Thứ Hai, 16 tháng 2, 2015

CÂU CHUYỆN TÂM LINH 65

(ĐC sưu tầm trên NET)

Tuyệt kỹ tàng hình của thiền sư cổ Việt Nam

Trong nhiều giai thoại về những bậc thiền sư của thiền phái Diệt Hỷ, có tên tuổi của nhiều bậc thiền sư nổi danh sở hữu "thân thủ phi phàm" tới mức bị giam trong ngục tù nhưng vẫn tự thoát ra bên ngoài.
 

Dấu ấn của thiền phái Diệt hỷ với võ học Việt

Hiện nay, trong giới võ học Việt đã ghi nhận vai trò truyền bá võ học cổ truyền Ấn Độ đến Việt Nam là của các vị thiền sư từ Tây Trúc mà tên tuổi của vị thiền sư Ti ni đa lưu chi được nhiều võ sư thừa nhận, là người mang đến một luồng gió mới đối với võ học Việt.

Giáo sư Vũ Đức - trưởng môn phái Võ lâm Việt Nam, từng công bố trong một công trình nghiên cứu về lịch sử võ học cổ truyền: "Vào thế kỷ II, song song với việc du nhập các tôn giáo Phật, Khổng, Lão vào Việt Nam, ngành võ học từ Ấn Độ và Trung Hoa cũng được các vị thiền sư, đạo sĩ mang đến qua hai con đường thủy và đường bộ.

Nhưng mãi đến năm 580, thế kỷ thứ VI, vị thiền sư Ti ni đa lưu chi từ Tây Trúc đã chính thức mang thiền tông truyền bá vào nước ta, tại chùa Pháp Vân (nay Chùa Dâu, tỉnh Bắc Ninh), truyền được 19 đời (580 - 1216). Năm 820, vị sư Trung Hoa là ngài Vô Ngôn Thông đến chùa Kiến Sơ (hiện thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) lập nên thiền phái thứ hai, truyền được 14 đời (820 - 1221). Kể từ đó, các môn võ lâm cổ truyền từ Ấn Độ cũng như các môn Thiếu Lâm Nam và Bắc phái của ngài Bồ Đề Đạt Ma từ Trung Hoa bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam".

Trong cuốn sách Thiền Uyển tập Anh - sách cổ nhất viết về Phật giáo Việt Nam cho rằng, thiền sư Ti ni đa lưu chi đến chùa Pháp Vân truyền pháp vào năm 580. Tại đây, ông đã nhận Pháp Hiền (người Long Biên, Hà Nội) làm đệ tử chân truyền. Chuyện xưa kể rằng, Pháp Hiền thân cao 7 thước 3 tấc.

Tuyệt kỹ tàng hình của thiền sư cổ Việt Nam
Tọa thiền cũng là tu luyện võ công 

Sau khi nhận được ý chỉ của thiền sư Ti ni đa lưu chi, Pháp Hiền vào rừng thẳm, chọn chốn thanh tịnh để tu luyện. "Mỗi lần Pháp Hiền đọc kinh thì chim bay đến chầu, dã thú vây quanh. Tên tuổi của Pháp Hiền vang danh khắp nơi, đệ tử theo học không sao kể xiết, thiền học nước Nam từ đó hưng thịnh". Từ đó, thiền phái Diệt Hỷ đã ăn sâu bám rễ vào mảnh đất Việt Nam.

Võ sư Nguyễn Văn Thắng - trưởng môn của môn phái Thăng Long Võ Đạo cho biết: "Võ học chính là phương tiện để tiếp cận tâm linh, hỗ trợ cho tâm linh. Do đó, các thiền sư giỏi về võ thuật không có điều gì bất ngờ".

Võ sư Nguyễn Văn Thắng lý giải, theo quan niệm của phương Đông, con người gồm 3 thể, thể vật lý, thể năng lượng và thể tâm linh. Quan trọng nhất luyện võ để mở thể vật lý mạnh cơ bắp tức là lực. Lực phải có kình. Kình tức là khí tức phải có qua khí công. Cơ thể con người, ngoài thể vật lý, trong thể năng lượng thì thể tâm linh làm chủ.

Vì vậy, muốn giỏi võ, đa số tất cả các thầy võ có danh tiếng đều ngồi thiền (để làm chủ được thể tâm linh). Ngược lại, thầy có tâm linh ngày xưa đều phải dùng đến khí công hoặc yoga luyện võ học nhằm tiếp cận và làm chủ thể tâm linh.

Tuyệt kỹ tàng hình của thiền sư Ma Ha

Lần giở những trang sử ghi lại tài năng xuất chúng của những thiền sư trong môn phái này, những tên tuổi của các thiền sư như Pháp Hiền, Vạn Hạnh, Ma Ha, Đạo Hạnh... cũng đủ nói lên được vai trò của các vị chân sư đối với lịch sử dân tộc. Họ không chỉ là những nhà sư đức độ, mà còn là những người có công đóng góp lớn đối với sự phát triển của văn hoá dân tộc. Thậm chí, họ còn là những vị quân sư nức danh, hiến kế sách trị quốc cho nhiều đời vua, xây dựng nền thái bình thịnh trị của dân tộc dưới thời Tiền Lê, Lý, Trần.

Riêng về võ học, đến nay, vẫn lưu truyền nhiều giai thoại liên quan đến tài năng võ học bậc thầy của các vị thiền sư. Trong đó, không ít người đạt đến ngưỡng giới cao nhất của võ học với những chiêu thức vi diệu, thân thủ biến hoá. Trong số những bậc thiền sư mà tài năng võ học được ghi nhận thì Thiền sư Ma Ha - đệ tử đời thứ 11 của thiền phái Diệt Hỷ được lưu truyền là người có khả năng tàng hình phi phàm mà người đời sau vẫn không ai đạt đến ngưỡng giới trên.

Tuyệt kỹ tàng hình của thiền sư cổ Việt Nam
Chùa Thầy nơi thiền sư Đạo Hạnh tu luyện 

Theo sách Thiền Uyển tập Anh ghi lại, thiền sư Ma Ha là người gốc Chiêm Thành, thuở nhỏ bản tính thông minh, năm 24 tuổi nối nghiệp cha đi tu. Ông là đệ tử đời thứ 11 của thiền phái Diệt Hỷ, người có khả năng tàng hình. Tương truyền, vua Lê Đại Hành vì nghe danh của thiền sư Ma Ha, có ý mời thiền sư vào triều hỏi việc.

Tuy nhiên, thiền sư không thuận ý, vua 2 lần cho người đến mời nhưng không được. Lần thứ ba, thiền sư Ma Ha đành phải vào chầu vua. Khi vua hỏi, thiền sư Ma Ha tự xưng mình là "cuồng tăng tu tại chùa Quán Âm". Câu trả lời ngông cuồng của vị thiền sư này khiến vua cả giận, sau đó sai người bắt giam thiền sư vào chùa Quán Tri (Ninh Bình).

Biết trước, thiền sư Ma Ha là người có võ học uyên thâm, tài năng ảo diệu nên vua sai khoá cửa ngục cẩn thận, bố trí đông lính canh gác nghiêm ngặt nhiều tầng để vị sư này không thể thoát thân. Tưởng rằng, sư Ma Ha vì khinh vua nên phải chịu kết cục bi thảm, cuộc đời bị giam trong ngục tù. Nhưng, qua một đêm, khi trời sáng mọi người đã thấy thiền sư Ma Ha đang ngồi ở phòng Tăng trong khi cửa ngục vẫn bị khoá. Lính canh không thể hiểu tại sao vị thiền sư này có thể thoát ra ngoài, khi họ chạy vào phòng giam thì cửa vẫn khoá cẩn thận. Sự việc khiến vua cho rằng, thiền sư Ma Ha có phép lạ và cuối cùng đành thả sư Ma Ha.

Tuyệt kỹ kungfu của thiền sư Đạo Hạnh và đệ tử

Thiền sư Đạo Hạnh (? - 1117), tu tại chùa Thiên Trúc, núi Phật Tích (chùa Thầy, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội ngày nay) nổi tiếng với khả năng phóng gậy ngược dòng nước chảy xiết nhưng gậy vẫn lao nhanh vùn vụt như mũi tên bắn vào không trung.

Tương truyền, từ nhỏ ngài vốn thông minh, tính tình phóng khoáng, thích giao du kết bạn. Khi lớn lên, gia đình không may gặp họa, cha ngài bị đạo sĩ có tên là Đại Điên (ở Dịch Vọng, Từ Liêm, Hà Nội) đánh chết, vứt xác xuống sông Tô Lịch. Ngài vô cùng căm giận, tự thề với bản thân, tìm mọi cách phải giết chết tên đạo sĩ trả thù. Lúc đầu ngài tìm cách đánh lén nhưng giữa chừng có "thần nhân" can ngăn. Bởi năng lực của ngài lúc đó mà đi trả thù chỉ có vào đường chết.

Sau đó, thiền sư Đạo Hạnh quyết chí đi sang Ấn Độ học phép thuật, nhưng giữa chừng vì đường sá khó khăn nên đành trở về. Cuối cùng, ngài lên chùa Phật Tích (thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh ngày nay) sống ẩn dật tu luyện, hàng ngày chuyên tụng chú Đại bi Tâm đà la ni. Sau thời gian tu luyện, khi năng lực đã đạt đến độ uyên thâm, thiền sư Đạo Hạnh quyết định đi trả thù kẻ đã giết chết cha mình.

Sách Thiền Uyển tập Anh chép rằng: "Sư biết đạo pháp của mình đã thành, có thể trả thù cha nên mới đến bến Quyết, cầm gậy thử ném xuống dòng nước xiết, gậy trôi ngược dòng như con rồng rồi đến cầu Tây Dương (tức khu vực Cầu Giấy, Hà Nội ngày nay) dừng lại. Sư thấy thế mừng mà nói rằng: "Pháp ta thắng rồi", sau đó đi thẳng đến chỗ Đại Điên. Đại Điên thấy sư đến liền nói rằng, người không nhớ ngày trước sao - có ý doạ Đạo Hạnh. Đạo Hạnh ngửa mặt lên trời xem như không nghe thấy gì, nhân đó đánh mạnh, Đại Điên bị đòn sau đó lâm bệnh mà chết".

Trong sách Lĩnh Nam chích quái, viết về thiền sư Đạo Hạnh như sau: "Ngài có khả năng đi trên mặt nước, bay trong không trung, hàng rồng phục cọp, lên trời rút đất, muôn quái nghìn kỳ, xuất quỷ nhập thần, chẳng lường hết được màu nhiệm". Tài năng võ học của thiền sư Đạo Hạnh càng được thừa nhận khi đệ tử của ngài là thiền sư Minh Không cũng được biết đến là người có nội công thâm hậu.

Tương truyền, sau khi sư Vạn Hạnh chết, đệ tử là thiền sư Nguyễn Minh Không về quê cày cấy 20 năm, không màng tiếng tăm. Khi nghe tin vua Lý Thần Tông mắc bệnh lạ, không ai có thể chữa được, cho người đi khắp thiên hạ mời người có tài năng vào kinh chữa trị.

Sách Thiền Uyển tập Anh chép: "Sư Minh Không liền vào kinh, trị bệnh cho vua. Khi sư đến, mọi người thấy bộ dạng của sư quê mùa có ý xem thường, sư liền đem một cái đinh lớn dài 5 tấc, dùng tay không đóng vào cột điện và nói, ai có tài dùng tay không nhổ cái đinh này ra trước thì đáng tôn trọng". Nói đến ba lần chẳng ai dám đứng lên, sau đó thiền sư Minh Không chỉ dùng hai ngón tay trái là nhổ chiếc đinh ra, bá quan văn võ trông thấy khiếp đảm"...

Theo Trinh Phúc (ĐS&PL)

Bí ẩn khả năng tiên tri của thiền sư cổ Việt Nam

Ngoài tài năng về võ học, các thiền sư thuộc thiền phái Diệt Hỷ được ca ngợi như những nhà phong thuỷ bậc thầy, thậm chí họ còn được biết đến bởi khả năng tiên tri.


Khả năng tiên tri linh nghiệm

Nhiều câu chuyện cho thấy, các thiền sư thuộc thiền phái này đã tiên liệu được sự xuất hiện của nhà Lý trong lịch sử và có sự chuẩn bị trước cho việc Lý Công Uẩn lên ngôi vua từ hàng trăm năm trước.

Gắn liền với sự ra đời của nhà Lý trong lịch sử dân tộc, đến nay vẫn còn lưu truyền nhiều câu chuyện mang màu sắc tâm linh, kỳ bí khó lý giải. Điều đặc biệt, những câu chuyện kỳ lạ trên lại gắn liền tên tuổi của những vị thiền sư nổi danh thuộc thiền phái Diệt Hỷ.

Người được cho là có dự cảm sớm nhất đối với sự ra đời của nhà Lý trong lịch sử là thiền sư Định Không - đệ tử đời thứ 7 của thiền phái Diệt Hỷ. Được biết, thiền sư Định Không là người họ Nguyễn, ở làng Cổ Pháp, phủ Thiên Đức (hiện nay là phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).

Ông nổi tiếng là người am hiểu thế, số. Tuy cái duyên cửa thiền đến với ông rất muộn, khi ông đã về già nhưng tài năng và đức hạnh của vị thiền sư này đến nay vẫn còn lưu truyền. Trong đó, ông được ca ngợi là người có khả năng tiên tri và để lại nhiều lời sấm truyền mà sau này được nhiều thế hệ ghi nhận là ứng nghiệm.

Trong sách Thiền Uyển tập Anh cho rằng, ngay từ thời điểm năm 785 đến 804, tức hơn 200 năm trước khi Lý Công Uẩn lên ngôi vua, thiền sư Định Không đã dự cảm được việc nhà Lý xuất hiện trong lịch sử. Câu chuyện mang màu sắc huyền bí này lại gắn liền với ngôi chùa Quỳnh Lâm (tức chùa Đài hay còn gọi là chùa Lục Tổ, ở Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh) nổi tiếng đất Kinh Bắc.


Bí ẩn khả năng tiên tri của thiền sư cổ Việt Nam
Sự xuất hiện của triều Lý gắn liền với giai thoại về tài năng của các bậc thiền sư thiền phái Diệt Hỷ 

Tương truyền, khi tiến hành xây chùa Quỳnh Lâm, lúc mới đào đất đắp nền đã phát hiện 1 cái ly hương và 10 cái khánh. Sau đó, sư sai người đem xuống sông rửa.

Một cái khánh bị rơi xuống tận đáy sông. Thiền sư Định Không cho rằng đây là điềm báo tốt, liền nói với mọi người: "Chữ Thập, chữ Khẩu hợp thành chữ Cổ. Chữ Thuỷ, chữ Khứ hợp thành chữ Pháp. Chữ Thổ chỉ làng ta ở nên sư quyết định đặt tên làng mình từ Diên Uẩn thành Cổ Pháp". Sau đó, sư tụng rằng: "Hiện ra pháp khí/ 12 chuông đồng/ Họ lý làm vua/ Ba phẩm thành công".

Bản thân vị thiền sư này không chỉ có dự cảm về sự xuất hiện của triều Lý, mà còn đoán định trước việc vùng đất Cổ Pháp có thể bị yểm bởi một người ngoại quốc. Do đó, thiền sư Định Không đã căn dặn đệ tử của mình trước khi viên tịch.

Chuyện xưa kể rằng, trước khi sắp tịch, sư gọi đệ tử Thông Thiện, nói: "Ta muốn mở rộng làng xóm nhưng e nửa chừng gặp tai hoạ, chắc có kẻ muốn phá hoại nước ta. Sau khi ta mất, con cố giữ đất Cổ Pháp này, rồi gặp người họ Đinh thì truyền".

Lời nhắn nhủ của thiền sư Định Không với đệ tử Thông Thiện sau này được cho là đúng sự thực. Người ngoại quốc mà vị thiền sư này nhắc đến chính là Cao Biền - Tiết độ sứ ở Tĩnh Hải Quân (tên gọi Việt Nam thời gian 866 - 968) của một nhân vật được người đời sau nhắc đến nhiều lần trong những câu chuyện liên quan đến việc phá long mạch nước ta vào thời điểm ông làm Tiết độ sứ ở nước ta.

Dùng cây gạo để hàn long mạch

Không chỉ thiền sư Định Không mà nhiều thiền sư các đời kế tiếp của thiền phái này đến nay vẫn được hậu thế lưu truyền là có biệt tài về phong thuỷ và có khả năng dự đoán được tương lai. Nhiều huyền sử đến nay vẫn còn nhắc đến tên tuổi của nhiều vị thiền sư như Trưởng lão La Quý, thiền sư Vạn Hạnh. Họ đều là những bậc thầy về phong thuỷ và những người có khả năng tiên tri.

Được biết, sau khi thiền sư Định Không viên tịch, đệ tử là thiền sư Thông Thiện đã nghe theo lời dặn của thầy, suốt ngày tu luyện để giữ Cổ Pháp. Lời truyền dạy của thiền sư Định Không đã ứng nghiệm khi thiền sư Thông Thiện đã gặp được một người học trò họ Đinh và truyền pháp lại cho người này, người đời sau gọi người học trò này là Trưởng lão La Quý.

Bí ẩn khả năng tiên tri của thiền sư cổ Việt Nam
Võ sư Nguyễn Văn Thắng, trưởng môn phái Thăng Long Võ đạo giải thích về mối quan hệ giữa thiền và võ học, phong thuỷ dự báo 

Theo sử chép, Trưởng lão La Quý người An Chân (Thái Bình ngày nay), ông tu tại chùa Song Lâm, làng Phù Ninh, phủ Thiên Đức (Từ Sơn, Bắc Ninh). Thuở nhỏ, Trưởng lão La thường chu du khắp các phương, hỏi thăm các bậc thiền sư. Trải qua nhiều năm không gặp đạo duyên, Trưởng lão La sắp thối chí.

May mắn sau này, Trưởng lão gặp được pháp hội của Thông Thiện, nghe một lời, lòng thiền khai ngộ, bèn chịu phục thờ làm thầy. Được thiền sư Thông Thiện truyền pháp, Trưởng lão ra sức tu luyện đến khi đắc pháp sư tuỳ phương diễn hoá, tài phép vô biên. Tương truyền, mỗi khi ngài nói ra lời nào, tất là phù sấm.

Cuộc đời của vị thiền sư này gắn liền với giai thoại hàn long mạch, phá yểm của Cao Biền. Theo sách Thiền Uyển tập Anh, khi Cao Biền sang nước ta, xây thành bên sông Tô Lịch, biết đất Cổ Pháp có khí đế vương, nên đã đào đứt con sông Điềm và những ao Phù Chẩn đến 19 chỗ để trấn yểm. Việc Cao Biền tìm cách trấn yểm, để nước Nam mãi là vùng đất thuộc phương Bắc là một hành động rất nham hiểm nhưng cũng rất vi diệu mà người thường không dễ nhận ra.

Chính Trưởng lão La Quý, khi đã "đắc pháp", ông đã phát hiện được điều này và chính ông là người cho tiến hành lấp lại các điểm Cao Biền sai người đào, phá long mạch trước đây. Để long mạch được trở về như xưa, Trưởng lão La Quý đã trồng một cây bông gạo ở chùa Châu Minh để hàn long mạch nhằm trấn chỗ đứt. Cây gạo mà Trưởng lão La Quý trồng sau này gắn liền với giai thoại, sét đánh thành bài sấm truyền cho sự lên ngôi của Lý Công Uẩn.

Chuyện xưa kể rằng, khi trồng cây gạo này, Trưởng lão La Quý đã làm bài thơ, "Đại sơn đầu rồng ngửng/ Đuôi cù chẩn Châu Minh/ Thập bát tử định thành/ Bông gạo hiện long hình/ Thỏ gà trong tháng chuột/ Nhất định thấy trời lên". Người đời sau cho rằng, bài thơ này là lời sâm truyền báo hiệu ngày, tháng, sự ra đời của vua Lý Công Uẩn. Bởi nội dung bài thơ có ý dự báo cho sự ra đời của nhà Lý vào tháng 10 năm Dậu. Sau này, nhà Lý sau này ra đời vào tháng 10 năm Đinh Dậu.

Biệt tài "dung ba cõi"

Cũng liên quan đến sự ra đời của vương triều Lý trong lịch sử, một vị thiền sư nổi danh khác của thiền phái Diệt Hỷ được nhắc đến đó chính là thiền sư Vạn Hạnh, đời thứ 12 của thiền phái Diệt Hỷ.

Đến nay, tên tuổi của vị thiền sư này được người đời sau ca ngợi: "Sư nói lời nào, thiên hạ cho là phù sấm". Vua Lý Nhân Tông đã làm kệ (thể thơ phổ biến thời Lý Trần), ca ngợi tài năng của vị thiền sư này: "Vạn Hạnh dung ba cõi/ Thật hiệp lời sấm xưa/ Quê hương tên Cổ Pháp/ Chống gậy trấn kinh đô". Bài thơ ý nói Vạn Hạnh thấu suốt tất cả sự việc của quá khứ, hiện tại và thời vị lai.

Được biết, sư Vạn Hạnh vốn là thầy của Lý Công Uẩn. Người có công rất lớn trong việc giáo dục và giúp đỡ Lý Công Uẩn lên ngôi vua. Tương truyền, ngày vua Lý Thái Tổ lên ngôi (sự kiện diễn ra tại Ninh Bình), sư Vạn Hạnh ở mãi tận chùa Quỳnh Lâm, đã biết trước mọi việc, bảo với người bác và chú của vua rằng: "Thiên tử đã băng, Lý Thân vệ (Lý Công Uẩn) hiện đang ở nhà. Trong trưa nay, Thân vệ ắt được lên ngôi". Rồi nhà sư cho yết bảng ở đường cái nói rằng: "Tật lên chìm bể Bắc/ Hạt Lý mọc trời Nam/ Bốn phương gươm giáo dẹp/ Tám cõi mừng bình an", ý thơ nói nhà Lý thay nhà Lê.

Xung quanh những câu chuyện về biệt tài võ học, phong thuỷ và khả năng tiên tri của những thiền sư thuộc thiền phái Diệt Hỷ, võ sư Nguyễn Văn Thắng, Trưởng môn phái Thăng Long võ đạo cho rằng, những câu chuyện huyền sử trên có cơ sở.

Vị võ sư này cho rằng, trong các câu chuyện về các vị thiền sư, có người được nhắc tới như một bậc thầy về võ học, người được nhắc đến với vai trò là người có tầm hiểu biết phong thuỷ và khả năng tiên tri đoán định. Nhưng thực tế, khi đạt đến đỉnh cao của thiền học, tất yếu đạt đến đỉnh cao của võ và có hiểu biết sâu sắc về phong thuỷ.
Giải thích về mối quan hệ giữa thiền học, võ học, phong thuỷ và dự báo, võ sư Nguyễn Văn Thắng cho rằng: "Ngày trước các thầy võ thường rất giỏi về văn, y, lý, số. Điều này không có gì là lạ. Bởi, năng lượng đi cùng với khí công, khí công hỗ trợ cho lực võ. Ý sinh khí, khí sinh lực, lực tạo công năng. Võ giỏi đều phải giỏi khí công, đỉnh cao của khí công tức là tĩnh là thiền định. Võ thuật là thiền định (thiền định là tâm linh), tâm linh là phong thuỷ là để hoà hợp với đất trời. Mà phong thuỷ liên quan đến dự báo (tiên tri), bởi trong hình có khí, trong khí chứa đựng tâm linh. Hình thể như thế nào thì khí như vậy".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét