Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2018

GIAN NAN TÌNH NGƯỜI 9

-Thường, để nói lên sự tàn ác của một con người, chúng ta hay so sánh: "Ác như dã thú!", hay: "Man rợ như thú vật!".
-Nói như thế là hoàn toàn sai, là vu oan giá họa cho động vật hoang dã. Động vật hoang dã không thể hành động ác hơn hay thiện hơn loài người được.
-Vì loài vật sống thiếu tư duy, hành động của chúng hầu hết theo bản năng, thiếu tính ý chí, nên tính "tội ác", "man rợ", "ghê rợn" cũng thể hiện lờ mờ, không rõ ràng và hầu như chỉ là sự vô thức, vô tình.
-Loài người có trí khôn, tình cảm đã trở nên sâu sấc, hành động có ý chí, có hoạch định nên tính "tội ác", "man rợ" và "ghê rợn" cũng thể hiện nổi bật, rõ ràng hơn hẳn loài vật.
-Nếu bản tính thiện - ác thể hiện ra ở hoạt động sống của loài vật chỉ là sự giả tạo, chỉ là sự gán ghép của loài người cho chúng, thì ở loài người, bản tính thiện - ác ấy là hiện thực, thể hiện thường xuyên trong hoạt động sống của con người, hun đúc nên tính cách đặc thù ở con người, chỉ loài người mới có
-Nhân tính như một tấm huân chương có hai mặt tương phản nhau. Mặt phải thường được qui ước là "thiện" và mặt trái là "ác".
-Do tình cảm đã trở nên sâu sắc nên hoạt động tinh thần, thể hiện "hỉ, nộ, ái, ố" của con người cũng hơn hẳn con vật, tùy điều kiện, hoàn cảnh mà có thể phát triển đến trạng thái cực đoan: "thiện" đến tột cùng "thánh thiện" mà "ác" cũng hết cỡ "ác quỉ".
-Như vậy, rõ ràng loài người tốt hơn loài vật bao nhiêu thì cũng có thể xấu hơn loài vật bấy nhiêu! 
-Một con người, được định nghĩa là xấu hay tốt, hiền hay ác trong khoảng thời gian nhất định hay suốt cuộc đời, tùy thuộc vào điều kiện hoàn cảnh đưa đẩy mà mặt nào trong hai mặt tương phản đó của nhân tính thể hiện nổi trội, lấn át.
--------------------------------------------------------------

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
RANH GIỚI TRẮNG ĐEN | Kỳ 11 | Ly Rượu Độc

Gian nan hoạn nạn và câu chuyện về tình bạn

Trong cuộc sống đôi khi chúng ta nên làm phép thử để thử lòng những người ta đã giúp, những người ta thân thiết để biết được họ có thực lòng hay không.
Nhân sinh cảm ngộ: Gian nan hoạn nạn mới biết được lòng người
Có câu rằng: “Lúc gian nan hoạn nạn mới hiểu được lòng người!” Cuộc đời chính là như thế, thông thường chỉ khi rơi vào khó khăn, bế tắc, chúng ta mới biết được ai thực sự là bạn, là người yêu thương, là người thân của mình.
Khi bạn thiếu tiền, người thực sự giúp bạn, hỏi có được mấy người?
Người bạn quen có thể là rất nhiều, người bạn biết cũng là rất nhiều, nhưng người có thể thực sự giúp đỡ bạn khi khốn khó hỏi được bao nhiêu?
Không cần biết rằng bạn từng chơi với bao nhiêu người, chỉ xem khi bạn khó khăn có bao nhiêu người vẫn ở bên bạn?
Ngẫm nghĩ một chút…Bạn sẽ phát hiện ra rằng, thực sự rất ít. Hàng ngày có thể cùng họ vui chơi, ăn uống vui vẻ với nhau, nhưng khi có việc thì họ không nhất định có thể giúp đỡ bạn. Đó là thực tế cuộc sống!
Vậy nên:
Bạn bè chỉ cần chất lượng, không cần số lượng. Giống như một xe khoai tây chất đầy, không bằng cầm theo một viên ngọc quý.
Người có một trái táo, sẵn lòng chia cho bạn một nửa, ấy chính là tình bạn.
Người có một trái táo nhưng chỉ cắn một miếng, còn lại dành hết cho bạn, ấy chính là tình yêu.
Người có một trái táo nhưng không ăn miếng nào, dành lại cho bạn hết, ấy chính là cha mẹ của bạn.
Trong hiện thực cuộc sống:
Người ta nói, nam nhân, chỉ có rơi vào bần cùng một lần, mới biết người phụ nữ nào yêu thương mình nhất.
Nữ nhân chỉ có xấu một lần, mới biết người đàn ông nào thực sự gắn kết với mình, sẵn sàng ở bên mình.
Con người chỉ có nghèo túng một lần mới biết được ai thực sự tốt, thực sự quan tâm đến mình.
Tình bạn, không phải có địa vị tiền tài mới đến bên nhau, quý trọng nhau. Trong tình yêu, không phải xinh đẹp mới quan tâm chăm sóc. Thứ mà thời gian lưu giữ lại, không phải tài phú, không phải vẻ đẹp, mà chính là sự chân thành.
Ở bên nhau lâu ngày, không nhất định sinh ra tình cảm, nhưng nhất định sẽ biết được lòng người! Con người luôn ở lúc sau khi mất đi thì mới nhận ra điều gì là tốt đẹp, đáng trân quý.
Giả khổ mượn tiền 9 người bạn thân, 7 người từ chối, 2 người còn lại nói rằng…
Người ta vẫn thường nói: “Gian nan mới hiểu lòng người”. Cuộc sống này, nếu như có được một người sẵn sàng đưa tay ra với bạn những lúc khó khăn nhất, thì đó chính là người bạn phải trân quý muôn phần.
Tháng trước, một người bạn tên Nam của tôi vì xảy ra chút vấn đề trong việc làm ăn nên anh đang cần gấp một số tiền. Khi anh gọi điện thoại cho tôi, tôi cảm thấy có chút kỳ lạ bởi vì quan hệ của chúng tôi chỉ dừng lại ở bạn bè thông thường mà thôi. Vì vậy, tôi có chút do dự.
Tôi nói: “Lát nữa tôi sẽ gọi lại cho anh nhé!”. Tôi suy nghĩ 10 phút rồi quyết định cho anh ta mượn số tiền đó.
Tuần trước, anh ấy đã đem tiền trả cho tôi, sau đó mời tôi đi uống trà.
Anh ta nói: “Anh đồng ý cho tôi mượn tiền thực sự là nằm ngoài dự đoán của tôi đó!”.
Tôi hỏi: “Tại sao vậy?”
Anh ta trả lời rằng: “Trước khi gọi cho anh tôi đã gọi 9 cuộc điện thoại, anh là người thứ 10. Khi anh nói một lát sẽ gọi lại cho tôi, tôi cho rằng mình cần phải gọi cuộc điện thoại thứ 11 rồi. Tôi dựa vào độ thân thiết mà gọi 10 cuộc điện thoại này, càng gọi về sau thì càng không có lòng tin. Vì vậy, lúc gọi cho anh thì tâm trạng của tôi chỉ là thử vận may mà thôi”.
Với chủ đề này mà chúng tôi đã bàn luận rất nhiều chuyện, cuối cùng anh tổng kết một câu: “Nếu không phải lần mượn tiền này, tôi còn tưởng rằng mình có rất nhiều bạn bè, bây giờ tôi mới hiểu thì ra tôi cô đơn đến như vậy”.
Mấy ngày sau tôi đều nghĩ về chuyện này. Sau đó tôi quyết định tìm hiểu xem rốt cuộc mình có cô đơn như người bạn đó của tôi không?
Trước khi bắt đầu, tôi đã gọi điện thoại nói cho người bạn đó biết về dự định của mình, anh cười và nói rằng: “Tôi khuyên anh vẫn không nên làm trò đùa này, nếu không chính nó sẽ khiến anh cảm thấy rơi từ Thiên đường xuống Địa ngục đó”.
Tôi chọn ra tên của những người mà tôi tự cho là thân thiết đang ở bên cạnh tôi hiện nay, những người này đều đang ở trong nước, những người ở nước ngoài tạm thời không cho vào.
Họ và tôi từ trước đến giờ chưa từng có sự vay mượn về tiền bạc và cũng không có liên quan gì đến công việc. Chúng tôi thường đi cùng nhau, hoặc là đi ăn cơm, hoặc là đi uống trà, hoặc là đến quán rượu. Tôi từng giúp họ trong những chuyện nhỏ nhặt rất nhiều lần, có 9 người bạn cùng chơi xưa nay. Vả lại với thực lực tài chính của họ thì cho mượn mấy triệu đồng chắc chắn không phải vấn đề gì to tát.
Tôi gửi tin nhắn với nội dung gần giống nhau cho từng người trong số đó: “Bây giờ em gặp phải một chút rắc rối, cần hỏi mượn anh ít tiền, em sẽ trả trong vòng một tháng. Nếu như được thì gọi cho em, không được thì gửi lại một tin nhắn, cũng không sao, em chờ câu trả lời của anh”.
Tôi gửi tin nhắn từ chiều hôm qua, chưa đến giờ cơm tối đã nhận được 7 tin nhắn và 2 cuộc điện thoại. Trong đó có một cuộc điện thoại gọi đến sau khi tôi gửi tin nhắn đi khoảng 20 phút, còn một cuộc điện thoại gọi đến sau khi tôi gửi tin nhắn đi khoảng hai tiếng rưỡi.
7 tin nhắn có nội dung như sau:
1. Tú: Thực sự xin lỗi! Hiện tại anh có chút khó khăn, thật đó, nếu không vấn đề của em chắc chắn không cần phải nói đâu. Em hỏi người khác xem sao, xin lỗi nha.
2. Nam: Tuần trước em vợ anh vừa mới hỏi mượn 33 triệu xong, tháng sau thì may ra anh mới có thể cho chú mượn, thực sự xin lỗi!
3. Hải: Thời gian này bản thân anh cũng rất khó khăn, cách đây không lâu anh chơi cổ phiếu đã thua rất nhiều tiền. Xin lỗi nha, nếu tình hình của anh mà ổn thì không thành vấn đề.
4. Khải: Thực sự xin lỗi, tiền của anh đều ở trong cổ phiếu hết rồi!
5. Thanh: Sao em lại phải mượn tiền vậy? Hôm qua anh mới cho người ta vay 33 triệu, cho vay lấy lời, em lại không nói sớm hơn. Xin lỗi nha, em nghĩ cách khác xem.
6. Sáu: Xin lỗi nhé, gần đây anh đổ tiền vào cổ phiếu hết rồi, trong tay không có tiền mặt, thật ngại quá.
7. Chính: Con trai anh khai giảng là phải chuyển đến trường học mới, khai giảng là phải đóng 11,5 triệu. Thực sự anh không thể nào giúp em, mong em thông cảm.
Cuộc điện thoại là do người bạn Kiên và Tuấn gọi đến.
Cuộc điện thoại đầu tiên:
Kiên: Alô, em phải không?
Tôi: Chào anh, là em đây!
Kiên: Em làm sao vậy hả? Sao có vài triệu đồng cũng phải mượn hả? Em xảy ra chuyện gì vậy?
Tôi: Không xảy ra chuyện gì cả, tiền của em cho người khác vay, hiện giờ chưa lấy lại được. Em trai em có chút việc nên cần dùng gấp.
Kiên: Không có chuyện gì là tốt rồi. Em đang ở công ty hả?
Tôi: À, vâng.
Kiên: Con trai anh đi học bị xe đạp của người ta đâm trúng, chân bị gãy xương, anh đã mấy ngày không đi ra ngoài rồi.
Tôi: Hả? Con trai anh gãy xương sao không nghe nói vậy? Anh cần giúp đỡ không?
Kiên: Anh xin nghỉ phép một tuần rồi, công ty của vợ anh lại không cho nghỉ phép. Anh đang định tuần sau kêu mẹ anh đến giúp chăm sóc con. Thôi, giờ đọc số tài khoản ngân hàng của em cho anh đi, anh bảo vợ anh ngày mai đi làm chuyển khoản cho em.
Cuộc điện thoại thứ hai:
Tuấn: Alô, cậu hả, tớ đây, bây giờ cậu đang ở đâu?
Tôi: Tớ đang ở công ty.
Tuấn: Ồ, tới vừa mới đến cửa hàng, tiền có sẵn đây, tớ mang qua cho cậu hay là cậu qua lấy?
Tôi: Sao có thể để cậu mang đến đây chứ. Như vậy đi, lát nữa tớ qua chỗ cậu lấy.
Tuấn: Vậy cậu gửi số tài khoản cho tớ, bây giờ tớ sẽ chuyển qua cho cậu.
Tôi: OK
Buổi tối, anh Nam lại cùng tôi đến quán rượu và cả hai chúng tôi than thở. Tôi nói với anh: “Hai người bạn cho em mượn tiền đó ngày thường chưa từng làm phiền em bất cứ chuyện gì; những người bạn còn lại thì động một chút là làm phiền em, lúc thì là vấn đề về máy tính, lúc thì là vấn đề cổ phiếu, lúc thì là vấn đề đầu tư…”
Anh hỏi tôi: “Em có nói cho hai người bạn cho em mượn tiền biết sự thật không?”
Tôi nói: “Tất nhiên là không rồi”.
Anh cười xong rồi nói đùa: “Bắt đầu từ bây giờ, em chỉ có hai người bạn đó thôi”.
Tôi không nhớ là đã từng đọc cuốn sách gì nhưng hình như có một câu nói như vậy: “Người đã từng giúp đỡ bạn thì mãi mãi sẽ giúp đỡ bạn, nhưng người bạn từng giúp đỡ thì chưa chắc”.
Tôi cũng cười, nhìn bâng quơ một chút rồi nói rất nhạt nhẽo: “Trong lòng hiểu rồi, ngoài miệng không nói ra, cũng không có gì là không tốt. Như vậy sau này thực sự gặp phải khó khăn, sẽ biết nên tìm người nào giúp đỡ, không phải phí sức cầu xin một số người không đáng tin cậy. Trong lòng mình buồn, trong lòng người ta xấu hổ, còn làm lỡ mất chuyện. Biết được người bạn nào có thể chơi cùng nhau, biết được người bạn nào có thể nhờ cậy.
Đối với những người bạn có thể chơi cùng thì ngày thường cùng nhau vui vẻ, không dùng việc riêng để làm phiền đến họ; đối với những người bạn có thể nhờ cậy, thì phải đối xử tốt với họ. Đừng tưởng là tôi nhiều bạn bè, người thực sự có thể nhờ cậy chỉ có vài người mà thôi”.
Có câu nói rằng: “Yêu quý những người bạn mà mình có thể tin cậy, cố gắng khiến mình trở thành người bạn mà người khác có thể nhờ cậy, như vậy, mới có thể cắm rễ trong thành phố này”.
Thật ra, trước đây tôi từng đọc qua câu nói này. Hình như câu nói đó bắt nguồn từ câu chuyện nhờ giúp đỡ của một thương gia người Do Thái, tôi cũng cho rằng câu nói này rất có lý. Rốt cuộc thế nào mới là bạn bè? Tôi cảm thấy vài câu nói dưới đây có thể minh họa điều này rất đúng:
1. Khi bạn bè tốt ở cùng nhau, đôi khi tâm sự rất nhiều, thậm chí không muốn ngừng lại. Tuy nhiên, dù không có gì để nói, họ vẫn cảm thấy thân thiết, không ngượng ngùng.
2. Bạn bè chính là người đã nhìn thấu con người bạn, mà vẫn bằng lòng chơi với bạn.
3. Bạn bè chính là người đến thăm bạn không vì bất cứ lý do gì.
Cho dù nhân duyên của bạn có tốt đến mấy thì người có thể giúp đỡ bạn trong lúc bạn gặp khó khăn chỉ có một số ít mà thôi. Người bạn thực sự chính là người có thể cùng bạn vượt qua lẻ loi, cô độc và sự im lặng.
Tổng hợp
Nguyễn Tâm

Gian nan hành trình truy nã và thức tỉnh tội phạm
Truy bắt, truy nã là cuộc hành trình dài đầy khó khăn và nguy hiểm. Tuy nhiên tội phạm cũng là một con người, sâu thẳm trong họ vẫn có sự lương thiện. Bên cạnh việc quyết liệt truy bắt thì với những biện pháp tâm lý, dùng tình cảm, lý lẽ để thuyết phục đối tượng ra đầu thú, hưởng sự khoan hồng của pháp luật, cũng là một nét nhân văn đầy tình người của lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm.

Hành trình truy bắt tội phạm

Tiếp xúc với các trinh sát truy nã tội phạm Cục Cảnh sát truy nã (C52) những ngày cuối năm, chúng tôi mới thấy được, đằng sau những vụ án đã ­xét xử được đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng là hành trình truy bắt tội phạm đầy gian nan, nguy hiểm để buộc chúng phải ra đứng trước vành móng ngựa. Bởi các đối tượng truy nã thường là những tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm, nếu bị bắt sẽ phải chịu mức án rất nặng, có thể chung thân hoặc tử hình. Vì thế, chúng rất manh động, sẵn sàng chống trả lại lực lượng truy bắt.

Nói là vậy, nhưng khi đề nghị được viết về những hành trình truy nã khó khăn, gian khổ, các anh lại đề nghị chỉ kể về công việc, nghe chừng đơn giản nhưng cũng khiến người nghe phải suy ngẫm. Kể về lần bắt truy nã gần đây là đối tượng Bùi Đăng Đức, 50 tuổi, trú tại Hàng Bạc, Hà Nội, một đối tượng rất manh động, có đầy tiền án tiền sự. Các trinh sát cho biết, Đức nằm trong đường dây ma tuý của Sa Văn Cầu, thường xuyên vận chuyển heroin sang Trung Quốc, qua vùng biên tỉnh Quảng Ninh để tiêu thụ, số ít tiêu thụ ở trong nước. Hắn mua được khẩu súng ekolt của Đức  60 triệu, luôn thủ trong người, sẵn sàng tiêu diệt bất cứ ai tố cáo hắn và lực lượng Công an truy lùng. Vì vậy các trinh sát luôn phải rất cẩn thận khi tiếp cận. Phòng PC47 Công an tỉnh Quảng Ninh cũng đã nhiều lần truy bắt Đức nhưng không thành công.


Thiếu tướng Nguyễn Dĩnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát truy nã tội phạm
trao thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.

Sau một thời gian dài dày công truy tìm, Cục C52 lập chuyên án tập trung truy bắt. Một tổ trinh sát Phòng 4, không kể ngày đêm, nắng mưa kiên trì tiếp cận với hàng xóm khu vực nơi Đức sinh sống để nắm thông tin. Qua một thời gian, trinh sát xác định được thông tin là cứ hôm nào trời mưa, sẩm tối là vợ Đức đưa con bắt taxi đi đâu không rõ, 2 - 3 ngày sau mới trở về. Trước khi đi, vợ hắn mua sắm rất nhiều vật dụng sinh hoạt, nên khả năng đi thăm Đức là rất cao.

Một hôm có tin trinh sát báo về, vợ Đức chuẩn bị đi thăm chồng, một tổ công tác tìm cách tiếp cận, nhưng khi đến gần nhà thì biết vợ con Đức đã đi mất. Nhận định vợ con Đức sẽ hướng về Giáp Bát, tổ công tác lập tức lên đường. Phát hiện vợ con đối tượng đứng ngoài đường bắt xe, trinh sát liền bám theo. Lúc đầu ngỡ mẹ con chị ta sẽ về Ninh Bình, trinh sát đã liên lạc với Công an địa phương sẵn sàng tiếp ứng, nhưng đến Hà Nam, vợ con Đức bất ngờ xuống xe. Tổ công tác buộc phải thay đổi kế hoạch, thông báo cho Công an Hà Nam phối hợp, đồng thời cũng xuống xe để tiếp tục đeo bám.

Khi xác định được nơi đối tượng Đức lẩn trốn là một xóm trọ, trinh sát tiếp cận nơi Đức ở, nhưng khi vào đến nơi, Đức đã chở vợ con đi mất. Qua tìm hiểu, trinh sát được biết Đức và một bạn tù khác đóng giả là cán bộ đo đạc địa chất thuê trọ để tránh bị phát hiện. 2 trinh sát được bố trí ở lại khu trọ tiếp tục theo dõi, nắm thông tin, đồng thời tổ công tác tìm gặp chủ nhà để vẽ lại toàn bộ sơ đồ khu trọ, đề nghị chủ nhà cộng tác, lên phương án bắt giữ đối tượng, đảm bảo không bị lộ và tuyệt đối an toàn cho những người ở trọ xung quanh. Buổi tối, khi Đức về nhà, mọi sinh hoạt trong xóm diễn ra bình thường nhưng thực tế các trinh sát đã giám sát chặt chẽ, bố trí đủ lực lượng và chờ khi Đức lên giường đi nghỉ, các trinh sát ập vào bắt giữ, khoá tay hắn lại khiến hắn không kịp trở tay, dù súng đã lên đạn, trước sự ngạc nhiên, bất ngờ của những người xung quanh.

Hành động nhân văn, lương tâm thức tỉnh

Việc truy bắt đối tượng truy nã luôn đầy gian nan, nguy hiểm không chỉ cho lực lượng truy bắt mà cả những người dân xung quanh. Vì vậy, trong những biện pháp nghiệp vụ, vận động đầu thú luôn được coi trọng thực hiện. Đó là biện pháp của lực lượng Công an, dùng nghệ thuật đánh vào lòng người, đánh vào ý chí lẩn trốn của đối tượng,  đánh vào ý chí che giấu đối tượng của gia đình đối tượng bị truy nã; thức tỉnh lương tri tội phạm, giúp cho đối tượng nhận thức được hành vi phạm tội của mình, để từ đó ăn năn, hối cải, đầu thú, thành khẩn khai báo và cải tạo tốt, trở về sống lương thiện trong cộng đồng.

Kể về một lần vận động truy nã như vậy, trinh sát cho biết: Năm 2011, C47 và Công an tỉnh Quảng Ninh đã phá thành công chuyên án ma tuý lớn nhất cả nước thời điểm đó, bắt hàng trăm đối tượng, hàng nghìn bánh heroin và ma tuý tổng hợp. Trong vụ án này, các đối tượng câu kết rất chặt chẽ tạo thành một mạng lưới vận chuyển, mua bán ma túy xuyên quốc gia.


Đối tượng trốn truy nã người Trung Quốc đang khai báo với cơ quan chức năng Trung Quốc và Công an Việt Nam.

Theo đó, Nguyễn Tuấn Anh, trú tại Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc là đại lý cấp 1 trong đường dây của Nguyễn Thanh Tuân cùng vợ là Vũ Thị Thanh Hiền cầm đầu đã trốn thoát. Xác định đây là đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm, lãnh đạo Cục C52 chỉ đạo Phòng 4 triển khai nhiều tổ truy tìm đối tượng. Qua bám sát nắm tình hình, tổ công tác biết được Tuấn Anh có vợ là Vũ Thị Hường đang làm giáo viên tại Vĩnh Tường. Sau khi Tuấn Anh bỏ trốn, Hường đưa hai con trai về nhà mẹ đẻ ở thành phố Tuyên Quang mở một siêu thị gia đình để sinh sống. Sau khi vào gặp bố mẹ đẻ Tuấn Anh, ông bà cho biết, từ khi bỏ trốn, Tuấn Anh không liên lạc về nhà, tổ công tác quyết định lên kế hoạch về Tuyên Quang để gặp vợ Tuấn Anh.

Với nhiều biện pháp nghiệp vụ, sau vài giờ đồng hồ hỏi han, chuyện trò, trinh sát dần lấy được tình cảm và niềm tin của Hường. Tuy nhiên, vốn là một người phụ nữ thông minh, sắc sảo, Hường nhanh chóng đoán được anh không phải là khách vào mua hàng. Lúc này, trinh sát Phòng 4 C52 cũng tự giới thiệu mình là Công an đang truy tìm Tuấn Anh, vì không muốn làm hàng xóm, gia đình biết chuyện nên gặp Hường trực tiếp để nắm thông tin.

Trong câu chuyện, biết Hường hay đau đầu, trinh sát đã động viên cô xuống Hà Nội khám bệnh và sẽ nhờ bạn bè giúp đỡ. Bên cạnh đó, trinh sát còn phân tích lí lẽ để Hường hiểu, Tuấn Anh đang là đối tượng bị truy nã, truyền hình, báo chí đều đã đưa tin, cả nước đều biết đến, nếu bị bắt sẽ phải lĩnh án tử hình. Trong thời gian trốn chạy, sẽ không được công khai gặp gỡ gia đình, vợ con. Nếu Tuấn Anh đầu thú, sẽ được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ, sớm trở về cộng đồng để làm lại cuộc đời. Lúc đầu, Hường định không đi khám bệnh nhưng nhờ sự động viên, khuyên nhủ của anh em trinh sát nên Hường lại đổi ý.

Vài ngày sau, khi Hường xuống Hà Nội, một số anh em trinh sát ra bến xe đón Hường và tận tình đưa đi khám bệnh khiến cô rất cảm động. Biết mình không có bệnh gì nghiêm trọng, Hường vui vẻ về gặp trinh sát, cô cũng thành thật khai nhận, Tuấn Anh có liên lạc về và thi thoảng, Hường vẫn đi thăm chồng. Cô hứa sẽ vận động Tuấn Anh ra đầu thú và hỗ trợ các chiến sĩ hết mình để mong chồng được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Ngay khi Hường cung cấp số điện thoại của Tuấn Anh, trinh sát yêu cầu Hường gọi điện bảo Tuấn Anh điện thoại trực tiếp cho trinh sát. Ít hôm sau, Tuấn Anh gọi điện cho trinh sát đúng số mà Hường cung cấp. Lúc đầu, Tuấn Anh không tin các trinh sát biết mình đang ở Phú Thọ, nhưng sau khi được phân tích, khuyên nhủ, nhất là khi bị nói đúng khu vực hắn đang ở, thậm chí còn biết rõ hắn đang sống cùng với ai, nếu không ra đầu thú mà bị bắt, người thân sẽ bị ảnh hưởng thế nào, thì Tuấn Anh mới giật mình và xin với trinh sát cho hắn một tuần nữa để ra đầu thú. Ngày Tuấn Anh ra đầu thú, hắn ngỏ ý muốn được gặp vợ con và qua nhà gặp cha mẹ. Các cán bộ Phòng 4 đã tạo điều kiện cho Tuấn Anh gặp vợ con, gia đình.

Sau bao tháng ngày trốn chạy, sống chui lủi, nay được gặp lại gia đình, Tuấn Anh và gia đình đều rất cảm động. Khi về đến Hà Nội, Tuấn Anh đã tâm sự với các trinh sát rằng: "Bây giờ em mới thanh thản, ngồi trên xe được ngủ một giấc ngon lành mà chẳng phải lo lắng gì". Sau này, Tuấn Anh thực sự thay đổi, góp phần đắc lực giúp lực lượng Công an triệt phá thành công toàn bộ chuyên án.

Phối hợp biện pháp vận động đầu thú cùng với các biện pháp nghiệp vụ truy bắt khác, các cán bộ Cục C52 đã và đang hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Lưới trời lồng lộng, dù các đối tượng phạm tội có thủ đoạn, xảo quyệt đến đâu, chúng cũng không thoát khỏi vòng vây của các trinh sát dày dạn kinh nghiệm. Đầu thú là cách duy nhất để phạm nhân được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, nhanh chóng được trở về gia đình, xã hội để làm lại cuộc đời.

Năm 2014, lực lượng Công an đã bắt, vận động 7759 đối tượng truy nã, trong đó có 2111 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Riêng Cục C52 đã bắt, vận động đầu thú 507 đối tượng, trong đó có 242 đối tượng đặc biệt nguy hiểm. Đã có 80 lượt tập thể, cá nhân nhận được khen thưởng, trong đó có 1 Huân chương Chiến công hạng Ba; 3 tập thể được tặng Bằng khen của Chính Phủ; 5 tập thể, cá nhân được Bộ Công an tặng Bằng khen; 10 tập thể, 19 cá nhân được Tổng cục VI tặng giấy khen. C52 tặng Giấy khen cho 3 tập thể, 32 cá nhân. 5 đồng chí được tặng Bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh và Giám đốc Công an tỉnh.

Nguồn: cand,.com.vn

Gian nan như... làm người tốt

Lòng tốt của con người là đáng quý, nhưng nếu vấp phải quá nhiều sự nghi ngờ biết đâu họ sẽ phải e dè hơn khi thể hiện lòng tốt của chính mình.
Từ hôm qua đến nay, hình ảnh cô bán thịt heo ở Hải Phòng ngồi thẫn thờ bên cạnh phản thịt bị té đầy dầu nhớt trộn phân lan truyền trên mạng xã hội. Nguyên nhân bởi cô bán rẻ hơn hàng bên cạnh và bị “dằn mặt”.
Ở Hà Nội, hai thanh niên đi ô tô, thấy một chị ngã xe nằm đường liền quay lại đưa nạn nhân đi cấp cứu và tìm cách báo cho người nhà. Hơn 1 giờ sau, cậu con trai nạn nhân đến viện và ngay lập tức hằm hằm tát bốp vào mặt cậu lái xe: Mày đi đứng kiểu đó à?
Tại TP.Hồ Chí Minh, một quán ăn đúng giờ đông khách, phải đón nhóm thực khách 4 người vào bàn, chỉ gọi 4 chai nước suối rồi mang đồ mang theo ra ăn uống. Sau gần 2 giờ, khi thanh toán, thấy bị tính giá dịch vụ cao bởi mang đồ ăn bê ngoài vào, nhóm khách này đã gây gổ náo loạn với nhân viên, khiến thực khách chạy tán loạn. Tìm hiểu ra, nhóm người này được một chủ nhà hàng gần đó thuê quậy phá đối thủ kinh doanh….
Gian nan như... làm người tốt - 1
(Ảnh minh họa).
Còn nhiều câu chuyện tương tự đang xảy ra ở nhiều nơi trên khắp cả nước, khiến chúng ta không thể không suy nghĩ về tình người trong xã hội hiện nay. Có xa xỉ lắm không, khi mong ước một điều lẽ ra phải là sự đương nhiên trong cộng đồng xã hội?
Liệu rằng cuộc sống đua chen, xã hội đồng tiền có xóa nhòa ranh giới kẻ xấu và người tốt, cái mà người ta vẫn hay nhắc nhở nhau bằng hai chữ “tử tế”.
Tinh thần tương thân tương ái là nét đẹp bao đời của người Việt Nam. Vậy mà giờ đây, trên nhiều trang báo và mạng xã hội tràn ngập những câu chuyện làm người tốt thật khó.
Một người chạy xe ôm quanh khu vực Bệnh viện Từ Dũ, TP.Hồ Chí Minh kể mình cùng những người chạy xe ôm, vá xe ở đây thỉnh thoảng “thấy chuyện bất bình” cũng nhảy vào bênh vực, can ngăn nhưng điều họ nhận lại là sự hồ nghi của những người được giúp.
Bạn trẻ tên là Phạm Tuấn thì trăn trở mãi không tìm được câu trả lời vì sao một bà cụ anh gặp trên đường cứ từ chối không cho anh chở về nhà dù trời đang mưa.
“Cụ cứ đi về phía trước, tôi đạp xe tới gần cụ và mong muốn được chở cụ về nhưng bà cụ vẫn cứ không chịu và đi bộ trong mưa về nhà. Trên đường về, tôi vẫn không hiểu tại sao?”, anh Tuấn tự hỏi.
­­­­­­­Người có tâm tốt thật thì giúp người rất vô tư, chẳng hề nghĩ tới lợi ích của bản thân hay có ý đồ gì khác. Nhưng khi lòng tốt của mình bị đem ra làm đề tài bàn tán, soi mói... có lẽ người ta chẳng thể nào vui được, nhiều khi phải tự hỏi ngược lại mình rằng liệu làm như thế đúng hay sai, có thực sự tốt hay không?
Lòng tốt của con người là đáng quý, nhưng nếu vấp phải quá nhiều sự nghi ngờ biết đâu họ sẽ phải e dè hơn khi thể hiện lòng tốt của chính mình. Không ít người phải thốt lên: "Bây giờ, làm người tốt cũng gian nan quá", thế nhưng dù có ra sao đi nữa, xã hội không thể nào thiếu được họ.
Người tốt luôn vậy, một khi đã quyết tâm giúp người rồi thì họ cũng có đủ bao dung để thông cảm cho miệng lưỡi của những người chưa thực sự hiểu ý và cứ thế bước đi trên con đường làm việc thiện của mình.
Tôi vẫn thấy trên đường phố Sài Gòn, những thùng nước mát miễn phí phục vụ mọi người giữa trưa hè nõng rẫy. Tôi vẫn thấy những thùng bánh mì thiện nguyện được chuyển đến phục vụ bệnh nhân và người nhà ở các bệnh viện tại Hà Nội. Tôi vẫn thấy cộng đồng mạng kêu gọi, hỗ trợ người lái xe hơi bị hỏng xe giữa đêm vắng gần Đà Nẵng. Tôi vẫn thấy người dân cả nước đồng lòng góp sức giúp đỡ bà con vùng lũ, hay chung tay giải cứu nông sản cho nông dân mỗi khi được mùa rớt giá.
Tôi vẫn thấy và vẫn mong những câu chuyện về tình người, sự tử tế và những việc làm tốt xuất hiện nhiều hơn nữa trong mỗi chúng ta và cho xã hội. Cuộc đời này cần lắm những điều như thế.
                                                                                     
Gia Trung

Nỗi sợ hãi mang tên "Bất tuân luật pháp"

Những sự bất tuân luật pháp giống nhau, một cách có ý thức, khiến các câu chuyện trên trở nên đáng sợ hơn rất nhiều so với hậu quả mà nó gây ra.
Cùng thời điểm xảy ra vụ tai nạn giao thông ở Gia Lai, khi xe tải chạy ngược chiều với tốc độ hơn 100km/h đâm thẳng vào xe khách khiến 13 người tử vong, tại Hà Nội, một nhóm người thoải mái mang hung khí vào Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bình thản truy tìm đối phương trong số các bệnh nhân đang được cấp cứu để đâm chém.
Nỗi sợ hãi mang tên "Bất tuân luật pháp" - 1
Vụ tai nạn giao thông kinh hoàng làm 13 người chết, 32 người bị thương. 
Hai câu chuyện rùng mình xảy ra ở cùng thời điểm này có điểm gì chung? Đó là sự bất tuân luật pháp một cách có ý thức. Những nhân vật chính của sự kiện đều thực hiện hành vi bất tuân luật pháp của họ trong một trạng thái có ý thức.
Nhóm côn đồ ở Hà Nội hành động một cách có tổ chức, bình tĩnh xác định đúng đối tượng để ra tay.  Còn ở vụ tai nạn giao thông tại Gia Lai, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng: “Chạy hơn 20km với tốc độ cao, lại chạy ngược chiều như thế là rất không bình thường”.  
Nhưng người tài xế 27 tuổi đó đã có nhiều năm kinh nghiệm lái xe, được xác định không sử dụng ma túy, tức là hoàn toàn có đủ năng lực hành vi và hoàn toàn có thể không bị kích động một cách bất thường.
Những sự bất tuân luật pháp giống nhau, một cách có ý thức, khiến các câu chuyện trên trở nên đáng sợ hơn rất nhiều so với hậu quả mà nó gây ra. Bởi nó cho thấy sự mất an toàn của người dân không phải là điều bất thường nữa.
Điều dễ dàng nhận thấy không chỉ từ hai câu chuyện kinh hoàng ngày 7/5. Một loạt câu chuyện thời sự trong vòng một tháng qua đều có chung những dấu hiệu đó.
Vụ bắt giữ người thi hành công vụ ở Mỹ Đức (Hà Nội); Sau đó là vụ hai mẹ con nhốt giữ 6 cán bộ ở Đồng Nai vừa đưa ra khởi tố hôm 2/5; Tiếp theo là việc một nhóm nhân viên đo đạc dự án đã bị người dân ở Lục Nam chặn lại đưa vào nhà văn hóa để thẩm vấn, dù không bắt giữ nhưng cũng vi phạm quyền tự do đi lại và hoạt động trong khuôn khổ luật pháp.
Tất cả những vụ việc này đều giống nhau ở chỗ, người dân hoàn toàn chủ động bất tuân pháp luật, một cách có ý thức, tức là chủ động không chấp nhận bị điều chỉnh hành vi bởi luật pháp.
Sự phổ biến của những câu chuyện bất tuân pháp luật một cách chủ động, có ý thức là điều đáng sợ. Bởi chúng ta chỉ có thể có được cảm giác an toàn, an tâm khi biết rằng mình đang sống trong một xã hội có luật pháp, và mọi hành vi của con người đều nằm trong sự điều chỉnh của pháp luật. Khi sự điều chỉnh này yếu đi, mỗi cá nhân trong xã hội đều phải đối mặt với việc không biết thế nào để được an toàn.
Đó là một mối lo có thật, một nguy cơ hiện hữu khi mà việc không tuân thủ luật pháp trở nên phổ biến, và được nhìn nhận không đúng mức.
Bởi thế, đã đến lúc thay vì nhìn nhận nguyên nhân của những vụ tai nạn do xe điên, thay vì nhìn nhận những vụ đâm chém trong bệnh viện do một nhóm người manh động, những vụ bắt giữ người trái phép do một bộ phận người dân quá bức xúc, và thiếu nhận thức về pháp luật… đã đến lúc, cần phải cải thiện năng lực thực thi pháp luật để ngăn chặn những hành động bất tuân pháp luật ngay từ trong ý nghĩ.
Phạm Trung Tuyến

Vụ tai nạn thảm khốc tại Gia Lai: Vợ tài xế xin lỗi nạn nhân

"Sự việc xảy ra rất đau buồn, các gia đình nạn nhân đã mất mát quá lớn, tôi thay mặt gia đình gửi lời xin lỗi tới tất cả mọi người" – chị Phúc nói rồi ôm mặt khóc.
Trước khi xảy ra vụ tai nạn thảm khốc, một tổ tuần tra CSGT Công an Gia Lai phát hiện chiếc xe tải chạy tốc độ cao, bóp còi bất thường nhưng không ra hiệu lệnh dừng xe và đang chạy ngược chiều.
Sáng 8-5, Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Gia Lai cho biết tài xế xe tải Võ Văn Quý (trong vụ tai nạn thảm khốc ở Gia Lai) bị chấn thương rất nặng, tiên lượng xấu.
Theo anh Võ Văn Xưa (anh trai Quý) cho biết sau khi tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành kế toán, Quý làm việc tại TP Hồ Chí Minh khoảng 2 năm. Các đây chừng 2 tháng, do vợ mới sinh và thu nhập không cao nên Quý về nhà xin lái xe.
"Buổi tối 6-5, vợ Quý có sang nhà tôi mượn tiền nói là gửi cho Quý để đi sửa xe" – anh Xưa nói và cho biết từ nhỏ Quý là người hiền lành, không có thói hư tật xấu gì.
Vụ tai nạn thảm khốc tại Gia Lai: Vợ tài xế xin lỗi nạn nhân - 1
Chị Quách Thị Phúc thay mặt gia đình xin lỗi nhưng nạn nhân trong vụ tai nạn.
Chị Quách Thị Phúc (vợ Quý) cũng cho cho biết hai vợ chồng lấy nhau từ năm 2011, hiện đang ở cùng với cha mẹ chồng. Thường ngày, chị Phúc ở nhà làm nông và chăm sóc gia đình, thu nhập chính do Quý gửi về. Sau khi gia đình biết tin về tai nạn, tất cả đã rất sốc. Mẹ chồng chị liên tục ngất xỉu.
Chị Phúc cũng thay mặt gia đình xin lỗi những người bị nạn và thân nhân của họ. "Sự việc xảy ra rất đau buồn, các gia đình nạn nhân đã mất mát quá lớn, tôi thay mặt gia đình gửi lời xin lỗi tới tất cả mọi người" – chị Phúc nói rồi ôm mặt khóc.
Vụ tai nạn thảm khốc tại Gia Lai: Vợ tài xế xin lỗi nạn nhân - 2
Một thi thể nạn nhân được đưa tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại tá Phạm Văn Uấn - Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Gia Lai, cho biết rạng sáng ngày 7-5, tổ tuần tra của lực lượng CSGT làm việc trên quốc lộ 14 đã phát hiện chiếc xe tải chạy tốc độ cao, bóp còi bất thường và nghi ngờ xe bị mất thắng.
Do đang đi ngược chiều với xe này nên tổ CSGT đã không ra hiệu lệnh dừng xe, không truy đuổi. Sau đó khoảng 10 phút thì nhận được tin về vụ tai nạn và phối hợp cùng người dân đưa người bị thương đi cấp cứu.
Trung tá Trần Ngọc Anh, Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Gia Lai, cho biết lực lượng công an tỉnh đang trong quá trình hoàn tất hồ sơ để khởi tố vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng này.
Theo Hoàng Thanh (Người Lao động)

"Nhảy xuống đi em, hãy sống để còn nuôi con!"

Mỗi ngày, cả nước có khoảng gần 30 người chết vì tai nạn giao thông. Biết bao giờ nỗi ám ảnh này mới nguôi?
"Nhảy xuống đi em, hãy sống để còn nuôi con!" - 1
Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc tại Gia Lai. 
Sáng sớm Chủ nhật, tràn đầy trên truyền thông và các trang mạng là những hình ảnh tang thương của vụ tai nạn giao thông thảm khốc ở Gia Lai, khi xe tải đang chạy với tốc độ 105km/h tông thẳng vào xe khách giường nằm. 13 người chết tại chỗ, hàng chục người khác bị thương nặng. Biết bao gia đình bỗng chốc xa lìa những người thân yêu!
Từ tuần trước tới giờ, tôi vẫn chưa thôi ám ảnh về đoạn video ở Bắc Giang, ghi lại hình ảnh chiếc xe tải hàng nặng hàng chục tấn lao sang từ bên kia đường, chồm lên hai anh em ruột đang chở nhau trên xe máy ở sát mép phải lề đường. Họ chết trong khi vừa quàng vai nhau thân thiết trước đó mấy giây.
Trưa Chủ nhật, hú hồn xem đoạn clip chiếc xe bồn lấn sát vào hai mẹ con đèo nhau bằng xe máy dừng bê lề đường. Chỉ chút xíu nữa thôi là có thêm vụ tai nạn thương tâm, khi người lái xe tải không thể nhìn thấy chiếc xe máy cùng hai mẹ con, bởi nó đứng đúng “điểm mù” của chiếc xe tải.
Tối Chủ nhật, tôi thẫn thờ nhận tin báo và hình ảnh về vụ tai nạn tại Bắc Giang, khi hai xe ô tô đấu đầu nhau lúc đang phóng tốc độ cao. 2 người thiệt mạng tại chỗ, 3 người khác bị thương nặng.
Mỗi ngày, cả nước có khoảng gần 30 người chết vì tai nạn giao thông. Biết bao giờ nỗi ám ảnh này mới nguôi?
Tôi nhớ đến người bạn lái xe tải gần 1 năm rồi bỏ ngang, về công trường lái máy xúc. Anh nói không thể xóa được những hình ảnh hãi hùng về những vụ tai nạn giao thông thảm khốc mà những người lái xe gặp phải trên đường. Từ lúc nào không biết, xe tải đã trở thành những hung thần trên mọi cung đường.
Theo thống kê, xe tải là phương tiện gây nhiều tai nạn giao thông thứ hai ở Việt Nam, chỉ sau xe máy. Các cơ quan chức năng đã từng bước siết chặt từ khâu dạy nghề, đến kiểm định phương tiện, giám sát hành trình và kiểm tra gắt gao việc chấp hành an toàn giao thông của các tài xế và phương tiện, nhất là xe tải, trên mọi cung đường. Số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng có chiều hướng giảm đi, nhưng vẫn diễn biến hết sức phức tạp và khó lường.
Phải chăng ngoài vấn đề đạo đức kém của một số lái xe, những nguyên nhân khác như mật độ giao thông cao; quá nhiều loại phương tiện cùng lưu thông trên cùng một phần đường; ý thức chấp hành luật lệ của những người tham gia giao thông rất kém; hạ tầng giao thông chưa theo kịp sự phát triển của những phương tiện giao thông… đang khiến cho tai nạn giao thông ở Việt Nam vẫn là nỗi ám ảnh của mọi người, mọi nhà.
Mớ bùng nhùng này sẽ được gỡ nút từ chỗ nào đây?
May sao, ngay đầu tuần, đã có một tin tốt làm nhẹ lòng đi một chút: Ở Bắc Cạn, người chồng lái xe tải chở vợ đi giao nước. Xuống dốc núi, xe mất phanh, anh bật cửa bên phụ, gào vào tai vợ: Nhảy xuống đi em, hãy sống để còn nuôi con nhé!
Chị vợ liều mình nhảy xuống đường, ngất lịm. Người chồng điều khiển chiếc xe lao xuống dốc và đâm vào gốc cây để tránh va chạm những người đi ngược chiều. May mắn sao cả hai anh chị chỉ bị thương. Họ ôm nhau khóc ngay bên vệ đường, cách không xa chiếc xe tải bẹp dúm đầu và những thùng nước lăn tung tóe.
Cầu mong nhiều may mắn đến với mọi người đang tham gia giao thông ở Việt Nam. Cầu mong sao cho những tai nạn thảm khốc không còn gây nên những nỗi đau xé lòng nữa. Cầu mong. Mong lắm!                                                                                   
Gia Trung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét