Thứ Ba, 21 tháng 10, 2014

SIÊU QUẦN 25/b (Võ thuật Việt Nam)

(ĐC sưu tầm trên NET)

 


Lão Võ sư Hà Châu ( 18/9/2012 )
Tác giả: Võ Khối - Lữ Đắc Long (Việt Báo (Theo_Thanh_Nien))



Võ sư hành hiệp – Bài cuối: Gác kiếm

Cách đây 8 năm, tại khách sạn Palace, quận 1, TP.HCM, một võ sư Việt kiều từ Pháp về đã làm một việc, tuy chỉ là cá nhân nhưng khiến giới võ lâm xúc động: tổ chức một bữa tiệc nhỏ rồi mời đủ 11 lão võ sư của làng võ cổ truyền đến vinh danh.

Thời điểm đó, võ sư đại lực sĩ Hà Châu, một nhân vật được thế giới biết đến như một huyền thoại về "người ngoài hành tinh" đã bước vào tuổi 74, được xếp vào hàng trẻ nhất trong số ấy, và ông nói rằng đã "gác kiếm" trước đó hai năm. Những "cây đại thụ" lần lượt gác kiếm, phải chăng chuyện hành hiệp rồi cũng sẽ đến hồi kết?

Bến phà Thủ Thiêm giờ tan tầm đông nghẹt, chúng tôi phải vòng lên cầu Sài Gòn để sang phường An Khánh, quận 2 cho kịp giờ hẹn với võ sư đại lực sĩ Hà Châu. Nhưng đến nơi thì cũng đã hơn 18 giờ. Trong một căn nhà nhỏ không có lầu, cánh cửa hẹp, không có những chậu hoa kiểng cao niên, không có tiếng chó sủa và cũng không có một cụ già tuổi 82 tóc bạc phơ tay cầm gậy như chúng tôi đã hình dung. Chỉ có một người đàn ông vóc dáng đứng tuổi, mái tóc nhuộm lâu ngày đã ngả màu sang nâu đang ngồi với một thanh niên đẹp trai nói giọng Hà Nội đợi chúng tôi. Người đàn ông ấy xách hai chai rượu thuốc ra cửa, vừa đi vừa bảo: "Phải đi tìm một cái quán, vừa nhâm nhi vừa nói chuyện".

Ông khỏe, và vẫn giữ kiểu nói chuyện hài hước khiến ai chưa đủ "nội công" có thể vỡ bụng. Thấy ông châm điếu thuốc, chúng tôi hỏi: "Thầy hút thuốc từ khi nào?"; thì ông đáp: "Khoảng năm bốn mươi mấy tuổi. Hút thuốc tốt lắm à! Nếu hút từ nhỏ thì có thể chữa được bệnh già, tôi hút muộn quá nên không đủ tác dụng". Anh đồng nghiệp của chúng tôi há hốc miệng nhìn, ông phá ra cười: "Hút nhiều quá thì chết mất hồi trẻ rồi còn đâu nữa mà già!”. Hỏi vì sao từ chuyến "hành hiệp" gây "kinh thiên động địa" đầu thập niên 90 trên đất Italia, "không còn thấy thầy mang chuông đi đánh xứ người" nữa? Giọng ông trở nên chua chát: "Bên Ý họ mời qua biểu diễn rồi dạy luôn. Đi... hổng ai như tui. Đi một tháng rưỡi, biểu diễn tại thủ đô, rồi ra cả miền Bắc, miền Trung nước Ý. Đến mỗi nơi dạy nửa tháng, biểu diễn một đêm. Mà về, gia đình ở nhà phải ăn chứ, tui phải chạy nợ trả tiền. Hổng có một đồng điếu nữa đừng nói một đồng xu. Người ta giữ tiền giùm, sợ mình làm mất. Nhưng khi về đến Việt Nam thì quên trả, giữ của mình hết luôn. Bởi vậy tôi nói không bao giờ đi biểu diễn nước ngoài nữa".

Sau "kỷ niệm" nhớ đời đó vài năm, con người huyền thoại này bị chủ nhà cắt hợp đồng cho thuê, đang định thu xếp dọn đồ về quê ở Sóc Trăng ẩn cư thì các học trò ở chùa Vĩnh Nghiêm hay được, liền tức tốc viết thư sang Bỉ. "Đồng Văn Hùng là võ sư ở Bỉ nhận được thư gọi điện về liền, nói thầy khoan đi đâu nghen thầy, thầy ráng chờ em vài hôm, em qua Việt Nam tính chuyện nhà cửa cho thầy. Rồi anh ấy về dẫn tôi ra tiệm vàng, móc ra một xấp đô la đổi lấy một xâu vàng, bảo tôi, thầy mang về mua nhà ở. Cái nhà tôi ở hiện nay là anh ấy cho đấy. Nghĩa hiệp vô cùng", ông kể.

Nhắc lại chuyện "hành hiệp", ông nói: "Tôi biểu diễn cho xe tải cán qua không nhất định là cho bao nhiêu người lên xe ngồi. Cứ lên đi, cứ ngồi, cứ đứng đi, chừng nào tài xế bảo hết chỗ rồi thì thôi. Nó nặng cỡ nào nữa cũng không bằng chiếc hủ lô, thì mình đâu có sợ".

- "Hình như pha cho xe hủ lô cán qua người thầy chỉ biểu diễn có một lần?".

- "Khó xin phép lắm. Lúc đó hên là ông Nguyễn Đức Hòa, trung tá tỉnh trưởng Trà Vinh với tôi là bạn. Mà khi tôi xin, ổng cũng không cho nữa. Ổng nói anh Châu à, khó lắm anh Châu ơi, hủ lô mà đâu phải giỡn chơi đâu. Tôi than, trời ơi, ở đâu xin cũng hổng được rồi bây giờ ở đây anh cũng không giúp nữa sao, trung tá biết tôi nhiều mà. Ổng la tui biết, tui biết anh làm được, nhưng mà lỡ rủi ro này kia tui làm việc khó lắm. Tôi năn nỉ riết thì ổng bảo, thôi bây giờ vầy nè, anh Châu, anh thông cảm nghen, anh làm cái cam kết, nói có cái gì anh chịu trách nhiệm hết. Tôi làm, mà ký tên ổng cũng chưa chịu, bắt phải lăn tay nữa. Ổng nói ký tên không rủi tôi mất rồi biết chữ ký có đúng của tôi hay không".

Sự kiện "long trời lở đất" ấy diễn ra năm 1961 tại Trà Vinh. Ông kể rằng khi chiếc xe hủ lô bò qua người ông thì tài xế, có lẽ chỉ được đào tạo để cán qua bê tông, nhựa đường... nên hôm ấy đã lúng túng làm tắt máy, khiến ông phải "cõng" 12 tấn đúng 30 giây. Nhiều người đã tưởng ông "xong đời rồi" nhưng ông đã đứng dậy và tiếp tục những màn trình diễn tiếp theo như không có chuyện gì xảy ra.

Những năm sau này, khi đã cận kề tuổi 70, ông đã lên một kế hoạch công phu cho một màn trình diễn đứng tim khác tại Câu lạc bộ Phan Đình Phùng nhưng cuối cùng đã bị cơ quan chức năng "vịn" lại. Ông kể: "Tôi lấy cam nhông chở nguyên tấm đá nặng 300 kg, rồi có cái ròng rọc, mấy người kéo nó lên trên nóc nhà, cách khoảng 3 mét, rồi thả xuống từ từ, tôi nằm ở dưới. Câu lên, thả xuống từ từ coi nó có ngay ngực tôi không. Xong xuôi thì câu lên hết độ cao rồi lấy dao chặt sợi dây, cho nó rơi xuống. Khi nó đụng cái ngực tôi thì nó phải bể. Tôi còn sợ nó bể sẽ đập bể luôn gạch của sàn đài, nên mới đem theo hai tấm ván dày để hai bên hông của tôi đỡ. Nhưng trước khi biểu diễn mấy ngày, báo đã đăng "đại lực sĩ Hà Châu bị bỏ bom". Bà cục trưởng với ông cục trưởng ở Hà Nội vô mới kêu ông Lê Bửu với Lê Kim Hòa (hai cán bộ có trách nhiệm trong ngành thể thao và võ thuật của TP.HCM những năm đó - PV) ra nói màn này không được biểu diễn. Trời ơi ổng già rồi, diễn cái gì mà ghê quá". Thực lòng mà nói, chỉ nghe ông kể lại thôi mà chúng tôi cũng đã thấy thót tim.

Trong thực tế ai cũng biết chỉ một viên gạch thẻ thôi, do thợ hồ lỡ tay đánh rơi từ độ cao đó xuống thì cũng đủ để người hứng chịu - nhẹ thì cũng mẻ đầu, sứt trán.
Sau những thăng trầm của cuộc sống và buồn vui với nghiệp võ, giữa năm 1996, tại một quán cà phê ở phường An Khánh, quận 2, TP.HCM, võ sư đại lực sĩ Hà Châu đã tổ chức một buổi lễ đơn sơ, quy tụ những đồng môn, đệ tử cùng đông đảo bạn bè đến chứng kiến việc ông tuyên bố... "gác kiếm tổ". Không còn ai có thể cho xe hủ lô 12 tấn cán qua người? Không còn "người ngoài hành tinh" nào khiến hai chiếc xe vận tải cùng lúc phải quay tít bánh tại chỗ trong màn biểu diễn "tứ mã phanh thây"?

Không còn những con bò mộng bị gãy cổ chết oan bởi bàn tay của đại lực sĩ...? Như đọc thấy những trăn trở của chúng tôi, ông đã chỉ tay vào người thanh niên nói giọng Hà Nội mà chúng tôi gặp lúc đầu, rồi bảo: "Người này, tương lai của tôi đấy, số một".

Khi được hỏi cơ duyên nào dẫn đến với nghiệp võ, người thanh niên ấy hồn nhiên: "Em ở Hà Nội vào tìm thầy mãi mà chẳng được, đến khi không tìm nữa thì tình cờ gặp thầy trong một lần dự tiệc, mà lúc đó cũng không biết mặt thầy nữa". Võ sư Hà Châu nói nhiều người đã đến với ông nhưng chỉ có người thanh niên ấy là hội đủ các điều kiện. Vừa say mê võ thuật, vừa có tiền để mua sắm thiết bị, bồi bổ sức khỏe và có thời gian để tập. Anh tên Thu, hiện đang làm cho một công ty của Nhật và đã có thể chịu đựng được khi xe tải nhẹ cán qua người.

Võ Khối - Lữ Đắc Long
Việt Báo (Theo_Thanh_Nien)


Lão Võ sư Trần Tiến ( 18/9/2012 )
Tác giả : Thành Ngọc

LÃO VÕ SƯ TRẦN TIẾN


 
TTCN - Đêm hội võ tại Nhà văn hóa Thanh niên (TP.HCM) có cả ngàn người tham dự. Lão võ sư Trần Tiến bước lên sàn diễn. Nhìn vóc người cao lớn, quắc thước, mấy ai biết được ông đã ngoài chín mươi?
Nhanh nhẹn cởi bỏ áo võ, ông biểu diễn các tiết mục nội công. Ông luyện khí vận kình, các cơ bắp toàn thân đều chuyển động qua bộ Long qua công để cuối cùng dồn lên mười đầu ngón tay với động tác như bấu lấy một sức mạnh vô hình, kéo về phía mình rồi nhẹ nhàng đẩy về vị trí cũ. Tiếng vỗ tay hào hứng, tán thưởng khi ông chuyển sang môn Siêu cự công với sự thể hiện đầy xuất thần.
Gần mười năm trước, gặp ông tại một căn hộ trên đường Hoàng Văn Thụ. Khoảng sân rộng phía trước biến thành sân tập võ với đủ các dụng cụ: trụ đấm, bao cát, ống gang... Nhìn ông cởi trần cùng đám môn sinh lăn lộn trên cát đá để luyện tập, chợt giật mình về công phu kinh người ấy.
Rồi một buổi chiều, ngồi cạnh ông bên tách trà, nghe ông kể lại quãng đời một thời ngang dọc. Ông nội của ông vốn là nghĩa quân của Hoàng Hoa Thám. Sau khi cuộc khởi nghĩa bị dập tắt, Đề Thám bị ám hại, nghĩa quân tan rã. Để tránh sự truy lùng của thực dân Pháp, ông phải thay tên đổi họ, phiêu bạt nhiều nơi, mai danh ẩn tích. Như một sự an bài, cuối cùng gia đình ông về định cư tại Hải Phòng, với dụng ý đây là nơi sầm uất dễ bề che giấu hành tung và cũng dễ thoát thân ra đường biển khi có sự biến.
Ở nơi đất lạ xứ người, tìm một kế sinh nhai thật là khó. May sao, cha của Trần Tiến được sự giới thiệu làm quen với ông Lý Seng Bao, một thương buôn người Hoa giàu có, thế lực. Được nhận làm người giúp việc, trở thành thành viên tin cậy trong gia đình họ Lý. Lý Seng Bao có người tâm phúc tên là Lý Giang Nam, võ nghệ cao cường, thuộc Thiếu Lâm nam phái.
Có lần đụng độ với đám lính quỵt nợ, Lý Giang Nam đã xuất thủ đánh gục cả chục tên. Sau nhờ sự dàn xếp của ông chủ họ Lý đầy thế lực, chính quyền sở tại mới chịu để yên. Thấy rõ làm trai của đất nước thời loạn mà không có miếng võ phòng thân sẽ trở nên bạc nhược, cha của Trần Tiến quyết định cho ông theo học võ. Và người thầy đầu tiên ông bái sư chính là võ sư Lý Giang Nam. Năm ấy Trần Tiến mười bốn tuổi.

Không chịu dừng lại, khi đã có một nền tảng căn cơ võ thuật, ông tiếp bước trên con đường “tầm sư học đạo”. Một võ sư người Nhật tên Watanabe đã nhận ông làm môn đồ và truyền bá cho những tuyệt kỹ của môn nhu thuật. Đây là môn võ của các samurai Nhật Bản có nhiều đòn thế sát thủ dùng trong cận chiến. Để thấu đáo ngọn ngành mọi nguyên lý võ thuật, ông tiếp tục theo học môn nhu đạo với võ sư Henry Fabre người Pháp.
Với bầu máu nóng của TS, trong một phút giây máu giang hồ bốc lên, Trần Tiến quyết tâm “xuống núi” để thử sức mình. Ông đã tham gia nhiều cuộc tranh tài võ thuật, đấu thắng nhiều độ đài. Năm hăm bốn tuổi, Trần Tiến đoạt chức vô địch kiếm thuật Bắc kỳ. Chưa chịu dừng lại, gót chân Trần Tiến còn lang bạt kỳ hồ khắp vùng Đông Nam Á. Từng thượng đài và đánh hạ các đối thủ sừng sỏ ở nhiều võ đài tại các nước Thái Lan, Philippines, Malaysia, Myanmar, Singapore. Bí quyết để trở thành nhà vô địch là biết sở trường, sở đoản võ sĩ của từng nước để có đòn thế khắc chế và có đấu pháp hợp lý.
Có lần ở Singapore, Trần Tiến đọ sức cùng một võ sĩ tự xưng là Tiểu Lâm Xung. Võ sĩ này có sở trường đưa ngực, bụng chịu những cú đá trời giáng mà không hề hấn gì. Lại thêm bàn tay mệnh danh “thiết thủ” có thể đấm vỡ tấm gỗ dày 5 phân. Trần Tiến đã sử dụng nhu thuật, hầu quyền để phòng ngự, thăm dò, vô hiệu hóa các đòn đấm đá của Tiểu Lâm Xung. Rồi “xuất kỳ bất ý” chuyển sang xà quyền hạ gục đối thủ. Tuy thua nhưng quá cay cú, Tiểu Lâm Xung hẹn nửa năm sau lại tái đấu. Nhưng rồi Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ (1939), các võ đài ngừng hoạt động, Trần Tiến quay về Việt Nam.
Rồi ông tham gia kháng chiến chống Pháp, được tuyển chọn làm huấn luyện võ thuật cho bộ đội đặc công. Miền Bắc giải phóng, có phong trào khôi phục và phát triển các môn võ dân tộc. Năm 1963, võ sư Trần Tiến được cử sang cùng Ủy ban Thể dục thể thao tập hợp được 36 võ sư cổ truyền phía Bắc để tổ chức hội thảo chuyên môn.
Nghỉ hưu với quân hàm đại tá, có thời gian ông nghiền ngẫm và hệ thống lại các chiêu thức cùng tìm tòi thêm cái mới, lão võ sư Trần Tiến sáng lập môn phái Thiếu Lâm nội gia. Tuổi đã cao, võ sư vẫn sống một mình và để hết tâm huyết vào việc truyền dạy võ thuật và võ đạo cho các môn đồ. Môn sinh theo học cả ngàn, có cả người nước ngoài như Pháp, Ý, Nga...
THÀNH NGỌC
(Nguồn vietbao.vn)



Đại Võ sư Trần Công (1914-2013) ( 25/5/2013 )
Tác giả: Võ sư Trương Văn Bảo - Ủy viên Ban chấp hành Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam
ĐẠI VÕ SƯ TRẦN CÔNG
(1914 - 2013)

* Võ sư Trương Văn Bảo
Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam

Võ sư Trần Công, pháp danh Huyền Công Đạo, đại thụ Võ cổ truyền, tổ phụ Môn phái Sơn Đông Không Động Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng cố vấn Hội Võ thuật Hà Nội, sáng lập Võ phái Huyền Công Đạo, đã giã từ cõi trần đi vào vùng trời miên viễn vào lúc 13 giờ 25 phút ngày 22 tháng 5 năm 2013 tại Hà Nội, trụ thế 99 năm.

Kinh Phật có câu: “Hữu sinh, hữu tử, hữu luân hồi; Vô sinh, vô tử, vô khứ lai; Sinh tử khứ lai, đô thị mộng; Cấp cấp niệm Di Đà”. Lời không hết, ý không cùng, chữ nghĩa hữu vi giới hạn nhưng cũng xin gửi lòng theo với mây hương nguyện cầu hương hồn Thầy mãi mãi bình yên trong cõi vĩnh hằng.

Võ sư Trần Công sinh năm 1914 tại Nam Định, thường trú 379A Hoàng Hoa Thám - Liễu Giai - Ba Đình - Hà Nội, thuở thiếu thời đã tập luyện võ thuật trong gia đình rồi xuất dương tầm sư học đạo. Ông thọ giáo môn võ Sơn Đông và Không Động (Không Động là một trong Bát đại môn phái, gồm: Thiếu Lâm, Võ Đang, Nga Mi, Côn Luân, Không Động, Thanh Thành, Hoa Sơn, Toàn Chân hoặc Thất đại môn phái, gồm: Thiếu Lâm, Võ Đang, Nga Mi, Côn Luân, Không Động, Thanh Thành, Hoa Sơn) thời gian dài, đạt trình độ công phu cao và uyên bác về võ học, với biệt danh là Huyền Công Đạo và Động Tĩnh. Ông tham gia kháng chiến bảo vệ tổ quốc, bị Phát Xít Nhật bắt giữ cầm tù tra tấn dã man. Ông là đại thụ trong làng Võ cổ truyền Hà Nội, từng đạt thành tích huy chương vàng Đaị hội Thể dục thể thao dân tộc toàn quốc năm 1961 tại Hà Nội về môn song kiếm và lưỡi lê (dao găm).

Võ cổ truyền Việt Nam cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng không phải những năm gần đây mới có, mà có từ thưở “mang gươm đi mở cõi”. Hà Nội có nhiều võ sư danh tiếng, một số thầy hôm nay không còn nữa, số khác tuổi cao và sức dần suy yếu. Báo chí viết nhiều, phát thanh truyền hình cũng có những bài giới thiệu Võ sư Trần Công. Với Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam viết về Võ sư Trần Công là thể hiện lòng trân trọng các bậc tiền bối trong làng võ Việt Nam, không phân biệt vùng miền, môn phái như tiêu chí của Liên đoàn là tôn vinh các võ sư có công trong sự nghiệp phục hưng nền võ học cổ truyền Việt Nam, truyền laị cho các thế hệ sau những điều hay lẽ phải từ võ công đến tinh thần thượng võ và đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.

Ở tuổi ngoài 90 nhưng Võ sư Trần Công vẫn còn minh mẫn, nhớ và dạy những bài: Huyền công đao pháp, Song hổ vĩ côn, Điệp hoa côn, Tam thiết côn, Thiết hoa côn, Thất phiến côn, Thiết cương đao, Không Động kiếm, Điệp hoa kiếm, Điệp hổ quyền, Cửu long tiên, Song thần (một loại binh khí như lưỡng tiết côn), Huyết kỳ, Bế huyệt Nga My thích…

Hổ vĩ côn (côn hình đuôi cọp) của Võ sư Trần Công rất độc đáo, thiết kế như một cây Thiết lĩnh ngắn (đoản thiết lĩnh), thay vì có hai đoạn một ngắn một dài thì đoạn ngắn lại chia làm hai, kết với nhau bằng một đoạn xích hoặc dây bện chắc. Kỹ thuật và khả năng chiến đấu tự vệ cũng như khống chế, hoá giải những loại binh khí khác của Hổ vĩ côn rất cao.

Không phải ở kỹ thuật chiến đấu, am hiểu nhiều loại ám khí hoặc nhiều người nói và viết về cuộc đời ông như là một võ sư huyền thoại, mà điều trân trọng nơi đây là sự thật về một con người kinh qua giai đoạn sống trong xã hội gắn liền với nghiệp võ nhiều hơn là võ nghiệp bởi những đóng góp thực tế của Võ sư Trần Công qua từng giai đoạn của xã hội. Những năm đất nước chiến tranh, ông trực tiếp tham gia huấn luyện võ thuật tự vệ cho du kích quân, bộ đội và thanh niên tại quê nhà, cùng Võ sư Trần Đình Tùng tham gia môn thể thao dân tộc, Ban Thể dục thể thao thủ đô Hà Nội, được mời huấn luyện cho lực lượng vũ trang thủ đô và các thành phần xã hội khác gây dựng phong trào tập luyện Võ cổ truyền từ những năm tháng ấy.

Điều đáng ghi nhận ở thập niên 1960 là Võ sư Trần Công tham gia soạn thảo Luật thi đấu các môn thể thao dân tộc và viết tài liệu về quyền thuật và binh khí Võ cổ truyền như roi, kiếm, song sỉ, đao, thương… Ngày 30 tháng 4 năm 1975, đất nước hết chiến tranh, Việt Nam hoà bình, thống nhất, phong trào Võ thuật cổ truyền Hà Nội phục hồi sau một thời gian dài ngưng hoạt động; Võ sư Trần Công cùng nhiều võ sư đương thời khác chung tay góp sức xây dựng lại phong trào, mở lớp dạy võ, điều hành các công tác chuyên môn và được tín nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng cố vấn Hội Võ thuật Hà Nội.

Võ sư Trần Công sáng lập Môn phái Sơn Đông Không Động Việt Nam năm 1985. Những năm qua Sơn Đông Không Động phát triển không ngừng cùng phong trào của Hội Võ thuật Hà Nội, nhiều lần tham gia thi đấu, biểu diễn đạt thành tích tại các giải, đặc biệt trong chương trình biểu diễn võ thuật chào mùng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội cùng chung với các võ đường, võ phái, môn phái: Bình Định Gia, Võ Lâm Phật Gia, Hoa Quyền, Lâm Sơn Động, Nam Hồng Sơn, Thăng Long Võ Đạo, Thiếu Lâm Hồng Gia, Thiếu Lâm Sơn Đông, Văn Trang Võ Đạo, Nhất Nam, Võ Tổng Hợp, Bình Định Gia Hữu Hiệp, Hồng Quyền Chu Gia Việt Nam, Mai Sơn Lâm, Nam Hồng Sơn Khắc Trịnh, Nam Long Quyền, Thanh Lê, Thiếu Lâm Hồng Gia Hiếu Nghĩa Đường, Thiếu Lâm Hồng Gia Quang Dũng, Thiếu Lâm Hồng Quân, Thiếu Lâm Văn Hảo Văn Khanh, Vệ sĩ Thăng Long Võ Đạo, Việt Nam Võ Đang Thái Cực, Vịnh Xuân Kung Fu Thăng Long, Vịnh Xuân Ngô Gia, Việt Nam Vịnh Xuân Nội Gia, Võ cổ truyền La Phù Hoài Đức, Vũ Gia Thân Pháp, Trúc Lâm Nội Gia Việt Nam…

Võ sư Trần Công có nhiều đóng góp thiết thực cho việc phục hưng và phát triển phong trào Võ thuật cổ truyền; được Nhà nước tặng thưởng huy chương, bằng khen và Bác Hồ đã từng thăm hỏi, khen ngợi. Ông truyền chức Chưởng môn lại cho Võ sư Nguyễn Tiến Sơn và Võ sư Nguyễn Sĩ Lai là người tiếp nối danh xưng Võ phái Huyền Công Đạo cùng nhiều chi nhánh, võ đường khác của môn phái đang phát triền.

Ngày 25 tháng 5 năm 2013, Lễ truy điệu và hoá thân cho Võ sư Trần Công tổ chức tại Nhà hoá thân Hoàn Vũ, Nghĩa trang Văn Điển Hà Nội, khép lại một cõi đi về của đời người.

TVB

Võ sư Đoàn Tâm Ảnh (1900-2008) ( 27/9/2012 )
Tác giả: Võ sư TrươngVăn Bảo - Uỷ viên Ban Chấp hành Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam
VÕ SƯ ĐOÀN TÂM ẢNH
(1900 - 2008)

* Võ sư Trương Văn Bảo
Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam

Nhiều tài liệu, sách báo đã viết về cuộc đời và sự nghiệp võ công của võ sư Đoàn Tâm Ảnh. Bài viết này hướng về góc nhìn võ thuật của võ sư Đoàn Tâm Ảnh, thể hiện sự kính trọng của người đi sau đối với các bậc trưởng lão Võ thuật cổ truyền Việt Nam đã giúp ích cho nhiều thế hệ nối tiếp nghiên cứu tập luyện bổ sung kiến thức.
Võ sư Đoàn Tâm Ảnh tên thật là La Tô, biệt danh “Sáu nhỏ”, sinh năm 1900 tại Chợ Lớn - Sài Gòn, con của ông Tô Nghiêm và bà La Thị Muối. Ông là con trai út trong gia đình có 6 người con (5 gái, 1 trai), được cha mẹ gửi cho Mộc Đức thiền sư để tập luyện võ thuật, tăng cường sức khoẻ. Năm 1913 ông cùng Mộc Đức thiền sư sang Phi Lai Tự - Trung Quốc tu học Phật pháp và luyện tập võ công Côn Lôn Bắc phái (Côn Lôn hay Côn Luân là môn phái lớn cùng Không Động, Hoa Sơn, Nga Mi, ngang với Võ Đang và Thiếu Lâm). Ông được chân sư Thiếu Lâm là Bắc Phong hoà thượng truyền dạy võ công. Sau nhiều năm tu học và phiêu bạt, tranh tài quốc tế trên các võ đài Hong Kong, Thái Lan, Singapore, Mã Lai… ở thập niên 30. Năm 1951 ông trở về Việt Nam nhưng đến năm 1954 ông mới mở võ đường truyền dạy chính thức tại Cần Thơ (Tham khảo tư liệu của Môn phái Võ Lâm Chánh Tông).
Nhờ vào sở học cộng bản tính thông minh lanh lợi, võ sư Đoàn Tâm Ảnh đã thu hút được nhiều thành phần trong xã hội đến thọ giáo, tập luyện, ông đặt tên môn phái là Võ Lâm Chánh Tông và mở thêm nhiều điểm tập ở các tỉnh miền Trung, miền Tây. Chính từ đây tên tuổi của ông cùng một số cao đồ đã làm cho Võ Lâm Chánh Tông được nhiều người biết đến và yêu thích, đặc biệt là sách viết về “Thất thập nhị huyền công và Thập bát La Hán quyền”.
Dưới sự dìu dắt của võ sư Đoàn Tâm Ảnh, có một số võ sư trước đây thành danh như nhóm đệ tử đầu tiên là võ sư Tư Thông, hiệu Bắc quyền vương, võ sư Tám Tửu, hiệu Trung quyền vương, võ sư Nguyễn Thành Nghiêm, hiệu Nam quyền vương. Nhóm đệ tử thứ hai là võ sư Hàng Thanh, hiệu Bạch đế; võ sư Âu Vĩnh Hiền (Vũ Đức), hiệu Xích đế; võ sư Lạc Hà, hiệu Hắc đế; võ sư Bắc Phong Từ Võ Hạnh, hiệu Huỳnh đế; võ sư Hồng Phong Văn Ngọc Thạch, hiệu Thanh đế. Thế hệ sau còn có các võ sư Lê Văn Lý (Đồng Tháp), Nguyễn Thành Tâm, Nguyễn Thanh Sơn, Quang Diệu Sỹ… Trong số các võ sư này, võ sư (giáo sư) Hàng Thanh và võ sư Bắc Phong Từ Võ Hạnh là những võ sư cao đẳng Taekwondo ITF. Môn phái lấy ngày 9 tháng Giêng kỷ niệm ngày thành lập và ngày mất của võ sư Đoàn Tâm Ảnh, 6 tháng 10 âm lịch hằng năm là ngày giỗ tổ. Năm 1999 nhân ngày chúc thọ, võ sư Đoàn Tâm Ảnh đã giao cho võ sư Nguyễn Thành Nghiêm kế thừa chưởng môn “Võ Lâm Chánh Tông Thập Bát La Hán Quyền”. Ngày 03 tháng 11 năm 2008 (6 tháng 10 năm Mậu Tý) võ sư Đoàn Tâm Ảnh qua đời, đại thượng thọ 109 tuổi (Tham khảo tư liệu của Võ Lâm Việt Nam).
Võ Lâm Chánh Tông có nhiều môn đệ giỏi, viết sách báo phổ biến những bài bản chân truyền của môn phái. Trước năm 1975, điều kiện nghiên cứu còn khó khăn, tài liệu ít ỏi, cơ sở vật chất và phương tiện in ấn thô sơ nhưng võ sư Đoàn Tâm Ảnh đã nổi tiếng bởi những bộ sách ra đời, đó là Thất thập nhị huyền công và Thập bát La hán quyền do giáo sư Hàng Thanh biên soạn, sau nối tiếp là võ sư Hồng Phong Văn Ngọc Thạch rồi đến Lạc Việt với Thập bát La hán quyền toàn tập.
Đặc điểm của Thất thập nhị huyền công là phần kỹ thuật căn bản khoa học, rõ ràng, giúp người trong môn phái tập luyện và người ngoài môn phái tham khảo, xây dựng kiến thức cho mình. Nhiều võ đường, võ phái mới sáng lập sau này đã dựa trên nguyên tắc của Thất thập nhị huyền công mà diễn thành phần căn bản cho riêng mình. Nhờ vào sách có nhiều người đã thụ giáo bằng phương pháp “ngoại khoá” mà nên danh. Thất thập nhị huyền công có thể hiểu là 72 đòn thế căn bản của Võ Lâm Chánh Tông, khác với Thất thập nhị huyền công là 72 tuyệt kỹ công phu của Thiếu Lâm Tự như: Thiết tý công, Thiết đầu công, Thiết sa chưởng, Mai hoa trang, Thiết ngưu công, Toàn phong chưởng, Nhu cốt công, Điểm thạch công, Nhứt chỉ kim cương pháp (Nhứt dương chỉ)…
Thất thập nhị huyền công có Bộ pháp, Thủ pháp, Cước pháp.
- Bộ pháp có 3 bộ, 12 môn gọi là tam tấn gồm thượng, trung, hạ.
- Thủ pháp có 6 bộ, 42 môn gọi là lục quyền gồm bộ thủ chỉ 5 môn; hùng chưởng 5 môn; cương đao 9 môn; thôi sơn 8 môn; phượng dực 7 môn và bát tuyệt môn quyền 8 môn.
- Cước pháp có 4 bộ, 18 môn gọi là tứ cước gồm tiền cước, hậu cước, hoành cước và phi cước.
Thập bát La hán quyền là 18 bài quyền cùa Võ Lâm Chánh Tông gồm 8 bài Tiểu môn La hán và 10 bài Đại môn La hán. Mục đích của 8 bài Tiểu môn La hán giúp người tập thuần thục các chiêu thức căn bản trong kỹ năng chiến đấu. 10 bài Đại môn La hán nhằm nâng cao trình độ kỹ năng chiến đấu và phương pháp ứng dụng kỹ năng chiến đấu thực tế cho người tập. Có bài chủ luyện về sức mạnh, dẻo dai, đánh có bài bản tiến thoái xoay trở dễ dàng hoặc dạy cho người nhỏ con tránh được sự hiếp đáp của người lớn hơn. Có bài dạy gia tăng sức mạnh kỳ diệu chiến đấu hoặc dạy biết lăn, nhào lộn, tránh né phòng khi thất thế và cũng có bài làm cho đối phương hoa mắt.
- Tiểu môn La hán gồm: Mê Tông La hán, Kim Cang La hán, Lôi Công La hán, Lực Công La hán, Khí Công La hán, Môn Tinh La hán, Pháp Thân La hán, Công Cứ Liên Châu La hán.
- Đại môn La hán gồm: La hán ngũ hành quyền, La hán hùng quyền, La hán khinh quyền, La hán ngũ môn quyền, La hán lôi trận quyền, La hán mai hoa quyền, La hán liên hoàn quyền, La hán cương quyền, La hán long môn quyền, La hán hoa quyền.

Thập bát La hán quyền là những bài võ đấu, trong đó có một số bài đấu lẫn nhau, khắc chế rõ rệt. Ngoài ra võ sư Đoàn Tâm Ảnh còn truyền dạy những môn quyền khác như Tam tinh quyền, Bát môn kim toả, Thập nhị xà quyền, Lư Hoa thiền trượng, Vạn trượng phi đao, Chu long song kiếm, Tuyệt nhãn phi đao, Đả hổ lưỡng đầu côn, Tru tiên song chuỳ…, đặc biệt là các bộ thần công: Thất thập nhị huyệt công (tấn công vào huyệt đạo); Tứ tuyệt định công; Lục bộ thần công; Di ảnh kỳ công; Thập bát chưởng công (18 phép đánh chưởng).
- Lục bộ thần công (6 phép đánh chiến lược): Nhứt thủ nhứt công; Liên thủ liên công; Dĩ thủ khai công; Hồi thủ đương công; Thật hư thủ công; Ý định phân công.
- Lục bộ thần công (6 hình thức giao đấu): Đối diện giao chiến; Đối diện cận chiến nội; Đối diện cận chiến ngoại; Âm dương giao chiến; Âm dương cận chiến nội; Âm dương cận chiến ngoại.
- Tứ đẳng công: Tấn công; Phòng thủ; Phản đòn; Biến thế.
- Tứ tuyệt định công: Liên hoàn cước pháp; Liên hoàn thủ pháp; Cuồng phong tảo lạc diệp; Động quyền di ảnh.
- Di ảnh kỳ công: Đây là chiến pháp của Côn Lôn Bắc phái - Võ Lâm Chánh Tông; khi đối phương đánh thì ta cùng đánh, đối phương đá thì ta cùng đá. Đòn của ta đi sau mà đến trước, đó là nhờ vào di ảnh kỳ công nên hình ta không còn ở vị trí cũ nữa mà đòn của đối phương đi vào hư không.
Võ sư Đoàn Tâm Ảnh dựng bảng mở đường, lập môn phái ở tuổi 50, tuổi của “ngũ thập tri thiên mệnh”, không sớm như một số võ sư quá trẻ hôm nay. Trong một vài trang giấy không thể nói hết những điều muốn nói về võ sư Đoàn Tâm Ảnh hoặc một trưởng bối nào của Võ thuật cổ truyền Việt Nam. Văn chương chữ nghĩa đôi khi bị hạn hẹp sau cánh cửa mà chỉ có tâm hồn mới vượt lên, đồng cảm chia xẻ được mà thôi. Võ sư Đoàn Tâm Ảnh quan niệm võ là thực chiến, không phải là tuồng, không phải là tiểu thuyết trừu tượng, không phải là vũ trường, không phải là xiếc đu dây, vì vậy võ không hư cấu, nếu võ hư cấu chẳng khác nào một hiệp sĩ khi chiến đấu tuốt gươm ra đợi ca hết một bản nhạc tình rồi mới đấu thì không còn là võ nữa và cao cả trên cả sự cao cả của võ là tinh thần thượng võ của người dạy võ, học võ, đó là võ đạo.

TVB Đà Lạt, 9/2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét