Thứ Ba, 13 tháng 5, 2014

BÀI VIẾT HAY 57

(ĐC chép từ nguoivietkharkov.com)

Hào quang và bi kịch của một danh hài
Thứ hai, 12 Tháng 5 2014 15:30
29 chi222
Cùng với Phi Thoàn, Tùng Lâm, Bảo Quốc, Tấn Beo, Hồng Tơ, Ngọc Giàu... Mỹ Chi đã góp phần tạo dựng nên thế hệ vàng các danh hài Sài Gòn ngay sau ngày đất nước thống nhất. Bây giờ, dù tuổi không còn trẻ nữa nhưng chị vẫn không rời xa ánh đèn sân khấu. Ngoài biểu diễn chị còn góp phần đào tạo nhiều nghệ sĩ trẻ để tiếp tục mang tiếng cười đến cho mọi người. Thế nhưng ít ai biết rằng, đằng sau con đường nhiều nụ cười của Mỹ Chi lại từng đánh đổi không ít nước mắt đớn đau.
Từ "con hề" đến "danh hài" và lời tri ân ông Sáu!
Trước năm 1975, sau một thời gian đi hát không thành, Mỹ Chi được nghệ sĩ Anh Lân nhận vào đoàn kịch Tân Dân Nam, và đó là bước ngoặt làm thay đổi cuộc đời và sự nghiệp của chị, sản sinh cho sân khấu một danh hài tương lai. Chị thổ lộ: "Tôi luôn chịu ơn chú Anh Lân. Nhờ chú mở đường mà tôi có được ngày nay. Lúc đó tôi mới 20 tuổi, khi đứng ra thành lập ban kịch riêng, chú động viên, bảo cứ diễn thoải mái, khi nào bên Tân Dân Nam cần thì kêu tôi sang tham gia. Ban Kịch trẻ Mỹ Chi nhờ khán giả biết đến nhiều qua vở "Cô gái út". Cũng nhờ đó, tôi dần thể hiện được khả năng của mình trên sân khấu và được quý khán giả yêu thích".
Ban Kịch trẻ Mỹ Chi sát cánh cùng bốn ban kịch đàn anh đàn chị khác gồm toàn những ngôi sao thành danh, diễn chương trình riêng thường xuyên trên Đài Truyền hình Sài Gòn, dần tập hợp được các nghệ sĩ tài danh như Phi Thoàn, Khả Năng, Thanh Tú, Thanh Việt, Ngọc Đức, Bảo Ân, Hoàng Mai, Tường Vi,…
Sau ngày miền Nam giải phóng, một lần nghệ sĩ hài lừng lẫy Phi Thoàn gặp Mỹ Chi gợi ý rằng, lâu nay diễn hài chỉ có nam chứ không có nữ và đề nghị chị thử cùng mình lên sân khấu tấu hài. Đến lúc ấy, những người diễn hài chỉ được gọi là… hề. Mỹ Chi sợ khán giả kêu "con hề" nên từ chối liền. Do thấy được khả năng hài hước và tài diễn xuất của Mỹ Chi nên Phi Thoàn kiên trì thuyết phục, động viên chị thử tập luyện diễn hài. Và thật bất ngờ, lên sân khấu Mỹ Chi diễn rất thành công.
Sau khi nổi tiếng nhờ tấu hài cặp với Phi Thoàn, Mỹ Chi tiếp tục diễn cặp với Bảo Quốc trong "Ông Táo bà Bánh" vào 30 Tết, mở đầu cho chương trình kịch Táo quân vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm trên Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh. Đây cũng là chương trình gây tiếng vang trong dư luận và là nguồn cảm hứng cho sự ra đời các chương trình, vở kịch về Táo quân từ Nam chí Bắc sau này. Với khả năng đa dạng của mình, Mỹ Chi còn là nữ diễn viên đóng cặp rất thành công với các kép hài nổi tiếng khác như Duy Phương, Nguyên Hạnh, Tấn Beo,…
Vào thời kỳ sau ngày đất nước thống nhất, Chương trình Tiếng cười Sân khấu do ông Sáu Dân (tức cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) khi ấy đang là Bí thư Thành ủy Tp HCM khởi xướng, đã trở thành nơi hội tụ và phát hiện nhiều nghệ sĩ hài tài năng. Cũng từ đó, danh từ "danh hài" ra đời, thay cho từ "hề" không trân trọng cho lắm. Mỹ Chi đã đoạt hai giải thưởng cuộc thi Danh hài Tp HCM năm 1996, 1997.
29 chi222-450
Mỹ Chi và đàn em Anh Vũ.
Chị tâm sự: "Giới nghệ sĩ hài đều biết ơn bác Sáu Dân. Nhờ bác mà chúng tôi có một vị trí xứng đáng trên sân khấu, góp tiếng cười có ích cho đời sống cộng đồng. Trước đây khi đi hát ít ai muốn làm hề. Ai cũng sợ mình bị gọi là thằng hề, con hề. Có điều ngày nay, từ danh hài bị lạm dụng nhiều quá. Có người lên sân khấu tấu hài, dù diễn rất thô vậy mà được xưng tụng là danh hài".
Đi làm ôsin, cưới vợ cho chồng để thoả mãn giấc mơ nghệ thuật
Nguyễn Mỹ Chi là con gái "rượu" của ông chủ hãng xe Tam Hữu nổi tiếng Sài Gòn trước năm 1975. Từ nhỏ Mỹ Chi đã say mê cải lương… Tuy không được cha mẹ tán đồng, nhưng Mỹ Chi vẫn âm thầm bí mật thi vào Trường Quốc gia âm nhạc Sài Gòn và đậu thủ khoa, được nhận học bổng. Tốt nghiệp ra trường, cô đến xin hát với người cậu Trường Xuân - nghệ sĩ đang làm ông bầu Đoàn Cải lương Kim Chưởng. Nhưng cô bị cậu mắng cho, vì theo ông thì giọng cô đâu có gì đặc biệt mà đòi hát cải lương, đành về nhà ôm mặt khóc rấm rứt…
Nghe con gái nài nỉ hoài, mẹ của Mỹ Chi lại thử dẫn cô qua cậu Mười Út Trà Ôn - ông bầu Đoàn Cải lương Thống Nhất. Cậu Mười nể tình đồng ý, bảo cô mỗi tối cứ đến với đoàn, thấy việc gì làm được thì làm. Tối nào người cha cũng lái xe chở con gái đến đoàn Thống Nhất, nhưng chỉ ngồi xem diễn tập chứ vẫn không được hát hò gì cả.
Thấy hai người cậu nghệ sĩ không cho con gái "rượu" của mình hát, người cha lại chở con thử tìm tới nghệ sĩ Năm Châu - ông bầu Đoàn Cải lương Ánh Chiêu Dương. May thay, Năm Châu nhận Mỹ Chi vào đoàn và cho đóng một số vai tuồng, có vai còn được đóng chính, chung với kép ngôi sao Việt Hùng. Gia đình vô cùng mừng rỡ. Ông chủ hãng xe Tam Hữu còn tự nguyện đêm đêm cho bốn chiếc xe đến các điểm ở Sài Gòn - Chợ Lớn đón khán giả đi miễn phí đến xem đoàn có con gái mình hát.
Do chiến tranh, Đoàn Cải lương Ánh Chiêu Dương chỉ tập trung biểu diễn ở nội thành Sài Gòn và Chợ Lớn. Mỹ Chi sau khi được hát lại mơ được diễn xa, mong được nổi tiếng và nhiều người biết đến hơn. Biết ý nguyện đó, một cô đào thuộc thế hệ cô chú đang làm bầu Đoàn THL đã đến đánh tiếng: "Con muốn nổi tiếng thì hãy theo má về đi hát các tỉnh". Nghe vậy, Mỹ Chi mừng quá, xin nghệ sĩ Năm Châu được về Đoàn THL.
Thế nhưng, Mỹ Chi không ngờ mình đã bị lừa: "Lúc ấy Đoàn THL đóng ở Biên Hoà. Tôi lên được bà bầu phân công… đi chợ, nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, phục vụ cho mười mấy người trong đoàn hát, cả vợ chồng bà. Mà tôi vốn là con gái nhà giàu, từ nhỏ đến lớn đâu biết nấu ăn, nội trợ là gì"! Mấy tháng trời Mỹ Chi chờ hoài vẫn không thấy bà bầu đả động gì đến chuyện hát xướng. Ngày lo phục vụ cho đoàn, tối cô khoanh tròn ngủ dưới đất, chỉ được ăn hai bữa cơm, không có được một đồng tiền thù lao…
Một hôm, Đoàn Cải lương THL từ Biên Hoà xuống Vũng Tàu biểu diễn. Đang trên đường đi công việc, ông bà chủ hãng xe Tam Hữu thấy Đoàn THL trương bảng hiệu quảng cáo. Trước đó, đọc thư của Mỹ Chi gửi về, nghe con nói đang diễn ở miền Trung, sao đoàn bây giờ lại ở đây? Ngạc nhiên, hai ông bà mới vào xem thử thì bất ngờ thấy con gái "rượu" đang nằm co ro ngủ bên cạnh nhà vệ sinh, phía dưới chân vợ chồng bà bầu. Biết được sự tình, người cha đã bắt con gái về nhà, bảo rằng dù con gái có tự tử ông cũng không cho đi theo đoàn hát nữa!
Về lại Sài Gòn, Mỹ Chi ngơ ngác như kẻ thất tình, không muốn tiếp xúc với ai. Xót cho con gái, ông chủ hãng xe Tam Hữu một lần nữa phải cắn răng đi nhờ người quen giới thiệu con vào Đoàn Kịch Tân Dân Nam của ông bầu Anh Lân - chồng nghệ sĩ Túy Hoa, một trong bốn ban kịch nổi tiếng chuyên biểu diễn trên Đài Truyền hình Sài Gòn trước năm 1975. Từ đó, con đường nghệ thuật của Mỹ Chi mới bắt đầu thăng hoa.
Thế nhưng, đằng sau ánh hào quang sân khấu luôn chất chứa nỗi niềm cay đắng. Từ năm 1990, Mỹ Chi thành lập Đoàn Kịch Mỹ Chi gồm gần 40 nghệ sĩ, trong đó có các nghệ sĩ trẻ tài năng như Hải Thanh, Thu Hồng, Xuân Hùng,… Mỹ Chi giữ nhiều vai trò, từ quản lý đến dựng kịch bản, đạo diễn và diễn xuất, đưa đoàn đi biểu diễn liên tục, nên hết sức bận rộn. Cũng kể từ đó, bi kịch gia đình Mỹ Chi bắt đầu xảy ra.
Chị tâm sự: "Tôi không thể nào rời đoàn kịch được. Chồng tôi là bác sĩ khuyên tôi nên giảm bớt công việc, vì gia đình đâu đến nỗi túng thiếu mà lao vào công việc dữ vậy. Yêu nghề, không thể bỏ mặc đoàn kịch được, nên tôi không chu toàn nhiệm vụ làm vợ, đành phải hy sinh hạnh phúc gia đình, quyết định ly hôn. Thấy tội nghiệp cho chồng, tôi âm thầm đi tìm vợ cho anh ấy để có người chăm sóc. Tôi nghe anh Thanh Sang có cô em họ, liền đến coi mắt. Vừa ý, tôi liền giới thiệu cho chồng và sắm mâm quả cho chồng đi cưới vợ. Tuy nhiên, chẳng may hai người chỉ sống với nhau được hai năm thì chia tay...".
Khi ngồi kể lại cho chúng tôi về những bi kịch đời mình, danh hài Mỹ Chi mong muốn những bạn trẻ yêu nghệ thuật không lặp lại những sai lầm đẫm nước mắt mà chị từng trải qua. Và chị cũng cho rằng, sân khấu không phải là chiến trường, người nghệ sĩ đừng vì cái danh cái lợi trước mắt mà hãm hại nhau. Hào quang không đánh đổi được nghĩa tình, người nghệ sĩ cần phải thương yêu nhau, nâng đỡ nhau trên con đường nghệ thuật đầy gian nan thử thách.
Hùng Phan - Thuỷ Nguyên (Văn nghệ Công an).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét