Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013

CÂU CHUYỆN TÌNH BÁO 7

(ĐC sưu tầm trên NET)

Cụm tình báo huyền thoại

Thứ Hai, 25/04/2011 22:44

Những điệp viên của Cụm Tình báo A20 - H67 đã lập nhiều chiến công đặc biệt, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta đến thắng lợi, thống nhất đất nước. Có rất nhiều câu chuyện hấp dẫn về họ…

    Đầu thập niên 1960, tình hình miền Nam vô cùng căng thẳng. Nhiều đơn vị tập kết được lệnh chuẩn bị trở về Nam chiến đấu và nhiều lớp huấn luyện đặc biệt điệp báo cũng đã được mở cấp tốc tại Hà Nội. Những người tham gia lớp huấn luyện đặc biệt này sẽ trở về Nam để xây dựng lực lượng tình báo phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
    Một số cựu điệp viên Cụm A20-H67 trong một lần gặp nhau sau năm 1975. Ảnh tư liệu của Lê Phong Lan
     
    Ngày về miền Nam
     
    Tỉnh Hòa Bình, một ngày đầu năm 1961, Trung đoàn 4 (E570) thuộc Sư đoàn 330 Binh chủng Pháo binh đang tích cực luyện quân chuẩn bị đi B thì bất ngờ trung úy Lê Văn Nghi được mời lên văn phòng chỉ huy khu tập huấn. Lệnh điều động của Cục 2 - Bộ Tổng Tham mưu đã đến và trung úy Nghi được lệnh phải về thẳng Hà Nội ngay ngày hôm đó. Trung úy Nghi là một trong số ít người được chọn để tham gia lớp huấn luyện đặc biệt dành cho các sĩ quan tình báo, những người sau này sẽ đảm nhận trách nhiệm tổ chức và điều hành hoạt động của các lưới điệp báo, từ nội thành ra đến chiến khu.
     
    Năm tháng đầu, Lê Văn Nghi trải qua đợt tập huấn trinh sát mặt đất tại khu vực cầu Long Biên. Kết thúc khóa huấn luyện đầu tiên, ông được điều đến học ở Trạm 354, tiếp tục khóa huấn luyện về điệp báo. Tham gia đợt huấn luyện này còn có các nhân vật về sau trở thành lực lượng nòng cốt tổ chức các lưới điệp báo của Phòng Tình báo miền (J22), như: Tư Cang, Mười Tùng, Hai Trực, Năm Canh, Hai Nguyên… Xen kẽ giữa những buổi học nghiệp vụ là những ngày miệt mài luyện tập võ thuật và học lái ô tô, mô tô 2 - 3 bánh…
     
    Đêm 22-12-1961, đoàn Phương Đông II, trong đó có các cán bộ Cục 2, nhận lệnh lên đường vào Nam. Sau hơn 2 tháng hành quân trên đường Trường Sơn, giữa tháng 3-1962, đoàn về đến căn cứ B2 (Bộ Tham mưu miền). Từ đây, những cán bộ tình báo bắt đầu tỏa ra khắp các chiến trường để tổ chức các mạng lưới điệp báo trên toàn miền Nam, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài, khi Trung ương Đảng và Bộ Tổng tham mưu đã nhìn thấy trước đế quốc Mỹ rồi đây sẽ trực tiếp tham chiến tại miền Nam Việt Nam.
     
    Lê Văn Nghi nhớ lại thời điểm đó: “Hai Nguyên nhận lệnh về A17, ở biên giới Tây Ninh - Campuchia, anh Tư Cang xuống Củ Chi, anh Hai Trực và anh Tư Chất đi Nam Sông Bé, một số về Khu 9. Tâm ở lại làm trợ lý văn phòng. Tôi đinh ninh có thể về miền Tây…”. Song, tổ chức lại điều ông về căn cứ của Cụm B210 ở mật khu Bời Lời (Trảng Bàng - Tây Ninh) để nhận một nhiệm vụ đặc biệt… Kể từ đây, ông được biết đến với cái tên Lê Văn Vĩnh (tức Bảy Vĩnh).
    Các cựu điệp viên Cụm Tình báo A20 - H67 và Phòng Tình báo miền (J22). ẢNH TƯ LIỆU CỦA LÊ PHONG LAN
     
    “Thuyền trưởng” A20
     
    Tháng 9-1962, B210 được lệnh tách thành 2 bộ phận, Cụm A20 và Cụm A24. Ông Bảy Hiếu (Nguyễn Văn Lộc), phụ trách B210, sẽ tiếp tục nhiệm vụ với Cụm A24. Bảy Vĩnh làm cụm phó A20, J22 điều Nguyễn Đức Trí (Sáu Trí, tức Nguyễn Văn Khiêm) làm trưởng Cụm A20. Hồi ký Bảy Vĩnh viết: “Anh Bảy Hiếu bàn giao cho tôi anh Tư Chất, anh Ba Công, anh Út Càng. Các chiến sĩ có Hiệp, Hùng, Lợi, Dũng. Bàn đạp có anh Bảy Tập, chị Sáu Đen - một giao thông viên kỳ cựu”. Và đó là những thành viên đầu tiên của Cụm A20.
     
    Sau khi tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân, tham gia các khóa huấn luyện bài bản về chính trị và nghiệp vụ tình báo, Nguyễn Hữu Trí (Tư Bốn) lên đường về Nam, trở thành tổ trưởng điệp báo Cụm A20. Nhiệm vụ của ông là tạo bình phong, chỗ đứng chân hợp pháp tại Sài Gòn; đồng thời móc nối, xây dựng và cài cắm các điệp viên vào chính quyền Sài Gòn… H1 - thu thập tin tức trong giới chức cao cấp của chính quyền Sài Gòn… H3 - tin tức trong ngành công an, cảnh sát Sài Gòn. 81 - tin tức về Bộ Tổng tham mưu quân lực Việt Nam Cộng hòa. H4 - Tin tức và tài liệu về bản đồ quân sự, không ảnh. 12 - cung cấp các tin tức, sơ đồ, bản đồ căn cứ vùng ở miền Trung…
     
    Trong suốt những năm hoạt động trong lòng địch, Nguyễn Đức Trí đã xây dựng được một mạng lưới điệp viên lớn với các quan hệ điệp báo, cơ sở cách mạng rộng khắp nhưng vẫn bảo đảm được các nguyên tắc tình báo về cự ly, tính đơn tuyến… Lưới hoạt động hiệu quả, cung cấp nhiều tin tức, tài liệu có giá trị chiến lược, chuyên sâu về chính trị, quân sự, phục vụ đắc lực cho cuộc kháng chiến của dân tộc.
     
    Người ở mật khu
     
    Giữa lúc cụm trưởng Nguyễn Đức Trí hoạt động trong lòng Sài Gòn thì tại mật khu Bời Lời, cụm phó Bảy Vĩnh (sau này trở thành cụm trưởng) nỗ lực xây dựng và củng cố căn cứ địa của cụm, tuyển chọn giao thông viên và bảo đảm giao thông liên lạc trong cụm được thông suốt. Công việc của ông bắt đầu ngay từ năm 1962, từ trước khi Cụm A20 ra đời. Căn cứ A20 được xây dựng trên đất một nông trường cũ tại mật khu Bời Lời, gọi là căn cứ 2.
     
    Mật khu Bời Lời được phía Mỹ - Việt Nam Cộng hòa liệt vào vùng “Tam giác sắt” - trọng điểm của những trận càn quét, hành quân tìm diệt trên quy mô lớn. Cũng vì thế, cán bộ chiến sĩ Cụm A20 luôn luôn trong tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu. Từ suốt những năm 1962 - 1969, khi A20 đóng tại Bời Lời, hàng loạt trận càn lớn đã quét qua đây, biến Bời Lời trở thành một mặt trận khốc liệt.
     
    Những lần chống càn trong chiến khu hay những chuyến đi xây dựng cơ sở bàn đạp, giao liên, nhiều lần Bảy Vĩnh thoát chết một cách thần kỳ, mà có lần ông đã nói vui rằng “nhờ phước đức ông bà để lại”…
    Anh hùng tình báo
     
    Thời gian làm tổ trưởng điệp báo, Nguyễn Đức Trí 2 lần được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhì và 2 Huân chương Chiến công hạng ba. Tháng 11-1965, ông được rút về làm Phó Phòng Quân báo B2, bộ phận điệp báo. Về sau, ông được bổ nhiệm làm quyền Trưởng Phòng J22, tham gia Ủy ban Liên hợp quân sự bốn bên tại Trại Davis (trong sân bay Tân Sơn Nhất)… Năm 1971, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, trở thành người anh hùng tình báo thứ hai, sau Đinh Thị Vân của ngành tình báo chiến lược quân sự Việt Nam (của ông Nguyễn Hữu Trí).
     
    Đạo diễn Lê Phong Lan

    Cụm tình báo huyền thoại: Trong Tết Mậu Thân

    Thứ Ba, 26/04/2011 22:23

    Để chuẩn bị cho đòn tiến công Tết Mậu Thân 1968, Cụm A20 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đặc biệt là cụm trưởng Bảy Vĩnh và điệp viên mang bí số H3

      Sự kiện Tết Mậu Thân có ý nghĩa lịch sử đặc biệt quan trọng, trở thành bước ngoặt làm thay đổi cục diện chiến tranh Việt Nam. Từ mùa khô năm 1967, phía Mỹ và Việt Nam Cộng hòa liên tiếp mở những chiến dịch hành quân tìm diệt trên quy mô lớn như Cedar Falls, Attleboro, Junction City nhưng đều thất bại thảm hại.
      Chuyến trinh sát đặc biệt
      Trong bối cảnh đó, tháng 7-1967, Bảy Vĩnh nhận được điện phải về J22 để chuẩn bị cho một nhiệm vụ đặc biệt, đó là thực hiện chuyến thị sát công khai tiểu khu Phước Long - mục tiêu phía ta đã nhiều lần thâm nhập nhưng đều bất thành. Theo con đường bí mật của trinh sát, yêu cầu là phải nắm được sơ đồ bố trí binh - hỏa lực của tiểu khu, ty công an, cảnh sát, trận địa pháo, phòng thủ chung của thị xã, đặc biệt là bố trí phòng thủ của tiểu khu trưởng và mục tiêu quan trọng chi khu Phước Bình. Bảy Vĩnh thoáng chút lo lắng vì lần cuối cùng ông vào Sài Gòn mới đó mà đã 14 năm...
      Khoảng 15 giờ, theo đúng lịch hẹn, H3 đến. Dưới vỏ bọc nghị viên Viện Dân biểu Sài Gòn, H3 đã đưa Bảy Vĩnh vào thành an toàn. Tuy nhiên, đường bộ từ Sài Gòn đi Phước Long đã bị cắt. H3 bèn nghĩ cách lên máy bay do phi công Mỹ lái để thị sát Phước Long. H3 kể lại: “Không ngờ sĩ quan Mỹ lái máy bay cho sĩ quan Việt cộng đi thị sát chiến trường”. Đến nơi, H3 tìm gặp tỉnh trưởng Phước Long, trình bày lý do muốn đến Sở Cao su Bù Đăng để tính kế hoạch phục hồi và khai thác. Tỉnh trưởng phân trần: “Hôm nay moi (tôi) bận, các toi (ông) cứ ở lại đây chơi, chiều moi về nói chuyện… Xe Jeep của moi, các toi cứ lấy đi”. Chớp thời cơ, H3 và Bảy Vĩnh liền lên xe tỉnh trưởng, do H3 lái, chạy thẳng đến chi khu Phước Bình để thị sát sơ đồ bố trí binh lực và hệ thống phòng thủ tại đây.
      Các chiến sĩ tình báo Cụm A20 tại nhà điệp viên mang bí số H3 ở Sài Gòn trong dịp Tết Mậu Thân năm 1968. Ảnh tư liệu của Lê Phong Lan
      H3 đưa Bảy Vĩnh vào gặp và trò chuyện với chi khu trưởng Phước Bình, tranh thủ cơ hội quan sát việc bố phòng tại đây. Sau đó, cả hai tạt vào “thăm” tiểu đoàn cơ động của tỉnh, điều nghiên hoạt động của tiểu đoàn này. Những ngày sau đó, H3 tiếp tục đưa Bảy Vĩnh đi “dạo” quanh tiểu khu Phước Long, tạo quan hệ và viếng thăm nhiều vị trí, sở, ngành. Tỉnh trưởng còn hồ hởi mời H3 và Bảy Vĩnh lưu lại qua đêm ở tư dinh, mời dự tiệc chiêu đãi. Nhờ đó, Bảy Vĩnh có điều kiện quan sát, chụp hình, ghi nhớ toàn bộ cách bố phòng và binh lực phòng thủ tại dinh tỉnh trưởng cũng như nhiều vị trí quan trọng khác. Kết thúc đợt thị sát, Bảy Vĩnh vẽ sơ đồ và điều nghiên binh lực phòng thủ tại tiểu khu Phước Long, phục vụ đợt tấn công Tết Mậu Thân và cả cuộc tổng tiến công mùa Xuân 1975 sau này.
      Vào thành
      Cuối tháng 9-1967, Bảy Vĩnh lại vào Sài Gòn làm nhiệm vụ tình báo để phục vụ chiến dịch. Địa điểm lưu trú, làm việc, liên lạc của Bảy Vĩnh chính là nhà của H3. H3 đã đưa Bảy Vĩnh đi nghiên cứu các mục tiêu và hoàn thành các báo cáo của mình.
      Tháng 12-1967, H3 và Bảy Vĩnh lại nhận mệnh lệnh đưa một cán bộ cao cấp vào Sài Gòn, đó là Năm Truyện (Nguyễn Thế Truyện) - Tư lệnh Sư đoàn 9 - để chuẩn bị chiến trường tại mục tiêu Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng Tham mưu. H3 trực tiếp lái xe đến đón ông Năm Truyện và Bảy Vĩnh tại Trảng Bàng - Tây Ninh đưa vào thành.
      Để thuận lợi cho đợt công tác đặc biệt này, H3 mượn chiếc xe “màu máu” của Sáu Hoa - thiếu tá tình báo Việt Nam Cộng hòa. Giải thích về “màu máu”, Sáu Hoa thường vỗ ngực rằng: “Màu sơn xe tao là màu máu cộng sản. Không một đứa nào ở Sài Gòn này giết cộng sản giỏi hơn tao nên chưa có chiếc xe thứ hai nào ở Sài Gòn có màu sơn như xe tao”. Nào ngờ chính chiếc xe “khét tiếng” đó lại là tấm bình phong đưa các sĩ quan Việt cộng đi điều nghiên chiến trường.
      Sau khi thị sát khu vực phía Bắc Sài Gòn, Bộ Tổng Tham mưu và vành đai Tân Sơn Nhất, ông Năm Truyện đề nghị vào tận sân bay để khảo sát. Tình cờ, cùng thời gian này, một thượng nghị sĩ Đài Loan - bạn của H3 - đến Sài Gòn. Nhân cơ hội, H3 liên lạc với chỉ huy phó phi trường Tân Sơn Nhất đề nghị hỗ trợ nghi thức nghênh tiếp. Lịch bay buổi chiều nhưng H3 cố ý đến vào buổi sáng, lấy cớ nhầm giờ bay để Năm Truyện và Bảy Vĩnh có nhiều thời gian quan sát mục tiêu. Chuyến thị sát đã thành công ngoài mong đợi.
      Cuối tháng 1-1968, J22 tổ chức hội nghị tại Thanh An (Tây Ninh), phân chia nhiệm vụ cho các cụm tình báo trong đợt tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân. Ngoài nhiệm vụ chính thu thập và cung cấp tin tức tình báo, A20 được lệnh sẽ phối hợp với cánh quân dẫn đường, tấn công vào Tổng nha Cảnh sát và diệt ác ôn, phối hợp với nhân dân trong thành phố nổi dậy. Ngay từ chiều 27 Tết Mậu Thân, Bảy Vĩnh và Trung Tuyến - nhân viên cụm - bắt đầu kế hoạch bí mật chuyển vũ khí vào thành. H3 đưa xe đến nhận hàng và chở về nhà đúng ngày 29 Tết. Chỉ huy sở Cụm A20 được đặt tại nhà H3. Vào phút cuối, Bảy Vĩnh nhận được lệnh từ cấp trên: Kế hoạch tham gia chiến đấu vũ trang bị hủy bỏ để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho A20 tồn tại và hoạt động lâu dài trong lòng địch.
      Tình huống nghẹt thở
      Ông Bảy Vĩnh không thể nào quên một tình huống nghẹt thở trong Tết Mậu Thân khiến H3 có nguy cơ bị lộ, khiến Cụm A20 chịu tổn thất lớn. Ngày mùng 2 Tết, lính Việt Nam Cộng hòa phát hiện có Việt cộng ở gần hẻm vào nhà H3. Sự kiện này cũng dẫn đến hàng loạt vụ khám xét, lùng sục nhà dân trong khu phố.
      Tình hình khá căng thẳng, H3 quyết định đưa cả gia đình ra Vũng Tàu tạm lánh, chỉ để lại một vài người thân của H3, Bảy Vĩnh và Trung Tuyến. Sáng sớm mùng 3 Tết, một tốp lính thủy quân lục chiến Việt Nam Cộng hòa đập cửa nhà H3 đòi khám xét. Lính tràn vào nhà, cuộc khám xét nghẹt thở bắt đầu.
      Cửa các phòng lần lượt được mở tung, xong lầu 1 đến lầu 2. Tốp lính đang hướng lên sân thượng, nơi cất giấu số vũ khí đã được chuyển đến từ chiều 29 Tết. Chỉ còn vài bước chân nữa thôi là toán lính sẽ nhìn thấy số vũ khí đó. Thình lình, tên chỉ huy quay sang hỏi có gì ở trên đó không; sau khi nhận được câu trả lời sân thượng bỏ trống, tên chỉ huy ra lệnh rút lui.
      Bảy Vĩnh thoát, tiếp tục làm nhiệm vụ và sử dụng 2 máy vô tuyến đã được chuyển vào thành trước đó để báo cáo tin tức kịp thời về cụm, phục vụ cho các trận đánh trong dịp Tết Mậu Thân.
       
                                                                                                                Đạo diễn Lê Phong Lan

      CỤM TÌNH BÁO HUYỀN THOẠI (*)

      Người mang bí số H3

      Thứ Tư, 27/04/2011 23:58

      Nhờ công của H3, các cơ quan đầu não Trung ương Cục Miền Nam thoát khỏi thảm họa bị hủy diệt trong đường tơ kẽ tóc. H3 là ai?

        30 năm hoạt động bí mật giữa Sài Gòn, H3 không chỉ cung cấp những thông tin tình báo tối mật mà còn là địa chỉ đỏ giúp đỡ, che giấu cán bộ cách mạng hoạt động khi vào thành trong những chiến dịch lớn như Mậu Thân 1968, đại thắng mùa Xuân 1975.
        Cựu điệp viên H3 - Nguyễn Văn Lễ (bìa phải) cùng các bạn học
         trong một lần đến thăm người thầy - GS Trần Văn Giàu. Ảnh tư liệu của Lê Phong Lan
          
        Gia nhập A20
         
        Tên đầy đủ của H3 là Nguyễn Văn Lễ (Ba Lễ), sinh quán Vĩnh Hựu, Gò Công Tây - Tiền Giang, tham gia cách mạng từ năm 1945 trong quốc vệ đội tại Tiền Giang, làm trưởng ban cứu thương ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.
         
        Trước yêu cầu kháng chiến tại tỉnh nhà, năm 1951, ông được phân công vào nội thành Sài Gòn hoạt động bí mật trong lòng địch. Ông mất liên lạc với tổ chức kể từ năm 1957, khi cán bộ phụ trách đột ngột hy sinh.
         
        Trong điều kiện phải hoạt động đơn độc, ông Ba Lễ không lúc nào quên mình là người của cách mạng và luôn tìm cách giúp đỡ những người tham gia kháng chiến bằng nhiều hình thức.

        Năm 1963, thủ trưởng Cụm Tình báo A20 Nguyễn Đức Trí (Sáu Trí) nhận lệnh vào thành xây dựng mạng lưới. Người đầu tiên mà ông tìm đến là Chánh Văn phòng đặc biệt kiêm Bí thư của Tổng Giám đốc Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn Nguyễn Văn Lễ. Sáu Trí là anh họ ông Ba Lễ.
         
        Sau một buổi tối chuyện trò và gợi mở về tư tưởng giữa 2 người, ông Ba Lễ chính thức gia nhập Cụm Tình báo A20 với mật danh H3. Và từ đây về sau, ông đã lập được nhiều chiến công quan trọng, đặc biệt cho Cụm A20.

        Điệp viên trong Hạ viện

        Ngoài bản lý lịch “đỏ”, ông Ba Lễ còn mang một lý lịch khác cũng không kém phần dữ dội. Năm 1951, ông bắt đầu con đường thâm nhập bộ máy chính quyền Sài Gòn.
         
        Ông được nhận vào làm việc tại Ty Đặc cảnh miền Đông, thuộc Nha Công an Cảnh sát Nam phần do anh rể họ Trần Bá Thành (về sau là điệp viên mang bí số H1) làm trưởng ty. Năm 1953, ông được biệt phái sang Nha An ninh quân đội, theo dõi hoạt động của các giáo phái.

        Sau Hiệp định Geneve, ông Ba Lễ lần lượt trải qua các chức vụ: Trưởng Ban Chiêu hồi các lực lượng giáo phái kiêm Trưởng Chi nhánh Công an Tân Định rồi Trưởng Phòng Kiểm soát các trại định cư, Trưởng Ty Công an Cảnh sát Bạc Liêu (1955), Trưởng Ty Công an Cảnh sát tỉnh Cà Mau (1956), Trưởng Phòng Tố cáo Khiếu nại Nha Công an Cảnh sát Nam phần (1957), Phó Ty Công an tỉnh Kiến Tường (1959), Trưởng Ty Công an Côn Sơn (1960), quyền Trưởng Ty Công an Bà Rịa - Vũng Tàu (1961), Trưởng Ty Công an tỉnh Vĩnh Bình (1962 - 1963)...
         
        Năm 1963, sau khi tham gia đảo chính lật đổ chế độ gia đình trị họ Ngô, ông Ba Lễ được đề cử giữ chức Chánh Văn phòng đặc biệt kiêm Bí thư Tổng Giám đốc Tổng nha Công an Cảnh sát Sài Gòn. Sau cuộc chỉnh lý của Nguyễn Khánh, ông Ba Lễ rút khỏi ngành cảnh sát và bắt đầu tìm kiếm con đường đến Hạ viện của chính quyền Sài Gòn.

        Ông xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên, ra ứng cử dân biểu khu vực Gò Công quê nhà. Cấp trên đồng ý. Và ông trúng cử với số phiếu bầu cao, được bầu tiếp vào chức vụ Chủ tịch Ủy ban Lao động Xã hội Chiến binh của Hạ viện chính quyền Sài Gòn.
         
        Với vỏ bọc mới và vị thế thuận lợi, điệp viên Ba Lễ đã tạo dựng các mối quan hệ rộng khắp để thu thập các tin tức tình báo, đặc biệt là những tin nguyên bản tuyệt mật, rất giá trị, phục vụ hoạt động của tổ chức cách mạng.
         
        Bản tin “đáng giá ngàn vàng”

        Ông Ba Lễ có một người bạn sĩ quan rất thân ở Phòng An ninh - Bộ Chỉ huy Viện trợ quân sự Mỹ tại Việt Nam. Những tin tức tình báo tối mật của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa thường không phổ biến rộng rãi nhưng cơ quan này luôn được cung cấp đầy đủ và nhanh chóng. Ông Ba Lễ thường dựa vào nguồn này để lấy những tin quan trọng đó.
         
        Một buổi cà phê sáng, người bạn ở Phòng An ninh tiết lộ với Ba Lễ thông tin tối mật, rằng một cán bộ Việt cộng mới hồi chánh đã khai báo chi tiết về căn cứ Trung ương cục ở Tây Ninh.
         
        Sau khi kiểm chứng, tình báo Mỹ đánh giá tin này chính xác và chuyển thông tin sang Bộ Tư lệnh không quân chiến lược Mỹ tại Thái Bình Dương để chuẩn bị kế hoạch hủy diệt. Như thường lệ, ông Ba Lễ mượn tài liệu để đọc và tranh thủ chụp một bản gửi cấp tốc vào chiến khu.

        Một ngày tháng 4-1969, sau khi nhận xấp tin tình báo của H3, ông Nguyễn Đức Trí (bấy giờ là thủ trưởng J22) chú ý một bản tin đặc biệt quan trọng.
         
        Tin nguyên bản có kèm theo sơ đồ vẽ tỉ mỉ các địa điểm đóng quân, tổ chức, cán bộ của Quân ủy miền, Cục Chính trị, Cục Tham mưu, Cục Hậu cần tại căn cứ ở Sóc Mông - Tây Ninh. Ngay lập tức, tin được hỏa tốc gửi đi trong đêm đến thủ trưởng và tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh miền.
         
        Một lệnh sơ tán khẩn cấp được ban ra. Tất cả các cơ quan của Bộ Tư lệnh miền, Cục Chính trị, Cục Tham mưu và Cục Hậu cần cùng các phòng, ban trực thuộc phải di chuyển ngay lập tức trong ngày khỏi Sóc Mông.
         
        Cuộc di tản vừa kết thúc thì một đợt tập kích bằng pháo đài bay B52 ác liệt đã diễn ra trên vùng căn cứ cũ, kéo dài từ 20 giờ đến tận 5 giờ hôm sau.
         
        Toàn bộ vùng căn cứ của Trung ương cục rộng khoảng 20 km2 tại Sóc Mông bị phá hủy hoàn toàn. Nếu không có nguồn tin từ Ba Lễ, rất có thể toàn bộ căn cứ của Trung ương cục đã bị xóa sổ, thiệt hại về nhân lực - vật lực rất lớn.
         
        Đầy ắp chiến công

        Công văn số 777/TC2 của Tổng cục II - Bộ Quốc phòng đánh giá: “Đồng chí Nguyễn Văn Lễ nguyên là cán bộ của ngành, có 37 năm hoạt động cách mạng, trong đó có 30 năm hoạt động trong lòng địch. Đồng chí tạo được vỏ bọc tốt, chui sâu vào hàng ngũ cao cấp của quân đội và ngụy quyền Sài Gòn nên đã cung cấp cho ta nhiều tin tức nguyên bản có giá trị chiến lược như: Tin địch dùng B52 hủy diệt căn cứ Trung ương cục, ta đã kịp thời di chuyển cơ quan, tránh được tổn thất; kế hoạch hành quân Junction City, Mậu Thân 1968; Đường 9 - Nam Lào; kế hoạch bố trí lực lượng Mỹ - ngụy trên chiến trường miền Nam; kế hoạch địch dùng không quân và hải quân đánh phá miền Bắc, kể cả dùng B52 đánh vào Hà Nội; kế hoạch địch dùng biệt kích thám báo ra miền Bắc… Ta đã kịp thời đối phó có hiệu quả…
         
        Trong Mậu Thân năm 1968 và chiến dịch năm 1975, đồng chí đã trực tiếp đi điều tra các mục tiêu quan trọng như: Dinh Độc Lập, Bộ Tổng Tham mưu, Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo, phục vụ cho cuộc tổng tấn công. Đồng chí là một trong ba người được giao thảo tuyên bố đầu hàng để Dương Văn Minh đọc trước Đài Phát thanh và chứng kiến sự đầu hàng đó. Do lập được nhiều thành tích xuất sắc, đồng chí đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương chiến công…”.

         
        Đạo diễn Lê Phong Lan

         

        Cụm tình báo huyền thoại: Anh hùng thầm lặng

        Thứ Năm, 28/04/2011 22:30

        Trong những chiến công lớn của Cụm Tình báo A20 - H67 và tổ chức cách mạng, dấu ấn của cụm trưởng Sáu Trí được khắc ghi đậm nét.

          Cụm trưởng Cụm Tình báo A20 Sáu Trí tên thật là Nguyễn Văn Khiêm, bí danh Phạm Duy Hoàng và Nguyễn Đức Trí, sinh năm 1925, tại Gò Công - Tiền Giang, là anh họ đồng thời cũng là người dẫn dắt điệp viên Nguyễn Văn Lễ (Ba Lễ, mật danh H3) gia nhập Cụm A20.
          Dọc ngang giữa lòng địch
          Trong Cách mạng Tháng Tám 1945, Sáu Trí là một trong những thành viên của Đội Thanh niên Tiền phong tham gia cướp chính quyền. Cách mạng thành công, Sáu Trí gia nhập ngành quân báo với bí danh Phạm Duy Hoàng, sau đó chuyển địa bàn hoạt động về Sài Gòn và miền Đông Nam Bộ, được phân công giữ chức Trưởng chi Quân báo Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn.

          Thiếu tướng tình báo Nguyễn Văn Khiêm (Sáu Trí, bìa phải) và Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang).
          Ảnh do nhân vật cung cấp

          Một năm trước khi thực dân Pháp thua trận tại Điện Biên Phủ (1954), ông bí mật vào nội đô Sài Gòn, xin vào làm việc tại Nha Công an Nam phần của chính quyền thân Pháp, thu thập nhiều thông tin tình báo quan trọng phục vụ cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ cho đến ngày thắng lợi.
          Năm 1954, Hiệp định Genève được ký kết. Ngô Đình Diệm trở về miền Nam và thành lập chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Tình thế thay đổi, ông Sáu Trí tiếp tục ở lại miền Nam và chuyển sang làm sĩ quan ở Tổng nha Cảnh sát của chính quyền Ngô Đình Diệm cho đến ngày bị lộ vào cuối năm 1962.
          Vào thời điểm ông bị mật vụ chính quyền Sài Gòn theo dõi gắt gao, buộc phải rút vào chiến khu cũng là lúc Cụm A20 được thành lập tại mật khu Bời Lời (Tây Ninh). Với kinh nghiệm hoạt động quân báo thời chống Pháp, đã được thử lửa qua nhiều tình huống thực tế kịch tính, ông Sáu Trí được Phòng Tình báo miền (J22) tin tưởng giao trọng trách làm cụm trưởng Cụm A20.
          Qua những chuyến đi về giữa mật khu Bời Lời - căn cứ địa A20 - nội đô Sài Gòn những năm 1962 - 1965, ông Sáu Trí đã xây dựng nhiều cơ sở nội tuyến ngay trong lòng bộ máy chính quyền Việt Nam Cộng hòa, góp phần giúp A20 hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của tổ chức cách mạng. Thời gian này, ông lấy bí danh Nguyễn Đức Trí (bí danh này được giữ cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng).
          Ra Bắc, vào Nam
          Tháng 11-1965, ông Sáu Trí được rút về làm Phó Phòng Quân báo Bộ Tổng Tham mưu miền (B2), bộ phận điệp báo của J22. Về sau, ông được cử giữ chức Trưởng Phòng J22, trở thành một trong những nhà chỉ huy tình báo hàng đầu tại miền Nam. Nhiều năm liền, Sáu Trí đã xây dựng, củng cố và chỉ đạo hoạt động tốt các mạng lưới tình báo chiến lược, thu nhận và phân tích tin tức tình báo, phục vụ đắc lực các hoạt động quân sự của quân giải phóng trên chiến trường miền Nam.
          Cuối tháng 11-1973, tại chiến khu Lộc Ninh (nay thuộc tỉnh Bình Phước), Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh miền Nguyễn Minh Châu (Năm Ngà) tổ chức gặp mặt chia tay 20 sĩ quan cấp tá lên đường ra Bắc học tập, chuẩn bị cho kế hoạch đánh lớn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
          Hai sĩ quan của J22 được cử đi học đợt này là thượng tá Nguyễn Văn Khiêm (Sáu Trí) - thủ trưởng và trung tá Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) - Phó Chính ủy J22. Sáu Trí vào Học viện Quân sự, Tư Cang vào Học viện Chính trị và bắt đầu khóa học 2 năm.
          Giữa lúc đó, tình hình chiến trường miền Nam diễn biến ngày càng phức tạp. Bước sang tháng 3-1975, chiến dịch Tây Nguyên nổ ra và không lâu sau đó là chiến dịch Huế - Đà Nẵng kết thúc thắng lợi, quân ta nhanh chóng giải phóng một vùng trung du và duyên hải miền Trung rộng lớn. Tất cả các cánh quân đều hướng về Sài Gòn trong thời cơ lịch sử ngàn năm có một.
          Trước tình hình đó, Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trong năm 1975. Số cán bộ B2 ra miền Bắc học tập từ cuối năm 1973 được điều động quay trở lại chiến trường miền Nam. Ông Sáu Trí được lệnh lập tức vào nội đô Sài Gòn, nắm bắt các cơ sở điệp báo cấp cao. Ông Tư Cang xuống Củ Chi, gia nhập Lữ đoàn Đặc công Biệt động 316 trong vai trò chính ủy.
          Chứng nhân thời khắc lịch sử
          Cũng trong thời gian vào nội thành làm công tác đặc biệt trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, trưa 28-4, tại nhà H3, thình lình kỹ sư Tô Văn Cang và kỹ sư Lê Văn Giàu (những cơ sở cách mạng) đến xin được gặp mặt thủ trưởng Sáu Trí. Nguyên do là nội các Dương Văn Minh trong cơn lúng túng muốn thông qua 2 kỹ sư này để tìm gặp đại diện của Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam để thương lượng.
          Ông Sáu Trí đề nghị Tổng thống Dương Văn Minh chấp nhận đầu hàng ngay và đầu hàng vô điều kiện. Ngày 30-4-1975, ông Sáu Trí và điệp viên Ba Lễ cùng một số đồng đội đến Dinh Độc Lập để chứng kiến sự đầu hàng của chính quyền Tổng thống Dương Văn Minh…
          Những ngày đầu sau giải phóng, ông Sáu Trí được cử làm Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quân quản TP Sài Gòn, sau đó ông được phong quân hàm Thiếu tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam.
          Làm tốt sứ mệnh đặc biệt
          Trở lại căn cứ Lộc Ninh ngày 17-4-1975, ông Sáu Trí được cấp trên phân công nhiệm vụ đặc biệt, đó là phục vụ chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Lúc bấy giờ, điệp viên H3, lưới A20-H67 (H67 là tên mới của A20 kể từ năm 1970) đã xây dựng được một cơ sở mới là đại tá Lộc - thành viên Đảng Tân Đại Việt, người được chính quyền Nguyễn Văn Thiệu giao nhiệm vụ thành lập và chỉ huy một liên đoàn biệt động quân, tăng cường tuyến phòng thủ Sài Gòn. Nhiệm vụ của Sáu Trí là vận động đại tá Lộc làm binh biến tại chỗ, hỗ trợ các cánh quân cách mạng tiến vào giải phóng Sài Gòn.
          Sau khi vào thành để tìm hiểu thông tin về đại tá Lộc qua điệp viên H3, Sáu Trí trở về căn cứ. Sau cuộc họp khẩn cấp trong đêm 25-4, ông được lệnh quay trở lại Sài Gòn ngay, ở tại nhà H3 và bắt đầu tiếp xúc với những điệp viên trong các lưới tình báo nội đô. Kết quả, ngày 30-4, khi 5 cánh quân của quân giải phóng tiến vào Sài Gòn, liên đoàn biệt động quân do đại tá Lộc chỉ huy hoàn toàn bị vô hiệu hóa.


          Đạo diễn Lê Phong Lan

          Ngày về chiến thắng

          Thứ Bảy, 30/04/2011 01:25

          Với những đóng góp và thành tích nổi bật trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, năm 1976, Cụm Tình báo A20 - H67 được tuyên dương Đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân

            Chiều 22-8-1968, đang ở nội đô để phục vụ đợt 3 tổng công kích, Cụm trưởng Lê Văn Vĩnh (Bảy Vĩnh) nhận được tin báo căn cứ A20 bị tập kích bằng B52, hy sinh 7 đồng chí. Nước mắt khóc đồng đội chực trào, Bảy Vĩnh dù trong người đang mang bệnh nặng song kiên quyết trở về cụm vì: “Những ngày này, đơn vị rất cần tôi có mặt”.
            Đau thương mà anh dũng
            A20 không bị xóa sổ trong đợt không kích dữ dội bằng B52 ngày 20-8-1968, dù tổn thất là khá lớn. Bảy Vĩnh thuật lại câu chuyện trong hồi ký rằng khi ông về đến căn cứ, những người còn sống sót đang bới tìm thi thể đồng đội và thu dọn chiến trường. Hồi ký viết: “Ai nấy đều ngậm ngùi. Nhà hầm đồng chí Năm Thanh hứng một quả bom giữa nhà, thi thể của Năm Thanh và chiến sĩ Nước hốt được vỏn vẹn mỗi người một gói ni lông.
            Đồng chí Nhân mất xác (...) Hầm nhà tôi bị sập, chôn mất đồng chí Lợi trong hầm pháo. Hai đồng chí Kim Biên, Ân ngồi chết, trong lòng ôm 2 máy vô tuyến điện. Hầm nhà khách sụp đổ một góc, may mắn anh Ba Đình, Năm Hùng và đồng chí bảo vệ thoát chết. Đồng chí Tuyến nói ở nhà được thư anh hẹn về ngày 20-8, nếu anh về đúng ngày đó thì coi như lần này khó sống. Đồng chí Lợi chết thay cho anh, ngủ dưới nhà của anh...”.
            Điệp viên Ba Lễ, bí danh H3 (thứ 2 từ phải qua) và một số đồng nghiệp ngành tình báo,
            quân đội tại Dinh Độc Lập trong ngày 30-4-1975. Ảnh tư liệu của Lê Phong Lan
            Từ cuối tháng 9-1968, toàn Cụm A20 sinh hoạt trong các nhà hầm tại trụ sở căn cứ mới ở Bời Lời, hạn chế tối đa việc đi lại trên mặt đất vào ban ngày. Bom Mỹ liên tục dội xuống Bời Lời ngày càng ác liệt. Từ sau đòn Mậu Thân 1968, phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn chủ trương mở những trận phản kích quy mô lớn, tập trung vào khu vực phía Bắc Sài Gòn. Sang năm 1969, tình hình khốc liệt hơn khi Lữ đoàn 195 tăng thiết giáp Mỹ được điều đến các khu vực này, được sự yểm trợ của không lực Mỹ, đã liên tục san ủi, đánh bom hủy diệt, biến những khu rừng rậm xanh tốt thành những “vùng trắng”. Hầu như các cửa ngõ ra vào căn cứ đều bị bịt kín, nhiều chuyến liên lạc bị gián đoạn.
            Đến tháng 7-1969, chỉ còn lại A20 tiếp tục bám trụ căn cứ Bời Lời chống càn. Lực lượng của cụm hy sinh hơn một nửa so với năm 1968. Số giao thông viên và chiến sĩ của cụm bị giặc bắt ngày một nhiều. Trước tình hình đó, giữa tháng 11-1969, A20 được lệnh phải rút toàn bộ đơn vị về Phòng Tình báo miền (J22), chuẩn bị cho giai đoạn chiến đấu mới khi tình hình chiến trường đã có nhiều thay đổi.
            Từ A20 đến H67
            Từ đêm Noel đến Tết dương lịch năm 1969, toàn Cụm A20 bắt đầu kế hoạch rút quân từ Bời Lời về căn cứ J22 trên đất Campuchia. Đến ngày 31-12, toàn cụm về đích an toàn. Tháng 2-1970, J22 kết thúc đợt chỉnh huấn cán bộ. Bảy Vĩnh được giao nhiệm vụ tổ chức, biên chế lại Cụm A20 với tên gọi mới là H67, xây dựng căn cứ tại Bến Tre để tiếp tục hoạt động, duy trì các lưới tình báo ở nội thành Sài Gòn.
            Sau một thời gian đóng quân tại nhà dân, khảo sát địa bàn xây dựng căn cứ, sáng 30-4-1970, toàn đơn vị H67 chính thức chuyển về căn cứ mới, thuộc ấp Ba, xã An Phước, huyện Châu Thành - Bến Tre. Phát huy truyền thống chống càn từ thời còn ở mật khu Bời Lời, toàn đơn vị H67 tiếp tục những đợt chống càn oanh liệt trên quê hương Đồng Khởi, trở thành “cái gai nhức nhối” nhất của địch tại vùng An Phước suốt những năm 1970 - 1975. Đơn vị đã tiên phong mở những đợt chống càn hiệu quả, làm nức lòng người dân xứ dừa. Trên mặt trận giao thông liên lạc, vận chuyển tin tức tình báo, H67 cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm các nguồn tin tình báo từ nội đô an toàn và nhanh chóng được chuyển về J22 kịp thời.
            Tập thể, cá nhân anh hùng
            Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử có một đơn vị chiến đấu khá đặc biệt, đó là Lữ đoàn Đặc công Biệt động 316 gồm lực lượng từ J22 và từ các đơn vị biệt động đặc công dày dạn kinh nghiệm chiến đấu nhiều năm trong lòng Sài Gòn. Theo chỉ thị của Bộ Tổng Tham mưu miền (B2), tháng 10-1973, J22 phải rút các cán bộ, chiến sĩ thuộc nhiều lưới tình báo khác nhau làm lực lượng nòng cốt để thành lập lữ đoàn đặc biệt này, chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn khi thời cơ đến.
            Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Phòng J22, được chỉ định làm lữ đoàn trưởng. Riêng Bảy Vĩnh trở thành người chỉ huy Z28 thuộc Lữ đoàn 316 - đơn vị phụ trách đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Sài Gòn lúc 9 giờ 30 phút sáng 30-4-1975. Còn thủ trưởng J22 Sáu Trí (nguyên cụm trưởng A20) và điệp viên Ba Lễ (H3) đã trở thành những nhân chứng đặc biệt của ngày 30-4, những người đầu tiên của phía cách mạng chứng kiến giờ phút đầu hàng của chính quyền Dương Văn Minh ngay tại Dinh Độc Lập.
            Tại căn cứ Bến Tre, H67 đã cùng Huyện ủy Châu Thành sát cánh với các đơn vị vũ trang địa phương, du kích, đồng bào tham gia vây đồn, diệt bốt, giải phóng xứ dừa trong mùa Xuân đại thắng. Lúc chuyện trò với những hàng binh chi khu Trúc Giang, cán bộ H67 mới biết cho đến tận giờ phút đó, phía chính quyền Sài Gòn vẫn không thể gọi tên đơn vị đã khiến họ nhiều lần điêu đứng, thiệt hại nặng trong các trận càn mà chỉ phỏng đoán đó là một bộ phận đặc công của tỉnh. Ngày 6-5-1975, H67 được lệnh của J22 rút về Sài Gòn, kết thúc 5 năm đứng chân tại địa bàn Bến Tre.
            Với những đóng góp và thành tích nổi bật trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, năm 1976, Cụm A20 - H67 được tuyên dương Đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, cùng đợt với xã anh hùng An Phước. Cựu điệp viên Lê Văn Vĩnh về sau cũng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.
            Một lòng vì Tổ quốc
            Thiếu tướng Nguyễn Văn Khiêm (Sáu Trí), nguyên Trưởng Phòng J22, đánh giá: “Trước năm 1975, có rất nhiều lưới tình báo, trong đó nhiều lưới hoạt động rất hiệu quả và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ như H63, H67... Có một số lưới bị bể, cán bộ hy sinh nhiều nhưng đặc biệt không ai trong số họ nghĩ đến cá nhân mình, không có người nào phản bội khi bị bắt và tra tấn dã man. Họ là những chiến sĩ trung kiên, khi được tổ chức giao nhiệm vụ thì không bao giờ nề hà và hầu hết đều hoàn thành xuất sắc, ngay cả khi biết trước là mình sẽ hy sinh. Có những cán bộ bị hiểu lầm, trong quá trình điều tra bị dị nghị... nhưng họ không hề phản biện cho đến khi được làm sáng tỏ. Bởi vì họ tin rằng tổ chức sẽ đánh giá công bằng những đóng góp của họ cho cách mạng”.
            Đạo diễn Lê Phong Lan
                                                                                                                              (Theo http://nld.com.vn)
             
             

            Không có nhận xét nào:

            Đăng nhận xét