VIỆT NAM HIỀN HÒA 47 (Bì mắm LấpVò)

(ĐC sưu tầm trên NET)

Bì mắm Lấp Vò – ghi danh vào “Làng đặc sản”
11:51 AM, 04-01-2014
Trong danh sách những món đặc sản ẩm thực trứ danh hiện nay của quê hương Đồng Tháp nói riêng và Việt Nam nói chung, có không ít cái tên, ban đầu chỉ đơn thuần là một món ăn dân dã. Chính tài hoa của những người dân bản địa đã kết hợp khéo léo những hương vị đặc trưng của địa phương, cho ra đời ngày càng nhiều những món đặc sản làm nức lòng thực khách gần xa. Cũng với phương thức tương tự như trên mà những năm gần đây, cái tên “Bì mắm” ngày càng được nhiều người biết đến như một món đặc sản mới của quê hương Đồng Tháp.
Làm chơi, ăn thiệt…
Từ trước tới nay, sự hình thành của mỗi một cơ sở, một doanh nghiệp đều có một lý do khác nhau, riêng với cơ sở sản xuất Bì mắm Đông Nguyên tại ấp Bình Thạnh, xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò, sự ra đời một cơ sở lại xuất phát từ một nguyên nhân khá thú vị, đó là do người tiêu dùng yêu cầu. Chuyện kinh doanh sản phẩm bì mắm của cơ sở này cũng khá ngẫu nhiên, nhưng lại được tổ chức sản xuất một cách rất bài bản. Công tác bảo hộ lao động, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm rất được chú trọng và tổ chức thực hiện chặt chẽ dù qui mô vẫn còn khá nhỏ, chỉ gói gọn trong phạm vi gia đình.
Bà Nguyễn Thị Nhị, người con lớn của gia đình này cho biết, trước đây bì mắm chỉ là một món ăn truyền thống thường dùng trong những dịp họp mặt hay đám tiệc của gia đình, dòng tộc. Chính từ việc dùng làm quà tặng cho người thân gần xa và nhận được những phản ánh rất tích cực đã tạo nên một động lực để gia đình mở cơ sở đẩy mạnh sản xuất.
“Lúc đầu dùng bì mắm biếu tặng bạn bè, nhận được sự động viên rất lớn. Nhiều người bảo nên làm bán vì khi khách hàng cần có thể đặt mua. Ngoài ra, sản lượng làm ra phải tăng lên, vì nếu chỉ làm qui mô nhỏ lẻ thì không thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của người quen và khách hàng gần xa”, Bà Nguyễn Thị Nhị, tâm sự.
Quản lý rất “công nghiệp” dù qui mô còn nhỏ
Mặc dù nền tảng của hoạt động sản xuất nơi đây là món ăn truyền thống của gia đình, nhưng khi đã quyết định mở cửa kinh doanh, công tác tổ chức được thực hiện rất qui củ. Thịt nguyên liệu được chọn là loại thịt đùi gọ, được cung cấp từ những nguồn đảm bảo chất lượng và mang về đến cơ sở khi vẫn còn hơi ấm. Công tác phân tách bỏ mở được thực hiện kỹ càng vì đây là khâu rất quan trọng, chi phối đáng kể đến chất lượng sản phẩm. Các loại nguyên liệu khác cũng được chọn lựa cẩn thận và chế biến theo qui trình riêng.
Hoạt động sản xuất Bì mắm tuân thủ tốt An toàn vệ sinh thực phẩm
Dù qui mô sản xuất không quá lớn nhưng cơ sở đã đầu tư trang bị hệ thống máy móc thiết bị khá hiện đại, thay thế phần lớn công lao động ở các khâu nặng nhọc trước đây. Đặc biệt, do đã chuyển dần sang sản xuất công nghiệp để bán sản phẩm ra thị trường nên thời gian qua cơ sở đã rất chú trọng đến việc xây dựng qui trình và công thức chế biến cụ thể, không làm theo cách truyền thống trước đây vốn mang nặng cảm tính.
Về phương pháp chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, bà Nguyễn Thị Nhị cho biết, trước đây khi còn sản xuất để người trong gia đình ăn hay làm quà thì nguyên liệu và gia vị được sử dụng một cách nhắm chừng. Nhưng khi mình làm sản phẩm đưa ra đồng loạt thì chất lượng phải ổn định nên phải tạo một công thức thích hợp. Mình tạo nhiều tỷ lệ khác nhau rồi mình thử và nhờ người quen đánh giá, và cuối cùng là mình chọn công thức ngon như hiện nay.
Với sự hỗ trợ của các loại thiết bị cơ khí, các phần việc như quếch, nhồi, hay phối trộn bằng tay trước kia đã được thay bằng máy và chất lượng đạt được cũng trở nên ổn định hơn. Mỗi loại nguyên liệu, cơ sở đều nghiên cứu đầu tư một loại thiết bị riêng nhằm giữ vững những đặc điểm vốn có của sản phẩm truyền thống trước kia.
Quyết giữ mãi nét đặc trưng truyền thống
Thoạt nhìn, qui trình sản xuất của cơ sở bì mắm Đông Nguyên có nhiều điểm tương đồng so với hoạt động sản xuất nem tại huyện Lai Vung, cũng sử dụng các loại thịt, da, mỡ và các loại gia vị để tạo nên sản phẩm, nhưng điểm đặc biệt trong qui trình sản xuất sản phẩm này là có một số công đoạn tương tự như cách làm mắm tôm, mắm tép. Đây chính là nguyên nhân để hương vị của sản phẩm thoang thoảng mùi mắm, dù rằng trong toàn bộ quá trình sản xuất, cơ sở không hề sử dụng mắm để tạo mùi vị.
Dù sản lượng mỗi ngày là khá lớn, nhưng cơ sở vẫn chủ động nguồn cung các loại phụ liệu để đảm bảo sản xuất cứ không sử dụng các chế phẩm công nghiệp để thay thế.
Bà Nguyễn Thị Thu, một công nhân của Cơ sở sản xuất bì mắm Đông Nguyên cho biết, lá vông hay lá chuối đều được trồng tại nhà. Khi cần sản xuất thì ra hái vào rồi cắt tỉa, làm vệ sinh sạch sẽ, dùng chlorine để lau sát trùng. Dù trên thị trường có nilon màu xanh có thể thay thế lá nhưng nơi đây chỉ thích cái dân dã như sản phẩm truyền thống đã làm xưa nay. Chính cách làm trên đã góp phần giữ vững kiểu dáng, màu sắc tự nhiên của sản phẩm qua nhiều năm sản xuất.
Lá chuối tươi được khử trùng bằng Chlorine trước khi dùng gói sản phẩm
Chính công tác tổ chức sản xuất bài bản, tích cực chú trọng đến chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm của cơ sở đã tạo điều kiện để sản phẩm bì mắm Đông Nguyên không chỉ được người tiêu dùng địa phương ưa chuộng, mà sẽ sớm góp mặt tại các siêu thị ở TPHCM trong tương lai không xa.
Mang hương vị quê hương vươn xa ra khu vực
Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ Cơ sở sản xuất bì mắm Đông Nguyên cho rằng, chính sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan chức năng địa phương đã giúp cơ sở có điều kiện tiếp cận các nhà phân phối, bán lẻ lớn tại TPHCM như SaTra, Big C hay Coop Mark. Thông qua đó, cơ sở đã ký hợp đồng nguyên tắc cung cấp sản phẩm cho Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - SaTra. Hiện tại, để đáp ứng tốt nhu cầu của đối tác, cơ sở đang đầu tư thêm máy hút chân không và chủ động thay đổi công nghệ cũng như phương thức bảo quản để phù hợp với tình hình mới. Bên cạnh đó, cơ sở Bì mắm Đông Nguyên cũng đang triển khai nghiên cứu thị hiếu của khách hàng. Dù sản phẩm hiện nay vẫn đáp ứng tốt nhu cầu của đại bộ phận người tiêu dùng, nhưng để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng, cơ sở đang có định hướng đa dạng hóa sản phẩm với những hương vị khác nhau, kích cỡ sản phẩm khác nhau để khách hàng dễ chọn lựa.
Bì mắm Đông Nguyên Lấp Vò – Đặc sản mới của quê hương Đồng Tháp
Dù so với sự nổi tiếng của các sản phẩm tương đồng về chủng loại, chẳng hạn như nem Lai Vung, thì bì mắm Đông Nguyên vẫn còn nhiều hạn chế do tên tuổi sản phẩm chưa được quảng bá rộng rãi. Nhưng chính sự ưa chuộng của người dân địa phương và nhiều du khách TPHCM cũng như sự nỗ lực mạnh mẽ từ phía cơ sở Đông Nguyên trong việc kiện toàn qui trình sản xuất sẽ là điều kiện thuận lợi để sản phẩm bì mắm ngày càng vươn xa.
Ông Bùi Hữu Soi, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp cho rằng, với cách làm luôn chú trọng chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm như cơ sở Đông Nguyên, sản phẩm bì mắm này hoàn toàn có thể trở thành một món đặc sản nổi tiếng của địa phương.
Dù không dám mơ sẽ góp mặt vào Danh sách những món ăn đặc sản của Sách kỷ lục Guiness Việt Nam như “người anh em cùng xóm” là Nem Lai Vung, nhưng Bì mắm Lấp Vò được đánh giá là sản phẩm nhiều triển vọng, có khả năng góp mặt trong danh mục những món đặc sản nổi tiếng của địa phương trong tương lai không xa.
Minh Đông
(http://dongthap.gov.vn) 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

NGẬM SẦU (ĐL)

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH