Thứ Năm, 19 tháng 2, 2015

CHUYỆN LẠ THẾ GIỚI 7

(ĐC sưu tầm trên NET)

Xác ướp công chúa 2.500 năm tuổi sẽ được trả về nơi chôn cất

Mai Nguyễn (Vietnam+)
Xác ướp công chúa trong băng vĩnh cửu tìm thấy ở Siberia. (Nguồn: DM)

Xác ướp công chúa tìm thấy trong băng vĩnh cửu ở Siberia sẽ được trả về nơi được tìm thấy do những lo sợ của người dân về những thiên tai xảy ra khi xác ướp bị dời đi.
Xác ướp này được phát hiện cách đây 21 năm tại một cánh đồng băng ở trên núi cao thuộc vùng trung tâm phía tây nam Siberia và đã có tuổi thọ 2.500 năm. Việc các nhà khảo cổ di dời xác ướp về nơi nghiên cứu đã làm những người cao tuổi ở địa phương hoảng sợ và kêu gọi trả xác ướp về nơi an nghỉ để "ngăn cơn giận dữ sé kéo lũ lụt và động đất đến của người".

Theo tín ngưỡng cổ xưa, việc nàng công chúa này được chôn cất trong băng là nhằm "ngăn lối vào thế giới của người chết."

Tờ Siberian Times cho biết các nhà khoa học đã lên kế hoạch để đưa lại xác ướp về dãy núi Altai ở Nga và xây một lăng tẩm riêng. Dự kiến việc xây dựng sẽ bắt đầu vào năm sau, trên vùng thảo nguyên cao 2500 mét ở đồng bằng Ukok.

Xác ướp công chúa với những hình xăm bí ẩn được nhà khảo cổ học Natalia Polosmak phát hiện vào năm 1993. Đây được coi là một trong những phát hiện khảo cổ quan trọng nhất thế kỷ 20.

Công chúa được cho là đã qua đời khi 25 tuổi do bệnh ung thư vú và xác ướp của cô được tìm thấy trong lớp băng vĩnh cửu. Xác hai người đàn ông khác cũng được phát hiện gần đó. Xung quanh nơi an nghỉ của công chúa có xác 6 con ngựa và các bộ yên cương, được cho là để đưa linh hồn công chúa sang thế giới bên kia, cùng một ít thịt cừu và thịt ngựa.

Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy những đồ trang sức làm từ gỗ, đồng và vàng, cùng một túi nhỏ đựng cần sa và một cái đĩa bằng đá có hạt mùi bị đốt cháy đặt trên đó. Từ quần áo và đồ dùng, các nhà khoa học đã tái hiện lại được hình ảnh của công chúa mặc một chiếc váy dài làm từ lụa Trung Hoa, đi ủng cao cổ có trang trí họa tiết đẹp mắt.

Tại thời điểm cách đây 2.500 năm, lụa Trung Hoa chỉ được tìm thấy trong các khu mộ hoàng gia của người Pazyrk, và điều này cho thấy sự giàu có cũng như địa vị xã hội cao của xác ướp.

Công chúa được cho là qua đời khi 25 tuổi vì ung thư vú. (Nguồn: DM)

Khi được tìm thấy, đầu của xác ướp đã được cạo sạch tóc, và đội một bộ tóc giả làm từ lông ngựa có gắn một con hươu nhỏ khắc từ gỗ. Da mặt và da cổ của công chúa không còn nguyên vẹn, nhưng phần da cánh tay trái vẫn còn nguyên. Điều làm các nhà khảo cổ ngạc nhiên nhất chính là những hình xăm đầy tính thẩm mỹ và rất giống hình xăm thời hiện đại ngày nay trên người xác ướp.

Trên vai trái xác ướp có hình xăm một sinh vật huyền bí giống hươu với mỏ của chim ưng và sừng kỳ lân; trên sừng kỳ lân có hình đầu chim ưng. Hình xăm miệng một con báo hoa với đuôi dài cũng được tìm thấy, cùng một hình xăm đầu hươu trên cổ tay.

Akai Kine, trưởng nhóm lên kế hoạch đưa công chúa trở về nơi yên nghỉ cho biết: "Theo kế hoạch sơ bộ, chúng tôi sẽ đưa xác ướp về lại nơi yên nghỉ và xây một lăng tẩm ở đó, trên đồng bằng Ukok nơi tìm thấy xác ướp năm 1993. Chúng tôi sẽ công bố rộng rãi việc này và hy vọng nhận được nhiều đóng góp của công chúng."

Những người cao tuổi ở dãy Altai đã từ lâu đề nghị trả lại xác ướp về nơi yên nghỉ trên đồng bằng Ukok. Họ khẳng định rằng trận lũ lụt tồi tệ nhất trong vòng 50 năm qua ở Altai cũng như hàng loạt trận động đất chính là do nàng công chúa giận dữ gây ra. Trước đề nghị xây lăng tẩm cho công chúa, các trưởng lão đã đồng ý ba điều kiện cơ bản.

"Thứ nhất, xác ướp sẽ được trả về nơi chôn cất. Thứ hai, lăng tẩm phải được xây theo lối truyền thống như khi công chúa được chôn cất. Và thứ ba, các nhà khoa học sẽ được phép tiếp cận xác ướp," Akai Kine cho biết./.

Lăng tẩm sẽ được xây trên đồng bằng Ukok nơi tìm thấy xác ướp của công chúa. (Nguồn: DM)

Phát hiện mặt nạ xác ướp chứa bản sao kinh thánh cổ nhất

Sơn Phạm (Vietnam+)
Chiếc mặt nạ được làm từ giấy papyrus có chép kinh Phúc âm. (Nguồn: Australia Museum)

Các nhà khoa học Canada mới phát hiện một chiếc mặt nạ cho xác ướp được làm từ giấy papyrus có thể đang ẩn chứa bản sao cổ nhất của một cuốn kinh thánh.

Chiếc mặt nạ này được làm từ những trang của cuốn kinh Phúc âm của Mark, một cuốn kinh thánh được viết trong thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên.

Theo các chuyên gia, so với các sách Phúc âm cổ nhất còn được lưu giữ đến ngày nay, bản kinh Phúc âm này có niên đại hơn 1 thế kỷ.

Việc dùng giấy đã viết chữ để làm mặt nạ cho xác ướp rất phổ biến với những người dân thuộc tầng lớp dưới, khi giấy vẫn còn là một mặt hàng đắt đỏ. (Nguồn: Corbis)

Phần nội dung của cuốn kinh sẽ thu được nhờ một kỹ thuật đặc biệt giúp tách các mảng keo dán trên mặt nạ ra mà không làm ảnh hưởng đến các nét mực. Song, việc phục hồi cuốn kinh thánh này cũng đồng nghĩa với việc phải phá hủy chiếc mặt nạ.
Xác ướp của các Pharaoh Ai Cập thường được đeo mặt nạ vàng để thể hiện sự giàu có. Tuy nhiên, những người thuộc tầng lớp dưới khi chết sẽ được chôn cùng mặt nạ làm từ giấy papyrus có vẽ hình. Nhưng vì giấy papyrus khi đó cũng rất đắt đỏ nên họ thường tái sử dụng những tờ giấy đã có chữ viết để làm mặt nạ.

Các nhà khoa học thuộc trường Cao đẳng Acadia Divinity ở Wolfville, Nova Scotia, Canada, đang tiến hành gỡ keo dán của chiếc mặt nạ để phục hồi cuốn kinh thánh.

Craig Evans, một giáo sư thuộc nhóm nghiên cứu kinh Tân ước cho biết đây là một phần của công tác phục hồi những văn bản cổ xưa từ thế kỷ thứ nhất, thứ hai và thứ ba được dùng làm mặt nạ cho các xác ướp.
Trong khi nhiều học giả chỉ trích việc phục chế này, giáo sư Evans lại cho rằng chiếc mặt nạ nói trên không đủ tiêu chuẩn để trở thành một mẫu vật trưng bày trong bảo tàng, nhưng lại ẩn chứa những dòng ký tự đáng chú ý.

Kinh Phúc âm của Mark là cuốn kinh thứ hai và cũng là cuốn sách ngắn nhất trong bộ kinh Tân ước. Nhiều học giả cho rằng đây là cuốn sách Phúc âm ra đời sớm nhất và được viết bởi một tác giả vô danh.

Trong cuốn sách của mình, Mark kể lại cuộc đời của Chúa Jesus từ khi được rửa tội đến khi chết và được chôn cất và biến mất trong mộ.

Jesus được mô tả như một vị anh hùng, một thầy trừ tà, người chữa bệnh và người mang phép lạ.

Một số học giả phản đối việc phá hủy chiếc mặt nạ để lấy những mảnh giấy có chép kinh, nhưng nhóm nghiên cứu cho rằng chiếc mặt nạ này không đủ tiêu chuẩn để trở thành mẫu vật trưng bày ở bảo tàng. (Nguồn: Alamy)

Cùng với việc nghiên cứu các văn bản khác được dùng để làm chiếc mặt nạ, các nhà khoa học còn xác định niên đại của các trang kinh Phúc âm bằng cách xác định niên đại các bon và nét chữ. Họ tin rằng cuốn sách được viết trước năm 90 sau Công nguyên.

Tuy nhiên, khi toàn bộ phần chữ viết được khôi phục lại, họ sẽ thu được nhiều thông tin hơn.

Các nhà nghiên cứu tin rằng những mảnh giấy này sẽ cho biết liệu kinh phúc âm của Mark có thay đổi gì trong hàng thế kỷ qua hay không.

Giáo sư Evans rất hứng thú khi tìm hiểu những cuốn kinh làm từ giấy papyrus đã được sử dụng bao lâu trước khi được dùng làm mặt nạ, vì điều này sẽ hé lộ cách các bản kinh thánh được sao chép lại.

“Chúng tôi có mọi lý do để tin rằng những bản chép tay đầu tiên và các bản sao của chúng có thể đã tồn tại trong khoảng 100 năm, hoặc thậm chí tới 200 năm,” giáo sư giải thích./.

Ai Cập phát hiện một xác ướp cổ có niên đại 4.000 năm

(TTXVN/Vietnam+)
Một xác ướp cổ được tìm thấy ở Ai Cập. (Nguồn AFP)

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, một nhóm nhà khảo cổ Tây Ban Nha vừa khai quật xác ướp một người phụ nữ có niên đại 4.000 năm dưới nền ngôi đền đổ nát thờ Hoàng đế Thutmosis III, nằm ở phía Tây thành phố du lịch nổi tiếng Luxor của Ai Cập.

Ông Aly el-Asfar, thuộc Bộ Cổ vật Ai Cập, cho biết cả xác ướp lẫn chiếc quan tài gỗ đã bị hư hỏng nặng, toàn bộ khu di tích này đều thuộc thời kỳ Trung Vương quốc (từ năm 2.000 đến năm 1.700 trước Công nguyên).

Quan tài vẫn được niêm phong cho thấy ngôi mộ và các đồ tùy táng dường như đã không bị những kẻ đào mộ viếng thăm trong suốt 4 thiên niên kỷ qua.

Xác ướp nói trên, được cho là của một phụ nữ quý tộc khoảng 30 tuổi, đã được tìm thấy với các đồ trang sức còn nguyên vẹn, trong đó có một sợi dây chuyền mạ vàng khảm ngọc lưu ly, một mặt dây chuyền vàng hình vỏ ốc, hai vòng đeo chân bằng bạc đã bị hư hỏng nặng và hai vòng vòng đeo cổ tay bằng vàng.

Theo tiến sỹ Myriam Seco Álvarez, trưởng nhóm khảo cổ, phát hiện này rất quan trọng do có ít di tích thuộc thời kỳ Trung Vương quốc được khai quật cho tới nay.

Việc khám phá ra xác ướp nói trên cũng cho thấy khu vực này có một nghĩa địa từng được các quý tộc Ai Cập cổ đại và các quan chức cấp cao thời Trung vương quốc sử dụng.

Đền thờ Pharaoh Thutmosis III đã được phát hiện tình cờ năm 1960 trong quá trình phục chế đền thờ Nữ hoàng Hatshepsut và Pharaoh Mentuhotep II. Được mệnh danh là "Napoleon của Ai Cập cổ đại," Hoàng đế Thutmosis III là danh tướng và nhà chính khách từng cai trị Ai Cập trong hơn 40 năm. Ông từng trải qua nhiều năm huấn luyện trong quân đội trước khi lên kế tục mẹ kế và cũng là chị gái cùng cha khác mẹ của mình là Nữ hoàng Hatshepsut./.

Peru: Xác ướp phụ nữ 1.000 năm tuổi trong tư thế ngồi co

My Nguyễn (Vietnam+)
Xác ướp phụ nữ 1.000 năm tuổi. (Nguồn:AFP/Getty Images)

Hơn 1.000 năm về trước, người phụ nữ 50 tuổi này đã "yên giấc ngàn thu" và được ướp xác ở Pachacamac, gần Lima, Peru.

Bộ xương xác ướp được tìm thấy trong một khu nghĩa trang rộng lớn chỉ cách một đền thờ bị bỏ hoang vài mét, trong tư thế ngồi co lại giống như thai nhi.
Để giữ được tình trạng được bảo quản rất tốt của xác ướp, các nhà khảo cổ đã giữ nguyên tư thế xác ướp như khi được phát hiện trong quá trình chuẩn bị cho ra mắt tại một buổi triển lãm của bảo tàng Musee de Confluences, Lyon, Pháp khi bảo tàng mở cửa vào cuối tháng này.

Là một hiện vật từ nền văn minh tiền Inca, xác ướp mỏng manh này sẽ góp phần vào bộ sưu tập những phát hiện liên quan tới cái chết và các tục lệ mai táng trong nhiều thời đại và nền văn hóa khác nhau trên toàn thế giới.

Pachacamac nằm cách thủ đô Peru khoảng 25 dặm về phía nam, trên bờ biển Thái Bình Dương. Hơn 80 bộ xương và xác ướp, bao gồm cả trẻ sơ sinh, có thể đã bị giết hại vì lý do nghi lễ, đã được phát hiện trong một ngôi mộ 1000 năm tuổi tại Pachacamac vào năm 2012.

Ngoài những hài cốt này, 70 bộ xương và xác ướp khác - tất cả đều trong tư thế ngồi co - cũng được tìm thấy, hầu hết đều được cuốn lại.

Hàng nghìn người đã sinh sống tại thị trấn cổ xưa này từ khoảng năm 800 tới năm 1450, theo bước thần Pacha Kamaq, được cho là vị thần đã tạo nên người đàn ông và đàn bà đầu tiên.


Những cư dân tại đây đã xây dựng 17 kim tự tháp, và sáp nhập với người Inca khi chinh phục phần lớn Nam Mỹ. Khu vực này bao gồm 600 hecta đất khô cằn, được coi là một trong những khu định cư cổ quan trọng nhất tại Nam Mỹ, thậm chí ngang với Machu Picchu hay những hình vẽ trên cao nguyên Nazca.

Xác ướp người phụ nữ được phát hiện bởi dự án Ychsma, được đại học nghiên cứu Université Libre de Bruxelles, Bỉ chỉ đạo. Trường đã từng tổ chức các cuộc khai quật khảo cổ tại Pachacamac kể từ năm 1999./.

Phát hiện xác ướp nhà sư ngồi thiền theo tư thế hoa sen ở Mông Cổ

Mai Nguyễn (Vietnam+)
Xác ướp này khoảng 200 năm tuổi. (Nguồn: ibtimes)

Xác ướp một nhà sư đang ngồi thiền được bảo quản còn nguyên vẹn vừa được phát hiện tại tỉnh Songinokhairkhan, Mông Cổ.
Theo IBTimes, Khi được tìm thấy, xác ướp nhà sư này vẫn còn ngồi thiền ở tư thế hoa sen. Vị tu sỹ được cho là sống vào khoảng những năm 1800.
Theo tờ báo Mongolia's Morning, xác ướp đã được tìm thấy tại Songinokhairkhan hồi đầu tuần này.

Bài báo viết: "Xác ướp ngồi ở tư thế hoa sen, như thể vẫn đang ngồi thiền. Sau khi thực hiện các kiểm tra cơ bản, các chuyên gia cho rằng xác ướp này có thể đã khoảng 200 năm tuổi. Xác ướp còn được bọc trong một tấm da bò."

Các chuyên gia đang tiến hành phân tích xác ướp tại Trung tâm Giám định Pháp y Quốc gia Ulaanbaatar. Họ suy đoán rằng đây là xác ướp của Dashi-Dorzho Itigilov, một tu sỹ, cũng là một người chuyên giảng dạy về Phật giáo sinh năm 1852./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét