SỰ TIẾN HÓA SINH VẬT 11 (Sự phát sinh loài người)
(ĐC sưu tầm trên NET)
Hé lộ thêm nguồn gốc loài người
Chủ Nhật, 09/06/2013 21:42
Các nhà khoa học vừa công bố một bộ xương hóa thạch gần như hoàn chỉnh của một loài linh trưởng cổ đại mới được tìm thấy tại Trung Quốc. Hóa thạch linh trưởng này có độ tuổi cao nhất từ trước đến nay, khoảng 55 triệu năm, vẫn còn rất tốt trong môi trường tự nhiên.
Bộ xương hóa thạch do một nông dân phát hiện khoảng
10 năm trước, nằm bên trong một hòn đá gần sông Dương Tử. Các nhà khoa
học đã phải mất hơn 10 năm nghiên cứu để đưa ra kết luận về nguồn gốc và
ý nghĩa của hóa thạch kỳ bí này.
Trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature, nhóm các nhà cổ sinh
vật học đa quốc gia, đứng đầu là GS Xijun Ni, thuộc Học viện Khoa học
Trung Quốc tại Bắc Kinh, cho biết bộ xương hóa thạch nói trên là một
trong những tổ tiên cổ đại nhất của loài khỉ lùn Đông Nam Á Tarsier, một
loài khỉ rừng nhỏ, sống về đêm.
Loài khỉ lùn chưa bao giờ được biết đến này thậm chí còn nhỏ hơn cả
loài khỉ hiện đại nhỏ nhất thế giới là loài vượn cáo ở Madagascar. Loài
khỉ cổ đại này có kích thước chỉ vừa đủ nằm lọt trong bàn tay một người
lớn, với cân nặng chỉ khoảng 28 gram, có điểm đặc trưng là đuôi dài hơn
thân. Nhóm nghiên cứu đặt tên cho loài khỉ lùn là Archicebus Achilles.
Hình minh họa cho loài khỉ lùn cực nhỏ tồn tại hơn 55 triệu năm trước
(Nguồn: Xijun Ni/Học viện Khoa học Trung Quốc)
Khám phá về loài linh trưởng cổ đại này đã tạo thêm chứng cứ cho
giả thuyết rằng loài linh trưởng bắt nguồn từ châu Á chứ không phải châu
Phi và thời điểm chúng xuất hiện khá gần với sự tuyệt chủng của loài
khủng long (khoảng 66 triệu năm trước).
Nhiều đặc điểm giải phẫu học của loài linh trưởng đã một lần nữa
xác định mối quan hệ gần gũi giữa loài khỉ lùn Tarsier với loài vượn. Dữ
liệu khoa học đó sẽ giúp cho các nhà khoa học xác định rõ một lý thuyết
vô cùng quan trọng về quá trình linh trưởng tiến hóa thành loài người.
GS Ni cho biết phát kiến này sẽ đặt ra một điểm chuẩn mới về thời gian
mà các loài linh trưởng bắt đầu sinh sống trên trái đất và cho rằng: “Đó
là một bước tiến lớn trong nỗ lực xác định quá trình tiến hóa nguyên
thủy của các loài vượn và người”.
Nhà cổ sinh vật học K. Christopher Beard, thuộc Viện Bảo tàng Lịch
sử Tự nhiên Carnegie tại Pittsburgh (Mỹ) và đồng tác giả nghiên cứu nói
trên, cho biết: “Chúng ta đã từng nghe đến giả thuyết “Di cư ra ngoài
châu Phi” trong tiến hóa của loài người nhưng nay ta lại có thêm vấn đề
về giải thuyết “Di cư vào trong châu Phi”.
Cụ thể là làm thế nào mà các loài linh trưởng có thể di cư vào châu
Phi khi mà 16 triệu năm trước nó vẫn còn là một hòn đảo biệt lập để
khởi đầu cho sự tiến hóa của loài người (homo sapien) tại đó vào thời
điểm khỏang 200.000 năm trước? Cũng đã có nhiều chứng cứ cho thấy 38
triệu năm trước đã có một số loài linh trưởng có khả năng vượt biển để
di cư sang châu Phi.
Hóa thạch được tìm thấy tại Trung Quốc kể trên không hẳn là đã trả
lời hết những câu hỏi về quá trình tiến hóa của linh trưởng cổ đại, có
liên quan đến sự tiến hóa của loài người nhưng nó sẽ giúp cho các nhà
nghiên cứu có điều kiện nghiên cứu sâu hơn về lý thuyết vốn gây nhiều
tranh cãi này.
Thiết Hầu
http://nld.com.vn
Tiết lộ mới về nguồn gốc loài người
Mai Anh - Theo Trí Thức TrẻChiếc sọ 1,8 triệu năm tuổi được phát hiện tại Georgia có thể sẽ khiến các nhà khoa học đánh giá lại toàn bộ quá trình tiến hóa của loài người.
Mới đây, các nhà khoa học Thụy Sĩ đã đưa ra lời giải mới về nguồn gốc tổ tiên của loài người
- đó chính là người Dmanisi ở châu Phi. Kết luận này được đưa ra sau
khi các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu về độ hoàn chỉnh cả về xương
hàm và cấu trúc sọ của "hộp sọ số 5" có niên đại khoảng 1,8 triệu năm
được khai quật ở khu vực Dmanisi (Cộng Hòa Georgia) 8 năm trước.
Hộp
sọ này mang đặc điểm kết hợp của các hóa thạch loài người tại những
thời điểm cách xa nhau: phía mặt sọ lớn, não nhỏ, răng lớn giống như
loài người cổ đại, nhưng những nghiên cứu giải phẫu bên trong hộp sọ cho
thấy hệ thống thần kinh lại tương tự như loài người đứng thẳng (Homo
erectus).
Trước
đây, các nhà nghiên cứu cho rằng, có thể người tiền sử ở Dmanisi hoàn
toàn tách biệt khỏi nhóm người đứng thẳng (Homo erectus), thậm chí có
thể là một loài mới.
Chính những phát hiện
trên đã đập tan giả thuyết này, khẳng định người Dmanisi chính là một
mắt xích quan trọng trong phả hệ loài người. Từ đó, nhóm nghiên cứu cho
rằng, người Dmanisi rất có thể là những người đầu tiên trên Trái đất,
xuất hiện khoảng 2,4 triệu năm trước tại Đông Phi.
“Hộp sọ số 5” là một phát hiện quan trọng để nghiên cứu về giai đoạn đầu của người hiện đại.
Tuy
nhiên, công bố này nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các nhà khoa
học lớn trên thế giới. Nhà tiền sử học Bernard Wood từ Đại học George
Washington (Mỹ) và nhà nhân chủng học Fred Spoor từ Viện nghiên cứu về
sự tiến hóa của loài người (Đức) đều cho rằng, “hộp sọ số 5” là một phát
hiện quan trọng để nghiên cứu về giai đoạn đầu của người hiện đại,
nhưng chắc chắn không thể là một loài lớn riêng biệt như kết quả nghiên
cứu được.
Tiến sĩ Wood cho rằng, việc nhận định
người Dmanisi là một loài khác biệt hay thuộc nhánh người hiện đại là
rất khó khăn, tuy nhiên, kết quả của công bố này còn nhiều uẩn khúc. Đó
là do nhóm nghiên cứu chỉ tập trung duy nhất vào hộp sọ và phớt lờ các
đặc điểm khác trong cấu trúc bộ xương.
Nhà
khoa học Fred Spoor cũng khẳng định, người Dmanisi phải nằm sau giai
đoạn phân tách giữa loài người đứng thẳng (Homo erectus) và loài người
cổ đại trước kia, tức là chỉ khoảng 1,8 triệu năm, chứ không phải 2,4
triệu năm như công bố.
Cuộc tranh luận giữa các
nhóm nghiên cứu có vẻ vẫn chưa ngã ngũ, nhưng chúng ta có thể khẳng
định rằng, “hộp sọ số 5” chắc chắn đóng một vai trò vô cùng quan trọng
trong việc khám phá ra nguồn gốc loài người.
(Nguồn tham khảo: Daily Mail)
Nhận xét
Đăng nhận xét