CÂU CHUYỆN TÂM LINH 44

(ĐC chép từ http://laodong.com.vn)                                        

Liệt sĩ báo mộng và chuyện có thật 100% vẫn ngỡ như mơ
 
(LĐ) - Số 40 Đỗ Trọng Khơi
    Mọi người đều ngỡ ngàng kinh ngạc khi thấy cô cháu dâu tính tình vốn nhút nhát bỗng đứng trang nghiêm, tay giơ lên trán, miệng hô “nghiêm” chào kiểu nhà binh trước phần mộ mới của người chú liệt sĩ vừa di dời từ Quảng Ngãi về quê. Hỏi, “An nghỉ ở đây, mộ xây thế này được chưa?”, thì cô cháu gật gật đầu cười tít.
    Đất nước trải bao phen chiến tranh, hàng triệu người đã hy sinh trên khắp các chiến trường và hiện có biết bao phần mộ còn ẩn khuất nơi rừng sâu núi thẳm, những liệt sĩ may mắn hơn được quy tập về an nghỉ nơi nghĩa trang hương khói đàng hoàng thì cũng còn nhiều lắm trong tình trạng “vô danh”. 
    Cũng bởi vậy đã có bao câu chuyện tìm mộ liệt sĩ ly kỳ, hư hư thực thực. Nhiều câu chuyện bảo đúng cũng được mà bảo là sai, “mộ cha không khóc đi khóc đống mối” cũng khó cãi lại. Lấy gì làm bằng cớ đây? Phải là nói có sách, mách có chứng. Giữa thời buổi khoa học công nghệ mà chỉ kể chuyện chiêm bao mộng mị thế nọ thế kia thì e dễ bị xem mắc chứng hoang tưởng, tâm thần.
    Ấy vậy mà câu chuyện “giấc mơ” của ông Hà Quang Hinh, hiện đang cư ngụ tại số nhà 345, đường Nguyễn Trãi, phường Phú Khánh, thành phố Thái Bình, số điện thoại: 0912828693, qua giám định ADN đã khẳng định là đúng 100%.
     
     
     
    1. Người anh liệt sĩ của ông Hinh tên là Hà Tất Thế, sinh năm 1951, quê quán: xã Song An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, nhập ngũ tháng 3.1969, đơn vị khi hy sinh: C2, D83 - Quảng Ngãi, QK5, ngày hy sinh 21.4.1971. Liệt sĩ Thế là con thứ tư trong gia đình có 8 anh em trai.
    Mặc dù còn bố mẹ và các anh em đều có vợ con nhà cửa đề huề, nhưng ông Hinh vẫn xin với bố mẹ cho được thờ cúng người anh liệt sĩ. Rất có thể từ tấm lòng ấy mới có sự gặp gỡ về tâm linh này. Còn nhớ trong một giấc ngủ say khá dài, chừng nửa đêm về sáng thì ông Hinh gặp cơn mơ lạ lùng. Kể từ ngày anh trai hy sinh tới đêm ấy đã 36 năm, với 28 năm ông nhận việc thờ cúng mà chưa một lần ông mộng mị gì về người anh cả. Trong giấc mơ anh em gặp nhau cứ như đang sống. Cảnh gặp là ở một ngã ba đường. 
    Ông Hinh mừng rỡ hỏi ông Thế một hồi. Rằng sao còn sống mà anh không về quê? Sao quần áo đóng thùng, giày mũ gọn gàng thế mà xanh tuya rông đâu không thắt? Và rằng, ở nhà người ta báo tử anh rồi, bố mẹ đang hưởng chế độ lương đấy, giờ biết anh còn sống là họ cắt chế độ, nhưng kệ, em cứ báo về cho bố mẹ mừng… 
    Chừng ấy câu hỏi nhưng ông Thế vẫn lặng thinh, không nói năng gì. Chỉ tới câu hỏi cuối cùng này, “anh đã vợ con gì chưa, nhà ở đâu” thì ông anh mới quay đầu nhìn sang phía bên phải. Ông Hinh nhìn theo thấy một quả đồi thấp, phía chân đồi là khu ruộng trũng có hai người đang bừa với hai con trâu… 
    Thế rồi ông choàng tỉnh giấc mơ. Vốn là người không tin chuyện ma tà quỷ quái bao giờ, cứ nghĩ chết là hết, việc thờ cúng chỉ là tập tục, có tính nhắc nhớ về tình thân thương máu mủ thôi. Ấy vậy mà giấc mơ đã khiến ông ăn không ngon, ngủ không yên được nữa. Có gì lay thức lòng dạ khôn nguôi. Chính cái chi tiết “thiếu chiếc xanh tuya rông” trên mình người anh, trong cơn mơ đã làm ông trăn trở, ngờ ngợ. 
    Cái chi tiết đã làm ký ức trong ông thức dậy. Chả là, lúc còn đóng quân luyện tập ở Quảng Ninh ông Thế có về phép. Lần đó, trước khi trở lại đơn vị ông Thế tặng em trai chiếc xanh tuya rông. Chiếc xanh tuya rông kỷ niệm đó nay đã mất và nếu không có giấc mơ thì chính ông Hinh cũng quên nó lâu rồi. 
    Hơn thế, giấc mơ còn cho ông Hinh nhớ lại mấy câu thơ người anh viết trong lá thư cuối cùng gửi về nhà: “Giờ giờ phút phút giây giây/ Ngóng trông ngóng đợi, đợi chờ thư cha/ Đêm này con ở nơi xa/ Nhận được lá thiếp ở nhà gửi lên/ Đọc thư con thấy vui thêm/ Cha mẹ vẫn khoẻ con thêm tin mừng/…Tạm biệt gia đình đi chiến đấu/ Bao giờ thống nhất sẽ về thăm”. Và cuối thư ghi thêm “Bố mẹ đừng gửi thư cho con nữa, vì không có hòm thư đâu. Con bắt đầu rời đất Bắc rồi”.
    Quả phải có gì liên hệ, linh ứng mới nên việc lạ lùng như thế được chứ? Ông Hinh âm thầm với những nghi hồ, trăn trở một mình mất mấy hôm. Đến ngày ông kể giấc mơ với bà vợ và bảo “tôi phải đi tìm mộ bác Thế, bà ạ”, vợ ông tỏ ra đồng tình. Ông bèn tìm đến bạn chiến đấu cùng đơn vị xưa của người anh để hỏi thêm tin tức và được họ cho biết ông Thế hy sinh ở địa bàn huyện Mộ Đức hay Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Vậy là, vin vào hình ảnh giấc mơ, vào chút ít thông tin đó, ông Hinh rủ một người cháu trai - con ông anh thứ 3 - cùng vào cuộc hành trình tìm mộ người anh.
    2. Ông Hinh cùng người cháu bắt xe khách đi thẳng vào Quảng Ngãi, sau tới huyện Mộ Đức, về xã Đức Tân, rồi lại qua xã Đức Minh. Từ địa bàn này chú cháu ông tìm tới mấy nghĩa trang liệt sĩ nhưng chưa thấy quang cảnh nơi nào giống cảnh trong giấc mơ. 
    Ba ngày trọ ở Đức Tân tìm kiếm không kết quả, sang ngày thứ bốn ông bèn đi xuyên qua một cánh đồng rộng thì bất ngờ gặp một ngã ba, nhìn ngắm kỹ ông mới giật mình thấy nơi này y như hình ảnh giấc mơ hiện ra vậy. Kia, bên tay phải là một quả đồi thấp và nghĩa trang đặt ở đó, và kia nữa khu ruộng trũng đang có hai con trâu, so với giấc mơ chỉ thiếu hình ảnh hai người đi bừa… 
    Ông Hinh kinh ngạc đến rụng rời cả chân tay. Thế là chú cháu ông đi ngay vào nghĩa trang thắp hương cho các phần mộ liệt sĩ. Ông bần thần kiếm phần mộ người anh, đếm nghĩa trang có 580 ngôi mộ thì có tới 2/3 là mộ chưa có danh tính liệt sĩ. Những phần mộ có bia ghi tên liệt sĩ, trớ trêu không thấy tên tuổi Hà Tất Thế đâu. Tuy vậy, gặp quang cảnh ấy trong ông đã nhiều phần thầm tin người anh mình đang an nghỉ ở đó rồi.
    Khi đến Đức Minh - Mộ Đức hay ở bên Hành Thịnh - Nghĩa Hành ông Hinh tìm vào trọ nhà ông Trần Nở và ông Nguyễn Tấn Tự, cả hai ông Nở và Tự đều là quân của D83 cũ nên được hai ông rất nhiệt tình đưa đón, tạo điều kiện nơi ăn nghỉ, phương tiện xe máy đi lại. May mắn thêm, ông Tự còn cho ông Hinh số điện thoại của đại tá Tiến, hiện đang công tác ở Bộ Quốc phòng. 
    Ông Hinh đã gọi điện nhờ anh Tiến truy tìm qua giấy tờ còn lưu ở bộ xem cụ thể địa điểm hy sinh của liệt sĩ, thì thông tin trở lại từ anh Tiến báo “liệt sĩ Hà Tất Thế hy sinh tại thôn An Ba, xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi”. Ôi, thật trùng khớp, đúng là địa điểm nghĩa trang mà chú cháu ông đang đứng. Không còn nghi ngờ gì nữa. Vấn đề còn lại chỉ là mộ phần cụ thể của người anh ruột đang nằm đâu trong hàng trăm ngôi mộ vô danh tính kia?
    3. Những ngày sau đó ông Hinh tha thẩn qua lại hỏi han các nhà dân quanh các thôn gần đó xem có ai biết được gì cụ thể hơn về việc quy tập phần mộ các liệt sĩ vào nghĩa trang không, nhưng cũng không thu được kết quả gì thêm. Tới buổi chiều ngày thứ 7 ở Hành Thịnh, ông ra nghĩa trang, thắp hương tại lư hương trước lễ đài và lầm rầm khấn, lời lẽ thành thực như tâm sự và khẩn nài hương hồn người anh, rằng “đồng tiền mang theo đã cạn, quả thực anh đang nằm an nghỉ tại đây thì xin đêm nay về nhà ông Nguyễn Tấn Tự, nơi em ở trọ, báo mộng cho em biết mộ anh là ngôi nào, không có thì ngày mai em phải về Bắc…”. 
    Thật màu nhiệm, đêm đó ông Hinh nằm mơ thấy một con chim xanh, to như một chiếc chăn bông bay từ phía đông nghĩa trang về phía tây. Tỉnh dậy ông thấy run sợ về hình ảnh con chim lạ lùng đó. Sáng ấy ông nói khó với ông Tự: “Anh ra nghĩa trang cùng em nhé, em sợ lắm. 
    Ông Tự cười bảo, sợ gì giữa ban ngày ban mặt thế này”. Nói vậy nhưng ông Tự vẫn cùng chú cháu ông Hinh đi xe máy tới nghĩa trang. Buổi sáng sớm, khi cánh cổng chính và cánh phụ bên phải còn đóng, chỉ riêng cánh cổng phụ bên trái mở, hai chiếc xe máy lách cổng phóng vào tới chân bậc tam cấp trước lễ đài thì dừng lại. Ông Hinh được người cháu ngồi trước xe máy hích nhẹ tay, ra hiệu có một con chim sáo đen đang đậu ở lư hương. Khi ba người dựa xe xong thì con chim sáo đen bay rất nhẹ tới đậu xuống ngôi mộ thứ 3, hàng 2, khu B và mổ nhẹ xuống mặt mộ hai cái rồi cất cánh bay về hướng tây mất hút. Ông Hinh bèn đi lại ngôi mộ đó thắp hương, vẫn lời lẽ thật thà, nôm na ông khấn: “Chim đã báo vậy, phải đây là mộ của anh thì xin chứng nghiệm cho em bằng cách thử trứng. 
    Em cắm chiếc đũa xuống mộ và đặt quả trứng lên đầu ngọn đũa, nếu đúng là anh thì hãy khiến quả trứng đỗ yên, bằng không thì cho trứng rơi xuống…”. Thế rồi ông lấy đôi đũa cùng 4 quả trứng mang theo ra. Quả đầu tiên ông thử, vừa đặt trứng lên đầu chiếc đũa thì quả trứng bỗng quay luôn một vòng mới đậu yên khiến cho ông giật mình, lùi lại, gần như suýt ngã ngửa. Thế rồi ông lần lượt thử đủ bốn lần trên hai chiếc đũa và cả bốn lần quả trứng vẫn đậu. Có lần ông còn để quả trứng ở nguyên trên đầu đũa nửa tiếng đồng hồ, ba người đi thắp hương cho đủ 580 ngôi mộ, khi về quả trứng vẫn đỗ yên trên đầu đũa.
    Tới giờ phút ấy, riêng lòng ông Hinh đã tin chắc đó chính là phần mộ của anh trai mình. Ông trở ra Bắc mang theo tin mừng cho gia đình. Sự việc tưởng thế đã xong. Hai cụ thân sinh ra anh em ông, năm 2007 tuổi đã rất cao và các cụ đều mong được sớm đón hài cốt người con trai về quê. Nhưng việc không thể sớm thực hiện vì đa phần anh em nhà ông lại chưa thực tin. Ý kiến nhiều người nói chỉ tin khi có cơ sở khoa học, nghĩa là phải thử ADN. 
    Xét ra ý kiến đó có lý. Nó sẽ giúp anh em ông tránh mọi hồ nghi, phiền phức sau này. Chỉ hiềm nỗi năm sau đó ông Hinh bỗng đổ bệnh, phải qua hai phen phẫu thuật và điều trị kéo dài. Tới năm 2010 cụ ông qua đời, cụ bà năm 2012 cũng ra đi. Trước khi mất các cụ vẫn đau đáu một niềm nhắn nhủ là phải đưa được hài cốt người con liệt sĩ về quê hương. Người bố còn nói dỗi “Chỉ tôi là đau đớn thôi. Tôi đang ăn đồng tiền xương máu của thằng liệt sĩ đấy!” Ông Hinh đã thay mặt anh em hứa với bố mẹ.
    4. Lần thứ 2 ông Hinh cùng người cháu vào Quảng Ngãi cách lần đầu 4 năm. Đó là năm 2011. Và lần thứ 2 này, nguyên do xui nên cũng vẫn lại từ …giấc mơ. Ông mơ thấy mặt ngôi mộ bị sạt nghiêng đến độ không để được bát nước, khi vào thăm quả nhiên là vậy. Lần đó ông đã mời cô Cao Thị Hạnh - Phó chủ tịch xã Hành Thịnh - ra nghĩa trang xem xét và cùng chú cháu ông tu sửa phần mộ.
     Cũng trong lần thăm này ông làm đơn trình lên UBND xã Hành Thịnh cùng các cấp huyện, tỉnh, bộ, xin phép được mở ngôi mộ nghi là của liệt sĩ Hà Tất Thế để lấy mẫu xương liệt sĩ đi thử ADN. Đơn từ qua lại, tới ngày 02.8.2013 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ký giấy đồng ý cho phép lấy mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ. Ngày 12.9.2013, ông Hinh vào khai mộ, lấy một miếng xương ống chân dài khoảng 2x2cm mang về Cục người có công, rồi từ cục này chuyển sang cho Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam làm xét nghiệm AND. 
    Sau 3 tháng 1 ngày thấp thỏm đợi chờ, tới ngày 13.12.2013 gia đình ông nhận được giấy báo kết quả giám định ADN, số NCC622/CNSH, ngày 3.12.2013, xác định “mẫu hài cốt của phần mộ số 3, hàng 2, xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi và mẫu sinh phẩm của ông Hà Quang Hinh… là có liên quan huyết thống dòng mẹ…”. Giấy báo có chữ ký/con dấu của Viện trưởng Trương Nam Hải và Trưởng phòng phân tích Lê Quang Huấn.
    Khỏi phải nói khi tiếp nhận giấy báo kết quả xét nghiệm ADN của Viện Hàn lâm khoa học, gia đình ông mừng đến mức nào. Riêng ông mang tờ giấy báo kết quả xét nghiệm ADN đó đặt lên ban thờ, thắp nén hương báo cho hương hồn bố mẹ biết mà không cầm được hai dòng nước mắt. Chưa bao giờ trong đời ông lại xúc động đến vậy. Một nỗi buồn đau xen cùng với niềm vui sướng. Ông đã thực hiện được lời hứa với bố mẹ mình. Sự thật 100% đấy mà đến nay nhiều lúc ông Hinh vẫn nghĩ như mơ.
    Ngày 25.12.2013 đại gia đình cùng với các ban ngành xã Song An làm lễ tang đón rước hài cốt liệt sĩ Hà Tất Thế, sau 42 năm hy sinh trở về an nghỉ trên mảnh đất quê nhà, nơi nghĩa trang liệt sĩ xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
    Cuộc hành trình đi tìm phần mộ người anh của ông Hà Quang Hinh, được khởi đầu qua một giấc mơ kỳ lạ đến kết quả xét nghiệm ADN chính xác, khoa học, quả là một câu chuyện giàu ý nghĩa thực tiễn, giúp cho chúng ta thêm một cơ sở quý giá để trải nghiệm, hiểu biết về những điều kỳ diệu và còn nhiều bí ẩn của cõi thế gian này.

    Nhận xét

    Bài đăng phổ biến từ blog này

    NGẬM SẦU (ĐL)

    MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

    MỌC CÁNH