Thứ Hai, 19 tháng 5, 2014

HIỆN THỰC KỲ ẢO 39

(ĐC sưu tầm trên NET)

Kỳ bí bãi đá cổ khổng lồ hình kim tự tháp của dân tộc S’tiêng

Chủ nhật 27/04/2014 06:45
ANTĐ - Giữa núi rừng hoang vu bạt ngàn cây cối, khu mộ cổ với những viên đá ong mang hình Kim tự tháp nằm dãi dầu mưa nắng thời gian cùng những câu chuyện kể vô cùng kỳ bí mà bất cứ ai khi nghe xong cũng phải lạnh cả sống lưng. Tuy nhiên, với người dân quanh vùng, khu mộ cổ này không phải biểu hiện của sự chết chóc mà chỉ thấy cảm giác linh thiêng và tôn kính. Đó chính là khu mộ đá ong của người S’tiêng thuộc ấp 2, xã Lộc An (huyện Lộc Ninh, Bình Phước) với hàng trăm khối đá ong to nhỏ khác nhau.

Tác giả đang tìm hiểu những khối đá ong ở đây

Những vòng tròn đá đồng tâm ma quái

Phải len lỏi qua mấy chục cây số đường rừng, lội qua những con suối chảy xiết đầu mùa mưa, chúng tôi mới tìm đến được khu mộ đá cổ của S’tiêng nằm giữa bạt ngàn rừng núi biên giới Lộc Ninh. Người dẫn đường cho chúng tôi, anh Điểu Thoại, một thanh niên còn khá trẻ, vui tính vừa đi vừa kể: “Khu mộ cổ này nằm ở gần khu mỏ đá đang khai thác của người dân địa phương. Đó là một khu đất trống, rộng mênh mông nằm thoai thoải trên một triền đồi, được người dân quanh vùng gọi là khu đá Bãi Tiên”.

Thoạt nhìn, khu mộ mang đến cho ta cảm giác của sự ngạc nhiên và rất đỗi hoang vu vì xung quanh không có người ở nhưng lại có rất nhiều đá. Toàn đá ong nằm trên nền cỏ xanh mặc dù xung quanh không có núi, đồi gì cả. Theo quan sát của chúng tôi, khu mộ này có đến cả nghìn tảng đá lớn nhỏ khác nhau, nằm rải rác. Ở trung tâm của khu mộ là một ngôi mộ được cấu tạo bởi vòng tròn đá có bán kính chừng 6 mét với khoảng 30 phiến đá ong hình Kim Tự Tháp nhọn xếp bao quanh, cao hơn bề mặt chung quanh khoảng 0,5-0,6 mét. Có thể nói, đây chính là trung tâm của khu mộ cổ này và cũng được cho là nơi an nghỉ vĩnh hằng của chủ nhân khu mộ, già làng Rlem, người đầu tiên đưa những cư dân S’tiêng về đây định cư.

Kể về chuyện này, già làng Điểu Vinh, 69 tuổi, một người sinh sống gần khu mộ này cho biết: Lúc nhỏ, tôi được nghe các  già làng trong vùng kể rằng khu mộ đá là nơi an nghỉ của già Rlem và hơn 100 người S’tiêng khác. Đó chính là một sự kiện lạ lùng mà đến nay, không ai giải thích nổi nhưng tất cả mọi người đều tin đó là sự thật. Trong đám tang của già Rlem, có 100 người dân đưa tiễn đến đây, đang an táng cho già làng thì đột nhiên trời đổ mưa như trút nước khiến trời đất và vạn vật như bị nhấn chìm. Rồi đột nhiên, giữa một tiếng sét kinh thiên động địa, long trời lở đất, xác già làng và tất cả những người đi cùng đều bị hóa thành đá. Từ đó, khu mộ đá ong được hình thành và là nơi linh thiêng của cộng đồng người S’tiêng trong vùng. Với họ, việc già làng và 100 người bị biến thành đá chính là ước nguyện sự bất tử, vĩnh hằng trong trời đất, thưở mới khai thiên lập địa để mong con cháu người S’tiêng sau này an cư lạc nghiệp, lấy khu mộ cổ này làm trung tâm để sinh sống, phát triển, từ bỏ cuộc sống lang thang qua những cánh rừng và dòng sông. Thực sự, nghe già làng kể và tận tay chạm vào những viên đá ong cổ, tôi mặc dù không tin nhưng vẫn có cảm giác linh thiêng, thấy dường như có sự hiện diện đâu đây của tiền nhân, những chủ nhân ngàn đời của mảnh đất hoang vu này.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài nấm mộ trung tâm ở chính giữa, nơi đây còn có những tảng đá lớn bao quanh theo hình tròn. Cụ thể, ngoài vòng tròn là nấm mộ già Rlem thì 2 vòng tròn đá bên ngoài khá rộng, được cấu thành bởi những khối đá nằm rải rác, xếp liền kề nhau theo một trật tự cố định nhưng đồng tâm. Hiện nay, hai vòng đá bên ngoài này đã bị xáo trộn nhiều do những biến động của thời gian và cả chính con người. Cụ thể, vòng đá tròn thứ 2 có đường kính ước phải 20 mét với hàng trăm viên đá ong nằm bao quanh. Nay chúng chỉ có non nửa số đá ong do nhiều tảng đã bị di chuyển đi nơi khác nhưng dấu tích của nó vẫn còn, dù khá mờ. Cuối cùng, vòng tròn đá thứ 3 được cho là bao quanh, đồng tâm với hai vòng tròn kia có bán kính khoảng trăm mét, rất lớn. Có thể nói, việc những vòng tròn đá đồng tâm được sắp xếp một cách kỳ lạ và khá chính xác khiến không ít người cảm thấy nghi ngờ bởi cách đây nhiều năm, việc sắp xếp được những vòng tròn đá đồng tâm mà lại chính xác như thế là rất khó khăn. Mặc dù chưa được phép khai quật để biết chính xác bên dưới những phiến đá ong kỳ lạ kia là gì nhưng chúng ta cũng có thể hình dung được, nó chắc chắn sẽ có chứa nhiều bí ẩn thú vị của văn hóa cộng đồng người S’tiêng nơi này.

Nguy cơ biến mất

Như chúng tôi đã nói ở trên, khu mộ cổ đá ong này nằm gần khu mỏ đá đang khai thác của người dân khiến chúng có thể trở thành nạn nhân của việc bị nghiền nát, đưa lên xe tải chở đi bất cứ lúc nào. Theo anh Điểu Thoại, cách đây mấy năm, một chủ đá ở địa phương đã có kế hoạch cho nổ mìn khu mộ cổ này để lấy đá nhưng sự việc đã đượ chính quyền địa phương sớm phát hiện và kịp thời ngăn chặn. Cũng theo anh Thoại, hiện nay quanh khu vực này có rất nhiều cơ sở khai thác đá như vậy và bãi đá cổ có thể bị khai thác bất cứ lúc nào bởi những xe tải và mìn phá đá ở đây hoạt động suốt ngày đêm. Nếu không có sự can thiệp kịp thời, chỉ một thời gian ngắn nữa, những chiếc máy ủi hoàn toàn có thể xâm lấn tới khu mộ đá này. Chính vì thế, thời gian vừa qua, một số đoàn khoa học của tỉnh Bình Phước đã có những cuộc khảo sát khu quần thể di tích mộ đá này. Tuy chưa đưa ra kết luận chính thức nhưng đoàn khảo sát khẳng định, khu mộ đá có thể là nơi chôn cất của các tù trưởng của người S’tiêng hoặc có thể là đàn đá tế trời, cầu mưa của đồng bào. Trái lại, nhiều ý kiến khác về khu mộ đá này lại cho rằng, khu mộ đá với hàng ngàn khối đá ong và những vòng tròn đá đồng tâm chính là một tuyệt tác của thiên nhiên, được hình thành một cách ngẫu nhiên, không có sự can thiệp của bàn tay con người. Nó có thể coi là một sự kỳ lạ trong cuộc sống như những quần thể đá khác mà con người đã phát hiện ra mà thôi.

Mặc dù khoa học chưa có kết luận chính xác về nguồn gốc của khu mộ đá nhưng theo người dân, có rất nhiều điều kỳ lạ đã diễn ra quanh khu mộ đá ong này. Đó là chuyện trong thời gian chiến tranh, hầu như khu vực biên giới Lộc Ninh, cái nôi của phong trào giải phóng miền Nam và cơ quan đầu não của cách mạng đều phải chịu rất nhiều bom đạn của kẻ thù. Dù những vùng núi, rừng, suối khác bị bom đạn cày xới, tung tóe nhưng khu mộ cổ này nguyên si, không hề bị suy chuyển. Mọi người còn kể, không hiểu sao bom đạn kẻ thù cứ “lảng tránh” khu mộ này mặc dù nó rất trống trải, nằm biệt lập một cách vô cùng khó hiểu. Chính vì thế, người dân S’tiêng còn coi khu mộ cổ này là báu vật linh thiêng bất khả xâm phạm của dân tộc mình.

Theo ông Trần Thanh Tùng, giám đốc bảo tàng tỉnh Bình Phước thì khu di tích Bãi Tiên này chắc chắn là một di chỉ khảo cổ học có giá trị bởi những vòng tròn đá sắp xếp như thế phải có bàn tay của con người chứ không chỉ đơn thuần là sự cấu tạo của tự nhiên được. Bỏ qua những câu chuyện huyền bí truyền miệng của đồng bào, nơi đây có ẩn chứa nhiều giá trị nghiên cứu về những người S’tiêng cổ, những cư dân đầu tiên của vùng đất Lộc Ninh, Bình Long… ngày nay. Chính vì thế, sắp tới bảo tàng sẽ nghiên cứu chính xác niên đại cũng như tuổi đời của hiện vật đá ở Bãi Tiên để xác định những nghi vấn cũng như giải thích chính xác những câu chuyện thần bí của đồng bào.

Có thể nói, điều ông Tùng giải thích cũng phần nào phù hợp với văn hóa tín ngưỡng sử dụng đá trong đời sống văn hóa của đồng bào S’tiêng. Theo các già làng ở vùng Lộc An thì từ lâu, đá đã có một vai trò hết sức quan trọng trong tín ngưỡng thờ cúng của họ. Từ các nghi lễ bỏ mả, cúng lúa mới, ma chay hay cưới hỏi… dân làng đều phải thờ đá. Chính vì thế, khu vực mộ đá đó dần đã trở nên linh thiêng với người dân từ lúc nào không hay.
ỨNG HÒA

Bí mật khiến người dân tộc S’tiêng sùng bái một bãi đá như mộ tổ

Nằm trên vùng đất thiêng của đồng bào S’tiêng (xã Lộc An, huyện Lộc Ninh, Bình Phước), ụ đất lớn được bao phủ bởi hàng phiến đá lớn nhỏ theo vòng tròn kỳ dị. Nhiều thế hệ nối tiếp nhau, tộc người S’tiêng rất tôn kính và coi đó là ngôi mộ tổ của dân làng.

Nằm trên vùng đất thiêng của đồng bào S’tiêng (xã Lộc An, huyện Lộc Ninh, Bình Phước), ụ đất lớn được bao phủ bởi hàng phiến đá lớn nhỏ theo vòng tròn kỳ dị. Nhiều thế hệ nối tiếp nhau, tộc người S’tiêng rất tôn kính và coi đó là ngôi mộ tổ của dân làng.
Chuyện lạ kỳ  quanh bãi đá cổ
Có nhiều truyền thuyết kỳ bí xung quanh ngôi mộ đá này, những người dân sống lân cận kể rằng mỗi khi hè đến có rất nhiều loài hoa khác nhau lung linh nở quanh bãi đá cổ. Thế nhưng, điều kỳ lạ là những loài hoa ấy, người dân không hề có ai gieo trồng hay chăm sóc. Già K’Rinh (69 tuổi) nhớ lại: “Tổ tiên người S’tiêng kể lại rằng trước đây từng có đàn chim sẻ bay đến đậu trên bãi đá cổ. Mỗi lần chúng đến, trời chắc chắn đổ mưa ngay rồi kéo theo sấm sét đánh thẳng vào bãi đá cổ. Hay lần khác có người chăn bò ở khu vực trong bãi đá, khi về đều mắc bệnh chữa không khỏi, đến khi mang lễ vật đến cúng thì bỗng dưng khỏi bệnh”. Bà K’Rinh còn xác nhận với chúng tôi rằng trước đây, quanh khu đồi có diện tích suối và hồ nước khá lớn, bên dưới có loài cá lạ mà người dân gọi là cá Tiên, dù bắt rất nhiều mà không hết. Xuất phát từ những điều kỳ lạ trên mà truyền qua nhiều thế hệ, tộc người S’tiêng luôn chọn bãi đá này làm nơi tổ chức các lễ hội, lễ cúng lúa mới, lễ xuống đồng, lễ tạ ơn, lễ cầu mưa.

Ngôi mộ bí ẩn có vai trò lớn trong đời sống tinh thần người S’tiêng.
Nằm trên một khu đồi sỏi đá, nơi giáp ranh với biên giới Campuchia, xung quanh được bao bọc bởi khu rừng cao su bạt ngàn và những con đường đất đỏ bazan trơn trượt, bãi đá khổng lồ mang dáng vẻ kỳ bí thuộc xã Lộc An (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) thực sự khiến nhiều người tò mò về nguồn gốc và ý nghĩa của nó. Bãi đá nằm trong khu vực quần cư lâu đời của đồng bào S’tiêng. Theo ngôn ngữ của họ thì chúng được gọi là Bãi Tiên hay mộ già làng R’lem. Người dân ở đây cho biết: “Dù khu đồi đã bị thu hẹp nhưng vẫn còn thấy rõ được tính quy mô của nó”. Những bậc cao niên trong vùng kể lại thì xưa bãi đá cổ là một quần thể kiến trúc rất độc đáo, với hàng trăm tảng đá ong khổng lồ được đắp rất công phu, tỉ mỉ theo hình Kim Tự Tháp, bao quanh là con suối và nhiều núi đồi.
Không ai biết nó xuất hiện từ bao giờ và chủ nhân là ai, nhưng nhiều thế hệ tộc người S’tiêng vô cùng sùng bái, thậm chí có những truyền thuyết về bãi đá gắn liền với quá trình sinh sống và quần cư của họ. Già làng Điểu Khê (SN 1936, xã Lộc An) kể lại: “Từ lúc còn nhỏ, tôi đã thấy ngôi mộ rồi. Nghe ông bà kể lại, đây là ngôi mộ có từ đời ông cố, ông sơ. Trước đây khu vực này cảnh quan rất xinh đẹp với cây cối mọc xum xuê, nhiều loài hoa rừng khoe sắc”. Ông còn cho biết thêm: “Người S’tiêng rất tôn sùng đá, hễ ai mà đi làm nương, làm rẫy mà nhặt được viên đá nào có hình thù kỳ dị, phát ra ánh sáng thì là người có số hên, được thần linh giao nhiệm vụ làm  cầu nối giữa thần linh và con người”.
Theo quan sát, bãi đá được chia làm hai phần rõ rệt, phần ngoài đá được xếp vòng tròn có đường kính 9m, tập trung gần như toàn bộ những viên đá lớn tách biệt nhau. Phần thứ hai là hình vuông, mỗi cạnh dài khoảng 4,5m, tập hợp những phiến nhỏ hơn nằm san sát vát lên đỉnh, giữa là một khoảnh đất u lên tương đối lớn. Cũng theo anh K’Kinh thì ngày xưa, Bãi Tiên rất lớn hình Kim Tự Tháp, nhưng theo thời gian mưa gió bào mòn, đá và đất dần sụp xuống và có hình dạng như ngày nay.
Tiếp xúc với chúng tôi, già K’Hoanh (78 tuổi) giải thích, bãi đá cổ này gắn liền với truyền thuyết về già làng R’lem ở sóc Bù Gio Tó (Bình Phước), với công lao đưa bộ tộc người S’tiêng tới vùng đất này sinh cơ, lập nghiệp. Ngày ấy, tộc người S’tiêng ở một vùng đất xa xôi. Do khó khăn trong sinh sống, họ quyết định đi tìm cho mình nơi định cư mới thuận tiện sinh sống hơn. Dẫn đầu đoàn người là già làng R’lem, sau nhiều ngày đi thì đến vùng đất này, thấy địa thế đẹp nên quyết định quyết định dừng chân, bảo ban dân dựng nhà lập làng. Mọi người vui mừng nhanh chóng bắt tay vào việc phát nương làm rẫy để ổn định cuộc sống. Trong một lần đi vào rừng làm rẫy, già làng R’lem chặt phải một loại cây có độc (người S’tiêng gọi là Tơn Tằm), nên về nhà bị bệnh nặng.
Truyền thuyết kể lại rằng sau khi trúng độc, già làng đã uống nhiều loại thuốc nhưng bệnh tình không hề thuyên giảm. Vì quá thương già làng, người dân bèn hộ tống ông tới ngọn đồi để tổ chức lễ cúng giải hạn. Thế nhưng khi vừa tới ngọn đồi thì bệnh tình già R’lem trầm trọng hơn và trút hơi thở cuối cùng. Quá thương tiếc, bà con liền tổ chức nghi thức mai táng cho già ngay tại chỗ, cả làng tập trung ngồi quanh khu đồi tiếc thương cho vị thủ lĩnh. Khi đang tiến hành làm lễ tang, thì bỗng nhiên trời tối sầm lại và lạnh lẽo vô cùng, trong chốc lát mọi đồ vật xung quanh cùng những người ở đó hóa hết thành đá. Người dân cũng từ câu chuyện này mà ví sự ra đi của già R’lem giống như sự hóa Tiên nên gọi Bãi Tiên để tưởng nhớ. Vì thế ngày nay phần dưới chân bãi đá có nhiều phến xếp nằm giống như cảnh hàng trăm người đang chịu tang, còn phần trên cao lại tương tự như người trưởng làng đang nhìn buôn dân của mình. Có lẽ vì thế, người S’Tiêng rất tôn sùng bãi đá cổ và xem đó là biểu tượng của sự thiêng liêng, may mắn cho cộng đồng.
Bí ẩn chưa giải mã, bãi đá có nguy cơ biến mất
Chưa một nhà nghiên cứu nào xác định được rằng liệu đây có phải là một ngôi mộ cổ hay không? Bên cạnh đó, quan sát niên đại lâu năm của bãi đá, nhiều ý kiến cho rằng cấu trúc sắp xếp của các khối đá dường như có sự liên hệ mật thiết đến nét văn hóa của người Việt cổ. Khi nghe chúng tôi đề cập đến chủ nhân của bãi đá này, anh H’Du (42 tuổi) một người dân trong vùng cho biết: “Đó là nơi người S’tiêng cúng Yàng, chúng tôi coi là chốn linh thiêng, không ai được xâm phạm đến”.
Sống gần một đời người gần bãi đá thiêng kì lạ, chứng kiến nhiều sự đổi thay trong đời sống đồng bào S’tiêng, hơn ai hết già làng Điểu Khê hiểu được mối quan hệ tâm linh mật thiết giữa người dân và bãi đá cổ này. Chưa bao giờ, ông nghĩ có một ngày bãi đá bị tàn phá tan hoang và có nguy cơ biến mất như thời gian gần đây. Theo quan sát, có ít nhất 3 công ty khai thác đá đang ngày đêm hoạt động, làm cho diện tích bãi đá đang ngày càng thu hẹp, tiếng máy múc vẫn dồn dập bất chấp sự phản đối của người dân, gây lở lói nham nhở, đang phạm dần vào bãi đá cổ.
Chia sẻ cùng chúng tôi, già làng Điểu Khê trăn trở: “Tâm nguyện duy nhất của người S’tiêng chỉ là giữ được bãi đá để trong những dịp cúng bái hay tế lễ còn có nơi cho đồng bào tụ họp. Thực sự, bãi đá ấy gắn bó với người S’tiêng chúng tôi bao đời rồi”.
Theo các cán bộ văn hóa địa phương, trước đây, khi chưa có cách giải thích các hiện tượng tự nhiên theo khoa học, người S’tiêng đều dựa vào kết cấu của đá để lý giải về thời tiết hoặc để gửi gắm những điều mong ước về một cuộc sống tốt đẹp, an bình hơn. Đặc biệt, những nơi có đá tập trung với số lượng lớn, hình thù đồ sộ, kỳ dị hoặc giống với hình ảnh trong cuộc sống thường ngày càng được người S’tiêng quan tâm và tôn sùng. Quan niệm về đá trở thành phong tục riêng của người S’Tiêng trong các nghi lễ như tục cúng nhà mới, lễ hội mừng lúa mới. Một số nhà nghiên cứu văn hóa gần đây về tìm hiểu về bãi đá thì thấy rằng những truyền thuyết lý giải sự ra đời của bãi đá có mối quan hệ chặt chẽ với tộc người S’tiêng.    
Ông Nguyễn Quang Toản, giám đốc Sở VHTT & DL Bình Phước cho biết, sau khi phát hiện bãi đá cổ đã có một số nhà khoa học đến nghiên cứu, tìm hiểu tại khu khảo cổ này. Tuy nhiên, để có kết luận chính xác, thì cần có sự nghiên cứu một cách đầy đủ, được hội đồng khoa học thẩm định và việc này đang được gấp rút thực hiện.
 Hữu Huấn
theo GĐ&XH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét