Thứ Tư, 6 tháng 8, 2014

DƯ LUẬN XÃ HỘI 20 (12/13 quán quân Olympia không về nước)

-Chính "các ngài" buông thả một nền giáo dục theo "chỉ tiêu số lượng", "tôn thờ bằng cấp", "kiếm tiền là chính", mà bản thân "các ngài" còn chê, nỗ lực "xoay tiền" cho con em mình du học bằng được, tạo ra một tâm lý xã hội hãnh tiến "vì thân quên nước" thì còn nói đến ai!?
-Đã thông minh thì "đèn sách" ở đâu cũng thành tài. Thử đếm xem trong lịch sử nước nhà, bao nhiêu "mống" trở thành tuấn kiệt, anh hùng dân tộc nhờ được đào tạo chính qui ở ngoại quốc?
-Mưu sinh trong môi trường cạnh tranh tự do, "khôn sống mống chết" hiện nay, ai cũng phải chọn con đường sống tối ưu cho mình đồng thời để giúp trước hết cho gia đình mình. Đó là chuyện có gì phải ầm ĩ!?
-Quán quân của một cuộc chơi "vẹt là chính" để lên cái đỉnh không có thật thì có gì phải tiếc? Nhân tài và hiền tài của đất nước xuất hiện trong thực tiễn đời sống chứ không phải trong những cuộc thi "trèo cột mỡ" lãnh tiền của nhà tài trợ mà những kẻ tổ chức và dẫn chương trình cũng chỉ với mục đích vị tiền!
-"Các ngài" đã "yêu nước" đến đâu mà đòi lương cao bổng hậu mới đủ điều kiện giúp nước, mà chê người khác không "yêu nước"? Hay phải như "mấy thầy" giáo sư, tiến sĩ "vô công rồi nghề", cố giúp nước mà không ai cần giúp nên moi móc trách hờn "loạn xị xà bì" mới là yêu nước chăng?
-Lo kiếm sống cho bản thân để khỏi phiền lụy đến ai đã là một hành động tốt rồi. "Cun cút làm ăn, toan lo nghèo khó" và khi cần kíp thì dám từ bỏ tất cả công danh để một lòng sẵn sàng "xả thân vì nước", đó là người yêu nước chân chính!

--------------------------------------------

(ĐC sưu tầm trên NET)

12/13 quán quân Olympia không về nước: Những nguyên nhân chua xót

Họ sợ sống mòn với nếp sống sáng cắp cặp đi, tối cắp về... Họ e ngại tất cả những mơ ước, hoài bão đều dần bị thui chột nếu về nước.
Nhà báo Nguyễn Như Mai, người đã có 14 năm làm cố vấn hiểu biết chung cho chương trình Đường lên đỉnh Olympia
Để giải đáp thắc mắc độc giả về việc trong số 13 quán quân Olympia hiện chỉ có duy nhất 1 người lựa chọn quay trở về Việt Nam, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với nhà báo Nguyễn Như Mai về vấn đề này.
Là cố vấn lâu năm của chương trình "Đường lên đỉnh Olympia", ông có thể cho biết quan điểm của mình trước thực trạng là có đến 12/13 quán quân Olympia ở các năm quyết định làm việc hoặc mong muốn ở lại làm việc tại nước ngoài sau thời gian du học?
Sau kì chung kết "Đường lên đỉnh Olympia" lần thứ 14, có những nguồn thông tin cho biết 12/ 13 nhà vô địch đã quyết định ở lại. Số liệu ấy không rõ có chính xác hay không chưa kiểm định, vì ít nhất phải học xong đại học mới có thể có điều kiện xin ở lại định cư tại Úc hay không.
Nhưng theo tôi, thực ra không chỉ những “nhà leo núi Olympia” mới như vậy, nhiều bạn khác có tài năng sau khi đi du học cũng thế thôi. Tôi là cố vấn "môn" Hiểu biết chung của chương trình này trong suốt 14 năm. Cũng có dịp gặp gỡ, quen biết nhiều người được cử đi học thạc sĩ, tiến sĩ nên cũng rất quan tâm đến vấn đề này. Và tôi biết chắc một điều rằng hầu hết họ đều muốn ở lại nếu thực hiện được.
Được biết, tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có bạn Lương Phương Thảo-quán quân mùa thứ 3, là nhà vô địch duy nhất của chương trình đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Vậy số còn lại, họ có chia sẻ với ông nguyên nhân vì sao sau thời gian du học, đều muốn ở lại nước ngoài, cụ thể ở đây là Úc?
Theo họ, có mấy lý do sau: Ở Úc hay bất cứ nước tiên tiến nào (như Canada, Thụy Điển, Na Uy hay Mỹ) đều có một cuộc sống ổn định, đầy đủ hơn. Đấy là điều mong ước của tất cả mọi người lao động. Không nói những người có học thức mà thậm chí những người đi làm công, có tay nghề cũng đều xin ở lại nếu đủ tiêu chuẩn.
Nhưng đối với những người có tri thức, được đào tạo bài bản ở nước ngoài, thì họ  muốn ở lại không chỉ vì đời sống vật chất. Họ còn có một thực tế phải đối măt khi về nước, đó là phải chạy chọt xin việc, phải va đập vào những thủ tục phức tạp, phải lo lót "đầu tiên"- tiền đâu. Mà nhiều khi vẫn thất nghiệp.
Xin được việc làm rồi, họ lại không thể phát huy được sở học. Bởi làm giảng dạy, làm khoa học thì thiếu thiết bị, thiếu môi trường khoa học, lại bị chèn ép, kèn cựa, “cá mè một lứa”...
Làm trong cơ quan thì bị các thủ trưởng thiếu tri thức sử dụng vào những việc chẳng cần đến những điều đã học. Rồi sống mòn với nếp sống sáng cắp cặp đi, tối cắp về... Họ e ngại tất cả những mơ ước, hoài bão đều dần bị thui chột.
Đấy là chưa kể về nước, lương lậu có thể không tương xứng với cống hiến, thậm chí không nuôi được mình và gia đình....
Ngoài ra, họ còn chịu những áp lực nào khác về tư tưởng nữa không, thưa ông?
Thêm một điều nữa, chỉ những người đã học ở nước ngoài mới dám nói: Ở nước ngoài họ được sống thực với mình, dám nói điều mình nghĩ. Trong khi về nước, lại phải giấu giếm ý nghĩ của mình, hoặc phải lựa chiều nói dối, không thực lòng. Đâm ra họ sợ.
Vậy thử hỏi, nếu bạn là người như họ, là người trong cuộc, thì bạn quyết định như thế nào? Xin đừng nên trách họ là được hưởng ưu ái nọ kia mà không yêu nước, là chỉ muốn hưởng thụ...
Xin nói là, họ biết rất rõ, muốn sống ở nước ngoài cũng không dễ đâu, phải lao động thực sự, phải có tài, chứ không thể dựa vào chạy chọt, dựa dẫm được đâu. Chỉ trừ những con nhà đại gia, con quan tham có tiền để ra nước ngoài sống cuộc sống hưởng thụ do tiền của dư thừa mà thôi.
Có thể kể đến một số gương mặt như: Phan Mạnh Tân- quán quân năm thứ 3 hiện đã đi làm ở công ty IBM, Melbourne, Australia. Hay Huỳnh Anh Vũ-quán quân năm thứ 8 là một trong hai sinh viên hiếm hoi được giữ lại trường trở thành giảng viên ngành kinh tế tại ĐH Swinburne,… Vậy theo ông, thực trạng này có phải đang báo hiệu việc"chảy máu chất xám" của nước ta hiện nay và thời gian tới?
Nói là "chảy máu chất xám" thì to tát quá, nhưng đó thực sự là một xu thế. Các nhà leo núi Olympia là những học sinh giỏi, nhưng cũng chưa phải là những tài năng ghê gớm. Tuy nhiên họ có tiềm năng trở thành người tài. Nước Úc không vô cớ mà cấp học bổng, ưu ái cho họ đến học đâu. Họ sẽ hưởng lợi, hớt tay trên của ta khi những học sinh, sinh viên đó ở lại làm việc cho họ.
Tìm thông tin trên mạng, ta thấy rất nhiều người Việt đã thành danh ở nước ngoài trong rất nhiều lĩnh vực từ khoa học, công nghệ đến kinh doanh. Chứng tỏ nguồn gen của Việt Nam khá chất lượng, rất đáng tự hào đấy chứ.
Mà trên quy mô toàn cầu thì chuyện chảy máu chất xám cũng không có gì lạ. Như nước Mỹ chiếm hầu hết giải Nobel, nhưng trong số đó rất nhiều người vốn từ các nước khác đến nhập cư.
Với tình trạng trì trệ của đất nước ta như hiện nay, chuyện còn có rất nhiều người được cử đi học hay tự đi du học sẽ ở lại nước ngoài là điều khó mà cưỡng lại.
Nếu như thế, thì một số ý kiến cho rằng họ thiếu trách nhiệm với đất nước, liệu có hơi quá với họ, thưa ông?
Rõ ràng không thể trách cứ các bạn thủ khoa Olympia hay những sinh viên ra nước ngoài học mà không trở về. Đừng áp đặt cho là họ không yêu nước, không thực hiện trách nhiệm với đất nước.
Chưa nói đến các bạn đi du học, ngay cả các học sinh sinh viên tỉnh lẻ, hay miền núi sau khi tốt nghiệp tại sao lại không về "phục vụ quê hương" mà tìm mọi các trụ lại ở "đất thánh" thủ đô hay TP Hồ Chí Minh? Trong khi đó, phải vận động trí thức lên xây dựng miền núi, vùng sâu vùng xa.
Vấn đề là chúng ta phải tự hỏi tại sao lại để xảy ra cớ sự như vậy. Bấy lâu nay nước ta cứ đưa ra những chủ trương chính sách như thu hút nhân tài. Thậm chí còn dùng những câu to tát như "trải thảm đỏ" đón nhân tài, nhưng thực ra đó mới chỉ là những khẩu hiệu, chứ chưa có tính thực tế.
Bây giờ không thể chỉ dùng những lời kêu gọi chung chung như thế mà có thể giữ chân người tài được. Còn làm như thế nào, đó là trách nhiệm của những nhà lãnh đạo, nhà quản lý đất nước phải có tầm nhìn cao hơn.
Xin cảm ơn ông rất nhiều!
Thanh Hùng (thực hiện)
http://infonet.vn

“Đỉnh Olympia” ở đâu mà…lên (?!)
11:05, 04/06/2009

Dãy núi Olympus nhìn từ hướng Nam
 
Cuối cùng, cuộc thi kiến thức mang tên “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 9 đã tìm được nhà vô địch là Hồ Ngọc Hân (Trường PTTH Quốc học Huế) với số điểm 245 trong cuộc thi chung kết năm vào ngày 17/5/2009.
Có thể khẳng định rằng, “Đường lên đỉnh Olympia” là cuộc thi kiến thức rất hay và bổ ích cho các học sinh PTTH. Hơn thế nữa, những học sinh chiến thắng trong cuộc thi năm còn có cơ hội lớn cho tương lai với học bổng du học trị giá 35.000USD. Tuy nhiên, cái mà cho đến giờ dư luận vẫn băn khoăn chính là câu hỏi “Liệu có “đỉnh Olympia” như tên của chương trình hay không?”.
Theo học giả An Chi trả lời câu hỏi của độc giả liên quan đến chuyện "Đỉnh Olympia" trên chuyên mục "Chuyện Đông - Chuyện Tây" của Tạp chí Kiến thức ngày nay và sau được in trong tập 4 của bộ sách "Chuyện Đông - Chuyện Tây" (NXB Trẻ 2006) thì Olympia không phải là tên núi, chỉ có núi Olympus (còn gọi là Olympe) thuộc Hy Lạp - có nghĩa là Chư thần.
Trên thực tế, ở Hy Lạp có hai địa danh khi phát âm sang tiếng Anh rất dễ nhầm lẫn là Olympus và Olympia. Olympus là địa danh một dãy núi có đỉnh cao nhất Hy Lạp với độ cao 2.917m so với mực nước biển, nằm giữa hai miền Macedonia và Thessaly thuộc phía bắc Hy Lạp. Theo học giả An Chi, thì Olympus không chỉ là tên của "dãy núi có đỉnh cao nhất Hy Lạp nằm ở phía bắc" - là dãy núi nổi tiếng nhất, mà đó còn là tên của nhiều dãy núi khác, như: Olympus ở Bithunia, Olympus ở Galatia, Olympus ở Ionia...
Ngoài ra, còn có một thành thị ở vùng Lukia (Hy Lạp) cũng mang tên Olympus. Tuy nhiên, chỉ có dãy núi Olympus nằm giữa hai miền Macedonia và Thessaly là nổi tiếng nhất bởi tương truyền đây là nơi ở của thần Zeus thường gọi là thần Dớt. Nhân vật thần thoại mà trong thần thoại Hy Lạp cổ vẫn thường nhắc đến với lời lẽ rất khiêm cung.
Olympia, theo suy nghĩ của nhiều người bị ám ảnh do sự thông dụng của cụm từ mà Ban tổ chức cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” mang lại với ý nghĩa là "đỉnh núi vinh quang" thực chất hoàn toàn không chính xác. Bởi, Olympia là tên của một đồng bằng ở vùng Elis cổ, phía tây Peloponnesus, nơi diễn ra những kỳ thi Olympic cổ đại.
Đại hội thể thao này được tổ chức 4 năm một lần, có niên đại trước năm 776 TCN. Năm 394, Hoàng đế Theodosius I (hoặc có thể là cháu trai của ông là Theodosius II vào năm 435 đã bãi bỏ đại hội thể thao này vì theo ý ông chúng làm gợi lại tà giáo. Olympia cũng nổi danh với tượng thần Dớt khổng lồ làm bằng ngà voi và vàng được chạm khắc bởi các nhà điêu khắc trứ danh. Tượng thần Dớt tại đây chính là 1 trong 7 kỳ quan thế giới cổ đại.
Như vậy, rõ ràng cách gọi "Đường lên đỉnh Olympia" theo Ban tổ chức cuộc thi là không ổn. Nếu như Ban tổ chức cuộc thi cho rằng cuộc thi lên "đỉnh Olympia" là biểu hiện tinh thần thể thao theo tiêu chí của Olympia thì không thể sử dụng từ "đỉnh" và "lên". Vì theo Đại từ điển Tiếng Việt do Giáo sư Nguyễn Như Ý chủ biên thì "đỉnh" là danh từ, với nghĩa chỉ phần cao nhất của vật thẳng đứng hoặc là điểm cao giữa hai cạnh của một góc.
Cũng trong đại từ điển này, từ "lên" là động từ, với nghĩa di chuyển lên vị trí cao hơn hay được coi là cao hơn. Có thể thấy, tên gọi của cụm từ "Đường lên đỉnh Olympia" là hoàn toàn không khớp về mặt ý nghĩa. Còn nếu hiểu như cách hiện nay là "đỉnh núi Olympia", thì lại hoàn toàn sai hơn nữa. Đơn giản, thực tế là chỉ có đỉnh Olympus (hoặc Olympe) chứ làm gì có "đỉnh Olympia".
Một cuộc khi kiến thức, do một Đài Truyền hình uy tín nhất của Việt Nam tổ chức nhưng ngay tên gọi chủ đề đã lâm vào tình cảnh tuy "danh chính" nhưng "ngôn không thuận". Tuy nhiên, rất tiếc là cho đến giờ, khi mà "Đường lên đỉnh Olympia" đã trải qua gần 10 năm phát sóng, nhưng Ban tổ chức cuộc thi vẫn "quyết tâm" không cải chính việc sai lệch này.
Chúng tôi e rằng, một cuộc thi kiến thức dành cho người trẻ nhưng ngay chủ đề đã hỏng kiến thức thì rất khó có thể thuyết phục được dư luận. Ngẫm lại, việc này đâu có gì quá khó khăn đối với nhà tổ chức, chỉ cần sửa lại chủ đề cuộc thi là "Đường đến Olympia" hoặc "Đường lên đỉnh Olympus" sẽ đúng nghĩa hoàn toàn. Rất tiếc, có lẽ "uy tín" của "Đường lên đỉnh Olympia" theo đánh giá của các nhà tổ chức cao đến độ dẫu có sai nhưng vẫn dám sửa (!).
Việc không chịu sửa, có thể vì nhà tài trợ là Tập đoàn điện tử LG và Ban tổ chức cuộc thi mắc bệnh "sĩ", bởi nếu nhận sai thì hóa ra tự nhận mình là "hơi kém kiến thức về lịch sử, địa lý". Cho dù báo chí đã nhiều lần lên tiếng về cái "đỉnh Olympia" này nhưng mọi chuyện "vẫn y nguyên".
Nhân chuyện "Đường nào lên được "đỉnh Olympia" cũng xin nhắc lại những bất cập trong việc sử dụng ngôn từ của chúng ta hiện nay. Điều này, xảy ra nhan nhản ngoài phố trên các tấm panô quảng cáo, biển hiệu... ở bất kỳ địa phương nào. Đành rằng đã không để ý thì thôi, chứ đã để ý thì cái cảm giác bức bối khó chịu là không thể nào tránh khỏi.
Trên trang blog của nhà báo Nông Huyền Sơn, chúng tôi thấy có nhiều ảnh chụp những biển hiệu quảng cáo lẫn các khẩu hiệu của nhiều UBND tỉnh sai đến mức "Xin lỗi, chịu không nổi", như: ápphích kêu gọi mọi người dân cùng tham gia chấp hành Luật Giao thông lấy hai câu ca dao làm ý chí bị viết sai chính tả thành: "Ai ơi! Nhớ lấy câu này - Sông sâu chớ nội (đúng ra là "lội" - PV) đò đầy chớ qua".
Hoặc, một bản thông báo được dán trong cuộc thi Liên hoan Âm nhạc HSSV 2008 vì sai cách ngắt câu đã biến thành một bản thông báo ngớ ngẩn, nguyên văn của văn bản này là "Phòng thu âm hộ Học sinh sinh viên cho cuộc thi Liên hoan âm nhạc HSSV 2008" nhưng đã bị rớt câu thành "Phòng thu âm hộ/ Học sinh sinh viên...".
Ngoài ra, cái cách viết tắt trên các biển hiệu cũng rất "độc đáo", như "Chó Bắc đặc sản" của một quầy bán thịt chó hoặc "Karaoke - Nắng Sài Gòn , Âm Thanh... Tuyệt Vọng". Theo diễn giải của chủ quán, thì âm thanh tuyệt vọng nghĩa là âm thanh vọng rất tuyệt vời, nhưng viết tắt kiểu này thì đúng là... “tuyệt vọng” thật.
Dĩ nhiên, với những kiểu từ ngữ được coi như là "phát hiện" thì khó có thể mà... cãi nhau với người "phát hiện" được. Ngay cả Đài Truyền hình Việt Nam và nhà tài trợ là đại gia LG còn sai thì kể gì chuyện sai của... người dân.
Chỉ có điều, đọc những cái biển hiệu hay ápphích ấy hoặc biết cái "ngôn không thuận" nhưng người ta cứ "mặc kệ nó" thì bỗng nhiên "Thương cho tiếng Việt" quá (!)

  Ngô Nguyệt Hữu
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét