Bài kệ của Thần Tú:

Thân như cây Bồ Đề
Tâm như Minh Cảnh đài
Giờ giờ cần phải sạch
Chớ để vướng trần ai!


Bài kệ của Huệ Năng:

Bồ Đề chẳng có thọ
Minh Cảnh cũng không đài
Bổn Lai không một vật
Lấy gì vướng trần ai!


* THẦN TÚ: Thần = Chơn Thần (cái tâm). Tú = Đẹp đẽ, sáng sủa.

Chủ trương của Thần Tú là tu sửa Chơn Thần (tu Tâm), một cách từ từ tiệm tiến sao cho Chơn Thần tức cái Tâm của mình đạt được trí huệ sáng suốt. Điều này rất đúng theo Kinh Cao Đài:

"Chớ thái quá cũng đừng bất cập
Phép tu hành, luyện tập nhiều ngày"


Hoặc là:

"Ngày ngày tập sửa tánh thành
Đêm đêm tự tỉnh tu hành ăn năn"


Như vậy thì cách tu của Thần Tú giống cách tu của Đạo Cao Đài quá đi thôi! Thế mà có phần khá đông các Cao Đạo hữu lại phê bình chỉ trích Thần Tú và chỉ khen ngợi Huệ Năng trong khi chính họ chưa thấy rõ bề sâu của vấn đề.

Một danh ngôn có câu: "Chiến thắng một vạn quân trên chiến trường thì rất dễ. Còn chiến thắng trên chính bản thân mình thì rất khó". Điều đó đã chứng tỏ cái phàm Tâm của mình rất là khó trị. Cho nên, muốn trị cái phàm Tâm của mình thì chúng ta phải:

- Ngày ngày tập sửa tánh thành
- Đêm đêm tự tỉnh tu hành ăn năn
- Giờ giờ cần phủi sạch chớ để vướng trần ai
- Năng chiếu Diệu quang tiêu trừ nghiệt chướng
- Luôn luôn giữ gìn Chánh Niệm hiện tiền

Quí Cao hữu có ai dám tự xưng mình đã trị được phàm tâm chưa? Có ai dám nói mình đã dẹp được hết tham sân si và thất tình lục dục chưa?

Thần Tú viết ra bài kệ trên là để dạy cho hạng Tiểu thừa và Trung thừa là một phần rất đông trong chúng sanh. Thánh Ngôn Cao Đài cũng có dạy: "Chúng sanh ngu muội thì nhiều, còn trí huệ thì rất ít". Do đó, Thần Tú khuyên chúng ta (ngoại trừ các Đạo hữu Đại căn): Giờ giờ cần phủi sạch, chớ để vướng trần ai, là một điều chánh đáng và rất đúng. Cho nên, lúc nào chúng ta cũng phải cảnh giác, cũng phải thức tỉnh, cũng phải năng chiếu Diệu quang, cũng phải giữ gìn Chánh Niệm, cũng phải thắp sáng Đèn Thái Cực mãi mãi và mãi mãi.

Hơn nữa, bài kệ của Thần Tú đã được Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn (Thầy của Thần Tú) khen ngợi mà lại còn bảo tất cả mọi người trong Chùa biên chép và đọc tụng thì có lợi ích.

Thần Tú là đại diện cho Phái tu Thiền QUÁN, tức là công phu quán tướng, quán xét để từ từ đạt đến Trí Huệ, rồi nhờ Trí Huệ đó mà tự xét mình, tự kiểm thảo, để rồi từ từ đạt đến Thánh Đức. Đó là lối tu Tiệm Ngộ.

Tóm lại chúng ta không nên phê bình chỉ trích Thần Tú mà nên đánh giá những hậu duệ (những học trò sau này) của Thần Tú sau này bày ra âm thanh và sắc tướng để lợi dụng lòng mê tín của tín đồ.

* HUỆ NĂNG: Huệ = Trí Huệ, Bát Nhã. Năng = Khả năng.

Huệ Năng là khả năng đạt ngay Trí Huệ, Tâm tức Phật liền ngay, không cần phải tu hành gì cả! Huệ Năng chủ trương đốn ngộ thành Phật, không cần phương tiện gì hết. Huệ Năng dẹp qua hết một bên và buông bỏ tất cả.

Bồ Đề chẳng có cây
Minh Cảnh cũng không đài
Bổn Lai không một vật
Lấy gì vướng trần ai.


Huệ Năng là đại diện cho Phái tu Thiền CHỈ, tức là đình chỉ tất cả, là buông bỏ tất cả, là không cố chấp bất cứ điều gì cả, thì tất đắc giải thoát. Điều này quá đúng! (Chỉ đúng đối với Đại căn thôi).

Nhưng, liệu chúng ta buông bỏ được hết tất cả không? Chắc chắn là không! Như vậy thì chúng ta phải tập buông bỏ từ từ: Buông bỏ của cải vật chất, buông bỏ thất tình lục dục, buông bỏ những kỷ niệm quá khứ, buông bỏ kiến thức... Nhiều thứ cần phải buông bỏ lắm. Cho nên chúng ta phải buông bỏ từ từ, nghĩa là chúng ta cũng cần phải học bài học của Thần Tú, chớ không được nhảy bỏ lớp đâu!

Trong Đạo Cao Đài, cách tu cũng tiệm tiến như vậy, phải tu từ Nhứt Cửu, Nhị Cửu... Hiệp Cửu, rồi mới tới Tiểu Tường, Đại Tường. Cũng phải đi từ Tiểu ngộ rồi mới đến Đại ngộ.

Tóm lại:

* Thần Tú nói kệ về Chơn Thần (Tâm)
- Huệ Năng nói kệ về Chơn Linh (Phật Tánh)

* Thần Tú chủ trương Tiệm Ngộ
- Huệ Năng chủ trương Đốn Ngộ

* Thần Tú dạy tu QUÁN
- Huệ Năng dạy tu CHỈ

Tổng kết lại, Thần Tú là nhơn vật tương trưng cho cái Chơn Thần (cái Tâm) của chúng ta, còn Huệ Năng là nhân vật tượng trưng cho cái Chơn Linh (Phật Tánh) của chúng ta. Chơn Thần thì cần phải tu, còn Chơn Linh Phật Tánh thì khỏi phải tu. Cho nên, chúng ta cần phải bình tĩnh, không nên đánh giá Thần Tú một cách tùy tiện.


( Trích trong quyển "Tu Tâm" của Bổn Tánh Thánh Chủ và Diệu Không Thiền Sư)
http://hoithanhphucquyen.org