Thứ Hai, 3 tháng 1, 2022

CÂU CHUYỆN VỤ ÁN 206

(ĐC sưu tầm trên NET)

 
4 vụ án ly kỳ nhất Việt Nam | Duy Ly Radio

48 giờ truy tìm nghịch tử gây thảm án

Bắc GiangSuốt hai ngày đêm toả đi các hướng tìm kẻ gây thảm án, hàng trăm công an làm việc xuyên đêm, ăn “bữa cơm năm phút” vội vàng với bánh mì và nước chè đặc.

Khoảng 13h ngày 22/10, trưởng thôn Tuấn Mỹ, xã Tân Thanh, huyện Lạng Giang, Bắc Giang, nhận cuộc điện thoại của người dân, báo "nhà ông Luật có người chết". Khi trưởng thôn tới nơi, căn nhà cuối thôn của ông Trần Đình Luật (72 tuổi) đông kín người đứng bên ngoài.

Căn nhà khóa cửa nhưng ngay sau cánh cổng là 3 thi thể gồm ông Luật cùng vợ Bùi Thị Hoa (72 tuổi) và con gái Trần Thị Thảo (45 tuổi, chưa lập gia đình) nằm rải rác trong sân và sau vườn.

Như nhiều nhà khác trong vùng, hiện trường là căn nhà cấp bốn bên sườn đồi, giữa vùng trung du, với lối vào sâu, quây quanh là khoảng sân rộng và bốn bề vườn tược, cây cối um tùm. Hộ sinh sống gần nhất cũng cách gần 20 mét. Trong sáng và trưa hôm đó, người dân xung quanh không thấy hiện tượng, âm thanh bất thường.

Cậu bé 10 tuổi, cháu nội của ông Luật, trở về nhà sau khi đi chơi cùng bạn, là người đầu tiên phát hiện thảm án. Bé lập tức chạy sang hàng xóm nhờ giúp đỡ.

Ngoài ba nạn nhân và người cháu nội 10 tuổi, sống cùng nhà còn có Trần Văn Hiếu (47 tuổi, con trai của vợ chồng ông Luật). Đến hiện trường sau gần 30 phút khi trưởng thôn báo án, Đội điều tra của Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Bắc Giang không thấy Hiếu đâu, trong khi 10 ngày qua anh ta chỉ ra ngoài một lần để khai báo y tế.

Hiếu vừa mãn hạn tù hôm 13/10, về sống cùng bố mẹ. Anh ta từng đi nghĩa vụ rồi làm ăn ở Lào Cai khoảng 10 năm. Năm 2014, trong lúc cãi nhau, Hiếu chém vợ, bị phạt 6 năm tù về tội Cố ý gây thương tích. Vợ Hiếu ly hôn ngay sau đó, nuôi con gái lớn. Con trai út ở với ông bà nội.

Kiểm tra hiện trường, Đội điều tra phát hiện ngoài chiếc xe máy của ông Luật bị mất, đồ đạc trong nhà không có dấu hiệu lục lọi, cạy phá. Thảm án được cho rằng không phải là giết người nhằm cướp tài sản, mà có thể do mâu thuẫn trong cuộc sống.

Trong khi một số điều tra viên cùng pháp y khoanh vùng, khám nghiệm tử thi, nhiều công an tản đi các hộ xung quanh thu thập thông tin và nhanh chóng có những phát hiện đáng giá.

Dữ liệu camera nhà dân ghi hơn 12h cùng ngày, một người đàn ông mặc áo thun dài tay màu xanh đậm, quần đen sọc trắng, đội mũ bảo hiểm lái chiếc xe máy của ông Luật đi ra từ phía hiện trường. Người này chính là Hiếu.

Camera nhà dân ghi lại cảnh Hiếu bỏ trốn bằng xe máy .Ảnh: Công an cung cấp

Camera nhà dân ghi lại cảnh Hiếu bỏ trốn bằng xe máy. Ảnh: Công an cung cấp

Ban chuyên án xác định Hiếu là nghi phạm "đáng ngờ nhất" và duy nhất. Theo đó, các vết thương của ba nạn nhân cùng do một loại hung khí, vết chém đều từ trên xuống, tại vùng đầu, cổ. Cách thức gây án này hoàn toàn trùng khớp với việc Hiếu chém vợ 7 năm trước.

Xác định hành tung của Hiếu, Ban chuyên án nắm được thông tin trước khi gây án với vợ, Hiếu từng nhiều năm sống ở Lào Cai, có nhiều quan hệ xã hội phức tạp ở Ninh Bình, Hà Nam. Hiếu được cho là có thể ẩn trốn quanh các địa phương này hoặc ngay tại Bắc Giang, song cũng không ngoại trừ khả năng vượt biên.

Với lượng thông tin trải rộng, chưa thể xác minh rõ ràng, 90% quân số của Phòng Cảnh sát Hình sự và Công an huyện Lạng Giang được huy động. Gần 100 người ngay tối đó chia làm ba mũi, toả đi Hà Nội, Ninh Bình, Hà Nam và Lào Cai.

Nhận định nhiều khả năng Hiếu sẽ tìm về nơi từng sống lâu nhất, trung tá Lại Minh Tiến (Trưởng phòng) dẫn đầu tổ công tác hơn 20 người đến Lào Cai.

Trong cuộc họp chớp nhoáng ngay chiều cùng ngày, Phòng Cảnh sát hình sự Bắc Giang nhận được sự hỗ trợ của đồng nghiệp các tỉnh lân cận. "Nếu không có sự phối hợp này, Bắc Giang có huy động 100-200 quân chăng nữa cũng không thể vây bắt an toàn và nhanh chóng", ông Tiến chia sẻ.

Đêm đó, trong khi hàng trăm chiến sĩ toả đi các ngả làm nhiệm vụ cũng là lúc thông tin vụ án và nhận dạng ban đầu của Hiếu xuất hiện trên các phương tiện truyền thông và bản tin địa phương.

"Bất cứ người nào nhìn thấy đối tượng khả nghi trên hãy gọi điện báo đến đường dây nóng công an Bắc Giang hoặc công an khu vực", nội dung các bản tin của Công an Bắc Giang nhanh chóng đến với người dân qua nhiều hình thức. Dù vậy, nhà chức trách khuyến cáo người dân "không tự ý hành động, tổ chức vây bắt", do kẻ này "vô cùng manh động".

"Trong lúc lẩn trốn, không ngoại trừ việc Hiếu sẽ tiếp tục giết người, hoặc trộm cướp để có tiền. Các ngăn chặn duy nhất là phải bắt thật nhanh, nếu không sẽ thất bại lớn", ông Tiến trăn trở.

Trần Văn Hiếu. Ảnh: Công an cung cấp

Nghi phạm Trần Văn Hiếu. Ảnh: Công an cung cấp

Tại Lào Cai, hàng chục địa phương và Công an Bắc Giang phối hợp chặn ở các nhánh đường chính. Một nhóm trinh sát khác đi xe máy, xé rừng len lỏi vào từng nhánh đường bản, đường nhánh xương cá, tìm gặp những mối quen của Hiếu khai thác manh mối.

Một tổ công tác nữa phối hợp cùng lực lượng biên phòng, sẵn sàng trong trường hợp Hiếu vượt biên theo đường tiểu ngạch, sang Trung Quốc. Trung tá Tiến cho biết, suốt hai ngày đêm, nhiều chiến sĩ "hầu như không chợp mắt" và chỉ ăn qua loa những "bữa ăn năm phút" với bánh mì và liên tục nước chè đặc cho tỉnh ngủ.

Những cuộc điện thoại của người dân Bắc Giang, Ninh Bình liên tục đổ về, báo tin vài giờ trước nhìn thấy người có đặc điểm nhận dạng tương tự Hiếu tại khu vực mình sinh sống. Chắp nối dữ liệu và mốc thời gian theo báo cáo của người dân, ban chuyên án dần vẽ lại được lịch trình di chuyển của nghi phạm.

Theo đó, hắn rời nhà sau khi gây án, di chuyển theo quốc lộ 21 cũ, từ các huyện ngoại thành Hà Nội qua Hà Nam, Ninh Bình và cuối cùng đến Lào Cai. Lộ trình này đúng như dự đoán ban đầu của Ban chuyên án.

Lực lượng truy bắt lập tức "dàn quân" tại các chốt khai báo, kiểm soát dịch bệnh liên tỉnh, liên huyện quanh các cửa ngõ của Lào Cai để bí mật đón lõng.

Chiều 24/10, lực lượng tại chốt Bảo Hà trên Tỉnh lộ 161 đi từ Lào Cai tới Yên Bái phát hiện người có đặc điểm giống Hiếu. Được yêu cầu dừng lại, anh ta định bỏ chạy, quay xe về Yên Bái nhưng sau đó chấp hành xét nghiệm Covid-19. Kẻ này lập tức được xác định là Hiếu. Ba cảnh sát vật lộn trong vài phút mới khống chế được nghi phạm.

Cuộc vây bắt nghịch tử được trung tá Tiến đánh giá "nhanh chóng, bất ngờ", đảm bảo đúng ba tiêu chí an toàn, cho người dân, cho nghi phạm và cả lực lượng công an. "Mất một trong 3 tiêu chí này, bất cứ cuộc vây bắt nào đều chưa trọn vẹn".

Trở về sau cuộc vây bắt thành công, ông Tiến nhìn vào công tơ mét trên chiếc xe công vụ, nhận ra mình và đồng đội, sau hai ngày, đã vượt quãng đường hơn 2.000 km.

Hiếu bị bắt tại Lào Cai cùng chiếc xe máy hắn sử dụng để trốn chạy.Ảnh: Công an Lào Cai

Hiếu bị bắt tại Lào Cai cùng chiếc xe máy hắn sử dụng để trốn chạy. Ảnh: Công an Lào Cai

Hiếu khai sáng 22/10 uống một mình hơn nửa lít rượu trắng thì cãi vã với em gái. Trong cơn tức giận, hắn dùng dao chém em tử vong, lấy lá cây phủ thi thể. Một lúc sau, khi mẹ về, Hiếu lại gây án. Nghịch tử ngồi chờ bố đi dự hội thơ về, tiếp tục xuống tay lần ba tại sân.

Suốt hai ngày chạy trốn, Hiếu khai chỉ ăn mì tôm sống, uống nước lã và ngủ vạ vật ở những chỗ khuất. Nhiều lần ngủ gật khi lái xe, Hiếu đỗ lại dọc đường để tháo kính mũ bảo hiểm để gió lạnh thổi vào mặt cho tỉnh táo.

Theo Công an Bắc Giang, trong những lời khai đầu tiên Hiếu một mực nói "không có tội, không làm gì cả". Sau đó, nghi phạm thừa nhận gây án với lý do bị "bố mẹ hắt hủi". Trong thời gian Hiếu đi tù, gia đình hầu như không thăm gặp, tiếp tế.

Đến nay, Hiếu khai nguyên nhân thực sự xuất phát từ nghi ngờ dồn nén lâu ngày về cuộc sống vợ chồng trước đây song không được bố mẹ ủng hộ, chia sẻ. Việc sinh hoạt với gia đình trong những ngày hắn ra tù vì thế liên tục "căng thẳng" và "ức chế".

Hải Thư - Song Minh

'Người vợ điên' trở về giải oan cho chồng

Trung QuốcXà Tường Lâm suýt bị tử hình với cáo buộc giết vợ, ngồi tù 11 năm thì người vợ tưởng đã bị vứt xác trên sông lại đột ngột trở về.

Tối 20/1/1994, Trương Tại Ngọc cãi nhau to với chồng là Xà Tường Lâm, tức giận bỏ nhà đi, mãi không thấy về.

Ngọc và Lâm sống ở thôn Lữ Xung, huyện Kinh Sơn, tỉnh Hồ Bắc. Vài năm gần đây, tình cảm rạn nứt và thường xuyên cãi vã. Ngọc mắc bệnh tâm thần nhưng không phải do bẩm sinh. Khi phát bệnh, cô không thể nhớ mình là ai, không biết nhà ở đâu.

Theo lẽ thường, một phụ nữ trẻ không có phương tiện giao thông, chỉ qua lại giữa các thôn làng nhỏ thì không thể đi quá xa. Nhưng gia đình và hàng xóm tìm kiếm khắp nơi xung quanh không thấy Ngọc đâu. Họ báo cảnh sát nhờ hỗ trợ cũng không có kết quả.

Sau khi Ngọc mất tích ba tháng, sáng 11/4, một người dân phát hiện trên mặt ao bên đường có vật trôi nổi, tò mò lại gần xem thì đó là thi thể.

Kết quả khám nghiệm pháp y cho thấy xác chết là phụ nữ, tử vong hơn hai tháng trước. Người này cao 1,55 m, khoảng 30 tuổi và từng sinh con. Thi thể bị phân hủy không thể nhận ra, vì vậy không có cách nào xác định danh tính.

Do vùng đầu có nhiều vết thương, cảnh sát suy đoán đây rất có thể là vụ cố ý giết người, vứt xác. Cục Công an huyện Kinh Sơn phát hiện đặc điểm của thi thể và người mất tích Trương Tại Ngọc rất giống nhau. Ngọc 31 tuổi, có một con gái, chiều cao cũng là 1,55 m, biến mất cách đây ba tháng.

Trương Tại Ngọc. Ảnh: cunman

Trương Tại Ngọc. Ảnh: cunman

Cảnh sát liên hệ gia đình Ngọc đến nhận dạng. Vừa nhìn thấy thi thể, mẹ Ngọc lập tức quỳ trên mặt đất khóc lóc vật vã, xác định đây là con gái.

Trên thực tế, không thể xác minh danh tính qua khuôn mặt sưng phù, biến dạng. Vì vậy, có người đề nghị gia đình Ngọc đi xét nghiệm ADN cho chính xác. Tuy nhiên, chi phí xét nghiệm vào những năm 1990 rất đắt, lên tới 20.000 nhân dân tệ, gia đình nông thôn bình thường sao nỡ chi số tiền này. Bên cạnh đó, mẹ Ngọc khi biết trên bụng thi thể có vết sinh mổ lại càng chắc chắn nên quyết định không cần xét nghiệm.

Khi thi thể nạn nhân đã được xác nhận, cảnh sát lập tức triệu tập Xà Tường Lâm, 28 tuổi, để điều tra vì là người thân cận nhất.

Theo điều tra, Ngọc và Lâm kết hôn năm 1986, có con gái 6 tuổi. Lâm là nhân viên tuần tra an ninh tại đồn cảnh sát địa phương, còn Ngọc là công nhân tại một nhà máy gần đó. Cuộc sống gia đình bắt đầu mâu thuẫn từ ba năm trước khi Ngọc mất tích.

Vì công việc, Lâm thường xuyên không ở nhà. Không chịu được cô đơn, Lâm quan hệ với cô gái họ Trần. Họ nhiều lần bị bắt gặp qua đêm cùng nhau khiến chuyện ngoại tình vỡ lở, lan truyền khắp làng trên xóm dưới.

Sau sự việc, mối quan hệ vợ chồng Lâm xấu đi rất nhiều. Cả hai thường xuyên cãi vã, thậm chí còn đánh nhau, đập phá đồ đạc. Lâm mặc kệ vợ khóc lóc, cũng không quan tâm đến con gái nhỏ, tiêu sạch vài nghìn nhân dân tệ tích góp để bao nhân tình.

Trong mắt người cùng thôn, Ngọc vốn là cô gái vui vẻ, tháo vát, tính cách tốt. Nhưng sự phản bội của chồng đã kích thích tâm lý của Ngọc, chịu đựng cảm xúc tiêu cực trong một thời gian dài khiến cô trở nên điên điên khùng khùng. Khi phát bệnh, cô không được minh mẫn, dễ cáu bẳn, hay ngẩn ngơ. Khi bệnh nặng, Ngọc sẽ không nhớ rõ thứ gì, ngay cả tên tuổi, địa chỉ nhà mình cũng không nhớ. Lâm thường tỏ ra chán ghét người vợ mắc bệnh tâm thần.

Sau khi nắm được những thông tin này, cảnh sát nhận định Lâm là nghi phạm chính và bị tạm giữ hình sự.

Sau cuộc điều tra và thẩm vấn kéo dài 6 tháng, Lâm thừa nhận giết vợ. Động cơ gây án giống với phân tích của cảnh sát là chán ghét, muốn sát hại vợ để lấy nhân tình.

Ngày 13/10/1994, tòa án Kinh Châu tuyên Lâm phạm tội Cố ý giết người và tuyên án tử hình.

Tuy nhiên, bố mẹ Lâm cho rằng Lâm bị ép phải nhận tội và kháng cáo lên tòa án cấp cao Hồ Bắc. Mẹ Lâm vừa đi tìm con dâu trong thôn, vừa in tờ rơi tìm người mất tích, muốn chứng minh rằng Ngọc chưa chết, con trai bị oan.

Đến cuối năm 1994, mẹ Lâm nghe ngóng được tin tức về Ngọc. Ở thôn Diêu Lĩnh, thành phố Thiên Môn, tỉnh Hồ Bắc, có người dân nói vào tháng 10, một người phụ nữ mắc bệnh tâm thần đến thôn, không mang tiền, cả người bẩn thỉu, chỉ nói mình họ Trương, không biết nhà ở đâu. Cô được một người tốt bụng cho ở nhờ và đã rời đi khi tình trạng tốt hơn. Hay tin, mẹ Lâm như bắt được cọng rơm cứu mạng, lập tức đi xin bí thư thôn Diêu Lĩnh viết giấy chứng minh, đóng dấu rồi vội vã nộp cho cảnh sát, nhưng mãi không thấy hồi âm.

Tờ giấy chứng minh được nộp lên tòa phúc thẩm cùng đơn kháng cáo, giúp bảo toàn tính mạng cho Lâm.

Ngày 6/1/1995, tòa án cấp cao Hồ Bắc cho rằng không đủ bằng chứng để kết tội Lâm và bác bỏ phán quyết ban đầu, yêu cầu xét xử lại.

Tháng 5/1995, do gia đình Lâm không chịu từ bỏ và liên tục hỏi thăm, kháng cáo nên cảnh sát đã buộc mẹ Lâm tội gây rối trật tự công cộng và cản trở công vụ, bỏ tù bà 9 tháng và phạt 3.000 nhân dân tệ. Thụ án xong, mẹ Lâm bị câm điếc, không thể đi lại và qua đời chỉ sau 3 tháng được thả.

Xà Tường Lâm quỳ trước mộ mẹ sau khi được trả tự do. Ảnh: cunman

Xà Tường Lâm quỳ trước mộ mẹ sau khi được trả tự do. Ảnh: Cunman

Mất mẹ, gia đình không bỏ cuộc, vẫn đi khiếu kiện khắp nơi. Anh cả của Lâm cũng bị bắt giam 41 ngày vì kêu oan cho em

Mặt khác, gia đình Ngọc một mực cho rằng Lâm đã gây án, tập hợp hơn 220 người dân trong làng cùng đệ đơn yêu cầu trừng phạt nghiêm khắc kẻ phạm tội.

Ngày 15/6/1998, Lâm bị kết án 15 năm tù về tội Cố ý giết người.

Kể từ khi bố vào tù và mẹ "bị giết", con gái của cả hai là Xà Hoa Dung cũng chịu nhiều bất hạnh. Cô bé bị hàng xóm và bạn học đối xử lạnh nhạt, nhà không còn tiền đóng học. Cuối cùng, Hoa Dung phải bỏ học, dùng chứng minh thư giả đến Thâm Quyến làm thuê, mấy năm liền không về quê vì sợ bị chỉ trỏ, đàm tiếu.

11 năm trôi qua, khi mọi người đã dần lãng quên về sự việc thì người vợ bị Lâm "giết và vứt xác" bất ngờ trở về.

Ngày 28/3/2005, Ngọc đến đồn cảnh sát thị trấn Nhạn Môn Khẩu nói là vợ của Lâm, nhiều năm trước cô không chết mà đi lạc vì phát bệnh tâm thần.

Ngọc kể, sau khi cãi nhau với chồng tối 20/1/1994, cơn giận khiến phát bệnh tâm thần. Lúc tỉnh táo lại, cô phát hiện đã đi rất xa. Lúc này, trên người không có tiền bạc, không có chứng minh thư, trạng thái tâm lý lại không tốt, không nhớ nổi mình là ai, nhà ở đâu. Cô ăn xin dọc đường cho đến tận Sơn Đông. Tại đây, Ngọc gặp được một người đàn ông giúp đỡ cô rất nhiều, dần nảy sinh tình cảm và kết hôn, có một con trai.

Có cuộc sống hạnh phúc, bệnh tình của Ngọc từ từ thuyên giảm, nhưng phải mất nhiều năm sau cô mới nhớ ra nhà mình và viết thư gửi về. Tuy nhiên, thư của cô không nhận được hồi âm vì người nhà luôn tin rằng cô đã chết, coi bức thư như trò đùa.

Cho đến năm 2005, Ngọc hoàn toàn khỏe lại, khôi phục trí nhớ và cùng chồng con hiện tại về thăm quê. Điều Ngọc không ngờ được là sự mất tích năm đó của cô lại biến thành vụ "cố ý giết người".

Khi được thả tự do, Lâm còn chưa rõ nguyên nhân. Anh đã ngồi tù 11 năm, vì cải tạo tốt nên được giảm án 3 năm, còn hơn 4 tháng nữa mới được ra tù. Về đến nhà, Lâm mới vỡ lẽ.

Xà Tường Lâm bên con gái trong ngày được tuyên vô tội. Ảnh: Toutiao

Xà Tường Lâm bên con gái trong ngày được tuyên vô tội. Ảnh: Toutiao

Sau khi xác nhận Ngọc còn sống và làm rõ chân tướng, Lâm được tòa tuyên vô tội vào ngày 13/4/2005, được nhà nước bồi thường 700.000 nhân dân tệ.

Về thi thể trong ao, Công an huyện Kinh Sơn từng định mở quan tài để thu thập ADN nhưng mãi không thấy động tĩnh gì, cuối cùng sự việc bị khép lại một cách mơ hồ.

Tuệ Anh (Theo Toutiao, Baike)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét