Thứ Tư, 27 tháng 5, 2020

TT&HĐ I - 6/c


                                       
Vén Màn Bí Mật 72 Mưu Kế Của QUỶ CỐC TỬ Truyền Lại Ứng Nghiệm Hậu Thế

PHẦN I:     CÓ MỘT CÁI GÌ ĐÓ

“Tại sao có một cái gì đó chứ không phải là không có gì?”

CHƯƠNG VI: ĐÓNG - MỞ 

Tôi để ý rằng kể cả những người khẳng định là mọi thứ đã được định sẵn và chúng ta không thể làm gì để thay đổi điều đó, họ vẫn luôn quan sát trước khi sang đường.

Stephen Hawking  

Động mà không động, Không động mà động, Không tức thị Có, Có tức thị Không, Có có, Không không, Không không, Có có, Có rồi lại Không, Không rồi lại Có, Có cũng như không, Không tốt hơn có, Không có mà Có,Có vẫn hơn Không

Có Không, Không Có 

Lão Tử 


“Và thật vô nghĩa khi đánh giá tư duy của một dân tộc nào đó là có tính triết lý hay không nếu chỉ dựa vào các tiêu chuẩn được định sẵn, đặc biệt những tiêu chuẩn truyền thống riêng của một dân tộc. Triết lý của bất cứ dân tộc nào đều là tinh hoa của nền văn hóa và là sự diễn tả trọn vẹn các phong cách tư duy, cảm nghĩ và sinh hoạt của dân tộc đó. Do đó, triết lý của từng dân tộc là sản phẩm của môi trường tạo ra nó và những cách thức riêng về nhận thức, tri thức, thẩm mỹ, luân lý và tôn giáo. Như vậy đánh giá triết lý của người khác theo những chuẩn mực và tiêu chí của một nền văn hóa nào đó quả là một hành vi tự phụ mù quáng để có thể hiểu các dân tộc khác. Để hiểu biết một dân tộc và nền văn hóa của dân tộc đó chính là hiểu cách thức dân tộc đó nhìn thế giới, nhìn chính nó và nhìn các dân tộc khác. Chỉ khi các thành viên của từng nền văn hóa tiếp cận các nguồn triết lý của các nền văn hóa khác bằng một đầu óc phóng khoáng và nghiêm túc nghiên cứu chúng, lúc ấy người ta mới hiểu được các dân tộc khác hoặc mới khai sáng và phong phú hóa triết học và văn hóa của chính họ..."
(R. Puligandla)




(Tiếp theo)


Chiến Quốc là thời ly loạn. Mối quan hệ giữa các nước, trong quá trình tan rã của chế độ chiếm hữu nô lệ và hình thành củng cố chế độ phong kiến, là vô cùng chằng chịt những rối rắm phức tạp. Nước nào cũng cố gắng phát triển thực lực để tránh bị thôn tính đồng thời tranh giành quyền bá chủ các nước chư hầu. Vì thế mà xung đột vũ trang xảy ra liên tục. Bối cảnh ấy chính là cơ hội cho “trai thời loạn” thi thố tài năng, mưu cầu danh lợi. Tô Tần, Trương Nghi và các biện sĩ, du thuyết khác của phái Tung Hoành gia cũng không phải là những ngoại lệ. Điều đáng nói ở đây là tài năng xuất chúng của “trai thời loạn” Tô Tần và sau là Trương Nghi. Tài năng xuất chúng ấy thể hiện ở chỗ trước sự phô bày hỗn độn, họ đã quan sát, thấy được rõ ràng tình thế của thời cuộc, hiểu được, phán đoán được tâm trạng chung của vua chúa các nước, phân tích và nhận định một cách tinh tường khả năng tạo dựng một hiện thực thỏa mãn đòi hỏi bức thiết (dù là tạm thời) của một số người, phù hợp với thực tiễn lúc bấy giờ, trên cơ sở đó mà thi triển quyền mưu một cách xuất sắc, đạt kết quả mong muốn. (Chúng ta cho rằng, con người có thể tác động, và phải tác động làm nên tiến trình lịch sử, có thể ảnh hưởng nhưng không thể đổi chiều được đến xu thế tất yếu của nó. Chẳng hạn từ chế độ chiếm hữu nô lệ đến chế độ phong kiến là tất yếu, có thể làm ảnh hưởng đến sự nhanh, chậm chứ nhất quyết không thể thay đổi quá trình chuyển hóa ấy bằng quá trình chuyển sang chế độ tư bản. Thời Chiến Quốc, việc xuất hiện Hợp tung và Liên hoành không phải là tất yếu mà chỉ là khả năng, khả năng dễ xảy ra nhất. Nếu Liên hoành xảy ra trước thì việc xuất hiện Hợp tung nhờ vào lý trí con người là nhiều khả năng hơn cả, nhưng không phải là xu thế tất yếu. Nhà Tần thống nhất thiên hạ là một khả năng nhưng nếu phân tích tình hình thời cuộc ở một thời điểm nào đó (ở tình thế đã ngã ngũ chẳng hạn) thì đó lại là một xu thế tất yếu, số phận đã an bài. Một lần nữa chúng ta nhấn mạnh tính “bấp bênh”, tính tương đối của khái niệm).
Từ hình thái chế độ phong kiến phân quyền chuyển sang chế độ phong kiến tập quyền là một tất yếu. Không Tần thì một nước khác cũng đứng lên thống nhất thiên hạ. Còn quá trình Hợp tung - liên hoành vì có thể xảy ra hoặc không xảy ra, mang nặng tính ý chí, nên chỉ là một khả năng.
Để phần nào nói lên cái cực khó trong việc thực hiện quyền mưu ngoại giao, ở cái thời mà sự sống chết của bề tôi phụ thuộc vào “ý thích” của vua chúa, chúng ta nghe “người trong cuộc” Hàn Phi nói (sách “Hàn Phi Tử", quyển bốn chương “Thuyết nan” (cái khó của du thuyết), trích theo “Sử ký” của Tư Mã Thiên):
“Cái khó trong việc du thuyết không phải là ở chỗ biết những điều cần phải đưa ra nói. Nó cũng không phải ở chỗ mình không biết biện luận. Cũng không phải ở chỗ không trình bày được rõ ràng ý nghĩ của mình. Cũng không phải ở chỗ không dám nói ngang nói dọc cho hết cái ý của mình. Phàm cái khó trong việc du thuyết chính là ở chỗ làm thế nào biết được cái tim của con người mình muốn thuyết phục để dùng cái thuyết của mình mà đối phó.
Nếu con người mình muốn du thuyết chỉ nghĩ đến cái danh cho cao, mà mình lại đem cái lợi lớn ra thuyết với họ, thì họ sẽ cho mình là bọn hèn hạ và đối xử như với bọn ti tiện. Thế là thế nào họ cũng vất bỏ ta thật xa. Nếu con người mình muốn du thuyết chỉ nghĩ đến cái lợi cho lớn, mà mình lại đem cái danh cao ra thuyết với họ thì họ sẽ cho ta không chú ý gì đến thế sự, nói chuyện viễn vông, và thế nào họ cũng sẽ không dùng. Nếu con người mình muốn du thuyết trong bụng nghĩ đến cái lợi cho lớn nhưng bên ngoài làm ra vẻ muốn cái danh cho cao mà ta đem chuyện danh cao ra thuyết thì bên ngoài họ làm ra vẻ dung nạp cái thân ta, nhưng thực ra thì bỏ rơi ta. Nhưng nếu ta đem chuyện lợi lớn ra nói với họ, thì trong bụng họ dùng lời nói của ta, nhưng bên ngoài họ sẽ vất bỏ cái thân của ta.
Đó là những điều không biết không được.
Phàm việc làm mà thành là do chỗ bí mật; lời nói mà thất bại là do chỗ bị tiết lộ. Bản thân mình chưa chắc đã tiết lộ ra, nhưng chỉ cần nói đến cái mà người ta giấu thì đã nguy đến thân rồi. Nhà vua có điều sai mà người du thuyết lại dùng những lời sáng tỏ, dùng cái nghĩa lý hay để suy luận ra sai lầm của nhà vua thì nguy đến thân.
Nếu ta chưa được ân huệ nhà vua tưới đến mà lại đem hết những điều ta biết ra nói thì hoặc là cái thuyết của ta sẽ được dùng đem đến kết quả nhưng ta chẳng được ân đức; hoặc là cái thuyết của ta đem dùng xảy ra thất bại, thế là ta bị nghi ngờ. Như thế thì nguy đến thân.
Phàm nhà vua được cái kế của ta, nhưng muốn xem đó là công lao của mình, mà người du thuyết lại muốn cùng biết, thế thì nguy đến thân. Nếu nhà vua rõ ràng muốn làm một việc gì và cho đó là công lao của mình mà kẻ du thuyết lại cùng biết điều đó thì nguy đến thân. Nếu mình cưỡng ép nhà vua bắt làm những điều nhà vua không quyết làm, bắt bỏ những điều nhà vua quyết không bỏ, thì nguy đến thân.
Cho nên nói: Nếu ta đem những người tôn quý trong triều ra nói với nhà vua, thì nhà vua sẽ cho ta là ly gián; nếu ta đem những người thấp hèn ra nói với nhà vua, thì nhà vua sẽ cho ta muốn bám quyền. Ta bàn đến cái nhà vua thích, thì nhà vua sẽ cho ta là nịnh nọt; ta bàn đến cái nhà vua ghét, thì nhà vua sẽ cho ta thăm dò nhà vua.
Nếu ta tóm tắt, ít lời, thì nhà vua sẽ cho ta không có kiến thức gì và khinh ta. Nếu ta nói mênh mông, lời lẽ phù phiếm, thì nhà vua sẽ thấy nhiều quá và chán. Nếu ta cứ trình bày sự việc theo ý muốn nhà vua, thì nhà vua bảo ta “nhút nhát, không dám nói hết sự lý”. Nếu ta suy nghĩ sự việc và nói rộng, thì nhà vua sẽ bảo ta “thô lỗ và ngạo mạn”.
Tất cả những điều khó này trong việc du thuyết không thể không biết đến.
Phàm việc thuyết phục là cốt ở chỗ biết tô điểm cho cái mà nhà vua quí trọng, từ bỏ cái mà nhà vua ghét. Hễ nhà vua tự cho cái kế mình là sai, thì ta chớ nêu chỗ nó sai lầm mà bắt bẻ đến cùng. Nếu nhà vua tự cho mình dũng mãnh ở chỗ quyết đoán một việc gì, thì ta chớ đưa ý của ta ra chống chọi để làm cho nhà vua nổi giận. Nếu nhà vua cho sức lực của mình đủ để làm một việc gì, thì ta chớ đem chuyện khó khăn ra cản trở. Nếu nhà vua muốn mưu việc gì cùng với một người khác, hay khen một người mà nhà vua cùng bàn mưu với họ thì ta nên tô điểm cho họ và chớ nói gì có hại cho họ. Nếu nhà vua và người ấy thất bại, thì hãy cố gắng tô điểm làm như họ không sai lầm.
Kẻ đại trung không dùng lời lẽ làm phật ý vua, lời can gián cũng không cốt đả kích bài bác gì ai. Sau đó mới đem cái tài biện luận và cái khôn của mình ra. Như thế cho nên gần gũi với nhà vua, không bị nhà vua ngờ vực.
Biết được cái đạo thờ vua là khó. Phải chờ đến khi nào quen biết đã lâu, đã được ân huệ nhiều, bày mưu kế sâu mà không bị nghi, cãi lại ý nhà vua mà không bị tội, lúc bấy giờ mới bày tỏ điều lợi hại, để lập được công, nói thẳng điều phải điều trái để cho cái thân mình được sung sướng. Khi nào vua và tôi đối với nhau được như vậy, lúc đó là lúc việc du thuyết thành công.
Y Doãn làm người nấu bếp, Bách Lý Hề làm người nô lệ đều do con đường hèn hạ mà gặp nhà vua. Cho nên họ đều thành đạt từ chỗ được nhà vua tin dùng. Hai người này đều là những bậc thánh nhân mà còn không thể không lấy thân mình làm tôi tớ, để bước vào đường đời một cách nhục nhã như vậy. Như thế đủ biết đó không phải là điều làm cho những bầy tôi tài giỏi phải xấu hổ.
Nước Tống có người nhà giàu. Trời mưa, tường hư hỏng. Người con nói: “Nếu không xây tường thì sẽ bị ăn trộm”. Cha của người hàng xóm cũng khuyên như vậy.
Đêm ấy, quả nhiên trong nhà mất của. Nhà ấy khen người con là khôn mà nghi cha của người hàng xóm.
Ngày xưa Trịnh Vũ Công muốn đánh Hồ, bèn gả con gái cho người Hồ. Nhân đấy, nhà vua hỏi quần thần:
- Ta muốn dùng binh, nên đánh ai?
Quan Kỳ Tư nói:
- Nên đánh Hồ.
Nhà vua bèn giết quan Kỳ Tư, nói:
- Hồ là nước anh em của ta, tại sao nhà ngươi lại nói nên đánh?
Vua nước Hồ nghe tin ấy, cho nước Trịnh là chỗ thân thiết với mình nên không đề phòng. Nước Trịnh đánh úp và lấy Hồ.
Hai điều nói trên chứng tỏ là hai người đều biết đúng sự thực nhưng người rủi nhất thì bị giết, người ít rủi thì cũng bị nghi. Như thế đủ biết cái khó không phải ở chỗ biết, cái khó là ở chỗ dùng cái biết của mình. Ngày xưa, Di Tử Hà được vua nước Vệ yêu, theo pháp luật của nước Vệ, ai tự tiện đi xe của vua là bị tội chặt chân. Được ít lâu, mẹ Di Tử Hà mắc bệnh. Có người nghe tin, đang đêm đến báo với Di Tử Hà. Di Tử Hà trái lệnh, đi ra bằng xe ngựa của vua.
Nhà vua nghe tin cho là người hiền, nói:
- Thực là người có hiếu! Vì mẹ mà phạm tội bị chặt chân.
Di Tử Hà đi chơi với nhà vua trong vườn quả. Di Tử Hà ăn quả đào thấy ngon, không ăn hết, dâng nhà vua. Nhà vua nói:
- Anh ta thật yêu ta! Quên cái miệng của mình mà nhớ đến ta.
Đến khi Di Tử Hà nhan sắc kém, lòng vua bớt yêu đi, lại phạm tội. Nhà vua nói:
- Nó đã có lần tự tiện đi xe ngựa của ta, lại có lần bắt ta ăn quả đào thừa của nó.
Cho nên việc làm của Di Tử Hà không khác, nhưng lần trước được khen là hiền, lần sau lại phạm tội. Đó là vì lòng yêu ghét hết sức thay đổi. Cho nên được nhà vua yêu thì cái khôn của mình càng làm cho mình được thân, bị nhà vua ghét thì cái tội của mình càng làm cho mình bị ruồng bỏ. Những kẻ sĩ đi du thuyết không thể không xét đến chỗ nhà vua yêu ghét cái gì, rồi sau đó mới thuyết phục.
Rồng là một vật có thể đùa bỡn, thậm chí có thể cưỡi. Nhưng ở dưới cái cổ của nó có cái vảy ngược dài một thước. Ai động đến thì bị nó giết ngay. Các vị vua chúa cũng có cái vảy ngược, kẻ du thuyết không sờ phải cái vảy ngược của vua chúa thì mới là người giỏi”.

Hàn Phi (khoảng 280 – 233 TCN)
Hàn Phi (khoảng 280 – 233 TCN)

Thế đấy! Thuyết phục vua chúa để mưu cầu danh lợi cho mình không phải dễ đâu nhé! Lạng quạng còn mất mạng như chơi!



* * *

Tài năng của Tô Tần, Trương Nghi là như thế. Và cùng với Tôn Tẫn, Bàng Quyên, họ đã làm mưa làm gió một thời trong thiên hạ.
Đào tạo được bốn học trò thuộc hàng kiệt xuất lưu sử quả là “xưa nay hiếm” và cái "biết" của Quỉ Cốc Tử tiên sinh quả thật là cao siêu, thượng thừa vậy!
Một sự biết được gọi là cao siêu, thượng thừa có nghĩa là sự biết đó đã nắm bắt được “đạo” vận hành của trời đất, đã am tường nhân tình thế thái. Chỉ có trên cơ sở sự biết như thế, Quỉ Cốc Tử tiên sinh mới truyền thụ được những kiến thức tuyệt đỉnh, làm nên những bậc thầy về du thuyết như Tô Tần, về binh pháp như Tôn Tẫn. Xét ở góc độ nhận thức tự nhiên, theo chúng ta, phải coi Quỉ Cốc tiên sinh như một hiền triết, sánh ngang hàng với những Khổng Tử, Mạnh Tử, Lão Tử, Trang tử… Tiếc rằng thân thế và sự nghiệp của ông ít được nhắc tới trong chính sử bởi cái mơ hồ, huyền ảo của nó. Nhưng nguyên nhân sâu xa rất có thể bởi cách sống của một “ẩn sĩ”, thấy rõ thời cuộc mà chán ghét thời cuộc, không trực tiếp tham gia vào cái chính trường đầy bất trắc và vô nghĩa (là không chính nghĩa mà cũng không phi nghĩa, có thể cả hai mà có thể không phải cả hai!); thích sống trong dân dã, lẫn vào hoa lá cỏ cây, “hiện” đấy mà cũng “ẩn” đấy. (Nếu Khổng Minh không nhập thế, xuống núi phò Lưu Bị thì đời này làm gì có một Khổng Minh với tài thao lược đi vào huyền thoại?!) Nói bên lề: cái thế "tam phân thiên hạ" là một khả năng tiềm tàng (có xác suất cao). Khổng Minh hơn người ở chỗ đã sớm thấy được khả năng ấy; đã từng nói với Lưu Bị rằng: “Tướng quân muốn thành nghiệp bá thì phải nhường thiên thời cho Tào Tháo ở phía bắc, nhường địa lợi cho Tôn Quyền ở phía nam, còn tướng quân thì nắm vững lấy nhân hòa. Trước hãy chiếm Kinh Châu làm nơi căn bản, sau lấy đến Tây Xuyên để dựng cơ đồ, hình thành cái thế chân vạc, rồi sau mới tính đến Trung Nguyên được”, và đã dấn thân trực tiếp thực hành quyền mưu tuyệt đích của mình để biến khả năng ấy thành hiện thực. Than ôi, thế chân vạc thì thành mà đường vào Trung Nguyên thì vô vọng! “Lượng sinh ra thời loạn, toan chịu già ở nơi rừng rú. Nhưng đội ơn Chiêu liệt Hòang Đế ba lần cầu đến, lại thừa việc thác cô rất trọng, nên phải ra sức khuyển mã để đánh giặc nước. Không ngờ tướng tinh sắp đổ, số thọ hầu tàn.” (lời Khổng Minh). Đúng là "Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên" (Lập mưu là do người, thành hay bại là do trời), hay:"Người tính không bằng trời tính".

Nước chảy đá mòn, thời gian đã làm lu mờ nhiều điều, nhưng tư tưởng triết học siêu quần của Quỉ Cốc Tử vẫn tiềm ẩn trọn vẹn trong cuốn “Quỉ Cốc Tử”. Tương truyền lúc sinh thời, Quỉ Cốc Tử kết thân với Mặc Tử và Lão Tử. Xét về mặt thời gian theo chính sử thì không thể có hiện tượng ấy, nghĩa là tương truyền vừa nêu không thực. Vậy thì nó có thể hàm ý gì? Chúng ta đều biết Mặc Tử và Lão Tử được chính sử Trung Quốc xếp vào hàng những hiền triết đứng đầu những môn phái triết học. Thế thì Quỉ Cốc Tử, một người không những kết thân mà còn “đàm luận rất tương đắc” với hai hiền triết đứng đầu hai trường phái triết học ấy, dù không được chính sử vinh danh là hiền triết thì học thức của ông (chí ít!) cũng phải ngang bằng với các hiền triết. Không thể khác được!

Không thể khác được! Vâng, không thể khác được, Quỉ Cốc tiên sinh phải là hiền triết, phải là bậc thầy của bậc thầy về tư tưởng. Một hiền triết có bốn đệ tử ưu tú lưu danh sử sách mà bản thân lại xuất hiện hết sức mờ nhạt trong chính sử là một điều hết sức huyền bí, một uẩn khúc thuộc hàng lớn nhất của lịch sử Trung Hoa.
Trong chiều sâu của sự hoang tưởng, chúng ta “hình như” đã thấy rõ được sự uẩn khúc ấy. Chân lý là giản dị: Quỉ Cốc tiên sinh là một con người có thật, học thuật siêu phàm thật, hiện hữu một cách đường bệ trong lịch sử triết học của Trung hoa cổ đại với một cái tên khác. Vậy ông là ai? Chúng ta sẽ trình bày sau. Còn bây giờ, chúng ta quay lại với cuốn sách “Quỉ Cốc Tử”.
Tác giả của “Quỉ Cốc Tử” nếu không phải của Quỉ Cốc tiên sinh thì cũng phải là của một người nào đó thấm nhuần tư tưởng triết học của ông, một tư tưởng triết học uyên bác, thấu hiểu được nhiều điều về Tự Nhiên Tồn Tại; một thế giới quan vừa duy vật vừa biện chứng như cách nói của chúng ta ngày nay.
Tác giả của cuốn “Quỉ Cốc Tử” đã nhận biết được bản chất tương phản của thế giới hiện thực mà trong đó có các sự vật - hiện tượng vận động và biến đổi khôn lường. Tương phản vừa là nguyên nhân vừa là kết quả của tất cả sự vận động và biến đổi ấy, đồng thời tất cả những vận động và biến đổi ấy lại là nguyên nhân và kết quả của mọi sự tương phản. Chính vì vậy mà tổng thể vận động và biến đổi mang tính chu kỳ, tuần hoàn nối tiếp nhau kéo dài như bất tận. Không những thế, tác giả còn thấy được (điều này mới thực sự quan trọng, làm nên nội dung quyền mưu thượng thừa của cuốn sách “Quỷ Cốc Tử”) sự phân định khách quan giữa chủ thể và khách thể, giữa quan sát và đối tượng quan sát trong hiện thực (môi trường), mối tương quan sinh động giữa chúng mà quan sát (chủ thể) đóng vai trò trung tâm. Còn một điều cũng không kém phần quan trọng làm nên cái “tuyệt” của cuốn sách là tác giả của nó đã nhận thức được nguyên lý tối thượng của Tự Nhiên, cái Đạo trong trời đất: vận động và biến đổi phải hợp lẽ tự nhiên, không thể “ngược ngạo”, tùy tiện được. Con người trong một chừng mực nhất định, có thể làm mất đi hoặc tạo dựng sự vật - hiện tượng nào đấy, vận động và biến đổi nào đấy, nhưng phải “thuận thiên”, hợp “Đạo”, theo như tự nhiên vốn dĩ. Có thể biến đổi dòng chảy một con sông thành cong, thẳng, quanh co nhưng không thể bắt nó tự nhiên chảy ngược dòng, từ chỗ thấp lên chỗ cao được. Một ông vua, ngồi trên đầu thiên hạ, bao giờ cũng làm theo ý chí của cá nhân mình. Nhưng nếu khéo léo, một người nào đó vẫn có thể “bắt” vua thay đổi ý chí, làm theo ý mình, dù rằng về hình thức, vẫn là ý chí vua!
Cuốn sách “Quỉ Cốc Tử” ra đời trên nền tảng tư tưởng ấy.
Không như “Tôn Tử binh pháp” chuyên bàn về quân sự, không như “Hàn Phi tử” chuyên nói về chính trị, thuật cai trị, không chỉ nói riêng về quyền mưu ngoại giao, cũng không chỉ nói về thuật thu phục lòng người (đấu pháp tâm thuật), có lẽ nên cho rằng cuốn “Quỉ Cốc Tử” là một chỉ dẫn “cách nhận biết đúng đắn về hiện thực để từ đó mà có cách ứng phó phù hợp trước hiện thực ấy, tác động làm biến đổi hiện thực ấy một cách tự nhiên. Hay có thể nói cuốn sách “Quỉ Cốc Tử” dạy cách để sống còn và thành đạt; là bí quyết, cẩm nang của cuộc sống; là “đạo sống”. Cuốn sách ấy, giản dị chỉ là như thế và chính vì như thế mà nó có thể ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống đời thường cũng như ở bất cứ lĩnh vực nào trong đời sống xã hội. Xét dưới góc độ quyền mưu, nó như một nguyên lý tổng quát trong việc xây dựng quyền mưu và thực hiện quyền mưu chung cho quân sự, chính trị và ngoại giao. Xét trên bình diện lý luận, nó như một học thuyết triết học bàn luận về sự vận hành hợp lý của tự nhiên-xã hội! Đọc "Quỉ Cốc Tử", chúng ta có cảm tưởng như đọc "Đạo đức kinh", một kiệt tác triết học mà Lão Tử là tác giả.
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét