Thứ Năm, 28 tháng 8, 2014

ĐỊA LINH NHÂN KIỆT 15 ("thần cơ")

(ĐC sưu tầm trên NET)

Nỏ thần Liên Châu - Nỗi khiếp đảm của giặc ngoại xâm phương Bắc

Hà Dũng - theo Trí Thức Trẻ | 16/02/2014 07:31

(Soha.vn) - Trình độ chế tạo cung nỏ thời Hùng Vương - An Dương Vương đã làm cho quân giặc phương Bắc khiếp sợ và được thần thánh hóa bằng truyền thuyết nỏ thần.

LTS: Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, người Việt Nam đã không ít lần phải đứng lên, chống lại kẻ thù xâm lược từ phương Bắc. Và trong mỗi lần như thế, dù là dùng mũi tên, ngọn giáo, hay những vũ khí hiện đại sau này, người Việt Nam đều khiến kẻ thù kinh hồn bạt vía. Loạt bài NHỮNG VŨ KHÍ KHIẾN GIẶC PHƯƠNG BẮC KHIẾP SỢ sẽ giới thiệu với độc giả những vũ khí đã cùng các thế hệ người Việt ghi chiến công hiển hách trong các cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền dân tộc trước các thế lực ngoại xâm phương Bắc.
Từ câu chuyện mang màu sắc truyền thuyết
Theo truyền thuyết hàng ngàn năm nay kể lại, thời Thục Phán - An Dương Vương, nước Âu Lạc có nỏ thần có thể bắn ra hàng ngàn mũi tên, xuyên qua chục người, làm quân địch khiếp sợ. Vì thế mà quân xâm lược phương Bắc luôn luôn phải nhận thất bại. Lẫy nỏ thần này được làm từ vuốt của Rùa Thần, được xem là bảo bối giữ nước mà thần linh ban tặng với lời nói được truyền tụng “Giữ được nỏ thần, thì giữ được thiên hạ - mất nỏ thần sẽ mất cả thiên hạ
Đây là một câu chuyện mang đậm màu sắc truyền thuyết. Tuy nhiên trải qua nhiều quá trình nghiên cứu các nhà khoa học đã dần chứng minh được nỏ thần là có thật trong lịch sử, thể hiện tài năng quân sự tuyệt vời của nhân dân nước Việt.
Đến những vết tích khảo cổ học
Nỏ thần trong thực tế có tên gọi là nỏ Liên Châu, do vị tướng quân tài ba Cao Lỗ chế tạo dưới thời Thục Phán An Dương Vương nhà nước Âu Lạc, đặt tên là Linh Quang Kim Trảo Thần Nỏ.
Nỏ có thể bắn một lần được nhiều phát mà các mũi tên đều bịt đồng sắc nhọn. Sử sách cũ đã thần thánh hóa gọi là: "Linh Quang Thần Cơ". Sách Lĩnh Nam chích quái chép rằng: Cứ đem nỏ ra chĩa vào quân giặc là chúng không dám đến gần.
Năm 1959, các nhà khảo cổ đã tìm được trong lòng đất Cổ Loa số lượng lên tới hơn một vạn chiếc tên được chôn giấu. Đặc biệt, sau này các nhà khảo cổ học còn tìm thấy lò đúc và quan trọng nhất là khuôn đúc mũi tên ba cạnh này.
Mũi tên đồng khai quật tại thành Cổ Loa
Mũi tên đồng khai quật tại thành Cổ Loa
Mũi tên ba cạnh dạng này được đặt tên là mũi tên Cổ Loa. Có bảy loại mũi tên dùng cho nỏ thần của An Dương Vương: Loại dài nhất 11cm, loại ngắn nhất 6cm và đều cùng một loại, cấu tạo gồm 3 bộ phận: đầu nhọn, trụ và chuôi cùng có mặt cắt ngang hình tam giác.
Ðầu mũi tên có mặt cắt hình tam giác với rìa cạnh thẳng hoặc hơi cong vồng ra; mặt cắt ngang đầu mũi hình tam giác đều cạnh thẳng hoặc cong lõm vào. Mũi tên ba cạnh tạo ra vết rách to theo ba hướng, gây thoát máu nhanh, thương vong lớn, khiến cho đối phương hoang mang, mất bình tĩnh khi đang tấn công và là một yếu tố tạo nên tính thần kỳ của loại nỏ An Dương Vương so với các loại vũ khí đương thời.
Thêm một bằng chứng thuyết phục nữa đó là việc khai quật được lẫy nỏ Làng Vạc khá nguyên vẹn còn đầy đủ các bộ phần hợp thành. Ngoài ra, chúng ta còn khai quật được ở thành Cổ Loa một cái ống đồng dài khoảng 0,5 m, hai đầu bịt kín, dọc thân trổ lỗ như lỗ cây sáo được cho là một bộ phận của chiếc nỏ.
Lẫy nỏ được khai quật từ thành Cổ Loa
Lẫy nỏ được khai quật từ thành Cổ Loa
Qua phân tích bằng phương pháp quang phổ cho thấy thành phần cấu tạo của mũi tên đồng Cổ Loa cũng như lẫy nỏ có 95% bằng đồng; chì 3,4 – 4,2%; thiếc 1 – 1,1%. Với tỷ lệ này, tên được tạo có độ cứng cao, có thể mài, dũa để tạo thành những bộ phận lưỡi, mũi nhọn, sắc, có độ sát thương cao. Thiếc và chì sẽ khiến khuôn đúc mũi tên rất róc, không bị bám dính. Khuôn đúc tên cũng phải chế tác theo chất liệu và kiểu dáng của khuôn cổ chứ không sử dụng các loại khuôn hiện đại.
Tỉ lệ này cũng tương ứng với tỷ lệ phân tích được trên các vũ khí khác như giáo, mác… Chứng tỏ trình độ luyện kim, trình độ quân sự thời An Dương Vương đã rất cao.
Cũng trong nhiều họa tiết hoa văn thời Đông Sơn đã khắc họa hình ảnh sử dụng cung nỏ với kích thước lớn có thể xem như dấu tích về “nỏ thần” trong truyền thuyết.
Họa tiết cung thủ trên các hoa văn thời Đông Sơn
Họa tiết cung thủ trên các hoa văn thời Đông Sơn
Phục dựng thành công nỏ thần
Nhằm đi tìm lời giải cho bí ẩn nỏ thần có cấu tạo như thế nào, nhiều nhà khoa học đã tìm cách phục dựng lại nỏ thần và đã có những thành công ngoài sức tưởng tượng.
Trước hết là chiếc nỏ thần được phục dựng thành công từ năm 2000 bởi kỹ sư Lê Minh Hồng, theo mô hình của một chiếc nỏ “tích hợp” nhiều cánh nỏ.
Thân nỏ dài tới 4m và có tới hai loại nỏ. Nỏ công dùng cho nhóm chiến đấu, nỏ thủ dùng cho cá nhân. Muốn tạo ra nỏ khổng lồ, có sức sát thương cao, phải liên kết nhiều cánh nỏ trên một thân nỏ.
Nỏ này không chỉ bắn ra hàng trăm mũi tên một lúc mà còn bắn được cả mũi lao xa tới cả trăm mét. Bí mật sức mạnh của nỏ là thuật chia nhỏ góp gió thành bão.
Trong số các mô hình nỏ thần được phục dựng lại thì mô hình do Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á thực hiện vào năm 2010 được nhắc tới nhiều hơn cả. Mô hình này được phỏng dựng dựa trên các lẫy nỏ cổ bằng đồng từng phát hiện tại Làng Vạc (Nghệ An).
Chiếc nỏ này được phục chế hoàn toàn không sử dụng công cụ của thời hiện đại. Hình dáng nỏ được tham khảo và dựa trên những sách cổ Trung Quốc và hình vẽ trên đền thờ Angkor Watt và tài liệu La Mã cổ đại liên quan đến nỏ có niên đại trùng với thời An Dương Vương để so sánh.
Nhóm nghiên cứu đã thuê thợ đúc đồng làng Đại Bái (Bắc Ninh) đúc lại mũi tên đồng theo phương pháp thủ công cổ xưa, với tỉ lệ hợp kim đồng – chì – thiếc đúng như đã phân tích từ mũi tên khai quật được.
Kỳ công hơn, theo đúng các ghi chép cổ xưa còn lưu lại, thân mũi tên được làm từ thân cau già chứ không phải bằng tre vì tre có đốt nên bị giới hạn về độ dài. Cau già có độ dẻo, thẳng, không bị cong vênh, co ngót theo thời gian.
Trải qua rất nhiều thử nghiệm, nhóm nghiên cứu mới tìm ra tỷ lệ tương xứng giữa thân và mũi tên để đảm bảo mũi tên bay xa và chuẩn nhất. Toàn bộ mũi tên dài 80 cm, đường kính 0,8 cm, nặng 80-100 g.
Dây nỏ được làm từ mây lấy ở Hoà Bình do các nghệ nhân làm nỏ người Mường, Thái vào rừng chọn gai từ mùa trước, sau đó ngâm tẩm và bện thành dây. Cánh mũi tên làm từ mo cau đúng như các ghi chép cổ còn lưu lại.
Kết quả, sau 2 năm miệt mài, nhóm nghiên cứu đã phục dựng được thành công máy bắn nỏ thời Văn Lang- Âu Lạc, có thể bắn 10 mũi tên cùng một lúc với độ sát thương cao. Kết quả thử ngiệm cho thấy, ở khoảng cách từ 80 – 120m, mũi tên phóng đi đạt độ sát thương cao nhất.
Bắn biểu diễn mô hình phục dựng nỏ thần
Bắn biểu diễn mô hình phục dựng "nỏ thần"
Điều quan trọng nhất tạo nên sức thần của “nỏ thần” có lẽ chính là người xưa đã biết phát triển kỹ thuật tạo ra những “chốt giữ liên hoàn” để có thể 1 lần bóp cò thì không những một chiếc nỏ bắn được nhiều tên mà nhiều chiếc nỏ như vậy cùng bắn tạo ra những “cơn mưa” mũi tên làm tan vỡ quân địch.
Với những thư tịch và di tích khảo cổ để lại cùng việc phục dựng thành công “nỏ thần’ có lẽ đủ để khẳng định rằng trong lịch sử dân tộc Việt Nam thời Hùng Vương - An Dương Vương trình độ chế tạo cung nỏ của người Việt đã đạt đến trình độ rất cao. Họ đã có thể chế tạo ra những chiếc nỏ bắn được nhiều mũi tên cùng một lúc, xuyên qua hàng chục người. Đây chính là một vũ khí, sản phẩm kết tinh giữa truyền thống chống ngoại xâm và sự sáng tạo trong lao động của người Việt. “Nỏ thần” đã gây khiếp đảm cho quân xâm lược phương Bắc và góp phần giữ vững độc lập, tự chủ của dân tộc.


Súng thần công Việt dội bão lửa lên đầu giặc phương Bắc

Hà Dũng - theo Trí Thức Trẻ | 19/02/2014 07:12

(Soha.vn) - Hồ Nguyên Trừng là ông tổ của súng thần công, khiến quân Minh khiếp đảm. Đến năm 1789, pháo binh Tây Sơn lại góp phần quét sạch 29 vạn quân Thanh.

LTS: Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, người Việt Nam đã không ít lần phải đứng lên, chống lại kẻ thù xâm lược từ phương Bắc. Và trong mỗi lần như thế, dù là dùng mũi tên , ngọn giáo, hay những vũ khí hiện đại sau này, người Việt Nam đều khiến kẻ thù kinh hồn bạt vía.
Loạt bài NHỮNG VŨ KHÍ KHIẾN GIẶC PHƯƠNG BẮC KHIẾP SỢ sẽ giới thiệu với độc giả những vũ khí đã cùng các thế hệ người Việt ghi chiến công hiển hách trong các cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền dân tộc trước các thế lực ngoại xâm phương Bắc.
Hồ Nguyên Trừng - ông tổ của súng thần công
Trong triều đại nhà Hồ ngắn ngủi, Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng (1374 – 1446) con đầu của Vua Hồ Quý Ly nổi bật lên là một thiên tài quân sự kiệt xuất. Ông chính là tổng công trình sư của phòng tuyến chống giặc bắt đầu ở yếu huyệt Đa Bang (Ba Vì) kéo dài theo bờ Nam Sông Đà, sông Hồng cho đến sông Ninh (Nam Hà) rồi lại tiếp tục theo bờ sông Luộc, sông Thái Bình đến Bình Than dài trên 400 km. Hồ Nguyên Trừng cũng là người đã sáng tạo ra cách đánh độc đáo: ông cho đúc nhiều dây xích lớn chăng qua những khúc sông hiểm trở, kết hợp với quân mai phục trang bị bằng hỏa lực mạnh, từng khiến cho thủy binh giặc nhiều phen khiếp đảm.
Tuy vậy, nói đến Hồ Nguyên Trừng người ta thường nhắc nhiều nhất đến công sáng chế ra súng "thần công" của ông.
Trong sách “Vân Đài loại ngữ” Lê Quý Đôn viết: con trai của Hồ Quý Ly là Hồ Nguyên Trừng đã sáng tạo ra phương pháp làm súng “thần cơ thương pháo”. Loại súng này được đúc bằng sắt hoặc đồng, có nhiều cỡ, lớn thì kéo xe, nhỏ thì dùng giá đỡ hay vác vai... Súng có ba loại: súng lớn đặt trên lưng voi, súng nhỏ hai người khiêng, súng nhỏ vác vai...
Theo các nhà quân sự, súng “thần cơ của Hồ Nguyên Trừng có đầy đủ các bộ phận của loại súng “thần công” ở những thế kỷ sau này. Súng có nhiều loại, loại nhỏ dùng cho bộ binh bắn xa khoảng 700 m. Loại lớn là “thần cơ pháo” đặt cố định bảo vệ thành hoặc dùng xe kéo vận chuyển.
Cấu tạo súng thần công bao gồm: Thân súng dài 44 cm, nòng súng dài 5 cm, trục quay, thước ngắm, lỗ điểm hỏa, khối hậu. Trong đó khối hậu được đúc kín chứa thuốc nổ, nòng súng chứa những trái đạn, trục quay để điều chỉnh góc bắn, lỗ điểm hỏa để châm ngòi và thường được gắn thân bánh xe ở trục quay để cơ động.
Những cuộc khai quật tại Thành Nhà Hồ (năm 2008, 2010, 2012) đã tìm được khá nhiều đạn đá hình khối cầu tròn đều với nhiều kích cỡ khác nhau. Nghiên cứu đạn sử dụng các nhà chuyên môn cho rằng: Súng thần công thời Hồ có thân hình ống tròn dài đều, nòng trơn, phía sau thân hơi phình to để nạp thuốc súng. Trên thân có lỗ nối ngòi nổ với phần thuốc súng để khi sử dụng châm lửa kích thuốc nổ đẩy viên đạn khỏi nòng súng đi xa về phía trước. Đạn được chế tác từ chất liệu đá, đất nung có độ cứng cao, khi bắn viên đạn có sức công phá lớn. Đạn có nhiều loại kích cỡ to nhỏ khác nhau, chứng tỏ xưa có nhiều loại súng cỡ nòng khác nhau.
Các viên đạn bằng đá của súng thần công được khai quật tại thành nhà Hồ (Thanh Hóa)
Các viên đạn bằng đá của súng thần công được khai quật tại thành nhà Hồ (Thanh Hóa)
Vào lúc thế giới đang còn thai nghén về súng đại bác thì súng “thần cơ” của Hồ Nguyên Trừng là một sáng chế vĩ đại. Dù Trung Quốc là nơi phát minh ra thuốc súng nhưng trong cuộc xâm lược Đại Việt, quân Minh vẫn không tránh khỏi nỗi kinh sợ trước hỏa lực của “thần cơ thương pháo”, khi chiếm được những khẩu pháo này họ rất đỗi kinh ngạc và khâm phục vì “thần cơ thương pháo”, có nhiều ưu thế hơn hẳn vũ khí của quân Minh. Họ nhanh chóng chở những cỗ “thần cơ” của Hồ Nguyên Trừng về nước, dùng súng Thần An Nam khi đánh với Mông Cổ.
Minh sử chép: Trong cuộc bình Giao Chỉ, nhà Minh đã bắt được súng thần, pháo thần của Giao Chỉ được coi là vũ khí nhất thiên hạ... Súng “thần công” có được gần đây dùng sắt làm tên, bắn đi bằng lửa, đi xa ngoài 100 bước, nhanh chóng kỳ diệu như thần, nghe thấy tiếng là lửa đã đến (Trương Tú Dân).
Sau khi thất bại trong cuộc kháng chiến chống Minh. Năm 1407, 17.000 người Việt gồm gia quyến quan tướng họ Hồ và quân lính Đại Việt bị đưa về Nam Kinh, Trung Quốc. Vì tính mạng của cha (Hồ Quý Ly) nên Hồ Nguyên Trừng buộc phải phục vụ cho nhà Minh trong việc trông coi xưởng đúc súng.
Minh sử đánh giá cao công lao của Hồ Nguyên Trừng “đánh thắng địch là dựa vào súng thần”. Sau khi ông qua đời, vua nhà Minh sắc phong làm “Thần hỏa khí”, mỗi khi tế súng đều phải tế Hồ Nguyên Trừng. Trong "Vân đài loại ngữ", Lê Quý Đôn viết: "quân Minh khi làm lễ tế súng đều phải tế Trừng".
Tuy không thể góp công đánh bại quân Minh xâm lược nhưng súng thần công của Hồ Nguyên Trừng đã mở ra sự phát triển quan trọng trong lịch sử quân sự người Việt
.
Tiếng súng Tây Sơn đại phá quân Thanh
Người Việt tự hào về phát minh của Hồ Nguyên Trừng nhưng cũng phải ngậm ngùi khi “thần cơ thương pháo” không ngăn được kẻ thù. Nhưng đến năm 1789, thì súng thần công của quân Tây Sơn đã gây khiếp đảm cho quân Thanh xâm lược, góp công lớn vào chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa.
Quang Trung đại phá quân Thanh với khí thế thần tốc
Quang Trung đại phá quân Thanh với khí thế thần tốc
Ngày 25-11-1788 (tức 28-10 Mậu Thân) Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị theo lệnh vua Càn Long mang 29 vạn quân Thanh từ Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam tràn sang nước ta. Đến ngày 17-12-1788 Tôn Sĩ Nghị kéo quân vào Thăng Long.
Sau khi Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế ở Phú Xuân (Huế) lấy niên hiệu là Quang Trung, hay tin cấp báo giặc Thanh kéo sang xâm lược, đã quyết định tiến quân thần tốc ra Bắc, đại phá quân Thanh.
Với tài dụng binh thao lược, táo bạo, tốc chiến, tốc thắng của Hoàng đế Quang Trung, hơn 20 vạn quân Thanh bị đánh bất ngờ, bị tiêu diệt không kịp trở tay. Số sống sót tranh nhau chen chúc vượt qua cầu phao sông Hồng để trốn thoát, bị cầu đứt, vỡ, cuốn trối xác ngập đầy sông.
Chiều mồng 5 tết, Quang Trung tiến vào Thăng Long trong sự chào đón của nhân dân. Đại Nam chính biên liệt truyện mô tả, áo bào của Quang Trung sạm màu khói súng.
Theo các nhà nghiên cứu, phong trào Tây Sơn (1771-1802) đã đánh dấu sự phát triển nhảy vọt của pháo binh Việt Nam. Bằng thiên tài quân sự của mình, Nguyễn Huệ đã đưa quân đội nói chung và pháo binh Tây Sơn nói riêng đến trình độ cận đại, vượt qua bọn xâm lược Xiêm, Thanh, không kém pháo binh quân đội các nước châu Âu lúc bấy giờ.
Chỉ tính riêng số lượng đại bác quân đội Tây Sơn trang bị cho thủy quân, lục quân lúc cao nhất phải đến ngàn khẩu. Một phần lấy được của quân Trịnh, Nguyễn, một phần tự chế tạo.
Lúc này, pháo binh đã được Tây Sơn nâng lên thành quy mô binh chủng hỏa lực, phù hợp với tư tưởng tiến quân thần tốc, cách đánh công thành, diệt viện, cơ động cao. Trong lục quân có pháo nặng phòng ngự giữ thành, có pháo tiến công cỡ lớn chi viện từ xa chở bằng tàu thuyền đến vị trí tập kết rồi cho voi kéo vào trận địa, có loại nhẹ đặt trên lưng voi trong đội hình tiến công của bộ binh.
Điểm đặc biệt nhất ở đây là Nguyễn Huệ đã biến voi thành những chiếc “xe tăng”, mang theo cả đại bác và hỏa pháo trên lưng. Sử nhà Thanh viết: "Quân giặc đều dùng voi chở đại bác xông ra trận".
Giáo sĩ Cristophoro Borri đã viết như sau: “Có rất nhiều voi trong xứ Đàng Trong”,“voi ở đây lớn gấp hai voi ở Ấn Độ”. “Khi có chiến tranh và trận mạc thì người ta nhấc mui (trên) bành đi để thành một thứ chòi chở lính giao chiến với nỏ, với súng và có khi với khẩu đại bác: voi không thiếu sức để mang nổi và là con vật rất khoẻ, nếu không có gì khác. Chính tôi (tức giáo sĩ Borri) đã thấy một con dùng vòi chuyên chở những vật rất nặng, một con khác chuyển một khẩu súng lớn và một con nữa một mình kéo tới mười chiếc thuyền, chiếc nọ theo sau chiếc kia, giữa đôi ngà một cách rất khéo và đưa xuống biển …”
Được trang bị đại bác, voi chiến của quân Tây Sơn đã trở thành một lực lượng đột kích với hỏa lực mạnh gây hoang mang khiếp sợ cho giặc.
Những khẩu pháo đặt trên lưng voi nói trên được chốt chặt trên một cái bệ đặt trên lưng voi. Khung bệ hình tò vò khum khum lựa theo chiều lưng voi xuống hai bên sườn, có hai càng áp sát vào hai bên sườn con vật. Lót dưới khung bệ gỗ là một cái đệm rất dày và êm để khỏi xây xát da lưng voi. Tất cả đều được ghìm chặt bằng những dây đai rộng bản bằng da trâu. Ba dây luồn dưới bụng, một dây dưới đuôi, một dây vòng qua trước ức voi.
Vị trí chiến đấu của các pháo thủ là trên tấm ván đóng cứng vào đuôi càng của khung bệ gỗ hai bên sườn voi. Pháo thủ đứng theo hàng dọc, 3 người ở bên trái, 2 người ở bên phải. Khi có lệnh “nhồi thuốc”, pháo thủ đứng đầu hàng bên trái dùng một tay xoay nòng pháo về phía mình, tay kia nhận gói thuốc từ pháo thủ thứ 2 đứng sát sau, nhồi thuốc vào miệng nòng, dùng gậy dài vừa phải ấn gói thuốc vào tận đuôi nòng. Làm xong đẩy nòng về vị trí cũ. Tiếp đến là khẩu lệnh “nhồi đạn”, pháo thủ đứng trên cùng bên phải một tay xoay miệng nòng pháo về phía mình, tay kia tiếp nhận viên trái phá của người pháo thủ chuyền đạn đứng sau và làm động tác nạp viên đạn vào miệng nòng. Làm xong xoay nòng thẳng hướng cũ. Như vậy chỉ còn ngắm rồi khai hỏa.
Sau đó người đội trưởng đứng thứ 3 bên trái nhảy lên mông voi để ngắm bắn từ phía đuôi, xê dịch đầu nòng pháo vào đúng mục tiêu đã định. Ngắm xong, pháo đội trưởng nhanh chóng tụt xuống thấp, cùng lúc pháo thủ phụ trách nhồi thuốc chốt cứng nòng pháo vào khung bệ. Khi có lệnh “phát hỏa”, người pháo thủ chuyền đạn ở bên phải liền dí bùi nhùi rơm châm vào ngòi thuốc phóng thò ra ở gần đuôi nòng.
Con voi chiến tinh khôn đã được huấn luyện thành thục, nghe thấy lệnh phát hỏa liền cong vòi giữ chặt dây đai vòng trước ức nó, ghìm chắc không cho pháo nhảy lên quá mức khi thuốc cháy đẩy viên đạn bay ra khỏi nòng pháo.
Tuy nhiên thêm một điểm cần lưu ý là, voi vốn rất sợ lửa và tiếng nổ lớn, việc huấn luyện được những con vọi chịu đựng được môi trường chiến đầu khắc nghiệt như vậy thể hiện trình độ kỹ, chiến thuật cao, kỷ luật nghiêm, hiệp đồng chặt chẽ của quân Tây Sơn. Một trong những người huấn luyện tài giỏi nhất chính là nữ tướng Bùi Thị Xuân.
Tiếng súng đại phá quân Thanh và hình ảnh người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ trong chiến áo bào sạm màu khói súng là những biểu tượng huy hoàng trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược phong kiến phương Bắc.
Một súng thần công thời Tây Sơn được trục vớt tại Bình Định
Một súng thần công thời Tây Sơn được trục vớt tại Bình Định

Sức công phá của pháo phản lực trên chiến trường “chỉ có ở Việt Nam“

Trong chiến tranh, Việt Nam đã cải tiến đưa vào sử dụng pháo phản lực mang vác làm quân địch bao phen “kinh hồn bạt vía”.

Khi bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Liên Xô đã viện trợ cho Việt Nam những pháo phản lực có sức tấn công kinh hoàng.
Tuy nhiên, để phù hợp với điều kiện chiến trường, Việt Nam đã tự cải tiến thành những loại pháo phản lực có thể mang vác. Nó vừa mang tính cơ động cao nhưng vẫn đảm bảo sức hủy diệt mạnh.
Từ BM-14 đến A12

Pháo phản lực mang vác A12 cải tiến từ BM-14 tại trường bắn Hòa Lạc, năm 1966.
Đầu những năm 1960, Liên Xô bắt đầu viện trợ cho Việt Nam pháo phản lực phóng loạt BM-14. Pháo dùng khung gầm cơ sở xe vận tải bánh lốp lắp giàn phóng 16-17 nòng cỡ đạn 140mm. Mỗi quả đạn rocket BM-14 nặng khoảng 40kg, đạt tầm bắn khoảng 10km.
Sự xuất hiện của pháo phản lực trong biên chế là một bước phát triển mới của Binh chủng Pháo binh Việt Nam. Tuy nhiên, với trọng lượng lớn và cồng kềnh thì BM-14 không thuận lợi trong tác chiến ở chiến trường miền Nam.
Thực tế chiến trường đòi hỏi một loại pháo có uy lực lớn, nhưng phải mang vác được bằng sức người. Bởi vậy, ngành kỹ thuật pháo binh đã bắt đầu quan tâm nghiên cứu để cải tiến BM-14.
Sách Biên niên sự kiện lịch sử ngành kỹ thuật pháo binh Quân đội Nhân dân Việt Nam (1945 - 1975) viết: “Để tăng cường loại vũ khí có hỏa lực mạnh cho chiến trường, Bộ Tư lệnh đề nghị Bộ Quốc phòng triển khai nghiên cứu cải tiến pháo phản lực BM-14 (Liên Xô sản xuất) thành pháo phản lực mang vác”.
BM-14 sau cải tiến gồm ống phóng gắn trên một bệ bằng gỗ. Ống phóng làm bằng tôn thép mỏng cuộn lại, dài 1,14 m, mặt trong có đánh 4 đường sống tiếp tuyến với mặt hình trụ của đạn. Bệ bằng gỗ dày 2 cm, rộng 25 cm, dài 120 cm.
Tiện lợi ở chỗ, bệ tên lửa làm bằng gỗ này không cần vận tải vào Nam mà có thể dễ dàng làm tại chỗ dựa theo bản thiết kế. Toàn bộ bệ chỉ nặng khoảng 10,5 kg.
Khi thử nghiệm, bệ phóng được kê đầu trên túi đất, chèn thêm các túi đất lên trên và quanh tấm gỗ để cố định bệ. Góc bắn được lấy 45 độ, điểm hỏa bằng 6 quả pin con thỏ 1,5 vol. Thử nghiệm cho thấy luồng phụt không làm hư hại bệ phóng, có thể dùng lại.
Pháo BM-14 sau khi cải tiến có tầm bắn khoảng 8.000 m (giảm so với nguyên bản) nhưng độ chính xác cao hơn. Mặt khác, BM-14 chỉ phóng lần lượt từng quả một, còn pháo cải tiến có thể phóng cùng lúc 12 quả đạn nhờ 1 hệ thống điện điểm hỏa. Bởi vậy nó được gọi là A12.
Sau khi cải tiến thành công, từ dàn phóng 17 nòng, A12 được biên chế cho mỗi tiểu đội 12 khẩu. Với trọng lượng rất nhẹ, A12 rất tiện lợi cơ động để thực hiện những đòn tập kích hỏa lực luồn sâu đánh hiểm vào đối phương.
Ngày 28/2/1967, Tiểu đoàn 99 lần đầu sử dụng pháo phản lực “made in Vietnam” A12 trên chiến trường. Tiểu đoàn đã bắn 15 loạt với 140 viên đạn vào các mục tiêu trong sân bay Đà Nẵng. Trận tập kích bất ngờ này đã phá hủy 94 máy bay, 200 xe quân sự các loại cùng hàng trăm tên địch.
Tổ điệp báo trong thành phố sau này gửi thư ra miêu tả trận đánh: “Tỉnh dậy là thấy tiếng ào ào xé không khí như hàng chục chiếc máy bay phản lực cất cánh. Nhiều tiếng nổ làm rung chuyển cả thành phố. Lửa bùng lên dữ dội trong sân bay. Nhiều người tưởng là máy bay từ miền Bắc vào ném bom đã rủ nhau lên mái nhà xem máy bay Mỹ cháy”.
ĐKB và bão lửa Biên Hòa
Pháo phản lực BM-21 Grad của Quân đội Việt Nam hiện nay. Nguồn: báo QĐND
Cùng với BM-14, sau này Liên Xô tiếp tục viện trợ cho Việt Nam loại pháo phản lực mới nhất khi đó, BM-21 Grad. Pháo dùng khung gầm cơ sở xe bánh lốp lắp giàn phóng 40 nòng cỡ 122 mm, bắn những viên đạn rocket đi xa 20 km.
Một khẩu đội gồm 3 - 4 người có thể trú trong cabin để bắn hoặc đứng từ xa và điều khiển qua đường cáp dài 64 m.
Một tiểu đoàn pháo phản lực trang bị BM-21 có thể đồng loạt bắn tới 720 quả đạn trong vòng 20 giây trùm lên một khu vực rộng. Đây là vũ khí rất hữu hiệu để chống lại đội hình bộ binh và thiết giáp nhẹ, cũng như để phá hủy hệ thống hầm hào bán kiên cố.
Tuy nhiên, BM-21 không phát huy hiệu quả nếu bắn vào một mục tiêu nhỏ được định vị như lô cốt bê tông.
Cũng giống BM-14, BM-21 cồng kềnh không thích hợp cho tác chiến ở chiến trường miền Nam thời điểm đó. Vì thế, phía ta đã đề nghị phía Liên Xô cải tiến giúp BM-21 thành từng nòng riêng lẻ để tiện cơ động.
Theo Lịch sử Pháo Binh Việt Nam viết: “Dịp Tết năm 1966, BM-21 cải tiến đã được gửi sang Việt Nam. Ban đầu người ta gọi nó là DKZ-66, sau đó đổi thành ĐKB (loại ĐKZ chuyên dùng chiến đấu ở chiến trường B)”.
ĐKB vẫn sử dụng nòng và đạn cùng cỡ như BM-21 nhưng được tháo riêng thành 2 bộ phận là nòng và chân rất gọn nhẹ, tiện mang vác. Đạn ĐKB nặng 46kg, tầm bắn từ 2-10km.
Biến thể mang vác ĐKB cải tiến trong kháng chiến chống Mỹ. Nguồn: Sách Lịch sử Pháo binh
Trung đoàn 84A được thành lập để huấn luyện sử dụng ĐKB. Ngày 17/6/1966, Trung đoàn 84 cùng với Tiểu đoàn 99 đã bắn trình diễn vũ khí mới tại trường bắn Hòa Lạc (Hà Tây) cho Bác Hồ và các vị lãnh đạo cấp cao xem. Ngay trong năm 1966, Trung đoàn 84A với 54 khẩu ĐKB hành quân vào miền Nam.
Ngày 11/2/1967, pháo phản lực ĐKB lần đầu được sử dụng trên chiến trường. Trung đoàn 84A đã dùng 54 khẩu ĐKB tấn công sân bay Biên Hòa. Chỉ trong vòng 15 phút, toàn bộ sân bay đã ngập chìm trong khói lửa. Khoảng 150 máy bay cùng nhiều kho tàng đã bị phá hủy. Đòn tấn công này đã khiến quân địch hoang mang, hoảng sợ.
Những trận đánh vào sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa của A12 và ĐKB đã mở đầu cho chiến thuật sử dụng pháo mang vác luồn sâu đánh hiểm của pháo binh Việt Nam. Từ đó pháo mang vác được sử dụng rất phổ biến và đã trở thành một vũ khí lợi hại của pháo binh ta trong những trận pháo kích vào căn cứ địch.
* Bài viết có sử dụng tài liệu sách Biên niên Sự kiện Lịch sử ngành Kỹ thuật Pháo binh QĐNDVN (1945-1975) và Lịch sử Pháo binh.
(ĐC chép từ baomoi.com)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét