THƠ HỒ CHÍ MINH

                                   Trần Hạnh Thu


   Lúc chào đời, Hồ Chí Minh được đặt tên là Nguyễn Sinh Cung, lớn lên, thời đi học ở Huế, mang tên Nguyễn Tất Thành. Theo nhà văn Sơn Tùng, vào độ năm tuổi thì Cung theo gia đình (gồm cha là Nguyễn Sinh Sắc, mẹ là Hoàng Thị Loan, anh là Nguyễn Sinh Khiêm) vào Huế- kinh đô của Việt Nam thời đó. Trong khi qua Đèo Ngang, Cung có đọc cho cha và anh nghe hai bài thơ sau:
1. Núi cõng con đường mòn
    Cha thì cõng theo con
    Núi nằm ỳ một chỗ
    Cha đi cúi lom khom
    Đường bám lỳ lưng núi
    Con tập chạy lon ton
    Cha siêng hơn hòn núi
    Con đường lười hơn con.

2. Biển là ao lớn
    Thuyền là con bò
    Bò ăn gió no
    Lội trên mặt nước
    Em nhìn thấy trước
    Anh trông thấy sau
    Ta lớn mau mau
     Vượt qua ao lớn.

  Cũng theo nhà văn Sơn Tùng, quê ngoại của HCM ở Hà Tĩnh, gần cạnh quê của Quận công Hoàng Cao Khải (làng Đông Thái, huyện Đức Thọ). Một lần, Nguyễn Tất Thành được về thăm quê ngoại. Cũng trong dịp ấy, HCK có mời các quan sở tại đầu tỉnh và cả các quan huyện đến dự lễ ăn mừng khánh thành cái dinh thự bề thế vừa xây xong tại quê nhà của mình. Trong lúc bữa tiệc diễn ra thì có một lũ trẻ (gồm: Phạm Gia Cẩn, Lê Thước, Nguyễn Sinh Khiêm và NTT) túm tụm bên ngoài tường bao dinh thự nhòm lén vào, và thấy: trên cái sân rất rộng có một cái bể cảnh rất lớn chưa có nước, trong đó có một hòn non bộ lớn, một cây si khoảng trăm tuổi và tượng ba ông lão nhỏ, còn các quan thì ngồi bên cạnh bể cảnh uống rượu tây và đang bình thơ văn. Bỗng nhiên trong đám học trò nhòm lén thốt to một câu :"Các quan làm thơ dở quá!". Nghe thế, Hoàng Trọng Phu (con của HCK) đi ra quát lũ trẻ. Tiếp đó, HCK cũng ra nhưng chỉ nói:
   - Đứa nào khi nãy chê thơ của các quan thì bây giờ đọc một bài thơ cho các quan nghe, ông thưởng
   NTT thưa:
   -Thưa cụ, con đọc bài thơ này, nếu có sai thì đừng phạt con?
   -Đọc đi, ông không phạt!
   Và NTT đọc:
   - Kìa ba ông lão bé con con
     Biết có tình gì với nước non
     Trương mắt làm chi, ngồi mãi đó?
     Hỏi xem non nước mất hay còn

         ***

    Lạm bàn: Nếu quả thực đúng như lời Sơn Tùng kể thì phải cho rằng trước khi xuất bôn tìm đường cứu nước để rồi trở thành anh hùng dân tộc, HCM đã là một thần đồng thơ.

          ***

    Bài thơ mà NTT đọc ở dinh thự của HCK có hơi hướng gợi nhớ đến bài thơ "Ông phỗng đá" đã xuất hiện trước đó của Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến.
    Trước hết, kể sơ về HCK. HCK sinh năm 1850, chết năm 1933. Sau khi đỗ cử nhân ân khoa (năm 1868), ra làm quan, cúc cung tận tụy phục vụ Triều đình Huế, hợp tác đắc lực với Thực dân Pháp trong cuộc xâm lược và bình định Bắc Kỳ của chúng, nhất là đã tham gia đàn áp khốc liệt cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy. Nhờ thế, HCK được ban cho ấp Thái Hà (nay thuộc phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội; năm 1962 được Bộ Văn Hóa nước Việt Nam DCCH xác nhận là di tích quốc gia với đánh giá :"Đây là chứng tích duy nhất của nước ta về một quần thể các công trình lăng tẩm dinh thự của một phó vương..."), và năm 1890 được phong tước Duyên Mậu Quận Công (đây là một biệt lệ vì theo qui định của Triều Nguyễn, quan lại chỉ được phong Quận Công khi đã mất)
      Nguyễn Khuyến (1835-1909) là nhà thơ lớn của dân tộc. Ông sinh ở quê mẹ(Nam Định) nhưng lớn lên và sống chủ yếu ở quê cha (làng Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam). Năm Giáp Tý (1864), NK thi hương, đậu Giải Nguyên. Năm sau ông thi hội, không đậu. NămTân Mùi (1871), NK thi hội lần thứ hai, đậu Hội Nguyên, rồi vào thi đình, đậu tiếp Đình Nguyên. Lúc ban cờ biểu cho ông, vua Tự Đức tự tay đề hai chữ "Tam Nguyên", cho nên người ta mới gọi ông là Tam Nguyên Yên Đổ. Sau khi đỗ đạt, NK có ra làm quan một thời gian ngắn nhưng quan lộ của ông luôn gặp trắc trở. Cuối năm 1883, Thực dân Pháp kéo quân lên đánh chiếm Sơn Tây. Tổng đốc Sơn Tây lúc ấy là Nguyễn Đình Nhuận chống đỡ không nổi đã phải rút sang Hưng Hóa hợp sức với Nguyễn Quang Bích lập căn cứ kháng chiến. Trong tình hình đó, Triều đình Huế cử NK làm quyền Tổng đốc Sơn Tây, nhưng ông lấy cớ đau mắt nặng không đi nhậm chức và xin cáo quan luôn.
       Vào những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XIX, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, phong trào kháng chiến chống quân xâm lược Pháp của nhân dân Bắc Kỳ bột khởi khắp nơi. Nhiều sĩ phu yêu nước tình nguyện tham gia cuộc kháng chiến đó, nhận trọng trách lãnh đạo khởi nghĩa. Một số khác, trong đó có NK, dù không trực tiếp chiến đấu thì cũng gián tiếp bằng cách này hay cách khác hô hào, ủng hộ, động viên phong trào kháng chiến hoặc chí ít là tỏ thái độ bất hợp tác với kẻ xâm lược và một triều đình đã lộ rõ sự bán nước. Trước tình hình đó, để đối phó, Thực dân Pháp một mặt tăng cường tấn công bằng quân sự, cố tiêu diệt các căn cứ, các đội quân khởi nghĩa, mặt khác, hợp tác chặt chẽ với bộ phận quan lại triều đình đã rắp tâm theo chúng, ra sức tìm cách mua chuộc,lôi kéo, gây chia rẽ hàng ngũ sĩ phu có tên tuổi.
       Trong hoàn cảnh như thế, khi HCK (có thể chỉ đơn thuần là do mến mộ tài năng, mà cũng có thể có cả ý đồ quản chế) mở lời mời NK làm "gia sư" tại ấp Thái Hà, ông đã miễn cưỡng nhận lời. Tương truyền có một lần, sau khi dạy học xong, NK dạo chơi trong ấp, thấy tượng đá ông phỗng bên hòn non bộ ở sân vườn bèn tức cảnh sinh tình mà làm bài thơ "Ông phỗng đá". Nội dung bài thơ như sau:
       Ông đứng làm chi đó hỡi ông?
        Trơ trơ như đá, vững như đồng
        Đêm ngày gìn giữ cho ai đó?
        Non nước đầy vơi có biết không?

              ***

       Trên bước đường hoạt động cách mạng của mình, có lần HCM bị quân Tàu Tưởng bắt cầm tù khoảng một năm. Trong thời gian đó, ông có sáng tác nhiều bài thơ chữ hán, hợp lại thành tập "Nhật ký trong tù". Sau đây là một số bài trong đó:


MỞ ĐẦU TẬP NHẬT KÝ

Ngâm thơ ta vốn không ham
Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây
Ngày dài ngâm ngợi cho khuây
Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do

                                        Nam Trân dịch


               BUỔI TRƯA

Trong tù khoan khoái giấc ban trưa
Một giấc miên man suốt mấy giờ
Mơ thấy cưỡi rồng lên thượng giới
Tỉnh ra trong ngục vẫn nằm trơ

                                     Nam Trân dịch


           LỜI HỎI

Hai cực trong xã hội
Quan tòa và phạm nhân
Quan rằng: anh có tội
Phạm thưa: tôi lương dân
Quan rằng: anh nói dối
Phạm thưa: thực trăm phần
Quan tòa tính vốn thiện
Làm ra vẻ dữ dằn
Muốn khép người vào tội
Lại giả bộ ân cần
Ở giữa hai cực đó
Công lý đứng làm thần

                            Huệ Chi dịch


                  CHIỀU HÔM

Cơm xong, bóng đã uống trầm trầm
Vang tiếng đàn ca, rộn tiếng ngâm
Nhà ngục Tĩnh Tây mờ mịt tối
Bỗng thành nhạc quán viện hàn lâm

                                       Nam Trân dịch


NGƯỜI BẠN TÙ THỔI SÁO

Bỗng nghe trong ngục sáo vi vu
Khúc nhạc tình quê chuyển điệu sầu
Muôn dặm quan hà, khôn xiết nỗi
Lên lầu ai đó ngóng trông nhau

                                        Nam Trân dịch


                 CÁI CÙM

                         I
Dữ tựa hung thần miệng chực nhai
Đêm đêm há hốc nuốt chân người
Mọi người bị nuốt chân bên phải
Co duỗi còn chân bên trái thôi

                        II
Nghĩ việc trên đời kỳ lạ thật
Cùm chân sau trước cũng tranh nhau
Được cùm chân mới yên bề ngủ
Không được cùm chân biết ngủ đâu?

                                        Nam Trân dịch


             HỌC ĐÁNH CỜ

                            I
Tù túng đem cờ học đánh chơi
Thiên binh vạn mã đuổi nhau hoài
Tấn công, thoái thủ nên thần tốc
Chân lẹ, tài cao ắt thắng người

                            II
Phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ
Kiên quyết, không ngừng thế tiến công
Lạc nước, hai xe đành bỏ phí
Gặp thời, một tốt cũng thành công

                            III
Vốn trước hai bên ngang thế lực
Mà sau thắng lợi một bên giành
Tấn công, phòng thủ không sơ hở
Đại tướng anh hùng mới xưng danh

                     Văn Trực-Văn Phụng dịch


                 NGẮM TRĂNG

Trong tù không rượu cũng không hoa
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ

                                       Nam Trân dịch


                 TRUNG THU

                          I
Trung thu vành vạnh mảnh gương thu
Sáng khắp nhân gian bạc một màu
Sum họp nhà ai ăn tết đó
Chẳng quên trong ngục kẻ âu sầu

                          II
Trung thu ta cũng tết trong tù
Trăng gió đêm thu gợn vẻ sầu
Chẳng được tự do mà thưởng nguyệt
Lòng theo vời vợi mảnh trăng thu

                                     Nam Trân dịch


               ĐI ĐƯỜNG

Đi đường mới biết gian lao
Núi cao rồi lại núi cao chập chùng
Núi cao lên đến tận cùng
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non

                                            Nam Trân dịch


                GIẢI ĐI SỚM

                          I
Gà gáy một canh đêm chửa tan
Chòm sao nâng nguyệt vượt lên ngàn
Người đi cất bước trên đường thẳm
Rát mặt, đêm thu, trận gió hàn

                           II
Phương đông màu trắng chuyển sang hồng
Bóng tối đêm tàn, sớm sạch không
Hơi ấm bao la trùm vũ trụ
Người đi, thi hứng bỗng thêm nồng

                                         Nam Trân dịch


                      ĐÊM LẠNH

Đêm thu không đệm cũng không chăn
Gối quắp, lưng còng, ngủ chẳng an
Khóm chuối, trăng soi càng thấy lạnh
Nhòm song, Bắc Đẩu đã nằm ngang

                                     Nam Trân dịch


RỤNG MẤT MỘT CHIẾC RĂNG

Cứng rắn như anh chẳng kém ai
Chẳng như lão lưỡi dẻo và dai
Ngọt bùi cay đắng từng chia sẻ
Nay kẻ chân mây, kẻ cuối trời

                        Trần Đắc Thọ dịch


          TRÊN ĐƯỜNG

Mặc dù bị trói chân tay
Chim ca rộn núi, hương bay ngát rừng
Vui say, ai cấm ta đừng
Đường xa, âu cũng bớt chừng quạnh hiu

                                         Nam Trân dịch


                   PHA TRÒ

Ăn cơm nhà nước, ở nhà công
Lính tráng thay phiên đến hộ tòng
Non nước dạo chơi tùy sở thích
Làm trai như thế cũng hào hùng!

           Văn Trực-Văn Phụng dịch


CẢNH BINH KHIÊNG LỢN CÙNG ĐI

I
Khiêng lợn, lính cùng đi một lối
Ta thì người dắt, lợn người khiêng
Con người coi rẻ hơn con lợn
Chỉ tại người không có chủ quyền

II
Trên đời ngàn vạn điều cay đắng
Cay đắng chi bằng mất tự do!
Mỗi việc mỗi lời không tự chủ
Để cho người dắt tựa trâu bò

                             Nam Trân dịch


         CỘT CÂY SỐ

Chẳng cao cũng chẳng xa
Không đế cũng không vương
Một phiến đá nho nhỏ
Đứng sừng sững bên đường
Người nhờ anh chỉ lối
Đi đúng hướng đúng phương
Anh chỉ cho người biết
Nào dặm ngắn, dặm trường
Mọi người nhớ anh mãi
Công anh chẳng phải thường

           Văn Trực-Văn Phụng dịch


MỚI RA TÙ TẬP LEO NÚI

Núi ấp ôm mây, mây ấp núi
Lòng sông gương sáng, bụi không mờ
Bồi hồi dạo bước Tây Phong Lĩnh
Trông lại trời Nam, nhớ bạn xưa

                                Nam Trân dịch


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH