Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

CÂU CHUYỆN LỊCH SỬ 26

(ĐC sưu tầm trên NET)

Phóng viên Mỹ bật khóc khi nói về quốc tang Đại tướng

nguyenIMG-1865-2-5056-1381896308.jpg

Gần 20 năm trước, Catherine Karnow được theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên Điện Biên chụp ảnh những cựu chiến binh tưng bừng đón ông. Nay, cô bay nửa vòng trái đất đến Hà Nội, chứng kiến hàng triệu người nghẹn ngào tiễn biệt "anh Văn". 

karnow-5-JPG.jpg
Catherine Karnow trân trọng nâng bức ảnh cô chụp Tướng Giáp năm 1990. Bức ảnh này được nhiều người dân Hà Nội và Quảng Bình in và cầm theo khi đi viếng ông. Ảnh: Trọng Giáp
Bất ngờ nhận tin Tướng Giáp từ trần khi đang chuẩn bị làm lễ tưởng nhớ người cha quá cố, Catherine Karnow không khỏi hụt hẫng, dù biết ngày này rồi cũng sẽ tới. Không chần chừ, nhà báo ảnh của National Geographic tức tốc mua vé máy bay đến Việt Nam vào phút chót.
"Đây là lúc gây cho tôi nhiều nỗi xúc động, khi tất cả dồn vào cùng một thời điểm. Lịch sử mối thân tình giữa tôi và gia đình Tướng Giáp bắt đầu từ cha tôi. Tôi cảm thấy như người trong cuộc khi trải qua cảm giác mất mát của gia đình ông và đất nước, không chỉ vì tình bạn của tôi với họ, mà còn vì tôi cũng vừa mất đi cha mình. Và vì tôi ước cha tôi nghe được chuyện này, ước được chia sẻ cùng cha", cô nói, nước mắt chảy lã chã xuống cằm.
Audio: Catherine nghẹn ngào khi nhớ lại khoảnh khắc biết tin Tướng Giáp mất
Katherine Karnow, nhà báo ảnh của National Geographic, từng là người nước ngoài duy nhất được chụp ảnh Đại tướng lên Điện Biên năm 1994, nhờ sự giới thiệu của cha cô, Stanley Karnow.
Ông Karnow là nhà báo Mỹ viết cuốn sách được xem là tác phẩm toàn diện nhất về chiến tranh Việt Nam, mang tên "Vietnam: A History" (Tạm dịch: Việt Nam: Một lịch sử). Tác phẩm của ông được chuyển thể thành phim tài liệu, và ông từng giành giải Pulitzer. Ông qua đời hồi tháng 1/2013 ở tuổi 87.
Trên chuyến bay về Hà Nội, Catherine thầm nhủ sẽ phải chụp ảnh lễ tang của Đại tướng, không phải để đưa tin, mà vì tâm niệm thôi thúc. Cô muốn được chia sẻ sự mất mát với tư cách một người bạn của gia đình Đại tướng.
Khi chứng kiến đám đông khổng lồ chờ viếng Đại tướng trước nhà tang lễ, cô thốt lên: "Không thể tìm được từ nào để miêu tả. Tôi quá bất ngờ khi thấy hàng nghìn, hàng nghìn người xếp hàng xa ngút tầm mắt".
Từ sáng sớm đến đêm 12/10, một lượng người kỷ lục trong nhiều thập kỷ xếp hàng dọc các con phố Trần Thánh Tông, Pasteur, Hàn Thuyên, Phạm Đình Hổ, Hàng Chuối, Lê Quý Đôn... chờ viếng đám tang "vị tướng vĩ đại của lịch sử Việt Nam". Họ đến từ khắp các địa phương ở miền Bắc, không phân biệt già, trẻ, gái, trai, tầng lớp. 
"Điều đó cho thấy người Việt yêu đất nước của mình đến mức nào, tự hào vì quê hương của mình đến đâu. Điều đó củng cố tinh thần: 'Đây là đất nước của chúng ta. Chúng ta giành độc lập từ tất cả các nước Trung Quốc, Pháp, Mỹ, với một lịch sử chống ngoại xâm lâu dài'. Sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm sống dậy tất cả những cảm xúc đó trong lòng mọi người", Catherine chia sẻ. Đoạn, cô xin lỗi vì không kiềm chế được cảm xúc. 
vo-nguyen-giap-karnow.jpg
Một bức ảnh đẹp về Tướng Giáp do Catherine Karnow chụp trong căn nhà số 30 Hoàng Diệu, Hà Nội. Cô đã rất vất vả để tìm được vị trí chụp ảnh chân dung ưng ý, nhưng cuối cùng cũng tìm thấy một nguồn sáng từ cửa sổ chiếu xuống cầu thang. Dựa trên cách ví von của người Pháp, so sánh ông với "ngọn núi lửa phủ tuyết", Catherine chọn vị trí ánh sáng chiếu vào mái đầu bạc và đôi mắt vị tướng. Ảnh: Catherine Karnow
Đến Việt Nam nhiều lần trong suốt hơn hai chục năm, nữ nhiếp ảnh gia cảm thấy vài năm gần đây, có những thái độ khác nhau trong tầng lớp thanh niên Việt. Cô tin rằng có khoảng 60 triệu người sinh ra sau chiến tranh, với những mối quan tâm khác như cơm áo gạo tiền, gia đình, sự nghiệp. Trong khi đó, 30 triệu người còn lại sinh ra trước chiến tranh là một nhóm người khác. Bởi vậy, cô hạnh phúc khi thấy trong sự kiện Tướng Giáp mất, tất cả mọi người đoàn kết lại.
"Đất nước bạn cần điều này. Thế hệ trẻ cần phải cảm thấy một phần của lịch sử chứ không chỉ những khoảnh khắc hiện tại. Những bộ phim tài liệu, những câu chuyện bất tận về Đại tướng, về Điện Biên Phủ chưa đủ. Đây là lúc những người trẻ trải nghiệm để hiểu chính lịch sử của họ", cô nói.


Theo đoàn gia quyến Đại tướng về Quảng Bình, Catherine gặp không ít khó khăn khi tác nghiệp, bởi cô không ngờ dòng người đổ ra đường đón ông về quê đông đến vậy, và cũng không hiểu các thủ tục tang lễ Việt Nam. Nhưng điều bất ngờ nhất đối với cô có lẽ là khi trông thấy vô số người cầm những bức chân dung Tướng Giáp do chính cô từng chụp. "Catherine! Chị có thấy rất rất nhiều người cầm bức ảnh chị chụp không?", một thành viên gia đình Tướng Giáp hỏi.
"Quả vậy, thật không tưởng đối với tôi, nhất là khi đây là vùng nông thôn", Catherine nói với vẻ tự hào. Tuy nhiên, cô cũng khiêm tốn cho rằng có hàng trăm bức ảnh đẹp về Tướng Giáp, có thể chỉ đơn giản vì bức của cô là tấm duy nhất người dân tiếp cận được. 
catherine-dai-tuong.jpg
Đoàn tiêu binh đưa linh cữu Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng ở Quảng Bình. Ảnh: Catherine Karnow
Sau một tuần trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, con gái nhà báo Stanley Karnow hôm nay lên máy bay trở về Mỹ, với hành lý là 16 chiếc thẻ nhớ, chứa tổng cộng khoảng 5.000 bức ảnh.
Nữ nhiếp ảnh gia dự định in một số bức gửi gia đình Đại Tướng, và đưa chúng vào cuốn sách ảnh về Việt Nam mà cô ấp ủ từ rất lâu. Cô kể lại rằng vào ngày 29/1, từ thành phố Hồ Chí Minh, cô gọi điện thoại về Mỹ để hỏi thăm cha, nói rằng cô muốn ông viết lời giới thiệu cho cuốn sách ảnh của mình. 
"Cha sẽ làm tất cả những gì con muốn", Stanley Karnow nói. Ông qua đời trong giấc ngủ vài giờ sau đó. 
"Tôi ước chúng tôi đã hoàn thành lời giới thiệu cho cuốn sách", giọng Catherine chùng xuống lẫn vào tiếng nhạc đang văng vẳng trong quán cafe bên Nhà hát Lớn. Hà Nội đang trải qua những ngày cuối thu, lá vàng rợp bay trong gió. 
Trọng Giáp
                                                                                                                                                (VnExpress)


Sử gia Mỹ và cuộc phỏng vấn Tướng Giáp năm 1990

Đại tướng nói 'Hãy nhớ rằng, tôi là một vị tướng chiến đấu cho hòa bình. Tôi muốn hòa bình, nhưng không phải hòa bình bằng bất cứ giá nào'. Nói rồi ông bước đi nhanh, để lại tôi trầm ngâm với những nghĩa trang và tượng đài", sử gia Mỹ Stanley Karnow viết.


Nhà báo Mỹ kiêm sử gia về chiến tranh Việt Nam, Stanley Karnow. Ảnh: formiche
Nhà báo Mỹ kiêm sử gia về chiến tranh Việt Nam, Stanley Karnow. Ảnh: Formiche
Stanley Karnow là một nhà báo Mỹ kiêm sử gia về chiến tranh Việt Nam. Ông là tác giả của cuốn sách "Vietnam: A History", được đài PBS dựng thành phim và giành được 6 giải Emmy. Ông cũng từng đạt giải thưởng Pulitzer. 
Năm 1990, ông có cuộc phỏng vấn với Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng ở Hà Nội. Dưới đây là trích lược bài viết của ông đăng trên tờ New York Times ngày 24/6 năm đó.
Chúng tôi gặp nhau tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, một biệt thự Pháp khang trang nằm giữa một khu vườn rộng, được tô điểm với sắc hoa râm bụt và hoa giấy. Đây là nơi các quan chức cấp cao Việt Nam tiếp đón quan khách.
Một người đàn ông với nước da hồng hào, mái tóc bạc trắng và dáng đi nhanh nhẹn bước ra. Ông mặc bộ quân phục màu xanh ôliu giản dị. 4 ngôi sao trên cổ áo là dấu hiệu duy nhất cho biết cấp bậc của ông.
Mỉm cười rất tươi, ông bắt tay tôi. Rồi sau đó, trước sự ngạc nhiên của tôi, ông chạm vào hai má tôi theo cách chào truyền thống của Pháp.
Dù bề ngoài mang đậm nét châu Á, phong thái ấy vẫn khiến ông giống như một người Pháp có tuổi lịch thiệp. Nhưng không, ông là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tổng tư lệnh của quân đội Cộng sản Việt Nam, một trong những vị tướng tài nhất lịch sử thế giới.
Là một nhà chiến lược táo bạo, một tư duy logic tài năng và một nhà tổ chức không biết mệt mỏi, Tướng Giáp đã chiến đấu suốt hơn 30 năm, biến một đội quân du kích áo vải ít ỏi thành một trong những quân đội hiệu quả nhất của thế giới.
Ông đã vượt lên mọi khó khăn để vượt lên đè bẹp quân đội Pháp. Tuy nhiên, thành tựu kỳ diệu hơn cả của ông là đập tan lực lượng Mỹ áp đảo, trở thành người duy nhất đánh bại cường quốc này trong lịch sử.
Tôi đã theo dõi hai cuộc chiến tranh này gián tiếp từ Paris và sau đó trở thành một phóng viên ở Việt Nam. Những nghiên cứu tiếp theo của tôi cho một cuốn sách đã giúp tôi gặp được các quân nhân cấp cao từ hai phe. Nhưng Tướng Giáp là người duy nhất, vừa là nhà hoạch định chính sách, vừa là chỉ huy trên chiến trường. Tôi đã nghiên cứu sự nghiệp của ông và tìm cách gặp ông trong một chuyến đi trước đó đến Hà Nội. Tuy nhiên, chỉ trong lần quay lại gần đây, ông mới dành cho tôi một buổi phỏng vấn.
Người Pháp từng gọi Tướng Giáp là "ngọn núi lửa phủ tuyết", bởi nhiệt huyết ẩn giấu đằng sau vẻ bề ngoài lạnh lùng của ông. Bây giờ, khi đã bước vào độ tuổi 80, ở ông vẫn toát ra thứ sức mạnh trí tuệ và quyết tâm mãnh liệt đã đưa ông đến chiến thắng năm nào, và khiến ông trở thành một huyền thoại. 
Tướng Giáp thành công nhờ tài năng thiên bẩm, chứ chưa hề trải qua bất kỳ trường lớp quân sự nào. Đúng như ông mỉm cười nói với tôi: "Tôi là một vị tướng tự học".
Cuộc gặp tại 30 Hoàng Diệu
Một ngày sau cuộc gặp đầu tiên, tôi lái xe đến nhà riêng của ông, một ngôi nhà Pháp khá đẹp. Phòng khách trưng bày nhiều vật trang trí bằng các thứ tiếng khác nhau cùng các bức tượng bán thân và chân dung của Karl Marx, Lenin và Hồ Chí Minh, vị lãnh đạo tôn kính của Việt Nam hiện đại. 
Vợ của Tướng Giáp, một người phụ nữ vui tính, mang ra bàn một đĩa trái cây, khi ông tự hào giới thiệu về cô con cả, một nhà vật lý hạt nhân nổi tiếng, và ôm một đứa cháu vào lòng.
Ông nói tiếng Pháp rất trôi chảy và nhẹ nhàng, pha âm sắc của Việt Nam. Thấy tôi nói tiếng Pháp thông thạo, ông bảo: "Tôi rất vui khi thấy anh theo chủ nghĩa quốc tế", như thể ông cảm thấy chúng tôi đang cùng chia sẻ sứ mệnh truyền bá văn minh của Pháp. Giống như nhiều nhà dân tộc chủ nghĩa thuộc thế hệ của ông Việt Nam, Tướng Giáp tiếp thu nền văn hóa Pháp trong khi chiến đấu chống chế độ thực dân Pháp.
Tuy nhiên, khi bước vào cuộc trò chuyện một cách nghiêm túc, ngôn từ của ông mới thực sự "bùng nổ". Ông rất mô phạm, một phong thái hình thành từ thời trẻ, khi ông còn làm nhà giáo. Được trời phú cho một trí nhớ phi thường, ông nhắc lại cho tôi nghe tên của những người đồng đội cũ hay kể lại tường tận những sự kiện từ cách đây hàng thập kỷ. 
Có lúc, giọng ông nghe như có chút châm biếm khi nhắc đến "kiến thức quân sự đáng nể" của tướng William C. Westmoreland, rồi sau đó kể ra những điều mà ông cho là sai lầm của vị chỉ huy Mỹ tại Việt Nam. Và giống như mọi vị tướng khác, ông nói về những giây phút khó khăn của mình. Ông thừa nhận "có những giai đoạn khó khăn khiến chúng tôi tự hỏi mình liệu có thể đi tiếp được hay không, nhưng", ông đột ngột chuyển giọng. "Chúng tôi không bao giờ bi quan. Không bao giờ! Không bao giờ! Không bao giờ!". 
"Chúng tôi không đủ mạnh để đánh tan nửa triệu binh lính Mỹ, nhưng đó không phải là mục tiêu của chúng tôi", ông nói tiếp. "Mục đích của chúng tôi là dập tắt ý định tiếp tục chiến tranh của chính phủ Mỹ. Westmoreland đã sai lầm khi nghĩ rằng hỏa lực áp đảo của ông ấy sẽ khiến chúng tôi gục ngã. Nếu chúng tôi tập trung vào cân bằng lực lượng, chúng tôi sẽ bị đánh bại trong hai giờ".
"Chúng tôi đã tiến hành một cuộc chiến tranh nhân dân. Trong chiến tranh, có hai yếu tố chính, đó là con người và vũ khí. Những vũ khí, thiết bị điện tử tinh vi của Mỹ cuối cùng lại không mang lại ích lợi gì. Con người mới là yếu tố quyết định. Con người! Con người!", ông nói.
"Ông đã chuẩn bị để chiến đấu trong bao lâu?"
"Hai mươi năm nữa, thậm chí một trăm năm, đến khi nào giành chiến thắng", Tướng Giáp trả lời ngay lập tức.
 "Xuyên suốt lịch sử của chúng tôi", ông trầm ngâm. "Tư tưởng sâu sắc nhất, thứ tình cảm lan rộng nhất trong nhân dân, là lòng yêu nước".
Tướng Giáp sinh ra trong thời loạn lạc. Ông là con trai lớn trong một gia đình có 7 anh chị em. Ông sinh năm 1911, tại làng An Xá, tỉnh Quảng Bình. Tại trường làng, Tướng Giáp được học tiếng Pháp, nhưng về nhà, cha mẹ ông chỉ trò chuyện với con bằng tiếng Việt. "Cha mẹ đã gieo lòng yêu nước vào tôi", ông nói.
Cha ông, một nhà nho, đã biểu thị chủ nghĩa dân tộc của mình bằng cách dạy chữ Hán Việt. Ông là người dạy cho Tướng Giáp đọc cuốn sách đầu tiên trong đời mình, một cuốn sách về lịch sử của trẻ em.
"Tôi biết được tổ tiên của chúng tôi là những người đã hy sinh vì đạo nghĩa, và nhiệm vụ của mình là phải rửa sạch những nỗi nhục trong quá khứ", ông nói. 
Giọng ông chùng xuống khi nhớ về ngày đầu tiên đi học. "Mẹ tôi và tôi lần đầu tiên chia xa, cả hai đều khóc". Năm 1924, ông đi học ở Quốc học Huế, ngôi trường mà Hồ Chủ Tịch trước đó từng theo học.
Khi tôi đề nghị ông nêu tên một vị anh hùng của Pháp, ông đáp: "Robespierre!". (Maximilien Marie Isidore de Robespierre là một trong những nhà lãnh đạo của Cách mạng Pháp năm 1789). 
"Nhưng ông ấy là người gây ra chết chóc", tôi bật lại.
"Robespierre!", ông tiếp tục. "Robespierre đã chiến đấu đến cùng vì nhân dân"
"Thế còn Napoleon?", tôi hỏi.
"Bonaparte, đúng. Ông ấy là một nhà cách mạng. Nhưng không, Napoleon, ông ấy đã phản bội dân chúng", ông đáp.
Vị tướng của hòa bình
Bây giờ, khi đã về hưu, Tướng Giáp dành phần lớn thời gian của mình để thăm lại các chiến trường xưa và gặp gỡ các cựu chiến binh.
"Nếu tôi không trở thành một người lính, tôi có thể sẽ là một giáo viên, một nhà triết học hoặc lịch sử", ông nói. "Mới đây có người hỏi tôi rằng, ban đầu, khi tôi thành lập quân đội, tôi có tưởng tượng được rằng tôi sẽ chiến đấu với người Mỹ không. Thế người Mỹ thời đó, có tưởng tượng được một ngày họ sẽ chiến đấu với chúng tôi không?".
Phút chia tay, ông nắm chặt lấy tay tôi: "Hãy nhớ rằng, tôi là một vị tướng chiến đấu cho hòa bình. Tôi muốn hòa bình, nhưng không phải hòa bình bằng bất cứ giá nào".
Nói rồi, ông bước nhanh, để tôi lại trầm ngâm với những nghĩa trang, những tượng đài chiến tranh, những ký ức đau thương ở Pháp, Mỹ và Việt Nam, và cái giá tàn khốc mà người dân của họ phải trả cho những cuộc chiến.
Anh Ngọc (lược dịch) (VnExpress)

Stanley Karnow



(Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)
 
Stanley Karnow (sinh ngày 4 tháng 2 năm 1925 - mất ngày 27 tháng giêng năm 2013) là một ký giả người Mỹ và cũng là một sử gia sinh tại Brooklyn.
Sự nghiệp Sau khi phục vụ quân đội tại binh chủng không quân ở Á châu trong Đệ nhị thế chiến, ông tốt nghiệp bằng cử nhân tại đại học Harvard vào năm 1947; ông đã theo học tại đại học Sorbonne vào năm 1947, 1948, và từ năm 1948 cho tới 1949 tại viện Institut d'Études Politiques de Paris. Sau đó ông bắt đầu sự nghiệp của mình trong ngành báo chí tại tờ báo Time hoạt động tại Paris vào năm 1950. Sau khi đảm nhiệm cả vùng Âu châu,Trung đông, và Phi châu (nơi ông làm trưởng phòng Bắc Phi vào năm 1958-59), ông trở lại Á châu, nơi mà ông đã trải qua một phần lớn sự nghiệp đầy uy thế của mình.[1]
Ông đảm nhiệm vùng Á châu từ năm 1959 cho tới 1974 cho tờ Time, Life, tờ Saturday Evening Post, tờ London Observer, tờ Washington Post, và đài NBC News. Có mặt ở Việt Nam vào tháng 7 năm 1959 khi những người Mỹ đầu tiên bị giết chết,[2] ông tường thuật về cuộc chiến tranh Việt Nam về đủ phương diện. Điều này làm cho tên ông xuất hiện trong danh sách những đối thủ về chính trị của Nixon. Cũng trong lúc này ông bắt đầu viết về quyển sách Vietnam: A History được xuất bản vào năm 1983. Cuốn sách này được khen ngợi và đã bán rất chạy. Không giống như các cuốn sách, và phim về Việt Nam trong thập niên 60 và 70 mà chủ yếu tập trung tới vai trò của Mỹ và các hậu quả ở quốc nội cũng như ở hải ngoại, Karnow đề cập tới mọi khía cạnh của cuộc xung đột, cũng như truyền đạt về nền văn hóa và lịch sử của Việt Nam.
Ông chịu trách nhiệm về nội dung cho một bộ phim 13 phần của đài PBS Vietnam: A Television History, mà đã đoạt được 6 giải thưởng Emmy, một giải thưởng Peabody, George Polk, DuPont-Columbia. Vào năm 1990, Karnow đoạt được giải Pulitzer cho tác phẩm lịch sử cho quyển In Our Image: America's Empire in the Philippines của ông. Những cuốn sách khác ông viết bao gồm Mao and China: From Revolution to Revolution, mà được đề cử giải National Book Award; và Paris in the Fifties (1997), một hồi ký lịch sử về những kinh nghiệm của riêng ông khi đang sống tại Paris trong thập niên 1950.[3] Karnow cũng làm việc cho tờ The New RepublicKing Features Syndicate.[4]

Gia đình

Cuộc hôn nhân đầu tiên của ông ta bị đổ vỡ. Năm 1959, ông làm hôn thú lần thứ hai với bà Annette Kline, một nghệ sĩ mà lúc đó làm ngoại giao về văn hóa cho bộ ngoại giao Mỹ tại Algiers. Bà Annette chết vì bị ung thư vào tháng 7 năm 2009. Họ cùng có với nhau 2 người con gái.[5] Karnow nằm trong ủy ban về các vấn đề đối ngoại (Council on Foreign Relations:một trung tâm nghiên cứu tư nhân với cơ sở tại New York và Washington) và thuộc hội các sử gia Mỹ. Karnow mất ngày 27 tháng giêng năm 2013 tại nhà riêng ở Potomac, Maryland lúc 87 tuổi vì suy tim.[6],[7]

Tác phẩm

Chú thích

  1. ^ Fischer and Fischer, American History Awards 1917-1991, p. 345.
  2. ^ "First Blood in Vietnam", American Heritage, Winter 2010.
  3. ^ McFadden, Robert (27 tháng 1 năm 2013). “Stanley Karnow, Historian and Journalist, Dies at 87”. The New York Times. Truy cập ngày 27 tháng 1 năm 2013.
  4. ^ McFadden, Robert D. (27 tháng 1 năm 2013). “Stanley Karnow, Historian and Journalist, Dies at 87”. The New York Times. Truy cập ngày 27 tháng 1 năm 2013.
  5. ^ Italie, Hillel (8 tháng 1 năm 2010). “Interesting times, indeed, for Stanley Karnow”. Los Angeles Times. Truy cập ngày 28 tháng 1 năm 2013.
  6. ^ “Sử gia về Việt Nam Stanley Karnow qua đời”. BBC. BBC. 28 tháng 1 năm 2013.
  7. ^ “Stanley Karnow, journalist and Vietnam historian, dies”. Washington Post. Associated Press. 28 tháng 1 năm 2013. tr. B4. Truy cập ngày 27 tháng 1 năm 2013.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét