Thứ Năm, 7 tháng 8, 2014

DƯ LUẬN XÃ HỘI 21 (Tập Cận Bình củng cố quyền lực)

(ĐC sưu tầm trên NET)

Cuộc chiến chống tham nhũng cho phép cánh Tập Cận Bình củng cố quyền lực tại Trung Quốc

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chống tham nhũng hầu củng cố quyền lực.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chống tham nhũng hầu củng cố quyền lực.
Reuters

Trọng Nghĩa
Vào cuối tuần qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đã lại tuyên bố là sẽ không khoan nhượng trong chiến dịch bài trừ tham nhũng lần này là trong quân đội. Trước đó một vài hôm, Bắc Kinh chính thức loan báo việc cựu lãnh đạo công an Chu Vĩnh Khang bị điều tra về tội tham ô. Theo nhiều chuyên gia Pháp được RFI phỏng vấn, chiến dịch bài trừ tham nhũng phát động vào năm ngoái, bên cạnh động cơ luôn được quảng bá rầm rộ là chống bất công, còn có động cơ chính trị không nói ra : Giúp cho phe cánh của ông Tập Cận Bình củng cố quyền lực.

Phải nói là chiến dịch gọi nôm na là « đả hổ và đánh ruồi » do nhân vật số một tại Trung Quốc tung ra càng lúc càng tăng cường độ. Theo Tân Hoa Xã, kể từ đầu năm đến nay, công cuộc điều tra tham nhũng ở Trung Quốc liên quan đến hơn 25.000 người, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với khẩu hiệu đấu tranh chống « ruồi và hổ », tức là cả các công chức cấp dưới lẫn các quan chức cấp cao, chiến dịch này, trong thời gian qua, đã động tới một loạt cán bộ ở thượng tầng chế độ Trung Quốc, mà tiêu biểu nhất là trường hợp của ông Chu Vĩnh Khang, cựu Bộ trưởng Bộ Công an. Đây là lần đầu tiên mà một cựu Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc trở thành đối tượng một cuộc điều tra tham nhũng.
Củng cố quyền lực của một người và một phe
Theo ông Jean-François Di Meglio, Chủ tịch trung tâm nghiên cứu Pháp về châu Á,  Asia Centre, đằng sau chiến dịch bài trừ tham nhũng đó là một động cơ chính trị. Đó là « tăng cường quyền lực của một người duy nhất và những người xung quanh ông ta để thực hiện những biện pháp cải cách vốn không bao giờ có thể được áp dụng ở Trung Quốc ».
Lý do theo chuyên gia Di Meglio, đó là vì sự tồn tại của hệ thống chính trị mang tính chất đồng thuận tại Trung Quốc, khiến cho mọi quyết định phải chú ý đến ý kiến của nhiều phe phái khác nhau. Thế nhưng căn cứ vào diễn biến tình hình hiện nay, Giáo sư Di Meglio cho là « một phe đang ngày càng khẳng định uy thế và sẽ muốn làm gì thì làm ».
Đối với chuyên gia này, ngoài động cơ nói trên, cũng có một động lực chính trị khác thúc đẩy chiến dịch bài trừ tham nhũng tại Trung Quốc, đó là trấn an dân tình : « Hiện có một tình trạng chán ngán và phẫn nộ trong người dân Trung Quốc. Họ sẵn sàng thay đổi chế độ. Và điều đầu tiên (trong chế độ hiện hành) mà công luận phê phán là tệ nạn tham nhũng.
Tác nhân kinh tế cũng bị điều tra
Không chỉ có các nhân vật chính tri là bị chiến dịch chống tham nhũng nhòm ngó. Các tác nhân kinh tế, đặc biệt là các ngân hàng, cũng đang trở thành mục tiêu tấn công của công cuộc bài trừ tham ô.
Mới đây, định chế kiểm toán trung ương tại Trung Quốc đã vạch trần sai sót tại Quỹ đầu tư nhà nước Trung Quốc China Investment Corporation và hai ngân hàng sau một đợt kiểm tra. Đây là là một phần trong cuộc chiến chống tham nhũng đang diễn ra. Tổng trị giá các giao dịch gian lận của ba định chế này được ước lượng lên đến 3,7 tỷ euro.
Đối với bà Mary-Françoise Renard, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc tại trung tâm CERDI : « Điều đó có nghĩa là các ngân hàng khác cần phải hoạt động trở lại theo khuôn khổ. Hiện đang có một tình trạng mập mờ rất nặng trong công việc quản lý tại các ngân hàng công. »
Theo nhà nghiên cứu Renard, thông điệp của chính quyền Trung Quốc đối với hệ thống ngân hàng rất rõ : « Nếu không chỉnh đốn lại, chính phủ sẽ can thiệp. Các ngân hàng do đó cần phải bắt đầu quản lý công việc một cách đúng đắn và hạn chế tình trạng tham nhũng. »
Một hệ quả bất ngờ của cuộc chiến chống tham nhũng rầm rộ tại Trung Quốc đã được Giáo sư Jean-François Di Meglio nêu bật. Đó là sự lan rộng của tâm lý hoài nghi. Ở cấp độ chính trị, công chúng Trung Quốc rốt cuộc có thể kết luận rằng toàn bộ Đảng Cộng sản đều tham nhũng.
( rfi.fr)

Bốn ngộ nhận về chiến dịch "đánh hổ, đập ruồi" ở Trung Quốc

(ĐSPL) - Một bài viết đăng trên The Diplomat ngày 6/8 cho rằng chớ nên ngộ nhận, đánh giá thấp quyết tâm và nỗ lực chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Bốn ngộ nhận về chiến dịch "đánh hổ, đập ruồi"  ở Trung Quốc - Ảnh 1

Chống tham nhũng chỉ là bước đầu tiên trong lộ trình cải cách của Tổng Bí  thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình

Tác giả bài viết Dingding Chen cho rằng hiện có nhiều ngộ nhận về chiến dịch chống tham nhũng ở Trung Quốc, ở cả trong và ngoài nước. Việc mổ xẻ những ngộ nhận này giúp người hiểu rõ hơn logic đằng sau những hành động gần đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đặc biệt về câu hỏi: Bao giờ thì cải cách thực sự mới xảy ra ở Trung Quốc?
Thứ nhất, nhiều người đang ngộ nhận rằng chiến dịch chống tham nhũng hiện nay ở Trung Quốc sẽ nhanh chóng kết thúc.
Sau khi chính quyền Bắc Kinh công bố cuộc điều tra chính thức đối với cựu Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang, một số nhà bình luận cho rằng cuộc chiến chống tham nhũng do Chủ tịch Tập Cận Bình phát động sẽ nhanh chóng chấm dứt hoặc ít nhất là trong tương lai không xa. Suy đoán này là sai lầm. Thực tế, chiến dịch chống tham nhũng ở Trung Quốc sẽ không và không được phép dừng lại vào thời điểm hiện nay. Một bài viết trên Diễn đàn Nhân dân chỉ ra rằng có thể có một đợt phản công của những “con hổ lớn” chống lại lực lượng chống tham nhũng. Điều này sẽ gây ra tình trạng bế tắc trên chính trường Trung Quốc. Nếu chiến dịch chống tham nhũng chấm dứt vòa thời điểm này, mọi thành tựu từ trước tới nay đều trở nên vô ích,  khi cả “ruồi” và “hổ” đều sẽ nhanh chóng hồi sinh. Thêm vào đó, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng khẳng định sẽ tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng, bất chấp điều đó có thể ảnh hưởng đến uy tín cá nhân của ông. 
Quan niệm sai lầm thứ hai là có một cuộc đấu đá quyền lực giữa các phe phái khác nhau trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Quan niệm này ngày càng ít phổ biển khi ngày càng nhiều người tin rằng Tập Cận Bình là một mẫu lãnh đạo khác so với các vị lãnh đạo tiền nhiệm. Ông Tập tự xác định mình là một trong những người kế thừa các bậc lão thành cách mạng (khai quốc công thần) và coi chiến dịch chống tham nhũng hiện nay là “một sứ mệnh và nhiệm vụ để khôi phục vai trò của Đảng vốn bị xói mòn bởi tệ quan liêu và tham nhũng tràn lan”. Nói cách khác, chiến dịch chống tham nhũng này là nhằm củng cố quyền lực của Đảng, giữa lúc không ít các “nhóm lợi ích”, ngấm ngầm hoặc công khai, đang chống đối chương trình cải cách của Chủ tịch Tập Cận Bình. Để có thể thúc đẩy cải cách, điều đầu tiên mà ông Tập cần làm là củng cố quyền lực. Ông đã cài nhiều đồng minh thân cận của mình vào các vị trí quan trọng, không phải vì mục đích cá nhân mà là vì thực thi bằng được công cuộc cải cách mà ông hằng theo đuổi.
Ngộ nhận thứ ba về cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay là cuộc chiến đó chỉ nhắm vào giới quan chức tham nhũng mà không tập trung vào cải cách cơ bản.
Đây cũng là một quan niệm sai lầm nghiêm trọng. Ở Trung Quốc, các biện pháp cải cách phải được thực hiện một cách cẩn trọng để chúng có thể diễn ra suôn sẻ và từ từ. Ngay từ khi mới lên nắm quyền, Tổng Bí thư ĐCS Trung Quốc Tập Cận Bình đã khá khôn ngoan khi nêu rõ chủ trương rằng Trung Quốc nên tránh “những sai lầm cơ bản và không thể đảo ngược”. Theo quan điểm của ĐCS Trung Quốc, lộ trình của công cuộc cải cách sẽ là: cuộc chiến chống tham nhũng, sau đó tới cải cách kinh tế, cải cách xã hội, cải cách chính quyền và cuối cùng mới đến cải cách chính trị. Và cải cách chính trị ở đây cũng không nhất thiết phải theo mô hình của phương Tây. Điều quan trọng là không sử dụng các tiêu chuẩn của phương Tây để đánh giá các cải cách chính trị ở Trung Quốc.
Thứ tư, mọi người thường nghĩ rằng cuộc chiến chống tham nhũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Đây cũng là một quan niệm sai lầm. Trong thời gian gần đây, các nhà phân tích nhận thấy rằng nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển chậm lại (đặc biệt là trong lĩnh vực nhà đất và kinh doanh nhà hàng), song hành với cuộc chiến chống tham nhũng. Tuy nhiên, đây không phải là mối quan hệ nhân-quả và về lâu về dài, cuộc chiến chống tham nhũng là thực sự có lợi cho tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.
Một nhà kinh tế Trung Quốc chỉ ra rằng cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay mang lại 3 lợi ích đối với tăng trưởng kinh tế. Thứ nhất, nó sẽ làm tăng phúc lợi xã hội. Thứ hai, nó có thể giúp cho nền kinh tế thị trường trưởng thành hơn và thứ ba nó sẽ giúp cho trung quốc tránh được cái “bẫy thu nhập trung bình” mà nhiều quốc gia đang phát triển khác gặp phải.
 
MINH ĐỨC
(doisongphapluat.com/)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét