ĐỊA LINH NHÂN KIỆT 25/d (Bảy núi)

(ĐC sưu tầm trên NET)

Khám phá kỳ bí của thuật "võ bùa" nơi núi Sam

Vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, làng võ Việt xôn xao bởi sự xuất hiện của một phái võ kỳ lạ, gọi là"thần quyền" hay "võ bùa". Người theo môn võ này không dụng về kỹ thuật, sức lực mà chỉ cần thổi nhang, uống bùa, gọi thần chú là có ngay sức mạnh lạ kỳ.
Chính cách thức kỳ dị đó mà Thất Sơn thần quyền không được chấp nhận như 1 môn võ “danh chính ngôn thuận” và dần phải lui vào ẩn dật.

Tuy nhiên, tại An Giang vẫn có 1 số "ông đạo" rèn luyện môn "võ bùa" này với những điều kiêng kỵ và thể thức kỳ quái. Chúng tôi đã có may mắn được tiếp cận và xin nêu một số điều ít biết về môn võ từ lâu đã bị cho là thất truyền này.
Tây An cổ tự trên núi Sam.
Tây An cổ tự trên núi Sam.
Ông đạo trên núi Sam
Trong vai những người đi “tầm sư học đạo” chúng tôi tìm về vùng Thất Sơn, huyện Tịnh Biên, An Giang - nơi vốn nổi tiếng với những huyền tích ly kỳ. Nhờ một vài mối quan hệ, chúng tôi được “chỉ điểm” rằng trên núi Sam, cạnh Tây An cổ tự có một ông đạo sống ẩn dật, thường gọi là thầy Hai rất rành về “thần quyền”.

Từ thị xã Châu Đốc đến chân núi Sam khoảng 5 cây số. Tuy không hùng vĩ, nhưng núi Sam mang một di sản đồ sộ với hàng loạt di tích cấp quốc gia “náu mình” trên sườn núi. Nổi tiếng nhất là chùa Hang, miếu Bà Chúa Xứ, Tây An cổ tự, lăng Thoại Ngọc Hầu...

Thật may mắn cho chúng tôi khi trong những ngày rong ruổi tại vùng Thất Sơn, chúng tôi đã làm quen được với anh Ba Hùng, 47 tuổi, ngụ cù lao Tân Phú, An Giang, là người đã từng “thọ ơn” thầy Hai. Anh Hùng kể mình là người ở cù lao Tân Phú nhưng dạt đến tận đây làm nghề bán rau câu dạo, có khi là chạy xe ôm. Trong một lần bất cẩn, anh bị “thư”, ăn uống không được mà bụng cứ trương sình lên, may nhờ thầy Hai cứu giúp, không thì cũng bỏ mạng nơi này.

“Thư” đọc trại theo tiếng Khmer là “thnup”, nghĩa là bị bỏ bùa. Vùng Thất Sơn là nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống nhất tại tỉnh An Giang. Trước đây, người Khmer ở Thất Sơn gần như sống tách biệt với cộng đồng, không thích qua lại với các dân tộc anh em khác tại địa phương. Vì thế, người dân ở đây vẫn thường thêu dệt những câu chuyện kỳ bí về người Khmer. Và cho đến bây giờ, rất nhiều người vẫn tin rằng người Khmer có khả năng sử dụng bùa chú để “thư” người khác.

Tương truyền, “thư” là cách hóa phép cho một vật to lớn, ví như một nắm tóc rối, con đỉa, khúc gỗ… biến thành nhỏ xíu, rồi bỏ vào đồ ăn thức uống của người muốn bỏ bùa. Sau khi vào bụng, những vật trên sẽ trở về hình dáng cũ, kích thước bình thường, gây đau đớn ghê gớm cho người bị hại.
Khi bị “thư” thì không thuốc thang nào chữa nổi, chỉ có những ông đạo cao tay giải bùa mới mong tai qua nạn khỏi. Các cao niên còn kể lại rằng, người muốn luyện loại bùa chú này phải ăn những đồ dơ bẩn nhất như rác rưởi, đỉa, trùng đất… thậm chí là máu cục trong kinh nguyệt phụ nữ. Cũng giống chơi ngải, họ phải lựa giờ linh để đọc thần chú, kêu gọi những oan hồn khuất mày, khuất mặt nhập thân để có thể sai khiến được ma quỷ.

Anh Hùng rùng mình kể lại: “Tôi không biết mình đã làm gì sai mà tự nhiên bụng cứ trướng dần lên. Đi bác sĩ người ta nói là bệnh gan, nhưng thật ra không phải. Ai cũng bảo là tôi bị “thư”, bị yếm rồi. Người ta thương tình đưa tôi lên núi Sam cầu thầy Hai chữa trị. Thầy Hai giải bùa xong tự nhiên bụng tôi xẹp xuống, gia đình tôi mang ơn thầy Hai suốt đời. Lâu lâu ổng hay nhờ tôi mua giùm gạo với một số đồ cần thiết đem lên cho ổng”.

Không biết câu chuyện anh Hùng kể thực hư ra sao, nhưng chuyện thầy Hai luyện “võ bùa” thì dân xứ này ai cũng râm ran đồn đại. Sau một hồi thuyết phục, anh Hùng cũng chịu dẫn chúng tôi đến nơi thầy Hai đang tu đạo.

Cách Tây An cổ tự không xa là căn chòi lá của thầy Hai. Cũng như những ông đạo thường thấy ở miền Tây, thầy Hai tầm hơn 60 tuổi, búi tóc củ tỏi, mặc bà ba đen, dáng vẻ khoan thai, người phương phi hồng hào. Thầy Hai tỏ ra rất khó chịu khi anh Hùng dẫn người lạ mặt đến chỗ ở của thầy.

Chúng tôi phải quỳ rất lâu trước mái chòi tranh để vờ xin thầy Hai nhận làm đệ tử của môn võ “thần quyền”. Mãi đến khi trời bỗng đổ mưa thì thầy mới mở cửa mời chúng tôi vào nhà. Thầy Hai gắt: “Mai mốt tôi chuyển chỗ thôi. Tôi không thích nhiều người biết nơi mình ở.

Trời đổ mưa, thôi cũng coi như là cái duyên. Tôi sẽ chỉ cho các anh cách tập luyện Thất Sơn thần quyền, về nhà tự học lấy, thành hay không là ở cái tâm của các anh. Còn tôi không nhận đệ tử”.

Nguyên tắc dị thường
Thầy Hai kể rằng, tổ sư của thần quyền là một cao tăng người Ấn Độ. Không biết vì lẽ gì mà lưu lạc đến Việt Nam rồi về vùng Thất Sơn ẩn náu. Tại đây ông đã được những người Khmer cưu mang và ông quyết định truyền “võ bùa” cho họ. Nhưng người Khmer vốn dĩ tự hào về khả năng “thư” của mình nên đã từ chối môn võ này. Sau, môn võ được truyền lại cho người Kinh, và ông Hai vốn may mắn được “chân truyền”.
Một võ sinh đang biểu diễn.
Một võ sinh đang biểu diễn.
Sau khi kể sơ về nguồn gốc, chúng tôi được làm lễ nhập môn. Thầy Hai bấm độn, và bảo chúng tôi đứng trước bàn thờ. Chúng tôi được chia mỗi người 3 cây nhang, nghiêm cẩn và lặp lại những lời thề theo lời ông Hai đọc. Có tất thảy 9 điều dành cho nhập môn, và càng lên cao thì số lời thề càng tăng lên, cao nhất là 16 điều. Một số lời thề của thầy Hai mà chúng tôi đã ghi lại được: Một lòng hiếu thảo với cha mẹ; Không phản môn phái; Không phản thầy; Không phản bạn; Coi bạn như anh em ruột thịt; Không cưỡng bức kẻ yếu; Không làm điều gian ác; Không ham mê tửu sắc; Không nản chí khi luyện tập; Không thoái lui lúc nguy hiểm; Luôn bảo vệ kẻ yếu; Ôn hòa trong tình bạn; Cứu người trong lúc nguy nan...

Sau khi thề và bái lạy trước bàn thờ xong, thầy Hai phát cho chúng tôi mỗi người hai lá bùa, gọi là bùa hộ thân, một vuông, một dài. Trên vẽ những hình ngoằn ngoèo giống như chữ của vùng Tây Á, và những biểu tượng không rõ hình thù. Sau khi niệm chú, thầy Hai lấy bùa đốt lên, rồi đem tro hòa với nước bắt chúng tôi uống cạn.

Thầy Hai bảo: “Trước khi tập thần quyền, phải khai thông các huyệt đạo trên cơ thể. Có như vậy thần chú mới ứng nghiệm”. Nói rồi thầy lấy 7 nén nhang, đốt lên rồi thổi khói vào các nơi gọi là tử huyệt, sinh huyệt. Vừa khai huyệt thầy vừa giảng giải: “Môn sinh nam thì 7 cây nhang, thổi khói 7 lần vào sinh huyệt, tử huyệt. Môn sinh nữ thì 9 cây nhang, thổi khói 9 lần”. Sau khi được “khai thông kinh mạch”, chúng tôi được nghỉ ngơi.

Trong khoảng thời gian này, chúng tôi được thầy Hai kể khá nhiều giai thoại ly kỳ về Thất Sơn thần quyền. Theo đó, thứ võ mà thầy Hai truyền cho chúng tôi là một chi của Thất Sơn thần quyền.

Thần quyền gồm quyền và thuật. Quyền được rèn luyện về thể lực chiêu thức như những môn võ khác, nhưng “thuật” thì rất ít ai biết và thầy Hai là một trong những truyền nhân còn sót lại nắm được “thuật” của Thất Sơn thần quyền.

Thầy Hai kể, ông nhặt được bí kíp chân truyền của Đạo Ngựa, cũng chính là tổ sư của môn Thất Sơn thần quyền. Sở dĩ gọi ông là Đạo Ngựa vì ông hay cưỡi ngựa lên núi tu tập, rồi lại dong ngựa xuống núi để thăm thú xóm làng. Một lần ông cưỡi ngựa xuống núi đổi rau củ lấy gạo thì bắt gặp một đám lính Pháp đang dùng súng uy hiếp người dân. Ông lập tức nhảy xuống cứu người.

Tên lính lê dương nổ súng, Đạo Ngựa há miệng đớp lấy viên đạn mà không hề hấn gì, rồi nhả xác đạn ra trước mặt bọn lính khiến chúng thất kinh, vứt súng chạy tán loạn. Sau lần ấy, lính Pháp kéo đến vùng núi nơi ông tu tập để truy lùng ông, nhưng không được. Có người kể lại rằng, lão võ sư Hoàng Sơn, một môn đồ ưu tú của phái Thất Sơn thần quyền đã tìm được Đạo Ngựa và học được những tinh hoa của môn võ này.

Trở lại việc học “võ bùa”, thầy Hai cũng không ngần ngại truyền cho chúng tôi các loại chú như chú xin quyền, chú chữa thương, chú xin lực... Thầy Hai dặn, về nhà muốn xin gì cứ niệm chú để gọi về, nhưng phải tập luyện rất lâu cách gọi chú thì “võ bùa” mới ứng nghiệm. Và tuyệt nhiên không được để thân mình ô uế. Ví như không được chui xuống dây phơi quần áo, trước khi gọi bùa không được gần sắc dục, không được uống nước chung ly, và rất nhiều điều kiêng kỵ khác.

Về đến nhà, chúng tôi lập tức đọc theo thần chú thầy Hai đã cho, gọi bùa xin quyền, xin lực hộ thể… gọi mãi mà không thấy “ứng nghiệm” gì. Anh Ba Hùng, người đã dẫn chúng tôi gặp thầy Hai thì luôn miệng giải thích: “Chắc tại tụi bây vướng phải mấy điều kiêng kỵ thầy dặn rồi. Tao nói mà, “võ bùa” khó lắm”.

Sau chúng tôi có đi hỏi khắp vùng Thất Sơn, nhưng sự mầu nhiệm của “võ bùa” chỉ dừng lại ở những câu chuyện kể. Hoàn toàn chưa một ai chứng minh được sự huyền diệu của môn võ thần bí này.


Đi tìm dấu vết võ học Thất Sơn: Võ gồng– Võ bùa
Người luyện được võ gồng thì đao thương bất nhập, thân thể như “mình đồng, da sắt”. Tương truyền, có 2 người tu luyện thành công võ gồng ở núi Tà Lơn (Campuchia), sau đó về Thất Sơn ẩn dật. Đó là tướng cướp lừng danh Đơn Hùng Tín và ông Ba Đạo.
Học trộm từ “Thiên thư bí quyết”
Theo ghi chép của các nhà nghiên cứu, tướng cướp Đơn Hùng Tín tên thật là Lê Văn Tính, người ở miệt Ba Sao (huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp). Tín chỉ là một kẻ vô danh tiểu tốt và không có võ nghệ, nhưng mê đọc truyện Tàu và có chí làm… ăn cướp. Chán ngán cuộc sống bị bọn cường hào ác bá hà hiếp, Tín rời bỏ quê nhà tìm đến núi Tà Lơn. Khi đến đây, Tín gặp một thầy giáo bị sa thải khỏi ngành tên là Phép. Theo lời thuật của giáo Phép, ngay tại những hang động ở điện Cán Dù, có một ông lão học được phép màu trong quyển “Thiên thư bí quyết”. Số là, ông này nuôi một con khỉ, mỗi ngày cho nó nuốt một lá bùa nhưng đến ngày thứ 7 khỉ lăn ra chết. Đem xác khỉ cất vào cái hộp, đúng trăm ngày giở ra, khỉ mở mắt, ông liền cho nó uống lá bùa thứ 8 thì khỉ sống lại, lanh lẹ và nhất nhất tuân lời ông. Từ đó, mỗi buổi sáng con khỉ phải chạy từ trên núi xuống chợ Cần Giọt (Campuchia) lấy cắp 2 đồng xu về cống nạp cho ông lão. Giáo Phép biết rằng, cái lão tu tiên kia cất giữ “Thiên thư bí quyết” không khác chi báu vật và chẳng bao giờ truyền dạy cho ai trên núi này. Cho nên hắn ngày đêm nghĩ cách để đánh cắp mang về cho Đơn Hùng Tín. Trong số rất nhiều bí quyết võ công, bùa chú trong quyển “Thiên thư bí quyết”, giáo Phép từng nghe nói đến loại võ gồng.
vo gong d Đi tìm dấu vết võ học Thất Sơn: Võ gồng
Trung Thiên Sơn tự – ngôi chùa do ông Ba Đạo xây dựng, sau khi bị Pháp đốt được
con cháu xây dựng lại trên núi Cấm – Ảnh: Mai Tuyết
Nhờ bí quyết này mà Đơn Hùng Tín đã luyện thành loại võ gồng và ngang nhiên trên bước đường hành tẩu cũng như nhanh chóng trở thành một tướng cướp lừng danh. Dân chúng quanh vùng tỏ ra yêu mến cái danh của đảng cướp Đơn Hùng Tín hơn là kinh sợ vì họ thường nhận được nhiều khoản tiền “từ trên trời rơi xuống” đúng vào lúc gia cảnh lâm vào khốn khó. Về sau, Đơn Hùng Tín rời Tà Lơn về núi Cấm lập bản doanh và đánh cướp khắp Nam kỳ lục tỉnh. Có tài liệu nói rằng, ông bị bắn chết tại vàm Cồn Rồng (Mỹ Tho) do tên thuộc hạ bán đứng thông tin để nhận khoản tiền thưởng kếch xù. Nhưng cũng có người bảo rằng, người chết chỉ là một thủ hạ trung thành thế mạng để “cứu chúa”. Người ta còn quả quyết là sau trận máu lửa ấy, Đơn Hùng Tín vẫn ung dung giong thuyền ở tận Biển Hồ bên Chùa Tháp.
Voi giẫm không chết
Bà Trần Thị Cẩm Tiên, cháu ngoại của ông Ba Đạo (đạo sĩ Nguyễn Thành Đạo), hiện đang sinh sống cùng chồng là Nguyễn Trung Huê gần Vồ Ong Bướm trên đỉnh núi Cấm để giữ gìn đất tổ. Bà Tiên cho biết, ông ngoại bà trước đây tu tại núi Tà Lơn. Năm 1920, ông về núi Cấm dựng lên ngôi chùa đồ sộ đặt tên là Trung Thiên Sơn tự. Tại đây, ông Ba Đạo cũng mở võ đường, thu nhận nhiều đệ tử. Trong số những đệ tử ruột của ông là ông Trần Văn Thất (Ba Tiêu) và bà Chín Huê (ở Cao Lãnh). Vì là người tu tiên, không cạo đầu, để tóc làm đạo sĩ nên ông Ba Đạo vẫn có vợ và 1 người con gái. Về sau, ông gả con gái cho đệ tử giỏi nhất của mình là Trần Văn Thất và truyền dạy hết những món võ tuyệt kỹ đã luyện thành. Còn bà Chín Huê cũng vừa mất cách đây khoảng 3 năm.
Ông Nguyễn Trung Huê cho biết, trước đây là bộ đội và được phân công canh giữ tại Vồ Pháo Binh, núi Cấm. Sau đó, ông gặp bà Trần Thị Cẩm Tiên, lập gia đình và sinh sống trên núi đến nay đã mấy chục năm. Ông Huê nói từng nghe cha vợ và bà Chín Huê lúc sinh tiền kể rất nhiều về ông ngoại vợ. Câu chuyện mà cho đến nay ông vẫn nhớ như in trong đầu là nhờ có võ gồng mà ông Ba Đạo bị voi giẫm không chết. “Theo lời tía vợ tôi kể, hồi trước có một con voi nuôi ở Ba Soài (huyện Tri Tôn, An Giang) xổng chuồng. Nó đi quậy phá khắp nơi, gặp nhà là húc đổ, gặp cây thì nhổ gốc, vườn rẫy của người dân trên núi bị nó giẫm nát tan hoang. Hôm đó, con voi to tướng đang phá rẫy cặp bên Trung Thiên Sơn tự. Ông ngoại vợ tôi nghe nói liền xách một cây thương chạy ra xua đuổi. Khi ông vừa đến gần thì bất ngờ bị con voi dùng vòi quấn chặt, giở ổng lên khỏi mặt đất rồi quăng xuống. Nó điên cuồng dùng chân giẫm đạp lên người, nhưng ông ngoại vợ vận võ gồng để chống đỡ. Sẵn còn cây thương nhọn trong tay, ông đâm một phát trúng ngay yết hầu khiến nó đau đớn mà bỏ chạy. Nhờ vậy ông mới thoát chết”, ông Huê kể.
Vào những năm 1940, số người tìm đến Trung Sơn Thiên tự để quy y, học nghệ rất đông. Ông Huê còn nhớ lời bà Chín Huê kể, luyện võ gồng không khó lắm nhưng đòi hỏi phải có tính kiên trì. Trước tiên, người học sẽ được sư phụ thông các huyệt đạo trên người bằng nội lực. Sau đó sẽ chỉ cho các câu thần chú, rồi cứ học thuộc trong lúc ngồi thiền. Cứ kiên trì luyện tập ngồi thiền, đọc chú kết hợp với vận nội công hằng ngày thì tự nhiên nội lực sẽ tăng lên. Khi tập đến đỉnh thì da cứng như đồng, như sắt, đao kiếm không gây thương tích được.
Ngày nay, dấu tích của ông Ba Đạo vẫn còn trên núi Cấm. Bên trong ngôi chùa còn lưu giữ hình ảnh của vị đạo sĩ Ba Đạo thời trai trẻ. Câu chuyện về người đạo sĩ nổi tiếng với món võ gồng vẫn còn được người dân núi Cấm kể cho nhau nghe hằng ngày, như để tưởng nhớ về một thuở hồng hoang, với những con người chân cứng đá mềm khai phá nên vùng đất.

Đi tìm dấu vết võ học Thất Sơn 


Người học võ nếu học thêm bùa, phép thì khi kết hợp lại sẽ làm cho uy lực tăng gấp nhiều lần. Dù võ bùa thường chỉ dùng nhằm mục đích chữa bệnh cứu người, nhưng nhiều người học đã cố tình dùng sai, gây hại người khác, khiến giới võ lâm coi người học võ bùa là “tà đạo”. 
Bỏ “thư”
Vùng Thất Sơn là nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống nhất tỉnh An Giang. Họ sống tập trung tại các phum sóc, hầu hết theo đạo Phật. Trước đây, người Khmer ở Bảy Núi gần như sống tách biệt với cộng đồng, không thích qua lại với các dân tộc anh em khác tại địa phương. Không biết có phải vì thế mà họ thêu dệt nên các câu chuyện huyền bí, rùng rợn hay không. Nhưng cho đến bây giờ người ta vẫn tin rằng một số ít người Khmer vẫn có khả năng bỏ “thư”.
 Đi tìm dấu vết võ học Thất Sơn - Võ bùa Một “thầy” dùng võ bùa chữa bệnh cho người dân ở Tri Tôn, An Giang - Ảnh: M.T
“Thư” tiếng Khmer gọi là Thnup. Người dân Bảy Núi trước đây rất sợ loại bùa phép này. Bởi họ tin rằng, người có bùa “thư” có thể sai khiến một vật to lớn “đi” vào bụng người, mà đi một cách êm ru, đối phương không hề hay biết. Phổ biến nhất là các “thầy bùa” thường dùng 1 nùi tóc rối, 1 miếng da trâu hay 1 khúc gỗ to để “thư” người khác.
Theo truyền thuyết, “thầy bùa” sẽ đọc chú để biến các vật vụng trên nhỏ dần, nhỏ dần đến khi chỉ còn bằng… hạt bụi. Khi đó, họ sẽ nhét “hạt bụi” vào bụng con cá hoặc thức ăn của người khác. Khi “hạt bụi” đã vào được bụng của đối tượng thì sẽ trở về hình dáng cũ, gây đau đớn ghê gớm.
Cho đến bây giờ, người dân vùng Bảy Núi vẫn còn truyền khẩu câu chuyện huyền bí về vợ chồng bà lão được cho là biết bùa “thư” ở phum Là Ca (xã Ô Lâm, H.Tri Tôn). Ai làm mất lòng hay có hiềm khích với vợ chồng bà lão thì chỉ cần bà này đi ngang qua nhà, y như rằng trong nhà sẽ có chuyện. Người ta sợ đến mức hễ thấy vợ chồng bà lão đi ngang qua là tất cả lu nước phải đổ bỏ, đồ ăn thức uống trong nhà cũng không dám động vào vì sợ bị “thư”. Vì câu chuyện huyền bí không có lời giải thích này khiến phum Là Ca càng thêm thâm u, không một người lạ nào dám bén mảng tới đây.
Có một sự trùng hợp khiến bọn lính Tây khiếp vía, không dám đặt chân đến Là Ca. Chuyện là, một ngày nọ, bọn lính Pháp bất ngờ kéo vào phum Là Ca vơ vét tài sản, gà vịt, thức ăn của người dân nơi đây rồi bày ra ăn nhậu, còn chửi thề ỏm tỏi. Trong lúc đó thì bà lão kỳ dị ấy đi ngang qua. Một lúc sau, vài tên trong nhóm bỗng ôm bụng té lăn, ói mửa. Vốn đã nghe tiếng bùa “thư” ở nơi này từ trước, bọn lính càng tin chúng đã bị dính “thư” nên cuốn gói bỏ chạy, về sau không dám bén mảng.
Theo truyền thuyết, người muốn luyện loại bùa thuật này phải ăn toàn đồ dơ bẩn như rác rưởi, thậm chí là… kinh nguyệt của phụ nữ. Đêm đêm họ phải ra các bãi tha ma, hoặc đi vào rừng thẳm để luyện phép, kêu gọi ma quỷ nhập thân bằng những câu thần chú đầy ma quái. Sau nhiều ngày tháng luyện tập như vậy, đến lúc luyện thành thì người này có thể sai khiến được ma quỷ đi càn quấy, hại người khác. Những người lớn tuổi ở Bảy Núi kể lại rằng, cách đây rất lâu, sau một cuộc đua bò, anh “tài xế” bò thua cuộc cho rằng người thắng đã chơi xấu, bỏ “bùa” khiến quỷ hiện hình làm bò của anh ta sợ hãi bỏ đường đua chạy trốn. Vì vậy, anh này đã bất chấp cả mạng sống, cố công đi luyện bùa “ếm” để trả thù. Một thời gian sau, bụng người thắng cuộc bỗng dưng to lên, da vàng, mỗi ngày ăn cả năm sáu nồi cơm mà thân hình vẫn ốm nhom như que củi, riết rồi chết… Thực hư câu chuyện chưa được xác nhận.
Đi tìm dấu vết võ học Thất Sơn - Võ bùa 1  Bùa lỗ ban - Ảnh: M.T
Trận đánh giành đệ tử
Ông Trần Thanh Tùng (65 tuổi, nhà ở núi Cấm, xã An Hảo, H.Tịnh Biên) nói rằng cha ông là ông Trần Văn Trị (Ba Trị - đã mất) trước đây vừa là thầy võ, vừa học cả bùa lỗ ban. Ông Tùng vẫn nhớ như in lời kể của cha mình trong suốt những năm bôn ba khắp vùng để tầm sư học đạo.
Ông Ba Trị có món nghề võ khá tiếng tăm, nhưng cuộc sống ở Thất Sơn lúc bấy giờ rất hỗn loạn, trong rừng đầy hùm beo, rắn rết… đe dọa mạng sống con người. Thấy vậy, ông Ba Trị bàn với một đồng môn là ông Tám Đạt cùng đi tìm thầy học bùa lỗ ban. Hai người lên núi tìm tới một hang đá, nơi thầy Hai Đảnh đang ẩn tu. Cạnh bên đó là thầy Hai Mon, cũng là một thầy võ, thầy bùa lỗ ban có tiếng. Khi thấy có 2 người muốn bái sư, 2 ông thầy không ai chịu nhường ai nên quyết phân cao thấp. Họ giao kèo, sau khi đánh nhau, người thắng sẽ được nhận đệ tử dạy. Vốn là người có võ nghệ và đạo phép cao siêu, sợ lúc đánh nhau sẽ gây thương tổn nặng, thầy Hai Mon đề nghị đấu phép, nếu phá được bùa phép của ông thì đệ tử do thầy Hai Đảnh dạy. Cuối cùng, ông Hai Đảnh nhận ông Ba Trị với ông Tám Đạt làm học trò.
Theo lời ông Tùng, thầy Hai Đảnh giỏi võ, giỏi bùa lỗ ban lắm nhưng ông chỉ làm thuốc trị bệnh cho nhiều người mà không ăn tiền ai hết. Thầy bùa, nhất là thầy lỗ ban đều nghèo. Nhà chỉ là cái chòi lụp xụp. Trị bệnh xong ổng chỉ ăn uống, cúng tổ. “Nhiều người khá giả, thấy thương ổng nên “lòn cửa sau” đưa tiền bạc, đồ đạc cho bà Hai Đảnh, bả nhận. Còn ổng thì bị tổ hành cứ ôm cột nọc lặn hụp dưới sông, mặc trời gió bất lạnh thấu xương. Tới khi nào bả đem đồ trả lại cho người ta thì thôi. Biết vậy nên sau này tía tôi cũng đi khắp nơi chữa bệnh giúp người, không lấy của ai một xu”, ông Tùng nói.
Mai Tuyết

Đi tìm dấu vết võ học Thất Sơn: Thần quyền

Thất Sơn thần quyền là một trong những võ phái ra đời rất sớm ở vùng Thất Sơn (Bảy Núi, An Giang ). Ngoài quyền cước thông thường, người học võ còn luyện “thần quyền”. 

Võ sư sáng lập
Theo một vài ghi chép, Thất Sơn thần quyền (TSTQ) do võ sư Trần Ngọc Lộ, từng là Bí thư Đại Việt cách mạng quận bộ Phú Thứ (Huế), sáng lập nên. Tuy là người gốc Huế, nhưng Trần Ngọc Lộ là một trong “thập nhị hiền thủ” - đệ tử dưới trướng của Phật thầy Tây An Đoàn Minh Huyên. Vốn là người giỏi võ, lại đức độ, võ sư Trần Ngọc Lộ không thể lập giáo phái vì sợ mang tiếng phản thầy, phản giáo, nên ông lập võ đạo. Để ghi nhớ công ơn của thầy đã truyền dạy và khoảng thời gian ẩn cư tại vùng Bảy Núi, võ sư Trần Ngọc Lộ đã lấy tên TSTQ đặt cho võ phái của mình.
Đi tìm dấu vết võ học Thất Sơn: Thần quyền 1  Di ảnh của võ sư Hoàng Bá - truyền nhân cuối cùng của Thất Sơn thần quyền ở An Giang - Ảnh do gia đình cung cấp
Đệ tử TSTQ nhập môn ngoài học quyền cước còn được học cả đạo. Võ là để rèn luyện thân thể, sức khỏe dẻo dai, bảo vệ chính nghĩa, giúp đỡ kẻ yếu. Còn đạo là đạo đức, đạo lý sống ở đời. Thêm vào đó, đệ tử TSTQ còn có thêm niềm tin rằng nếu ra sức luyện tập, đến một lúc nào đó có thể luyện thành “thần quyền”, có sức mạnh siêu phàm có thể “hô phong, hoán vũ”, có thể 1 đánh 10, thậm chí vài chục người. Chính đức tin này đã thu hút rất nhiều người tìm đến học TSTQ. Tuy nhiên, không phải đệ tử nào cũng được học “thần quyền”. Tương truyền, chỉ có người được chọn kế thừa Trưởng môn mới được chân truyền “thần quyền” để trấn môn.
Cho đến bây giờ, người dân vùng Bảy Núi vẫn còn truyền miệng câu chuyện về một đạo sĩ già có phàm danh “ông Đạo Ngựa”. Do hành tung ông rất bí ẩn nên không ai biết chính xác danh tính của ông, cũng không biết nơi ông sinh sống. Chỉ biết rằng mỗi tháng một lần, ông cưỡi ngựa xuống chân núi Sam (Châu Đốc) để đổi gạo. Một lần chứng kiến cảnh dân nghèo bị cướp, ông ra tay can thiệp. Nhìn thấy một ông lão gầy nhom, râu tóc bạc phơ, bọn cướp phá lên cười. Thế nhưng khi bọn chúng vung dao xông vào vây chém thì ông lão gầy guộc trở nên hết sức nhanh nhẹn. Vừa tránh những đường dao chí mạng, tay nắm dây cương ngựa, chân liên tục tung cước khiến cả bọn té sấp dưới đường. Bọn cướp tháo chạy, ông thoắt lên lưng ngựa, ngược dốc núi trở về và biến mất giữa rừng già. Về sau, người ta mới biết ông chính là một trong những đệ tử chân truyền của TSTQ đã mai danh ẩn tích, tu tại một hang động bí ẩn ở núi Sam. Nhưng cũng từ đó ông “Đạo Ngựa” không còn xuất hiện và không ai tìm được ông nữa.
 Đi tìm dấu vết võ học Thất Sơn: Thần quyền 2 Võ sư Phan Thanh Thuận, đệ tử cuối cùng của võ sư Hoàng Bá - Ảnh do nhân vật cung cấp
Truyền nhân cuối cùng
Chúng tôi cất công lần theo dấu vết truyền thuyết trên khắp vùng Bảy Núi trong một thời gian dài, nhưng vẫn không gặp được truyền nhân nào của TSTQ. Trong khi lân la trò chuyện với các võ sư thuộc Trung tâm huấn luyện TDTT tỉnh An Giang, chúng tôi được biết có một vị võ sư già trước đây là đệ tử của phái Thất Sơn. Theo chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến tận nhà thì tiếc là vị võ sư ấy đã qua đời ở tuổi 71 (năm 2010). Đó chính là võ sư Hoàng Bá (tên thật Trần Kim Truyền), nhà ở cầu Tầm Bót, P.Mỹ Phước, TP.Long Xuyên. Ông chính là đệ tử chân truyền cuối cùng của võ phái TSTQ ở An Giang.
Võ sư Hoàng Bá vốn rất nổi tiếng trong giới võ thuật miền Nam từ những năm trước 1975. Ông Bảy Sang (85 tuổi, chú ruột võ sư Hoàng Bá) cho biết dòng họ ông không có truyền thống võ đạo. “Thuở nhỏ, cha nó bắt phải đi học chữ, nhưng do mê võ nên thằng Truyền chỉ học chữ buổi sáng, đến buổi chiều nó lén đi học võ với các sư phụ Tư Ngộ, Hai Tỷ ở gần nhà. Năm 16, 17 tuổi, nó đã đi thi đấu võ đài”, ông Bảy Sang nói.
Mặc dù võ nghệ đã khá, chàng thanh niên Trần Kim Truyền vẫn lén gia đình tìm đến vùng Bảy Núi tầm sư học võ và trở thành đệ tử chân truyền chính tông cuối cùng của TSTQ. Tuy nhiên, thuở sinh tiền, võ sư Hoàng Bá cho biết ông chưa lĩnh hội được “thần quyền” thì sư phụ đã cho xuất sơn xuống núi. Biết “duyên phận” chỉ đến đó nên ông cũng không thể cưỡng cầu. Sau đó, ông về mở võ đường, thu nhận đệ tử tại Long Xuyên, lấy tên là Hoàng Bá. Những năm từ 1958 đến 1960, lò võ Hoàng Bá nhanh chóng nổi tiếng trong giới võ thuật miền Nam, cả nước và thậm chí khu vực Đông Nam Á qua các cuộc thượng đài. “Hồi đó lên võ đài là phải ký giấy sinh - tử, 2 cái hòm (quan tài) được để sẵn bên hông. Mặc dù người học võ không được phép đánh chết người, nhưng vì quyền cước không có mắt nên phải làm như vậy. Bởi vậy, cha thằng Truyền không đồng tình cho nó theo nghiệp võ”, ông Bảy Sang nhớ lại.
Năm 1960, trong một trận đấu tranh giải khu vực Đông Nam Á, võ sư Hoàng Bá bất ngờ đối mặt đồng môn là võ sĩ Nosar của Campuchia - một truyền nhân của TSTQ. Trận đấu sau đó đã được dừng lại vì trong 9 điều thệ của đệ tử TSTQ có cấm đồng môn tương sát. Cũng từ đó, đệ tử TSTQ khắp nơi tề tựu về Long Xuyên để chấn hưng lại môn phái. Trong số 10 võ sư gạo cội thì chỉ có 1 người được truyền thụ “thần quyền”, nhưng chưa kịp truyền dạy cho đệ tử nào thì ông này đã qua đời. Riêng võ sư Hoàng Bá sau đó lấy tên lò là Thất Sơn Võ Đạo, thu nhận rất nhiều đệ tử. Có một thời gian dài, võ sư Hoàng Bá còn làm huấn luyện viên môn võ cổ truyền cho các võ sĩ tại Trung tâm TDTT tỉnh An Giang đi thi đấu đạt nhiều thành tích cao. Đệ tử cuối cùng của võ sư Hoàng Bá là anh Phan Thanh Thuận, hiện cũng đang là huấn luyện viên võ cổ truyền tại trung tâm này. Anh Thuận theo học tại nhà võ sư Hoàng Bá từ năm 1991-1994. Lúc này, võ sư Hoàng Bá đã đóng cửa võ đường và Thuận là đệ tử cuối cùng. Anh Thuận cho biết, những thế võ anh theo học có rất nhiều bài quyền cận chiến hay như Mãnh hổ tọa sơn, Linh miêu đoạt thạch, Tam sơn trấn ải, Xí mứng, Phá xí mứng, Pha bốc bế...
Mai Tuyết

Đi tìm dấu vết võ học Thất Sơn: Nam Cực Đường


Để qua mắt lính Tây, cụ Bảy Do dựng lên một ngôi chùa lá lấy tên Nam Cực Đường làm chốn tu hành. Thực chất, đây là một võ đường.

Đêm đêm, các đệ tử cùng nhau luyện tập võ nghệ ngay tại sân chùa. Ngày nay, Nam Cực Đường chính là chùa Phật Lớn trên đỉnh núi Cấm (An Giang).
Có ông Phật mới cho tu
Cụ Bảy Do tên đầy đủ là Nguyễn Văn Do, quê ở làng An Hội (Bến Tre), cháu của Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa. Là con trong một gia đình có truyền thống yêu nước, cha mẹ Bảy Do đều tử trận trong các cuộc kháng Pháp. Vì thế, ngoài học văn, Bảy Do còn cố công luyện tập, trau dồi võ nghệ chờ có dịp trả thù nhà nợ nước. Năm 1911, người ta thấy tại sườn núi Cấm xuất hiện một thảo am với một đạo sĩ lực lưỡng, tướng mạo phi phàm. Vị đạo sĩ thường khoác áo tràng đen, đi chân đất, đầu búi tóc, ngày 2 buổi ngồi thiền, nhưng đêm đêm vẫn miệt mài luyện tập võ nghệ, mài gươm dưới trăng. Nhiều người tò mò, hỏi ra mới biết vị đạo sĩ đó chính là Bảy Do.
 Chùa Phật Lớn được xây dựng lại ngay trên chính nền chùa cũ của Nam Cực Đường Chùa Phật Lớn được xây dựng lại ngay trên chính nền chùa cũ của Nam Cực Đường
- Ảnh: Mai Tuyết
Lúc bấy giờ, núi Cấm là nơi của quần hùng tứ phương tề tựu nên bọn lính Pháp luôn để mắt tới. Gần như ngày nào chúng cũng cho lính đi lùng sục khắp các sườn đồi, đỉnh núi để truy tìm bóng dáng của nghĩa đảng. Ban đầu, ông Bảy Do mở một võ phái lấy tên là Nam Cực Đường. Tuy có nhiều môn đồ theo học ở Nam Cực Đường nhưng do lính Pháp và mật thám thường xuyên lai vãng, nên ông Bảy Do cùng các đệ tử âm thầm hoạt động bí mật. Ngày ngày họ vẫn lên núi phá rừng làm rẫy, săn bắt thú rừng. Đêm đêm, khi thấy tình hình an toàn thì mới kéo nhau ra vồ đá to để luyện võ. Các bậc cao niên ở vùng Bảy Núi kể lại, để qua mặt bọn Pháp, ông Bảy Do phải ẩn tu trong một hang động. Có lần khi đang ngồi thiền trong hang thì bị lính phát hiện. Một tên đại úy hỏi ông: “Mày ở đây làm gì?”. Ông Bảy Do đáp: “Tôi ở đây tu”. Tên đại úy gằn giọng: “Có ông Phật tao mới cho mày tu, còn không thì tao bắt hết”. Chính từ câu nói của tên đại úy, ông Bảy Do đã đắp một tượng Phật khá lớn bằng xi măng, rồi dựng lên một ngôi chùa bằng lá ngay nơi đặt tượng, lấy tên chùa là Nam Cực Đường. Cũng nhờ có chùa, có “ông Phật” nên bọn lính ít để ý tới.
Đốt võ đường
 Chùa Phật Lớn - nơi trước đây cụ Bảy Do lập võ phái Nam Cực Đường Chùa Phật Lớn - nơi trước đây cụ Bảy Do lập võ phái Nam Cực Đường
Số lượng đệ tử nhập môn học võ ở Nam Cực Đường lên đến hàng ngàn người, nhưng môn quy nghiêm ngặt, ai nấy đều răm rắp chấp hành nên tôn ti trật tự luôn được giữ. Ngoài việc luyện võ, tất cả đệ tử của Nam Cực Đường còn được nghe giảng đạo pháp. Nhưng rồi Pháp thả mật thám, giả làm bổn đạo gia nhập Nam Cực Đường. Sau một thời gian dò la, toàn bộ hoạt động của Nam Cực Đường bị mật báo về cho chủ tỉnh Châu Đốc. Năm 1917, Pháp đem quân vây Nam Cực Đường. Hàng trăm gươm giáo bị tịch thu, 6.000 chiếc đũa bị phát hiện cùng với 20 cái chảo đun cỡ lớn dùng để nấu cơm cho hàng ngàn người ăn. Ông Bảy Do bị bắt cùng với vài chục đệ tử thân tín, còn hàng ngàn người khác thì tháo chạy vào rừng, tản lạc khắp nơi. Bọn Pháp đốt võ đường, bắt ông Bảy Do đem về giam ở khám lớn Sài Gòn, bị kêu án 5 năm cấm cố. Sau đó, ông tiếp tục bị phát vãng ở Côn Lôn. Không khuất phục trước kẻ thù, ông Bảy Do đã cắn lưỡi tử tiết trong đề lao trên hải đảo vào ngày rằm tháng 3 năm 1926. Lúc đó ông mới 45 tuổi. Toàn bộ đệ tử chân truyền của Nam Cực Đường cũng bị bắt, vướng vào vòng lao lý. Về sau, không thấy dấu tích của đệ tử võ phái này chấn hưng lại môn phái.
Tuy nhiên, theo ghi chép của nhà nghiên cứu - dật sĩ Nguyễn Văn Hầu trong cuốn Nửa tháng trong miền Thất Sơn (xuất bản năm 1970), thì tác giả có gặp được một đệ tử của ông Bảy Do vẫn còn sống sót. Người đệ tử này không xưng danh tính, nhưng cho biết là người cùng quê tỉnh Bến Tre với cụ Bảy Do. Trước khi tham gia Nam Cực Đường, người này vốn là một thầy giáo, bỏ sở theo phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu. Khi chưa kịp xuất dương sang Nhật thì bị phát hiện, ông liền bỏ trốn đến vùng núi Cấm. Mặc dù đến ẩn cư trước ông Bảy Do và ngang hàng tuổi, nhưng vì mến mộ đức tính và lòng trung nghĩa cùng hào khí võ nghệ của Bảy Do nên ông quy phục làm đệ tử. Sau ngày bị Pháp tập kích, ông Bảy Do bị bắt, may mắn là người đệ tử này chạy thoát vào rừng. Sau đó, ông trở lại chốn cũ, lập lại cái am, ngày đêm nhang khói cho tượng Phật để tưởng nhớ về sư phụ và một thời lừng lẫy của Nam Cực Đường. Tuy nhiên, theo ông thì thuở trước, Nam Cực Đường chủ yếu là rèn luyện cho đệ tử kỹ thuật giáp chiến, đao thương giết giặc chứ không chú trọng đến tên gọi các bài quyền. Vì vậy, dù là một võ phái có số lượng đệ tử lớn nhất Thất Sơn lúc bấy giờ, nhưng không có một chiêu thức võ học nào của Nam Cực Đường được nhân gian nhớ đến. Dấu vết võ học của Nam Cực Đường vì thế cũng trở nên mờ mịt và không còn hậu thế.
Sau ông Bảy Do, một đạo sĩ khác là Trương Minh Thành đã tìm đến ở tu ngay trên nền cũ của Nam Cực Đường. Ông Trương Minh Thành cho cất lại chùa ngay nơi có tượng Phật do ông Bảy Do để lại và lấy tên là chùa Phật Lớn. Ông Tư Ngà (80 tuổi, hiện sống tại xã Bình Giang, H.Hòn Đất, Kiên Giang) - thư ký của ông Trương Minh Thành - cho biết trong thời gian tu tại núi Cấm, cụ Thành chỉ làm thuốc cứu người. Mặc dù ông này có võ nghệ cao siêu nhưng không thu nhận đệ tử, không mở võ đường. Lần lượt các vị đạo sĩ người đến, người đi. Vị đạo sĩ sau cùng quyết giữ gìn và tôn tạo hoàn chỉnh chùa Phật Lớn là ông Ba Lưới (tên thật Nguyễn Văn Y). Ngày nay, chùa Phật Lớn được xây cất lại ngay trên nền cũ của Nam Cực Đường. Còn vị đạo sĩ Ba Lưới đến nay đã 100 tuổi, hiện là Trưởng ban Quản tự chùa Phật Lớn.
Mai Tuyết

Đi tìm dấu vết võ học Thất Sơn - Đường Phong

Đây là võ phái ở Thất Sơn ít người biết đến. Người sáng lập ra võ phái này là cụ Cử Đa. Còn vị đệ tử chân truyền đời thứ 9 của Đường Phong là lão đạo sĩ già Ba Lưới, hiện sinh sống trên đỉnh núi Cấm.

Giai thoại về cụ Cử Đa
Cử Đa tên thật là Nguyễn Đa, người làng Phù Cát, H.Bình Khê, phủ Quy Nhơn (nay thuộc tỉnh Bình Định). Do thi đỗ võ cử nhân (có thể là năm Thiệu Trị thứ năm - 1845 hoặc thời vua Tự Đức - 1852) nên người đời gọi là ông Cử Đa. Sau khi đỗ đạt, Cử Đa đi khắp nơi để tham gia huấn luyện võ thuật cho nghĩa quân của ông Trần Văn Thành chống Pháp. Dù vậy do lực lượng mỏng, quân khí lại không dồi dào nên nghĩa quân nhanh chóng bị tan vỡ. Ông Trần Văn Thành tử trận còn Cử Đa thì cải trang thành một vị sư lấy tên là Sư Bảy, giả điên khùng, lưu lạc nhiều nơi để tránh sự truy lùng của quân Pháp. Ông phải lánh sang Campot, Campongtrach, đến núi Tà Lơn tức Bokor (Campuchia) để ẩn tu. Tại đây, Cử Đa được gặp minh sư truyền đạo pháp, được đặt cho đạo hiệu là Ngọc Thanh. Về sau, ông thu nhiều tín đồ ở Tà Lơn.
Đến năm 1896, ông Cử Đa từ Tà Lơn trở về Thất Sơn. Lúc mới đến Thất Sơn, nhiều người nghe ông nói giọng miền Trung nên gọi là Thầy Huế. Ông đã đem hết võ nghệ ra thi triển nhằm chiêu mộ nhân tài, tiếp tục lập nghĩa quân chống Pháp. Và võ phái mang tên Đường Phong ra đời. Tảng đá lớn có bề mặt khá bằng phẳng ở Vồ Thiên Tuế (núi Cấm) được ông Cử Đa dùng làm sân dạy võ cho đệ tử. Sau khi thấy lực lượng đã khá mạnh, Cử Đa đến núi Tượng tìm gặp Ngô Lợi (Giáo chủ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa) để bàn chuyện xuất binh xuống núi đánh Tây. Dẫu rất thán phục khí phách và lòng trung nghĩa của ông Cử Đa, nhưng biết không phải thời thế thích hợp nên Ngô Lợi không đồng ý.
Mặc dù thất vọng, Cử Đa vẫn tụ tập lực lượng kéo đánh đồn Cây Mít (nay thuộc huyện Tịnh Biên) của Pháp ở mé kênh Vĩnh Tế. Binh lính không kinh nghiệm chiến trường, vũ khí thô sơ nên thất bại. Ông Cử Đa một lần nữa sang núi Tà Lơn để tránh liên can cho đệ tử và người dân vô tội. Tuy vậy, lâu lâu ông cũng trở về Bảy Núi thăm các đệ tử cũ. Dần dà, chẳng còn ai thấy tăm hơi gì về ông. Thỉnh thoảng có người thấy một ông già râu tóc bạc phơ, cưỡi hổ mun vượt cánh rừng nối dài giữa Tà Lơn và Thất Sơn. Người ta bảo đó là cụ Cử Đa, đã tu tiên đắc đạo ở Tà Lơn.
  Tương truyền ông Cử Đa chọn đỉnh núi Cấm làm sân luyện võ cho đệ tử
  
Đạo sĩ Ba Lưới hiện đã 100 tuổi là đệ tử của môn phái Đường Phong
Tuyệt chiêu “Bình phong lạc nhạn”
Sau rất nhiều lần trò chuyện, dẫu biết vị đạo sĩ già cuối cùng trên đỉnh núi Cấm - Ba Lưới thời trai trẻ có võ nghệ siêu quần, nhưng ông nhất quyết không nói rõ theo học môn phái nào. Mãi đến lần này, khi chúng tôi quyết “ở lì” lại núi Cấm nhiều ngày, ông lão mới chịu tiết lộ. “Hồi trước, tôi theo học nhiều thầy lắm. Tôi học bốc thuốc chữa bệnh của thầy Năm Sanh. Còn học võ thì rất nhiều thầy. Nhưng học chánh tông là võ phái Đường Phong. Tôi là đệ tử đời thứ 9 của ông Cử Đa ở ngọn núi này. Hồi đó, sư phụ tu tiên đắc đạo ở núi Tà Lơn rồi mới về núi này dạy võ. Sư phụ Cử Đa thì nổi tiếng lắm, nhưng môn phái Đường Phong ở Thất Sơn này lại ít người biết tới”, vị đạo sĩ 100 tuổi nói.
Theo lời lão đạo sĩ Ba Lưới, sư tổ Cử Đa có tài tay không đánh hổ. Lúc cụ mới đặt chân đến Thất Sơn, vì lạ đường, lạ cảnh nên trong lúc băng rừng đã chạm trán hổ dữ. Thế võ tuyệt chiêu mà cụ Cử Đa dùng để đả hổ là “Bình phong lạc nhạn”. Khi mãnh hổ lao vào tấn công, chỉ một cái nhún chân ông đã phóng lên cao hơn chục thước. Từ trên không trung ông lao mình trở xuống như cánh nhạn lướt gió, tung một cước trúng gáy hạ gục chúa sơn lâm. Về sau, biết tiếng cụ Cử Đa, toàn bộ hổ trong rừng ở Thất Sơn gặp cụ đều nằm mọp xuống đất.
Nói về võ phái Đường Phong, lão đạo sĩ Ba Lưới cho hay có rất nhiều thế võ cực kỳ lợi hại. Thế nhưng, trong số hàng trăm đệ tử của Đường Phong chỉ có một số ít đệ tử được chân truyền từ thầy. Mặc dù lúc ông được nhập môn thì sư tổ Cử Đa đã không còn ở Bảy Núi, nhưng tuyệt kỹ trấn môn vẫn được truyền thụ cho đệ tử đời sau. Và ông là một trong số những người này, học được tuyệt chiêu “Bình phong lạc nhạn”. Tuy nhiên, lão đạo sĩ già cho biết để luyện được chiêu thức này không hề đơn giản. Thuở trước, khi mới nhập môn, hằng ngày ông phải chạy bộ lên xuống núi để tập sức khỏe dẻo dai. Rồi phải đào hố sâu rồi từ dưới nhảy lên bờ. Mỗi ngày, hố càng được đào sâu thêm.
Sau một thời gian luyện tập, khi thành thục, chỉ cần nhún một cái có thể phi thân lên khỏi mặt đất năm bảy thước. Nhờ quyết chí luyện tập, ông Ba Lưới có thể thi triển thuần thục chiêu thức bí truyền này. Hơn nữa, ông còn dùng chính chiêu thức này để hạ mãng xà khổng lồ và thoát chết trong lần chạm trán với hổ trên núi Cấm. “Chiêu này đặc biệt hữu dụng trong đối đầu với hổ. Vì chỉ cần một bước nhảy thì đã có thể đứng được trên ngọn cây cao, tránh hổ dễ dàng. Còn với mãng xà thì phải ra đòn quyết định, một chiêu hạ xác nó luôn, không thì sẽ trở thành món “điểm tâm” của nó”, lão đạo sĩ phân tích.
Mai Tuyết

Thảo dược Thất Sơn - Kỳ 1: Phố… thuốc núi

Phố… thuốc núi nằm sát chân núi Trà Sư (khóm Trà Sư, thị trấn Nhà Bàng, H.Tịnh Biên, An Giang). Chỉ có 5 hộ (mỗi hộ vài ba cửa hàng) kinh doanh ngành hàng này mà mùi thơm của thảo dược lan tỏa ngạt ngào khắp phố.

Ông Đặng Văn My (Năm My), chủ nhân Phòng Chẩn trị y học cổ truyền - Cửa hàng dược liệu Lộc Quý, cho biết phần lớn cây thuốc bày bán ở đây do đồng bào Khmer xóm Hào Xểnh (ấp Tây Hưng, xã Nhơn Hưng, H.Tịnh Biên) khai thác từ dãy Thất Sơn huyền bí.
Thảo dược Thất Sơn
Dãy phố Đông dược ở thị trấn Nhà Bàng
Thuốc gì cũng có
Từ 7 giờ sáng đến 12 giờ trưa hằng ngày là thời gian ông Chau Ruôl “quần” hái thuốc. Ông hái đủ thứ thảo dược: mần ri, cỏ xước, nhân trần, rau đắng, bông dừa kiểng, cóc kèn, võ vẽ, đỗ trọng, cây bạch hoa thảo… Các loại thuốc đem về bằm nhỏ, phơi khô, bẻ kêu rôm rốp, để lâu không bị mốc mới bán được. Thuốc vô bao, vác vai, lội bộ, hoặc chở xe đạp đi bán. Mỗi ngày một gia đình làm nghề hái thuốc chỉ thu nhập được vài ba chục ngàn đồng. Dù mức thu nhập quá thấp, nhưng nghề hái thuốc đã giúp cho 50 hộ không nghề nghiệp, không ruộng rẫy ở  xóm Hào Xểnh được no cái bụng.
Ngoài nguồn cây thuốc hái ở Thất Sơn, “phố thuốc núi” còn bán nhiều loại “sung dược” được khai thác từ nước bạn Campuchia, như: mối chúa, bù kẹp, bửa củi, tắc kè bông... Nghe đồn, những thứ này ngâm rượu sẽ đạt chuẩn “ông uống bà khen”. Ngoài ra, người dân nước bạn còn lén lút khai thác và vận chuyển các loại dược liệu quý như nam đỗ trọng, sâm hồng, bìm bịp, cà dăm, hà thủ ô trắng... đưa sang chợ Nhà Bàng theo các con đường mòn nối liền phum sóc để “né” các trạm kiểm soát.
Quấn chân du khách
“Phố thuốc núi” lúc nào cũng có khách đến mua, nhất là mùa Vía Bà (từ tháng giêng đến cuối tháng 4 âm lịch). Người ta mua các loại thảo dược đặc trị các bệnh Tây y “bó tay”, dân gian đồn tụng trị dứt, như dứa gai chẳng hạn. Ông Đỗ Văn Trọng (quê Trà Vinh) cho biết: “Dứa gai đem về tách trái, chặt nhỏ, phơi khô, nấu nước uống trị bịnh tiểu đường đại tài”. Nghe vậy, bà Vương Lệ Hoa (quê Sóc  Trăng), bèn mua năm, sáu trái dứa gai đem về uống… ngừa bệnh. 
Ông Bảy “bánh mì” là thân chủ của dãy cửa hàng dược liệu này. Dù mới 44 tuổi, nhưng ông Bảy nổi tiếng là một thầy thuốc giỏi đất Vàm Rầy (H.Hòn Đất, Kiên Giang), chuyên trị những chứng bệnh “thầy chạy, bác sĩ chê”. Bữa nay ông tới phố núi hốt thuốc núi đem về trị cho thân chủ. Những người chuyên mua đi bán lại cũng nhiều. Mỗi chuyến đi, họ “bổ” nhiều loại thuốc, chất đầy boọc-ba-ga và sườn xe gắn máy đem về bán. Họ ở nhiều nơi, như: Rạch Giá, Long An, Vĩnh Long... Có khi, chỉ cần một cú điện thoại là họ nhận được dược liệu chuyển qua bằng xe đò.
Thảo dược Thất Sơn
Một cửa hàng Đông dược
Các cửa hàng dược liệu ở đây có đặc điểm chung là bày trí hàng hóa rất… lộn xộn. Thứ đựng trong hũ nhựa, cái treo lủng lẳng trên trần, rồi la liệt nhiều loại thuốc được đặt, kê ở bất cứ nơi nào có thể. Các ông bà chủ không ai biết cửa hàng mình có cả thảy bao nhiêu loại thuốc. Nhưng công dụng của dược liệu thì họ rành. Bột huyền, bột củ mài (bột nưa) quậy nước sôi pha chút đường hoặc quậy nước lạnh với chút đường dùng mát người, trị kiết đại tài. Mỏ quạ trị nhức mỏi, (40.000 đồng/kg). Bí kỳ nam bổ phổi, mát gan. Ngải đen trị đau bụng gió, nhậu say ngậm một miếng tỉnh lại; u não, suy thận mỗi sáng ngậm một miếng là đủ sức làm việc nặng. Gấm đen trị ban, nhất là tiểu đường. Đặc biệt mật nhân giá rẻ đến bất ngờ: 15.000 đồng/kg đã bào lát sẵn, từ Campuchia đem qua. Mật nhân (tên khoa học là Eurycoma longifolia) có thể ngăn chặn xơ gan, ức chế sự tiến triển của virus viêm gan B, giải rượu mạnh, chống mệt mỏi, kích thích tiêu hóa, có tác dụng kích thích sinh lý nam giới… Ở H.Phú Quốc (Kiên Giang), mật nhân được bán với giá  50.000 đồng/kg; còn ở Cần Thơ, có người “hét” 80.000 đồng/kg…
Phố núi bán thuốc núi, thực hiện danh ngôn mà danh y Tuệ Tĩnh cổ súy “Nam dược trị Nam nhân”; do vậy cần có quyết sách bảo tồn, phát triển để nhân dân ta có cơ hội sử dụng các loại dược liệu trong nước lâu bền. Và để “phố thuốc núi” Nhà Bàng có từ trăm năm nay sẽ còn tồn tại mãi cùng năm tháng.
Phương Kiều
 

Thảo dược Thất Sơn - Bài 2: Dược liệu quý dần biến mất

Nhà nhà bán… thuốc 
Chúng tôi vừa đặt chân lên núi Cấm (xã An Hảo, H.Tịnh Biên, An Giang) đã được chị chủ sạp tạp hóa ven đường mòn lên suối Thanh Long đon đả mời chào: “Mua sơn dược đi các cô, chú… Nguồn dược liệu núi Cấm quanh năm hút linh khí của đất trời nên trị bách bệnh. Lâu lâu đi núi một lần hãy mua thử vài bịch về sắc uống, hiệu nghiệm dữ lắm!”. Khi thấy chúng tôi không mấy mặn mà, chị liền quay sang một ông lão tuổi lục tuần đang chống gậy leo núi, xởi lởi: “Chú ơi, có loại thuốc “ông uống bà khen”, trị được các chứng bệnh đau lưng, nhức khớp, mỏi gối, suy thận… đại tài. Chú mà uống vô thì khỏi phải cầm gậy leo núi đâu”. Bằng những chiêu mời chào ngọt lịm như thế, nhiều khách hành hương phải xiêu lòng ghé vào sạp của chị mua “linh dược”.
  Thảo dược Thất Sơn
Loại gỗ quỷ kiến sầu được cho có thể “trừ tà, đuổi quỷ” hiện đang bị khai thác theo kiểu tận diệt
Theo quan sát của chúng tôi, để thu hút người mua, những quầy bán sơn dược phân tách ra thành từng vị, với đủ loại thuốc cho vào một bịch nhỏ, bên trong có dán nhãn “Thần dược Thất Sơn”. Tấp vào một quán nhỏ ven đường mòn lên núi Sam, chúng tôi hỏi đùa: “Có bán sung dược không?”. Nào ngờ, từ trong quán, một người đàn ông tự xưng là Tám Hải bước ra nói tỉnh bơ: “Thứ gì cũng có. Nè, lựa đi chú em, giá mỗi bịch từ 50.000 - 100.000 đồng. Chú em không mua, mấy bữa nữa đến Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam thì không có hàng đâu”. Nói xong, Tám Hải mời mỗi người uống miễn phí một chung rượu được cho là ngâm “linh dược Bảy Núi” có tác dụng tráng dương bổ thận.
Ngoài thảo dược, các quầy bán thuốc trên núi Cấm và núi Sam còn bày bán nhiều loài động vật hoang dã phơi khô.  Chị Mai ở vồ Bà Cửu trên núi Cấm, xởi lởi: “Đây là tắc kè bay và tắc kè hoa chuyên trị ho khan, khò khè ở trẻ em. 2 loại động vật này khó bắt và hiếm gặp nên khách có nhu cầu phải điện thoại trước để tôi đưa quân đi săn lùng. Nhưng loài động vật này khôn lắm, một ngày anh em chỉ bắt dính được vài con, mỗi con phơi khô có giá 50.000 - 60.000 đồng”.
Mất dần các loại thảo dược quý
Lão lương y Đinh Văn Tươi (Út Tươi, 82 tuổi) cho biết trước đây ở núi Cấm, cây thần xạ hương, ngải tượng, bình linh, thiên tuế, huyết rồng, đỗ trọng… mọc đầy rừng, nhưng do khai thác theo kiểu tận diệt nên hiện nay hầu như không còn bóng dáng. “Thậm chí, những củ ngải đen, ngải vàng mùa khô nằm im dưới đất, họ cũng lục tung lên để đem bán cho du khách. Còn những cây thiên tuế cổ thụ vài chục năm mới cho trái một lần, họ cũng triệt hạ làm cho cây chết dần chết mòn. Hay như cây quỷ kiến sầu (keo lá nhỏ) hồi trước mọc nhiều vô số, cho chẳng ai lấy. Thế rồi không hiểu từ đâu, người ta đồn đại cây quỷ kiến sầu có thể “trừ ma, đuổi quỷ” nên chẳng bao lâu sau nó bị đốn sạch”, ông Út Tươi nói.
 Thảo dược Thất Sơn 2
Tắc kè bay được bày bán rất nhiều trên núi Cấm.
Ông Nguyễn Thiện Chung, Chủ tịch Hội Đông y H.Tịnh Biên, cho biết hầu hết các quầy bán sơn dược ở núi Cấm đều không có giấy phép kinh doanh hoặc chứng chỉ hành nghề. Thế nhưng nhiều chủ quầy thuốc đã tự sơ chế thuốc hoàn quấn giấy kiếng bán cho khách hành hương, hết sức nguy hiểm. “Các loài thảo dược vùng Bảy Núi hiện bị người dân nơi khác đến hái, đào quá mức. Họ đào bới tận gốc khiến nhiều loài dược liệu quý có nguy cơ bị tuyệt chủng. Hiện nay, tại khu vực núi Cấm hầu như không còn các loài mướp gai, thiên niên kiện, ba kích, bí kỳ nam, chỉ sát, thần xạ hương, cây gió lửa, hoàng đằng, ngải móng trâu, bách bộ, thiên môn… Đây là những vị thuốc quý có thể trị liệu nhiều bệnh mãn tính”, ông Chung cho biết thêm.
Theo các nhà nghiên cứu, vùng Bảy Núi có khoảng 650 loài dược liệu (riêng núi Cấm có khoảng 300 loài) mang dược tính cao, điều trị rất công hiệu đối với nhiều loại bệnh. Dược liệu Bảy Núi không những bày bán ở địa phương mà còn được trao đổi và lưu hành trong cả nước. Từ những kinh nghiệm sử dụng phong phú, các vị lương y đã đúc kết được nhiều bài thuốc hay cứu người từ những loài thảo dược hoang dã này.
Trường An

 


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

NGẬM SẦU (ĐL)

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH