Thứ Tư, 8 tháng 8, 2018

BÍ ẨN ĐƯỜNG ĐỜI 149 (Lê Mã Lương)

-"Không được nổ súng trước" là chủ trương lớn trong tình hình bấy giờ. Có thể lãnh đạo trong lúc chỉnh huấn, truyền đạt chủ trương cho cấp dưới nói không rõ ràng, chủ trương thành mệnh lệnh: "Không được nổ súng!".
-Kể được câu chuyện ấy, phải có khí phách anh hùng!
-Nếu có sai hay nhầm lẫn, hãy từ tốn tìm hiểu nguyên nhân và vẫn có thể thông cảm được.
-Chửi bới, nhục mạ người anh hùng là lũ hèn nhát, khốn nạn!
--------------------------------------------------------------------
(ĐC sưu tầm trên NET)
                                        Tiểu Sử Của Anh Hùng Thiếu Tướng Lê Mã Lương

Thiếu tướng Lê Mã Lương kể về chiến sự ác liệt tại Vị Xuyên

“Đã có cả chục ngàn người lính và thường dân ngã xuống và chừng đó người khác bỏ lại một phần thân thể mình dọc biên giới phía Bắc những năm 1979-1988. Khi nói về lịch sử, dân tộc, chúng ta phải công bằng, không ai được phép lãng quên, không ai được cố tình lãng quên sự thật này”.
LTS:Để tri ân những người anh hùng, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ, Tuần Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Lê Mã Lương, một trong số ít người lính liên tục chiến đấu 17 năm từ 1967 đến 1975 rồi sau đó là chiến tranh biên giới phía Tây Nam. Ông cũng là người có mặt suốt 8 năm tại cuộc chiến chống bành trướng, bảo vệ biên giới phía Bắc.
Thưa thiếu tướng Lê Mã Lương, ông có thể nói thế nào về cuộc chiến biên giới phía Bắc giữa Việt Nam và Trung Quốc những năm 1979-1988?
Do Việt Nam là nước có một vị trí chiến lược, địa chính trị cực kỳ quan trọng ở khu vực Đông Nam Á nên trong lịch sử, Trung Hoa đã từng phát động 16 cuộc chiến tranh lớn hòng thôn tính Việt Nam. Họ coi chúng ta là một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu trong chiến lược “trỗi dậy Trung Hoa”. Khi ý đồ kiềm chế không thực hiện được, từ chỗ bí mật, họ chuyển sang công khai thù địch với Việt Nam và trắng trợn tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược với những tuyên bố lừa bịp như “dạy cho Việt Nam một bài học”, “cuộc đánh trả tự vệ”…
Gần 20 ngày sau khi tấn công xâm lược Việt Nam, quân Trung Quốc chỉ tiến sâu được 10 km, đồng thời lực lượng bị tổn thất lớn, có nguy cơ sa lầy vào cuộc chiến này, và với sức ép của dư luận trong nước và thế giới, ngày 5/3/1979, phía Trung Quốc đã buộc phải tuyên bố rút quân, chấp nhận thất bại cay đắng tại chiến tranh biên giới.
Thiếu tướng Lê Mã Lương. Ảnh: Người Lao Động
Ngay sau chiến trường phía Nam và biên giới tây Nam, ông đã lập tức có mặt và chiến đấu 8 năm ở vùng biên giới phía Bắc. Tôi từng nghe các bậc cha chú kể về sự ác liệt chưa từng có tại chiến trường Vị Xuyên, là người trực tiếp chiến đấu ở mặt trận này, ông hẳn đã chứng kiến những sự thật này?
Biên giới Việt - Trung nằm trên dải đất của 7 tỉnh từ Quảng Ninh cho tới Lai Châu (bây giờ là Điện Biên). Tôi không bao giờ có thể quên những năm tháng chiến đấu ở Vị Xuyên (Hà Giang).
Tôi và đồng đội đánh hàng trăm trận với các loại hình chiến thuật, chiến dịch khác nhau,  đã chứng kiến pháo binh của quân xâm lược bắn về phía ta. Hàng ngày,  pháo binh Trung Quốc dội đạn xối xả về phía ta. Tôi đã có mặt tại nhiều cuộc chiến và cũng đã tìm đọc rất nhiều thông tin về lịch sử chiến tranh vậy mà tôi chưa từng tìm thấy thông tin nào về những trận pháo giật cả ngày ròng rã, dã man như vậy.

Tôi đã chứng kiến sự dũng cảm của các chiến sĩ trẻ, những người lần đầu tiên trải nghiệm bom đạn chiến tranh. Họ sẵn sàng xả thân lao lên phía trước để nối dây điện thoại, để chi viện thêm lực lượng cho chốt ở phía trước trong lúc đạn pháo của quân xâm lược nã không ngừng nghỉ. Rất nhiều đồng đội của tôi đã hy sinh.

Tôi không bao giờ có thể quên những trận đánh ác liệt, bộ đội chúng ta chốt trong các hang đá. Những trận pháo kích dã man từ phía Bắc đã kéo sập hang vùi lấp nhiều đồng đội của tôi trong đó. Đến giờ các đồng chí ấy vẫn còn nằm đâu đó ở trên các sườn núi cao, vách đá tai mèo, chúng ta chưa có điều kiện để đưa họ về các nghĩa trang.

Tại nghĩa trang Vị Xuyên vẫn còn đến 2/3 liệt sĩ vô danh. Điều đó khiến tôi ngậm ngùi day dứt với đồng đội tôi, những người đã anh dũng chiến đấu chống quân xâm lược Trung Quốc
Chiến trường Vị Xuyên. Ảnh tư liệu
Cách nay mấy năm, có một tờ báo làm một trắc nghiệm thực tế. Họ đã hỏi một số người, đủ cả mọi ngành nghề, lứa tuổi về cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc những năm 1979-1988. Thật bất ngờ là đa số trả lời rằng họ không biết nhiều về cuộc chiến này. Ông suy nghĩ gì về thực tế này?
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam có nhiều điều đáng phải suy ngẫm. Giữa hai nước có những giai đoạn mặn nồng. Chúng ta không quên Trung Quốc cũng đã viện trợ Việt Nam trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Chúng ta không quên nhân dân Trung Quốc đã xả thân và chia sẻ với Việt Nam những lúc chúng ta thiếu thốn bởi chiến tranh liên miên.
Tuy nhiên, lịch sử giữa hai nước cũng từng kể về những cuộc xâm lược những xung đột giữa hai nước láng giềng. Hồi năm 1979, lửa đã cháy và máu đã đổ trên khắp dải biên cương. Đã có hàng chục ngàn người lính và nhiều thường dân đã ngã xuống dưới làn đạn của quân xâm lược trong suốt giai đoạn 1979-1988. Đây là một phần của lịch sử, của sự thật không ai được phép lãng quên, được phép che mờ.
Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy từng chia sẻ, đúng ngày 4/1/2014, một trang mạng chính thống của Trung Quốc đã đăng tải thông tin như sau: “Cuộc đánh trả tự vệ thảm liệt năm 1979: Quân đội Trung – Việt trong 19 ngày đều bị tổn thất và thương vong 50 nghìn người”. Sau đó bài này được mạng Phượng Hoàng đăng lại. Đó là lần đầu tiên Trung Quốc thừa nhận tổn thất của các bên trong cuộc chiến biên giới với Việt Nam. Đáng chú ý là thông tin này hoàn toàn khác với quan điểm trước đó, phía Trung Quốc luôn khẳng định tại các diễn đàn chính thống rằng họ đã thắng tuyệt đối. Ông có bình luận gì về những lắt léo này?
Với chúng ta, cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc hồi năm 1979 là cuộc chiến tranh chính nghĩa vì chúng ta chiến đấu bảo vệ biên cương tổ quốc. Còn với Trung Quốc đó là cuộc chiến tranh phi nghĩa vì họ đã bất ngờ phát động chiến tranh và đưa gần 60 vạn quân tràn sang 6 tỉnh biên giới Việt Nam. Họ đã tàn sát dân thường và phá hủy nhiều công trình dân sinh của nước ta.
Phải sòng phẳng với lịch sử để thấy nếu có bị ai đó tìm cách che đậy thì cuối cùng sự thật vẫn luôn là sự thật.
Giờ đây, chiến tranh đã lui xa, đã là một phần của lịch sử. Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc đã mở sang một trang mới. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta được phép lãng quên sự thật. Sự thật ở đây là dân tộc chúng ta rất anh dũng bảo vệ biên giới phía Bắc không sợ hãi, mặc dù đối phương đã bất ngờ tấn công và họ mạnh hơn chúng ta gấp nhiều lần. Chúng ta đã chiến đấu và giành thắng lợi cho dù có những tổn thất rất lớn.
Cuộc chiến tranh biên giới ở phía Bắc ấy phải đặt nó như các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc bởi vì máu của người Việt Nam là máu của những người dân bình thường, là máu của những người thanh niên tham gia quân đội chiến đấu bảo vệ biên ải của tổ quốc. Sẽ là có tội nếu lãng quên một cuộc chiến mà chúng ta đã huy động hàng vạn chiến sĩ xả thân trong các trận đánh ác liệt bảo vệ tổ quốc như hồi năm 1979-1988. Đã có cả chục ngàn người lính và thường dân ngã xuống và chừng đó người khác bỏ lại một phần thân thể mình suốt dọc biên giới phía Bắc hồi năm 1979-1988. Khi nói về lịch sử dân tộc, chúng ta phải công bằng, không ai được phép lãng quên, không ai được cố tình lãng quên sự thật này.
Lan Anh thực hiện

Người anh hùng "trên trận tuyến đánh quân thù"
(ANTV) -Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Mã Lương với câu nói nổi tiếng: “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù” từng trở thành thần tượng của bao thế hệ thanh niên Việt Nam. Giờ đây gặp lại ông, những dòng chảy về lịch sử, về quá khứ đấu tranh cách mạng lại trở về rõ nét.
Chiến dịch đường 9 Nam Lào năm 1971 là một chiến dịch mà ở đó, cuộc chiến giữa ta và địch diễn ra cam go, ác liệt. Đại đội trưởng Lê Mã Lương đã cùng mọi người trong đơn vị làm nên chiến thắng. Cũng chính tại chiến dịch này, Lê Mã Lương ngoài bị thương hỏng mắt trái, trên mình anh còn hàng chục vết thương khác, được xác định thương binh loại 3/4.
Bây giờ, mỗi khi nhớ lại kỷ niệm xưa, ông lại cùng người thân đi thăm lại đồng đội cũ của mình tại Nghĩa  trang đường 9.
Thiếu tướng, anh hùng lực lượng vũ trang Lê Mã Lương chia sẻ ông rất nhớ đồng đội, những người bạn của mình đã hi sinh vì đất nước.
Từ 1968 đến năm 1974, Lê Mã Lương đã tham gia nhiều chiến dịch đánh ác liệt ở đường 9 Nam Lào, Lao Bảo, Cửa Việt, Quảng Nam, Đà Nẵng. Qua 14 trận đánh lớn, ông đã cùng đồng đội lập được nhiều chiến công, tiêu diệt 53 tên Mỹ, bắn cháy 1 xe tăng, máy bay, trực thăng HU-1A của địch.

Chính vì thế, khi mới 21 tuổi đời, 3 tuổi quân, Lê Mã Lương được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang, là một trong những anh hùng trẻ nhất cả tuổi đời, lẫn tuổi quân ở nước ta.
Đại tá Nguyễn Trọng Hàm cho biết: Câu nói: "cuộc đời đẹp nhất trên trận tuyến chống quân thù” của Lê Mã Lương là câu nói bất hủ, là tấm gương cho thế hệ hôm nay noi theo. Tôi luôn trân trọng lê Mã Lương, một con người đã quên hết  bản thân mình vì đất nước."
Khi đất nước hòa bình, ông học khoa Sử, ĐH Tổng hợp Hà Nội mà năm xưa đã bỏ dở để lên đường chiến đấu. Ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ và được bổ nhiệm làm Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam cho đến lúc nghỉ hưu.
Vào thời bình ông lại miệt mài học hỏi phấn đấu và cống hiến

Năm 2006, ông chính thức được Nhà nước phong hàm Thiếu tướng. Có lẽ, đối với người dân ông đã trở thành một vị Tướng nhận được sự kính trọng không chỉ vì những chiến công của ông mà còn ở cả tính cách và sự gần gũi, bình dị của con người ông. Nhưng khi nói về những đóng góp của mình, Lê Mã lương cho rằng, nhờ có gia đình, vợ con ông mới có thể làm được những điều đó.
Cô Lê Thị Bích Đào, vợ anh hùng Lê Mã Lương kể lại: "Hồi chiến tranh, những khó khăn vất vả ở hậu phương tôi chịu hết, miễn sao để anh yên tâm công tác ngoài mặt  trận. Giờ đây, khi anh đã có tuổi tôi vẫn luôn chăm lo giữ gìn sức khỏe cho anh để anh làm tốt các công tác xã hội khác."
Gần 50 năm đứng trong hàng ngũ của người lính bộ đội cụ Hồ, 46 năm là Đảng viên Cộng sản, trong đó, có 17 năm là người lính đi chiến đấu ở khắp các mặt trận - Thiếu tướng, anh hùng lực lượng vũ  trang Lê Mã Lương, người góp phần làm nên lịch sử, sẽ luôn được mọi người yêu quý.
BT

Anh hùng Lê Mã Lương: Chuyện chưa kể về ca mổ “sống”!

Thứ Sáu, 27/07/2012 15:01 GMT+7

(TT&VH) - Bác sĩ bảo: không có thuốc tê, mắt trái của cậu cũng phải khoét bỏ ngay. Nếu không, vết thương sẽ nhiễm trùng nặng và có thể dẫn tới mù nốt bên mắt phải. 40 phút ròng rã trong ca mổ “sống” ấy vẫn khiến tôi vã mồ hôi mỗi khi nhớ lại – Thiếu tướng, anh hùng LLVT Lê Mã Lương, kể.
Tên tuổi anh hùng Lê Mã Lương luôn là một huyền thoại gắn với chiến tranh chống Mỹ. Huyền thoại về một chàng trai từ chối đi học nước ngoài để cầm súng. Huyền thoại về một thương binh hỏng mắt trái vẫn trở thành dũng sĩ diệt Mỹ và anh hùng LLVT. Huyền thoại về câu nói nổi tiếng “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến chống quân thù”...Còn trong ngày Thương binh, Liệt sĩ 27/7 năm nay, TT&VH muốn ghi lại lời ông về một câu chuyện khác: ca phẫu thuật múc bỏ mắt trái năm 18 tuổi.
Thiếu tướng Lê Mã Lương kể:

 Anh hùng Lê Mã Lương thời trẻ...
* Hành trình 3 tháng
Tôi bị thương vì một quả lựu đạn US tại ngoại vi căn cứ Tà Cơn (Khe Sanh - Quảng Trị). Đó là tháng 3/1968. Cùng nhiều đơn vị khác, trung đoàn 24 của tôi có nhiệm vụ thường xuyên phong tỏa, gây sức ép lên cụm cứ điểm có hơn 4000 lính Thủy quân lục chiến Mỹ này. Lựu đạn nổ ngay trước mặt, mắt tôi hoa lên rồi ngất đi. Tỉnh dậy, đầu và mặt bị băng kín hoàn toàn. Anh em bảo: “mày bị nhiều mảnh lựu đạn vào cổ và mắt trái, máu ra nhiều lắm. Nhưng yên tâm, không vết nào quá nặng”.
Tại trạm quân y dã chiến cách đó vài km, bác sĩ khám rồi chẩn đoán: “mảnh lựu đạn nhỏ, chẻ chéo từ cạnh mũi, qua bờ mi trái rồi găm vào trong”. Vì mảnh đạn không xuyên trực tiếp thẳng vào nhãn cầu, con mắt trái ban đầu vẫn hi vọng giữ lại được. Một chuỗi ngày  điều trị tiếp theo, trừ những lần thay băng, hai mắt tôi  luôn bị bó kín, kể cả khi ăn ngủ, tắm rửa.
Vết thương nặng, phải chuyển về tuyến sau điều trị. Tôi được võng từ Khe Sanh sang Lào, rồi lại từ Lào vượt qua dãy Trường Sơn. Mắt băng kín, nhức nhối kinh khủng vì liên tục tiêm thuốc chống nhiễm trùng. Nhiều lần trên quãng đường, tôi nửa mê nửa tỉnh, chỉ nghe tiếng máy bay Mỹ gầm rú trên đầu. Tới được Quảng Bình, vết thương đã kéo dài gần 3 tháng . Bác sĩ bảo không thể giữ nổi con mắt bên trái, phải mổ gấp để múc ra.
Người mổ cho tôi là đại úy quân y Nguyễn Văn Dần, chủ nhiệm khoa mắt của Bệnh viện quân y Quân khu V. Phòng mổ được đặt tại một hầm bán âm, chìm 2/3 dưới đất, nôí với các khu xung quanh bằng giao thông hào. Bây giờ, tôi vẫn nhớ rõ: đó là một căn hầm quây bằng vài trắng, mái lợp lá cọ, còn bàn mổ chỉ là một tấm phản được đặt trên cọc gỗ.

...Và hiện tại
* Ca mổ múc mắt không thuốc tê
Thông thường, những ca mổ như trường hợp tôi phải dùng thuốc mê liều cao, hoặc  ít ra là tiêm 3, 4 mũi thuốc tê quanh hốc mắt. Tuy nhiên, do đường vận chuyển liên tục gián đoạn, kho thuốc của bệnh viện đã cạn hết khi tôi về tới nơi.
Suy đi tính lại, bác sĩ Dần hỏi: “Cố chờ thuốc về thì tôi lo không giữ được cả 2 con mắt. Nhưng mổ “sống” không có thuốc thì Lương chịu được không?”.Tôi cười : “Bác sĩ cứ yên tâm”. Bác sĩ Dần lắc đầu: “Đau lắm đây. Có khi kéo dài cả tiếng.”Ca mổ đó có 1 y sĩ và 3 y tá làm phụ tá cho bác sĩ Dần. Các y tá định lấy dây trói tôi xuống phản, rồi lấy đũa cả cuốn bông vải ngáng ngang miệng vì sợ nghiến đứt lưỡi khi đau. Tôi xua tay rồi tự bám chặt 2 bên mép phản khi ca mổ bắt đầu. Bác sĩ gắp mảnh đạn ra khỏi vết thương, sau đó múc bỏ con mắt trái.
Đến giờ, tôi cũng rất khó dùng lời để kể hết cảm giác đau đớn trong suốt ca mổ. Để so sánh, có lẽ nó giống với cảm giác bị ai đó dùng đá đè chặt lên đầu. Rồi từ đỉnh đầu, khối đá ấy cứ đè nặng dần xuống, lan ra khắp toàn thân, tới mức không thở được. Tôi nghiến tưởng đến gãy hết hai hàm răng rồi rên hừ hừ. Mồ hôi ướt sũng khắp người.Tới khi ca mổ kết thúc, tôi gần như lịm đi vì quá đau.
Đưa ra phòng hậu phẫu nằm nghỉ, đầu tôi lại càng buốt  nhói, còn máu từ mắt trái thấm đẫm lớp băng, rỉ xuống gò má. Để khỏi rơi vào mụ mị, tôi tự lẩm nhẩm những câu thơ đã đọc. Rồi lẩm nhẩm tự làm mấy câu thơ về mình: Sức đã kiệt nhưng đầu ta vẫn đầy kiêu hãnh/Thân tuy tàn nhưng ý chí ta vẫn kiên cường/Sống là phải đập tan nỗi khổ/ Phải hiên ngang như mãnh hổ trên rừng...
Mấy câu thơ làm vội ấy, tôi đọc đi đọc lại. Rồi, để khỏi gào lên vì đau đớn, tôi đọc to lên lúc nào không hay. Trong lúc chập chờn ở ranh giới của hôn mê ấy, tôi vẫn còn nghe tiếng bác sĩ Dần chạy sang hỏi: “Thơ Lương à, hay đấy. Đọc lại đi để tớ chép...”
* Mắt giả cũng vỡ bị đạn địch
 Bác sĩ Dần hiện giờ đã mất. Năm 1973, tôi gặp anh lần cuối cùng tại Ninh Bình. Khi đó, anh đã là thiếu tá, Giám đốc quân y viện số 5 tại Ninh Bình, còn tôi theo đoàn làm phim “Bài ca ra trận” đi quay một số cảnh tại rừng Cúc Phương nên có dịp ghé thăm anh. Ôn lại câu chuyện cũ, bác sĩ Dần không quên hỏi thăm về bên mắt mà anh phẫu thuật cho tôi.
Năm 1969, sau khi lắp mắt giả, tôi lại tham gia hàng loạt chiến dịch lớn nhỏ trong chiến tranh chống Mỹ. Trong một trận đánh vào năm 1971 tại đường 9 Nam Lào, tôi lại bị thương một lần nữa: 2 viên đạn găm vào đùi còn con mắt giả bên trái cũng nhận một mảnh đạn khác và vỡ ra. Nghe chuyện, bác sĩ Dần cười rồi bảo tôi may mắn.
Hơn 40 năm qua, con mắt bên trái đã trở thành một phần quen thuộc của cơ thể tôi. Có lần, khi đá bóng với bạn bè, tôi đá hăng tới mức con mắt giả bật khỏi hố mắt và văng mất, báo hại anh em phải dừng trận đấu để đổ xô đi tìm. Riêng  2 viên đạn AR 15 trong lần bị thương năm 1971 vẫn nằm trong cơ thể tôi, một viên mới được lấy ra năm 1998 còn một viên nằm lại đến giờ...
Chiêu Minh (ghi)
 
Vì sao sách của ông Lê Mã Lương bị chỉ trích?


Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù



Thiếu tướng Lê Mã Lương
Tình cờ gặp Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT), Thiếu tướng Lê Mã Lương tại TPHCM, chúng tôi không khỏi xúc động khi được siết chặt tay người anh hùng đã từng là thần tượng của tuổi trẻ thời chống Mỹ cứu nước.
Kỷ niệm thiêng liêng
Có một kỷ niệm đặc biệt mà Anh hùng Lê Mã Lương bây giờ mới kể là kỷ niệm thiêng liêng khi anh được vinh dự kết nạp Đảng. Anh tâm sự: “Lúc đơn vị tôi đang chiến đấu tại căn cứ làng Vây hồi đầu năm 1968, khi đó tôi mới 18 tuổi đời, 1 tuổi quân. Sau trận đánh giải phóng làng Vây, đồng chí tổ trưởng tổ Đảng bảo tôi: “Cậu viết đơn xin vào Đảng đi…”. Thấy tình hình chiến sự đang hết sức nóng bỏng, ta kiên quyết không để địch tái chiếm làng Vây, vậy mà tôi lại chuẩn bị được kết nạp Đảng, vì thế tôi xúc động thốt lên: “Em được kết nạp Đảng tại mặt trận ạ?”. Đồng chí tổ trưởng tổ Đảng chợt nhận ra điều này nên cười phá lên: “Kết nạp Đảng tại trận địa càng quá hay, có mấy ai được như thế đâu…”.
Sau trận đánh, tôi tranh thủ viết đơn xin vào Đảng với tất cả nỗi xúc động dâng trào. Ngày ấy để trở thành đảng viên chúng tôi sẵn sàng hy sinh cả tính mạng mình cho Đảng, cho cách mạng. Sau khi nộp đơn lên tổ chức Đảng, tôi lại lao vào chiến đấu và bị thương hỏng một mắt tại trận chiến này nên phải đưa về tuyến sau điều trị. Vì thế phải đợi một năm sau khi tôi lành bệnh và trở lại chiến trường thì mới chính thức kết nạp Đảng. Đứng giữa chiến trường đầy khói lửa chiến tranh ác liệt, chúng tôi cất cao lời thề nguyện suốt đời trung thành với Đảng và luôn giữ mãi lời thề thiêng liêng ấy trong tim…
Anh hùng trẻ tuổi
Còn nhớ năm 1968, khi anh Lê Mã Lương mới 18 tuổi đã nổi tiếng bởi nghĩa cử cao đẹp: dù bị thương nặng hỏng một mắt nhưng anh vẫn quyết xung phong ra trận. Khí phách cách mạng của anh sau này được các nhà làm phim dựng thành nhân vật chính trong phim Bài ca ra trận và đã thổi ngọn lửa chiến đấu mãnh liệt cho thế hệ trẻ lúc bấy giờ khiến người dân cả nước ngưỡng mộ, tự hào. Anh được vinh dự phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT khi mới 21 tuổi, cấp bậc trung úy và trở thành người anh hùng trẻ tuổi nhất nước. Anh hùng Lê Mã Lương còn có câu nói nổi tiếng: “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù…”.
Chẳng thế mà cuộc đời anh đúng như bài ca ra trận hào hùng. Anh từng bị thương 3 lần nhưng vẫn xung phong ra trận và trực tiếp chỉ huy hàng trăm trận đánh lớn nhỏ, tiêu diệt 79 tên địch, bắn cháy 1 máy bay, 1 xe tăng địch… Anh còn trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn.
Sau ngày giải phóng, anh lại tiếp tục cầm súng chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và chỉ huy chiến đấu tại chiến trường Lào, Campuchia giúp bạn. Khi chiến tranh kết thúc, anh về học tại khoa Sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, sau đó bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và được bổ nhiệm làm Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam…
Hiện nay, anh đang được Bộ Quốc phòng giao làm chủ nhiệm đề tài “Bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử Quân sự Việt Nam”, anh rất tâm đắc khi được góp công sức vào công việc đầy ý nghĩa này. Anh vui vẻ cho biết: “Mỗi chặng đường chiến đấu đều để lại trong tôi nhiều kỷ niệm khó quên, nhưng kỷ niệm mà tôi nhớ nhất là lần đánh vào căn cứ Nước Trong để mở đường tiến quân vào giải phóng Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Lần ấy, nhờ có chút nước bùn mà tôi hết bị mất giọng để ra lệnh chỉ huy chiến đấu”.
Yến Minh

Tướng Lê Mã Lương: Sách “Gạc Ma-Vòng tròn bất tử” như nén tâm nhang...

08:23 | 10/07/2018
“Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” chứa đựng hàng trăm câu chuyện xúc động và bi tráng về những người lính đã anh dũng hy sinh giữ đảo ngày 14/3/1988.
Hôm nay (10/7), sau 4 năm thực hiện và xin cấp phép, cuốn sách “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” sẽ chính thức ra mắt bạn đọc nhân tháng tri ân các Anh hùng – liệt sỹ. Sách do Thiếu tướng Lê Mã Lương - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân đội chủ biên cùng các cố vấn như: Thiếu tướng - chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm; ông Đào Văn Lừng - nguyên Vụ trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nhà sử học Dương Trung Quốc…
Câu chuyện có thật về chiến sỹ Gạc Ma
Thiếu tướng Lê Mã Lương cho biết, cuốn sách được ông và các cộng sự thực hiện từ năm 2014 với mục đích kể lại câu chuyện bi tráng về 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã anh dũng hy sinh trong trận chiến vào ngày 14/3/1988 trên bãi đá san hô Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
tuong le ma luong sach gac ma vong tron bat tu nhu nen tam nhang
Thiếu tướng Lê Mã Lương. (Ảnh: Hoàng Long)
Ông cùng các cộng sự quyết tâm phải hoàn thành và giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách về Gạc Ma để tri ân những người đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là giữ yên biển đảo – nơi các thế hệ tiền nhân đã hy sinh biết bao xương máu để gây dựng nên; đồng thời truyền “lửa” cho thế hệ hôm nay và mai sau phải nối tiếp truyền thống với tinh thần “thà hy sinh chứ không để một tấc đất rơi vào tay kẻ thù”.
Theo người chủ biên, để cuốn sách được xuất bản tới tay bạn đọc là cả một hành trình đầy khó khăn, với sự tham gia biên soạn của gần 70 người gồm các tướng lĩnh, nhà nghiên cứu sử học, nhà báo, cựu chiến binh Gạc Ma…
Nhóm biên soạn đã trực tiếp tìm gặp, lắng nghe 64 thân nhân các anh hùng liệt sỹ Gạc Ma hiện đang sống trên khắp vùng miền của Tổ quốc, thu thập được những tư liệu, kỷ vật quý cũng như thẩm định những tư liệu này để đảm bảo tính xác thực. Thông qua các tư liệu, nhóm biên soạn đã “dựng” được 64 chân dung người lính Gạc Ma đã hy sinh năm ấy cùng 9 người bị Trung Quốc bắt giữ, sau 3 năm mới được trao trả trở về.
Cuốn sách đã trải qua quá trình chỉnh sửa hàng trăm lần, với hàng chục lần biên tập, cập nhật, qua 14 nhà xuất bản mới chính thức ra mắt bạn đọc. Đây cũng là cuốn sách đặc biệt khi lần đầu tiên trong lịch sử xuất bản Việt Nam, một Hội đồng thẩm định cấp nhà nước phải được thành lập để thẩm định tác phẩm này.
Trong hành trình 4 năm để tới tay bạn đọc, có những quãng thời gian tưởng chừng cuốn sách không thể xuất bản. Tuy nhiên, vượt lên tất cả với bổn phận của người lính, một người từng vào sinh ra tử với trăm cuộc chiến đấu, Thiếu tướng Lê Mã Lương cùng các cộng sự đã hoàn thành tâm nguyện của mình. Cái được lớn nhất đó là xã hội, nhân dân và các đồng chí lãnh đạo các cấp thừa nhận. Chính sự thừa nhận đó mà cuốn sách được xuất bản và giới thiệu rộng khắp tới bạn đọc trong và ngoài nước.
Cuốn sách đặc biệt
“Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” chứa đựng hàng trăm câu chuyện xúc động và bi tráng về những người lính Gạc Ma anh dũng năm ấy. Cuốn sách là ném tâm nhang của thế hệ hôm nay tưởng nhớ, tri ân những người con đã anh dũng hy sinh giữ đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988.
tuong le ma luong sach gac ma vong tron bat tu nhu nen tam nhang
Bìa cuốn sách“Gạc Ma - Vòng tròn bất tử”
“Với những người lính như chúng tôi, cuốn sách có vị trí rất đặc biệt trong xã hội, nhất là hướng tới kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh liệt sỹ. Chúng tôi đã hoàn thành lời thề, tâm nguyện của mình với những đồng đội đã mãi mãi ra đi, đã cống hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cũng như xây dựng bảo vệ biển đảo của Tổ quốc – ông Lê Mã Lương xúc động nói.
“Gạc Ma-Vòng tròn bất tử” muốn nhấn mạnh rằng, từng tấc đất ở biên cương Tổ quốc hay vùng biển đảo mà thế hệ tiền nhân đã hy sinh biết bao máu xương giữ gìn trao truyền cho thế hệ mai sau thì chúng ta phải quyết giữ cho bằng được. Cuốn sách ra đời khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam bằng sự hy sinh của các thế hệ từ xưa đến nay và mãi về sau; là một thông điệp gửi chiến sỹ Hải quân, những người đang ngày đêm canh giữ biển đảo Tổ quốc, đặc biệt là quần đảo Trường Sa và gửi gắm tới thế hệ ngày nay tiếp tục cống hiến để bảo vệ chủ quyền đất nước, trong đó có vùng biển, vùng trời và nhắc nhở mọi người không quên thế hệ cha anh đã hy sinh vì sự trường tồn của Tổ quốc” – Thiếu tướng Lê Mã Lương cho biết.
Cuốn sách về Gạc Ma được phát hành với số lượng 30.000 bản. Theo chủ biên cuốn sách, sau cuộc họp báo ra mắt bạn đọc, sáng 10/7 sẽ diễn ra lễ ký kết với một nhà xuất bản của Mỹ, chuyển thể cuốn sách từ tiếng Việt sang tiếng Anh.
30 năm trước, rạng sáng 14/3/1988, biên đội tàu chiến 502 của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc gồm 2 tàu khu trục 502, 531 và tàu hộ vệ 556 đã vô cớ nổ súng tấn công các chiến sĩ công binh của Việt Nam tại bãi đá ngầm Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa. 2 tàu vận tải cỡ nhỏ của hải quân ta bị bắn chìm, 1 tàu đổ bộ bị bắn cháy, hư hỏng nặng, 64 cán bộ chiến sĩ anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ./.
Theo Kim Anh-Bảo Thái/VOV.VN

Tướng Lê Mã Lương nói về chế độ VNCH: “Nhìn thẳng vào lịch sử để hòa giải với quá khứ“

© Ảnh : VOV
Việt Nam
URL rút ngắn
1551
Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, điều mà chúng ta muốn, và cũng là nguyện vọng của Đảng, Nhà nước là có sự hòa hợp hòa giải, đại đoàn kết dân tộc.
Bộ sách Lịch sử Việt Nam gồm 15 tập vừa được phát hành mới đây được đánh giá là bộ thông sử Việt Nam lớn nhất từ trước đến nay, có giá trị lớn về học thuật, thực tiễn, xã hội, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, giảng dạy và học tập. Không chỉ là bộ sử đồ sộ mà đây còn là công trình thay đổi những quan niệm cũ trong nghiên cứu từ trước tới nay, trong đó từ bỏ cách gọi chính quyền Việt Nam cộng hòa là ngụy quân, ngụy quyền và chỉ đích danh quân Trung Quốc xâm lược Việt Nam trong chiến tranh biên giới phía Bắc…
Tập 12 của bộ Lịch sử Việt Nam, bên trái là sách tái bản, bên phải là sách xuất bản lần đầu năm 2013
Tập 12 của bộ Lịch sử Việt Nam, bên trái là sách tái bản, bên phải là sách xuất bản lần đầu năm 2013
Nhìn thẳng vào sự thật lịch sử
Chia sẻ với báo chí, PGS.TS Trần Đức Cường — Tổng chủ biên Bộ sách Lịch sử Việt Nam cho biết, thời gian trước, nhắc đến chính quyền Việt Nam cộng hoà, nhiều người vẫn quen gọi là nguỵ quân, nguỵ quyền. Nhưng trong bộ sách này gọi là "quân đội Sài Gòn, chính quyền Sài Gòn".
Tổng chủ biên bộ sách cho biết, chính quyền Việt Nam cộng hoà là một thực thể ở miền Nam Việt Nam. Nó tồn tại trong gần 21 năm. Năm 1954 còn có một thể chế nữa gọi là Quốc gia Việt Nam. Sau đó đến năm 1955 thì Ngô Đình Diệm mới phế Bảo Đại để làm quốc trưởng, sau đó trưng cầu dân ý, bầu Tổng thống. Theo ông, lịch sử cần phải khách quan, viết thế nào để cho mọi người chấp nhận.
Tổng thống Ngô Đình Diệm hội đàm với sĩ quan CIA
Tổng thống Ngô Đình Diệm hội đàm với sĩ quan CIA
Đồng tình với quan điểm này, Thiếu tướng Lê Mã Lương — nguyên Giám đốc Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam cho rằng, cách gọi mới phù hợp với xu thế phát triển của Việt Nam cũng như thế giới.
Trước đây, đã có nhiều tranh luận xung quanh việc nên hay không nên dùng từ "ngụy quân, ngụy quyền". Tuy nhiên, giới nghiên cứu và ngay bản thân ông khi viết sách đã dùng cụm từ quân đội Sài Gòn, chính quyền Sài Gòn thay cho cụm từ "ngụy quyền" vì nó mang hơi hướng miệt thị. Đặc biệt, trong bối cảnh hòa hợp hòa giải dân tộc thì những cách gọi cũ cần phải thay đổi.
"Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, điều mà chúng ta muốn, và cũng là nguyện vọng của Đảng, Nhà nước là có sự hòa hợp hòa giải, đại đoàn kết dân tộc. Và ngay cả bản thân những người trong cuộc di tản ở nhiều nước trên thế giới năm 1975 cũng không mong có sự thù hằn dân tộc. Hầu hết họ thừa nhận rằng, Việt Nam không thể chia cắt mà phải thống nhất. Những người cộng sản, những người yêu nước mạnh mẽ đã đứng lên thống nhất đất nước. Tôi cho rằng, nhìn thẳng vào sự thật lịch sử là cách tốt nhất để hòa giải với quá khứ" — Thiếu tướng Lê Mã Lương chia sẻ.
Đánh giá cao những thông tin mà các nhà khoa học đã thể hiện trong bộ thông sử lớn nhất từ trước đến nay, nguyên Giám đốc Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam cho rằng, việc này còn thể hiện tinh thần dũng cảm, có trách nhiệm với dân tộc, với Tổ quốc. Theo ông, lịch sử Việt Nam hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, kháng chiến chống giặc ngoại xâm từ thời khởi thủy cho tới thời đại Hồ Chí Minh, nhiều vấn đề của lịch sử cho đến nay vẫn chưa khai mở. Có những vấn đề nhiều dư luận cho là nhạy cảm, tế nhị chưa được làm rõ, nhưng cũng có những vấn đề còn "khoảng trống" lớn, rất khó lấp đầy bởi rất ít tư liệu.
Không để cuộc chiến tranh biên giới 1979 bị chìm lấp
Là người từng chiến đấu trong cuộc chiến biên giới phía Bắc năm 1979, hơn ai hết, ông hiểu rõ bản chất sự thật lịch sử khách quan. Vì vậy, ông rất đồng tình khi bộ sách chỉ đích danh cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc là "cuộc chiến tranh xâm lược" của Trung Quốc đối với Việt Nam, bởi đó là một thực tế lịch sử không ai có thể bác bỏ.
"Lịch sử là lịch sử, chúng ta không có quyền quên lãng nó, không có quyền bóp méo nó và cần phải làm rõ để thế hệ sau tự hào về lịch sử cha ông mình. Khi chiến tranh giải phóng đất nước kết thúc, chúng ta đã bước vào cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc rất đĩnh đạc. Mặc dù phải chịu tổn thất lớn, nhưng chúng ta đã anh dũng chiến đấu để giữ trọn vẹn vùng đất, vùng trời, biên cương, hải đảo của Tổ quốc. Khi nói đến sự kiện 1979, chúng ta phải rạch ròi, không thể lẫn lộn, không thể để cuộc chiến tranh ở biên cương Tổ quốc vĩ đại như thế bị chìm lấp" — Thiếu tướng Lê Mã Lương xúc động nói.
Với sứ mạng cao cả của sử học là làm thế nào viết nên những trang sử tôn trọng sự thật khách quan, dựa trên những cứ liệu khoa học, hơn chục năm qua, những nhà khoa học của Viện Sử học luôn trăn trở, tìm tòi, nhìn nhận và đánh giá khách quan, trung thực lịch sử dân tộc để không những người Việt Nam mà còn bạn bè thế giới hiểu đúng, đánh giá đúng bản chất lịch sử, ngăn chặn những luận điệu xuyên tạc.
Khi bộ sách Lịch sử Việt Nam (15 tập) được giới thiệu trước công chúng đã tạo ra cơn "sốc" trong dư luận, thậm chí ở góc độ khác đó còn là một sự đột phá, không chỉ giới khoa học, các tướng lĩnh mà đông đảo quần chúng nhân dân đều quan tâm. Qua bộ sách, nhiều người mới biết rõ về sự kiện 1979, về chiến tranh biên giới Tây Nam là khi quân Khmer đỏ đánh chiếm dọc biên giới, chiếm một số đảo ở Phú Quốc và một số đảo khác, quân đội Việt Nam đã chiến đấu để bảo vệ dân, giữ vững mảnh đất biên cương của Tổ quốc. Và khi nước bạn phát động cuộc chiến tranh, đồng thời kêu gọi sự giúp đỡ của Việt Nam, vì tình bạn quốc tế cao cả, quân đội Việt Nam đã tình nguyện sang giúp không chỉ trong 1,2 ngày mà ở giúp bạn đến 10 năm mới trở về.
Theo vị tướng quân đội, khi những công trình nghiên cứu được đánh giá là thành tựu của sử học thì những sự kiện trong đó phải được thể hiện trong sách giáo khoa. Đây là một việc tất yếu. Bởi chỉ có đưa vào chương trình giảng dạy từ phổ thông đến đại học thì công trình nghiên cứu mới có sức lan tỏa trong đại chúng, đồng thời trang bị cho học sinh thông tin đầy đủ, nhận thức đúng đắn và bồi dưỡng lòng yêu nước cho các em.
 "Nhìn nhận lại lịch sử để thế hệ trẻ hiểu thấu đáo nó, tự hào về nó và làm sao tránh được chiến tranh xảy ra, đồng thời các em cũng ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với sự hy sinh cao cả của cha ông vì khát vọng độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc" — Thiếu tướng Lê Mã Lương chia sẻ.
Nguồn: VOV

Thiếu tướng Lê Mã Lương những điều chưa biết



(HQ Online)- Tôi tìm đến ngôi nhà số 56, ngõ 580, đường Trường Chinh, Hà Nội trong một buổi chiều mưa lạnh. Đón tôi là vị Thiếu tướng, người lính năm xưa từng nổi tiếng với câu nói: “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến chống quân thù”, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam Lê Mã Lương.
Thiếu tướng Lê Mã Lương
Trong gian phòng ấm cúng, tôi đã được nghe ông chia sẻ thật nhiều điều về những năm tháng chiến đấu nơi chiến trường Quảng Trị đầy khốc liệt cùng biết bao niềm mong mỏi, tâm tư…
Bi…
Năm 17 tuổi khi vừa rời ghế nhà trường, chàng trai trẻ Lê Mã Lương đã có quyết định quan trọng nhất của cuộc đời mình. Đó là gác lại bút nghiên, từ bỏ giấc mơ vào đại học và đến với chiến trường bằng tất cả sự hăm hở, nhiệt huyết cùng niềm tin mãnh liệt.
Nhập ngũ cuối năm 1967, trải qua cuộc huấn luyện ngắn, đầu năm 1968 anh đã bắt đầu bước vào cuộc chiến đấu sinh tử trên trục đường 9, cái làn ranh giới chết người giữa Lào và Việt Nam. Không một chút sợ hãi, đắn đo, người lính trẻ ấy gọi sự đối mặt đó là niềm may mắn, may mắn bởi đã nhanh chóng được làm điều mà mình mơ ước, dốc hết sức cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước.
Hồi tưởng lại quá khứ, anh hùng Lê Mã Lương như đang trở về với những ngày tháng chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Ông kể rằng từ năm 1968 đến cuối năm 1973, là chiến sỹ của Sư đoàn 304 hàng ngày giáp mặt với kẻ thù, ông không thể nào quên nổi cuộc đọ sức ác liệt giữa ta và địch cùng biết bao đau thương mất mát trên mảnh đất ấy.
Ở Quảng Trị không một ngày nào không có tiếng súng nổ, không một ngày nào không có người ngã xuống. Mỹ đã điều động vào chiến trường này những đội quân tinh nhuệ nhất, những thiết bị tối tân nhất nhằm đè bẹp ý chí chiến đấu của ta. Cuộc giằng co khốc liệt giữa ta và địch khiến cho mảnh đất cằn giống như một cái “cối xay thịt khổng lồ”. Chính tại nơi đây, hàng vạn cán bộ, chiến sỹ của ta đã hy sinh, nhiều cơ sở cách mạng bị phá vỡ.
Máu đã thấm đen vào đất, sương người rải trắng mọi nẻo đường. Đến Quảng Trị, cầm một nắm đất đặt trong lòng bàn tay, người ta có thể cảm nhận thấy vô vàn mảnh kim khí, bom đạn còn sót lại, lẫn trong đó còn có máu xương của bao đồng đội mãi mãi chẳng trở về. Thế mới hình dung được phần nào sự ác liệt của chiến tranh, sự đau thương mất mát vô bờ bến không gì bù đắp nổi.
và hùng…

Khi nghe thông tin gần đây Ban Cán sự Đảng bộ Bộ Tài chính phát động cán bộ công chức toàn ngành Tài chính quyên góp để “Chung tay, góp sức nâng cấp xây dựng khu hành lễ Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9”, ông đã hồ hởi chia sẻ: “Tôi cho rằng đó là một nghĩa cử rất cao đẹp. Để tôn vinh những con người đã xả thân vì sự nghiệp cách mạng rất cần những hành động thiết thực như thế. Đây là điều đáng làm, đáng hoan nghênh, thể hiện được truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Làm cho những người đã khuất chính là làm cho chúng ta hôm nay và cho những thế h đặc biệt là gần dịp kỉ niệm 40 năm giải phóng Quảng Trị (1-5ệ mai sau”. Ông cho biết thêm, ông rất hy vọng trong thời gian tới,-2012), đến với Nghĩa trang Liệt sỹ Đường 9 toàn thể mọi người sẽ thấy được sự trang trọng, đầm ấm hơn.

Trong 6 năm chiến đấu thì bị thương tới ba lần, ngay trong lần đầu tiên vào năm 1968 đã bị hỏng bên mắt trái, vậy mà người lính trẻ ấy vẫn không từ bỏ mục đích của mình. Sau thời gian chữa trị, anh nhanh chóng xin quay trở lại đơn vị chiến đấu nhưng vấp phải sự phản đối của tất cả mọi người.
Không nản lòng, hàng ngày người ta thấy Lê Mã Lương chăm chỉ luyện tập. Anh rèn từ những điều nhỏ nhất như cách nhìn trong khói lửa, rồi rèn mang vác từ 10kg, 15kg rồi đến 20kg. Làm sao để khi trở lại mình không là gánh nặng cho anh em, Lê Mã Lương đã luôn tâm niệm như thế. Và cuối cùng sự quyết tâm, tính kiên định của anh đã chinh phục được toàn thể mọi người, anh trở lại đơn vị để tiếp tục “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.
Là con của một liệt sỹ, lại bị thương nặng trong trận chiến, lẽ ra Lê Mã Lương có thể rời khỏi nơi đầy khói lửa bom đạn để trở về viết tiếp ước mơ vào giảng đường đại học của mình. Không lựa chọn con đường bằng phẳng đó, người lính ấy tâm sự rằng “bị thương nhưng tôi còn khả năng, còn có thể cống hiến thì tôi vẫn muốn tham gia chiến đấu. Trong tôi lúc đó có cái gì luôn thôi thúc, luôn giục giã khiến tôi không thể lùi về tuyến sau. Tôi đã chọn con đường khó khăn hơn để đi và tôi luôn nghĩ rằng mình đã lựa chọn đúng”.  
Với tất cả những gì đã cống hiến, những chiến công lập được, ngày 20-9-1971, Lê Mã Lương được tuyên dương Anh hùng khi mới vừa tròn 21 tuổi. Anh là một trong những anh hùng trẻ tuổi nhất cả nước.
Giữa miên man câu chuyện, Thiếu tướng Lê Mã Lương không khỏi xúc động khi nhắc tới kỉ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời binh lửa của mình. Đó là trận đánh ngày 25-2-1971 trên trục đường 9. Trưa hôm đó, đơn vị của ông nhận lệnh chặn một đoàn xe tăng, xe thiết giáp của địch đang từ bản Đông đi về Lao Bảo.
Là người chỉ huy trận đánh, ông đã phân công đội hình chặn đầu và khóa đuôi không để lọt xe của địch. Trận chiến đang diễn ra ác liệt thì ông nhận được báo cáo chiến sỹ Trần Văn Tẩy bị thương nặng. Quê ở Hà Tây, da ngăm đen cao lớn, từng bắn súng B40 giỏi nổi tiếng cả Sư đoàn 304, Trần Văn Tẩy còn gây ấn tượng bởi sự ương ngạnh và khó bảo đến mức ngay cả Trung đoàn trưởng cũng phải ái ngại đôi phần. Ấy thế mà Tẩy lại rất nể phục và lắng nghe chính trị viên Lê Mã Lương.
Vị Thiếu tướng Anh hùng bao năm ngang dọc trên chiến trường bùi ngùi kể lại khi nhìn thấy mảnh đạn xuyên qua một bên trán của Tẩy, máu tràn ra lênh láng, ông lập tức ra lệnh y tá tiêm mũi trợ tim. Vậy mà Tẩy gạt đi và nói trong tiếng thều thào rằng Tẩy biết mình không qua khỏi, hãy dành mũi tiêm đó cho anh em. “Tẩy xin lỗi vì nhiều lúc làm cho tôi phiền lòng.
Tự nhiên nước mắt tôi ứa ra, Tẩy nói rất thật, lời trăn trối xuất phát từ tận đáy lòng trước khi bước vào cõi vĩnh hằng. Trong tiếng đạn nổ rầm vang lúc đó, tôi bỗng nhận ra cái anh hùng của người lính Cụ Hồ là như thế. Nó lóe sáng giữa làn bom đạn, nó bình thường, giản dị mà vô cùng cao quý”. 
“Làm cho người đã khuất là làm cho người sống hôm nay”
Chiến tranh đã lùi xa nhưng Anh hùng Lê Mã Lương chưa bao giờ quên những năm tháng chiến đấu, những người đồng đội cùng chia lửa một thời với mình. Đã phải đến mười mấy lần ông trở về Quảng Trị với nhiều lý do khác nhau. Có lần thì đi cùng một vài đồng đội để tìm lại thi thể anh em và quy tập vào những nghĩa trang lớn. Có lần thì trở lại chiến trường xưa để giúp địa phương xác định, lập bia di tích, tôn tạo và bảo tồn những di tích.
Điều đặc biệt là đã về Quảng Trị bao giờ ông cũng ghé thăm Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9. Đó gần như là một nguyên tắc, một cái lệ bất thành văn. Ông nói đi thăm đồng đội nên lúc nào cũng cảm thấy nhẹ nhõm, thanh thản. Dường như bao nhiêu lo toan, mệt nhọc của cuộc sống thường ngày đều tan biến hết.
Tuy nhiên, cũng có lần thắp hương xong ông lại cảm thấy như mình có lỗi, tự lục vấn lương tâm bởi dường như vẫn còn những lời hứa chưa hoàn thành, những tâm nguyện chưa trọn vẹn. Một trong những trăn trở đó là cho tới tận bây giờ ông vẫn chưa làm được gì nhiều để giúp anh em có một chỗ yên nghỉ khang trang, đẹp đẽ hơn.
Những sẻ chia gan ruột, những mong mỏi xuất phát từ tận đáy lòng của vị Anh hùng ấy cũng chính là những điều mà cả xã hội đều quan tâm. Xin chúc cho vị tướng tài luôn có một sức khỏe dồi dào, chúc cho những dự định, mong muốn của ông sớm trở thành hiện thực.
Thanh Nguyễn
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét