Thứ Sáu, 2 tháng 5, 2014

NGUYÊN NHÂN TẤT YẾU KẾT CUỘC TẤT YẾU 17/b (Đổi mới)

(ĐC sưu tầm trên NET)

                                   

Kinh tế Việt Nam, 1976-1986

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Lịch sử kinh tế Việt Nam giai đoạn 1976-1986 là giai đoạn áp dụng mô hình kinh tế cũ ở miền Bắc cho cả nước sau khi thống nhất và đồng thời là giai đoạn của những tìm tòi để thoát khỏi mô hình này. Đây là thời kỳ của 2 kế hoạch 5 năm 1976-1980 và 1981-1986.

Thời kỳ xác lập mô hình kinh tế chung cho cả nước

Mô hình kinh tế

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, Việt Nam Cộng hòa sụp đổ, nước Việt Nam thống nhất. Ngày 16 tháng 5 năm 1975, Bí thư thứ Nhất Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn đã trực tiếp vào miền Nam nắm tình hình, gồm cả tình hình kinh tế. Ông thừa nhận những yếu tố tích cực của kinh tế tư nhân và của thị trường tự do ở miền Nam. Tại cuộc họp trù bị của Hội nghị lần thứ 24 Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam khóa III, ông đã phát biểu:
Ở miền Bắc trước đây phải hợp tác hóa ngay lập tức. Nhưng miền Nam bây giờ không thể làm như vậy ... Phải có tư sản, phải cho nó phát triển phần nào đã ... Bộ Chính trị sau khi nghiên cứu thấy rằng cần phải để mấy thành phần kinh tế là quy luật cần thiết trong giai đoạn bước đầu này ... Xưa nay ở miền Bắc chúng ta có một số sai lầm, là vì chúng ta đã đi sai quy luật. Nếu chúng ta đi sai quy luật mà đưa vào miền Nam thì càng sai lắm.
Tuy nhiên, đa số Ban chấp hành Trung ương Đảng lúc ấy muốn áp dụng mô hình kinh tế của miền Bắc cho miền Nam. Vì thế, Hội nghị cuối cùng quyết nghị: xóa bỏ tư sản mại bản, cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với tư sản dân tộc, thí điểm xây dựng hợp tác xã, cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thủ công nghiệp và thương nghiệp nhỏ.
Tiếp theo, Đại hội Đại biểu Toàn quốc của Đảng Lao động Việt Nam được tổ chức vào tháng 12 năm 1976. Tại đây, Đại hội quyết nghị đổi tên nước thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đổi tên Đảng thành Đảng Cộng sản Việt Nam, khẳng định đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước. Nội dung chính của đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội là:
Thứ nhất, thực hiện sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Sản xuất lớn có nghĩa là nền kinh tế dựa vào những đơn vị có quy mô lớn, huyện trở thành pháo đài kinh tế-xã hội, các tỉnh được sáp nhập lại còn 29 tỉnh. Còn sản xuất xã hội chủ nghĩa tức là nền kinh tế dựa vào 2 thành phần kinh tế cơ bản: quốc doanh (trong côngthương nghiệp) và tập thể (trong nông nghiệp - với hợp tác xã cấp cao là nòng cốt). Để thực hiện được sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, cần tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng: quan hệ sản xuất, khoa học kỹ thuật, và văn hóa tư tưởng. Cách mạng quan hệ sản xuất có nội dung cơ bản là cải tạo các thành phần kinh tế tư nhân, cá thể, biến chúng thành các thành phần kinh tế quốc doanh và tập thể - gọi chung là cải tạo xã hội chủ nghĩa.
Thứ hai, làm chủ tập thể. Đây là một tư tưởng do Lê Duẩn sáng tạo mà rất ít người hiểu, kể cả các nhà triết học.
Thứ ba, áp dụng chế độ kế hoạch hóa tập trung. Đây là mô hình chung ở các nước xã hội chủ nghĩa. Ở Việt Nam nó được thực hiện theo một công thức do Lê Duẩn sáng tạo, đó là: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân lao động làm chủ. Tại Đại hội IV, đường lối này được thể hiện bằng chủ trương tiến hành kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 1976-1980. Theo kế hoạch do Đại hội IV định hướng, sản xuất xã hội sẽ tăng bình quân hàng năm 14-15%, thu nhập quốc dân tăng 13-14%, giá trị tổng sản lượng nông nghiệp tăng 8-10%, năng suất lao động xã hội tăng 7,5-8%, lương thực quy thóc đạt ít nhất 21 triệu tấn vào năm 1980, thịt hơi các loại đạt 1 triệu tấn.
Thứ tư, công nghiệp nặng được lựa chọn làm ngành động lực chính của tăng trưởngphát triển kinh tế.
Thứ năm, Nhà nước độc quyền về kinh tế đối ngoại.


Đẩy mạnh sản xuất tập trung ở Miền Bắc

Theo Kế hoạch 5 năm 1976-1980 thì diện tích đơn vị sản xuất, tức hợp tác xã nông nghiệp ở Miền Bắc tăng gấp hai đến 2,5 lần hầu kích thích sản xuất nhưng năng suất vẫn trì trệ. Tính trên đầu người thì lượng thực phẩm ở Miền Bắc giảm từ 248 kg vào năm 1976 xuống chỉ còn 215 kg vào năm 1980. Dù không đạt được mục đích chính phủ vẫn quyết định áp dụng cùng một chính sách ở Miền Nam vừa mới thống nhất.

Cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam


Tốc độ tăng trưởng thu nhập quốc dân thực tế hàng năm.

Hợp tác hóa

Việc hợp tác hóa ở miền Nam được tiến hành khẩn trương trong các năm từ 1977 đến 1980. Theo kế hoạch thì ruộng đất được tập hợp lại để tổ chức canh tác tập thể, sản phẩm được phân chia căn cứ theo mức đóng góp. Máy móc nông nghiệp của nông dân bị trưng mua để thành lập các tập đoàn phục vụ sản xuất nông nghiệp. Các tập đoàn sản xuất có nghĩa vụ bán sản phẩm của mình cho Nhà nước theo giá kế hoạch thấp hơn rất nhiều giá thị trường. Bù lại, Nhà nước cung cấp vật tư và hàng hóa tiêu dùng cho các tập đoàn. Tuy nhiên tình hình kinh tế Miền Nam không thích hợp với mô hình hợp tác hóa vì chương trình "Người cày có ruộng" vào đầu thập niên 1970 đã phân phối ruộng đất khiến đa số nông dân Miền Nam thuộc hạng trung nông với năng suất khá cao. Hơn nữa chính quyền cũng đã nhận thấy lịch sử hợp tác hóa ở miền Bắc đã gặp nhiều thất bại nên hợp tác hóa ở miền Nam cũng bị bỏ dở.
Tính đến cuối năm 1979, ở Miền Nam thành lập được 1.286 hợp tác xã và hơn 15.000 tổ sản xuất bao gồm khoảng 50% nông dân. Vậy mà sang năm 1980 các tổ chức này đã tan rã, chỉ có trên giấy tờ mà không hoạt động được như kế hoạch. Hậu quả là sản xuất nông nghiệp khựng lại trong khi dân số tăng, gây ra cảnh thiếu thực phẩm khiến từ năm 1976 đến 1980 mặc dù trong hoàn cảnh hòa bình Việt Nam phải nhập cảng 5,6 triệu tấn thực phẩm.

Cải tạo công thương nghiệp

Cuối tháng 8 năm 1975, Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam đã chỉ đạo tiến hành các chiến dịch cải tạo. Tiếp theo, Thường vụ Trung ương Cục miền Nam thông qua một kế hoạch nhắm vào tư sản mại bản, gọi bằng mật danh là Chiến dịch X2. Đợt 1 của chiến dịch này thực hiện bất ngờ vào nửa đêm ngày 9 tháng 9 năm 1975; đợt 2 được tiến hành từ ngày 4 đến ngày 6 tháng 12. Trong Chiến dịch X2, nhiều nhà tư sản lớn của miền Nam đã bị bắt, tài sản của họ bị tịch thu.
Song song với tấn công tư sản mại bản, chiến dịch di dân thành phố về nông thôn, đưa những người buôn bán về các vùng kinh tế mới.
Dù vậy, các hoạt động cải tạo công thương ở miền Nam cho đến trước năm 1978 vẫn diễn ra một cách thận trọng. Vị Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh lúc đó là Nguyễn Văn Linh là người am hiểu tình hình giới tư sản miền Nam, nên các biện pháp của ông mềm dẻo, tỏ thái độ trân trọng và có văn hóa đối với giới tư sản. Nhưng chính điều này khiến Nguyễn Văn Linh bị mất chức bí thư thành ủy vào năm 1978, bị đưa ra khỏi Bộ Chính trị, điều chuyển khỏi công tác phụ trách Ban Cải tạo công thương nghiệp tư doanh Trung ương sang phụ trách công tác dân vận, công đoàn.
Từ năm 1978, hoạt động cải tạo công thương nghiệp diễn ra mạnh hơn. Đối tượng bị cải tạo rộng hơn trước. Sâu rộng với toàn giới là cuộc đổi tiền năm 1978.


Thống nhất tiền tệ

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Việt Nam thống nhất lãnh thổ và tiếp sau đó là thống nhất về chế độ chính trị. Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tự giải tán và chính thức hợp nhất với chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để ra đời chính quyền Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam cũng tuyên bố hợp nhất với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tuy nhiên, nền kinh tế quốc gia vẫn còn bị chia cắt trên một số lĩnh vực. Một trong số đó là việc tồn tại đồng thời 2 đơn vị tiền tệ: Đồng (tiền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa)Đồng (tiền Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam). Việc chấp nhận 2 đơn vị tiền tệ cùng tồn tại thời gian đầu được Đảng Cộng sản Việt Nam giải thích là "tuy là một nước thống nhất, nhưng do còn có sự khác biệt về phương thức sản xuất và phân phối, chúng ta phải tạm thời cho lưu hành hai đồng tiền khác nhau ở hai miền." Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn xem điều này là "trở ngại trong giao lưu kinh tế và thanh toán giữa hai miền". Mặt khác, quốc hiệu của Việt Nam đã được đổi thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không dùng quốc hiệu cũ vẫn ghi trên các đơn vị tiền tệ đang lưu thông. Do đó, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã có chủ trương thống nhất tiền tệ.
Ngày 01 tháng 4 năm 1978, Bộ Chính trị ra nghị quyết số 08-NQ/TW về việc phát hành tiền ngân hàng mới, thu hồi tiền ngân hàng cũ ở hai miền, thống nhất tiền tệ trong cả nước. Nội dung nghị quyết có đoạn:
Tình hình mới đòi hỏi phải thống nhất tiền tệ và củng cố tiền tệ trong cả nước, làm cho đồng tiền của ta thực hiện được chức năng là thước đo giá trị của hàng hoá, là phương tiện để lưu thông hàng hoá, để tính toán và thanh toán giữa các ngành kinh tế quốc dân, là công cụ trong tay Nhà nước để tổ chức sản xuất, lưu thông, phân phối, tổ chức đời sống nhân dân, phục vụ cải tạo các thành phần kinh tế theo chủ nghĩa xã hội và phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa.
Việc phát hành tiền mới, thống nhất tiền tệ lần này phải đạt được những yêu cầu chủ yếu sau đây:
1. Xây dựng hệ thống tiền tệ thống nhất và ổn định cho cả nước, làm công cụ có hiệu lực trong tay Nhà nước để thúc đẩy kế hoạch hoá tổ chức sản xuất, tổ chức đời sống nhân dân, phân công mới lao động xã hội, phục vụ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và cải tạo các thành phần kinh tế theo chủ nghĩa xã hội.
2. Qua thu đổi và quản lý tiền tệ và những biện pháp kinh tế khác, tước đoạt lại phần thu nhập của bọn đầu cơ tích trữ, bọn ăn cắp và những nguồn thu nhập không chính đáng khác, góp phần đấu tranh nhằm xoá bỏ bóc lột, xoá bỏ lối làm ăn phi pháp, phá rối thị trường của tư thương, phục vụ và thúc đẩy cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam, hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đưa cả nước tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.
3. Nắm tình hình thu nhập bằng tiền ở các vùng, trong các cơ quan, xí nghiệp và các tầng lớp dân cư để có kế hoạch và biện pháp tăng cường công tác tổ chức điều hoà lưu thông tiền tệ, bảo đảm yêu cầu sản xuất, tiêu dùng của nhân dân, phục vụ lưu thông hàng hoá và thúc đẩy việc cải tiến và tăng cường quản lý kinh tế, quản lý tài chính trong các ngành và ở các địa phương.
Nội dung này cho thấy việc thống nhất tiền tệ vừa bao gồm mục đích tạo thuận lợi cho trao đổi và thanh toán, vừa bao gồm mục đích kiểm soát lượng tiền trong lưu thông, lại vừa bao gồm mục đích cải tạo xã hội chủ nghĩa.
Ngày 02 tháng 5 năm 1978, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam đã ra quyết nghị số 230 NQ-QH/K về việc Thống nhất tiền tệ trong cả nước, thu đổi tiền Ngân hàng Nhà nước hiện đang lưu hành ở hai miền Việt Nam và phát hành tiền mới của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Ngày 05 tháng 5 năm 1978, công việc đổi tiền được tiến hành trên toàn quốc. 1 đồng (tiền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) đổi bằng 1 đồng mới, 0,80 đồng (tiền Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam) đổi bằng 1 đồng mới.
Mức tiền mặt được đổi ngay được ấn định như sau: Mỗi hộ độc thân được đổi ngay đến mức tối đa ở thành thị là 100 đồng, ở nông thôn là 50 đồng; Mỗi hộ gia đình có 2 nhân khẩu được đổi ngay ở thành thị mức tối đa là 200 đồng, ở nông thôn là 100 đồng; Mỗi hộ gia đình có 3 nhân khẩu trở lên được đổi thêm cho mỗi nhân khẩu ở thành thị là 50 đồng, ở nông thôn là 30 đồng, những hộ nhiều nhân khẩu nhất cũng chỉ được đổi ngay đến mức tối đa ở thành thị là 500 đồng, ở nông thôn là 300 đồng; Mỗi nhân khẩu trong các hộ tập thể, như bộ đội, công an vũ trang, công nhân viên chức, sinh viên... được đổi ngay đến mức tối đa là 100 đồng. Ngoài số tiền mặt được đổi ngay, số còn lại được ghi vào sổ tiết kiệm hay tiền gửi và được rút ra cho sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh.

Hội nhập kinh tế

Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, Hoa Kỳ lập tức triển khai cấm vận kinh tế đối với Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ khoảng 1 năm sau, Hoa Kỳ đã có dấu hiệu muốn cải thiện quan hệ với Việt Nam. Henry Kissinger đề nghị Việt Nam cùng Hoa Kỳ thảo luận bình thường hóa quan hệ. Tổng thống Gerald Ford đề nghị Quốc hội Hoa Kỳ tạm ngừng cấm vận Việt Nam trong 6 tháng để tạo điều kiện cho trao đổi giữa 2 nước. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thì đề ra lộ trình 3 bước bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Hoa Kỳ tuyên bố sẵn sang bỏ cấm vận Việt Nam và tiến hành viện trợ nhân đạo nếu Việt Nam trao trả hài cốt binh sỹ Hoa Kỳ và không đặt vấn đề bồi thường chiến tranh. Ngày 4 tháng 5 năm 1977, Hoa Kỳ đồng ý để Việt Nam vào Liên Hiệp Quốc.
Tây Âu sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam. Năm 1978, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Phạm Văn Đồng đi thăm một loạt nước Tây Âu.
Đông Nam Á muốn tạo dựng mối quan hệ hữu nghị với Việt Nam. Năm 1977, Phạm Văn Đồng đi thăm các nước Philippines, Singapore, Thái Lan.
Dù có quan hệ quốc tế khá thuận lợi để đẩy mạnh hội nhập kinh tế rộng rãi, nhưng Việt Nam đã không tranh thủ. Năm 1978, Việt Nam gia nhập Hội đồng Tương trợ Kinh tế.

Tình hình thực hiện


Do sản xuất kém phát triển, hàng hóa không đủ, nên việc phân phối bị kiểm soát bằng chế độ tem phiếu
Việc thực hiện kế hoạch kinh tế 5 năm 1976-1980 gặp nhiều khó khăn. Trước tiên là nguồn viện trợ từ phía các nước xã hội chủ nghĩa giảm sút. Đặc biệt, viện trợ từ Trung Quốc chấm dứt hoàn toàn từ năm 1977. Các nguồn viện trợ này gồm những mặt hàng quan trọng như gạo, sợi, đường, sữa, vải vóc, thuốc men, v.v… Sau khi tham gia Hội đồng Tương trợ Kinh tế, Việt Nam phải theo thể chế giá của khối này, trong đó có nguyên tắc giá trượt. Với nguyên tắc này, mức viện trợ 1,5 tỷ ruble cho Việt Nam chỉ có sức mua bằng 600-700 triệu ruble trước khi vào khối. Thứ hai, từ năm 1978, Khmer Đỏ tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới. Chi tiêu cho quốc phòng của Việt Nam vì vậy tăng mạnh. Tháng 1 năm 1979, Việt Nam phản công đánh sang Campuchia. Chiến sự ở biên giới phía Bắc bùng nổ. Chi phí quốc phòng lại càng tăng vọt. Viện trợ cho Lào và Campuchia cũng tăng lên. Trong khi đó, nhiều nước phương Tây và Nhật Bản vốn có viện trợ cho Việt Nam đã ngừng cung cấp viện trợ. Thứ ba, cuối năm 1978 và cả năm 1979, đồng bằng sông Cửu Long chịu những trận lũ lớn. Diện tích canh tác bị ngập úng tới 5-6 tháng. Thứ tư, và quan trọng, là cơ chế kinh tế mới áp dụng ở miền Nam đã khiến cho nền kinh tế miền Nam nói riêng và cả nước nói chung sa sút.

 

Thời kỳ đổi mới

Xé rào ở cơ sở

Do đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn, do sản xuất ách tắc, các cơ sở kinh tế và địa phương đã tìm những cách thức để giải quyết khó khăn và ách tắc của mình. Nổi bật nhất là trường hợp khoán ở xí nghiệp đánh cá Vũng Tàu - Côn Đảo năm 1979, khoán ở xí nghiệp xe khách thành phố Hồ Chí Minh năm 1979, khoán nông nghiệp ở Đoàn Xá (Đồ Sơn, Hải Phòng) năm 1980, “phá giá thu mua” lúa của công ty lương thực thành phố Hồ Chí Minh năm 1979 và của An Giang năm 1980, áp dụng cơ chế giá thị trường và bù giá vào lương ở Long An, sự bùng nổ của các công ty xuất nhập khẩu (các imex) ở các tỉnh, thành phố, nhập lậu hàng second hand của các thủy thủ viễn dương, buôn bán hàng hóa của học sinh, cán bộ, lao động Việt Nam ở Đông Âu, chủ động vay ngoại tệ từ Vietcombank để nhập nguyên liệu của xí nghiệp dệt Thành Công (thành phố Hồ Chí Minh), xí nghiệp thuốc lá Vĩnh Hội, xí nghiệp dệt lụa Nam Định, xí nghiệp thuốc là Bông Sen (Thanh Hóa). Những điển hình “vượt khó” này đã nhanh chóng được học tập, nhân rộng.
Đặc biệt, một số cố vấn Liên Xô đã đánh giá cao các cơ sở kinh tế phá rào nói trên. Sau khi Việt Nam gia nhập Hội đồng Tương trợ Kinh tế, Liên Xô đã cử các chuyên gia kinh tế sang giúp Việt Nam. Các chuyên gia này chia làm 2 loại. Một là các nhà kinh tế học từ các trường và viện nghiên cứu. Hai là các nhà quản lý kinh tế. Trong khi các nhà quản lý cố vấn cho các bộ, ngành Việt Nam cách thức quản lý kinh tế kiểu kế hoạch hóa tập trung, thì các nhà kinh tế học lại mở những lớp giảng dạy về Chính sách kinh tế mới (NEP) của Lenin. Mặc dù các lớp học về NEP đã làm mất lòng tổng cố vấn Liên Xô, nhưng nó lại làm cho các học viên Việt Nam thích thú. Nội dung của lớp học phù hợp với nhu cầu tìm tòi hướng đi mới của các cán bộ Việt Nam, vừa là cái ô che chở cho những cán bộ có tinh thần đổi mới bởi lẽ NEP là sáng tạo của Lenin và người truyền bá lại là các giáo sư Liên Xô. Ý kiến của các học giả-cố vấn Liên Xô đã cổ vũ các địa phương, các cơ sở kinh tế mạnh dạn đi tới, đồng thời có tác dụng thuyết phục ít nhiều đối với những người còn phân vân.

Đổi mới tư duy ở Trung ương

Nhận ra những bất cập của cơ chế kinh tế hiện hành, từ những kết quả tích cực của phong trào “phá rào” ở cơ sở, Nhà nước Việt Nam cũng bắt đầu có một số thay đổi trong chính sách quản lý kinh tế.

Hội nghị Trung ương 6 khóa IV

Tháng 9 năm 1979, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IV tiến hành hội nghị lần thứ 6. Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Phạm Văn Đồng đã đọc báo cáo mang tên Những vấn đề kinh tế cấp bách. Cuối cùng Hội nghị đã ra nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 20 tháng 9 năm 1979 với tinh thần chính là:
  • Cho phép kết hợp kế hoạch hóa với cơ chế thị trường
  • Sử dụng lại kinh tế tư nhân bao gồm cả tư bản tư nhân dưới sự quản lý của Nhà nước
  • Sửa lại giá lương thực và giá các nông sản khác theo hướng dựa trên thỏa thuận.
  • Cho phép địa phương tiến hành xuất nhập khẩu
Sau này, Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận-thực tiễn qua 20 năm đổi mới (1986-2006) đã đánh giá kết quả Hội nghị Trung ương 6 khóa IV là “bước đột phát thứ nhất về tư duy và quan điểm kinh tế”.
Để đưa Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 vào thực hiện, những nhân vật có quan điểm cấp tiến được đưa vào những vị trí then chốt của nền kinh tế. Trong khi đó, Ban Cải tạo công thương nghiệp tư doanh Trung ương chỉ còn nhiệm vụ tổng kết công tác đã làm.

Khoán 100

Sau khi kinh nghiệm khoán của Đoàn Xá được thí điểm ở toàn huyện Đồ Sơn và Hải Phòng đem lại kết quả tích cực, Hội nghị Trung ương 9 khóa IV (tháng 12/1980) đã quyết định mở rộng việc thực hiện và hoàn thiện khoán sản phẩm trong nông nghiệp. Tuy nhiên, theo Hoàng Tùng, lúc bấy giờ trong Bộ Chính trị chỉ có Tổng bí thư Lê Duẩn và các ông Võ Chí Công, Lê Thanh Nghị và Hoàng Tùng là ủng hộ chính sách khoán. Còn lại, bao gồm cả Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương Đảng, phản đối. Trong Hội đồng Chính phủ thì chỉ Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Ngọc Trìu ủng hộ, Chủ tịch Hội đồng Phạm Văn Đồng lưỡng lự, một số Phó Chủ tịch Hội đồng phản đối. Để cho chính sách khoán nông nghiệp có thể thực hiện được, những người ủng hộ đã phải ban hành nó dưới dạng chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thay vì đáng lẽ phải là Nghị quyết của Bộ Chính trị. Ngày 13 tháng 1 năm 1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị 100-CT/TW về Cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp. Chỉ thị này cho phép áp dụng chế độ khoán trong toàn bộ nền nông nghiệp cả nước. Chế độ khoán này thường được gọi tắt là Khoán 100.

Chế độ 3 kế hoạch

Ở cấp cơ sở, các cơ sở kinh tế, nhất là trong công nghiệpgiao thông vận tải, trong khi tìm cách giải quyết khó khăn cho cơ sở mình đã tìm cách liên kết với các cơ sở bạn để tìm nguyên liệu và tìm cách tiêu thụ đầu ra. Họ gọi đây là “kế hoạch 2”, trong khi “kế hoạch 1” là kế hoạch do Trung ương giao. Một số cơ sở còn tìm cách sản xuất cho thị trường tự do, gọi đây là “kế hoạch 3”. Kế hoạch 2 từng bị coi là móc ngoặc, còn kế hoạch 3 từng bị coi là làm ăn phi pháp.
Triển khai thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 khóa IV, Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định số 25-CP ngày 21 tháng 1 năm 1981 về Một số chủ trương và biện pháp nhằm tiếp tục phát huy quyền chủ động sản xuất, kinh doanh và quyền tự chủ về tài chính của các xí nghiệp quốc doanh. Quyết định này cho phép áp dụng chế độ 3 kế hoạch.

Kết quả của Đổi mới

Từ năm 1981, kinh tế Việt Nam khởi sắc. Sản lượng lương thực tăng mạnh, giá trị sản lượng công nghiệp tăng khá, thâm hụt thương mại giảm đáng kể.

                                     

Thời kỳ siết lại


Diễn biến lạm phát.
Mặt trái của sự “phá rào” là gây ra những lộn xộn, mất trật tự. Kế hoạch tập trung do Trung ương giao thì bị bỏ bê trong khi kế hoạch 2 và kế hoạch 3 thì lại được thực hiện tích cực. Tình trạng tranh mua, tranh bán xuất hiện khiến giá hàng bị đẩy lên cao. Để thu mua được mức kế hoạch đề ra, Nhà nước phải in thêm tiền, vì thế lạm phát tăng tốc.
Những mặt trái này khiến cho các tư tưởng thủ cựu nổi lên, muốn quay trở lại cơ chế cũ.
Cả báo cáo chính trị do Tổng Bí thư Lê Duẩn trình bày tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ V của Đảng Cộng sản Việt Nam, phần những nhiệm vụ chủ yếu về kinh tế-xã hội trong thời gian tiếp theo, lẫn Báo cáo của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng tại Đại hội về phương hướng, nhiệm vụ và các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội thời gian tiếp theo, đều hầu như không nhắc đến việc phải tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý kinh tế mới.
Ngày 17-18 tháng 2 năm 1982, Bộ Chính trị họp để xem lại Quyết định số 25/CP.
Ngày 15 tháng 5 năm 1982, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 04-CT/TW về việc mở một đợt sinh hoạt chính trị nhằm chấn chỉnh lại quan điểm và lập trường trong các vấn đề kinh tế.
Ngày 14 tháng 9 năm 1982, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 01-NQ/TW để uốn nắn lại những biểu hiện bị coi là chệch hướng ở thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 30 tháng 11 năm 1982, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 11-CT/TW về việc huy động lương thực năm 1983, trong đó có yêu cầu “đình chỉ ngay” tình trạng mua lúa giá cao, bán vật tư giá cao, trở về cơ chế thu mua theo giá chỉ đạo.
Hội nghị Trung ương 3 khóa V được tổ chức vào đầu tháng 12 năm 1983. Một trong 3 nội dung chính của Hội nghị là bàn về “mấy vấn đề cấp bách trong công tác phân phối lưu thông. Sau hội nghị, phân phối-lưu thông được chấn chỉnh theo hướng trở lại cơ chế phân phối lưu thông trước nghị quyết số 26-NQ/TW năm 1980. Các công ty xuất nhập khẩu địa phương được sáp nhập lại theo hướng mỗi tỉnh, thành chỉ còn một công ty xuất nhập khẩu.
Ngày 29 tháng 1 năm 1983, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 08-NQ/TW để uốn nắn lại những biểu hiện bị coi là buông lỏng quản lý ở Hà Nội.
Tháng 5 năm 1983, chiến dịch Z-30 được thực hiện ở một số địa phương như Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An. Trong chiến dịch này, một số gia đình bị coi là có tài sản bất chính (nhà 2 tầng, toa lét lát gạch men ngoại, các đồ gia dụng như TV, tủ lạnh, quạt máy mang về từ các nước tư bản) đã bị tịch thu.
Tháng 6 năm 1983, Hội nghị Trung ương 4 được tổ chức. Bài phát biểu kết thúc hội nghị của Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nhận định:
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã phạm sai lầm nặng nhất là không làm chủ thị trường, không làm chủ phân phối lưu thông …, đã buông lỏng cải tạo công thương nghiệp tư nhân, cải tạo tiểu, thủ công nghiệp và tiểu thương, để cho bọn tư sản cũ và mới phục hồi và phát triển, có thêm thế lực chống chủ nghĩa xã hội. Việc hợp tác hóa nông nghiệp ở Nam Bộ so với nhu cầu tiến hành có phần chậm. Trong phạm vi cả nước đã buông lỏng việc củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa.
Tháng 12 năm 1983, Hội nghị Trung ương 5 được tổ chức. Hội nghị này, như Báo cáo tóm tắt tổng kết một số vấn đề lý luận-thực tiễn qua 20 năm đổi mới trình Hội nghị Trung ương 11 khóa IX đánh giá, đã:
"… xem sự chậm chạp trong cải tạo xã hội chủ nghĩa là một trong những nguyên nhân của tình trạng khó khăn về kinh tế-xã hội, và chủ trương đẩy mạnh hơn nữa về cải tạo xã hội chủ nghĩa. Nhà nước phải nắm hàng, nắm tiền, xóa bỏ thị trường tự do về lương thực và các nông-hải sản quan trọng, thống nhất quản lý giá, bảo đảm cung cấp đủ 9 mặt hàng theo đúng định lượng cho người ăn lương, lập cửa hàng cung cấp… trong hợp tác xã nông nghiệp thì quản lý, điều hành chặt chẽ tất cả các khâu theo kế hoạch …
                     

Cải cách giá-lương

Thời kỳ 1979-1982 là thời kỳ có những chuyển biến trong tư duy về kế hoạch hóa kinh tế, về chính sách giá thu mua nông sản, về khoán sản xuất. Kết quả là kinh tế Việt Nam thời kỳ này có những khởi sắc. Tuy nhiên, cũng có những hậu quả tiêu cực như tình trạng tranh mua, tranh bán đẩy giá lên cao, tình trạng kế hoạch tập trung của nhà nước bị các đơn vị kinh tế không chấp hành do mải chạy theo kế hoạch 2 (kế hoạch liên doanh liên kết) và kế hoạch 3 (kế hoạch làm ăn kiểu thị trường). Những mặt tiêu cực này đã khiến hình thành chủ trương xét lại, thể hiện rõ qua Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ V vào tháng 3 năm 1982, hội nghị lần thứ 1 (tháng 9/1982), thứ 3 (tháng 12/1982), thứ 4 (tháng 6/1983)và thứ 5 (12/1983) của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa V, chiến dịch Z-30, v.v... Giữa lúc chủ trương uốn nắn lại được đẩy mạnh thì Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh trước vốn là được xem là người bảo thủ đã có những thay đổi lớn về tư duy, đặc biệt là sau khi nghiên cứu những kết quả của các cải cách thời kỳ 1979-1982 và đi thực tiễn địa phương ở nhiều nơi. Ông đã nêu ra ý kiến cần đổi mới và phải đổi mới triệt để tại các hội nghị trung ương lần thứ 6, và 7 . Đến hội nghị trung ương 8 (tháng 6/1985), Ban chấp hành trung ương đã quyết nghị tiến hành một cuộc cải cách lớn về giá - lương - tiền, với nội dung chính như sau:
  • Tính đủ chi phí hợp lý vào sản xuất
  • Thực hiện cơ chế một giá trong toàn bộ hệ thống giá cả
  • Đảm bảo tiền lương thực tế, thực sự đảm bảo cho người ăn lương sống chủ yếu bằng tiền lương, tái sản xuất được sức lao động.
  • Xác lập quyền tự chủ về tài chính của các ngành và các cơ sở kinh tế 
Để triển khai thực hiện nghị quyết của hội nghị trung ương 8 của Đảng, Nhà nước Việt Nam thành lập Ban chỉ đạo chiến dịch cải cách giá - lương - tiền do Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách phân phối lưu thông Trần Phương đứng đầu. Ban chỉ đạo có nhiệm vụ vừa thiết kế vừa triển khai chiến dịch. Tháng 8 năm 1985, phương án cải cách được đưa ra như sau:
  • Về giá, phải tính toán đầy đủ giá các mặt hàng Nhà nước cung cấp và giá các mặt hàng Nhà nước mua của nông dân, thợ thủ công theo giá sát với chi phí sản xuất. Để tiện cho tính toán, các mức giá trên được quy ra thóc. Còn giá thóc được xác định bình quân là 25 đồng/kg, dựa trên tính toán thực tế của các chuyên gia. Các địa phương khác nhau thì mức giá thóc quy đổi này có thể cao hoặc thấp hơn. Nhà nước ban hành mức giá mới của một số vật tư, như xăng, dầu, xi măng, sắt, theo đó giá sắt 6 tăng 11,5 lần so với mức giá cũ, giá xi măng tăng 12,5 lần.
  • Về lương, Ban chỉ đạo đề nghị tăng lương thêm 20%.
  • Về tiền, để đáp ứng giá mới và lương mới, phải in thêm tiền, để tổng tiền trong lưu thống là 120 tỷ đồng. Nhưng thời điểm đó, Việt Nam không tự in được tiền mà phải nhờ nước ngoài in. In nhiều tiền sẽ tốn thời gian. Vì lẽ đó, để in ít tiền mà vẫn có sức mua lớn, Ban chỉ đạo đưa ra chủ trương đổi tiền. Một đồng mới sẽ đổi lấy 10 đồng hiện hành. Như vậy 12 tỷ đồng in mới và đem đổi sẽ tương đương 120 tỷ đồng hiện hành.
Nhà lịch sử kinh tế Đặng Phong cho rằng Cải cách giá - lương - tiền đã bị vỡ trận.
Thứ nhất, các đơn vị kinh tế quốc doanh phản đối mức giá vật tư mới, cho rằng như thế quá cao và đề nghị giảm đi. Tại hội nghị thông báo mức giá mới, các bộ trưởng đã đề nghị các mức giá vật tư thấp hơn. Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Phạm Văn Đồng chấp thuận rút mức giá mới xuống khoảng 70% so với phương án của Ban chỉ đạo Cải cách.
Thứ hai, các bộ và các tỉnh (nhất là các tỉnh phía Nam) cho rằng mức tăng lương 20% là quá ít. Một số đề nghị nâng mức tăng lương lên 100%. Chính phủ cũng chấp nhận tăng lương 100%.
Chi ngân sách Nhà nước cho tiền lương tăng vọt, nhưng thu ngân sách lại không tăng bao nhiêu do giá vật tư không tăng bằng mức Ban Chỉ đạo đề nghị. Để cứu ngân sách, tiền được phát hành hơn rất nhiều so với kế hoạch. Lạm phát bùng nổ. Những vòng xoáy điều chỉnh giá - lương - tiền càng làm cho lạm phát leo thang nhanh chóng trong năm 1986. Tiền phát hành nhiều mà vẫn không đủ. Lương công nhân không có. Vật tư, hàng hóa khan hiếm. Giá bán lương thực dù tăng 10 lần vẫn không đủ bù đắp chi phí. Sản xuất nông nghiệp sa sút. Đầu tư trong công nghiệp giảm.
Chỉ số giá bán lẻ của thị trường xã hội năm 1986 tăng 587,2% so với năm 1985. Do đồng tiền mất giá, người ta quay sang lấy vàng làm bản vị, khiến giá vàng tăng vọt, còn nhanh hơn cả tăng giá hàng hóa .
Tuy kế hoạch cải cách giá - lương - tiền không diễn ra như kế hoạch do sự chắp vá giữa cải cách với mô hình cũ, gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong thời gian cuối năm 1985 và năm 1986, song chính sự khủng hoảng này đã làm cho các cấp các ngành nhận ra rằng đã cải cách là phải cải cách triệt để. Mô hình cũ phải bị đoạn tuyệt hoàn toàn. Trên cơ sở đó, Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 6 của Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 12 năm 1986 đã đưa ra những chủ trương cải cách, đổi mới lịch sử.

Vai trò lịch sử của Trường Chinh trong các năm 1984-1986

Nhà nghiên cứu sử kinh tế Đặng Phong cho rằng Trường Chinh là một trong những người lãnh đạo có trình độ học vấn cao, có phương pháp tư duy và làm việc bài bản nhưng thiên về những nguyên tắc cứng nhắc, sách vở, mô phạm, xa rời thực tiễn dẫn tới phạm sai lầm trong cải cách ruộng đất ở miền Bắc năm 1953-1956, từng phê phán mạnh mẽ khoán nông nghiệp ở Vĩnh Phú năm 1968, và ít nhất đến đầu năm 1983 vẫn chưa có chuyển biến lớn trong tư duy kinh tế.
Tuy nhiên, trước những báo cáo về tình hình đổi mới ở cơ sở, và sau những chuyến đi tìm hiểu thực tế tại các địa phương trong năm 1983, và tham khảo ý kiến của các chuyên gia có tư tưởng đổi mới, Trường Chinh đã có thay đổi lớn và nhanh chóng về tư duy kinh tế. Cũng từ thời gian này, sức khỏe của Tống Bí thư Lê Duẩn yếu đi nhiều, nên Trường Chinh nắm một số công việc của vị trí Tổng Bí thư Đảng. Ở cương vị này và với tư duy mới, Trường Chinh đã mở đường đi cho lịch sử Việt Nam. Tại Hội nghị Trung ương 6 khóa V (tháng 7/1984), Trường Chinh đã đọc một báo cáo trong đó ông cho rằng mô hình kinh tế hiện hành là mô hình “phi kinh tế, không thể chấp nhận được” và yêu cầu “thừa nhận sự tồn tại khách quan của giá thị trường”. Tại Hội nghị Trung ương 7 khóa V (tháng 12/1984) và 8 (tháng 5/1985), Trường Chinh tiếp tục nhấn mạnh những điểm đổi mới của mình về các vấn đề kinh tế. Mặc dù cải cách giá - lương - tiền không diễn ra như ông mong muốn và gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1985-1986, song nó đã khiến các cấp các ngành nhận thức được yêu cầu từ bỏ dứt khoát mô hình kinh tế cũ.
Đặc biệt, trong quá trình chuẩn bị báo cáo chính trị cho Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1986, Trường Chinh đã từ bỏ bản thảo trình Lê Duẩn (mới qua đời) mà ông đánh giá là chưa đáp ứng được những nhu cầu bức bách của cuộc sống và cho viết lại để cho ra đời một báo cáo lịch sử.
Trang này được sửa đổi lần cuối lúc 03:51, ngày 31 tháng 3 năm 2014.
                                                                        

Kim Ngọc 

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Kim Ngọc - BTTU.jpg
Kim Ngọc (1917-1979) là nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phú, ông được mệnh danh là "cha đẻ của khoán hộ" mà người ta quen gọi là "khoán mười", "cha đẻ của Đổi mới trong nông nghiệp" ở Việt Nam.

Hoạt động và sự nghiệp

Ông tên thật là Kim Văn Nguộc, sinh ngày 10 tháng 10 năm 1917 tại thôn Đại Nội, xã Bình Định, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc.
Năm 1939, ông gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Năm 1946 ông làm Bí thư Huyện ủy Tam Dương.
Năm 1947 ông làm Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Vĩnh Yên.
Năm 1950 ông làm Bí thư Huyện ủy Bình Xuyên.
Ông từng làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, từng tham gia khu ủy Việt Bắc;
Năm 1954 ông là Phó Chính ủy Quân khu Việt Bắc, Chính ủy Cục Công binh, sau đó là Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ.
Đến năm 1958 là Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc (từ tháng 3 năm 1952 đến tháng 10 năm 1955 và từ tháng 1 năm 1959 đến 1968).
Năm 1968 hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ sáp nhập thành tỉnh Vĩnh Phú, ông tiếp tục giữ chức vụ Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phú cho đến năm 1977.
Tháng 5 năm 1977, tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phú lần thứ III, Kim Ngọc xin rút khỏi chức bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú.
Năm 1978, Kim Ngọc chính thức về hưu.
Ngày 26 tháng 5 năm 1979 Kim Ngọc mất ở tuổi 62 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, Hà Nội.
Kim Ngọc là người khởi xướng việc "khoán hộ" trong nông nghiệp ở Việt Nam vào thập kỷ 60 của thế kỷ 20. Thời kỳ đó do sự bắt chước một cách máy móc mô hình tổ chức xã hội của Liên Xô, các nhân vật cấp cao trong đảng Cộng Sản đã không đánh giá đúng về khoán hộ nên ra sức kìm hãm và hạn chế. Kim Ngọc phải làm kiểm điểm và tự nhận "có sai lầm nghiêm trọng trong khoán hộ". Tuy nhiên, ông vẫn được tiếp tục bầu làm bí thư tỉnh uỷ.
Theo lời ông Nguyễn Thành Tô, thư ký riêng của Kim Ngọc, thì ông chưa bao giờ bị kỷ luật, kể cả trong khoán hộ mà "chỉ" bị làm bản kiểm điểm và tự phê bình nghiêm túc, sau khi có chỉ đạo trực tiếp của Trường Chinh, lúc bấy giờ là Chủ Tịch Hội Đồng Bộ Trưởng.

Quan điểm

Xã viên không coi ruộng đất là của mình nên họ chẳng thiết tha gì với đồng ruộng. Phải để nông dân làm chủ mảnh đất của mình.
Kim Ngọc 
Không thể bỏ khoán hộ. Phải tìm mọi cách duy trì dưới mọi hình thức khác nhau.
Kim Ngọc 

Cống hiến

Các cách khoán của Khoán hộ
  1. Khoán cho hộ làm một khâu hoặc nhiều khâu sản xuất trong một thời gian dài;
  2. Khoán cho hộ các khâu dài ngày hoặc suốt vụ;
  3. Khoán sản lượng cho hộ, cho nhóm;
  4. Khoán trắng ruộng đất cho hộ - Hình thức khoán trắng đơn giản, dễ tính toán nên được nông dân hưởng ứng rầm rộ và tự nó đã thành phong trào quần chúng rộng rãi trong toàn tỉnh Vĩnh Phúc. Có thể nói khoán hộ là bước mở đầu cho một tư duy mới về quản lý kinh tế hợp tác xã.
Sáng kiến "khoán hộ" hay "Cải tiến công tác quản lý lao động hợp tác xã" năm 1966, đã dẫn đến "khoán 10" hay "Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1988", tháo bỏ sự ràng buộc, kìm hãm của cơ chế quản lý lạc hậu, đưa Việt nam bao năm thiếu ăn trở thành nước xuất khẩu gạo thứ hai trên thế giới. Nghị quyết 10 hoàn toàn dựa trên những kinh nghiệm đúc kết của nhiều tỉnh thành Việt Nam đã âm thầm áp dụng khoán hộ của Kim Ngọc.

Phong cách làm việc

Thời gian biểu làm việc của Kim Ngọc:
1/3 thời gian dành cho việc đi thực tế ở các cơ sở;
1/3 thời gian dành cho việc đọc các loại sách báo, văn bản;
1/3 thời gian dành cho các cuộc hội họp.

Đánh giá

Công lao anh Kim Ngọc thật lớn, cần phải dựng tượng để tỏ lòng biết ơn con người như anh Kim Ngọc.
Nông dân ta no ấm, trước hết là nhờ ơn Đảng, ơn Bác Hồ. Nhưng trong quá trình xây dựng đất nước thì chúng ta phải cảm ơn Kim Ngọc, một đảng viên sáng tạo, dám chịu trách nhiệm đến cùng trước nhân dân... Đất nước phải biết ơn anh Kim Ngọc. Một người tâm huyết dám đưa ra cái mới, đến bây giờ đất nước có phát triển là nhờ có lúa gạo mà anh Ngọc đã đi tiên phong...
Dù đã được minh định rõ ràng, nhưng nỗi đau mà ông Kim Ngọc và gia đình đã hứng chịu vẫn để lại trong lòng mọi người niềm xót xa chung. Bi kịch Kim Ngọc, do đó, không còn là bi kịch cá nhân nữa. Đó cũng là bi kịch của đất nước trong quá trình đổi mới. Hơn nữa, còn là một bài học phản diện của lịch sử. Bài học đó vẫn còn luôn mới mẻ và có ích về sự nhìn nhận và phát hiện những nhân tố mới, yếu tố tiến bộ luôn sinh sôi nảy nở trong quá trình đi lên của đất nước.
Trần Minh - TUANVIETNAM.NET 
Bài học về khoán hộ ở Vĩnh Phú mãi còn giá trị, không phải ở cách cụ thể mà đồng chí Kim Ngọc giải quyết mà là ở chỗ ông đồng cảm sâu sắc trước tình cảnh đói nghèo của người dân, cùng đau nỗi đau của họ và dám tháo bỏ những quy định mà thực tiễn đã chứng tỏ không phù hợp để thúc đẩy phát triển.

Tôn vinh

Nhiều nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam về công tác Vĩnh Phúc hoặc đi ngang qua đều vào nhà thắp hương cho Kim Ngọc. Các đoàn đại biểu ở các tỉnh, nhất là các tỉnh phía Nam, có nhiều cụ đảng viên cộng sản lão thành, khi thắp hương cho Kim Ngọc đã ứa nước mắt.
Năm 1995, ghi nhận những đóng góp công lao, trí tuệ của ông cho sự nghiệp đổi mới của cách mạng Việt Nam, Nhà nước Việt Nam đã tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Kim Ngọc.
Năm 1996, hai ngôi trường nơi ông sinh ra ở xã Bình Định, huyện Yên Lạc được đặt tên ông. Năm 2005, một trong những con đường đẹp nhất của thành phố Vĩnh Yên cũng được mang tên ông.
Năm 2004, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc của Đảng Cộng sản Việt Nam tặng gia đình ông bức tượng tạc bằng đồng nặng tới 45 kg để biểu thị lòng kính trọng Kim Ngọc.
Năm 2009, ông được Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh.
Năm 2009, Hãng phim Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất bộ phim truyền hình 50 tập "Bí thư Tỉnh ủy" lấy nguyên mẫu cuộc đời ông.
Trang này được sửa đổi lần cuối lúc 11:11, ngày 21 tháng 10 năm 2013.

Tầm nhìn đổi mới của nhà lãnh đạo tài năng Võ Văn Kiệt

Ông Sáu Dân - bí danh của đồng chí Võ Văn Kiệt, sau này nhân dân vẫn hay gọi ông một cách thân mật và trìu mến như vậy. Gần dân, hiểu dân và trọng dân. Điều đó tạo cho ông niềm tin và dũng khí để ông trở thành “tướng xé rào”.

Đồng chí Võ Văn Kiệt (tên thật là Phan Văn Hòa) tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi, từng bước trưởng thành - từ cán bộ cơ sở, huyện, tỉnh, Xứ ủy viên Nam bộ, Ủy viên Trung ương Cục Miền Nam, rồi tham gia Bộ Chính trị, tháng 3/1988 được cử làm quyền Chủ tịch, sau đó là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, rồi Thủ tướng Chính phủ - trên cương vị nào ông cũng có những cống hiến nổi bật. Đặc biệt, những thành tựu kinh tế - xã hội đạt được trong thời kỳ đầu đổi mới gắn liền với những cống hiến quan trọng của đồng chí Võ Văn Kiệt.

Tư duy chính trị đổi mới

Ông Sáu Dân - bí danh của đồng chí Võ Văn Kiệt, sau này nhân dân vẫn hay gọi ông một cách thân mật và trìu mến như vậy. Gần dân, hiểu dân và trọng dân. Điều đó tạo cho ông niềm tin và dũng khí để ông trở thành “tướng xé rào” ngay từ trong thời kỳ chỉ đạo đấu tranh vũ trang ở Khu IX sau Hiệp định Pari. Ông tuyên bố: “Mệnh lệnh tối cao lúc này là phải giữ đất, giữ dân. Nếu không chống địch lấn chiếm, để mất đất, mất dân lúc này là mất tất cả”. Thực tế đã xác nhận ông đã suy nghĩ và hành động đúng.

Thủ tướng Võ văn Kiệt đi thị sát cảng Quy Nhơn cuối năm 1995. Ảnh: Tư Liệu
Thủ tướng Võ văn Kiệt đi thị sát cảng Quy Nhơn cuối năm 1995. Ảnh: Tư Liệu

Tư duy chính trị của Thủ tướng Võ Văn Kiệt toàn diện, sâu sắc, nhạy bén ở tầm chiến lược. Ông nung nấu tâm nguyện: Một dân tộc đã trải qua bao gian khổ, hy sinh, mất mát để giành lại độc lập, thống nhất cho Tổ quốc, dân tộc ấy phải được sống hạnh phúc trong độc lập, tự do, được hưởng công bằng, dân chủ, văn minh. Đó là cơ sở để hình thành một tư duy chính trị Võ Văn Kiệt nhạy bén trước bước ngoặt của lịch sử dân tộc: Hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới tan vỡ, Việt Nam mất đi chỗ dựa vật chất và tinh thần to lớn (đã từng có) vào giữa lúc khó khăn nhất: Bị bao vây, cô lập cả về kinh tế và chính trị.

Trong bối cảnh mới, nếu muốn phát triển đất nước, Việt Nam phải có tư duy chính trị mới, phải biết tạo dựng những mối quan hệ mới, tìm ra những đối tác mới. Theo ông, trong tình hình mới, Việt Nam nhất thiết phải thay chỗ dựa - vào Liên Xô và “phe” xã hội chủ nghĩa trước kia - bằng cách dựa - vào việc mở rộng và khai thác các mối quan hệ quốc tế mới.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người chủ động xúc tiến nhiều hoạt động mở rộng cửa để Việt Nam đi ra thế giới, trước hết là với các nước láng giềng Đông Nam Á, đưa ra thông điệp về một nước Việt Nam đổi mới, sẵn sàng làm bạn và là đối tác tin cậy với tất cả các nước vì mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển, ông xúc tiến khẩn trương việc gia nhập ASEAN, vận động Mỹ xóa bỏ cấm vận, tiến tới bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ.

Kết quả của những nỗ lực đó là năm 1992, Mỹ bỏ cấm vận, năm 1994 Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, năm 1995 Việt Nam gia nhập ASEAN... Năm 1997, khi đồng chí Võ Văn Kiệt rời chức vụ Thủ tướng, Việt Nam đã huy động được 8,5 tỷ đô la Mỹ ODA và 28 tỷ đô la Mỹ đầu tư nước ngoài, mức tăng trưởng hàng năm là 8%. Những thành tựu đó gắn liền với tư duy chính trị nhạy bén và hành động ứng biến năng động của Võ Văn Kiệt.

Rời chức vụ Thủ tướng, ông có điều kiện khảo sát thực tế nhiều hơn, trao đổi rộng rãi hơn với các chính khách, chuyên gia cả trong và ngoài nước. Ông nhìn nhận tình hình rộng hơn và góp ý với Đảng nhiều hơn. Ông lưu ý với Đảng: “Đừng để người nghèo bị gạt ra bên lề của sự phát triển”. Ông thừa nhận những hoạt động từ thiện diễn ra khá rầm rộ, nhưng từ thiện không thể thay thế cho chính sách.

Ông nói:“Chăm lo cho người nghèo hiện nay không đơn giản chỉ là thực hiện một cam kết có tính lịch sử, mà còn là bảo vệ tôn chỉ, mục đích của một Đảng cách mạng luôn nhận mình đứng về phía nhân dân”, vì vậy, “phải có những chính sách cốt lõi để giải quyết căn cơ vấn đề dân nghèo”. Ông đề nghị nghiên cứu, tham khảo cách làm của các quốc gia phát triển. Sau nhiều lần điều chỉnh, người lao động, người nghèo đã được hưởng một chế độ phúc lợi khá cao, nhờ đó tạo ra được một xã hội an sinh, ổn định để phát triển.

Tư duy kinh tế đổi mới

Những năm cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 thế kỷ trước, khi nền kinh tế nước ta đang trong khủng hoảng, 3,5 triệu dân thành phố thiếu đói. Trên cương vị người lãnh đạo cao nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh, mệnh lệnh tối cao đối với ông lúc đó là “cứu đói cho dân, cứu nguy cho nền kinh tế thành phố”. Một lần nữa ông lại “xé rào”, vượt qua cơ chế quan liêu, bao cấp, cho phép thí điểm cách làm ăn mới trong sản xuất kinh doanh, lưu thông phân phối... từ đó thổi bùng luồng sinh khí mới, tạo đà cho Thành phố Hồ Chí Minh bước vào một thời kỳ phát triển năng động, góp phần không nhỏ làm thay đổi tư duy kinh tế, tạo cơ sở bước đầu cho sự hình thành đường lối đổi mới của Đảng tại Đại hội VI. Theo ông, mức độ đúng đắn của chính sách phải được xem xét trên hiệu quả thực tế, phải lấy mức sống được cải thiện của nhân dân và sự phát triển của đất nước làm tiêu chí chứ không phải theo những điều “cấm kỵ” trừu tượng.

Đồng chí Võ Văn Kiệt đảm nhiệm cương vị Thủ tướng khi kinh tế - xã hội đất nước đang khủng hoảng nghiêm trọng, lạm phát phi mã, có lúc lên tới 774%; tư duy kế hoạch hóa, tập trung, quan liêu, bao cấp vẫn còn dai dẳng, tư duy đổi mới chưa được thật thông suốt trong chỉ đạo và thực hiện. Ông đã cùng tập thể lãnh đạo tìm tòi đưa ra nhiều chính sách có tính đột phá: Xóa bỏ chỉ tiêu pháp lệnh, trao quyền tự chủ kinh doanh cho xí nghiệp quốc doanh; thực hiện thương mại hóa tư liệu sản xuất, cho phép các doanh nghiệp lớn, cả trung ương và địa phương, được trực tiếp xuất nhập khẩu, chấm dứt tình trạng hai giá; xóa bỏ chế độ thu mua áp đặt với nông dân, bãi bỏ ngăn sông cấm chợ, thực hiện tự do lưu thông hàng hóa, chuyển dần nền kinh tế từ quan liêu, bao cấp sang kinh tế thị trường, đưa đời sống kinh tế - xã hội của đất nước đi dần vào ổn định.

Đến nay những công trình lớn như: Thau chua, rửa phèn cho vùng Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên, biến ruộng một vụ thành hai vụ, đưa năng suất lên cao nhất nước; công trình đường dây tải điện 500 KV Bắc - Nam, điều hòa lượng điện quốc gia; công trình đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài mở rộng cửa ngõ cho Thủ đô vẫn được gọi là những công trình mang “dấu ấn Võ Văn Kiệt”. Không phải ngay từ đầu ý tưởng xây dựng những công trình này đã có được sự đồng thuận, nhưng nhờ sự quyết đoán của ông, nhiều công trình đã hoàn thành trước thời hạn, ngay khi đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả.

Cho đến gần những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt vẫn lặn lội nhiều nơi trên miền đồng bằng sông Cửu Long trời nước mênh mông. Ông quên ăn quên ngủ, trăn trở, suy tư tìm kế sách để đồng bào có thể chung sống với lũ, làm chủ con nước và làm giàu trên vùng đất đai rộng lớn màu mỡ, trước sự đe dọa của thiên tai. Kế hoạch chuẩn bị đi thăm Hà Lan để tìm hiểu và học tập kinh nghiệm trị thủy của nước bạn để giúp dân, giúp nước chống lại nước biển dâng do sự nóng lên của trái đất là kế hoạch cuối cùng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt chưa kịp thực hiện.

Ngày 11/6/2008, ông đã đột ngột vĩnh biệt chúng ta ra đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng nhân cách, phẩm chất và bản lĩnh của người chiến sĩ cách mạng kiên cường, người đảng viên cộng sản kiên trung, trọn đời hy sinh phấn đấu vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân vẫn còn mãi với đất nước, với thời gian.

Theo Ngô Vương Anh
Báo Tin tức

“Ông Kim Ngọc” ở Hải Phòng và ngoại giao Ba Đình

- Đầu những năm 80 của thế kỷ XX, Đoàn Duy Thành - "ông Kim Ngọc" ở Hải Phòng được Trung ương giao tham gia chắp bút soạn thảo Chỉ thị 100 của Ban Bí thư về khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động...
“Ông Kim Ngọc” ở Hải Phòng và ngoại giao Ba Đình
Kỳ 1: Đêm trước đổi mới và 'anh Ba-Lê Duẩn, anh Năm-Trường Chinh'

Bí thư "khoán hộ" Kim Ngọc ở Vĩnh Phúc (từ năm 1968-1978, ông là Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú) thì nhiều người đã biết.
Đầu những năm 80 của thế kỷ XX, còn nổi lên mô hình khoán trong nông nghiệp ở thành phố Cảng với vai trò đầu tàu của Chủ tịch UBND Đoàn Duy Thành (tiếp đó, ông giữ cương vị Bí thư Thành ủy, Bộ trưởng Bộ Ngoại thương và Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng).
Sau thành công của mô hình này, Đoàn Duy Thành - "ông Kim Ngọc" ở Hải Phòng còn được Trung ương giao tham gia chắp bút soạn thảo Chỉ thị 100 của Ban Bí thư về khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động...
"Giải mã" Kim Ngọc
Cuối thập kỷ 60, đầu thập kỷ 70, ông Đoàn Duy Thành đọc các tài liệu nghiên cứu trong và ngoài nước về kinh tế, đối chiếu với mô hình và thực tế tình hình đất nước và địa phương mình, ông rất băn khoăn.
Ông đặc biệt chú ý tới mô hình khoán của Vĩnh Phúc áp dụng vào những năm 1966, 1967. Các câu hỏi: Bí thư Kim Ngọc là người thế nào? Động cơ nào khiến ông ký ban hành nghị quyết và chỉ đạo làm khoán? Tại sao ông bị chỉ trích và phản ứng dữ dội khi triển khai mô hình này đến vậy?... cứ lởn vởn trong đầu Đoàn Duy Thành. Ông quyết định phải "thực mục sở thị".
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (người mặc quân phục đứng giữa) và Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Đoàn Duy Thành (người ngoài cùng bên trái, hàng trước) về thăm huyện Kiến An và nghe báo cáo về khâu khoán sản phẩm trong nông nghiệp. Ảnh chụp lại.
Đầu năm 1973, Đoàn Duy Thành lúc đó là Trưởng ban Công nghiệp kiêm Trưởng ban Khoa học kỹ thuật của thành phố Hải Phòng đã tham mưu với Bí thư Thành ủy Trần Kiên tổ chức một đoàn đi tham quan Thác Bà và qua thăm tỉnh Vĩnh Phú.
Sau bữa cơm trưa do Tỉnh ủy Vĩnh Phú mời tại khu sơ tán, cách Đền Hùng khoảng 20km, ông Thành tách đoàn nói nhỏ với Bí thư Kim Ngọc: "Tôi xin gặp riêng anh hỏi một số chuyện". Kim Ngọc dẫn ông Thành về lán ở của mình.
- Có việc gì mà anh cần gặp riêng? Bí thư Ngọc tay vẫn cầm tăm xỉa răng, bình thản như một ông đồ nho hỏi.
- Thưa anh, tôi muốn xem Nghị quyết về khoán của Tỉnh ủy các anh mấy năm trước? Đoàn Duy Thành đặt vấn đề.
- Hàng "quốc cấm" xem làm gì... ông Ngọc khẽ cười cười.
Nói vậy, nhưng ông vẫn đến tủ, lôi tập nghị quyết và đưa cho Đoàn Duy Thành, không quên dặn: "Đọc tại chỗ thôi đấy nhé". Ông Thành đón tập tài liệu đã gây ồn ã một thời và đọc ngay tức khắc.
- Anh thấy thế nào? Bí thư Ngọc hỏi như thăm dò.
- Hay đấy! Đoàn Duy Thành đáp luôn.
Gương mặt Kim Ngọc như bừng sáng, ông mủm mỉm cười:
- Cũng dám khen cơ à.
Rồi, câu chuyện của hai ông rổn rang quanh chủ đề nông dân và khoán trong nông nghiệp. Sau cùng, Bí thư Kim Ngọc rưng rưng:
- Nông dân mình đói và khổ quá, Thành ơi!
Câu nói đó ám ảnh ông Đoàn Duy Thành mãi đến sau này.
Chia sẻ với chúng tôi về cuộc gặp với Bí thư Kim Ngọc gần 30 năm trước, ông Đoàn Duy Thành cho rằng, tư tưởng hành động của ông Bí thư "khoán hộ" là anh hùng. Ông đồng cảm với cảnh đói nghèo của dân, dũng cảm "phá rào", mở lối, đi trước để lo cho đời sống của dân.
Nghị quyết khoán của Vĩnh Phúc về tinh thần là đúng nhưng do quá mới mẻ, lại vào thời điểm chưa phù hợp nên đã bị công kích, phê phán. Tuy nhiên, nội dung của nghị quyết này vẫn còn những hạn chế, đơn giản, như thiếu cơ chế quản lý chặt chẽ khi áp dụng khoán, thiếu hướng dẫn trong triển khai thực hiện...
Ngoại giao Ba Đình và Nghị quyết 24
Ông Đoàn Duy Thành. Ảnh: Hoàng Tiến.
Năm 1979, ông Đoàn Duy Thành được bầu làm Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng. Trên cương vị mới, Chủ tịch Đoàn Duy Thành dành thời gian xuống với nông dân, giải đáp câu hỏi thường trực trong ông bấy nay: Trên đồng ruộng vựa thóc, một năm hai vụ chiêm mùa, xen một vụ màu mà sao cứ đói triền miên. Ban đầu ông nghĩ nếu có cày bừa máy vào làm, có giống mới... chắc năng suất sẽ tăng. Nhưng rồi cày bừa máy, khoa học kỹ thuật, giống mới, phân bón thuốc trừ sâu... được đầu tư mà năng suất vẫn đi xuống.
Ông lại nhớ hồi nhỏ, nhà ông ở Hải Dương cày cấy bình thường cũng được 100 kg/sào, vậy mà giờ đây không còn nổi 40kg/sào. Nguyên nhân cốt tử nào ở đây?
Ông đến kiểm tra tất cả huyện ngoại thành. Một xã tiêu biểu như Phục Lễ của huyện Thủy Nguyên, họp hợp tác xã, xã viên thường xuyên đến đủ 100%, đánh một hồi trống họp Đảng bộ là 100% đảng viên có mặt.
Thế nhưng, năng suất cũng thất thường, ngày công cũng không khá.
Xã viên cũng chỉ làm nhanh cho xong công việc của hợp tác xã, còn công sức tập trung vào ruộng 5% và đi bắt tôm cá ngoài sông, biển hoặc đi buôn bán lặt vặt.
Kinh tế hợp tác xã chỉ cung cấp 20% cho cuộc sống gia đình họ, bởi vậy họ phải bươn chải bên ngoài là chính.
Nhiều xã khi đó thiếu đói trầm trọng...
Vậy thì, vấn đề mấu chốt ở đây là do khâu quản lý. Ông nhớ tới Bí thư Kim Ngọc và nghị quyết khoán của Vĩnh Phúc...
Chỉ có thay đổi cách quản lý nông nghiệp thì mới có thể làm chuyển biến tình hình. Ông đem vấn đề bức xúc này bàn với Bí thư Thành ủy Bùi Quang Tạo và được ông Tạo đồng tình, ủng hộ.
Hai cán bộ chủ chốt trao đổi nhiều lần và dự thảo nghị quyết về "khoán sản" trong nông nghiệp. Tuy nhiên, "khoán" vẫn là vấn đề "tối kỵ" khi đó. Bài học "khoán" ở Vĩnh Phúc bị "đánh" tơi tả 15 năm trước vẫn được nhắc đến như là tấm gương "tày liếp" để nhắc nhở, răn đe.
Thành ủy nhiều lần họp nhưng vẫn chưa nhận được sự thống nhất cao. Bí thư Bùi Quang Tạo và Chủ tịch Đoàn Duy Thành chủ trương cùng với công tác vận động để tạo sự đồng thuận trong nội bộ, phải tranh thủ sự đồng tình của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước. Đoàn Duy Thành nhận "sứ mệnh": "Ngoại giao Ba Đình".
Bí thư Thành ủy Đoàn Duy Thành thăm bộ đội và công nhân đang thi công công trình đào sông Cái Tráp (Hải Phòng). Ảnh tư liệu
Ông nhớ lại: "Tôi đến nhà Tổng bí thư Lê Duẩn và báo cáo suốt 3 giờ về thực trạng nông nghiệp, nông dân và chủ trương "khoán" của Hải Phòng. Tổng bí thư nghe rất kỹ và đồng tình. Ông còn bảo: "Cứ về làm, tôi sẽ về xem các đồng chí làm thế nào".
Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng coi như đồng ý rồi. Khó nhất lúc này là phải thuyết phục được Chủ tịch Trường Chinh. Tôi báo cáo anh Trường Chinh 2-3 lần, anh tỏ vẻ không phản đối.
Một lần khác, trong bữa ăn trưa chỉ có tôi và anh, tôi lại đem vấn đề khoán ra để xin ý kiến anh. Tôi cảm giác anh không vui, nhưng anh không nói vào khoán. Anh kể chuyện huyện Xuân Trường, quê anh với thái độ gay gắt, phê bình huyện này buông lỏng quản lý, để hợp tác xã khoán lung tung, không có kỷ cương gì...
Tôi biết là anh phê bình tôi. Tôi chuyển sang báo cáo công việc khác, về làm kinh tế, về Cảng. Sau đó, để có thực tế thuyết phục, tôi đã bố trí để anh xuống cơ sở, cung cấp các số liệu cụ thể, thiết thực về đời sống nhân dân, công chức. Cuối cùng đến lần thứ 5 xin ý kiến về khoán sản phẩm trong nông nghiệp ở Hải Phòng, anh đã đồng tình".
Chủ tịch Đoàn Duy Thành về bàn với Bí thư Bùi Quang Tạo, là việc khoán đã chín muồi lắm rồi, bây giờ phải cho một huyện ra nghị quyết trước, để lấy ý kiến từ cơ sở, sau đó Thành ủy sẽ ra nghị quyết chính thức.
Hai ông quyết định chọn huyện Đồ Sơn để làm trước. Huyện này ra nghị quyết được 32 ngày thì Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng ra Nghị quyết 24 nổi tiếng về khoán trong nông nghiệp vào tháng 8-1980. Ý Đảng hợp với lòng dân đã nhanh chóng được hiện thực hóa trong đời sống. Nhân dân hồ hởi đón nhận và lao động hăng say trên "mảnh ruộng của mình".
Khi đi cơ sở vào 30, Mồng Một Tết, Chủ tịch Thành vẫn còn thấy bà con lao động trên cánh đồng. Một điều trước đây chưa từng xảy ra. Năng suất vì thế cũng tăng cao, trước đây cả năm cũng chỉ được 3,5 đến 3,8 tấn/ha; ngay trong năm khoán đầu tiên đã tăng lên 4,5 đến 5 tấn thóc.
Những năm sau đó, nông nghiệp Hải Phòng phát triển rất nhanh. Lương thực coi như đã tự túc được cho cả phi nông nghiệp. Không còn tình trạng hằng năm phải lên Trung ương xin gạo, xin mì.
Hàng trăm đoàn của Trung ương và các địa phương trong cả nước kéo nhau về Hải Phòng để tham quan, học hỏi. Hải Phòng trở thành mô hình phát triển kinh tế năng động của cả nước...
Từ thực tế sinh động và thành công của thành phố Cảng, Trung ương giao cho ông Đoàn Duy Thành tham gia soạn thảo Chỉ thị 100 của Ban Bí thư về khoán sản phẩm trong nông nghiệp cho nhóm lao động và lao động xã viên, góp phần tháo gỡ khó khăn, từng bước thúc đẩy sản xuất phát triển...
"Khoán sản phẩm trong nông nghiệp của Hải Phòng đã làm cơ sở cho Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương vào tháng 1-1981 và Nghị quyết Khoán 10 tháng 4-1988 của Bộ Chính trị khóa VI, lúc này sức sản xuất thực sự được giải phóng, sản xuất được bung ra, lương thực bung ra.
Nếu như trước đó anh Lê Duẩn đề ra chỉ tiêu 21 triệu tấn lương thực nhiều người hoài nghi thì đến đây chúng ta không những đã giải quyết được cơ bản vấn đề lương thực, đảm bảo về an ninh lương thực mà còn có gạo xuất khẩu, một sự kiện như mơ giữa ban ngày". (Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh)
Trần Hoàng Tiến
Theo Quân đội Nhân dân
Tiêu đề do Tuần Việt Nam đặt lại


Ám ảnh gạo mậu dịch: cơn “địa chấn” mang tên Ba Thi

Nhớ tới đóng góp của bà Ba Thi, người ta không thể quên những hình ảnh day dứt một thời: Từng đoàn người, rồng rắn xếp hàng cả ngày trước các cửa hàng lương thực quốc doanh, với những vẻ mặt khinh khỉnh của các mậu dịch viên gạo...
Ám ảnh gạo mậu dịch: cơn “địa chấn” mang tên Ba Thi
Kỳ 2: “Ông Kim Ngọc” ở Hải Phòng và ngoại giao Ba Đình Kỳ 1: Đêm trước đổi mới và 'anh Ba-Lê Duẩn, anh Năm-Trường Chinh'
Tên tuổi bà Nguyễn Thị Ráo, tên thường gọi là bà Ba Thi nổi lên như cồn khi bà là Giám đốc Công ty Kinh doanh lương thực TP Hồ Chí Minh vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước.
Bà được coi là người nổ phát súng đầu tiên vào chế độ bao cấp gạo, thực hiện có kết quả bán gạo một giá đầu tiên trong cả nước, góp phần quyết định lo đủ gạo ăn cho 4 triệu dân của thành phố mang tên Bác.
Bà cũng là một trong những người phụ nữ đầu tiên được phong danh hiệu Anh hùng Lao động vào thời kỳ đó.
Bà Ba Thi nổi tiếng là vậy nhưng hành trình tìm nhân chứng và tư liệu để dựng lại chân dung về bà thật khó khăn.
Bà Ba mất đã gần 6 năm. Tôi tìm đến nhà con gái bà là bác sĩ Nguyễn Hồng Thảo ở 65 Trương Định, quận 3, TP Hồ Chí Minh nhiều lần vẫn không gặp. Đến Công ty Lương thực thành phố ở số 57 đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, rủi cho tôi là cả ban giám đốc đều đi vắng.
Anh Võ Việt Triều, Trưởng phòng Tổ chức hành chính của Công ty cũng không biết nhiều về vị nữ giám đốc anh hùng nổi tiếng một thời của mình.
Lục tìm sổ sách và danh bạ điện thoại một hồi, anh Triều chợt nói như reo lên: "Đây rồi! Hai người này có thể giúp anh tìm hiểu về cô Ba nhiều đấy. Chị Kim Anh, phụ trách hành chính của Công ty thời đó và chị Út Hiền, cùng Tổ Thu mua lúa gạo với cô Ba từ những ngày đầu...".
"Phá rào" đi thu mua gạo
Theo hẹn với chị Kim Anh và Út Hiền, ngay tối hôm ấy tôi có mặt tại nhà số 3 Phùng Khắc Khoan, quận 1, TP Hồ Chí Minh.
Cũng khá bất ngờ vì đây là địa chỉ mà tôi cũng dự kiến tìm đến trong chuyến công tác này để viết về Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Bùi Thị Mè, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế - Xã hội - Thương binh trong Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, người mẹ có 3 con là liệt sĩ và đến đây tôi mới biết bà chính là mẹ chồng của chị Kim Anh.
Câu chuyện về nữ giám đốc anh hùng Ba Thi như thước phim chầm chậm hiện về trong ký ức những người cộng sự thân thiết một thời của bà...
Bà Ba Thi. Ảnh chụp lại.
Sau giải phóng, Sài Gòn là thành phố đông dân nhất nước, với khoảng 4 triệu người nên nhu cầu lương thực rất lớn.
Ngoài phần lúa gạo do các huyện nông thôn ngoại thành tự sản xuất, hằng tháng thành phố phải cần có tối thiểu 4 vạn tấn lương thực, trong đó lượng gạo ăn cho đối tượng phi nông nghiệp là 3 vạn tấn, còn 1 vạn tấn để cung cấp cho công nghiệp chế biến, cho các cơ sở ăn uống công cộng, khách vãng lai và hàng trăm hội nghị của các ngành, các cấp.
Khi thành phố áp dụng chế độ bao cấp lương thực, tình hình cung cấp lương thực luôn luôn gặp khó khăn.
Những năm 1977, 1978, mùa màng thất bát, thành phố phải dùng hàng vạn tấn khoai lang, khoai mì (sắn), bo bo thay cho lượng gạo tiêu chuẩn. Khoai lại được giao ồ ạt trong mùa mưa, các cửa hàng gạo "ép" dân mua một lần cho hết tiêu chuẩn, đem về tiêu thụ không hết, lại phải bỏ đi. Vậy là thiếu gạo và khoai cũng hết.
Tình hình lương thực thành phố căng thẳng quá, thành ủy, UBND họp ngày đêm để tìm cách giải quyết mà chưa có phương án khả thi.
Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt chỉ thị dứt khoát: "Không để một người dân chết đói".
Sau nhiều trăn trở, bà Ba Thi, khi đó là Phó giám đốc Sở Lương thực thành phố dũng cảm đề xuất: "Đi về Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức thu mua gạo đem về phục vụ cho đồng bào thành phố".
Chị lập luận: Thành phố đang thiếu gạo trầm trọng, trong khi đó, ở một số địa phương khác lại dư lúa, thừa gạo, thậm chí lúa để ẩm mục, làm phân, gạo đen cho gà ăn không hết...
Tại sao không cho nông dân đem lúa gạo dư thừa đó đến những nơi đang thiếu, đang rất cần cho cuộc sống hằng ngày?
Ý kiến này được lãnh đạo thành phố chấp thuận và từ đó "Tổ Thu mua lúa gạo" ra đời. Với ý tưởng này, bà đã góp phần giúp thành phố "phá rào", phá thế cô lập và tuyên chiến với tệ ngăn sông cấm chợ khi ấy.
Chị Út Hiền nhớ lại: "Lúc đầu, tổ chỉ có 8 người do chị Ba Thi làm tổ trưởng. Tổ có 1 lái xe, 2 kế toán viên, còn lại thì làm nhiệm vụ đi thu mua. Đến Hậu Giang, chị cùng cán bộ hội phụ nữ tỉnh xuống huyện Phụng Hiệp, địa phương có nhiều lúa trong tỉnh và được chị em nhiệt tình hưởng ứng.
Cán bộ hội còn điều được 2 chiếc ghe có trọng tải 100 tấn đến chợ để thu mua lúa gạo, rồi đưa lên xe vận tải chở về thành phố. Tổ thu mua về tận các xã ấp, chèo xuồng ghe luồn lách qua các kênh rạch chằng chịt, vận động bà con bán lúa gạo cho thành phố.
Cũng với phương thức này, tổ đến tỉnh Minh Hải và cũng đã mua được lúa gạo với số lượng cao".
Quá trình đi thu mua, bà Ba Thi còn phát hiện ra một điều, cũng do bị cô lập, do tệ ngăn sông cấm chợ mà hàng hóa không lưu thông được.
Ở nông thôn, nông dân cần dầu lửa thắp đèn, cần vải đen may quần áo đi làm ruộng, cần thuốc chữa trị bệnh lúc ốm đau... mà không có để mua, dù trong tay có tiền.
Lý do thật đơn giản, nền công nghiệp của ta sản xuất theo kế hoạch kiểu cũ, chỉ đủ phân phối theo định lượng cho cán bộ công nhân viên, không có dư để bán cho dân, trong khi nguồn hàng dự trữ từ trước giải phóng nay đã cạn.
Trước thực trạng đó, bà Ba Thi kiến nghị phải có hàng hóa để đổi ra lúa gạo, nói nôm na là hàng hai chiều.
Được trên nhất trí, tổ thu mua đã đưa 200 nghìn lít dầu lửa đến chợ Cà Mau. Thành phố xuất 1 triệu mét vải bông và vải đen, hàng xe thuốc tây mang đến Minh Hải...
Các chị rao với bà con nông dân là sẽ đổi các hàng hóa đó lấy lúa. Bà con ở các xã từ Bạc Liêu đến Cà Mau nườm nượp mang lúa đến đổi lấy phiếu dầu, phiếu vải, phiếu thuốc...
Với hoạt động của tổ thu mua của bà Ba Thi, tình trạng thiếu gạo của TP Hồ Chí Minh và khan hiếm hàng tiêu dùng thiết yếu của bà con nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long được giải quyết một bước.
Cuộc chiến chống gian thương
Với những hoạt động hiệu quả của tổ thu mua lúa gạo, cuối năm 1980, TP Hồ Chí Minh quyết định thành lập Công ty Kinh doanh lương thực thành phố do bà Ba Thi làm giám đốc.
Như vậy, lúc này ngành lương thực TP Hồ Chí Minh bên cạnh hệ cung cấp có thêm một bộ phận nữa là hệ kinh doanh, nhằm mục tiêu xóa bỏ tình trạng bao cấp tràn lan.
Để nắm vững nguồn cung cấp gạo và nhu cầu thiết yếu của nông dân, giám đốc Ba Thi đã cho lập các "cán bộ chốt" ở khắp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Thông qua lực lượng này, bà ký hợp đồng thu mua với sở lương thực các tỉnh, thậm chí ký thẳng với huyện để mua lúa gạo. Phương thức trao đổi hàng hai chiều giữa Công ty với các địa phương diễn ra rất hiệu quả.
Vụ đầu tiên, Công ty liên hệ mua được 4 nghìn tấn phân bón đưa về Cửu Long, Tiền Giang để năm tới lấy lúa; tổ chức mượn xăng của tỉnh này đem về giúp tỉnh kia; mua cả xi măng, sắt thép để giúp địa phương xây dựng cầu đường...
Vì thế các địa phương làm nghĩa vụ xong đều tự nguyện chở thuyền ghe lúa đem bán cho bà Ba Thi.
Sau hai năm, tổng số lương thực mà công ty của bà Ba Thi bán ra theo giá bảo đảm kinh doanh đạt 127 nghìn tấn.
Bình quân mỗi tháng, mỗi người mua được 9kg gạo với giá rẻ hơn và chất lượng không thua kém gạo tư thương bán trên thị trường tự do, góp phần ổn định thị trường, tạo niềm tin trong nhân dân. Đây là một thắng lợi rất có ý nghĩa.
Giám đốc Ba Thi (đeo kính, đứng giữa hàng đầu) và các cán bộ phụ trách các cửa hàng lương thực của TP Hồ Chí Minh trong buổi lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động của bà vào tháng 10-1985. Ảnh chụp lại.
Hoạt động của Công ty càng hiệu quả thì đây đó xuất hiện dư luận công kích, phê phán, mỉa mai nhằm vào giám đốc Ba Thi.
Có người nói, bà làm việc là đi "mua gian bán lận", "Bà Ba bây giờ thành tiểu thương rồi. Công ty của bà tranh mua, tranh bán, phá rối thị trường"... Bọn gian thương thì tìm cách để phá hoạt động của Công ty và làm rối loạn thị trường để thừa cơ "đục nước béo cò".
Chị Kim Anh nhớ lại: "Vào khoảng tháng 6-1983, giữa lúc tại các cửa hàng bán lẻ và các đại lý chưa kịp nhận đủ gạo về bán tại phường, bọn gian thương tung tin đồn nhảm: "Nhà nước hết gạo", "Nhà nước sắp đổi tiền".
Những đòn chiến tranh tâm lý đó tác động rất xấu. Ở hầu hết các chợ, giá gạo bắt đầu nhích lên từ 50 xu đến một đồng, rồi tăng 5 đến 7 đồng một ki-lô-gam. Bọn đầu cơ tích trữ tìm mọi cách tung tiền, kể cả sử dụng trẻ em ra mua vét gạo ở các đại lý và các cửa hàng bán lẻ, đồng thời chúng tuồn gạo đi các tỉnh khác, gây nên những cơn sốt gạo.
Trong tình hình nhốn nháo đó, nhiều gia đình sợ gạo lên giá đổ xô đi mua về dự trữ. Thị trường gạo thành phố đột nhiên căng thẳng một cách giả tạo.
Ý đồ của gian thương là nhằm rút lực lượng gạo của Công ty, làm suy yếu, tê liệt Công ty của bà Ba Thi, từ đó thao túng thị trường lương thực thành phố. Cùng với hành động đầu cơ tích trữ, nâng giá gạo, chúng còn uy hiếp tinh thần một số đại lý, gọi điện thoại với nội dung tuyên truyền phản động, hăm dọa cán bộ nhân viên Công ty, nhiều lần đích danh đe dọa giám đốc Ba Thi.
Nhờ nắm được hàng hóa trao đổi với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, bà Ba Thi đã tung lượng gạo dự trữ ra thị trường đúng lúc, rót gạo ngay cho đại lý.
Hàng ngàn đại lý bản lẻ trải rộng trên khắp các phường đã chủ động giành thế chủ động trên thị trường. Bọn gian thương và phá hoại trên lĩnh vững kinh doanh lương thực bị khoanh lại ở một số chợ và bị dập tắt nhanh chóng".
Hạt gạo nữ anh hùng nhiều chất chứa
Ngày 3-10-1985, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho bà Ba Thi.
Cán bộ, nhân viên Công ty và bà con thành phố đều phấn khởi vì vị nữ giám đốc, mà họ gọi vui là "người buôn gạo" đã được vinh danh.
Điều đó chứng tỏ Nhà nước đã đánh giá đúng mức, công bằng sự đóng góp của bà Ba Thi trong việc góp phần quan trọng thủ tiêu tệ ngăn sông, cấm chợ để lương thực có thể lưu thông dễ dàng từ vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long lên thành phố.
Nhớ tới đóng góp của bà Ba Thi, người ta không thể quên những hình ảnh day dứt một thời: Từng đoàn người, rồng rắn xếp hàng cả ngày trước các cửa hàng lương thực quốc doanh, với những vẻ mặt khinh khỉnh của các mậu dịch viên gạo; cảnh từng nhà phải rải gạo lên mâm hoặc tờ giấy trắng để lượm thóc, trấu, bông cỏ; nhớ những bữa ăn độn của nhiều gia đình thành phố trong khi biết bao hộ nông dân ở nhiều tỉnh miền Tây lúa chất đống trong nhà, ngoài sân mà không biết làm sao tiêu thụ được...
Giám đốc Ba Thi đã đi tiên phong để giải quyết những sự vô lý và bất cập đó.
Ngày bà Ba Thi nhận danh hiệu Anh hùng Lao động đã có hàng trăm bức thư, điện, bài báo mừng cho Công ty và người nữ giám đốc Anh hùng. Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng đã có bài viết đăng trên Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 3-10-1985 ca ngợi Giám đốc Ba Thi.
Trong đó có đoạn: "Hạt gạo chị Ba Thi thật nhiều chất chứa. Rất khó phân tích tỷ lệ các phần cấu thành trong danh hiệu anh hùng của chị Ba, bao nhiêu phần trăm thuộc suy tính đến bạc tóc, bao nhiêu phần trăm thuộc những đêm thức trắng vì khắc khoải sự đói no của thành phố, bao nhiêu phần trăm thuộc kinh nghiệm của một cán bộ từng lăn lộn với quần chúng tại một thành phố lớn, kinh nghiệm dẫn đến cách tổ chức làm ăn thoát hẳn lối mòn bao cấp...
Thôi thì ta đành bằng lòng với nhận định: Danh hiệu anh hùng của chị tổng hợp tất cả những cái mà chúng ta gọi là phẩm chất của chị"...
Trần Hoàng Tiến
Theo Quân đội Nhân dân
Tiêu đề do Tuần Việt Nam đặt lại


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét