Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013

DƯ LUẬN XÃ HỘI 4

(ĐC chép từ Người đưa tin)

Trong cuộc giao lưu với một số nhà khoa học, ngoại cảm trong đó có bà Phan Thị Bích Hằng do báo Petrotimes tổ chức, có một người nhận là Nguyễn Văn Quang – cháu đích tôn liệt sĩ Phùng Chí Kiên. Lập tức, nhà báo Giao Hưởng (báo Lao Động), một trong những người lên tiếng để Nhà nước công nhận ông là liệt sĩ, đã khẳng định: Tướng Phùng Chí Kiên không có vợ con.

    “Tôi Nguyễn Văn Quang và toàn thể con cháu họ tộc liệt sĩ Phùng Chí Kiên hoàn toàn bác bỏ những luận điểm  sai trái, coi đó là sự vu cáo vô căn cứ, xúc phạm tâm linh liệt sĩ Phùng Chí Kiên - vị tướng đầu tiên của QĐND Việt Nam, xúc phạm đến gia đình con cháu dòng tộc liệt sĩ. Đề nghị báo chí vạch trần và hủy bỏ các luận điểm trên”, ông Quang nói tại buổi giao lưu.
    Sau thông tin trên, nhà báo Giao Hưởng (thường trú báo Lao động tại Nghệ An) đã có bài viết riêng gửi báo điện tử Người đưa tin. Tòa soạn xin đăng lại toàn văn để bạn đọc có được thông tin nhiều chiều:
    Tác giả tiếp kiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại tư dinh 30 Hoàng Diệu (Đại tá Nguyễn Huyên bấm máy) 
    Tôi là tác giả bài “Liệt sỹ Phùng Chí Kiên sau 62 năm chưa là…liệt sỹ” trên báo Lao động, số ra ngày 27.7.2003. Bốn tháng sau, ngày 17.11.2003 Thủ tướng Phan Văn Khải ký tấm bằng Tổ quốc ghi công mang tên Liệt sĩ Phùng Chí Kiên.
    Tôi đặt tưa bài như thế là vì tại thời điểm năm 2002, trên Huân chương chiến công hạng Ba do Chủ tịch nước Lê Đức Anh ký tặng ngày 06.6.1994, ghi là Liệt sỹ Phùng Chí Kiên, vậy mà thân nhân gia đình vẫn chưa nhận được Bằng Tổ quốc ghi công để đặt trên ban thờ vị tướng truy phong. Từ ấy đến nay đã hơn 10 năm, tình cờ xem bài “Nói thủ cấp tướng Phùng Chí Kiên là răng lợn phải xin lỗi bà Hằng”, tôi đặc biệt chú ý đoạn “Trao đổi với phóng viên sáng 2/11, ông Nguyễn Văn Quang, cháu đích tôn của liệt sĩ Phùng Chí Kiên cho biết…”. Tôi xin có đôi lời trao đổi như sau:
    Trong quá trình thu thập tư liệu viết bài về tướng Phùng Chí Kiên, ngày 21.1.2003 (nhằm 19.12 Nhâm Ngọ) tôi được vào tiếp kiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại tư dinh số 30 Hoàng Diệu, Hà Nội, Sau khi nghe tôi trình bày việc đã 62 năm liệt sỹ Phùng Chí Kiên vẫn chưa có Bằng Tổ quốc ghi công, ánh mắt Đại tướng vời vợi nỗi buồn: Sau ngày Bác Hồ và anh Phùng Chí Kiên từ nước ngoài về Cao Bằng, giặc Pháp đưa ra mức thưởng, ai giao nộp đầu Nguyễn Ái Quốc sẽ được quan lớn thưởng 5 tạ muối 5 nén bạc; Đầu Phùng Chí Kiên 3 tạ muối 3 nén bạc; Đầu Võ Nguyên Giáp 2 tạ muối 2 nén bạc. (Đại tướng chỉ tay vào ngực nói tiếp). Như vậy đầu tôi ít hơn đầu anh Phùng Chí Kiên đúng 1 tạ muối 1 nén bạc… Nếu anh Phùng Chí Kiên còn sống thì Đảng, Bác Hồ không phân công tôi phụ trách quân sự... Đồng chí Phùng Chí Kiên là một tiền bối cách mạng có đức độ, có tài năng về chính trị, về quân sự; một con người rất hòa hợp với đồng chí, đồng bào, luôn gương mẫu về mọi mặt. Mỗi lần nghĩ về anh, bản thân tôi lại muốn khóc...   
    Trước đó tôi được Thượng tá Nguyễn Văn Việt là cháu gọi tướng Phùng Chí Kiên bằng chú ruột trực tiếp cung cấp thông tin chính xác, hiệu quả. Anh Việt SN 1944, năm 1999 nghỉ hưu từ Viện kiểm sát quân sự QK4, trong nhà vợ chồng anh tại xã Diễn Yên đặt ban thờ tướng Phùng Chí Kiên. Từ ngày nghỉ hưu anh càng có thêm thời gian để gõ cửa từ  xã, huyện, tỉnh, đến Trung ương... đề nghị cấp bằng Tổ quốc ghi công mang tên người chú Phùng Chí Kiên hy sinh khi anh chưa chào đời. Anh Việt mất năm 2008 vì bạo bệnh).
    Từ ngày đó anh Việt cho tôi biết: Khi anh lớn lên được nghe bà nội kể, ông bà sinh hạ được 4 người con, trai trưởng tên là Nguyễn Văn Dốc (?-194 thân sinh của anh Việt). Nguyễn Thị Loan. Nguyễn Văn Thừa. Nguyễn Vỹ (tức Phùng Chí Kiên).
    Ngôi nhà hai cụ thân sinh dành cho cậu út Phùng Chí Kiên, sau đó vợ chồng anh Nguyễn Văn Việt là cháu đích tôn làm nơi thờ phụng ông bà nội, bố mẹ đẻ và chú Phùng Chí Kiên. (ảnh Giao Hưởng).
    Một đời dấn thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bị quân thù truy nã gắt gao, ông Phùng Chí Kiên chưa một lần về thăm gia đình. Trong thời gian bác Kiên “mất tích”, bố mẹ gia đình tại xã Diễn Yên tổ chức cưới vợ cho cậu út. Đám cưới vắng chú rể, cô dâu tên là Hoàng Thị Luận cùng quê Tổng Vạn Phần. Sau 8 năm lấy chồng mà chưa một lần bén hơi chồng, đôi bên gia đình tạo điều kiện để nàng dâu đi bước nữa. Nhưng tuổi xuân đẹp nhất đời con gái đã tàn phai trong mòn mỏi đợi chờ, cô Luận đành làm lẽ ông Phó làng giàu có người xã Diễn Hoàng. Gả chồng cho con dâu, gia đình cụ Nguyễn Khoản ((1872-? thân sinh tướng Phùng Chí Kiên) vẫn tạo điều kiện để cô Luận thường xuyên qua lại chăm sóc “bố mẹ chồng”. Bà Luận an phận sống với con cái của người chồng sau tại xã Diễn Hoàng và mất trong cải cách ruộng đất, mãi cuối đời bà Luận vẫn chưa được gặp ông Kiên.
    Nhà thờ cụ Tổ chi Nguyễn Đình Liễn nằm trong khuôn viên Khu tưởng niệm Phùng Chí Kiên (ảnh Giao Hưởng)
    Tướng Phùng Chí Kiên - Nguyễn Vỹ là đời thứ 6 Cụ Nguyễn Đình Liễn, quê huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Cụ Liễn lấy vợ quê xã Diễn Yên và đất lành chim đậu lại đây, hiện nhà thờ cụ Tổ chi Nguyễn Đình Liễn vẫn nằm trong khuôn viên Khu di tích tưởng niệm tướng Phùng Chí Kiên tại xã Diễn Yên. Về phần mộ tướng Phùng Chí Kiên, ngày 10.3.1990 thân nhân gia đình, Bộ Quốc phòng, một số đồng đội từng vào sinh ra tử đã đưa phần hài cốt (không thủ cấp) từ Bắc Cạn về Nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội.
    Như vậy tại quê xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, như Thượng tá Nguyễn Văn Việt cho biết, đến lúc hy sinh tướng Phùng Chí Kiên chưa có vợ con. Do đó không thể có “ông Nguyễn Văn Quang, cháu đích tôn của liệt sĩ Phùng Chí Kiên…” Chỉ có một ông Nguyễn Văn Quang cháu gọi tướng Phùng Chí Kiên bằng chú ruột, hoặc cậu ruột, hoặc ông chú nội tộc mà thôi./.
    Nguyễn Giao Hưởng                      

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét