Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

VIỆT NAM HIỀN HÒA 7/5

(ĐCsưu tầm trên NET)

Đàn Đá

30 / 05/ 2012, 02:05:36

Nhạc khí tự thân vang, thuộc loại xylophone, metallophone. Mỗi nhạc cụ là một bộ gồm nhiều thanh đá hợp thành. Mỗi thanh đá có kích thước và hình dáng khác nhau, được chế tác bằng phương pháp ghè đẽo thô sơ. Vật liệu để làm đàn là những loại đá sẵn có ở vùng núi Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ.
Căn cứ vào bộ đàn tìm được ở di chỉ khảo cổ học Bình Đa (Đồng Nai) được biết rằng việc chế tác những thanh đá này đã xuất hiện từ trên dưới 3.000 năm trước.

Cho tới những năm đầu thập kỷ 90 (thế kỷ 20) đã tìm được gần 200 thanh đàn đá rải rác ở các tỉnh Đắk Lắk, Khánh Hoà, Đồng Nai, Ninh Thuận, Bình Phước, Lâm Đồng, Phú Yên. Số lượng thanh ở mỗi tập hợp được phát hiện là 3-15. Bộ đầu tiên tìm được tại Ndut Lieng Krak (Đắk Lắk) vào năm 1949 hiện được bảo quản tại viện bảo tàng "Con người" ở Paris. Nhiều bộ khác đang được bảo quản tại Việt Nam.

Một số tộc ở Tây Nguyên coi những thanh đá được phát hiện như những vật thiêng và giữ gìn như của gia bảo. Có tộc dùng chúng trong những lễ hội lớn để cúng thần, có tộc lại dùng làm dàn đá giữ rẫy.

Cồng chiêng

30 / 05/ 2012, 02:05:56

Cồng chiêng là loại nhạc khí bằng hợp kim đồng, có khi pha vàng, bạc hoặc đồng đen. Cồng là loại có núm, chiêng không núm. Nhạc cụ này có nhiều cỡ, đường kính từ 20 đến 60cm, loại cực đại từ 90 đến 120cm.
Cồng chiêng có thể được dùng đơn lẻ hoặc dùng theo dàn, bộ từ 2 đến 12 hoặc 13 chiếc, thậm chí có nơi từ 18 đến 20 chiếc.

Ở người Mường và nhiều tộc dọc Trường Sơn - Tây Nguyên, các dàn cồng chiêng không chỉ làm nhiệm vụ điểm nhịp, đi tiết tấu hoặc giai điệu một bè mà còn hoà tấu nhạc đa âm. Các dàn cồng chiêng của họ thường gồm nhiều bộ. Mỗi bộ có số lượng khác nhau và đảm nhiệm những chức năng riêng trong cuộc hoà tấu.

Cồng chiêng có thể được gõ bằng dùi, đấm bằng tay. Có tộc còn áp dụng kỹ thuật chặn tiếng bằng tay trái hoặc tạo giai điệu trên một chiếc chiêng
Ở nhiều tộc chỉ nam giới mới được đánh cồng chiêng. Dàn cồng sắc bùa của người Mường lại do nữ giới diễn tấu. Ở một số tộc khác nam và nữ đều có thể đánh cồng chiêng. Các kiêng kỵ trong cách sử dụng cồng chiêng cũng khác biệt ở mỗi tộc.

Với tộc Mường và nhiều tộc ở Tây Nguyên cồng chiêng có một ý nghĩa lớn và giá trị cao. Hầu như gia đình nào cũng đều có cồng chiêng, thậm chí có gia đình có tới vài bộ. Cồng chiêng gắn bó với người Tây Nguyên từ thuở ấu thơ. Chúng theo sát cộng đồng và từng thành viên của cộng đồng trong mọi sự kiện trọng đại, lúc vui cũng như lúc buồn.

Nhìn chung, cồng chiêng là loại nhạc cụ thiêng, chủ yếu dùng cho các nghi lễ cúng tế, tang ma, cưới xin, mừng năm mới, mừng nhà mới, mừng lúa mới và các nghi lễ nông nghiệp, mừng chiến thắng, đưa và đón các chiến binh, cầu sức khoẻ và may mắn...

Ở Trường Sơn - Tây Nguyên âm thanh của chúng còn là chất men lôi cuốn gái trai vào những điệu múa hào hứng của cả cộng đồng trong những ngày hội của làng buôn. Đó là một bộ phận không thiếu trong đời sống tinh thần của nhiều tộc trên đất nước Việt Nam từ thuở xa xưa cho tới nay.

Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào ngày 25 tháng 11 năm 2005.

Lý Nam Bộ

30 / 05/ 2012, 02:05:40

Là một loại dân ca đặc sắc của Việt Nam. Lý có ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam, nhưng có lẽ lý phát triển mạnh nhất ở Nam Bộ.
Lý Nam Bộ không chỉ phong phú về số lượng mà cả về đề tài, nội dung cũng như đặc tính âm nhạc. Lý Nam Bộ đề cập đến các sinh hoạt, các công việc và tâm trạng, tâm hồn của người dân. Lý còn đề cập đến các loài vật, các loại cây, các thứ hoa trái, nói về tình yêu nam nữ, tình nghĩa vợ chồng.

Có những bài ca nói lên những ước mơ của người dân bình thường, hoặc phê phán châm biếm những cảnh chướng tai gai mắt. Lý Nam Bộ thực sự là một thể loại phản ánh cuộc sống, cách suy nghĩ và tính cách của người Việt ở Nam Bộ. Mặc dầu ở Lý Nam Bộ có đủ mọi sắc thái nhưng có lẽ những nét buồn là sâu đậm hơn, đồng thời lại hồn nhiên mộc mạc và hóm hỉnh ngộ nghĩnh.

Ca nhạc Huế

30 / 05/ 2012, 02:05:29

Ca nhạc Huế là loại ca thính phòng có nguồn gốc cung đình, được định hình vào đầu thế kỷ 19 dưới triều nhà Nguyễn. Ca nhạc Huế phát triển cực thịnh trong dòng cung đình dưới thời vua Tự Ðức.
Sang nửa cuối thế kỷ 19 nó dần được truyền bá rộng ra ngoài dân gian và được bổ sung những điệu Hò, Lý trong dân ca Bình Trị Thiên. Do đó trong ca nhạc Huế ngày nay thường thấy sự đan xen, liên kết giữa những điệu hát dân gian và những bài bản có nguồn gốc cung đình.

Trong ca nhạc Huế, yếu tố khí nhạc đã phát triển khá cao để có thể trình tấu những tiết mục khí nhạc thuần tuý như: độc tấu, song tấu, tam tấu, ngũ tuyệt...

Vào nửa đầu thế kỷ 20, ca nhạc Huế đã được sân khấu hoá để trở thành một loại hình sân khấu truyền thống mới của người Việt- Kịch ca Huế. Ca nhạc Huế mang một âm hưởng riêng độc đáo của dân ca người Việt ở miền Trung. Trong nó có hoà quyện nhiều yếu tố âm nhạc của cả các tộc Chăm, Hoa.

Ca nhạc Huế là sự kết tinh của cả hai dòng nhạc dân gian và bác học, là nơi bảo tồn những tinh hoa của nền nhạc Việt trong suốt quá trình phát triển lịch sử.

Hát then

30 / 05/ 2012, 02:05:55

Hát then là một thể loại ca nhạc tín ngưỡng của người Tày, Nùng. Có thể xem Hát then là một cuộc diễn xướng trường ca mang màu sắc tín ngưỡng tường thuật lại cuộc hành trình lên thiên giới để cầu xin Ngọc hoàng giải quyết một vấn đề gì đó cho gia chủ.
Các bản trường ca thường gồm nhiều chương đoạn với độ dài ngắn và nội dung chi tiết ít nhiều khác biệt. Bản dài nhất đã sưu tầm được dài tới 4.949 câu với 35 chương đoạn.

Hát then là một hình thức diễn xướng tổng hợp bao gồm cả ca nhạc, múa, diễn với nhiều tình huống khác nhau. Trong cuộc lễ, ngoài nhiệm vụ thực hiện các nghi thức cúng, then hoặc giàng đồng thời phải đảm nhiệm chức năng của một diễn viên tổng hợp. Họ vừa hát, tự đệm, vừa múa và diễn để thể hiện nội dung các câu hát, đôi khi còn biểu diễn cả những trò nhai chén, dựng trứng, dựng gươm...

Âm nhạc luôn luôn là yếu tố xuyên suốt cuộc Hát then. Hát then có nhiều bài bản, làn điệu. Nhạc cụ đệm đơn giản song ở đây có thể gặp những đoạn hát hai - ba bè lý thú.

Người Tày, Nùng bất kể tuổi tác, giới tính, những người mê tín cũng như không mê tín rất thích nghe Hát then. Một vài tộc khác như  H'Mông, Việt ở trong vùng cũng tiếp nhận thể loại hát này trong đời sống tinh thần của mình.

Hát Văn

30 / 05/ 2012, 02:05:32

Gắn với một phức hợp tín ngưỡng của người Việt, sau nhiều thế kỷ phát triển Hát văn (hoặc Hát chầu văn) đã xây dựng được nhiều kiểu gõ nhịp và một hệ thống làn điệu, bài bản phong phú với những qui ước về cách vận dụng cho từng hàng Thánh và từng loại Phủ.
Bên cạnh ba hệ thống làn điệu của riêng mình - Cờn, Dọc, Xá, Hát văn còn thu nạp nhiều bài bản, làn điệu từ các thể loại dân ca nhạc cổ khác.

Nhịp điệu và bộ gõ có vai trò đặc biệt quan trọng trong sinh hoạt tín ngưỡng này.

Chúng tạo nên một không khí phấn hứng cao, góp phần giúp người ngồi đồng có cảm giác thoát xác để nhập thân với các vị Thánh, đồng thời kết hợp với yếu tố tâm linh chúng góp phần tạo nên một trạng thái tinh thần đặc biệt khiến người ta có thể thực hiện những việc mà ở trạng thái bình thường khó có thể làm nổi.

Hát văn cùng với tục hầu bóng tiêu biểu cho một loại hình sinh hoạt tín ngưỡng tồn tại ở nhiều tộc trong nước. Ngoài yếu tố tâm linh, sự hấp dẫn của phần ca nhạc xưa kia đã từng khiến nhiều người say mê. Ngày nay những điệu Hát văn được giới thiệu với nội dung mới trên các sóng phát thanh và trên sân khấu ca múa nhạc vẫn là những tiết mục được công chúng yêu thích.

Tuồng

30 / 05/ 2012, 02:05:30

Tuồng là loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền đặc sắc của Việt Nam được hình thành trên cơ sở ca vũ nhạc và các trò diễn xướng dân gian vốn có từ lâu đời và rất phong phú của dân tộc Việt Nam. Ðến cuối thế kỷ 18, Tuồng đã phát triển một cách hoàn chỉnh mọi mặt từ kịch bản văn học đến nghệ thuật biểu diễn.
Khác với các loại hình sân khấu khác như chèo, cải lương... Tuồng mang theo âm hưởng hùng tráng với những tấm gương tận trung báo quốc, xả thân vì đại nghĩa, những bài học về lẽ ứng xử của con người giữa cái chung và cái riêng, giữa gia đình và Tổ quốc, chất bi hùng là một đặc trưng thẩm mỹ của Tuồng. Có thể nói Tuồng là sân khấu của những người anh hùng. Trong những hoàn cảnh đầy mâu thuẫn và xung đột bạo liệt bi ai các nhân vật chính diện của Tuồng đã vươn lên thoát khỏi sự chế ngự của hoàn cảnh hành động một cách dũng cảm anh hùng, trở thành một tấm gương, một bài học cho người đời ngưỡng mộ noi theo.

Tuồng thuộc dòng sân khấu tự sự phương Ðông. Phương thức phản ánh đã đẻ ra thủ pháp và phương tiện biểu diễn Tuồng. Trong quá trình tái hiện cuộc sống Tuồng không có xu hướng tả thực mà chú trọng lột tả cái thần. Tả thần là biện pháp nhằm lột tả cái cốt lõi cơ bản, không đi sâu vào những chi tiết vụn vặt khi những chi tiết ấy không gây được hiệu quả nghệ thuật. Ðể lột tả được cái thần của nhân vật Tuồng dùng thủ pháp khoa trương cách điệu. Tất cả những lời nói, động tác hình thể sự đi lại trên sân khấu Tuồng đều được khoa trương và cách điệu để trở thành những điệu hát, điệu nói, điệu múa có nguyên tắc và niêm luật cụ thể. Tuồng có một hệ thống những điệu hát và những hình thức múa cơ bản mang tính chất mô hình. Người diễn viên tuồng căn cứ vào hoàn cảnh và tính cách nhân vật mà vận dụng linh hoạt những mô hình đó cho phù hợp. Ðặc trưng của khoa trương cách điệu còn được thể hiện trong âm nhạc, hoá trang, sự hình thành các kiểu mặt nạ hoá trang chủ yếu là sự khoa trương cách điệu đường nét , nếp nhăn trên khuôn mặt người. Quá trình khoa trương cách điệu trong Tuồng đều theo luật chi phối của luật âm dương.

Cùng với khoa trương cách điệu, Tuồng còn dùng thủ pháp biểu trưng ước lệ nghĩa là thủ pháp lấy chi tiết để thay cho toàn thể cuốn hút khán giả cùng tham gia vào sự tưởng tượng và sáng tạo của người diễn viên. Một chiếc roi ngựa có thể thay thế cho một con ngựa, chiếc mái chèo thay cho con thuyền, vài người lính có thể thay thế cho cả một đạo quân, một vòng đi quanh sân khấu có thể thay cho vạn dặm đường trường.

Khác với sân khấu hiện thực tâm lý, Tuồng rất ít bài trí sân khấu. Không gian sân khấu thường được bỏ trống, người diễn viên xuất hiện thì không gian, thời gian cũng xuất hiện. Nhân vật hành động trong không gian, thời gian nào thì sân khấu là không gian, thời gian đó. Thuở trước các gánh hát Tuồng chỉ cần chỉ có một chiếc chiếu trải giữa sân đình và đôi ba cái hòm gỗ đựng đạo cụ phục trang vậy mà họ vẫn diễn tả được không gian thời gian khác nhau, khi là trốn cung điện nguy nga, lúc là nơi núi rừng hiểm trở...

Tuồng vừa chứa đựng yếu tố của sân khấu cổ điển lại vừa chứa đựng những yếu tố của san khấu hiện đại. Yếu tố cổ điển biểu hiện ở chỗ tất cả những điệu hát, điệu múa được đúc kết trở thành khuôn vàng thước ngọc, hiện đại ở chỗ người diễn viên biểu diễn trên sân khấu không cần cảnh trí, Tuồng là loại sân khấu tổng thể. Ở đây các yếu tố ca, vũ nhạc được phát triển một cách hài hoà trong nghệ thuật biểu diễn.

Dàn nhạc Tuồng chủ yếu làm nhiệm vụ hỗ trợ trong biểu diễn của diễn viên. Trong dàn nhạc Tuồng gồm có bộ gõ: (trống, thanh la, mõ..), bộ hơi (kèn, sáo, chủ yếu là kèn); bộ dây (nhị, cò, hồ, đại, tiểu...)bộ gảy: (tam, tứ, nguyệt...).

Tuồng - một loại hình sân khấu độc đáo của Việt Nam ẩn chứa những giá trị văn hoá, tinh thần của dân tộc, những giá trị nghệ thuật mang tính chất bền vững. Tuồng đã và sẽ còn là những người bạntri âm, tri kỷ của các tầng lớp nhân dân Việt Nam.

Cải lương

30 / 05/ 2012, 02:05:45

Cải lương là loại hình sân khấu kịch hát dân tộc ra đời vào đầu thế kỷ 20. Nguồn gốc của Cải lương là những bài hát lý, ca nhạc tài tử ở miền Tây Nam Bộ. Từ những hình thức ca nhạc thính phòng, tiến tới các diễn xướng, vừa hát, vừa biểu diễn bằng động tác để minh hoạ, gọi là ca ra bộ. Ca ra bộ là cây cầu nối giữa đàn hát thính phòng và sân khấu hát kịch cải lương sau này.
Khi mới ra đời, Cải lương gắn với những người dân Nam Bộ. Do đặc điểm phát âm ngọt ngào nên giọng Nam Bộ ca cải lương rất "mùi mẫn". Dần dần cải lương phát triển rộng ra cả nước.

Cũng như các nghệ thuật kịch hát dân tộc khác, cải lương bao gồm múa, hát, âm nhạc (không kể kịch bản tích trò). Dàn nhạc cải lương không dùng bộ gõ như Tuồng, Chèo mà đàn ghi ta phím lõm và đàn nguyệt là hai nhạc cụ chủ đạo.

Mặc dù sinh sau nhưng sân khấu cải lương nhanh chóng tạo cho mình khối lượng kịch mục phong phú. Nhiều vở diễn được các tác giả cho ra đời đã nhanh chóng được công chúng đón nhận:
Lục Vân Tiên, Lưu Bình - Dương Lễ, sau này chuyển từ đề tài lịch sử, xã hội mở ra các vở diễn chuyển thể từ tiểu thuyết lãng mạn đương thời có nhiều tình tiết ly kỳ, hoặc các lớp "Nhảy cửa sổ đấu dao găm"...

Sân khấu cải lương hình thành, đáp ứng thị hiếu của công chúng đô thị và ngày càng phát triển mạnh mẽ. Mặc dù còn trẻ tuổi nhưng nghệ thuật cải lương có một sức sống kỳ diệu nhiều khi muốn lấn át cả hai loại hình kịch hát dân tộc đàn anh. Trong tiến trình hoàn thiện và pháp triển, cải lương đã trải qua những thể nghiệm đổi mới về âm nhạc và một bộ môn sân khấu được công chúng mến mộ.

Chèo

30 / 05/ 2012, 02:05:52

Cái nôi của sân khấu chèo là Đồng bằng Bắc Bộ, địa bàn phổ biến là từ Nghệ Tĩnh trở ra. Khởi đầu chèo bằng hình thức trò nhại, trò diễn xướng dân gian từ thế kỷ 11. Lúc đầu xuất hiện ở các làng quê, dần trở thành một loại hình sân khấu tiêu biểu của người dân đồng bằng Bắc Bộ.
Xưa kia phường chèo do một ông trùm cầm đầu đi diễn ở các thôn, xã. Mỗi phường chèo chỉ khoảng mươi mười lăm người kể cả nhạc công mà bộ gõ chiếm vị trí quan trọng. Người đóng trò gồm đào, kép, lão, mụ, hề. Có khi chỉ cần một đào, một kép, một hề xuất sắc là nổi đình nổi đám. Tính chất ước lệ của sân khấu chèo không chỉ thể hiện ở diễn xuất mà cả về trang trí. Chẳng có phông màn chỉ có một tấm vải nhuộm màu ngăn đôi buồng trò và sàn diễn. Hai chiếc chiếu trải ở giữa, khán giả ngồi vây ba mặt, đó là sân khấu chèo ở sân đình. Buổi diễn thường mở đầu bằng điệu hát vỡ nước, một hồi trống dung lên, một người ra giáo đầu, buổi diễn kết thúc có hát vãn trò và trống dã đám.

Chèo thuộc loại sân khấu tự sự (kể chuyện). Giữa người xem và người diễn có sự giao lưu khăng khít. Người xem dễ theo dõi. Cũng như sân khấu tuồng, ở đây trống chầu giữ vai trò đặc biệt. Trống chầu do một người có vai vế, uy tín hoặc tay sành sỏi điều khiển, để cầm trịch buổi diễn, để tỏ ý thưởng phạt, giám định diễn xuất của đào, kép.

Nghệ thuật chèo bao gồm múa, hát, âm nhạc và văn học trong tích trò. Văn chèo đậm màu sắc trữ tình của ca dao, tục ngữ, tràn đầy tính lạc quan trong những cái cười dân dã, thông minh, hóm hỉnh và không kém phần trí tuệ. Tính nhân văn trong các vở chèo rất rõ nét. Quyền con người, thiện thắng ác luôn được đề cập, được khẳng định. Các vở chèo cổ bao giờ cũng kết thúc có hậu theo truyền thống phương Ðông. Nhiều vở được xếp vào vốn quý của sân khấu cổ truyền dân tộc.

Từ khi ra đời đến nay, tiếng trống chèo vẫn có ma lực cuốn hút bao thế hệ khán giả, không kể tuổi tác, địa vị xã hội hay hay quốc tịch. Nhưng có giai đoạn sân khấu chèo đã trải qua những khó khăn tưởng chừng không đứng vững nổi. Giờ đây, sân khấu chèo đang được khôi phục nhằm giữ gìn và bảo tồn một loại hình nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc.
 
 
 


 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét