Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2014

BUỒN ƠI, VỀ ĐÂY VỚI CÔ HỒN! 33 (Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý)

(ĐC sưu tầm trên NET)


Những bóng hồng trong cuộc đời nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý

Yêu rồi đau khổ, mất mát cũng nhiều. Giờ đây ông chỉ còn lại một mình trong căn nhà vắng vẻ khi người vợ thứ hai đã qua đời.

Tôi đến thăm nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý vào một buổi sáng. Ngôi nhà nhỏ khép mình nằm trong con hẻm yên tĩnh trên đường Trần Khắc Chân, Q. 1, TP.HCM. Ông ngồi trong nhà trông ra, chờ tôi như bao lần khác ông ngồi chờ khách đã có hẹn trước. Nhạc sĩ của những bài ca đi cùng năm tháng, giờ đây đã là ông lão hơn 90 tuổi, đi lại khó khăn sau hai lần bị tai biến. Mỗi ngày còn lại của tuổi già, ông sống với nỗi hoài niệm những chặng đời đã qua của cuộc đời mình. Ở đó có niềm vui, hạnh phúc và có cả những giọt nước mắt buồn thương. Như những dư âm còn lại của cuộc tình hoa mộng đã trôi xa.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý.
Nhạc sĩ "chuyên trị về phụ nữ"
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý chia sẻ rằng, với ông, phụ nữ bao giờ cũng là những người đẹp. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sáng tác rất nhiều ca khúc về phụ nữ. Điển hình như: Tiễn anh lên đường (1964), Bài ca năm tấn (1967), Cô nuôi dạy trẻ (1980), Bài ca phụ nữ Việt Nam (1970), Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa (1973), Dáng đứng Bến Tre (1981), v.v. Ông được đồng nghiệp phong cho danh hiệu Nhạc sĩ "chuyên trị phụ nữ".
Trong đó, ca khúc Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa là ca khúc khiến nhạc sĩ nhớ mãi. Đó là quãng thời gian Mỹ quay trở lại đánh phá Hà Nội bằng bom B52. Khi nhạc sĩ tới Hà Bắc, một trong những chiến lũy thép của miền Bắc, nhạc sĩ gặp một bà mẹ đang ngồi vá áo cho bộ đội. Nhìn bà từ phía sau, nhạc sĩ như nhìn thấy hình bóng của mẹ mình thấp thoáng đâu đây. Trong cơn xúc động, nhạc sĩ đã viết nên ca khúc chứa chan nghĩa tình ấy.
Còn như ca khúc Gương mặt Kiên Giang lại là mối tình của nhạc sĩ với một người con gái Kiên Giang. Một cô gái bằng xương bằng thịt. Nhưng bước vào ca khúc này, cô gái hóa thành biểu tượng cho vùng đất Kiên Giang, xinh đẹp và tràn đầy sức sống. Dáng đứng Bến Tre là ca khúc có bóng hình bà Nguyễn Thị Định, người phụ nữ anh hùng mà nhạc sĩ rất cảm phục và yêu mến.
Về người mẹ thân yêu của mình, ông cũng có một ca khúc nói giùm cõi lòng sâu kín của bà. Khi ông nghe bà kể lại về mối tình dang dở đã qua của mình. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý ví những cuộc tình dang dở giống như một dòng sông, bên lở thì lở mãi. Đó là những mất mát, đau thương trong lòng mỗi người. Ca khúc ấy đã xoa dịu nỗi niềm chất chứa bấy lâu trong bà, khi người con trai của bà đã thấu hiểu được và nói lên giùm bà bằng những lời ca. Với ông, người mẹ Việt Nam luôn sống bằng tình yêu, tình thương nhiều hơn là bằng lý trí. Chính điều này khiến nhạc sĩ vô cùng yêu mến và trân trọng tấm lòng của những người phụ nữ, những bà mẹ Việt Nam.
Những bóng hồng đi qua cuộc đời
Mối tình đầu tiên, nhiều lãng mạn nhưng cũng đầy trái ngang của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Đó là vào năm 1949, nhạc sĩ có quen biết một cô gái con nhà giàu có ở Nghệ An, quê của ông. Nhưng trớ trêu thay, khi tới nhà, người khiến trái tim của chàng nghệ sĩ tan chảy lại không phải cô gái đó mà là cô em, mới 16 tuổi, với đôi mắt to tròn như nước mùa thu. Một hôm đến chơi nhà, ông đang say sưa nói chuyện với cô chị thì cô em lén đến sau lưng chị, tì cằm vào thành ghế chị ngồi, nghiêng đầu nhìn nhạc sĩ bằng đôi mắt đen láy. Một đôi mắt biết nói. Trong giây phút ấy, trái tim tuổi trẻ nhạy cảm của một nghệ sĩ như ông đọc thấy trong đôi mắt đó đã gửi gắm tất cả những gì say đắm, sâu kín nhất...

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý và vợ, bà Nguyễn Thị Bạch Lê.
Nhưng đó chỉ là mối tình thầm lặng của nhạc sĩ. Sau đó ông bị gia đình này "cấm vận", không cho gặp mặt cô em. Có lần nhớ quá, ông đánh liều tìm tới nhà, nhưng gia đình cô chỉ cho người tiếp ông ở góc sân. Day dứt khôn nguôi, nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý viết bài Dư âm - ca khúc nằm lòng của bao thế hệ người Việt Nam yêu tình ca.
Người phụ nữ mà cho đến giờ nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý vẫn thấy thương mến khi nhớ đến người đẹp của tỉnh Nghệ An một thời, tên là Báu. Ngày đó, đang học ghi ta nên hàng đêm nhạc sĩ thường mang ghi ta ra tập đánh. Tiếng đàn khiến cô gái nhà bên mê đắm. Đêm nào cũng ghé sang nhà ông chơi với cô em gái của ông để nghe đàn. Sau này mẹ cô biết chuyện đã cấm cô không được sang nhà ông nữa. Hai tuần sau, có lần ông thấy cô đi ngang nhà ông, với làn da xanh xao của người mới ốm dậy. Lòng ông trào dâng một niềm thương cảm. Nhưng mọi chuyện chỉ dừng lại ở đó. Một thời gian sau cô đi lấy chồng.
Sau này, ông có dịp tới thăm vợ chồng cô. Cô Báu có ý muốn mai mối cho nhạc sĩ một cô gái ở gần nhà làm nghề dệt vải. Ông ví cô giống như một búp măng mọc lên giữa bụi tre già. Vài lần đến nhà trò chuyện, cô gái ấy chẳng nói lời nào, chỉ ngồi dệt vải, thỉnh thoảng quay sang tủm tỉm cười. Hồi đó, nhạc sĩ đã không biết rằng khi cô gái cười cũng có nghĩa là cô ấy đã đồng ý. Ông lại nghĩ rằng cô ấy không ưa mình nên không nói lời nào. Vậy là ông trở ra Hà Nội, không một lời từ biệt, cũng không lần nào quay trở lại tìm cô nữa.
Nhưng gần 20 năm sau, trong một hội nghị, bỗng có một người đàn ông đến gặp ông và hỏi ông có phải nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý không. Rồi người đàn ông ấy nói giọng trách móc: "Anh có một tội rất lớn. Tội đã làm o (cô) của em chờ đợi hết thời con gái. Mười tám, mười chín năm trời ai hỏi cũng bảo có chồng rồi mà lại không nói người đó là ai".
Người con gái ấy chính là cô gái dệt vải nói gì cũng chỉ mỉm cười ngày nào. Buồn thương cho người, cho mình, ông viết nên ca khúc Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh. Trong đó có đoạn: "Ai hôm nay ra khơi buông lưới/ Mà nhìn chi mãi con tàu vào bờ/ Nhìn bến cảng lại nhớ ngày xưa/ Thương con đò cắm con sào đứng đợi". Rồi giọng ông chua xót: "Mười tám, mười chín năm trời để đổi lấy một chữ thương thôi. Một chữ thương vô nghĩa cho một mối tình không hò không hẹn. Giá như ngày đó cô ấy nói một lời, hoặc giá như bác kiên nhẫn hơn một chút, thì có lẽ cô ấy đã trở thành vợ của bác rồi". Nhắc lại những mối tình vô vọng của tuổi trẻ, ánh mắt mờ đục của ông buồn xa xăm.
Duyên tình nên nghĩa vợ chồng Hai người phụ nữ chính thức đi cùng ông trên một con đường là hai người vợ quá cố của ông. Năm 1953, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý yêu rồi lập gia đình với một cô gái rất đẹp. Bà sống với ông một năm, sinh hạ một con gái thì qua đời. Bảy năm sau, ông kết hôn với bà Bạch Lê, là vợ thứ hai - em gái nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, cũng có với ông một người con gái. Bà mất năm 2004. Bà là nguồn cảm hứng cho sự ra đời tác phẩm Mẹ yêu con của ông. Nhạc sĩ viết nên bài hát này khi bà Bạch Lê phải nằm ở một cái bè trên sông để tránh bom đạn của giặc lúc đang mang thai cô con gái.
Yêu rồi đau khổ, mất mát cũng nhiều. Giờ đây ông chỉ còn lại một mình trong căn nhà vắng vẻ khi người vợ thứ hai đã qua đời. Trong lúc trò chuyện, nhắc đến những chuyện buồn ông vẫn không kìm được lòng xúc động. Nhưng có lẽ cũng chính đó là nguồn cảm hứng để ông viết nên những ca khúc ở lại cùng thời gian.
Lam Hương

 

Tuổi già khốn khó của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý

Ở tuổi 89, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý - tác giả của ca khúc nổi tiếng "Dư âm" sống nghèo túng, bệnh tật và cô đơn trong căn nhà nhỏ giữa lòng Sài Gòn.
Nhạc sĩ già nâng niu từng đồng tiền được những người hảo tâm kính biếu. Ông có một chiếc túi vải khâu ở cạp quần, bên trong có chiếc ví nhỏ, đựng tiền và giấy tờ tùy thân. Ảnh: Châu Mỹ. Nhạc sĩ già nâng niu từng đồng tiền được những người hảo tâm kính biếu. Ông có một chiếc túi vải khâu ở cạp quần, bên trong có chiếc ví nhỏ, đựng tiền và giấy tờ tùy thân. Ảnh: Châu Mỹ.
Là một trong năm nhạc sĩ đầu tiên, cùng Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao, thành lập nên Hội nhạc sĩ Việt Nam, tác giả Nguyễn Văn Tý nổi tiếng với những sáng tác như Dư âm, Mẹ yêu con, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Dáng đứng Bến Tre... Có sự nghiệp thành công, nhưng ở tuổi xế chiều, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý rơi vào cảnh ốm đau, bệnh tật. Ông hay tủi thân và thường than thở về sự thiếu quan tâm của những người xung quanh.
Trong căn phòng chưa đầy 10m2, bề bộn đồ đạc phủ bụi, người nhạc sĩ già nằm lẻ loi trên giường. Dù đôi mắt, gương mặt vẫn còn vẻ tinh anh, ông gần như liệt giường từ cách đây một tháng, sau lần thứ ba bị tai biến. Mọi hoạt động của ông, ngoài chuyện vệ sinh cá nhân, đều phải nhờ sự hỗ trợ từ người giúp việc đã ngoài 50 tuổi. Phương tiện duy nhất để giao tiếp với thế giới bên ngoài của nhạc sĩ là chiếc TV và chiếc loa có cắm USB để nghe nhạc. Từ khi nằm liệt giường, chiếc loa nằm lăn lóc ở một góc bàn, ông chỉ có thể sử dụng điều khiển từ xa để xem TV.
Gần 90 tuổi, những gì còn lại với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là bằng khen, những tấm ảnh chân dung và một số nhạc cụ treo trên tường. Ông rơi nước mắt nhiều lần khi nói về hoàn cảnh hiện tại: "Tôi biết ơn nhà nước, chỗ trung tâm tác quyền của nhạc sĩ Phó Đức Phương. Tôi rất biết ơn những người giúp đỡ tôi, cho tôi tiền. Tôi sống thiếu thốn lắm. Hàng ngày thèm bát phở, bát bún mà không có".
Ngoài lương hưu và tiền tác quyền, nhạc sĩ nhận được ít nhiều sự giúp đỡ từ lòng hảo tâm của các tổ chức, cá nhân. Ông cho biết, nhạc sĩ Trần Đình Thảo, vợ chồng ca sĩ Khắc Triệu - Cẩm Vân, một số Việt kiều mến mộ thi thoảng đến thăm và cho ông tiền. "Tác quyền khoảng ba tháng tôi được lĩnh một lần, chừng 3-4 triệu đồng gì đó. Nhạc sĩ Trần Đình Thảo cho tôi mỗi tháng một triệu, cứ sáu tháng gửi một lần. Những người khác thì cho ít hơn, cũng đủ cho tôi ăn được mấy hôm, chỉ tiền thuốc thang là tốn kém".
  • Bức tường phòng khách ẩm mốc, treo bằng khen và hình ảnh thời trẻ của nhạc sĩ. Ảnh: Châu Mỹ. 
Không giấu nổi cảm xúc, ông lại khóc: "Những người ngày xưa tôi dạy dỗ kỹ lưỡng, dắt tay lên đài danh vọng, nay chẳng hề đến thăm khi tôi ốm đau nằm một chỗ". Nhạc sĩ kể, khi còn khỏe, ông cũng chịu khó chống gậy đi thăm hỏi hàng xóm và họ cũng hay sang thăm lại ông những ngày lễ, ngày tết. Nhưng đến khi ông ốm đau, tình hàng xóm cũng thưa dần. "Chắc họ nghĩ tôi dân văn nghệ, không hợp với họ”, ông run giọng. Hai người vợ của nhạc sĩ đều đã rời bỏ ông, về cõi vĩnh hằng. Kể từ đó, ông sống một mình trong căn nhà cũ đã xuống cấp, nằm sâu trong một con hẻm nhỏ trên đường Trần Khắc Chân, quận một. Nhạc sĩ có hai cô con gái. Người con với vợ trước sống tại Hà Nội, không có nhiều điều kiện thăm ông thường xuyên. Cô con gái thứ hai là nghệ sĩ piano Thái Linh, hiện sống riêng tại TP HCM.
Lý giải về tình cảnh hiện tại của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, nghệ sĩ Thái Linh cho biết, bố mình già cả rồi nên có dấu hiệu lẩn thẩn. "Sáng nào chồng tôi cũng tới đưa cụ ngồi xe lăn đi dạo. Tôi cũng gọi điện thường xuyên cho cô làm vật lý trị liệu để kiểm tra tình hình. Tiền thì ông không đến nỗi quá túng thiếu như thế, nhưng với số tiền ấy, ông phải chi tiêu cho nhiều người gồm hai mẹ con cô giúp việc, nên cứ thiếu trước, hụt sau".
Chị Linh kể, bố chị cũng khó tính. Gia đình chị từng đón bố về nhà mình để tiện chăm sóc, nhưng khỏe rồi ông lại đòi về. Ông bảo với con gái rằng, nhà chật chội, ngột ngạt và khó thở. "Ông đã quen sống với người giúp việc hơn hai chục năm nay rồi. Những người mà ông bảo không đến thăm ông, thật ra họ có đến, nhưng không thể thường xuyên, liên tục. Vì không ai cầm lòng được trước những than thở của ông", chị nói.
Giữa những tủi hờn khi nói về sự cực khổ của cuộc sống hiện tại, khi nhắc đến những kỷ niệm quá khứ, Nguyễn Văn Tý tỏ ra hứng khởi. Ông say sưa kể về mối tình với một cô gái 16 tuổi, người đã tạo nguồn cảm hứng cho bài hát Dư âm. “Khi đó tôi chơi với cô chị. Cô em mới 16 tuổi, một hôm ghé cằm lên vai chị, đưa đôi mắt ngây thơ nhìn thẳng vào tôi. Cho đến giờ tôi vẫn nhớ như in đôi mắt ấy. Tôi ngày đó nhát lắm, không dám bày tỏ tình cảm. Sau này cô ấy lấy một anh bộ đội, chuyển ra thủ đô. Một lần đi công tác, tôi tình cờ gặp lại nhưng tìm cách lánh mặt. Sự tiếc nuối vì không đến được với nhau khiến tôi viết lên bài Dư âm. Tôi thương cô ấy lắm, nhưng giờ cô ấy chết rồi!”.
Nói về hai người vợ đã đi qua cuộc đời mình, nhạc sĩ cho biết ông nặng tình với cả hai. Người vợ sau là em gái nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, được ông ưu ái dành tặng bài hát Mẹ yêu con. “Khi lấy tôi, bà ấy đã có một đời chồng và bốn người con riêng. Tôi không quan trọng hay câu nệ gì cả, tôi chỉ yêu cái đẹp thôi. Bà vợ thứ hai của tôi đẹp lắm!” - ông nói rồi chỉ tay lên bức ảnh cưới được ông lồng khung và để ở vị trí dễ thấy nhất trên tường.
Sau những câu chuyện tình, nhạc sĩ còn hào hứng nhắc lại những tháng ngày hoạt động trong đoàn văn công 304. Ông tỏ vẻ tiếc nuối khi mọi thứ chỉ còn là kỷ niệm.
Cuộc trò chuyện bị ngắt quãng vì giờ cơm chiều. Trước khi ăn, ông được người cháu đút cho một thìa mật ong. Nhạc sĩ nằm nghiêng, với tay lấy ca nước để sẵn trên đầu giường, uống một ngụm rồi chờ được đút cơm. Bát cơm có thịt lợn và rau xúp lơ ninh nhừ. Ông ăn nhanh và tỏ ra ngon miệng. Cô Thương, người chăm sóc nhạc sĩ, chia sẻ: “Cho ông ăn như cho trẻ con ăn vậy. Thức ăn phải ninh nhừ, cơm phải trộn đều với canh. Ông nhõng nhẽo lắm, bữa nào cũng hỏi hôm nay thức ăn có gì”.
Chị Hoa, người làm vật lý trị liệu cho nhạc sĩ được gần một tháng cho hay: “Ông cụ tội nghiệp lắm, cô đơn lắm nên khóc hoài. Tôi biết ông là nhạc sĩ nổi tiếng, bài hát Dáng đứng Bến Tre của ông khiến chúng tôi nhớ mãi. Sự nghiệp lừng lẫy như vậy mà cuối đời thảm não quá”.
Niềm an ủi còn lại với người nhạc sĩ già là Hội nghệ sĩ vẫn không lãng quên ông. Bức tranh lớn treo trên tường do nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á tặng, như một biên niên ký nhỏ về chặng đường hoạt động âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Kể từ khi nằm liệt giường, những lúc cô đơn, ông chỉ biết ngắm tranh và sống với hoài niệm tuổi trẻ.
“Ngày trước, tôi quan tâm, sống tốt với nhiều người lắm. Không hiểu sao khi về già, cuộc đời lại đáp lại tôi thế này!”- nhạc sĩ nói trong nước mắt.
Theo Châu Mỹ
Người lao động

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét