Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2014

CÂU CHUYỆN TÂM LINH 49

(ĐC chép từ http://chuaphuclam.vn)

Sự thật chuyện ông cụ 78 tuổi đầu thai làm heo ở An Giang

Người dân đồn chú heo biết nói, hút thuốc lá như người. Đặc biệt là heo không chịu ăn cám, chỉ ăn bánh Tây và uống trà đường… Nhiều người khẳng định, ông cụ 78 tuổi, đã chết 8 năm trước đã hóa thân thành chú heo này! Những giấc mộng kỳ lạ
Mấy ngày qua, rất đông người dân miền Tây đổ xô về xã vùng sâu Vĩnh Chánh (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) để xem con heo lạ. Câu chuyện bắt đầu từ những giấc mộng kỳ quặc của vợ chồng anh Võ Thành Đẫm (tên thường gọi là Út (43 tuổi) và chị Dương Thị Chơn ở ấp Đông An, xã Vĩnh Chánh.
Anh Đẫm kể, đêm đó anh nằm chiêm bao thấy cha anh báo mộng. Ông là Võ Văn Minh, đã chết cách nay 8 năm, khi 78 tuổi, do bệnh tai biến.
Trong giấc mơ đầu tiên vào đêm 21/10/2013, ba anh Đẫm hiện về, kêu: “Út ơi! Ba chết rồi, đầu thai thành con heo ở xóm ngoài. Trước mũi “của ba” có 2 lằn rạch xuống, đó chính là… râu của ba. Còn ở đùi sau có 1 cái đém đen. Khi nào tới chuồng, thì ba nhảy lên mừng con”. Sáng ra, anh Đẫm đem giấc mộng kể cho vợ nghe, thì bị vợ kêu là mê tín, không tin.
6 ngày sau, anh Đẫm lại được cha báo mộng y hệt lần trước. Anh cũng không nghĩ nhiều tới giấc mơ bởi cả ngày phải lo làm thuê kiếm sống. Nhà anh thuộc diện hộ nghèo, có 2 đứa con lại bị thiểu năng.
20 ngày sau khi cha báo mộng lần thứ 2, anh Đẫm lại tiếp tục thấy ba về báo mộng. “Ổng nói: “Sao ba báo cho con 2 lần mà con không đi tìm ba? Ba buồn, ba bỏ ăn nên bị người ta… đè ra chích thuốc”. Vài ngày sau thì ba tui về báo mộng lần cuối. Ổng nói, sao mầy lo nhậu say xỉn hoài mà không đi tìm ba? Rồi đêm 22/11, ba tui lại về báo mộng cho bà xã tui. Ổng nói: “Vợ thằng Út ơi! Đi tìm ba đi. Ba khổ lắm, ba trông đợi lắm!”. Nghe vậy, bà xã khuyên kêu tui đi kiếm con heo. Nhưng tui nói bà đi thì đi, tui bận đi làm mướn. Sáng hôm sau thì tui đi làm hồ và vợ tui thì âm thầm đi tìm… “ông già”, anh Đẫm kể.
Anh Đẫm bên chỗ con heo được xem như cha mình nằm ngủ,
có mùng, chiếu giăng cho heo ngủ đàng hoàng trong buồng nhà anh.
Sáng 23/11, vợ anh Đẫm bơi xuồng đi tới cái xóm có nhiều người nuôi heo. Khi vợ anh dò hỏi về chuồng heo như được bố chồng mô tả trong giấc mơ, một người dân tại đây đã chỉ tới chuồng nuôi heo của chị Lê Mỹ Hạnh.
Trình bày xong với chủ nhà, vợ anh Đẫm liền đi ngay ra chuồng và bất ngờ thấy trong bầy có 1 con heo hình thù y như ông già tả trong giấc chiêm bao.
“Bà xã tui kể lại sự tình và hỏi mua con heo đó, thì người ta chịu bán với giá 2,5 triệu đồng. Con heo nặng chừng 30kg và là dạng heo bò, có lông màu vàng và nhiều đốm đen. Một điều hết sức lạ là khi gặp bà xã thì con heo liền mừng, nó nhảy lên đưa 2 chân trước. Rồi 2 lỗ tai nó ngoắc ngoắc. Khi đưa con heo lên xe chở về nhà thì nó ngồi êm ru như người ta ngồi xe vậy”, anh Đẫm nói.
Kẻ tin, người ngờ vực!
Chừng 2h sau khi con heo được chở về nhà anh Đẫm, nhiều người kéo tới xem. Khi đem heo thả trước sân thì nó không dám vô nhà. Anh Đẫm ngẫm nghĩ có lẽ là mình quên trình Cửu huyền thất Tổ nên đốt nhang cúng. Cúng xong, anh ra sân nói: “Ba ơi, con trình Cửu huyền rồi, ba vô đi”. Lập tức con heo phóng lên cửa và chạy tuốt ra sau buồng.
“Lúc người ta tới coi đông quá, tui nói: “Ba ơi, ra chào bà con đi”, thì ổng chạy ra ủi ủi vô giò nhiều người. Hễ tui kêu ổng đi đâu là ổng đi đó”, anh Đẫm kể lại.
Con heo bình thường được cho là biết nói, hút thuốc và có hành động y như con người.
Bà Phan Thị Sữa - nhà ở thị trấn Phú Hòa (huyện Thoại Sơn), nghe tin nên đến coi. Bà khẳng định chuyện anh Đẫm thả con heo ra sân nhưng con heo không chịu vào nhà. Sau khi thấy anh Đẫm cúng vái thì kêu con heo liền chạy vô nhà. Chính bà cũng lấy làm lạ về chuyện này nhưng không lý giải được.
Anh Đẫm đinh ninh con heo chính là cha mình hóa kiếp, nên anh không dám mua cám cho ăn. Ngày mới đem heo về nhà, anh nấu cháo tàu hũ (đậu phụ) thì heo ăn chỉ 1 chén là ngưng. Mấy ngày sau, anh ngồi chơi, tiện tay thẩy bánh tây ra sân thử thì con heo chạy tới ăn ngấu nghiến.
“1 ngày “ổng” ăn hết 1kg bánh. Rồi tui pha nước trà đường cho “ổng” uống. Trong chiêm bao, ba tui kêu khi bắt ổng về thì cầu nguyện 3 ngày, rồi giết ổng đi, để ổng siêu thoát. Nhưng con heo là… cha tui nên tui đâu lỡ giết. Công an xã biết chuyện mời vợ chồng tui lên làm cam kết, không được tuyên truyền mê tín dị đoan và kêu tui phải dời con heo đi chỗ khác. Sáng nay tui đã chở con heo đi gởi chỗ khác rồi”, ngày 27/11, anh Đẫm chia sẻ với PV.
Câu chuyện ly kỳ về con heo lạ lan nhanh. Dân từ các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, Cà Mau, TP.HCM… kéo đến nhà anh Đẫm coi heo cả ngày lẫn đêm.
“Họ còn đồn rằng con heo của tui biết nói, biết hút thuốc lá như con người. Nhưng tui khẳng định hoàn toàn không có chuyện đó. Chỉ vợ chồng tui nằm mộng rồi đi tìm được con heo y như vậy nên tin đó là ba tui thôi. Chứ tui thấy hình dạng con heo bình thường. Chỉ có cử chỉ và hành động hơi lạ, là tui kêu gì làm nấy thôi. Khi tui giăng mùng cho heo ngủ thì cả đêm nó không đái, ỉa gì trong nhà”, anh Đẫm bộc bạch.
Bà Phạm Thị Cúc (68 tuổi, mẹ ruột chị Hạnh - người chủ con heo đã bán cho anh Đẫm) kể: “Con Hạnh nuôi heo nái để đẻ rồi bắt con nuôi lớn, dành bán heo thịt. Hồi đó tới giờ nó không bán heo con. Nhưng hơn 3 tháng trước, trong bầy heo 7 con vừa đẻ thì có 1 con lạ. Nó cứ hay nằm buồn buồn. Thấy vậy, con Hạnh mới sợ nó bệnh nên kêu thú y tới chích thuốc (anh Đẫm nằm mộng cũng được cha báo vụ chích thuốc này - PV). Khi nó nặng gần 30kg thì tường của cái chuồng cao hơn 1 thước mà heo cứ phóng ra ngoài, nên con Hạnh ghét.
Ngày 27/11, anh Đẫm đã mang con heo lạ đi giấu chỗ khác
nhưng nhiều người vẫn tới nhà anh kiếm coi heo và ngồi bàn tán chuyện.
Con Hạnh nói, mặc kệ mầy, mầy phóng ra cho muỗi cắn chết luôn. Vậy rồi cứ tới khuya thì con Hạnh thấy nó phóng vô chuồng trở lại. Trong khi cả bầy thì 6 con kia không con nào phóng ra được. Thấy con heo lạ, nên con Hạnh gọi nó là… cóc tinh. Trong đời tui mới thấy con heo lạ như vậy”.
Trụ trì Chùa Phước Ân gần nhà anh Đẫm - Thích Nữ Như Hoa, cho biết, bà có nghe chuyện con heo ở nhà anh Đẫm. Anh Đẫm cũng từng tới nhờ nhà chùa cầu siêu cho con heo, nhưng nhà chùa chưa tới. Theo kinh Phật nói về Luật Nhân - Quả thì những ai ở đời này ăn ở thiếu đạo đức, đời sau sẽ đầu thai thành những con súc vật. Nhưng từng tuổi này, bà Hoa cũng chưa thấy trên thực tế có chuyện như kinh giảng nói. Chính bà cũng không tin đó là sự thật, bởi câu chuyện kể ra quá mơ hồ.
Chỉ là đồn nhảm!
Ngày 27/11, ông Trần Văn Nghét, Phó Công an xã Vĩnh Chán, khẳng định: “Vụ con heo đồn là người đầu thai thành” chỉ là chuyện bịa đặt. Đó chỉ là con heo bình thường, bị bỏ đói thì cho thứ gì mà nó hổng ăn. Thấy vậy, cấp trên chỉ đạo chúng tôi đề nghị anh Đẫm dời con heo đi chỗ khác. Bây giờ thì nhà anh Đẫm không còn nhiều người tới coi heo nữa. Đó chỉ là tin đồn nhảm. Sự thật không hề có con heo biết nói, biết hút thuốc hay lạ lẫm gì”.
Theo Vĩnh Sơn - Tuổi trẻ & Đời sống 

Rớt tim khi thấy sư cô trẻ ngồi thiền cùng hổ và rắn ở Yên Tử

Mon men lại gần ngôi chùa, người thợ săn này nhìn xuyên qua cánh cửa khép hờ và giật thót mình khi thấy một nữ tu chừng 27 tuổi, ngồi thiền bất động, dưới chân là con hổ lớn nằm nghiêng, đầu ngóc lên nhìn ra ngoài cửa.
Trong đại ngàn non thiêng Yên Tử còn có một di tích trong hệ thống chùa chiền, am tháp từ thời Phật hoàng bị bỏ quên, đó là chùa Ba Bậc. Chùa Ba Bậc nằm rất sâu trong rừng, giữa bốn bề những núi đá phô bày những hình thể kỳ dị.
Theo các nhà chân tu nhiều năm sống trên Yên Tử thì khu vực chùa Ba Bậc là nơi hội tụ nhiều linh khí, nên sản sinh ra nhiều kỳ hoa dị thảo. Trên đường đi qua, tôi được tận mắt những loài cây cỏ, hoa lá rất kỳ lạ, mà tôi chưa từng biết đến bao giờ.
Chùa Đồng trên đỉnh Yên Tử
Đây cũng là nơi bắt nguồn con suối Vàng kỳ lạ, nước như màu mật ong. Tại nơi hội tụ linh khí này, mấy năm trước, người đàn ông tên Khiêm cũng lập thảo am, sống hoang biệt với thế giới. Ông Khiêm có quyết tâm rất cao trong suốt mấy năm trời. Nhưng rồi, một ngày, người ta không còn thấy bóng ông đâu nữa. Ông mất tích một cách kỳ lạ.
Trong cuộc leo núi phía sườn Đông, tôi được những người Dao đi hái thuốc trong rừng kể một câu chuyện kỳ lạ, về một nữ nhà sư tu khổ hạnh trong chùa Một Mái. Sở dĩ chùa có tên như vậy, vì nó chỉ có một mái ngói áp vào núi đá.
Trong hành trình lên Yên Tử, du khách sẽ được đi qua ngôi chùa này. Chuyện mà những người Dao hái thuốc kể diễn ra từ 30 năm trước.
Chùa Một Mái
Khi đó, Yên Tử còn hoang vu, rậm rạp, chẳng có bóng người ngoài những vị chân tu kỳ lạ lên núi hoang ở ẩn và những người Dao sống dưới chân núi ngàn năm nay thi thoảng vào rừng hái thuốc.
Người ta kể rằng, trong khi đi hái thuốc, họ thường xuyên nghe thấy tiếng hổ gầm ở chỗ chùa Một Mái, nên chẳng ai dám lên.
Một ngày, vào lúc sáng sớm, một thợ săn liều mạng, vác theo khẩu súng, cùng cung tên tiến về phía ngôi chùa ấy. Mon men lại gần ngôi chùa, lách khẩu súng qua kẽ lá, người thợ săn này nhìn xuyên qua cánh cửa khép hờ và giật thót mình khi thấy một nữ tu chừng 27 tuổi, ngồi thiền bất động. Dưới chân nữ tu là con hổ lớn nằm nghiêng, đầu ngóc lên nhìn ra ngoài cửa. Con hổ ấy phải dài đến 3m, nặng cỡ 300kg. Người thợ săn ấy ngồi theo dõi đến cả tiếng.
Khi mặt trời nhô lên khỏi đỉnh núi, nữ tu này dừng thiền, bước chân xuống đất xoa đầu con hổ. Con hổ lững thững đi ra hiên chùa, gầm lên một tiếng, rồi nhảy tót vào rừng biến mất tăm mất tích.
Mộ tháp trong đại ngàn Yên Tử
Người thợ săn đem câu chuyện về làng kể, nhưng không ai tin. Ông liền đưa vài người nữa lên chùa Một Mái và họ đều được chứng kiến cảnh tượng kỳ lạ đó. Thế nhưng, một ngày, ngôi chùa Một Mái hoang tàn đổ nát, nữ tu kia đã biến mất, con hổ cũng không thấy về nữa.
Có lẽ là duyên kỳ ngộ, trong quá trình tìm hiểu những câu chuyện quanh con suối Giải Oan dưới chân Yên Tử, nơi 100 cung nữ trẫm mình khi không thuyết phục được vua Trần Nhân Tông quay về lo việc triều chính, tôi đã gặp được nữ tu kỳ lạ đó. Bà chính là sư Yến, hiện trụ trì chùa Giải Oan.
Trong câu chuyện về cuộc đời bí ẩn của bà, bà kể rằng, hơn 30 năm trước, bà rời bỏ ngôi chùa ở Hải Phòng, tìm vào dãy Yên Tử để tu tập. Một mình bà đã sống nhiều năm ở chùa Một Mái.
Sư Yến - trụ trì chùa Giải Oan
Hàng ngày, bà chỉ hái quả sung, quả vả để ăn và tu thiền khắc khổ. Một ngày, đang tụng kinh trong chùa, thì ông hổ khổng lồ xuất hiện. Nghĩ rằng, thân nữ nhi, dù có chống chọi cũng vô ích, nên bà khoanh chân ngồi thiền, chấp nhận mất mạng. Không ngờ, khi bà ngồi thiền, con hổ đã bước vào chùa, rồi nằm xuống chân bà.
Từ đó, mỗi khi bà ngồi thiền, con hổ lại tìm đến. Không chỉ hổ, mà rất nhiều rắn độc cũng tìm đến ngôi chùa này và sống chung với nữ tu tên Yến.
Theo lời sư thầy Yến, sau mấy năm tu hành khổ hạnh ở chùa Một Mái, thấy đã đủ duyên, bà liền xuống núi. Khi xuống đến suối Giải Oan, quay lưng nhìn lại đỉnh Yên Tử lần cuối, bà sững người khi thấy con Rồng khổng lồ thoát xác từ dãy Yên Tử bay lên không trung.
Suối Giải Oan
Giờ nhìn lại, bà thấy dãy Yên Tử mang dáng con rồng, mà đỉnh Yên Tử chính là đầu rồng. Nghĩ rằng, đã được bề trên cho thấy hình ảnh linh thiêng tối cao, nên bà quyết định ở lại. Từ bấy, sư Yến trụ trì, quản lý ngôi chùa Giải Oan.
Những câu chuyện linh thiêng huyền bí trên Yên Tử kể cả ngày không hết. Chính ông Lê Quang (Phó Giám đốc BQL di tích danh thắng Yên Tử) đã từng được chứng kiến cảnh tượng một đoàn du khách đến mấy chục người, toàn nam thanh nữ tú, lên đến chùa Hoa Yên, cười nói vô duyên, trai văng bậy bạ, gái cười hô hố, coi thường sự tôn nghiêm của di tích liền bị đau bụng quằn quại, không đi nổi nữa.
Dấu tích đổ nát ở Tây Yên Tử
Họ cứ cố lên mỗi bước, bụng lại đau hơn, cuối cùng phải xuống núi. Khi xuống đến chân núi, thì các cơn đau khủng khiếp chợt tan biến đâu mất. Đám người này hoảng hồn, không dám lên Yên Tử nữa.
Ông Trần Trương, nguyên Trưởng BQL Di tích – Danh thắng Yên Tử cũng kể rằng, tại vườn tháp Huệ Quang có một chuyện rất lạ mà ông được chứng kiến. Sau khi đám công nhân làm xong nhà khách Yên Tử, thì rủ nhau lên lễ chùa Đồng. Khi đi qua vườn mộ tháp Huệ Quang, thấy một hòn đá nằm trên ngọn một tháp cổ, liền thách đố nhau ném trúng hòn đá đó.
Một cậu vung tay ném trúng khiến hòn đá rơi xuống đất. Lên đến chùa Đồng, đám công nhân này mới phát hiện thiếu một người, nhưng không ai lo lắng vì đều là người địa phương, không sợ lạc đường.
Tấm bia cổ ở Yên Tử bị bọn trộm đập phá được gắn lại
Sau mấy tiếng đồng hồ xuống núi, quay trở về khu tháp Huệ Quang, đám công nhân sửng sốt khi phát hiện ra cậu thanh niên ném đá lúc nãy đang ngồi xếp bằng tròn bên lăng mộ tháp, mặt áp vào tường, hai tay đặt lên đùi, hỏi chẳng nói, gọi chẳng thưa, lắc vai mãi không tỉnh, cứ ngồi bất động như khúc gỗ.
Đám công nhân sợ quá, liền báo Ban quản lý, rồi Ban quản lý di tích lên chùa Hoa Yên mời thầy Diệu Nhàn xuống làm lễ sám hối. Một lát sau, cậu công nhân nghịch dại kia mới tỉnh, khóc nức nở, rồi xuống núi. Sau này, tôi gặp sư Diệu Nhàn, sư bảo, những chuyện kiểu như vậy diễn ra thường xuyên ở Yên Tử.
Theo Phong Bình - VTC News

Bí ẩn con rắn lạ "canh" ba tòa tháp cổ

Chùa Long Cốt Tự theo những người dân xung quanh cho biết thì đã từng bị những kẻ đào trộm đến viếng thăm nhiều lần. Thế nhưng có điều lạ là những lần đào trộm bí ẩn đó đều bị bỏ dở lúc nửa đêm và sự biến mất một đi không trở lại của những kẻ đào trộm ngôi chùa. Lý do vì sao thì đến bây giờ vẫn chưa có lời giải thích. Những vụ đào bới bí ẩn

Chùa Long Cốt Tự qua thời gian đã dần bị xuống cấp, cộng với sự phá hủy của giặc Pháp nên đã bị dỡ bỏ để xây dựng ngôi chùa ở khu đất khác. Được biết khi dỡ bỏ, gỗ của chùa còn lại vẫn đủ xây hàng chục gian chùa mới vẫn không hết, người ta còn dùng làm củi đốt lò vôi đủ trong một tháng. Chính vì sự bề thế của nó nên tại khu đất cũ dựng chùa thường xuyên bị những kẻ lạ mặt viếng thăm, đào bới một cách rất bí ẩn. Người ta chỉ phát hiện ra khi thấy những bãi đất đào dở dang, còn những kẻ đào mộ thì đã bỏ đi. Theo những người dân nơi đây thì rất có thể những kẻ đào trộm hy vọng tìm kiếm cổ vật và của cải của ngôi chùa còn sót lại.
Theo như cụ Mùa người trông nom ngôi chùa thì ngôi chùa bị đào xới tất cả ba lần. Lần thứ nhất vào những năm thập kỷ 80, có ba người đàn ông đến đây hỏi vị trí gốc cây thông già của ngôi chùa cổ rồi đánh dấu vị trí đó. Đêm đến họ đào một cái hố ở vị trí đã đánh dấu, nhưng sáng ra chẳng ai thấy họ đâu nữa, chỉ thấy một cái hố sâu chừng một mét và tàn thuốc bỏ lại. Người dân xung quanh đó thì còn cho biết nửa đêm có nghe thấy tiếng la hét kinh hoàng trên núi vọng xuống.

Cuộc viếng thăm thứ hai cách lần thứ nhất vài năm, họ cũng đào bới rồi vội vã bỏ đi trong đêm vứt nguyên cả đồ đạc lại, chẳng ai rõ họ bỏ đi lúc nào, chỉ biết là khoảng nửa đêm. Lần thứ ba, họ đào bới gần tòa tháp cổ, nhưng nửa đêm bỗng dưng trên núi có tiếng hét ghê người, và tất cả mấy người trong đoàn đào bới vứt cả đồ đạc, quần áo chạy thẳng xuống núi. Khi người dân dưới chân núi nhìn thấy và kể lại có khoảng bốn, năm người lạ, mặt cắt không còn giọt máu vô cùng hoảng sợ nửa đêm chạy xuống núi tay không và bỏ đi vội vã. Sáng hôm sau khi những người dân lên núi xem xét thì thấy cuốc xẻng, ba lô quần áo thức ăn còn vứt chỏng chơ. Những người dân phán đoán rằng họ đã gặp phải “thần rắn” trú ngụ ở cái tháp này nhiều năm rồi nên mới sợ hãi, đang đêm la hét bỏ xuống núi đi không kịp thu dọn cả đồ đạc quần áo.

Con rắn kỳ lạ trú ngụ giữ ba tòa tháp cổ

Nhưng kỳ lạ nhất có lẽ là câu chuyện xảy ra tại ba tòa tháp cổ của ngôi chùa. Trong tháp có một con rắn sinh sống. Đó là có một con rắn rất to, đã bị những người bắt rắn bắt rất nhiều lần, nhưng lần nào con rắn cũng tự quay về dù bị bán đi rất xa hay được chính những người bắt rắt đem trả lại chùa vì họ gặp những quả báo khi đem rắn về nhà hoặc bán rắn.

Những di tích còn lại của ngôi chùa cổ thì ba tòa tháp cổ là còn nguyên vẹn nhất, theo ước tính của các cụ tuổi thọ khoảng vài trăm năm. Kiến trúc ba tòa tháp gần giống như kiến trúc tháp Chàm của người Chămpa. Có hai tòa sát nhau cao khoảng hơn 5m, còn một tòa thấp khoảng 3m, theo ghi chép để lại thì đây là ba ngôi mộ để tro cốt của ba vị sư trụ trì. Tháp được xây bằng gạch nung vuông, rỗng ở bên trong, trước mỗi tòa tháp đều có một ô vuông có thể vào bên trong tháp được. Trước kia những vị sư nào sống hơn một trăm tuổi thì khi mất đều được xây tháp để thờ cúng.

Con rắn luôn  trú ngụ ở tháp chính giữa, nó ít xuất hiện nhưng cũng có những người nhìn thấy hoặc bắt gặp xác lột của nó ngay mấy tòa tháp này. Theo lời kể của cụ Nguyễn Thị Việt, nhà ngay chân núi, cụ đã từng nhìn thấy con rắn có màu xanh nhìn giống như rắn hổ mang, trông to như cái đòn gánh lúa. Thời buổi rắn là một món hàng đắt giá trên bàn nhậu của các đại gia, lại là rắn to nên con rắn không thoát khỏi sự săn lùng của những thợ bắt rắn ở đây. Anh Nguyễn Văn Nam, hơn 40 tuổi là người thợ bắt rắn gần đó thấy bảo có con rắn to xuất hiện trên núi thì không thể bỏ qua. Vốn là người chẳng tin thần thánh nên anh liền lên núi bắt con rắn đem về. Là người thông thạo địa hình nên không khó anh Nam đã bắt được con rắn trong tòa tháp cổ đem về nhốt trong cái lồng kín.

Nhưng chưa kịp đem đi bán thì có chuyện lạ xảy ra đối với anh Nam. Đang khỏe mạnh anh Nam bỗng tự dưng sốt đùng đùng, gia đình đưa anh sang trạm xá tiếp nước, tiêm thuốc cũng không ăn thua gì, miệng thì mê sảng luôn đòi thả “ngài” ra, chẳng ai biết “ngài” anh đang nói là ngài gì, cho rằng anh sốt quá nên nói nhảm. Đến hôm sau, đang nằm li bì trên giường anh bỗng bật dậy chạy như bay về nhà bê chiếc lồng sắt nhốt con rắn hôm trước vừa bắt trèo một mạch lên núi thả con rắn tại chính nơi anh bắt nó rồi anh ngất lịm ở đó. Cả nhà hoảng sợ đưa về thì thấy anh tỉnh táo, không còn mê man chỉ còn sốt, về nhà nghỉ ngơi mấy hôm thì khỏi hẳn. Cũng từ đó anh Nam không hiểu vì sợ hay làm sao mà bỏ nghề bắt rắn luôn.

Con rắn được thả, có người thợ rắn tên Thái ở thôn bên cho rằng anh Nam đã vứt bỏ một đống tiền, đã bắt được món hời mà lại thả ra, nếu bán thì ít nhất cũng được vài triệu. Nghĩ vậy, anh Thái nhanh chân tìm đến mấy tòa tháp cổ để tìm lại “món hời” vừa được thả. Lần này anh Thái cũng không khó để săn được con rắn, vừa bắt được anh mang bán luôn cho vựa thu mua rắn ở thị trấn Bảo Sơn gần đó.


Nhưng chỉ vừa về nhà mấy tiếng sau anh bỗng dưng lên cơn sốt, mê man, trong cơn mê sảng anh Thái luôn mồm lảm nhảm câu “phải trả lại chùa, trả lại chùa…”. Vợ anh nghe người ta nói là anh đã phạm phải thần thánh khi dám bắt con rắn thần trên núi ở làng bên đem bán, chị bèn tất tưởi lên vựa thu mua rắn để chuộc lại con rắn, rất may là con rắn chưa bị đem đi. Cũng có sự lạ là người chủ vựa rắn bình thường cứ thu mua rắn hai ngày là lại đi một chuyến Lạng Sơn để giao cho thương lái Trung Quốc, nhưng kể từ hôm mua con rắn này thì chưa đi được chuyến nào mặc dù đã sáu ngày trôi qua, rắn thu gom đã khá nhiều mà không hiểu vì sao người chủ lại vẫn chưa đi giao hàng, mà cứ nấn ná ở lại như chờ đợi điều gì.

Khi vợ anh Thái ngỏ ý muốn chuộc lại con rắn thì lập tức đồng ý trả lại mà cũng không lấy tiền trả lại của anh chị. Chị lập tức mang con rắn lên núi thả kèm theo lễ vật, khi về tới nhà thì bệnh tình anh Thái cũng dần dần thuyên giảm, sau vài hôm thì khỏi hẳn. Sau lần đó, anh Thái cũng xếp đồ nghề cất đi, không bao giờ dám đi săn rắn nữa.

Ly kỳ cụ rắn hàng trăm  tuổi

Kể từ mấy lần con rắn bị bắt và được thả đi thả lại thì không còn thợ rắn nào dám bén mảng lên chùa đào bới để săn rắn nữa. Cũng từ đấy mà con rắn bỗng dưng được người dân coi như  “rắn thần”, nổi tiếng khắp vùng. Câu chuyện có vẻ ly kỳ, nhân tiện có mấy cụ cao niên trong làng tìm ông Mùa để đánh cờ chúng tôi có dịp tìm hiểu thêm. Theo các cụ trong làng thì đó là câu chuyện liên quan đến chốn linh thiêng nên các cụ không dám nói sai nửa câu. Và cũng từng có nhiều người nhìn thấy kể lại hồi nhỏ hay chăn trâu gần chùa, có lên đó chơi và đã từng vài lần nhìn thấy con rắn, đặc biệt con rắn rất hiền, nhìn thấy người là nó chui vào trong tòa tháp chính giữa. Còn cái xác lột của nó thì người ta bắt gặp nhiều lần.

Cũng theo các bậc cao niên, con rắn không phải là mới có, ngay từ thời  các bậc phụ huynh của các cụ trước kia đã từng chứng kiến sự tồn tại của con rắn, lúc ngôi chùa còn tráng lệ thì con rắn đã sống ngay tại tháp chính giữa, sư trụ trì chùa ngày đó cho là điềm lành và nói rằng:“Con rắn này sẽ canh giữ mấy tòa tháp này, chuột bọ sẽ không đục khoét được mấy tòa tháp”, nên không cho ai được đến chọc phá hay bắt rắn. Theo các cụ cao niên thì  tính ra con rắn cũng già hơn 200 năm tuổi. Cũng nhờ “oai” cụ rắn mà không ai dám động đến mấy tòa tháp này. Khi ngôi chùa bị phá nhưng ba tòa tháp không hề bị xâm phạm nên còn nguyên vẹn. Người ta cho là con rắn chính là hiện thân của ba vị sư trụ trì hơn trăm tuổi trong ba tòa tháp. Và người dân nơi đây cũng tin rằng con rắn chính là nguyên nhân mà mấy lần những kẻ đào bới ghé thăm nhưng đều phải bỏ chạy mất mật như vậy.

Chỉ là những câu chuyện đồn thổi

Tìm đến anh Nguyễn Văn Nam, người đã từng cả gan bắt con rắn trong tòa tháp để nghe anh kể về chuyện bắt con “rắn thần” trên núi. Rất may anh Nam ở nhà, anh nói: “Con rắn trông rất bình thường, thuộc loại rắn hổ Chúa nhưng màu của nó xanh sậm chắc do lâu năm, tôi chưa cân nhưng ước tính con rắn phải nặng đến chục cân chứ chẳng ít, hồi bắt nó tôi phải dùng chiếc lồng sắt nhốt chó để nhốt con rắn”. Khi bắt xong do bị ốm, anh Nam sợ phạm vào chùa nên đã đích thân thả con rắn chứ không phải là từ trạm xá chạy về rồi ngất trên đó. Rồi anh cười bảo: “Ngày đó không biết lên cả gan dám bắt, chứ bây giờ cho tiền cũng không dám bén mảng đến đó nữa”. Gần đây không thấy con rắn xuất hiện, nhưng các cụ và anh Nam cũng không có ai dám can đảm chui vào trong tháp để xem con rắn còn tồn tại hay không nữa.

Để xác minh câu thực hư những câu chuyện có phần kỳ bí của ngôi chùa chúng tôi đã tìm gặp ông Nguyễn Văn Hiệp, phó trưởng thôn làng Thượng Lâm. Ông Hiệp cho biết sự thực về những câu chuyện trên, ông nói: “Sự việc thì quả là đúng như vậy nhưng có những cách giải thích khác nhau vì có người tin và có người không tin vào chuyện tâm linh”. Về việc đổi hướng thì chuyện đó xưa lắm rồi nên ông chỉ được các cụ truyền lại như vậy. Còn những chuyện về những người xâm phạm ngôi chùa bị quả báo thì ông cho rằng: “Đúng là những người đó có bị ốm đau, xong đó chỉ là những sự trùng hợp ngẫu nhiên nên dân làng tin rằng do liên quan đến việc lấy của chùa nên mới bị ốm như vậy”. Khi lên chùa không được nói bậy theo ông Hiệp thì là một tập tục không riêng chùa nào, mà của chung các chùa. Riêng ở ngôi chùa cổ này thì tập tục được người dân thực hiện nghiêm lắm, dù là người ở làng hay khách thập phương đều biết đến tập tục này của chùa nên tránh tuyệt đối không bao giờ buông lời khiếm nhã.

Còn về chuyện rắn thần sống trong tháp thì theo ông Hiệp là có thực, ông chưa nhìn thấy tận mắt nhưng đã bắt gặp xác lột của nó rất to cạnh mấy tòa tháp cổ. Còn chuyện những kẻ đào bới trộm bỏ chạy trong đêm vì con rắn thì thực hư chưa rõ thế nào, có thể khi đào có người dân phát hiện nên chúng sợ bỏ chạy và người ta dọa như vậy để cho những kẻ khác không nhòm ngó. Khi xảy ra vụ đào bới trộm cách đây nhiều năm, chính quyền đã cắt cử người trông nom cẩn thận nhưng sau đó vẫn xảy ra thêm hai lần nữa. Như vậy theo ông Hiệp thì câu chuyện có thể chỉ là những sự việc đồn thổi mà thành. Nhưng những câu chuyện đó đã làm tăng thêm sự huyền bí của ngôi chùa to nhất xứ Kinh Bắc ngày xưa.
Theo Nguyễn Huệ - ANTĐ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét