Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

ÔN CỐ TRI TÂN

(ĐC sưu tầm trên NET)

Chu Văn An

(Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)
 
 
Chu Văn An (chữ Hán朱文安; 1292–1370), tên thật là Chu An, hiệu là Tiều Ẩn (樵隱), tên chữ là Linh Triệt (靈澤), là một nhà giáo, thầy thuốc, đại quan nhà Trần trong lịch sử Việt Nam, được phong tước Văn Trinh Công nên đời sau quen gọi là Chu Văn An.

Tiểu sử

Quê ông ở làng Văn Thôn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay thuộc xóm Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Là người chính trực, đã từng đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học ở làng Huỳnh Cung, bên kia sông Tô Lịch, ông có công lớn trong việc truyền bá, giáo dục tư tưởng đạo đức Khổng giáo vào Việt Nam. Vua Trần Minh Tông (1300–1357) vời ông ra làm tư nghiệp Quốc tử giám, dạy cho Thái tử Trần Vượng, tức là vua Trần Hiến Tông tương lai. Đến đời Dụ Tông, ông thấy quyền thần làm nhiều điều vô đạo, ông dâng Thất trảm sớ xin chém 7 tên gian nịnh, nhưng vua không nghe. Ông chán nản từ quan về ở núi Phượng Hoàng (Chí Linh, Hải Dương), lấy hiệu là Tiều ẩn (người đi ẩn hái củi), dạy học, viết sách cho tới khi mất.

Vinh danh

Cuộc đời thanh bạch và tiết tháo của ông là tấm gương sáng của thời phong kiến Việt Nam. Ông là một trong số rất ít bậc hiền nho được thờ ở Văn Miếu. Sự nghiệp của ông được ghi lại trong văn bia ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám.
Hiện nay còn lăng mộ và đền thờ của ông nằm trên núi Phượng Hoàng, thuộc xã Văn An; cách khu di tích Côn Sơn khoảng 4 km. Đây là một điểm di tích văn hoá và danh thắng, với cảnh rừng thông đẹp trùng điệp, có đền thờ cũ và mới xây xong năm 2007. Lăng mộ Chu Văn An nằm trong khu di tích này. Lễ hội vào tháng tám và tháng một, trọng hội vào ngày 25-8 và 26-11. Khu di tích được xếp hạng năm 1998.
Đền thờ ông trên núi Phượng Hoàng
Câu đối thờ Chu An:
Trần vãn thử hà thời, dục vịnh đại phi hiền giả lạc
Phượng sơn tồn ẩn xứ, trĩ lưu trường ngưỡng triết nhân phong
Dịch :
Cuối đời Trần là thời nào, ngâm vịnh rong chơi há chẳng phải là cái thú vui của bậc hiền giả?
Núi Phượng vẫn còn dấu vết ở ẩn, đỉnh non vẫn mãi mãi ngưỡng mộ phong thái của kẻ triết nhân !
Ông được Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép 
 
An (người Thanh Đàm), tính cương nghị, thẳng thắn, sửa mình trong sạch, bền giữ tiết tháo, không cầu lợi lộc. Ông ở nhà đọc sách, học vấn tinh thông, nổi tiếng gần xa, học trò đầy cửa, thường có kẻ đỗ đại khoa, vào chính phủ. Như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát đã làm hành khiển mà vẫn giữ lễ học trò, khi đến thăm thầy thì lạy hỏi ở dưới giường, được nói chuyện với thầy vài câu rồi đi xa thì lấy làm mừng lắm. Kẻ nào xấu thì ông nghiêm khắc trách mắng, thậm chí la hét không cho vào. Ông là người trong sạch, thẳng thắn, nghiêm nghị, lẫm liệt đáng sợ đến như vậy đấy. Minh Tông mời ông là Quốc Tử giám tư nghiệp, dạy thái tử học.
Dụ Tông ham chơi bời luời chính sự, quyền thần nhiều kẻ làm trái phép nước, An khuyên can, [Dụ Tông] không nghe, bèn dâng sớ xin chém bảy tên nịnh thần, đều là những kẻ quyền thế được vua yêu. Người bấy giờ gọi là "Thất trảm sớ". Sớ dâng lên nhưng không được trả lời, ông liền treo mũ về quê.
Ông thích núi Chí Linh, bèn đến ở đấy. Khi nào có triều hội lớn thì đến kinh sư. Dụ Tông đem chính sự trao cho ông, ông từ chối không nhận. Hiến Từ thái hoàng thái hậu bảo: "Ông ta là người không thể nào bắt làm tôi được, ta sai bảo thế nào được ông ta?". Vua sai nội thần đem quần áo ban cho ông. Ông lạy tạ xong, liền đem cho người khác hết. Thiên hạ đều cho là bậc cao thượng.
Đến khi Dụ Tông băng, quốc thống suýt mất, nghe tin các quan đến lập vua, ông mừng lắm. Chống gậy đến xin bái yết, xong lại xin trở về quê, từ chối không nhận chức gì. Khi ông mất Vua sai quân đến tế, ban tặng tên thụy, ít lâu sau có lệnh cho tòng tự ở Văn miếu.

Tác phẩm

  • Thất trảm sớ
  • Tiều ẩn thi tập
  • Tiều ẩn quốc ngữ thi tập
  • Tứ thư thuyết ước
  • Giang đình tác
  • Linh sơn tạp hứng
  • Miết trì
  • Nguyệt tịch bộ Tiên Du sơn tùng kính
  • Thứ vận tặng Thủy Vân đạo nhân
  • Xuân đán   

Tiểu sử thầy Chu Văn An và Thất trảm sớ

(Chép từ http://chuvanan.edu.vn)


 
Dân ta khi nói về thầy Chu Văn An, ai cũng một lòng ngưỡng mộ, vì thầy là một bậc hiền nho, một tấm gương tiết tháo, suốt đời không màng lợi danh. Thầy có công lớn trong việc truyền bá, giáo dục tư tưởng đạo đức Khổng giáo. Nhận thấy tài năng và đức độ của thầy, vua Trần Minh Tông(1314-1329) mời ra làm Tư nghiệp trường Quốc Tử Giám, dạy học cho thái tử. Đến đời Dụ Tông-thời kỳ suy sụp nhà Trần- tình hình thế sự thay đổi, vua quan ăn chơi sa đoạ, bọn gian thần tham nhũng, đục khoét dân nghèo ngày một nhiều.Cảm xót trước vận mệnh nước nhà, thầy đã nhiều lần can ngăn và dâng sớ chém 7 nịnh thần nhưng đều bất thành nên cáo quan về dạy học, viết sách cho tới khi mất. Sự nghiệp của thầy còn ghi và thờ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Ngày nay khi nhắc đến thầy Chu Văn An, chúng ta thường liên tưởng tới “Thất trảm sớ” với nội dung xin chém 7 nịnh thần. Đây là một tờ sớ mang dấu ấn lịch sử rất quan trọng , người xưa chỉ nghe tiếng “Thất trảm sớ” thôi là đã ca ngợi rồi, nhà sử học Lê Tung(thế kỷ XV) viết, “Thất trảm chi sớ nghĩa động quỷ thần”, danh sĩ Nguyễn Văn Lý(thế kỷ XX) có thơ “Thất trảm vô vi tồn quốc luận/ Cô vân tuy viễn tự thân tâm”, nghĩa : sớ Thất trảm không được thi hành, cả nước bàn luận/Đám mây lẻ loi tuy xa vẫn tự có tinh thần trong lòng.

Rất tiếc cho đến nay nội dung tờ sớ đó không ai biết, có thể lúc đó bọn  gian thần đã hủy đi để bịt miệng dư luận hoặc ai đó hủy đi để bảo vệ ông cũng nên. Còn vua Dụ Tông thì hoảng sợ, không đủ quyền lực để ra tay.

Theo sử sách ghi lại, nhà Trần trải qua 12 đời vua, từ vua đầu tiên Trần Thái Tông năm 1225, đến vua cuối cùng là Trần Thiếu Đế năm 1400. Như vậy nhà Trần kéo dài được 175 năm. Sau đó vào năm 1400 bị Hồ Quý Ly cướp ngôi. Cụ Chu Văn An sinh ra vào thời vua thứ 6 của nhà Trần, tức vua Trần Minh Tông, trải qua đời vua Trần Dụ Tông, và mất vào đời vua thứ 8 của nhà Trần, tức vua Trần Nghệ Tông, năm 1370.

Thời vua Trần Dụ Tông là thời kỳ bắt đầu suy sụp của nhà Trần, và cũng chính lúc này thầy Chu Văn An dâng Sớ xin vua Trần Dụ Tông chém 7 tên gian thần, để mong cứu vãn nhà Trần. Như đã nói, chính sử không nêu nhưng trong dân gian vẫn truyền tụng nhiều.

Theo cuốn "Vương triều sụp đổ", tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Hoàng Quốc Hải, NXB Phụ nữ - 2006, thì bảy tên gian thần bị Chu Văn An xin nhà vua xử trảm, như sau:
1. Hoạn quan chi hậu cục Mai Thọ Đức, kẻ cai quản phi tần và tuyển chọn mỹ nữ, đã lạm dụng chức quyền bắt về vô số con gái nhà lương dân. Để nhiều người chết trẻ, chết già vì mòn mỏi trong cung thất; lại bày ra các trò dâm ô trác táng dẫn Hoàng thượng vào con đường vô đạo.

2. Trâu Canh, viên ngự y phạm tội làm cho Hoàng thượng liệt dương từ năm 3 tuổi, lại bày trò phục dương cho bề trên khi 15 tuổi. Y đã bắt cóc 21 đứa trẻ khỏe mạnh con nhà lương dân, giết đi lấy mật làm thang cho bài thuốc hồi dương của quan gia. Rồi y bày trò cho quan gia thông dâm với chị ruột mình, nói là phương thuốc chữa trị.

Trong khi chữa trị cho quan gia, y lại thông dâm với cung nhân của chính quan gia. Trâu Canh là người Hán, cháu nội Trâu Tôn đi theo quân nhà Nguyên vào xâm lược Đại Việt, năm Ất Dậu (1285) thất trận bị quân Đại Việt bắt, y đã xin hàng, lại xin được cư trú. Nay Trâu Canh lộng hành, dẫn dắt đức vua vào con đường thương luân bại lý.

3. Bùi Khoan, Chính chưởng phụng ngự. Y bày trò cờ bạc rượu chè dơ dáy ngay trong cung thất, dẫn đức vua vào mê lộ, bê tha như đám dân đen ngu muội.

4. Văn Hiến hầu can tội gây bè đảng khiến các đại thần chia rẽ, ngờ vực lẫn nhau, làm cho đức vua khó phân biệt người ngay kẻ nịnh.

5. Hành khiển tả ty lang trung Nguyễn Thanh Lương, xảo trá, dẫn vua vào con đường ăn chơi xa xỉ, tới cạn kiệt quốc khố.

6. Hành khiển hữu ty, hữu bộc xạ Tâm Đức Ngưu đồng lõa với Nguyễn Thanh Lương tìm đủ mọi cách tăng thu thuế khóa, tăng các sắc thuế từ thượng cổ chưa từng có, để bòn rút của dân, lấy tiền chi vào các cuộc ăn chơi trác táng của hoàng thượng. Kể cả những năm mất mùa đói kém, dân chết đói đầy đường, chúng cũng không tha giảm.

7. Đoàn Nhữ Cẩu, Đồng binh chương sự, bòn rút khẩu phần của lính, các đồ binh khí đã cũ hỏng vẫn không chịu thay thế, để lấy tiền công bỏ túi. Y sao nhãng việc luyện tập canh phòng biên cương phía Bắc, phía Nam gần như bỏ ngỏ. Hiện thời Chiêm Thành đang ráo riết nhòm ngó miền châu Hóa.

Lũ gian thần này mượn danh Hoàng thượng để làm các việc, mà nhìn bề ngoài thiên hạ cứ ngỡ là chúng làm vì Hoàng thượng. Nhưng kỳ thực, các khoản chi tiêu cho Hoàng thượng chỉ một phần, còn vào túi chúng tới chín phần.

Vì vậy thầy giáo Chu Văn An sau khi vạch tôi đã viết, “Để giữ nghiêm phép nước, nối dòng đại thống từ Thái tông cao hoàng đế tới nay, xin bệ hạ cho chém đầu bảy tên gian thần trên, và tịch thu sản nghiệp của chúng, sung quốc khố, để làm gương răn đe kẻ khác".

Dù chỉ là huyền sử nhưng với những tên người cụ thể, với những cáo trạng như vậy cũng là một “giải mả thú vị”, thoả mãn lòng dân.

Điều quý hơn hết là dân ta đã một lòng ca ngợi và xem thầy như sao Đấu, sao Khuê, Cao Bá Quát cũng từng viết,

Thất trảm yêu ma phải rợn lòng
Trời đất soi chung vầng hào khí
Nước non còn mãi nếp cao phong

(tổng hợp từ các nguồn tư liệu)
 

Chu Văn An - Người thầy của muôn đời

Đại Đoàn Kết  - 22/11/2012 12:49

    Chu Văn An là nhà Nho có đức nghiệp của triều Trần. Ông mất năm 1370, tính đến nay, đã 642 năm. Hơn 6 thế kỷ qua, đất nước ta trải qua bao nhiêu biến cố thăng trầm, nhưng Chu Văn An vẫn được các sử gia của các triều đại tôn vinh là Thái Sơn, Bắc Đẩu, người thầy có "đạo cao đức trọng”, là "vạn thế sư biểu” (người thầy tiêu biểu của muôn đời). Chu Văn An được vua Trần hết sức kính trọng, cho phối thờ ở Văn Miếu, còn người dân Việt tôn là thánh, thường không gọi tên húy mà chỉ gọi là Đức Thánh Chu. 

    _________
     
    (chép từ chimvie3.free.f )
    Thơ Chu Văn An
    Tâm Minh Ngô Tằng Giao
        Theo các chi tiết ghi trong cuốn Thơ Văn Lý Trần (nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1978) thì: "Chu Văn An hiệu là Tiều Ẩn, tên chữ là Linh Triệt, tên thụy là Văn Trinh, sinh năm nào chưa rõ. Ông người làng Văn Thôn, xã Quang Triệt, huyện Thanh Đàm. Sau  khi thi đậu thái học sinh, Chu Văn An không ra làm quan, chỉ ở nhà dạy học. Học trò theo học rất đông. Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát đều là học trò ông. Năm Khai Thái đời Trần Minh Tông ông mới nhận chức Quốc tử giám tư nghiệp, dạy cho thái tử học. Đời Trần Dụ Tông (1341–1369), nhà vua mải mê chơi bời, bỏ bê việc nước, bọn quyền thần thì lộng quyền, hà khắc, tham nhũng, Chu Văn An bèn dâng sớ xin chém bảy tên nịnh thần, nhưng vua không nghe. Ông xin từ chức, lui về ở ẩn tại núi Phượng Hoàng, làng Kiệt Đặc, huyện Chí Linh. Ông mất năm Thiệu Khánh thứ nhất đời Trần Nghệ Tông, (1370), được vua làm lễ tế và đặt tên thụy là Văn Trinh."     .       Được biết Chu Văn An từng có những tác phẩm như Thất trảm sớ, Tiều Ẩn thi tập, Tiều Ẩn quốc ngữ thi tập, Tứ thư thuyết ước. Nhưng cho tới nay người ta mới chỉ sưu tầm được có mười hai bài thơ của ông chép trong Toàn Việt thi lục, còn hầu như bị thất lạc cả. Trong cuốn Thơ Văn Lý Trần nói trên có ghi lại nội dung mười hai bài thơ này kèm theo phần dịch nghĩa và dịch thơ. Chúng tôi dựa vào tài liệu này, ghi lại nội dung các bài thơ của Chu Văn An cùng phần dịch nghĩa, chọn ra được mười bài và đóng góp thêm mười bản dịch thơ mới như dưới đây. 
         Các bản dịch này đã được đăng rải rác trên các đặc san Chu Văn An tại Canada, tại Pháp và tại Miền Đông Hoa Kỳ, Texas cùng California. Nay chúng tôi tập hợp lại, có hiệu đính một phần nhỏ và thêm bài mới.
                                             (1)  LINH SƠN TẠP HỨNG 
                                            Vạn điệp thanh sơn thốc họa bình,
                                            Tà dương đạm mạt bán khê minh.
                                            Thúy la kính lý vô nhân đáo,
                                            Sơn thước đề yên thời nhất thanh.
                                                                      Chu Văn An

    (Dịch nghĩa: "Tạp hứng ở Linh Sơn". Muôn lớp núi xanh tụ lại như bức bình phong vẽ. Bóng chiều nhạt dọi tới sáng nửa lòng khe. Trong lối cỏ biếc, không người đến. Thỉnh thoảng một tiếng chim thước kêu trong khói mù.)
                                                 TẠP HỨNG Ở LINH SƠN
                                            Núi xanh giăng lớp tựa bình phong
                                           Chiều nhạt in hình dưới suối trong
                                           Cỏ biếc, lối mòn đâu bóng khách,
                                           Vẳng nghe chim gọi, khói mông lung.

                                             (Tâm Minh Ngô Tằng Giao dịch)
     

     

                                             (2)  THÔN NAM SƠN TIỂU KHỆ
                                            Nhàn thân nam bắc phiến vân khinh,
                                            Bán chẩm thanh phong thế ngoại tình.
                                            Phật giới thanh u, trần giới viễn,
                                            Đình tiền phún huyết nhất oanh minh.
                                                                        Chu Văn An

    (Dịch nghĩa: "Tạm nghỉ ở núi thôn nam". Thân nhàn như đám mây nhẹ bay khắp nam, bắc. Gió mát thổi bên gối, tâm tình để ngoài cuộc đời. Cõi Phật thanh u, cõi trần xa vời. Trước sân, hoa đỏ như máu, một chiếc oanh kêu.)
                                            TẠM NGHỈ NÚI THÔN NAM
                                            Thân nhàn nam bắc áng mây trôi,
                                            Bên gối gió qua, nhẹ việc đời.
                                            Cõi Phật thanh u, xa cõi tục
                                            Trước sân hoa đỏ, tiếng oanh vui.

                                            (Tâm Minh Ngô Tằng Giao dịch)
                                              (3)  THANH LƯƠNG GIANG
                                            Sơn yêu nhất mạt tịch dương hoành,
                                            Lưỡng lưỡng ngư chu bạn ngạn hành.
                                            Độc lập Thanh Lương giang thượng vọng,
                                            Hàn phong táp táp nộn triều sinh.
                                                                      Chu Văn An

    (Dịch nghĩa: "Sông Thanh Lương". Một vệt bóng chiều vắt ngang sườn núi. Dọc theo bờ sông, thuyền câu đi từng đôi một. Đứng một mình trên sông Thanh Lương ngắm cảnh. Gió lạnh vi vút, nước triều dâng lên.)
                                                       SÔNG THANH LƯƠNG
                                            Sườn non giải nắng xế giăng ngang,
                                            Từng cặp thuyền xuôi mái nhẹ nhàng.
                                           Trên bến Thanh Lương buồn một bóng,
                                           Ngắm triều dâng sóng, gió thênh thang.

                                                 (Tâm Minh Ngô Tằng Giao dịch)
                                  (4)  CUNG HỌA NGỰ CHẾ ĐỘNG CHƯƠNG
                                            Đình vũ thai cầm vân yểm quan,
                                            Lộ hoa yến bãi giác thanh khoan.
                                            Bích đào hóa hạ hồn vô sự,
                                            Thời thiến đông phong tảo thạch đàn.
                                                                        Chu Văn An

    (Dịch nghĩa: "Kính họa thơ vua".Hạc múa ở sân, mây che ngoài cửa. Nuốt hoa sương rồi cảm thấy khoan khoái nhẹ nhàng. Dưới hoa bích đào lòng thanh thản. Thỉnh thoảng mượn ngọn gió đông quét trên đàn đá.)
                                                      KÍNH HỌA THƠ VUA
                                            Trước sân hạc múa, mây bên song
                                            Nhấp cạn hoa sương, sảng khoái lòng
                                            Ngồi dưới bích đào, hồn tự tại
                                            Quét trên đàn đá, gió mùa đông.

                                             (Tâm Minh Ngô Tằng Giao dịch)
                                           (5)  NGUYỆT TỊCH BỘ 
                                            TIÊN DU SƠN TÙNG KÍNH
                                            Hoãn hoãn bộ tùng đê,
                                            Cô thôn đạm ái mê.
                                            Triều hồi, giang địch quýnh,
                                            Thiên khoát, thụ vân đê.
                                            Túc điểu phiên thanh lộ,
                                            Hàn ngư dược bích khê.
                                            Xuy sinh hà xứ khứ,
                                            Tịch mịch cố sơn tê (tây)?
                                                            Chu Văn An

    (Dịch nghĩa: "Đêm trăng dạo bước trên đường thông ở núi Tiên Du". Thong thả dạo bước trên con đê trồng thông. Xóm vắng mờ trong làn khói nhạt. Nước triều xuống, tiếng sáo bên sông xa vẳng. Trời rộng, mây là là ngọn cây. Chim đêm cựa mình trong làn sương trong. Cá lạnh nhảy trong khe biếc. Người thổi sênh đi nơi đâu. Phía tây núi cũ vắng vẻ ?)
                                                  ĐÊM TRĂNG DẠO CHƠI 
                                               ĐƯỜNG THÔNG NÚI TIÊN DU

                                                 Dạo chơi thông mát bờ đê,
                                            Mờ trong khói nhạt làng quê bềnh bồng.
                                                 Triều lui, sáo vẳng bên sông,
                                            Trời cao bát ngát, mây lồng ngọn thông.
                                                 Chim xao xác dưới sương trong,
                                            Vẫy vùng cá lội biếc dòng suối sâu.
                                                 Người thổi sênh vắng nơi đâu,
                                            Phía tây núi cũ dâng sầu quạnh hiu?

                                                (Tâm Minh Ngô Tằng Giao dịch)
                                                      (6)  XUÂN ĐÁN
                                            Tịch mịch sơn gia trấn nhật nhàn.
                                            Trúc phi tà ủng hộ khinh hàn
                                            Bích mê vân sắc thiên như túy,
                                            Hồng thấp hoa sao lộ vị can.
                                            Thân dữ cô vân trường luyến tụ,
                                            Tâm đồng cổ tỉnh bất sinh lan.
                                            Bách huân bán lãnh trà yên yết,
                                            Khê điểu nhất thanh xuân mộng tàn.
                                                                        Chu Văn An

    (Dịch nghĩa: "Sáng mùa xuân". Nhà trên núi vắng vẻ, suốt ngày thảnh thơi. Cánh cửa phên che nghiêng ngăn cái rét nhẹ. Màu biếc át cả sắc mây, trời như say. Ánh hồng thấm nhành hoa sương sớm chưa khô. Thân ta cùng đám mây cô đơn mãi mãi lưu luyến hốc núi. Lòng giống như mặt giếng cổ, chẳng hề gợn sóng. Mùi khói thông sắp hết, khói trà đã tắt. Một tiếng chim bên suối làm tỉnh mộng xuân.)
                                                       SÁNG MÙA XUÂN
                                            Nhà trên non vắng cảnh an nhàn
                                            Phên cửa nghiêng che tiết lạnh sang
                                           Mây biếc trời cao say chất ngất,
                                           Hoa hồng sương sớm đượm miên man.
                                           Thân như mây lẻ vương non thẳm
                                           Lòng tựa giếng xưa lặng sóng vàng
                                           Hương gỗ thông tan, trà cạn khói,
                                           Chim bên suối hót mộng xuân tàn.

                                             (Tâm Minh Ngô Tằng Giao dịch)
                                                           (7)  SƠ HẠ
                                            Sơn vũ liêu liêu trú mộng hồi,
                                            Vi lương nhất tuyến khởi đình hoè.
                                            Yến tầm cố lũy tương tương khứ,
                                            Thiền yết tân thanh đoạn tục lai.
                                            Điểm thủy khê liên vô tục thái
                                            Xuất ly dã duẩn bất phàm tài.
                                            Thê ngô tĩnh cực hoàn thành lãn,
                                            Án thượng tàn thư phong tự khai.
                                                                     Chu Văn An

    (Dịch nghĩa: "Đầu mùa hè". Nhà trên núi vắng vẻ, vừa tỉnh giấc mộng ban ngày. Một làn gió mát nhẹ thổi vào cây hoè trước sân. Chim én rủ nhau đi tìm tổ cũ. Ve sầu cất tiếng đầu mùa, lục tục bay về. Sen dưới khe điểm trên mặt nước không bợn chút phàm tục. Măng đồng nội trồi ra khỏi dậu, chẳng phải khí chất tầm thường. Phượng hoàng đậu cành ngô, lặng lẽ quá đến thành lười nhác. Cuốn sách nát để trên án, gió tự giở ra.)
                                                       ĐẦU MÙA HÈ
                                            Chợt tỉnh giấc ngày nhà chốn cao,
                                            Trước sân hoè rỡn gió lao xao.
                                            Én tìm nơi cũ gom đàn lượn
                                            Ve cất giọng vui vỗ cánh chao.
                                            Dưới suối sen phô, hình thoát tục,
                                            Đầu rào măng vượt, dáng thanh tao.
                                            Phượng hoàng lặng biếng cành ngô đậu
                                            Trên án sách xưa đón gió vào.

                                              (Tâm Minh Ngô Tằng Giao dịch)
                                                (8)  VỌNG THÁI LĂNG
                                            Tùng thu thâm tỏa nhật tương tịch.
                                            Yên thảo như đài mê loạn thạch.
                                            Ảm đạm thiên sơn phong cánh sầu,
                                            Tiêu trầm vạn cổ vân vô tích.
                                            Khê hoa dục lạc vũ ti ti,
                                            Dã điểu bất đề sơn tịch tịch.
                                            Kỷ độ trù trừ hành phục hành,
                                            Bình vu vô tận xuân sinh bích.
                                                                  Chu Văn An

    (Dịch nghĩa: "Trông về Thái Lăng". Cây tùng cây thu khoá kín trời sắp về chiều. Cỏ non xanh rợn, như rêu che lấp những hòn đá ngả nghiêng. Ngàn non ảm đạm, gió thổi càng thêm buồn. Muôn thuở tiêu tan, mây không để lại dấu vết. Hoa bên suối sắp rụng, mưa lất phất. Chim ngoài đồng nội im tiếng, núi quạnh hiu. Mấy lần dùng dằng, đi rồi lại đi. Cỏ rậm bát ngát, sắc xuân xanh biếc.)
                                                  TRÔNG VỀ THÁI LĂNG
                                            Thấp thoáng tùng thu bóng xế chiều,
                                            Cỏ non phủ đá biếc màu rêu.
                                            Gió vờn non thẳm thêm buồn bã,
                                            Mây lắng trời xa để tịch liêu.
                                            Bên suối hoa tàn mưa lất phất,
                                            Ngoài đồng chim lặng núi đìu hiu.
                                            Ngập ngừng mấy độ dời chân bước,
                                            Xanh ngát cỏ xuân, sắc diễm kiều.

                                             (Tâm Minh Ngô Tằng Giao dịch)
                                               (9)  GIANG ĐÌNH TÁC
                                            Giang đình độc lập sổ quy chu,
                                            Phong cấp than tiền nhất địch thu.
                                            Tà nhật ngâm tàn hồng đạm đạm,
                                            Mộ thiên vọng đoạn bích du du.
                                            Công danh dĩ lạc hoang đường mộng,
                                            Hồ hải liêu vi hãn mạn du.
                                            Tự khứ tự lai hồn bất quản,
                                            Thương ba vạn khoảng tiễn phi âu.
                                                                   Chu Văn An

    (Dịch nghĩa; "Làm thơ ở Giang Đình". Đứng một mình ở Giang Đình đếm thuyền về. Trước ghềnh, gió gấp, một tiếng sáo gợi cảnh thu. Thơ đã tàn, mặt trời xế bóng, ánh hồng nhàn nhạt. Trông suốt trời chiều, màu biếc mênh mông. Công danh đã rơi vào giấc mộng hoang đường. Tạm dạo chơi lang thang miền hồ hải. Đi lại tự mình, chẳng gì trói buộc. Thèm cảnh chim âu bay liệng trên muôn khoảnh sóng xanh.)
     

                                                    LÀM THƠ Ở GIANG ĐÌNH
                                            Giang Đình một bóng đếm thuyền qua,
                                            Gió lộng ghềnh thu sáo thiết tha.
                                            Nắng xế, thơ tàn, hồng nhạt nhạt,
                                            Trời chiều, cảnh vắng, biếc bao la.
                                            Công danh lạc mộng đầy hư ảo,
                                            Hồ biển rong chơi với cỏ hoa.
                                            Đây đó lang thang đời tự tại,
                                            Chập chùng sóng biếc bóng âu xa.

                                             (Tâm Minh Ngô Tằng Giao dịch)
                                                        (10)  MIẾT TRÌ
                                            Thủy nguyệt kiều biên lộng tịch huy,
                                            Hà hoa hà diệp tĩnh tương y,
                                            Ngư phù cổ chiểu long hà tại?
                                            Vân mãn không sơn hạc bất quy!
                                            Lão quế tùy phong hương thạch lộ,
                                            Nộn đài trước thủy một tùng phi.
                                            Thốn tâm thù vị như hôi thổ,
                                            Văn thuyết tiên hoàng lệ ám huy.
                                                                      Chu Văn An

    (Dịch nghĩa: "Miết Trì". Trăng nước bên cầu đùa giỡn bóng chiều hôm. Hoa sen, lá sen, yên lặng tựa nhau. Cá bơi ao cổ, rồng ở chốn nào? Mây đầy núi vắng, hạc chẳng thấy về! Mùi quế già bay theo gió làm thơm ngát con đường đá. Rêu non đẫm nước che lấp cánh cửa thông. Tấc lòng này hẳn chưa nguội lạnh như tro đất. Nghe nói đến Tiên hoàng luống gạt thầm giọt lệ.)
                                                              MIẾT TRÌ
                                            Trăng nước cầu bên giỡn bóng tà,
                                            Trong hồ sen lặng, lá kề hoa,
                                            Ao xưa cá lội, rồng đâu thấy?
                                            Núi vắng mây giăng, hạc chẳng qua!
                                            Đường đá gió thơm mùi quế thoảng,
                                            Cửa thông nước đẫm lớp rêu pha.
                                            Lòng đâu đã nguội như tro đất,
                                            Nghe đến tiên hoàng lệ muốn sa.

                                            (Tâm Minh Ngô Tằng Giao dịch)
                                                                (Virginia, USA, tháng 7 năm 2004)
    **********

     

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét