Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

BÀI VIẾT HAY 34

(ĐC chép từ VnExpress)

NSND Trung Kiên: 'Tình cảm cha con với Thanh Lam vẫn tốt'

Giữa tiếng nước chảy từ hòn non bộ đặt trong sân vườn, cùng tiếng réo rắt từ cây đàn piano của cháu, vị nghệ sĩ lão thành cởi mở chia sẻ câu chuyện về âm nhạc và cuộc sống gia đình.
- Ở tuổi 74, ông vẫn miệt mài truyền dạy kiến thức cho thế hệ trẻ. Khi nào thì ông định nghỉ ngơi thực sự?
- Tôi bây giờ còn bận hơn cả trước khi về hưu. Một tuần, tôi dạy ở Học viện Âm nhạc Quốc gia ba ngày, đi từ sáng tới tối mịt, ba ngày tôi dành thời gian viết sách. Ngoài ra tôi còn làm cố vấn cho Trung tâm âm nhạc Serenade. Tôi làm không phải vì tiền, với việc dạy học, số tiền nhà nước trả cho tôi không đủ đi xe, mỗi giờ được 65 nghìn đồng. Với việc làm cố vấn, tôi hướng dẫn định hướng phát triển cho trung tâm mà không lấy một đồng nào. Tôi chỉ có ngày nghỉ ngơi duy nhất là thứ bảy, dành cho việc đi câu. Vợ tôi (giáo sư Trần Thu Hà) còn đi dạy ở Học viện từ thứ hai đến tận thứ bảy.
Khi tôi còn làm quản lý, có người hỏi tôi, sau này nghỉ hưu sẽ làm gì? Tôi bảo, tôi trở lại nguyên hình một nhà giáo. Đó là điều tôi xác định từ khi còn đương chức. Mình được nhà nước đầu tư cho đi học, sau cho làm quản lý, giờ về hưu được tiếp tục cống hiến là điều hạnh phúc. Tôi cho rằng, làm việc là cách tốt nhất để giữ đầu óc minh mẫn và cơ thể khỏe mạnh.
k1-1491-1382675806.jpg
Nghệ sĩ Nhân dân Trung Kiên đến mừng cô học trò là Sao Mai Bích Hồng ra đĩa.
- Không chỉ thế, ông còn tham gia một số chương trình âm nhạc lớn và luôn đòi hát live. Nhiều nghệ sĩ tuổi ông thường chọn cách lipsync để giữ hình ảnh trong lòng khán giả, sao ông không làm thế?
- Tôi không bao giờ hát nhép. Nếu không hát được nữa thì thôi chứ cố để làm gì. Bạn nói nhiều người già hát nhép để giữ hình ảnh, tôi thì cho rằng, để kiếm tiền thôi. Không hát được nữa thì về mở cửa hiệu buôn bán, cắt tóc, ai lại hát nhép, xấu hổ lắm. Tôi biết có một nghệ sĩ nhân dân nhiều năm nay có hát thật được đâu.
Với tôi, hàng ngày dạy học sinh cũng là cách luyện tập gián tiếp. Tôi nhận lời hát vì tình cảm chứ không phải vì mấy triệu đồng. Hôm nọ tôi hát cho chương trình Dương Thụ được trả 5 triệu, trong khi đó Trọng Tấn chạy show hét 30 - 40 triệu. Không phải mình chê tiền nhưng cái gì cũng nên có mức độ của nó.
- Ông nghĩ sao về sự chênh lệch quá lớn giữa cát-xê ca sĩ trẻ hát nhạc nhẹ và nghệ sĩ theo dòng nhạc cổ điển?
- Cái đó miễn bàn, nó do sự quy định của thị trường, nếu không có bàn tay của nhà nước thì không bao giờ thay đổi được. Ở các nước, những ca sĩ dòng nghệ thuật cao cấp có chế độ đãi ngộ rất cao còn ca sĩ nhạc nhẹ cát-xê cao nhưng bị đánh thuế đến một nửa. Năm 1997 tôi đi Anh thấy doanh thu từ quỹ xổ số của nhà nước mỗi năm được tầm mấy trăm triệu bảng, được phân bố cho bảo tàng, kịch, opera... Ở Việt Nam không có thuế thu nhập bất bình đẳng, ca sĩ nhạc nhẹ cũng chỉ chịu thuế 10% như người thường, thậm chí có người còn khai man để trốn thuế. Thành ra có những người, chỉ nhờ một bài hát mà có thể xây nhà, mua ôtô. Thôi thì người ta làm gì kệ người ta, mình cũng chẳng phiền lòng. Ở tuổi này, tôi chỉ nghĩ tới việc làm sao để dạy học trò cho tốt còn khi ra đời, họ phải tự phấn đấu thôi.
- Ở trường nghiêm khắc, còn khi ở nhà, ông dạy các cháu mình ra sao?
- Thiện Thanh và Đăng Quang ở với Quốc Trung nhưng thực tế, thằng bé Đăng Quang hầu như ở với ông bà vì nó học suốt ngày. Thằng bé chăm chỉ lắm, không như chị gái - ông dạy thanh nhạc cho mà rất lười. Tôi và bà Hà không như nhiều người, ra đường khen cháu lên mây dù thực tế cháu ở nhà thì hư. Tôi rất chiều, rất yêu cháu nhưng nghiêm khắc lắm. Không nghiêm là hỏng, trẻ con bây giờ nhiều thứ cám dỗ, không như thế hệ chúng tôi ngày xưa.
- Với sự chăm chỉ của Đăng Quang và sự hướng dẫn tận tình của giáo sư Trần Thu Hà, ông có hy vọng cậu bé sẽ là một Đặng Thái Sơn trong tương lai?
- Hoàn toàn không. Đặng Thái Sơn là em vợ tôi, một hiện tượng mà không biết bao nhiêu năm nữa Việt Nam mới có. Đặng Thái Sơn là đứa thông minh, chăm chỉ, được học trong môi trường nghệ thuật từ bé, lớn lên ra nước ngoài học tập và phát triển sự nghiệp. Nếu Đặng Thái Sơn ở Việt Nam thì cũng “chết” từ lâu rồi. Môi trường âm nhạc Việt Nam không thuận lợi cho âm nhạc cổ điển phát triển. Mỗi lần về, Sơn dạy Đăng Quang rất cẩn thận. Thằng bé cũng khá nhưng để thành Đặng Thái Sơn thì không mơ. Với Đăng Quang, sau khi tốt nghiệp hệ Đại học về piano chúng tôi hướng nó sang một nghề khác, cũng về âm nhạc.
- Đó là con đường trở thành nhà sản xuất âm nhạc như bố Quốc Trung?
- Nhà sản xuất âm nhạc thì lại làm nhạc nhẹ, tôi không thích, mà cháu tôi cũng không có năng khiếu ấy. Nghề sản xuất âm nhạc có người làm tốt nhưng cũng phải nói hơi bạo mồm rằng trong đó có 30% là bịp bợm. Tôi từng làm quản lý ở Cục Nghệ thuật Biểu diễn, tôi biết hết. Quốc Trung là loại làm được, nổi tiếng. Với con trai, tôi tôn trọng những điều nó làm. Tôi không hiểu lắm nên không dám góp ý.
- Sắp tới, ông sẽ tham gia đêm nhạc của Thanh Lam vào 30/11. Ông vẫn dành nhiều ưu ái cho con dâu cũ?
- Lam cứ mời mãi nên tôi nhận lời. Ly hôn là chuyện của Lam và Trung, còn việc tình cảm cha con của tôi và Lam vẫn tốt vì Lam cũng là một nghệ sĩ chân chính, một người tử tế, nhất là khi con Lam lại đang ở với tôi. Lam đến đây luôn với con. Nhưng bà Hà cũng nghiêm khắc lắm, phải có ngày có giờ mới cho cháu đi chơi cùng mẹ chứ không phải lúc nào Lam muốn lôi con đi là đi được.
- Ông và Giáo sư Thu Hà đều là những tên tuổi lớn của âm nhạc Việt Nam. Hai người gìn giữ quan hệ trong gia đình cũng như trong nghệ thuật ra sao?
- Tôi và bà Hà chưa bao giờ mâu thuẫn lớn. Chúng tôi cùng tham gia một hướng âm nhạc cổ điển, đôi lúc có thể không thống nhất trong quan điểm nhỏ về một vấn đề của âm nhạc, đó là điều không tránh được. Khi nghĩ ra đề cương cho một tiến sĩ nào tôi đều hỏi ý kiến vợ. Ngồi trên ôtô tôi tranh thủ tranh luận với bà ấy. Chúng tôi giúp đỡ, hỗ trợ nhau như thế. Phải ngưỡng mộ mới lấy nhau chứ, nhưng ngưỡng mộ không có nghĩa là mù quáng, cho vợ mình là nhất.
Ngọc Trần thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét