Thứ Năm, 12 tháng 6, 2014

THÀNH TỰU VÀ TỘI LỖI 12

(ĐC sưu tầm trên NET)


Trận Xích Bích

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Trận Xích Bích (phồn thể: 赤壁之戰; bính âm: Chìbì Zhī Zhàn , Hán Việt: Xích Bích chi chiến) là một trận đánh lớn cuối thời Đông Hán có tính chất quyết định đến cục diện chia ba thời Tam Quốc. Trận đánh diễn ra vào mùa Đông năm Kiến An thứ 13 (tức năm 208) giữa liên quân Tôn Quyền-Lưu Bị với quân đội lấy danh nghĩa triều đình của Tào Tháo. Trận Xích Bích kết thúc với chiến thắng quyết định của phe Tôn-Lưu trước đội quân đông đảo hơn của Tào Tháo. Chiến thắng này đã góp phần củng cố vị trí cho hai chư hầu Tôn Quyền, Lưu Bị ở hai bờ Trường Giang đồng thời ngăn cản việc Tào Tháo mở rộng phạm vi quyền lực xuống phía Nam Trung Hoa, tạo cơ sở cho sự hình thành hai nước Thục HánĐông Ngô.
Tuy là một trận đánh lớn có ý nghĩa quyết định trong lịch sử Trung Quốc nhưng vị trí chính xác của trận Xích Bích cho đến nay vẫn là điều gây tranh cãi. Phần lớn các học giả cho rằng Xích Bích nằm ở đâu đó trên bờ nam Trường Giang giữa Tây Nam Vũ Hán ngày nay và Đông Bắc Ba Khâu (nay là thành phố Nhạc Dương). Các thông tin chi tiết nhất về trận đánh được ghi tại phần ghi chép về Chu Du trong tác phẩm Tam quốc chí của Trần Thọ. Trận Xích Bích cũng được mô tả rất chi tiết trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung.

Bối cảnh chung


Lãnh thổ mở rộng của Tào Tháo giai đoạn 200-220
Từ cuối thế kỷ 2, triều đình nhà Đông Hán suy yếu, vua cuối cùng nhà Đông Hán là Hán Hiến Đế (lên ngôi năm 189) tuy ngồi trên ngai vàng tới 31 năm (đến năm 220) nhưng thực chất không có quyền lực và không thể kiểm soát được tình trạng cát cứ của các chư hầu trên khắp Trung Hoa. Trong số các chư hầu cuối thời Đông Hán thì người có quyền lực và tham vọng lớn nhất là Tào Tháo. Nhờ việc hỗ trợ dựng lại triều đình cho Hiến Đế ở Hứa Xương và thống nhất miền bình nguyên Hoa Bắc sau khi đánh bại Viên Thiệu (với chiến thắng quyết định tại trận Quan Độ), Tào Tháo được phong làm thừa tướng và là người nắm thực quyền của triều đình nhà Hán. Ngoài Tào Tháo nắm "thiên tử" để sai khiến chư hầu, các chư hầu còn lại gồm: Lưu Biểu (tông thất nhà Hán) - thứ sử Kinh Châu; Tôn Quyền - thủ lĩnh Giang Đông; Lưu Bị (tông thất nhà Hán) - đang nương nhờ Lưu Biểu; Lưu Chương (tông thất nhà Hán) - thứ sử Ích Châu; Trương Lỗ - thủ lĩnh Hán Trung; Mã ĐằngHàn Toại - thủ lĩnh Tây Lương; Công Tôn Khang - thứ sử Liêu Đông.
Sau chiến dịch đánh bại bộ tộc Ô Hoàn vào năm 207 để ổn định hoàn toàn biên giới phía Bắc, Tào Tháo bắt đầu chuẩn bị lực lượng để đánh dẹp nốt các chư hầu còn lại ở phía Nam. Khu vực có vị trí chiến lược quyết định cho tham vọng bình định phương Nam của Tào Tháo là vùng đất hai bên bờ Trường Giang thuộc Kinh Châu (nay là các tỉnh Hồ BắcHồ Nam của Trung Quốc). Muốn thống nhất đất đai nhà Hán, Tào phải kiểm soát được đường thủy ở phần giữa của Trường Giang cũng như cảng Giang Lăng để tạo bàn đạp tiến xuống vùng Giang Nam. Để làm được điều này quân đội mang danh nghĩa triều đình của Tào Tháo sẽ phải tiêu diệt lực lượng của hai chư hầu chính trong vùng: người thứ nhất là Lưu Biểu, thứ sử Kinh Châu, người chiếm giữ phần đất phía Tây Hán Thủy, thành Hán Khẩu cùng toàn bộ phần phía Nam của vùng; người thứ hai là Tôn Quyền, người kiểm soát phần đất phía Đông Hán Thủy và toàn bộ phần Đông Nam của vùng. Bên cạnh Lưu Biểu và Tôn Quyền thì Tào Tháo cũng còn một đối thủ khác, đó là Lưu Bị, vốn là chư hầu từng bị Tào Tháo đánh bại ở Nhữ Nam, nay nương nhờ Lưu Biểu tại Phàn Thành.

Diễn biến trước trận đánh

Khởi đầu thuận lợi của Tào Tháo

Tháng 7 âm lịch năm 208, Tào Tháo dẫn đại quân nam tiến. Bước đầu chiến dịch bình định phía Nam của Tào Tháo trở nên dễ dàng khi Lưu Biểu trở nên đau ốm còn quân đội Kinh Châu dưới quyền ông ta thì mệt mỏi sau những xung đột với lực lượng của Tôn Quyền. Thêm vào đó là sự tranh giành quyền thừa kế của hai con trai Lưu Biểu là Lưu Kỳ và Lưu Tông. Kết quả là Lưu Kỳ bị truất quyền thừa kế và phải chuyển ra làm tướng coi giữ Giang Hạ
Vài tuần sau khi Lưu Kỳ bị truất quyền, Lưu Biểu cũng qua đời vào tháng 8 năm 208. Quyền kiểm soát Kinh Châu thuộc về người con trai thứ của ông là Lưu Tông. Tào Tháo lập tức chớp lấy cơ hội tấn công Kinh Châu. Lưu Tông đầu hàng nhanh chóng và Tào đạt được mục tiêu đầu tiên, đó là kiểm soát Giang Lăng, đồng thời tăng cường được một lực lượng thủy quân mạnh và giàu kinh nghiệm chiến đấu ở Kinh Châu.
Kinh Châu rơi vào tay của Tào Tháo đồng nghĩa với việc Lưu Bị một lần nữa phải chạy nạn xuống phía Nam. Chạy theo quân đội của Lưu Bị còn có rất nhiều nạn dân Kinh Châu, lực lượng ô hợp này sớm bị đội kị binh tinh nhuệ của Tào Tháo đuổi kịp và đánh tan tác tại trận Trường Bản (nằm gần Đương Dương ngày nay).

Liên minh Tôn - Lưu thiết lập

Lưu Bị cùng tàn quân rút về Hạ Khẩu và bắt liên lạc với sứ thần của Tôn Quyền là Lỗ Túc. Theo một số sử liệu thì Lỗ Túc đã khuyên Lưu Bị rút quân xa hơn về phía Đông tới Phàn Khẩu. Theo một thuyết khác thì Lưu Kỳ sau đó hợp quân với Lưu Bị tại Giang Hạ còn quân sư của Lưu Bị là Gia Cát Lượng được phái tới Sài Tang để thương lượng với Tôn Quyền về một liên minh chống lại Tào Tháo. Thuyết thứ hai này cũng trùng hợp với các chi tiết được nhắc đến trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa.
Trước khi liên minh Tôn-Lưu được thành lập Tào Tháo đã gửi một bức thư cho Tôn Quyền trong đó nói tới việc Tào Tháo đang thống lĩnh 830.000 binh mã và đề nghị Tôn Quyền đầu hàng. Triều thần Đông Ngô lúc này chia làm hai phe chủ hàng và chủ chiến, phe chủ hàng do Trương Chiêu đứng đầu dựa vào lí lẽ quân số vượt trội của Tào Tháo, phe chủ chiến do Chu Du, người chỉ huy quân đội của Tôn Quyền, cùng Lỗ Túc, Gia Cát Lượng lại đề nghị Tôn lập một liên minh chống Tào với Lưu Bị. Chu Du phân tích rằng: con số 83 vạn quân mà Tào Tháo tuyên bố chỉ là phóng đại, ông cho rằng quân số thực của Tào Tháo chỉ khoảng 22-24 vạn, số còn lại chỉ là dân phu đi theo hỗ trợ tải lương mà thôi. Trong số 22-24 vạn quân này thì phần lớn là người phương Bắc không thạo thủy chiến, số thạo thủy chiến thì phần lớn là hàng quân Kinh Châu, vốn chưa phục vụ Tào Tháo lâu dài nên không sẽ không có ý chí chiến đấu cao.
Cuối cùng Tôn Quyền đã nghiêng về phe chủ chiến, ông cử Chu Du, Trình Phổ cùng Lỗ Túc dẫn 30.000 binh mã ra mặt trận, liên minh với Lưu Bị chống quân Tào.

Lực lượng các bên tham chiến

Diễn biến


Đường tiến quân của Tào Tháo và bản đồ trận Xích Bích. Điểm đánh dấu trên bản đồ nằm gần vị trí của thành phố Xích Bích ngày nay
Trận Xích Bích có thể chia làm ba giai đoạn: Giai đoạn đụng độ ban đầu tại Xích Bích dẫn đến sự rút lui của quân Tào về chiến trường Ô Lâm trên bờ Tây Bắc của Trường Giang; giai đoạn thủy chiến mang tính quyết định; giai đoạn tháo chạy của Tào Tháo về hướng Hoa Dung (nằm xa về phía Bắc so với địa danh Hoa Dung hiện tại).
Trong giai đoạn đầu, thủy quân Tôn-Lưu ngược dòng Trường Giang từ Hán Khẩu-Phàn Khẩu tới Xích Bích, tại đây họ chạm trán với tiền quân của Tào Tháo. Vốn bị hành hạ bởi bệnh dịch và sự suy giảm về tinh thần cũng như sức chiến đấu do cuộc hành quân kéo dài từ Bắc xuống Nam, quân Tào không thể giành được lợi thế trong những trận giao tranh nhỏ ban đầu và buộc phải lui về đóng quân ở Ô Lâm (phía Bắc của Trường Giang).
Để giảm sự tròng trành của thuyền chiến (làm quân Tào vốn không quen với thủy chiến thường xuyên rơi vào trạng thái say sóng), Tào Tháo ra lệnh dùng xích sắt nối nhiều thuyền lại với nhau. Cũng có thuyết cho rằng quyết định này của Tào Tháo xuất phát từ lời khuyên của một gián điệp thuộc phe Tôn-Lưu (chi tiết này được La Quán Trung đưa vào Tam quốc diễn nghĩa với Bàng Thống đóng vai trò gián điệp).
Quan sát động thái này của Tào, tướng Hoàng Cái bên phía Đông Ngô đã kiến nghị Chu Du dùng kế trá hàng và được Chu Du tán đồng. Việc gửi thư trá hàng của Hoàng Cái lập tức được Tào Tháo tin theo, không cần phải bày kế khổ nhục làm Hoàng Cái phải chịu đòn roi và cũng không cần người đưa thư Hám Trạch phải đấu trí với Tào Tháo đến mức như Tam Quốc Diễn Nghĩa mô tả. Việc trá hàng thuận lợi, Hoàng Cái chuẩn bị một đội thuyền để bơi sang đánh úp vào thuỷ trại Tào.
Tới nay chưa rõ số lượng thuyền cụ thể trong đội quân của Hoàng Cái là bao nhiêu. Theo như "de Crespigny" ghi nhận thì Tam quốc chí đề cập tới "vài chục chiếc" còn Tư trị thông giám chỉ đề cập tới khoảng "mười chiến thuyền". Thuyền chiến mạnh được mô tả như những mông xung đấu hạm (蒙衝鬥艦). Trang bị của các chiến thuyền này vẫn còn là điều chưa rõ ràng, có thuyết cho rằng đó là những thuyền chiến được bọc da, theo một thuyết khác thì "mông xung" (蒙衝) có nghĩa là "được che đậy bảo vệ để xông thẳng vào tấn công hàng ngũ thuyền địch" còn "đấu hạm" (鬥艦) nghĩa là "có thể chở lính tham gia cận chiến". Các mông xung đấu hạm này được chất đầy vật liệu dễ cháy cùng mồi lửa để chuyển thành hỏa thuyền.
Khi đội "hàng binh" của Hoàng Cái đến giữa sông thì các hỏa thuyền bắt đầu được châm lửa và chúng theo gió Đông Nam lao thẳng vào hạm đội của Tào. Trong điều kiện gió lớn và bị xích vào nhau, các thuyền chiến của Tào Tháo nhanh chóng bắt lửa khiến một số lớn binh mã chết cháy trên thuyền hoặc chết đuối dưới sông.
Trong lúc quân Tào đang hoảng hốt vì đám cháy thì liên quân Tôn-Lưu do Chu Du dẫn đầu đã chiếm lĩnh trận địa và chia cắt lực lượng của Tào Tháo, buộc ông ta phải ra lệnh rút lui sau khi phá hủy một phần số thuyền chiến còn lại. Tào Tháo cùng bại binh rút lui về phía đường cái Hoa Dung xuyên qua vùng đầm lầy lớn phía Bắc hồ Động Đình. Trong điều kiện mưa nặng hạt khiến đường rút lui càng trở lên lầy lội, Tào Tháo phải ra lệnh cho binh lính, kể cả những người bị thương, vác theo các bó cỏ để lấp đường. Khó khăn cho quân Tào càng trầm trọng khi Chu Du và Lưu Bị không ngừng đuổi theo họ cho tới tận Nam Quận. Cuối cùng, thiệt hại nặng nề khiến Tào Tháo phải bỏ miền Nam rút về Nghiệp Quận, để lại Từ HoảngTào Nhân giữ Giang Lăng, Nhạc Tiến giữ Tương DươngMãn Sủng giữ Đương Dương.
Đáng ra liên quân Tôn-Lưu có thể tiêu diệt hoàn toàn bại quân của Tào Tháo nếu như họ không bị nghẽn lại tạo nên tình trạng hỗn loạn ở bờ Đông Trường Giang do thiếu thuyền vượt sông. Để giải quyết tình trạng lộn xộn, một đạo quân do Cam Ninh chỉ huy được lệnh thiết lập một đường sang sông khác trên phía Bắc ở Di Lăng, tuy nhiên đầu cầu này cũng không thể tiến xa do gặp phải đội quân tập hậu do Tào Nhân chỉ huy.

Phân tích


Một chiến thuyền tương tự mông xung đấu hạm
Đa số học giả cho rằng thất bại nhanh chóng và nặng nề của Tào Tháo là kết quả của những sai lầm chiến thuật liên tiếp từ phía quân Tào cũng như chiến thuật tấn công hiệu quả của Hoàng Cái và liên quân Tôn-Lưu. Ngay từ đầu Chu Du đã nhận ra sự thiếu kinh nghiệm của binh mã Tào Tháo trong thủy chiến, thêm vào đó là sự nghi ngờ của chính Tào đối với thủy quân Kinh Châu, lực lượng thiện chiến hơn nhiều trên chiến trường sông nước. Ngược lại với những tính toán sáng suốt và hợp lý trong các chiến dịch trước đó, ở Xích Bích Tào Tháo suy nghĩ đơn giản rằng sự vượt trội về số lượng binh lính sẽ giúp ông đánh bại thủy quân đầy kinh nghiệm của liên quân Tôn-Lưu. Sai lầm chiến lược đó đã dẫn đến sai lầm chiến thuật tiếp theo, đó là Tào Tháo ra lệnh cho lực lượng rất lớn bộ binh và kị binh của ông chuyển sang chiến đấu như thủy binh chỉ trong một thời gian ngắn trước trận chiến, rất nhiều người trong số họ đã say sóng khi lên thuyền và thậm chí cũng không biết bơi do xuất thân là người phương Bắc. Cộng thêm vào những sai lầm chiến thuật của Tào Tháo là nạn bệnh dịch ở phương Nam cùng sự suy giảm tinh thần trong quân sĩ do phải xa nhà quá lâu và liên tục hành quân, chiến đấu trong thời gian dài. Theo như Gia Cát Lượng thì: "Mũi tên dù cứng nhưng đến cuối tiễn đạo cũng không thể xuyên qua áo lụa mỏng".
Sai lầm có hệ thống trong chiến dịch chinh phạt miền Nam của Tào Tháo có thể còn xuất phát từ cái chết của Quách Gia - quân sư hàng đầu trong đội ngũ tham mưu của ông. Chính Tào Tháo đã nói rằng: "Nếu như có Quách Gia thì ta không bao giờ rơi vào tình cảnh thế này". Tào cũng bỏ qua lời khuyên của một quân sư trụ cột khác, Giả Hủ, khi ông này khuyên Tào Tháo sau sự đầu hàng của Lưu Tông nên cho quân đội nghỉ ngơi và tăng viện trước khi đối đầu với liên quân Tôn-Lưu. Bản thân Tào Tháo sau đại bại ở Xích Bích vẫn nghĩ rằng ông là người chủ động trên chiến trường và thua trận chẳng qua do thiếu may mắn: "…ta buộc phải đốt thuyền và rút lui là vì bệnh dịch, Chu Du chẳng có lý do gì để nhận lấy chiến thắng đó cho riêng mình". Bùi Tùng Chi trong phần bình chú cho Tam quốc chí cũng ủng hộ quyết định tham chiến của Tào Tháo khi cho rằng với đội thủy quân mạnh chiếm được ở Kinh Châu cộng thêm thế tấn công như vũ bão tạo được từ trước, Tào Tháo hoàn toàn chính xác khi không nghỉ ngơi mà tấn công ngay liên quân Tôn-Lưu, thất bại đến với ông không xuất phát chủ yếu từ sai lầm về chiến lược mà từ cách dùng binh của Chu Du, Lưu Bị cộng thêm sự hoành hành của bệnh dịch phương Nam trong quân Tào.

Vị trí trận đánh


Khu vực có khả năng xảy ra trận Xích Bích (khúc sông kéo dài từ Hoàng Châu xuống thành phố Xích Bích)
Vị trí chính xác của trận Xích Bích đã gây tranh cãi cả trong công chúng và giới học giả từ rất lâu nhưng chưa bao giờ đi đến được một kết luận cuối cùng. Từ hơn 1.300 năm trở lại đây các học giả đã đưa ra nhiều giả thuyết về địa điểm của trận đánh, sự rắc rối này cũng một phần xuất phát từ việc Trường Giang đã thay đổi dòng chảy có từ thời nhà Tùynhà Đường dẫn đến nhiều địa danh lịch sử không còn nằm ở vị trí cũ của nó. Một ví dụ là Hoa Dung hiện nay nằm ở phía Nam Trường Giang trong khi vào thế kỷ thứ 3 nó lại nằm ở phía Đông của Giang Lăng, tức là phía Bắc của Trường Giang. Thậm chí một "ứng cử viên" cho địa điểm trận đánh là Phổ Kì vào năm 1998 đã được đổi tên thành "Xích Bích" để chứng tỏ sự liên hệ của nó với chiến trường lịch sử.
Theo sử liệu thì bại quân của Tào Tháo rút về phía Bắc dọc theo Trường Giang, chứng tỏ chắc chắn rằng địa điểm trận Xích Bích nằm ở đâu đó trên bờ Nam Trường Giang. Cũng theo sử liệu thì liên quân Tôn-Lưu đã ngược dòng Trường Giang từ Phàn Khẩu và Hán Khẩu (Trường Giang chảy xuôi ra Đông Hải theo hướng Đông) chứng tỏ Xích Bích phải nằm ở phía Tây của Phàn Khẩu. Trong khi đó lực lượng của Tào tháo ban đầu tiến từ Giang Lăng ở phía Tây vượt qua Ba Khâu (nay là Nhạc Dương) bên hồ Động Đình. Như vậy Xích Bích sẽ phải nằm ở hạ lưu (phía Đông Bắc) của địa danh này.
Một địa điểm khác từng được coi là Xích Bích đó là núi Xích Bích ở Hoàng Châu, đôi khi còn được gọi là "Xích Bích của Tô Đông Pha" hay "Văn Xích Bích" (文赤壁). Cái tên này xuất phát từ hai bài Xích Bích phú (赤壁賦) của Tô Thức làm vào thế kỷ 11. Thực tế thì Hoàng Châu nằm ở gần như đối diện Phàn Khẩu tức là ở hạ lưu của Hà Khẩu và không thể phù hợp với sử liệu về đường tiến của liên quân Tôn-Lưu (ngược thượng lưu từ Phàn Khẩu qua Hà Khẩu).
Phổ Kì, hay thành phố Xích Bích ngày nay, vốn nằm đối diện với Ô Lâm, được nhiều học giả cho là địa điểm có khả năng lớn gần với vị trí của Xích Bích, vì vậy nó còn có tên khác là "Vũ Xích Bích" (武赤壁) để phân biệt với "Văn Xích Bích" ở Hoàng Châu. Giả thuyết này được đưa ra lần đầu vào thời Sơ Đường. Tại đây có một vách đá trên đó có đề chữ khẳng định vị trí trận đánh, các chữ này được cho là có niên đại khoảng giữa thời nhà Đường và nhà Tống, tức là ít nhất đã có 1.000 năm tuổi.
Một giả thuyết khác cho rằng Xích Bích nằm ở bờ Nam Trường Giang trên địa phận huyện Gia Ngư (thuộc địa cấp thị Hàm Ninh, Hồ Bắc) ở hạ lưu của thành phố Xích Bích. Đây là giả thuyết được một số học giả về lịch sử Trung Quốc như Rafe de Crespigny hay Vương Lực ủng hộ, họ dựa theo tác phẩm địa lý Thủy kinh chú xuất bản thời nhà Thanh[26].
Theo một giả thuyết khác lại cho rằng Xích Bích là tên gọi phần lãnh địa thuộc bờ nam Trường Giang (thuộc Tôn Quyền), còn địa phận bờ bắc Trường Giang (thuộc Tào Tháo), nơi thực sự diễn ra cuộc tiến công của Hoàng Cái bên Đông Ngô là Ô Lâm
Thành phố Vũ Hán (nằm ở phía Đông của Ô Lâm, thành phố Xích Bích và Gia Ngư tại hợp lưu của Trường Giang và Hán Thủy) cũng được coi là một khả năng cho Xích Bích. Theo giả thuyết này thì trận Xích Bích đã diễn ra ngay ở phần hợp lưu, tức là phía Tây Nam Vũ Xương (nay là một phần của Vũ Hán).

Kết quả và ý nghĩa

Mặc dù trên bản đồ Trung Quốc khi đó còn sự hiện diện của các lực lượng chư hầu khác như Trương Lỗ, Lưu Chương, Mã Đằng - Hàn Toại, nhưng cuối cùng các thế lực này đều không tồn tại lâu, thế "chia ba thiên hạ" được xác lập sau này bởi chính 3 lực lượng tham gia trận Xích Bích.
Cuối năm 209, Giang Lăng cuối cùng cũng rơi vào tay quân đội của Chu Du, phần lãnh thổ do Tào Tháo kiểm soát ở Kinh Châu thu hẹp chừng 160 km về phía Tương Dương. Sau trận Xích Bích, trong các lần đụng độ với quân Tào do Tào Nhân chỉ huy, lực lượng của Tôn Quyền chịu thiệt hại lớn hơn nhiều so với lực lượng của Lưu Bị. Thiệt hại đó cộng thêm cái chết của Chu Du năm 210 đã khiến quân Đông Ngô mất lợi thế ở Kinh Châu và để cho lực lượng của Lưu Bị dần dần kiểm soát toàn bộ phần đất chiến lược và được phòng thủ ở đây. Quyền kiểm soát Kinh Châu vừa giúp Lưu Bị lần đầu tiên có được vị thế của một chư hầu mạnh đồng thời mở ra con đường tiến vào đất Thục.
Sau trận Xích Bích, Tào Tháo không bao giờ còn hội đủ một đội thủy binh lớn để tiêu diệt hai đối thủ ở phương Nam. Kết quả này của trận Xích Bích đã bước đầu định hình cho thế chân vạc thời Tam Quốc của ba nước Tào Ngụy - Thục Hán - Đông Ngô và vì thế nó được coi là trận đánh có ý nghĩa lớn trong lịch sử Trung Quốc. Sự chia cắt Bắc-Nam của lãnh thổ Trung Hoa cũng lần đầu thành hình và kéo dài nhiều thế kỷ sau đó.
Các chư hầu năm 208 sau trận Xích Bích Thế chân vạc của ba nước Thục Hán, Tào Ngụy, Đông Ngô năm 215
Tam Quoc 208.jpg Tam Quoc 215.jpg
Trang này được sửa đổi lần cuối lúc 18:38, ngày 1 tháng 11 năm 2013.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét