THƠ NÔM NGUYỄN KHUYẾN

(THT sưu tầm và lựa chọn)


1- VỀ HAY Ở

Văng vẳng tai nghe tiếng chích chòe
Lặng đi kẻo động khách lòng quê
Nước non có tớ càng vui vẻ
Hoa nguyệt nào ai đã đắm mê?
Quyên đã gọi hè quang quác quác
Gà rừng gáy sáng tẻ tè te
Lại còn giục giã về hay ở?
Đôi gót phong trần vẫn khỏe khoe


2-  TỰ TRÀO

Cũng chẳng giàu mà cũng chẳng sang
Chẳng gầy, chẳng béo chỉ làng nhàng
Cờ đương dở cuộc không còn nước
Bạc chửa thâu canh đã chạy làng

Mở miệng nói ra gàn bát sách
Mềm môi chén mãi tít cung thang
Nghĩ mình lại gớm cho mình nhỉ
Thế cũng bia xanh, cũng bảng vàng


3- TỰ THUẬT

Tháng ngày thấm thoát tựa chim bay
Ông ngẫm mình ông, nghĩ cũng hay
Tóc bạc bao giờ không biết nhỉ?
Răng long ngày trước hãy còn đây
Câu thơ được chửa, thưa rằng được
Chén rượu say rồi, nói chửa say
Kẻ ở trên đời lo lắng cả
Nghĩ ra ông sợ cái ông này


4- VỊNH TIẾN SĨ GIẤY*

                        I
Rõ chú hoa man** khéo vẽ trò
Bỡn ông mà lại dứ thằng cu
Mày râu mặt đó chừng bao tuổi
Giấy má nhà bay đáng mấy xu?
Bán tiếng mua danh thây lũ trẻ
Bảng vàng bia đá vẫn nghìn thu
Hỏi ai muốn ước cho con cháu
Nghĩ lại đời xưa mấy kiếp tu


                          II
Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai
Cũng gọi ông nghè có kém ai
Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng
Nét son điểm rõ mặt văn khôi
Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ?
Cái giá khoa danh thế mới hời!
Ghế tréo, lọng xanh ngồi bảnh chọe
Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi!***


Chú thích: *Ngày trước, cứ vào dịp tết Trung Thu, người ta
                   thường làm mô hình người bằng giấy cho trẻ con
                   chơi. Mô hình đó thường là một ông tiến sĩ vinh
                   hiển. Mục đích nhằm làm cho trẻ con có ý thức
                  yêu văn chương, trọng khoa cử và lấy đó làm con
                  đường lập thân.
                **Người thợ làm hàng mã.
             ***Ngày nay "tiến sĩ giấy" đã hóa thành "đồ thật".Cuộc
                  lập thân từ "chơi" thành "thật" cũng nhẹ nhàng: kiếm
                  đủ tiền ra "chợ" mua một tờ "giấy tiến sĩ" là xong!


5- CHƠI NÚI NON NƯỚC

Chom chỏm trên sông đá một hòn
Nước trôi sóng vỗ biết bao mòn
Phơ đầu đã tự đời Bàn Cổ
Bia miệng còn đeo tiếng trẻ con
Rừng cúc tiền triều trơ mốc thếch
Hòn câu Thái Phó* tảng rêu tròn
Trải bao trăng gió xuân già giặn
Trời dẫu già nhưng núi vẫn non


Chú thích: *Thời xưa đó là chức quan vào hàng tam công (nhất
                    phẩm triều đình). Ở đây chỉ Trương Hán Siêu, người
                    đã viết bài thơ ngũ ngôn "Dục Thúy Sơn" trên núi
                    Non Nước.


6- THU VỊNH (Vịnh mùa thu)

Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao
Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu
Nước biếc trông như tầng khói phủ
Song thưa để mặc bóng trăng vào
Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái
Một tiếng trên không bỗng nước ào
Nhân hứng cũng vừa toan cất bút
Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào*


Chú thích: *Đào Tiềm làm quan ở Bành Trạch (tên cũ của một huyện
                     thuộc tỉnh Giang Tây, Trung Quốc), khi treo ấn từ quan
                     về ở ẩn có làm bài thơ "Quy khứ lai từ"


7- THU ĐIẾU(Câu cá mùa thu)

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo
Tựa gối, buông cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo


8- THU ẨM(Uống rượu mùa thu)

Năm gian nhà cỏ thấp le te
Ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe
Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt
Làn ao lóng lánh bóng trăng loe
Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt
Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe
Rượu tiếng rằng hay, hay chả mấy
Độ năm ba chén đã say nhè.


9- HỎI THĂM QUAN TUẦN BỊ CƯỚP*

Tôi nghe kẻ cướp nó lèn ông
Nó lại lôi ông đến giữa đồng
Lấy của đánh người quân tệ nhỉ!
Xương già da cóc có đau không?
Bây giờ trót đã sầy da trán
Ngày trước chưa từng mất mảy lông
Thôi cũng đừng nên ky cóp nữa
Kẻo mang tiếng dại với phường ngông!


Chú thích: *Quan tuần phủ tên Đích là bạn học của NK, có
                     tính chắt bóp, keo kiệt, sau khi hưu quan về nhà
                     thì bị cướp. Nhân đó nhà thơ làm bài này gửi bạn
                     Điều thú vị là ông Đích đã họa lại:
                               Ông thăm tôi, tôi cũng giã ơn ông
                               Nó có lôi tôi đến giữa đồng
                               Cũng tưởng vun thu phòng lúc thiếu
                               Nào ngờ ky cóp lại như không
                               Gớm cho những kẻ đen tai mắt
                               Chẳng nể ông già bạc tóc lông
                               Ông hỏi thăm tôi, tôi biết vậy
                               Thương ông tuổi tác, cháu thời ngông


10- TẶNG ĐỐC HỌC HÀ NAM

Ai rằng ông dại với ông điên
Ông dại sao ông biết lấy tiền?
Cậy cái bảng vàng treo nhị giáp*
Khoét thằng mặt trắng** lấy tam nguyên***
Dấu nhà vừa thoát sừng trâu đỏ
Phép nước xin chừa móng lợn đen****
Chỉ cốt túi mình cho nặng chặt
Trăm năm mặc kệ tiếng chê khen.


Chú thích: *Nhị giáp tiến sĩ, một học hàm cao thời trước
                    **Chỉ người học trò, rút ra từ câu:"Bạch diện
                       thư sinh"
                     ***Ba đồng bạc(giá trị tiền tệ bằng một tạ gạo),
                        còn có nghĩa đỗ đầu ba khoa
                      ****Đỏ, đen: màu giầy của quan ta, quan tây.
                          Ý nói: thoát được quan ta đá (trừng phạt), nhưng
                           không thoát được quan tây


11- HOÀI CỔ

Nghĩ chuyện đời xưa cũng nực cười
Sự đời đến thế, thế thời thôi!
Rừng xanh núi đỏ hơn ngàn dặm
Nước độc ma thiêng mấy vạn người
Khoét rỗng ruột gan trời đất cả
Phá tung phên giậu hạ-di* rồi
Thôi thôi đến thế thời thôi nhỉ
Mây trắng về đâu nước chảy xuôi.


Chú thích: *Hạ là đất trung châu, di là nơi bờ cõi, ẩn ý chỉ toàn bộ
                   đất nước. Qua bài này, tác giả lên án cuộc khai thác tài
                    nguyên thiên nhiên tham tàn và sự bóc lột dân chúng
                    một cách ác độc của Thực dân Pháp đối với đất nước
                    và dân tộc ta. Xét riêng về mặt thuần túy tàn phá thiên nhiên thì
                     cho đến nay, bài thơ vẫn còn nóng hổi tính thời sự!


12- ĐẠI LÃO

Năm nay tớ đã bảy mươi tư
Rằng lão, rằng quan tớ cũng ừ
Lúc hứng, uống thêm dăm chén rượu
Khi buồn ngâm láo một câu thơ
Bạn già lớp trước nay còn mấy?
Chuyện cũ mười phần chín chẳng như*
Cũng muốn sống thêm dăm tuổi nữa
Thử xem trời mãi thế này ư?


Chú thích: *Ý nói, cuộc đời mười phần, không vừa ý đến chín phần.
             




Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH