XUÂN QUỲNH - THƠ TÌNH BẤT TỬ 7

(ĐC sưu tầm trên NET)

                                                              Thơ Lưu Quang Vũ


Tự hát

Chả dại gì em ước nó bằng vàng
Trái tim em, anh đã từng biết đấy
Anh là người coi thường của cải
Nên nếu cần anh bán nó đi ngay

Em cũng không mong nó giống mặt trời
Vì sẽ tắt khi bóng chiều đổ xuống
Lại mình anh với đêm dài câm lặng
Mà lòng anh xa cách với lòng em

Em trở về đúng nghĩa trái tim
Biết làm sống những hồng cầu đã chết
Biết lấy lại những gì đã mất
Biết rút gần khoảng cách của yêu tin

Em trở về đúng nghĩa trái-tim-em
Biết khao khát những điều anh mơ ước
Biết xúc động qua nhiều nhận thức
Biết yêu anh và biết được anh yêu

Mùa thu nay sao bão giông nhiều
Những cửa sổ con tàu chẳng đóng
Dải đồng hoang và đại ngàn tối sẫm
Em lạc loài giữa sâu thẳm rừng anh

Em lo âu trước xa tắp đường mình
Trái tim đập những điều không thể nói
Trái tim đập cồn cào cơn đói
Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn

Em trở về đúng nghĩa trái-tim-em
Là máu thịt, đời thường ai chẳng có
Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi



https://www.youtube.com/watch?v=RvnmeRKNI6M

"Tự hát" - Khúc tự tình của trái tim yêu mãnh liệt

Cảm thức về tình yêu luôn là điểm nhấn sâu sắc trong thơ Xuân Quỳnh - một hồn thơ đa cảm mà dung dị, một trái tim yêu mãnh liệt “dữ dội và dịu êm”, “ồn ào và lặng lẽ”, khiêm nhường đấy nhưng cũng ào ạt, đam mê như sẵn sàng cháy đến tận cùng nỗi khát khao được yêu và dâng hiến. Thơ Xuân Quỳnh luôn có vị thế đáng trân trọng trong lòng độc giả qua các thế hệ, vì thơ không chỉ hay và đẹp qua ý, tình, con chữ,… mà hồn thơ thật giản dị mà triết lý thẳm sâu, lay thức vào những góc khuất lòng người, dư ba cảm xúc,…Dấu ấn về phong cách thơ Xuân Quỳnh còn được khẳng định mạnh mẽ hơn khi thơ không chỉ là thơ mà trong thơ như hòa nhuyễn, đồng điệu giữa chuyện thơ, chuyện đời, giữa cuộc đời nữ sĩ tài sắc và hồn thơ đã sắc điệu, quyến rũ lòng người.

Thơ luôn mang dấu ấn cá tính sáng tạo của người sáng tác. Thơ tình Xuân Quỳnh rất nhiều cảm xúc với những giọng điệu, cung bậc khác nhau nhưng hợp chung và thống nhất một điểm đó là chất men say nồng trong tâm trạng khao khát yêu và được yêu đến cuồng nhiệt, say mê,… Điều này bắt nguồn bởi chính tính cách luôn sống hết mình, thẳng thắn, rõ ràng từ trong cảm xúc, suy nghĩ của nhà thơ. Bài thơ Tự hát được đánh giá là một trong những thi phẩm hay, rất đàn bà và thật đậm chất Xuân Quỳnh. Ở đây, “Trái tim yêu” của nữ nhân vật trữ tình được đặt ra trong những chiều cách mang tính giả thiết phủ định.
Chẳng dại gì em ước nó bằng vàng
Trái tim em, anh đã từng biết đấy
Anh là người coi thường của cải
Nên nếu cần anh bán nó đi ngay.

Em cũng không mong nó giống mặt trời
Vì sẽ tắt khi bóng chiều đổ xuống
Lại mình anh với đêm dài câm lặng
Mà lòng anh xa cách với lòng em.
Bài thơ như được viết trong tâm trạng hạnh phúc của một người phụ nữ đang yêu và được yêu bởi những dấu hiệu về sự đắm say, yêu đương cuồng nhiệt. Tuy vậy, đọc hai khổ thơ đầu cũng cho thấy, có không ít những nghi ngờ, thấp thỏm, lo âu, hoài nghi, buồn nản về tình yêu không trọn vẹn, về tình người đổi thay, về sự bất lực của trái tim yêu,…của một người phụ nữ đa cảm. Nhưng có lẽ, không phải vô cớ, nhà thơ đặt cho thi phẩm nhan đề là “Tự hát”, phải chăng đề thể hiện một trạng thái tâm lý hưng phấn của con người, một tâm hồn thơ được “hát” lên với tấu khúc ca về một bản lĩnh cứng cỏi, tự tin, đầy thách thức, một trái tim yêu say đắm, một lời ngỏ về tình yêu trọn vẹn hiến dâng? Nữ nhân vật trữ tình như muốn khẳng định trái tim yêu của mình không phải là “vàng” quý giá, cũng chẳng là “mặt trời” cao cả, dù hai thứ đó luôn được người đời ao ước, đem ra để định danh tình yêu. Cô khẳng định: “Trái tim em, anh đã từng biết đấy”. “Từng biết” là đã biết, đã hiểu, thậm chí hiểu rất rõ (có thể là trong quá khứ) những cũng là dự báo về nỗi lo âu, một sự đổi thay trong tình yêu của anh dành cho em. Cô lo sợ sự đơn giản về biểu tượng trái tim yêu chỉ là “vàng” hay “mặt trời” hữu hình, quý giá mà vô cảm thì tất yếu sẽ dẫn đến sự cách chia, xa lìa của “lòng anh” với “lòng em”. Nỗi cô đơn trong những “đêm dài câm lặng” có lẽ là ám ảnh khủng khiếp với trái tim yêu cuồng nhiệt, chân thành của những người phụ nữ như cô. Và hơn cả, là sự vô cảm, dửng dưng, thờ ơ nguội lạnh của hai tâm hồn, sống gần nhau mà xa cách vạn trùng. Thơ Xuân Quỳnh thường hay có những khoảnh khắc tâm hồn day dứt, đau đớn như vậy, nên hơn một lần từng khắc khoải nhắc: "Ðốt lòng em câu hỏi, Yêu em nhiều không anh"(Mùa hoa doi).
Em trở về đúng nghĩa trái tim
Biết làm sống những hồng cầu đã chết,
Biết lấy lại những gì đã mất,
Biết rút gần khoảng cách của yêu, tin.

Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Biết khao khát những điều anh mơ ước
Biết xúc động qua nhiều nhận thức
Biết yêu anh và biết được anh yêu.
Nếu hai khổ thơ trên là những giả định phủ định để khẳng định trái tim yêu của nhân vật trữ tình không cách biệt xa vời với “anh” và với cuộc đời thực, thì đến hai khổ thơ tiếp nối là một sự khẳng định không di dịch với điệp câu chắc chắn: “Em trở về đúng nghĩa trái tim”. Một trái tim yêu mãnh liệt, đắm say những cũng rất “tỉnh táo”, đủ thông minh để “biết” làm, biết đạt được những điều khó thể và không thể trong tình yêu, trong cuộc đời. Một loạt hình ảnh thơ đối lập, mạnh mẽ được đặt cạnh nhau trong giọng điệu gấp gáp như khẳng định bản lĩnh và trí tuệ trái tim yêu hay chính bản thân cô gái đã trải nghiệm và thành công. Đó là: biết lấy lại sự sống từ cái chết, biết lấy lại những gì đã mất, biết xóa đi khoảng cách của tình yêu, của niềm tin, biết cùng nhau mơ ước, biết xúc động,... và trên hết, thành công hơn hết là: “biết yêu anh và biết được anh yêu”. Đúng, ngàn lần khẳng định, trong tình yêu, khao khát lớn nhất, hoàn hảo nhất đối với mỗi người tình là: yêu và được yêu. Tình yêu luôn vĩnh cửu là thế, đơn giản và sâu sắc cũng vì thế. Sự cho và nhận phải cùng đến từ hai phía, tự tâm, tự nguyện để cùng chia sẻ, tận hưởng. Xuân Quỳnh không phải là triết gia về tình yêu, song cảm thức về tình yêu của chị thật chí tình, chí lý, rất nhân văn và cũng tràn đầy bản năng sống nhiệt tình và hòa hợp. Trong tình yêu để cho đổi tác “biết” và cảm nhận được dư vị tình yêu không phải là dễ, càng không phải lúc nào cũng được diễn tả bằng lời một cách tỏ tường. Cả đời sống bên nhau chưa hẳn đã biết hoặc đã cho nhau biết yêu và được yêu, nên bi kịch tình yêu luôn hiện hữu với bất cứ cuộc tình nào. Và trong thơ Xuân Quỳnh thì luôn dự báo những trớ trêu, trắc trở đó:
Mùa thu nay sao bão mưa nhiều
Những cửa sổ con tàu chẳng đóng
Dải đồng hoang và đại ngàn tối sẫm
Em lạc loài giữa sâu thẳm rừng anh.
Trái tim yêu thường không thể vô cảm với cuộc đời, nó cảm nhận nhanh nhạy và vi tế với những biến đổi, thất thường với mọi thứ xung quanh, và thường có những lo âu một cách vô cớ, bất ngờ. Trong thơ Xuân Quỳnh, người ta thường nghĩ, chuyện thơ vận vào chuyện mình hoặc ngược lại, nên thơ chị được nhiều bạn đọc thích thú bởi tính đồng hiện tâm trạng trong thơ, của nhà thơ, của nhân vật nữ, hay của số đông tâm trạng phụ nữ đang yêu, khao khát yêu,...Và nói chung, thơ chị là “tiếng lòng” nói thay những tâm sự rất “đàn bà” của cả thế giới phụ nữ. Hình ảnh thơ mang tính dự báo, lo sợ về sự đổi thay về tình yêu, số phận tình yêu qua những tính từ biểu cảm như: lo âu, cô đơn,...Ngay khi đang tâm trạng yêu đang trong kỳ thăng hoa nhất, tình yêu đang tràn đầy hạnh phúc viên mãn thì vẫn không không nguôi ngoai những trăn trở, âu lo, bất ổn: “Hôm nay yêu, mai có thể xa rồi, …” (Nói với anh).
Thơ Xuân Quỳnh đẹp như chính chị và tâm hồn chị, càng đọc càng hay, hay trong sự suy ngẫm về cuộc sống, cuộc đời và cuộc tình nên thường dẫn người ta đến những triết lý sống, triết lý yêu.  Rất dễ nhận ra, là luôn tồn tại một nghịch lý trong thơ của chị, nó như muột chuỗi hệ lụy gắn kết bền chặt với nhau, càng hạnh phúc thì lại càng lo âu, khắc khoải, và càng âu lo lại càng mê đắm, thiết tha, rồi gần nhau đó, hạnh phúc lứa đôi thắm thiết đấy nhưng lại luôn tiềm ẩn hiện hữu mối nghi ngờ, chất chứa sự tan vỡ, chia lìa, xót xa... Cái ám ảnh về hạnh phúc trọn vẹn, viên mãn trong tình yêu đi liền với ảo giác bất ổn, không hòa hợp để dẫn đến những bi kịch tình yêu chua xót. Điều nay được lí giải từ chính cuộc đời chị với những trải nghiệm về khoảnh khắc tình yêu hạnh phúc, thật mỏng manh, ngắn ngủi và đầy âu lo. Với chị, tình yêu thật quý giá những cũng đầy bất ổn, tâm trạng yêu như người đi trên dây, mạo hiểm và đầy rủi ro, nên cuộc tình nào cũng chất chứa hiểm họa về li tan, bất hòa hợp.
Em lo âu trước xa tắp đường mình
Trái tim đập cồn cào không thể nói
Trái tim đập cồn cào cơn đói
Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn.
Thơ là tiếng lòng tâm sự, sẻ chia thì thơ Xuân Quỳnh đã tự nguyện mang tiếng lòng của chính nữ sĩ ra đề mà giãi bày, chia sẻ đặng mong nhận được lời đồng vọng của kẻ tri âm. Hình ảnh “Trái tim yêu” được nhấn lại trong tâm trạng “em” đang “lo âu” về đường đời, nhân thế, nhân tình. Ở đây có sự giằng xé trong tâm trạng “em”, giữa điều “không thể nói” và tình yêu cháy bỏng trong “trái tim đập cồn cào”, giữa “ngọn lửa” tình hừng hực và cảm thức về tâm trạng lẻ loi, cô đơn. Quả thật khó có thể cắt nghĩa rạch ròi những uẩn khúc trong tâm trạng yêu của cô gái trong “Tự hát”, vì đó là khúc giãi bày tâm trạng yêu một phía của cô gái hay là nỗi thổn thức cô đơn về thân phận tình yêu, niềm khao khát khẳng định tình yêu bất diệt, không đổi thay trước cuộc đời đầy bất ổn. Thật thú vị đi tìm lời giải đáp như sự kiếm tìm nửa kia của đời, để “trái tim” kia cất lên tiếng nói đích thực, để ngọn lửa tình bùng cháy, dữ dội, mênh mang trong khao khát yêu và được yêu của mỗi nhân tình.
Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Là máu thịt, đời thường ai chẳng có
Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi.
Không còn lời khẳng định nào mạnh mẽ và thuyết phục hơn khi “em” chính là “em” yêu say đắm, tỉnh táo thức nhận giữa yêu và được yêu, thực và mơ, được mất, sống chết,... Nhân vật trữ tình khẳng định trong da diết, trái tim em giản dị, tồn tại như quy luật lẽ đời nhưng nó đặc biệt ở chỗ- một “Trái tim yêu” đắm say, dâng hiến và minh tuệ đến mức: “biết yêu anh cả khi chết đi rồi”. Ý thơ đoạn cuối thật mạnh mẽ, quyết liệt nhưng giọng thơ thật nhẹ nhàng, bình thản, như trùng xuống, nhấn khắc như nhịp đập trái tim yêu để thống thiết khẳng định tình yêu là trọn vẹn, là vĩnh cửu.
Thơ Xuân Quỳnh đi vào lòng người qua nhiều thế hệ bằng phong cách thơ độc đáo, nhẹ nhàng, đắm thắm, giàu nữ tính nhưng cũng đầy mạnh mẽ, quyết liệt, giọng điệu thơ phong phú, lời thơ giản gị mà ý vị sâu xa, rất dễ tạo được sự gần gũi, sẻ chia, cảm thông nơi độc giả. Bài thơ “Tự hát” là một bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh, rất cần được chia sẻ và bàn luận sâu sắc hơn để chiêm nghiệm, tôn vinh những giá trị, niềm tin yêu trong sự đổi thay của nhân tình, nhân thế.
CHU PHAN

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

NGẬM SẦU (ĐL)

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH