét vuông ở vùng thuần nông có thể chỉ tạo ra một đồng, nhưng ở vùng ven đô, nhất là ven Hà Nội thì phải tạo ra gấp nhiều lần mới thu hút được người dân tham gia. Khi việc trồng lúa, trồng màu không mang lại thu nhập bằng việc vào thành phố làm thêm thì đương nhiên, họ sẽ không ngần ngại mà bán lại cho các dự án công nghiệp, khu đô thị mới. Những mô hình hoạt động phi nông nghiệp, dịch vụ mới mang tính tự phát hình thành. Các làng nghề ngổn ngang, môi trường ô nhiễm, các hàng quán bám theo đường làng đến những tụ điểm mang tính tiêu cực xã hội. Điều này cho thấy kinh tế phi nông nghiệp mới đang trên con đường hình thành, chưa ổn định vững chắc và tiềm ẩn nhiều thách thức. 
Trên thế giới, rất nhiều nước đã cho ra đời khá thành công mô hình nông thôn mới. Trong đó phải kể đến mô hình “mỗi làng một nghề” của Nhật Bản, mô hình làng nông nghiệp ở Israel (Ki bút và Mô sáp) hay tại Đài Loan, Philippin, Hà Lan. Các mô hình này diện tích đất nông nghiệp tuy không nhiều, nhân công ít nhưng sản phẩm tạo ra lại dư thừa nhu cầu trong nước và mang lại giá trị xuất khẩu cao. Họ làm được, chúng ta cũng không ngoại trừ khả năng. Tuy nhiên, việc áp dụng những mô hình đó vào nước ta lại là vấn đề cần nghiên cứu kỹ.
Về lý thuyết, các nghiên cứu về Desakota (nông thôn - thành phố) cho khu vực châu Á (Từ các nghiên cứu làng ở Indonesia, McGee 1991) đã được nhiều nhà nghiên cứu phát triển khá sâu rộng rất đáng để chúng ta học tập. Các làng đô thị được nhìn nhận hữu cơ hơn với đô thị, nông thôn không tách rời sự phát triển của đô thị trên cả khía cạnh kinh tế, môi trường sinh thái, hạ tầng và đời sống xã hội. Điều này không phải không được nhận thấy ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong thực tế các quy hoạch phát triển đô thị, kiểm soát, quy định các vấn đề nông thôn chưa được nhìn nhận song hành với vấn đề đô thị. 
Làng nghề cũng là một mô hình cần được đẩy mạnh theo hướng đầu tư chuyên nghiệp và bền vững. Theo báo cáo của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, hiện nay cả nước có 3.355 làng nghề và làng có nghề. Trong đó có hơn 1.600 làng nghề được công nhận, gần 400 làng nghề truyền thống và hàng trăm nghệ nhân được phong tặng danh hiệu với 53 nhóm nghề. Cả nước ước tính có khoảng 200 loại sản phẩm thủ công khác nhau, trong đó có rất nhiều sản phẩm có lịch sử phát triển hàng trăm, hàng nghìn năm: Tơ lụa Vạn Phúc, the lụa La Khê; kim hoàn Châu Khê; đồng Ðịnh Công, Ðồng Xâm, Ý Yên, Ðại Bái; gốm Bát Tràng, Chu Ðậu; gỗ Ðồng Kỵ, thêu Quất Ðộng, thổ cẩm Mai Châu, dừa Bến Tre... Ðời sống của người dân nơi có làng nghề thường cao hơn từ 3 đến 5 lần so với các làng nghề thuần nông. Các làng nghề thu hút khoảng 12 triệu lao động, tạo việc làm cho hàng triệu lao động phụ lúc nông nhàn. Những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu ở các làng nghề đã đạt hơn một tỷ USD/ năm. Đây là một thuận lợi lớn để chúng ta tập trung cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng này. 
Từ các mô hình kinh tế mới, trang trại, làng sinh thái hay làng nghề, làng nông nghiệp công nghệ cao... các chức năng mới sẽ xuất hiện trong cấu trúc làng xã như các khu vực sản xuất tập trung, khu thí nghiệm, khu dịch vụ quảng bá sản phẩm, giao dịch, nhà ở mới và hệ thống hạ tầng giao thông mới tương ứng. Các chức năng mới này cùng với các khu vực hiện có của làng xã được nâng cấp tạo thành một mô hình cư trú mới. Điều khác biệt là tạo được sức sống thực sự cho các làng xã và cả sự chủ động trong đầu tư phát triển. 
Với vùng thuần nông, việc dồn điền, đổi thửa để canh tác trên diện tích lớn, phù hợp với máy móc hiện đại là điều cần thiết. Việc lập các trang trại canh tác, định hướng trồng cây gì, nuôi con gì cần thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp tư nhân, chính sách hỗ trợ của Nhà nước nhằm tạo thuận lợi cho đầu vào, đầu ra của sản phẩm. Các hội nghề nghiệp, hợp tác xã phát huy vai trò, thế mạnh của mình. Với mô hình nông thôn mới, nhiều làng xã đã tìm được hướng đi trong đó có việc kết hợp lãnh đạo xã và người dân, thành lập những hợp tác xã trồng rau sạch hoặc trồng hoa... mang lại những tín hiệu tích cực cho người dân.
Ngoài ra, có một nhóm đối tượng nữa, đó là những lao động làm việc song song cả ở vùng quê, cả ở thành thị. Ở Trung Quốc, người ta gọi những người nông dân ra thành thị, khu công nghiệp làm việc là tầng lớp “nông dân công”. Việt Nam chưa có thống kê cụ thể, nhưng chắc chắn cũng là một con số không nhỏ. Tầng lớp nông dân công này chịu rất nhiều rủi ro và ngày càng gia tăng. Nếu chúng ta không có chính sách an sinh xã hội tốt thì đây sẽ là vấn đề nan giải. Ai cũng muốn làm giàu trên mảnh đất quê hương cha ông để lại, nhưng để có được mong muốn đó không chỉ là sự nỗ lực của chính mỗi người dân mà quan trọng hơn, đó là việc xác định khả năng, thế mạnh và các bước đi cụ thể, phù hợp cho từng địa phương trong tiến trình hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế.
ThS.KTS Nguyễn Phúc Đức 
Nguồn: KTVN
___________________

ĐOẠN KẾT: 

Công ty TNHH Đông-Tây được thành lập trên cơ sở thằng Đông góp đất, thằng Tây góp tiền. Một khu liên hiệp sản xuất thuốc lá  to "khủng hoảng" mọc lên sừng sững trên đất cả dòng họ nhà thằng Đông. Từ đó thằng Đông thành "đại gia". Không biết có phải vì tình xưa nghĩa cũ hay không mà lâu lâu nó lại rủ thằng Nam (vẫn là nông dân quèn) đi nhậu. Trong những lần nhậu đó, thường thằng Đông oang oang đủ chuyện, còn thằng Nam dương mắt ngồi nghe, miệng uống bia của thằng Đông mà trong sâu thẳm đáy lòng buồn rười rượi... 
ĐC 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét