Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

BÀI VIẾT HAY 17

(Đại Chúng chép lại từ GOOGLETIENLANG)

THỊT CHÓ- MỘT ĐẶC SẢN NỔI TIẾNG TIÊN LÃNG

Thể theo đề nghị của bạn đọc, Google.tienlang đăng lại bài này...
******
Theo đề nghị quá gấp gáp của google.tienlang, có thể bài viết dưới đây chưa giới thiệu được hết những nét chính trong Đề án nghiên cứu khoa học của nhóm. Đề nghị các đồng tác giả và bạn đọc góp ý để chúng tôi hoàn thiện hơn Đề án nghiên cứu khoa học. Xin cảm ơn!
Nhậu sĩ ưu tú VÕ TRỌNG HIẾU
Cách đây khoảng hơn chục năm, Hải Phòng có cây viết rất được mến mộ. Đó là Mạnh Tường- một nhà báo và cũng là một “nhậu sĩ” lừng danh đất Cảng, tửu lượng ngang ngửa với nhà thơ- nhậu sĩ nhân dân Thanh Tùng của Thời hoa đỏ. Nhậu sĩ nhân dân Mạnh Tường cùng các “cộng tác viên” đã mở cuộc điều tra khoa học và đưa ra kết quả khẳng định cái “thế chân vạc”, bất phân thắng bại của “Làng thịt chó” Hải Phòng là 3 khu vực gồm: Khu vực Ngã tư Cột Đèn, Khu vực Trần Hưng Đạo, đối diện Vườn hoa Nguyễn Du và Khu vực chợ Đồng Bún. Bài báo về “công trình khoa học” này công bố trên Báo Hải Phòng đã nhận được sự tán đồng nhiệt liệt của giới “nhậu sĩ” Hải Phòng.

 Đồ chấm cho món thịt chó phải là mắm tôm
Nhưng chuyện đó nay đã trở thành chuyện cổ tích, ít người còn nhớ. Hơn chục năm trở lại đây, phương tiện giao thông thuận tiện, đường sá được nâng cấp, phà Khuể được thay bằng Cầu Khuể nên Tiên Lãng như gần gũi với trung tâm thành phố hơn. Đặc biệt, với sự hỗ trợ của internet, giới “nhậu sĩ” Hải Phòng đã tìm được và làm quen với món khoái khẩu khác. Đó là Thịt chó Tiên Lãng. Họp hành tổng kết tháng quý năm ở cơ quan, doanh nghiệp, chỉ cần nhoay nhoáy cái a lô là 30 phút sau, thịt chó Tiên Lãng đã được mang đến tận nơi bất cứ địa chỉ nào trong nội thành Hải Phòng. Nếu phục vụ cho khoảng 30 thực khách thì chủ nhà hàng thuê phương tiện vận chuyển xe ôm. Khách hàng chi thêm chút tiền công cho người vận chuyển. Nếu có nhu cầu phục vụ 50, 70 hay 100 suất trở lên cũng OK! Nhà hàng sẽ vận chuyển bằng ô tô. Tất nhiên, nếu số thực khách lớn thì cần gọi điện đặt hàng từ hôm trước. Thịt chó Tiên Lãng ngày càng chiếm lĩnh thị trường nội thành Hải Phòng. 
Với khách lần đầu tới Hải Phòng cũng nên thận trọng. Ở nội thành Hải Phòng và ngay ở Hà Nội cũng xuất hiện nhiều nhà hàng thịt chó treo biển “Thịt chó Tiên Lãng”. Thế nhưng, đa phần là chất lượng đồ ăn ở đây thua xa thịt chó Tiên Lãng chính hãng.
Nếu rỗi rãi, dăm bảy “nhậu sĩ” từ nội thành Hải Phòng có thể làm chuyến “du khảo đồng quê” về Tiên Lãng bằng xe máy, chừng 30 phút để thưởng thức hương vị thịt chó chính hãng ở nhà hàng. Người dân ở Tiên Lãng cũng khoái thịt chó. Ma chay, cúng giỗ thường sử dụng thực phẩm thịt chó. Chỉ cần con gà, đĩa xôi để bày lên bàn thờ. Ngay đám cưới cũng sử dụng thịt chó trong bữa “áp rạp”.  Cũng như thuốc lào. Cả huyện Tiên Lãng, xã nào cũng trồng thuốc lào nhưng nổi tiếng từ hàng trăm năm năm nay vẫn là thuốc lào xã Kiến Thiết (quê anh Vũ Thế Tuyền- chủ tịch MTTQ huyện Tiên Lãng). Theo sách Đồng Khánh dư địa chí: “Thuốc lào xã An Tử Hạ là thứ thuốc thuộc loại ngon nhất để tiến vua. Đó là thuốc lào trồng trên đất làng An Tử Hạ, tổng Hán Nam, huyện Tân Minh, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương.” Địa danh này ngày nay là thôn Nam Tử 1, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Đây cũng chính là quê ngoại Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Về khoản thịt chó thì ở Tiên Lãng, xã nào cũng có nhưng ngon và nổi tiếng nhất là thịt chó Chợ Đôi, thị trấn Tiên Lãng. Tất nhiên, đó cũng chỉ là gọi của các “nhậu sĩ” chứ thực ra trong Chợ Đôi hiện nay không có hàng thịt chó nào cả mà là rải rác trên các con phố gần chợ. Nhà hàng to, đẹp, rộng rãi thoáng mát nhất ở thị trấn Tiên Lãng hiện nay là nhà hàng Lếnh, có cả chỗ đậu cho vài chiếc ô tô. Thế nhưng, theo đánh giá của các “nhậu sĩ” thì, vì ông chủ Lếnh tuy mới ngoài 60 đã “nghỉ hưu”, giao nhà hàng cho con trai cai quản nên chất lượng đang đi xuống; vệ sinh cũng không được đảm bảo lắm. (Nếu bố con ông Lếnh đọc bài viết này thì hãy coi đây là lời góp ý chân thành để nhanh chóng khắc phục.)  Đứng đầu bảng mấy năm trước là nhà hàng Thịt chó Quyện, nay đã nghỉ. Do vậy, đầu bảng hiện nay là nhà hàng Thịt chó Huy (đối diện cổng sau Chợ Đôi) và một nhà hàng tuy nhỏ hơn là Thịt chó Cạch (đối diện Thịt chó Lếnh). Tiếp theo có thể kể ra cái tên Thịt chó Bát, Thịt chó Chiến...
Sống trên đời ăn miếng dồi chó
Chết xuống âm phủ biết có hay không?
Tại sao Thịt chó Tiên Lãng có thể làm mê hoặc giới nhậu sĩ ngay từ lần thưởng thức đầu tiên? Đó là câu hỏi làm đau đầu giới chuyên gia từ nhiều năm nay nhưng chưa có câu trả lời thống nhất và chính xác. Người thì cho rằng đó là bí kíp chế biến của các ông chủ. Nhà nghiên cứu khác thì lại dựa trên kết quả phân tích các thành phần khoáng chất trong nguồn nước để đi đến kết luận rằng nguồn nước ở đây có giá trị quyết định tạo ra hương vị đặc trưng cho Thịt chó Chợ Đôi. Dù chưa trường phái nào chịu trường phái nào nhưng các chuyên gia đều thống nhất ở 1 điểm: Món chủ công và là món quyến rũ nhất ở Tiên Lãng là cái tang Rựa mận. Nếu như ở nội thành Hải Phòng, các bạn hãy gọi món luộc, chớ có gọi rựa mận. Đó là lời khuyên chân thành. Bởi món này ở đây thường là món tạp pí lù. Nhưng về Tiên Lãng thì ngược lại: Các bạn hãy gọi rựa mận. Đó là món chủ công ở Tiên Lãng, có nhà hàng chỉ làm độc một món này thôi. Nếu từ Hà Nội về Hải Phòng, không có điều kiện về Tiên Lãng thì các bạn có thể ghé vào nhà hàng Thịt chó Tiên Lãng Xuân Chiến gần cống Cái Tắt. Chủ nhà hàng đích thị gốc Chợ Đôi, thị trấn Tiên Lãng. Ông chủ ở đây đã nghiên cứu sáng tạo thêm món mới, kết hợp giữa cổ truyền với hiện đại là món “thịt chó hoa cau”. Nhiều nhậu sĩ đánh giá cao sự cải biên, cách tân này. Còn tác giả, tuy cũng cảm thấy lạ miệng một chút nhưng vẫn cho rằng không bằng thịt chó Tiên Lãng cổ truyền tại chính hãng Chợ Đôi. 

3 nhận xét:

Bài Ca Thịt Chó

Nhìn vào thì như thịt bò
Sờ vào thì như thịt giò
Củ riềng kèm theo hành ngò
Là : Th .. . . .ịt . .. ... . .c...h....ó
Gâu .. Gâu ..

Nhìn vào thì như thịt bò
Sờ vào thì như thịt giò
Củ riềng kèm thêm hành ngò
Là : Th .. . . .ịt . .. ... . .c...h....ó
Gâu .. Gâu ..

Nhìn vào thì như thịt bò
Sờ vào thì như thịt giò
Củ riềng kèm thêm hành ngò
Là : Th .. . . .ịt . .. ... . .c...h....ó
Gâu .. Gâu ..

Lá mơ tươi đây này anh ơi
Em mời anh xơi cho đã đời
.... ợ hợ .....
Mắm tôm cay em vừa nêm đây
ăn rồi đi ngay em tính tiền, tính tiền

Nhìn vào thì như thịt bò
Sờ vào thì như thịt giò
Củ riềng kèm thêm hành ngò
Là : Th .. . . .ịt . .. ... . .c...h....ó
Gâu .. Gâu ..

Nhìn vào thì như thịt bò
Sờ vào thì như thịt giò
Củ riềng kèm thêm hành ngò
Là : Th .. . . .ịt . .. ... . .c...h....ó
C ... H ... Ó .... Ó .. Ó

Nguyễn Hải Phong
http://www.youtube.com/watch?v=J1TGGlBiqOk
Xem tiếp...

TRƯỜNG LƯU THỦY









Ta
Núi chắt ra
Rừng e ấp
Đất ầu ơ nuôi nấng
Trời dắt dìu theo mưa nắng lớn khôn.

Ta
Dài một dòng sông
Uốn lượn thong dong xuôi cùng năm tháng
Lang thang với hoa cỏ thảo nguyên, vui hát cùng đồng xanh bát ngát
Hắt phù sa lên phủ óng mượt làng quê
Xối mát tuổi thơ, thỏa khát những trưa hè
Trêu ghẹo con đò, thẹn thò nón nghiêng, mái chèo khoan khỏa
Nằm đợi trăng lên, nghe gió rủ rê, đôi bờ rỉ rả
Tinh nghịch câu hò mà vàng đá thuỷ chung.

Ta
Lãng đãng dòng sông
Lông nhông qua vùng đô hội
Ngơ ngác nhìn lên những nhịp cầu bê tông chềnh ềnh đan nối
Hối hả thời gian, ngày ngày khói bụi, vàng vàng vội vội vào ra
Vắng ngắt không gian, đêm khuya mệt mỏi, ơ thờ thành phố đèn hoa
Trăng treo nhạt nhòa, ưu phiền le lói
Im lìm đôi lứa ly hôn, đắm chìm bóng tối...

Ta
Là ý nguyện muôn sông
Lai láng hội dòng
Thành mênh mông biển cả
Ru ngủ dung nham, vỗ về băng giá
Nhớ cội nguồn nên sóng dồn dào dạt, ỳ ào khắp vách đảo bờ châu
In bóng non cao
Thắm màu rừng thẳm
Ôm ấp rong rêu, lũng cạn, thung sâu, hồ ao, luồng lạch
Lưu giữ tinh trời khí đất, tụ hình mây gió giao hoan.
Tương phùng hữu duyên
Thiên lý quyện tình sinh linh kỳ ngộ
Hóa ngọc biếc rạng ngời Vũ Trụ
Cho ngẩn ngơ nhìn, ao ước những hành tinh
Và ngàn sao đêm ríu rít ngắm soi mình!...

Ơi những khối thiên nhiên vô sinh
Đang ngùn ngụt cháy tràn, u minh lửa khói
Muốn hóa ngọc hãy tin yêu chờ đợi
Ước mơ nào cũng đọng giọt long lanh
Nhỏ xuống hoang vu, tí tách tỏa duyên lành
Nảy lộc vươn chồi thành núi, thành rừng, thành trời, thành đất
Thành nắng gió mưa mây, thành châu thổ nối mùa xanh suốt
Thành tươi sáng quê hương của biển rộng sông dài!...

Ta
Có hôm nay
Còn có ngày mai
Trên mảnh đất này đầu thai hiện hữu?
Cõi vô thường hay vĩnh cửu
Mà lã chã lòng chát mặn những lệ châu
Mà cuồn cuộn dòng ngầu đỏ nỗi ưu sầu
Khi thấy người thản nhiên gặt rừng, đốn núi
Cào nát trời đau, vắt kiệt cùng đất mỏi
Vét cạn biển sâu, bẻ quặt quẹo sông ngòi
Rải thảm bom mìn, vằm xương tan thịt nát, chặt máu chảy đầu rơi?

Ta
Thấp thỏm trôi
Cồn cào vỗ sóng
Chớp báo, sấm cầu chói lòa, vang động
Bão xoáy rú gào chất vấn lương tri.
Hỏi tham, sân, si:
Sao giam cầm khôn ngoan trong mù đui ích kỷ
Đập phá nhà mình, cướp phần cháu con, lại thỏa thuê hoan hỷ?

Ta
Tít tắp dòng sông
Mênh mông biển cả
Mạch ngầm ươm mềm sỏi đá
Mưa nguồn thúc rộ mầm lên
Như máu ngược xuôi theo hơi thở con tim
Tuần hoàn nuôi sự sống
Kết trái đơm hoa, mọng ngọt tình thương, thơm lừng hy vọng
Chan chứa yêu người!...

Nhưng người có yêu người
Và người có yêu ta?
Có ai cần nhớ nắng xa
Ai là thường quên không khí
Ai không ước cao sang, ai nào màng vô vị?

Hỡi người
Gấp lắm rồi
Đừng mê muội nữa!
Hoang mạc lan tràn, đang nhồm nhoàm nhai Đất Hứa
Đuổi ta đi là nóng chảy Địa Cầu
Người ôm bạc vàng châu báu về đâu?

Ta
Hiện ra
Từ ngọn nguồn cổ tích
Từ ngày xửa ngày xưa, ngày đầu tiên xưa nhất
Vâng lời Tạo Hóa về đây
Xoay chiều nhiệt động, xoa dịu giải vây
Xây tổ uyên ương, ru tình nước- lửa
Cát bụi hoan hô kết mùa hoa nở
Muôn sắc bừng lên thành xứ sở xanh trong
Thênh thang bao dung
Bạt ngàn bình dị
Ngọt ngào nắng mưa, thơm tho hòa khí
Tự Nhiên ban tặng muôn loài...

Đâu cho riêng người
Mà đua đòi chúa tể
Mà giành giật nhau qua hàng ngàn thế hệ
Dại khờ ảo tưởng chiến công
Cung kiếm anh hùng
Giáo khiên hiệp sĩ
Thành quách nghênh ngang, bầy đàn tỉ thí
Đại bác xe tăng xấc xược xâm lăng
Đường cùng khủng bố nhe răng
Đất nước nát tan, rên rỉ oan hồn vì cơn thắng, bại
Tội ác ngất trời mà nghêu ngao vĩ đại!...
Nhưng được gì không ngoài phế tích điêu tàn
Và đến bao giờ biết ngồi khóc ăn năn?

Hỡi đám lữ hành
Từ hư vô đến
Trên con thuyền của tiến hóa đón đưa định mệnh
Trần Gian này hiếu khách cưu mang
Cứ hồn nhiên mà vui thú Địa Đàng
Cùng làm cùng ăn, cùng cảm thông chia sẻ
Nghĩa lý gì mà bày đặt phân tầng sang-hèn, sướng-khổ
Tự đọa đày nhau, hành hạ kiếp trăm năm?
Có thể đủ quyền uy vơ vét thỏa tham lam
Nhưng không thể lìa trần mà không hoàn trả lại
Có thể đủ bạo tàn để chất chồng những nầm mồ, những điện thờ uy nghi vững chãi
Nhưng đừng hòng lừa thời gian mà bất tử, vĩnh tồn!

Hãy tạc dạ ghi lòng
Ơi,
CON NGƯỜI SUY NGHĨ
Ta
Là TRƯỜNG LƯU THỦY
Dài kỳ cùng và rộng mênh mông
Thắm thiết núi rừng, da diết biển sông
Ầu ơ con thuyền lưu lạc cô đơn, phân vân lần tìm lẽ sống
Va vấp mê lầm nhưng thông minh quả cảm!

Hãy tạc dạ ghi lòng
Ơi,
CON NGƯỜI SUY NGHĨ
Chẳng thánh thần nào cứu nạn được đâu!
Phải tự nhận ra bến cạn bến sâu
Bờ trong bờ đục
Hướng nào khổ đau, hướng nào hạnh phúc
Để người chọn lấy cho người
Để biết thương ta mà cùng ta gìn giữ
Muôn thuở muôn đời hoa lá xanh tươi!...


                                     Trần Hạnh Thu
 
Xem tiếp...

Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

NHÂN TÍNH 2

(Đại Chúng sưu tầm trên NET)

Những hình ảnh động đẹp hài hước, vui nhộn nhất,
Xem tiếp...

NHÂN TÍNH 1

(Đại Chúng sưu tầm trên NET)

cd4caf3c.giff27d0e9b.gif
Xem tiếp...

Tin buồn 1

(Đại Chúng sưu tầm trên NET)

Bạo lực đẫm máu tại Ai Cập, hàng ngàn người thương vong

(TNO) Lực lượng an ninh Ai Cập đã bắn chết ít nhất 70 người ủng hộ Tổng thống bị phế truất Mohammed Morsi vào rạng sáng nay, 27.7, theo thông báo của hội Huynh đệ Hồi giáo.

Người phát ngôn của Huynh đệ Hồi giáo Gehad El-Haddad nói với Reuters vụ đàn áp cuộc biểu tình của những người ủng hộ ông Morsi diễn ra trước giờ cầu nguyện buổi sáng.
Bạo lực đẫm máu tại Ai Cập, hàng ngàn người thương vong
 Người biểu tình ủng hộ ông Morsi đụng độ với lực lượng an ninh Ai Cập - Ảnh: AFP 
“Họ không bắn bị thương, họ bắn chết”, ông Haddad nói.
Hãng BBC dẫn lời một bác sĩ tại bệnh viện dã chiến gần nơi biểu tình cho biết có 100 người thiệt mạng và hơn 1.000 người bị thương. Con số thương vong hiện tăng theo từng giờ đồng hồ.
Trong khi đó, kênh truyền hình Al Jazeera cho biết có 120 người thiệt mạng và khoảng 4.500 người bị thương trong vụ trấn áp cuộc biểu tình ở ngôi đền Rabaa al-Adawia tại thủ đô Cairo.
Các phóng viên tại hiện trường cho biết vụ nổ súng kéo dài hàng giờ đồng hồ.
“Tôi đã cố gắng kêu gọi giới trẻ giải tán trong năm tiếng đồng hồ song không thành công. Họ tuyên bố họ sẽ đổ máu và không muốn rút lui”, Saad el-Hosseini, một thành viên cao cấp của Huynh đệ Hồi giáo, nói với Reuters.
Những người ủng hộ và chống đối ông Morsi đã tổ chức các cuộc đại biểu tình trên khắp đất nước vào hôm 26.7, với hàng trăm ngàn người đổ ra đường. Các cuộc biểu tình thể hiện sự chia rẽ sâu sắc tại đất nước đông dân nhất thế giới Ả Rập.
Hơn 200 người đã thiệt mạng vì bạo lực kể từ khi ông Morsi bị phế truất cách đây ba tuần, kể cả chín người hôm 26.7. Phần lớn trong số đó là người ủng hộ của Huynh đệ Hồi giáo.
Tổng tư lệnh quân đội Ai Cập, tướng Abdel Fattah al-Sisi, người đóng vai trò trung tâm trong vụ phế truất ông Morsi, vốn kêu gọi người dân Ai Cập biểu tình vào hôm 26.7 để giao quyền cho ông dọn dẹp “bạo lực và khủng bố”.
Hàng trăm ngàn người đã hưởng ứng lời kêu gọi của ông Sisi song những người ủng hộ của Huynh đệ Hồi giáo cũng tổ chức một cuộc biểu tình khác yêu cầu phục chức cho ông Morsi, người hiện bị tạm giam để điều tra về nhiều tội danh, kể cả tội giết người.
Sơn Duân
Xem tiếp...

KỶ NIỆM




Theo suốt cuộc đời
Là buồn vui kỷ niệm
Đằm thắm, nguyên khôi, huyền diệu
Dù giữa bộn bề, không thể nào quên!

Kỷ niệm một thời là anh và em
Của ngày xưa ấy
Thoắt cười thoắt lẫy
Trao nhau viên kẹo cành hoa
Nhảy nhót tung tăng, tinh nghịch dại khờ
Làm thỏ làm hùm, đủ trò ngộ nghĩnh
Chung một tuổi thơ mộng mơ xanh biếc
Bảy sắc cầu vồng rực rỡ, lung linh

Có còn nhớ không em
Cái lần anh cho tổ chim
Con rắn cuộn tròn trong đó
Em tá hỏa, khóc, hờn
Để anh lò dò theo hoài dụ dỗ
Sợ về mách mẹ, đòn roi
Em dấu mặt đi thấp thoáng nụ cười
Khi anh làm hề, méo mồm, nheo mắt?...

              ***


Ôi tuổi thơ dịu ngọt
Lâu lắm rồi,
                 có còn đọng trong em
Mà sao anh hằng đêm
Khắc khoải hoài nỗi nhớ?
Nhớ những trưa hè ve kêu rộn phố
Những chiều mưa rào dào dạt hàng cây
Đội nắng đội mưa,
                          theo nhau,
                                        quên hết tháng ngày
Mê mải nô đùa, say mùa phượng đỏ...

Rồi đột nhiên bom rền đạn nổ.
Ập đến bất ngờ
Chết tức tuổi thơ
Là gầm gào rú rít
Là hôi tanh khủng khiếp:
Chiến tranh!
Che lấp trời xanh
Là mịt mùng khói lửa
Bình yên vụn vỡ...
Thảng thốt, chúng mình từ đó xa nhau
Chưa kịp mượt xanh mái đầu
Phải vụt lớn khôn trong cơn bão táp
Anh theo cha xông pha trận mạc
Gìn giữ quê hương đằng đẵng chiến chinh...

Ngày giải phóng, 
                    non sông thống nhất,
                                                 hòa bình
Cuộc sống cựa quậy hồi sinh
Những mầm xanh đầu tiên
                                  dần nhú nở hữu tình trở lại
Anh hối hả về thăm nơi ấy
Hồi hộp dò tìm lối cũ đường xưa...

Đâu rồi những chiều mưa?
Đâu rồi tiếng ve trưa rộn phố?
Khắp nơi toàn đổ nát ngổn ngang, 
                                      vẫn trơ trụi hoang tàn, 
                                                        còn nham nhở những hào những hố?...
Chao ôi!...
Tiếc biết bao nhiêu một thuở chúng mình!

               ***


Anh và em
Của ngày xưa ấy,
Mất thật rồi!
Chẳng bao giờ còn mong có lại
Đành khắc thành ký ức trong tim
Chồm dậy thao thức những đêm
Đắm chìm thương nhớ
Trằn trọc, mệt nhoài, ngợp thở
Hồn cứ bồng bềnh ngoài cõi thời gian...
Tai ong ong vọng tên
Mắt thâm quầng in bóng
Thân xác vật vờ trong nhạt nhòa tối-sáng
Hối thúc tâm linh...

Lại đây đó mọi miền  
Suốt một chặng đời lặn lội tìm em
Khắp nẻo đất trời biền biệt
Đạp nát rừng sâu, dò kim đáy biển
Vô vọng theo từng bia mộ nghĩa trang
Anh nổi điên cuồng những muốn đến Hố Đen
Chốn cùng tận của tồn vong Vũ Trụ
Phải chăng em ở đó(?)...
Mong vợi lòng cay đắng khôn nguôi!...

***

Theo suốt cuộc đời
Là buồn vui kỷ niệm
Thời thơ ấu lung linh huyền diệu
Giữa bộn bề đời 
                   thường nhớ, nào quên

Còn đó trong em,
Buổi chia ly thuở trước
Chúng mình ngoéo tay giao ước
Sẽ lại về với trưa nắng chiều mưa
Sẽ lại nô đùa
Mê mải theo nhau, quên ngày quên tháng
Anh sẽ lại trèo cao hái khế
Cho mắt em tròn, miệng thắm xuýt xoa
Lại kết cho em chiếc nón lá dừa
Cõng em lên lưng, tôn xưng hoàng hậu
Cho anh cưng chiều, cho em nũng nịu
Cho cha mẹ chúng mình cứ mãi rầy la?...

Cuộc chiến lâu rồi, đã xa
Thời gian bôi xóa
Mà cái ngoéo tay thuở nào còn đó
Tận cùng sâu thẳm lòng anh
Trong suốt, mặn nồng giọt ngọc long lanh
Đọng thành cội nguồn nỗi nhớ
Thâu đêm rực lên,
                     chiếu lòng, nức nở
Mộng mị nôn nao...
Anh thấy mình là chim trời cao
Em là cá tung tăng bóng nước
Anh hóa ra sóng biếc
Em vút lên hờ hững mây bay
Anh vội vươn vai thành dãy trường sơn
Em ào trận mưa theo sông về biển
Anh bất lực nằm sõng soài bờ cát
Sóng khỏa lệ òa, mặn chát đại dương!...
Rồi anh vùng dậy,
                    xách gươm tìm đến Hố Đen
Đập phá tan tành ngục tù Vũ Trụ
Thấy mình
           là tráng sĩ cứu em,
                                nàng công chúa
Khỏi lão Lùn Nâu hung ác tham lam...

Mở mắt, giật mình, là vằng vặc ánh trăng
Ôi! 
Giấc mơ,
          đêm nào,
                   trong muôn ngàn đêm dĩ vãng!?...

                    ***


Có ai ngờ!...
Một chiều muộn màng,
                                úa tàn,
                                       xa vắng,
Chặng cuối cuộc đời bỗng gặp lại em.
Nhói thấu con tim
Vết thương chưa lành, bật máu
Rú rít bên tai tiếng còi xe cấp cứu
Xé rách nắng chiều nhợt nhạt thê lương!...

Anh đứng chôn chân, chết lặng, bàng hoàng
Khuôn mặt em xưa còn nguyên tiềm thức
Dẫu có già nua, vết nhăn tuổi tác
Muôn kiếp luân hồi, anh vẫn nhận ra
Em khoác tay chồng bình thản đi qua
Lơ đãng nhìn anh như chưa từng quen biết
Như em chưa từng có tuổi thơ dịu ngọt
Đội nón lá dừa, anh cõng trên lưng!...

Có còn đó trong em
Những nỗi niềm anh nhớ?
Hay em đã quyết thà rằng quên trước
Để mai này đỡ phải quên sau
Cho buổi sang ngang nồng đượm trầu cau
Giữ vẹn lòng trinh trọn đời con gái?
Anh chợt hiểu...
Và cúi đầu,
            chúc thầm hai linh hồn vô tội
Hãy hạnh phúc đủ đầy, mãi mãi bình yên!

Anh uất hận chiến tranh
Con quỉ nhe nanh khát máu
Cắn chết thời thơ ấu
Đày đọa chúng mình vĩnh viễn lạc nhau
Chẳng phải lỗi em đâu
Chỉ tại thời gian cố tình thiên lệch
Đặt giữa tấc gang muôn trùng xa cách
Bày ra kẻ nhớ người quên
Đứa trốn, đứa tìm
Ai cố đợi chờ cho ai chọn bến
Để chỉ một người luyến tiếc
Dại khờ lẫn lộn tình yêu...

***

Chẳng tại em đâu,
Lỗi lòng anh đó!
Em ơi, đúng rồi, không lẽ
Chung một thiếu thời là phải yêu nhau
Rồi đợi rồi chờ đến phơ bạc mái đầu
Vô vọng buồn đau hơn Ngưu Lang-Chức Nữ?

Nếu...lại được bắt đầu quá khứ
Anh xin nguyện cầu vắng bóng chiến tranh
Cho tuổi thơ an lành
Nảy lộc vươn chồi mối tình đôi lứa
Anh kết lá dừa cưới em làm vợ
Thắp rực tươi hồng nắng hạ chiều nao...

Em đi xa dần...
                 ...khuất nẻo ngã tư
Gió bỗng nổi lên, hàng cây xào xạc
Cơn mưa trái mùa nhì nhằng ánh chớp
Sấm ầm ì, trời lã chã ứa gieo...

***

Khoác chiếc ba lô kỷ niệm thương yêu
Nghe tiếng vọng về của tai ương thuở nhỏ
Cái ngoéo tay tạc lời nhắn nhủ
Anh lại lên đường,
                     theo chính nghĩa, 
                                         muôn nẻo trường chinh
Đi trong đoàn quân, 
                         căm hận xâm lăng,
                                              khao khát thái bình
Tiêu diệt tham tàn, 
                      phá nát vô minh, 
                                        đập tan vị kỷ
Khuất phục chiến tranh, 
                           giải thoát yêu thương, 
                                                     chôn vùi vũ khí...

                     ***


Thế rồi,
Cuối cõi đất- trời,
Một hôm ảo giác:
Trên bãi cát vàng,
                    hoàng hôn biển vắng
Hiện lên lão cựu chiến binh
Đứng tư lự một mình
Trước bao la, gió lành, sóng lặng
Khơi xa,
       mặt trời chìm loang,
                                tím bầm dĩ vãng
Chát mặn dâng trào...
Lão vụt nhoẻn cười,
Khi thấy cao vời
                    là cánh đồng bát ngát
Đang vào mùa hứa hẹn
                     hằng hà rúc rích vì sao...

***
Kỷ niệm,
Anh và em,
Của ngày xưa ấy,
Đã vỗ cánh bay vào huyền thoại
Dập dìu trong xứ sở quê hương
Thủ thỉ muôn đời nỗi nhớ niềm thương!...


                                                           Trần Hạnh Thu







Xem tiếp...

Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

BÀ CỤ BÁN VÉ SỐ



Bà cụ già
Bán vé số
Còng lụ khụ
Xế hoàng hôn...

Chút hơi mòn
Còn lay lắt
Đời lạnh lạt
Trời nỉ non.


Đâu cháu con
Mà côi cút?
Người đông nghẹt
Tình quạnh hiu!

Đáng bao nhiêu
Ơi cuộc sống
dung túng
Chẳng buông tha?

Bà cụ già
Bán vé s
Ngoi ngóp th 
Giữa phố phường...

Ôi, th trường! 
Ôi, chế độ! 
Ôi, đãi ngộ!
Ôi, phú cường!    


                      Trần Hạnh Thu



Xem tiếp...

NGHỊCH LÝ !?



Uống vừa độ rượu say
Ngẫm cười cho Sinh-Tử
Có Sinh thì có Tử
Không Tử, Sinh về đâu?


Sinh là cuộc mưu cầu
Giữa giàu-nghèo, sướng- khổ
Càng sinh thành, nảy nở
Càng rầm rộ sát sinh!



Sát Sinh làm Sinh tử
Sinh sát để phục Sinh
Muốn Sinh thì phải sát
Không sát, làm sao sinh?



Ôi, khốn nạn cuộc đời,
Vướng vào vòng sinh- tử
Ôi, hạnh phúc cuộc đời
Được dự vòng tử-sinh!

Tạo Hóa có vô tình?


Trần Hạnh Thu





Xem tiếp...

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

CHUYỆN KỂ TRĂNG SAO




Xưa kia có gã giang hồ
Trên đường thiên lý tình cờ ghé qua
Bên dòng sông bạc phù sa
Một vùng dâu biếc, bao la cánh đồng...

Hoàng hôn đã sẫm nong tằm
Gốc đa cổ tích, gã nằm chiêm bao
Mơ hồ thoáng bóng Hoàng Sào*
Cung đàn nửa gánh, một chèo giang sơn
Đáy trời lấp láy sao Hôm
Cảm thương thiên cổ tạc hồn Ly Tao**
Giật mình trở giấc nôn nao
Bốn bề khuya lắng ngạt ngào hương trăng
Hiển linh một bóng đò ngang
Mái chèo phơi gió mơ màng ầu ơ:
"Ơi chàng trai kiếp giang hồ
Từ đâu lỡ bước, chờ đò về đâu?
Bên này là xứ non dâu
Bên kia vô định, giãi dầu bể khơi
Bên này màu mỡ đất bồi
Bên kia đất lở, cát vùi hoang vu.
Ơi chàng trai kiếp giang hồ
Từ đâu lạc bước, lần mò về đâu?
Đất này xanh sẵn vườn cau,
Sẵn tơ vàng óng têm trầu se duyên
Đất này nặng nghĩa đượm tình
Lòng người thuần phác, thiên nhiên thuận hòa
Đất kia ầm ĩ can qua
Nát tan vó ngựa, gầm ghè gươm đao
Ngang tàng lắm cũng Hoàng Sào
Đa đoan lắm cũng hôm nào Mịch La!..."
...

Con thuyền rời bến, trăng tà
Bâng khuâng gà gáy chở mơ sang trần
Có cô thôn nữ âm thầm
Rưng rưng ngấn lệ, xa dần cánh chim
Ai ru đồng điệu con tim
Cho đêm trăng sáng nguyện cùng gốc đa:
"Hữu duyên ngàn dặm không xa
Vô duyên nửa bước hóa ra muôn trùng..."
Cho ai mỗi độ trăng rằm
Lại hờn lại trách ai không trở về
Thời gian mòn mỏi tái tê
Không gian đằng đẵng mải mê phong trần!...

Thế rồi năm tháng xoay vần
Đến là Trời, Đất cũng cần có nhau
Để rồi bước thấp bước cao
Cô thôn nữ ấy nghẹn ngào vu qui
Đùng đoàng vỡ toác tình si
Dẫm lên xác pháo, nàng về tân hôn
Cây đa cổ tích đầu thôn
Trầm tư ngẫm cuộc vui buồn thế gian!
Hoàng hôn vội ló vành trăng
Dòng sông thả gió mênh mang ơ hờ:
"Ơi đồng dâu thuở mộng mơ
Nuôi tằm đã chín, ươm tơ đã vàng
Bến xưa, thuyền mới đã sang
Thuyền xưa bỏ bến lang thang phương nào?
Đêm nay diệu vợi trời sao
Có nàng trinh nữ lòng xao xuyến lòng
Có đôi loan phượng tương phùng
Trăm năm chung mối tơ hồng từ đây
Thôi thì cũng thỏa xum vầy!
Nhân tình thế thái, biết ai có còn..."

Nào hay Trái Đất xoay tròn
Gã trai năm cũ vẫn trên giang hồ
Hỏi ai thuộc được chữ ngờ
Mải đi kẽo kẹt bơ vơ gánh lòng
Không gian ai uốn nên cong
Cho con tạo nó quay vòng thời gian
Đêm nay gió lộng, trăng quầng
Bước chân phiêu lãng lâng lâng đường về
Nghe trong gió tiếng vu vơ:
"Nuôi tằm đã có kẻ nhờ đồng dâu
Ao làng đã có thuyền câu
Sự đời, đâu nỡ gây sầu cho ai!..."

Gã trai chững lặng, u hoài
Nhớ thương kỷ niệm vơi đầy trăng khuya
Ôm đàn ôn lại nắng mưa
Gảy lên uẩn khúc bộn bề nông sâu:
"Ra đi để bắc nhịp cầu
Cho dâu bên đó xanh dâu khắp vùng
Xưa kia giới tuyến giữa dòng
Mà nay thanh thản tình chung đôi bờ!
Bên này thuở ấy hoang vu
Ầm vang vó ngựa, mịt mù can qua
Giờ đây đoàn tụ thuận hòa
Dòng sông khuây khỏa câu hò giao duyên
Tình tang, tang tính, tang tình...
Ngậm vui thỏa chí, lắng buồn người xưa!
Tắm ghềnh, gội thác bôn ba
Dọc ngang dầu dãi, nắng mưa vẫy vùng
Đường thiên lý, chí tang bồng
Làm trai há chịu thẹn thùng thân trai?
Biết rằng hoạn lộ chông gai
Biết rằng nặng lỗi với ai duyên nồng...
Dễ thay là chuyện tao cùng!
Khó thay là chuyện anh hùng-mỹ nhân!
Quyết đi trọn bước gian truân
Mùa đông dẫu lạnh, mùa xuân thắm đào!
Đúng sai là chuyện Hoàng Sào
Đục trong là chuyện vận vào Khuất Nguyên.
Du ca cung chúc nhân duyên
Cánh chim lại vỗ mọi miền yêu thương!..."

***

"Chuyện xưa có gã tha phương
Có làng dâu biếc, có nàng ươm tơ..."

Tự ngàn năm đến bây giờ
Thầm thì đất kể những mùa trăng sao
Bầu trời: bát ngát đồng dâu
Sao trời lấp lánh: tằm reo bạt ngàn
Phong phanh Tráng Sĩ chạnh lòng
Ngẫm sang muôn thuở mênh mông Ngân Hà
Cây Đàn reo giữa bao la
Vọng hồn thôn nữ: nuột nà vầng trăng
Tơ vàng óng ả giăng giăng
Gió vui lễ rước, rưng rưng mây về
Bóng đa thiên cổ còn kia
Xum xuê điệu hát câu hò lứa đôi
Lão Thần Nông luống ngậm ngùi
Khom lưng đăm đắm tiếc thời Trần Gian
Một đời ngắn ngủi sao băng
Tuyệt vời khoảng khắc, vĩnh hằng hư vô!

Tiếng gà gáy: "Ó, ò, o!...
Người đời ơi có thương cho đời người?"

Hừng đông đã rạng chân trời
Sao sa tục lụy, sương cười long lanh...



                                         Trần Hạnh Thu




Chú thích:  *Trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du, khi Kiều khuyên Từ Hải ra hàng Hồ
                     Tôn Hiến, có câu:
                                          "Làm chi để tiếng về sau
                                            Nghìn năm ai có khen đâu Hoàng Sào"
  Sử phong kiến coi Hoàng Sào là giặc. Sự thực, Hoàng Sào là một lãnh tụ khởi nghĩa nông dân có tài binh lược. Rất tiếc, ông chưa vượt được nhận thức thời đại
  Ở Trung Quốc, vào cuối đời Đường, nhất là sau biến loạn A Sử, đời sống nhân dân vô cùng bi đát, cực khổ. Hiện tượng tập trung ruộng đất vào tay tầng lớp quí tộc và địa chủ trầm trọng đến nỗi "kẻ giàu có ruộng hàng vạn mẫu, người nghèo không có chỗ đặt chân". ngoài ra, nhân dân còn phải chịu bao nỗi thống khổ khác,chẳng hạn như không có muối mà ăn, vì  muối cũng như rượu, chè đều do triều đình độc quyền mua bán hoặc bị quan hoạn tự do cướp đoạt ngoài chợ. Sự cùng cực đó của nhân dân đã là nguyên nhân trực tiếp làm xuất hiện hàng loạt cuộc khởi nghĩa nhằm đòi lại quyền sống cơ bản của họ.
   Năm 874, một cuộc khởi nghĩa lớn bùng phát ở tỉnh Sơn Đông với lãnh tụ là Vương Tiên Chi. Năm 875, Hoàng Sào cũng tụ tập được mấy ngàn người nổi dậy hoạt động ở đó, rồi sau một thời gian ngắn thì gia nhập lực lượng của Vương Tiên Chi. Từ đó, phong trào lớn mạnh nhanh chóng, địa bàn hoạt động lan rộng ra các tỉnh Hà Nam,Hồ Bắc, An Huy.
    Năm 877, do bất đồng chính kiến, lực lượng Hoàng Sào tách khỏi Vương Tiên Chi    
     Năm878, Vương Tiên Chi bị quân nhà Đường đánh bại, tiêu diệt. Hoàng Sào trở thành người lãnh đạo chủ yếu của phong trào khởi nghĩa...
   Cuối năm 879, Hoàng Sào kéo quân về Trường An. Triều đình Đường bỏ kinh thành chạy sang Tứ Xuyên.
    Năm 881, Hoàng Sào tự xưng Hoàng Đế, đặt tên nước là Đại Tề.
    Nhà Đường tập hợp lại lực lượng, đến năm 884 thì chiếm lại Tràng An. Hoàng Sào tự tử.
                                                                                       ***
                     
    Lạm bàn: Lịch sử cho thấy, nông dân sục sôi nổi dậy, theo Hoàng Sào là vì sự sống còn của bản thân họ, chứ không vì điều gì khác. Hoàng Sào, thuộc gia đình buôn bán muối, có học hành ( thi hoài không đỗ), chắc chắn cũng mang nỗi bất mãn trước nạn tham quan lại nhũng, cướp ngày của nha lại, đã thấy được sự hòa hợp của hai quyền lợi bị xâm phạm, nên đã chớp lên dựng cờ nghĩa. Tiếc rằng, Hoàng Sào không thể vượt thoát được nhận thức của thời đại, cho nên khi đoạt được chính quyền, đã vội vã xưng  đế mà không tiếp tục khẩn trương thực hiện nguyện vọng lớn của muôn dân. Thất bại của Hoàng Sào chính là ở chỗ ấy!
      Dù sao, phong trào khởi nghĩa nông dân do Hoàng Sào lãnh đạo đã đẩy nhà Đường vốn đã suy yếu, mau chóng bị diệt vong, nhường chỗ cho thời đại "Ngũ đại thập quốc", một  thời đại cũng "huynh đệ tương tàn" không kém bất cứ thời đại ly loạn nào trong lịch sử Trung Quốc- một lịch sử nổi bật những cuộc thôn tính và bành trướng bằng bạo lực.
      Hoàng Sào còn là một người hay chữ. Tương truyền, ông đã để lại cho đời sau hai câu thơ đầy hào sảng:
                                                        Bán kiên cung kiếm bàng thiên túng
                                                        Nhất trạo giang sơn tận địa duy
                                                (nghĩa là: Nửa vai cung kiếm có trời cho
                                                              Một chèo đi khắp núi sông thiên hạ)

                **"Ly tao" là bài thơ rất nổi tiếng trong thi văn Trung Quốc, được Tư Mã Thiên, nhà chép sử cổ đại có một không hai của dân tộc Trung Hoa, một trong những sử gia thuộc hàng đầu của nhân loại, hết lời ca ngợi. "Ly tao" là một lời "oán thán" thống thiết, một "nỗi sầu ly biệt" khắc khoải, da diết.
     Tác giả bài thơ là Khuất Nguyên (340-278 TCN). Khuất Nguyên gốc danh gia vọng tộc,có tài, làm quan nước Sở. Lúc đầu được vua là Sở Hoài Vương sủng ái, sau, hay mở lời can vua, lại có sự ganh ghét dèm pha nên bị vua ruồng bỏ, xử phạt,đày đến Giang Nam
     Mang nặng trong lòng nỗi u uất nên Khuất Nguyên thường"vừa vui đã buồn, vừa cười đã khóc". Cuối cùng, sau khi làm bài thơ "Phú hoài sa", xõa tóc bên dòng sông Mịch La, nói với ông lão đánh cá: "Đời đục cả chỉ một mình ta trong, mọi người say cả chỉ một mình ta tỉnh...Chẳng thà vùi xác trong bụng cá, chứ không chịu vấy bùn nhơ!...", rồi ôm đá gieo mình xuống dòng sông. ( Lạm nghĩ: lòng Khuất Nguyên trong nhưng trí tuệ ông thì thật ra đã...say mèm!).
      Người dân Trung Quốc có cái lễ vào ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch, gọi là tết Đoan Ngọ.Tương truyền,đó cũng là ngày mất của Khuất Nguyên. Ở nước ta, mộc mạc và sát thực hơn, gọi là tết Sâu Bọ (hay: Giết Sâu Bọ). 
                         
                      
                                 
Xem tiếp...

TỰ SƯỚNG 2

(Đại Chúng sưu tầm trên NET)





Xem tiếp...

BÀI VIẾT HAY 15

Đại Chúng sưu tầm trên NET)
 
 

Những câu chuyện về Ngã Ba Đồng Lộc

Có lẽ không ai trong chúng ta không ít nhất một lần được nghe đến địa danh "Ngã ba Ðồng Lộc", một cái tên đã đi vào lịch sử dân tộc và gắn liền với những chiến công của các đơn vị Thanh niên xung phong (TNXP) trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Song không phải tất cả chúng ta đều đã có dịp đến Ngã ba Ðồng Lộc, đã nhìn thấy những gì còn lại trên mảnh đất này và đã nghe câu chuyện về những con người ở đây trong thời kỳ máu lửa. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà chúng tôi đã chọn Ngã Ba Ðồng Lộc làm điểm dừng chân đầu tiên trong chặng đương "Nam Tiến" của mình.
"...Năm 1968 là năm khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh. Sau Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu thân, phía chúng ta phải trả giá bằng nhiều tổn thất. Yêu cầu tăng viện cho chiến trường vũ khí, lương thực, xăng dầu để củng cố lực lượng, giữ vững địa bàn trở nên vô cùng cấp thiết. Thêm vào đó, từ ném bom không hạn chế, Mỹ chuyển sang thực hiện kế hoạch ném bon hạn chế, tập trung toàn bộ sức mạnh không quân, hải quân đánh phá ác liệt 4 tỉnh thuộc khu 4 (cũ) nhằm ngăn chặn và cắt đứt con đường chi viện cho tiền tuyến của ta. Ðường Trường Sơn qua sông Lam, sông La đến địa phận Hà Tĩnh phải phơi mình trống trải khoảng 50km giữa đồng bằng. Ðến ngã ba Bãi Vọt, đường chia làm hai nhánh. Một nhánh là đường số 1 men theo bờ biển qua Ðèo Ngang, nằm hoàn toàn trong tầm kiểm soát của máy bay địch, hầu hết các cầu lớn đều bị phá. Nhánh kia là đường 15 qua Ngã ba Ðồng Lộc lên miền Tây Quảng Bình, vì vậy Ngã Ba Ðồng Lộc trở thành yết hầu của mạch giao thông nối liền "hậu phương lớn miền Bắc" với "tiền tuyến lớn miền Nam". Mỹ biết được điều đó nên đã tập trung toàn lực để cắt đứt con đường này, chỉ riêng nửa đầu năm 1968, chúng đã trút xuống nơi đây (tập trung ở 1km vuông xung quanh Ngã Ba Ðồng Lộc) 4.200 quả bom và tên lửa các lọai, không kể bom nổ chậm và mìn sát thương...Người ta đã thống kê rằng, mỗi mét vuông ở Ngã Ba Ðồng Lộc phải gánh chịu ít nhất 3 quả bom TẤN. Bên địch quyết phá thì bên ta quyết giữ, chúng ta đã tập trung mọi nguồn lực để giữ bằng được con đường này. Vào lúc cao điểm nhất, chỉ tại ngã ba này thôi đã tập trung 1,6 vạn người, phần lớn là bộ đội pháo binh và lực lượng TNXP..."
Ðó là những gì chúng tôi đọc được trong Bảo tàng TNXP đặt ngay tại Ngã Ba Ðồng Lộc. Lúc này, cả ngã ba chìm ngập trong mưa, một cơn mưa rất lớn, dấu hiệu của :"..dễ năm nay miền Trung lãi ngập chìm trong nước.."như mọi người bảo nhau. Tuy nhiên, cơn mưa lớn đó không ngăn được dòng người đổ về Ngã ba Ðồng Lộc, chúng tôi có thể thấy hàng loạt ô tô vẫn nối đuôi nhau dừng lại ở trước cửa viện Bảo tàng. Trong tất cả những người đến đây hôm nay, hơn một nửa còn rất trẻ, có lẽ họ giống chúng tôi, những đứa con sinh ra sau chiến tranh nhưng vẫn muốn đi tìm, vẫn muốn biết về một thời kỳ oanh liệt mà cha ông chúng ta đã trải qua.
Trong viện Bảo tàng có một căn phòng dành riêng cho 10 cô gái TNXP ở Ngã ba Ðồng Lộc và đây cũng là phần quan trọng nhất của bảo tàng. 10 cô gái đó là những chiến sĩ thuộc Tiểu đội 4, Ðại đội 2 Tổng đội TNXP 55 của tỉnh Hà Tĩnh do tiểu đội trưởng Võ Thị Tần chỉ huy. Tuổi đời các cô đều còn rất trẻ, chỉ trên dưới 20, ngoài tiểu đội trưởng Võ Thị Tần thì chưa ai có người yêu. Người trẻ nhất tiểu đội là Võ Thị Hà, lúc đôi mắt khép lại Hà mới tròn 17 tuổi.
Các cô gái TNXP này đã có mặt tại Ngã ba Ðồng Lộc vào những ngày ác liệt nhất. Thường thì mọi hoạt động ở Ngã ba Ðồng Lộc đều diễn ra về đêm, ban ngày để mặc cho máy bay Mỹ bắn phá. Nhưng đêm ngày 23/7/1968 có lệnh đặc biệt phải thông đường. Nhận được lệnh của Ðại đội, 10 cô gái TNXP đã ra ngã ba giữa ban ngày với cuốc xẻng trên vai. Ra ngã ba giữa ban ngày làm nhiệm vụ, chỉ có mấy chiếc hầm sơ sài ở chân đồi che chở, mạng sống chỉ hoàn toàn trông chờ vào sự may mắn. Ðúng như dự đoán, sau mấy lần máy bay trinh sát điện tử A35 rẹt qua, buổi chiều hôm ấy 15 lần các tốp máy bay lao tới trút bom vào mục tiêu nhỏ xíu phía dưới ngã ba mù mịt vì khói bom, 3 lần tiểu đội các cô bị bom vùi, nhưng sau đó các cô lại rũ đất đứng lên tiếp tục công việc. Nhưng đến lượt bom thứ 15 ấy, lúc công việc đang dở dang, một quả bom rơi ngay trước cửa hầm của họ. Một phút trôi qua...rồi năm phút trôi qua, trên đài quan sát không thấy ai trong số mười cô rũ đất đứng dậy. Cả trận địa lặng đi rồi òa lên tiếng khóc nức nở của những người đồng đội. Các cô đã hy sinh rồi!...
Khi nghe kể đến đây, những người có mặt trong viện Bảo tàng đều rưng rưng nước mắt. Nhưng mọi người thực sự òa lên khóc khi nghe người hướng dẫn viên kể chuyện về cái chết của tiểu đội phó Hồ Thị Cúc. Sau hơn hai tiếng đồng hồ, đồng đội đã đào đất tìm được xác chín người, đặt lên 9 cái cáng xếp hàng ngang, chỉ riêng có Hồ Thị Cúc là vẫn chưa tìm được. Cả mặt trận quyết tâm phải tìm bằng được Cúc bởi mười cô gái đã cùng chiến đấu bên nhau, gắn bó thân thiết với nhau như chị em một nhà, nên mọi người quyết định phải tìm bằng được Cúc rồi mới tổ chức an táng cho các cô. Nhưng 2 tiếng, 3 tiếng...và đến hết ngày hôm đó, đồng đội vẫn chưa tìm được Cúc. Ðồng đội bật khóc, nhà thơ Yến Thanh đã viết thành một bài thơ:

Cúc ơi!

Tiểu đội đã xếp một hàng ngang
Cúc ơi em ở đâu không về tập hợp?
Chín bạn đã quây quần đủ hết
Nhỏ-Xuân-Hà-Hường-Hợi-Rạng-Xuân- Xanh
A trưởng Võ Thị Tần điểm danh
Chỉ thiếu mình em
(Chín bỏ làm mười răng được!)

Bọn anh đã bới tìm vết cuốc
Ðất sâu bao nhiêu bọn anh không cần
Chỉ sợ em đau nên nhát cuốc chùng
Cúc ơi! Em ở đâu?
Ðất nâu lạnh lắm
Da em xanh
Áo em thì mỏng!
Cúc ơi! Em ở đâu?
Về với bọn anh tắm nước sông Ngàn Phố
Ăn quýt đỏ Sơn Bằng
Chăn trâu cắt cỏ
Bài toán lớp Năm em còn chưa nhớ
Gối còn thêu dở
Cơm chiều chưa ăn

Ở đâu hỡi Cúc
Đồng đội tìm em
Đũa găm, cơm úp
Gọi em
Gào em
Khan cổ cả rồi
Cúc ơi!

Phải chăng hương hồn cô Cúc linh thiêng đã nghe được lời đồng đội. Ba ngày sau, đồng đội tìm thấy thi thể cô nằm sâu trong lòng đất đá, đầu vẫn đội nón, vai vác cái cuốc, các đầu ngón tay đều thâm tím. Mọi người bảo rằng cô đã cố gắng bới đất chui lên nhưng hầm sâu quá... Cuối cùng thì các cô cũng lại được quây quần cùng nhau dưới lòng đất mẹ, khu mộ của các cô đặt dưới một ngọn đồi thoai thoải, cách tượng đài chiến thắng 200 mét.
....Trời vẫn mưa như trút nước. Hương không thể cháy. Dù không thể thắp nén hương lên mộ của mười cô gái, nhưng tất cả mọi người đều mong cho hương hồn các cô được yên nghỉ ngon giấc nơi đây. Tên tuổi của các cô sẽ mãi mãi sống cùng với Ngã ba Đồng Lộc!
Nguồn: http://ngabadongloc.org.vn/media/?url=detail&id=80 






 





 
Xem tiếp...