ĐỊA LINH NHÂN KIỆT 25/c (Bảy núi)

(ĐC sưu tầm trên NET)


Thất Sơn truyền kỳ - Kỳ 4: Thanh xà, bạch xà

Vùng Thất Sơn có loài rắn bí ẩn, cực độc mà dân gian gọi là rắn tre hay thanh xà, bạch xà, sống trong thân tre.

Thất Sơn truyền kỳ - Kỳ 4: Thanh xà, bạch xà 1
Trùn hổ là vị thuốc  - Ảnh: T.D
“Sát thủ” vô hình
Ông Lương Văn Hội (62 tuổi, nguyên Phó chủ tịch HĐND thị trấn Nhà Bàng, H.Tịnh Biên, An Giang) kể hồi xưa vùng Thất Sơn tre rừng dày bịt nên có loài rắn lạ là rắn tre. Ông Hội kể cây tre nào có lỗ thủng nhỏ cỡ đầu chân nhang thì thường có rắn sống trong đó.
Rắn tre to hơn đầu đũa, dài khoảng 4 tấc hơn, có màu xanh hoặc trắng tùy theo chúng sống trong mắt tre mọc ở trên cao hay sâu dưới đất nên người dân gọi là thanh xà, bạch xà. Vì không biết rắn tre nên lúc xưa người dân đốn tre làm bộ vạt hay giường ngủ, không chú ý đến chúng. Ông Hội nhớ lại: “Thỉnh thoảng có người chết, thân thể tím tái như trúng độc, các thầy rắn đoán bị trúng nọc rắn độc nhưng kiểm tra không thấy dấu răng nên hồ nghi, không biết đó là rắn gì”.
Sau này, khi phá bộ giường nằm của người chết, người ta mới phát hiện có con rắn nhỏ chậm chạp bò quanh, bèn đập chết. Thấy rắn lạ, người dân đem xác cho các thầy rắn xem, từ đấy bí mật về “sát thủ” vô hình mới dần lộ diện. Các thầy rắn đoán, do rắn sống trong thân tre, ăn bọng tre, uống giọt sương nên cực độc. Ai vô phúc đốn tre làm giường, vô tình gối đầu nằm gần mắt tre có rắn ở thì chỉ hít phải hơi thở của chúng cũng thấm độc chết. Ông Hội kể tiếp:“Biết rõ sự việc nên sau này đốn tre làm giường, ai cũng xem kỹ trong thân tre có rắn hay không”.
 Thất Sơn truyền kỳ - Kỳ 4: Thanh xà, bạch xà 2
Bù rầy nay thành món ăn lạ miệng - Ảnh: T.D
Theo ông Hội, đây là loài rắn bí ẩn, không biết chúng do loài rắn nào sinh ra nên người dân đặt tên là rắn tre. Người già dự đoán, lúc rắn đẻ trứng, một số trứng bị lọt vào trong lỗ mắt tre, đến lúc nở ra, rắn con không chui lọt được do mắt tre quá nhỏ. Cũng có người suy luận, có thể lúc rắn đẻ trứng vùi dưới đất không lâu sau có bụi tre phá đất mọc lên và trứng hay rắn con bị lọt nằm kẹt trong bọng tre. Do chỉ sống trong tăm tối nên gặp ánh sáng rắn tre trở nên chậm chạp. Có khi trong bọng có cả một cặp rắn tre. Ban đầu lo sợ rắn độc, sau đó người dân phát hiện rắn tre ngâm rượu uống mát lạnh, sảng khoái nên tìm ống tre bắt rắn ngâm rượu.
Ông Huỳnh Thái Hùng, Phó chủ tịch HĐND thị trấn Nhà Bàng vẫn còn tiếc nuối hũ rượu rắn tre bị bể. Ông Hùng kể, hôm đó ngồi bổ mấy ống tre mục, không ngờ thấy con rắn tre nằm ngọ ngoạ­y. Mừng rỡ vì loài rắn này đang hiếm nên ông Hùng lật đật đeo khẩu trang, bịt kín mũi đề phòng hơi độc rồi đập rắn chết, đem ngâm rượu. Ông Hùng kể giữa trưa nắng, uống rượu rắn xong mát mẻ như nằm phòng máy lạnh nên bạn bè hay đến xin. Rồi hôm đó, lúc cao hứng cầm hũ rượu rót cho bạn, ông Hùng lỡ tay làm rớt bể, xác rắn vừa văng ra thì con chó nhà chạy đến ăn mất.
Ông Nguyễn Văn Lê (65 tuổi, ngụ thị trấn Ba Chúc, H.Tri Tôn, An Giang) kể Thất Sơn có nhiều rắn độc như hổ chuối, hổ hùm, hổ lông, hổ sơn, hổ bướm... Rắn hổ sơn sau khi cắn chết người thì vài ngày sau chúng trở lại ngay nơi đó, như để tìm lại nọc, nên bị đập chết, người ta gọi là rắn một mạng đổi một mạng. Rắn hổ lông nhìn như hổ đất nhưng ngay rốn có túm lông, thịt rất độc, ai không biết ăn thịt rắn xong là hết thuốc cứu. Rắn hổ bướm là rắn độc, nhìn giống con trăn, nếu gọi là trăn thì nó vô hại, còn gọi trúng tên hổ bướm, nó trở nên dữ tợn.
Những món ăn kỳ dị
Vùng Thất Sơn có nhiều đồi núi gò cao, là nơi bù kẹp (bọ cạp), rắn, rết, mối chúa sinh sống và nay chúng trở thành món ăn khoái khẩu của nhiều người. Mới đây, miệt Thất Sơn lại xảy ra chuyện lạ khi một số người thỉnh thoảng hay đi gom mua con cuốn chiếu núi. Anh Lê Văn Cường (ấp Vĩnh Hạ, xã Vĩnh Trung, H.Tịnh Biên) nói 1 con cuốn chiếu bán được 500 đồng, nhưng anh không hiểu họ mua để làm gì. Anh Cường cho biết, do đặc thù đồi núi, nên cuốn chiếu núi to hơn đầu đũa, gồm cuốn chiếu màu đen và màu đỏ nhưng người ta chỉ mua cuốn chiếu đen. Còn cuốn chiếu đỏ rất độc, đi chân không vô tình đạp lên chúng thì lòng bàn chân ngứa ngáy và in hằn một vết đỏ, vài ngày sau mới phai.
Ông Nguyễn Thiện Chung, Chủ tịch Hội Đông y H.Tịnh Biên nói đây là chuyện lạ vì trong sách thuốc không đề cập nó là vị thuốc. Theo ông Chung, trước đây, một số người bị bù kẹp chích đau nhức quá bèn bắt cuốn chiếu núi giã nát đắp lên vết thương, rất hiệu nghiệm. Ông Chung ngẫm nghĩ, người bị bù kẹp chích không nhiều nên có khả năng họ mua cuốn chiếu làm chuyện khác.
Nhưng dưới cái nhìn của ông Hai Tấn (73 tuổi, ngụ xã An Hảo, H.Tịnh Biên) thì biết đâu họ mua về ăn hay làm thuốc. Ông Tấn dẫn chứng, trước đây, vùng núi có loài côn trùng là bù rầy, nhìn rất xấu xí, chẳng ai dám nghĩ đến chuyện ăn chúng nhưng nay, chúng thành món ăn lạ, ngon miệng, được khắp nơi biết đến. 
Nhắc đến chuyện côn trùng trị bệnh, ông Lương Văn Hội nói ngày xưa Thất Sơn muỗi còn nhiều hơn ở U Minh nên dân xứ núi hay bị sốt rét. Lúc đó thuốc men làm gì có như bây giờ nên người ta bắt trùn hổ uống làm thuốc. Ông Hội kể: “Chỉ vùng này mới nhiều trùn hổ. Để chế thuốc, người dân chặt ống trúc rồi bỏ một đống trùn vào, lấy miếng chanh tươi đậy lên miệng rồi đem ống trúc hơ lửa nóng thật lâu cho trùn bị nóng, chảy ra thành nước thì lấy nước đó ra uống, vậy mà giảm bệnh”.
Ông Bảy Phong, người sưu tầm các cây thuốc núi ngụ ở H.Tịnh Biên giải thích, trùn hổ còn gọi là địa long, từng được dùng trị bệnh viêm tai giữa. Ông Phong còn xác nhận, ăn cháo trùn hổ xong thấy khỏe, bớt căng thẳng. Ngư dân mua trùn giăng câu vì cá tôm mê mồi trùn, còn người nuôi gà độ hay chim thì mua trùn cho chim, gà ăn để chúng lên màu lông đẹp và đá dữ hơn.
Thanh Dũng

Thất Sơn truyền kỳ - Kỳ 5: Bí ẩn bia đá và hồ không cạn nước

 
Cối đá khổng lồ  
Núi Cô Tô, còn gọi là Phượng Hoàng Sơn, ở xã Cô Tô, H.Tri Tôn (An Giang), là một trong những ngọn núi đẹp của Thất Sơn. Người già kể rằng ngày xưa núi có nhiều chim phượng hoàng nhưng nay đã tuyệt tích.
Theo dân gian truyền tụng, ngày xưa tiên hay bay xuống núi chơi nên trên đỉnh núi đến nay vẫn còn lưu lại dấu chân tiên. Ông Võ Xên, người được mệnh danh “thần đèn núi Sập” do có biệt tài chống nhà cao tầng nghiêng lún, kể: “Do hiếu kỳ tôi đi xem. Đó là một dấu hài khổng lồ, tôi thử đo nó dài khoảng 1,03 m, mỏm hài rộng 0,3 m và dấu bị lõm hằn xuống phiến đá khoảng 0,3 m. Sau đó, tôi nghe người dân kể núi Ba Thê, núi Cấm, núi Két cũng có dấu chân tiên nên đi kiểm tra nhưng các dấu chân này rất mờ như có bàn tay con người tác động”.
Ông Xên nói tất nhiên không thể có người khổng lồ hay tiên xuống trần gian chơi để lại dấu chân nhưng ông đã kiểm tra kỹ thì đấy là vết hài lõm tự nhiên, không phải do con người đục phá, gây chuyện hiếu kỳ. Vì thế, ông suy luận có khả năng khi xưa núi vừa trồi lên là lớp đá non rồi có người bước lên đã để lại dấu hài. Sau đó núi mọc lớn lên nên dấu hài bị kéo giãn ra thành dấu chân khổng lồ.
Nói về những điều kỳ lạ của Thất Sơn, ông Lê Văn Hơn (64 tuổi, ở ấp Ba Xoài, xã An Cư, H.Tịnh Biên) bổ sung chuyện lạ: cối đá khổng lồ nằm trên đồng ruộng. Đấy là cối đá nằm vùi dưới đất ruộng, do bị nhiều tác động đã trồi lên. Ông Hơn lại ôm thử cối đá nhưng vòng tay không giáp. Ông ước lượng cối đá nặng cả tấn, được làm bằng đá tốt. Ông Hơn nói: “Ai cũng ngạc nhiên, không biết cối đá to như vầy để xay cái gì? Sức người chắc chắn không thể nào xay được cối đá này”.
Còn gần núi Ba Thê (thị trấn Óc Eo, H.Thoại Sơn) có cặp bia cổ ngàn năm nằm ở chùa Phật Bốn Tay, đến nay dòng chữ trên đó vẫn chưa được giải mã. Những người già cho biết do trúng bom đạn nên một trong hai tấm văn bia có vài chỗ bị bể. Tiến sĩ Ngô Quang Láng, Trưởng ban Quản lý khu di tích Óc Eo - Ba Thê, xác định hai bia đá trên thuộc văn hóa cổ Phù Nam, mỗi tấm bia làm bằng đá gan gà có chiều cao 1,8 m và dày khoảng 20 cm, bề ngang chừng 80 cm. Ông Láng nói: “Các tỉnh thành khác khai quật được bia cổ của nền văn hóa Phù Nam thì các nhà khảo cổ đều dịch được hết dòng chữ ghi trên bia đá đó. Còn hai văn bia này tới nay các nhà khảo cổ trong nước vẫn chưa giải mã được chữ viết. Chúng tôi đã mời nhiều chuyên gia thông thạo chữ cổ, chữ Phạn ở Ấn Độ và các nước khác tới giúp giải mã. Họ đã sao chép lại đem về nước nhưng đến nay vẫn chưa dịch được dòng chữ trên văn bia là gì”.
Hồ “Thạch Sanh”
Khách du lịch đến tham quan các núi đá trên Thất Sơn đều tranh thủ lấy nước trong các “giếng tiên” rửa mặt hay uống một ngụm để cầu khấn sự an lành.

Hồ Cây Đuốc, nước không bao giờ cạn - Ảnh: T.D 
Các “giếng tiên” đều nằm trên đỉnh núi, miệng giếng rộng từ 0,5 - 1 m; ăn sâu xuống lòng núi thì miệng giếng nhỏ dần. Ông Nguyễn Sơn Đào (ngụ núi Két) kể: “Ngày xưa, vào mùa khô hạn, nguồn nước trên các núi Thất Sơn khan hiếm nên nước trong giếng tiên rất quý đối với người dân. Kỳ lạ lắm, nhìn nước trong giếng rất ít nhưng vừa múc hết nước thì không lâu sau nước lại trào lên. Vì vậy người dân trên núi gọi là giếng tiên hay giếng trời sanh”.
Không thể thống kê hết trên Thất Sơn có bao nhiêu “giếng tiên” nhưng ngày xưa, lúc chưa có nước máy xài, người và thú ở trên núi phải tranh nhau trong mùa khô hạn. Tùy theo mùa, tùy theo ngọn núi mà nước giếng trong hay đục.
Chúng tôi đi sâu trong cánh đồng xã An Cư, H.Tịnh Biên và bất ngờ thấy một hồ nước nằm trơ trọi giữa cánh đồng lộng gió. Bà Lê Thị Lệ, người được Xí nghiệp điện - nước Tịnh Biên thuê giữ hồ, kể: “Hồ này tên là hồ Cây Đuốc, còn gọi là hồ Thạch Sanh vì nước trong hồ xài hoài không hết, dù mỗi ngày cấp cho mấy ngàn hộ ở xã này”.
Bà Lệ giữ hồ đề phòng, không cho trâu bò, thú rừng hay trẻ nít đến phá vì đây là nguồn nước sinh hoạt cho người dân nấu nướng, tắm rửa. Theo bà Lệ, điều kỳ lạ là nước trong hồ trong xanh và sạch quanh năm. Vào mùa khô hạn dữ dội, người dân sử dụng nước nhiều thì nước hồ chỉ giựt xuống nhưng vài giờ sau lại đầy trở lại. Bà Lệ nói người ta thiết kế 2 đường ống xả cấp nước, chỉ cần mở khóa tay là nước theo đường ống chảy vào nhà dân. Nước hồ sạch nên người dân không cần xài các hóa chất lọc lại nước.
Về nguyên cớ phát hiện hồ này cũng hết sức tình cờ. Năm 1980, có nhóm trẻ chăn trâu vô tình phát hiện vũng nước bùn nên cho trâu tới nằm. Lúc đó, để có nước xài người dân phải túc trực đi vét từng giọt nước ở các giếng. Nên khi nghe lũ trẻ mách lại, một số người đã âm thầm tới, lấy nước đem bán. Sau đó, dân trong vùng phát hiện, không mua nữa mà kéo đến lấy nước. Nhưng lạ làm sao, cái vũng nước rất nhỏ càng múc nước càng trào lên. Người ta lấy làm lạ, suy đoán vũng nước này là mạch nước ngầm, nối với các sông lớn.
Chuyện hồ nước không cạn được loan nhanh, lúc này ngành chức năng H.Tịnh Biên hay tin đã cho người xuống khảo sát mẫu nước, xem đó là nước sạch hay ô nhiễm để khuyến cáo người dân sử dụng. Huyện đã mời các nhà khoa học của Trường ĐH Cần Thơ đến khảo sát mẫu nước và quan trắc lòng đất. Sau khi có kết quả, xác định đây là nước sạch với trữ lượng khổng lồ, ngành chức năng đã nạo vét vũng bùn, xây lại thành hồ rồi thiết kế đường ống kéo nước sạch đến nhà dân...
Thanh Dũng
 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

NGẬM SẦU (ĐL)

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH