Thứ Tư, 1 tháng 6, 2016

BÍ ẨN ĐƯỜNG ĐỜI 63

(ĐC sưu tầm trên NET)

Những tuyên bố “nổ tung trời” của tỷ phú Mỹ Donald Trump


VOV.VN - Xuất hiện hào nhoáng tại tháp Trump trong lễ công bố tranh cử Tổng thống Mỹ ngày 16/6, tỷ phú Donand Trump lại có những phát ngôn “gây sốc”.

Theo Yahoo News, trong cương lĩnh tranh cửa của mình, ông Trump ba hoa về sự giàu khó đến mức khó tin của mình cũng như khả năng đưa nước Mỹ trở lại ánh hào quang vĩ đại trong quá khứ.
Nhung tuyen bo no tung troi cua ty phu My Donald Trump hinh anh 1
Tỷ phú Mỹ Donald Trump với những tuyên bố hùng hồn trong lễ tuyên bố tranh cử Tổng thống Mỹ (Ảnh AP)
Ngoài ra, ông Trump cũng không quên chọc giận mọi người, kể cả Tổng thống Mỹ, các đối thủ của Đảng Cộng hòa và thậm chí là cả người Mexico.
“Trên thực tế, giấc mơ Mỹ đã chết hẳn rồi- nhưng nếu tôi chiến thắng, tôi sẽ đưa giấc mơ ấy trở lại một cách tốt đẹp nhất từ trước tới nay”, ông Trump nói trong tâm trạng cực kỳ phấn kích.
Yahoo News đã trích dẫn một số câu nói đáng nhớ của ông Trump trong chiến dịch tranh cử mình:
“Tôi sẽ là Tổng thống Mỹ vĩ đại nhất trong lịch sử”
Ông Donald Trump đã tự tin khẳng định như vậy dù cuộc đua vào chiếc ghế Tổng thống Mỹ vẫn chưa diễn ra.
Theo ông Trump, vấn đề thất nghiệp của Mỹ là rất đáng quan tâm và con số thực tế là từ 18-21% chứ không phải là chỉ 5,6 % do Chính phủ Mỹ công bố.
Ông Trump cho rằng, tỉ lệ người Mỹ có việc làm đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1978 và cam kết sẽ giành lại việc làm ở Trung Quốc và Mexico về cho người Mỹ bằng cách áp thuế cực nặng cho hàng hóa được đưa ra khỏi biên giới Mỹ.
“Chương trình phúc lợi xã hội tốt nhất cho người dân chính là đem lại việc làm cho họ”, ông Trump nói.
“Xây tường bao quanh biên giới Mỹ- Mexico”
Ông Trump cho biết, nếu thắng cử Tổng thống, ông sẽ cho xây dựng “Bức Vạn lý trường thành” dọc biên giới phía Nam nước Mỹ để ngăn chặn người Mexico nhập cư bất hợp pháp sang Mỹ và “đem theo quá nhiều vấn đề”.
Quan trọng hơn, theo ông Trump, ông sẽ bắt Mexcio phải trả tiền cho việc xây dựng này.
“Họ [người Mexcio] vận chuyển ma túy sang Mỹ, họ gây án ở Mỹ. Dù một vài người trong số họ là người tốt nhưng những nhân viên hải quan mà tôi có dịp trao đổi đều nói về những vấn đề nghiêm trọng mà họ gây ra”.
“Mỹ giờ đây đã biến thành bãi rác thải cho mọi nước khác”, ông Trump nói.
Về tự do thương mại: “Mỹ là những gã khờ”
Ông Trump khẳng định ông ủng hộ việc làm ăn với Trung Quốc nhưng đề xuất Mỹ sẽ đánh thuế việc Trung Quốc cố tình hạ giá đồng Nhân dân tệ nước này.
Nhung tuyen bo no tung troi cua ty phu My Donald TRump
Ông Donald Trump trong lễ tuyên bố tranh cử Tổng thống Mỹ (Ảnh AP)
Theo ông Trump, lãnh đạo Trung Quốc “khôn hơn” các đối tác Mỹ và thường lợi dụng những kẽ hở để giành lấy những lợi thế không công bằng cho Trung Quốc.
“Điều đó như thể họ chọn đội New England Patriots [một đội bóng bầu dục chuyên nghiệp hàng đầu của Mỹ] và cầu thủ Tom Brady [cầu thủ ngôi sao của giải bóng bầu dục Mỹ] để chơi cho trường trung học của họ. Đó chính là sự khác biệt giữa lãnh đạo của Trung Quốc và lãnh đạo của Mỹ”, ông Trump nói.
“Chúng ta có mọi con bài trong tay nhưng lãnh đạo Mỹ không hiểu điều này”, ông Trump khẳng định.
Về giáo dục: Mỹ cũng chả khá hơn
Ông Trump đã lên tiếng chỉ trích ngân sách và chất lượng giáo dục tại Mỹ. Tuy nhiên, ông không tiết lộ mình sẽ làm gì để cải thiện tình hình.
“Chính phủ Mỹ không muốn chi tiền cho giáo dục như các nước khác đã làm. Nền giáo dục Mỹ giờ đã xuống thứ 26 trên thế giới. Điều đó có nghĩa là có tới 25 nước đứng trên chúng ta, trong đó có một số nước thuộc Thế giới thứ 3”, ông Trump nói.
Luật chăm sóc y tế: “Cú lừa vĩ đại”
Ông Trump cho rằng, chương trình chăm sóc y tế Obamacare là “sự lừa dối vĩ đại” và cần phải thay thế bằng “một thứ gì đó ưu việt hơn” trong khi rẻ hpn nhiều”.
Tỷ phú Trump chi phí cho việc xây dựng trang web của chương trình chăm sóc y tế Obamacare, vốn mắc phải quá nhiều sơ suất ngay từ khi được công bố.
“Chúng ta đã chi cho trang web này 5 tỷ USD mà nó không hoạt động. Tôi có rất nhiều trang web ở rất nhiều lĩnh vực và tôi đều thuê người khác làm, việc này chỉ tốn 3 USD”, ông Trump khẳng định.
“Mỹ không có kế hoạch gì về an ninh quốc gia”
“Iran đang tiến đến việc phát triển vũ khí hạt nhân. Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh quân sự của mình. Tại Benghazi, những kẻ khủng bố đã giết hại các nhà ngoại giao Mỹ mà không phải chịu sự trừng phạt nào. Iran và IS đang chiếm đóng hầu khắp các khu vực ở Trung Đông… Vậy mà Tổng thống Mỹ lại không có kế hoạch gì”, ông Trump tuyên bố.
“Mỹ chỉ là thằng hề của cả thế giới”
“Nước Mỹ đang lâm vào tình trạng cực kỳ nghiêm trọng. Không ai tôn trọng chúng ta cả. Chúng ta là nơi để cả thế giới cười vào mặt”, ông Trump nói.
Nhung tuyen bo no tung troi cua ty phu My Donald Trump hinh anh 3
Những người ủng hộ Donald Trump xuất hiện trước lễ công bố tranh cử Tổng thống Mỹ của ông (Ảnh Reuters)
Theo ông Trump, Mỹ cần một Tổng thống biết “xây dựng thương hiệu cho nước Mỹ” và khiến Mỹ trở lại vĩ đại như trước.
“Mỹ cần một nhà lãnh đạo thực thụ và đó là nhà lãnh đạo đã viết ra những cuốn sách kiểu như “Nghệ thuật đàm phán trong kinh doanh [cuốn sách về kinh doanh mà ông Trump viết năm 1987]”, ông Trump nhấn mạnh./.
Trần Khánh/VOV.VN

Donald trump quái đến mức nào? 

28/05/2016 10:50 GMT+7
    TTO - Tỉ phú Donald Trump đã chính thức trở thành ứng viên của Đảng Cộng hòa cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng sau khi đạt đủ số phiếu đại biểu cần thiết. Nhiều tháng trước không ai có thể nghĩ chuyện này là sự thật. 
    ​Donald trump quái đến mức nào? 
    Những người ủng hộ ông Trump ở Billings, bang Montana ngày 26-5 - Ảnh: Reuters
    Kỳ 1: Người giỏi công kích đối thủ
    Tiến sĩ Terry F. Buss (viện sĩ Học viện Hành chính quốc gia Mỹ) thử giải mã cuộc đua đầy thú vị lần này.
    Nhiều cử tri, đặc biệt là tầng lớp lao động Mỹ, không thích Đảng Cộng hòa bởi lãnh đạo đảng này có truyền thống hứa hẹn trên trời dưới biển, miễn sao có được phiếu bầu rồi khi thành công lại thất hứa ngay.
    Không chỉ không giữ lời hứa mà họ còn không dám đối đầu với Tổng thống Barack Obama và lãnh đạo phe Dân chủ.
    Trong mắt người dân, các nghị sĩ Đảng Cộng hòa chỉ là những người thích ngồi ì trong phòng làm việc mà chẳng thể thực hiện được những gì mình đã hứa với cử tri, hoặc đơn giản là thực hiện nghĩa vụ của đảng mình.
    Tỉ phú Donald Trump hiểu rõ điều này ngay từ đầu và hơn ai hết ông đã khai thác triệt để, kết cục là dồn các ứng cử viên khác vào thế 
phòng thủ.
    Đúng là nhiều lãnh đạo quốc tế ngạc nhiên khi tôi thành công vì nhiều quốc gia trên hành tinh tươi đẹp này đang hoàn toàn lợi dụng nước Mỹ chúng ta
    Donald Trump 
đáp trả Tổng thống Barack Obama khi ông kể nhiều lãnh đạo quốc tế ngạc nhiên về hiện tượng Donald Trump
    Dân ngán chuyện hứa hão
    Lý do chính đầu tiên, khá dễ nhận thấy giúp mang lại chiến thắng cho ông Trump là tại các vòng bỏ phiếu sơ bộ của Đảng Cộng hòa và cả Đảng Xã hội chỉ thu hút số lượng cử tri khá ít ỏi.
    Chính vì vậy, số lượng rất ít cử tri tích cực đó đã trở thành người quyết định ai sẽ là ứng cử viên đại diện cho đảng mình. Những cử tri bỏ phiếu ủng hộ ông Trump là những người vô cùng nhiệt huyết. Thêm vào đó là thành công của nhân vật này trong việc thu hút thêm những người ủng hộ mới.
    Trong các phát biểu tranh cử, Donald Trump luôn chỉ nhắc đến các vấn đề chính sách một cách rất mơ hồ. Phần còn lại chủ yếu dồn trọng tâm vào các công kích cá nhân chống lại 16 đối thủ khác cùng đảng.
    Phe Cộng hòa bắt đầu chiến dịch với 17 ứng cử viên. Họ đều không bỏ qua bất kỳ cơ hội nào để công kích, đấu đá lẫn nhau. Từ trước đến giờ, chưa có ứng cử viên nào áp dụng chiến lược này. Và kết quả là tỉ phú Trump đã hoàn toàn đẩy các đối phương vào thế bất ngờ và loại bỏ được tất cả họ một cách có hệ thống.
    Việc sẵn sàng phát ngôn về bất kỳ một vấn đề gì của ông Trump có vẻ rất thành công trong việc thu hút được nhóm cử tri không bị ảnh hưởng quyền lợi.
    Nhiều người cho rằng dù những phát biểu của ông Trump thường gây tranh cãi nhưng ít nhất ông cũng là người duy nhất dám nói ra những điều đó.
    Bất chấp những công kích mô tả ông Trump là “kẻ đạo đức giả”, “kẻ dối trá”, những người ủng hộ ông lại nhìn thấy điều đó là dấu hiệu của sự trung thực!
    Thông lệ của các cuộc vận động tranh cử là những lời hứa và hứa, nhưng nếu có một đánh giá toàn diện cả về mặt định tính và định lượng về việc thực hiện những lời hứa đó thì chắc chắn kết quả thu về không phải là điều người dân đã trông đợi. Rất nhiều người đã thật sự mệt mỏi và không còn quan tâm đến các lời hứa hẹn của các chính trị gia nữa.
    Donald Trump trở thành một hiện tượng bởi ứng cử viên này đi ngược lại tất cả những thông lệ từ trước đến nay. Người dân mong mỏi một làn gió mới, một sự thay đổi.
    Và những người ủng hộ Donald Trump coi ứng viên này là hi vọng cho sự thay đổi đó. Còn thực tế sự thay đổi đó sẽ tốt hơn hay không, chỉ tương lai mới cho câu trả lời chính xác.
    Vai trò của truyền thông
    Một yếu tố nữa không thể không nhắc đến trong chiến dịch tranh cử của ông Trump chính là truyền thông trong vai trò chất xúc tác. Có thể thấy giới truyền thông Mỹ, đặc biệt là các kênh truyền hình cáp, đã bỏ túi một nguồn doanh thu lớn từ các chương trình về tỉ phú Donald Trump.
    Chính vì vậy, giới truyền thông luôn hoan nghênh các cuộc công kích của nhân vật tỉ phú ưa có những phát ngôn mạnh miệng.
    Các bản tin, chương trình về Donald Trump đã kéo các đối thủ vào vòng xoáy này và buộc họ phải ứng phó. Tỉ phú Trump chỉ tốn rất ít tiền và công sức vào các cuộc công kích của mình, trong khi các đối thủ của ông lại phải chi tiêu một khoản rất lớn chỉ để... tự vệ.
    Tuy nhiên ngay từ đầu, hầu hết đối thủ của Donald Trump đều cảm thấy e sợ khi phải đấu đá với ông ta và điều đó tự nhiên đã khiến nhà tỉ phú bất động sản trở nên gần như “bất khả chiến bại”.
    Truyền thông trong cơn bão kinh doanh đã trở thành trợ thủ cho Donald Trump. Các ứng cử viên sáng giá bên Đảng Cộng hòa như Jeb Bush, Marco Rubio và Ted Cruz đều cho rằng giới truyền thông đưa hầu như đầy đủ những bình luận ác ý của Trump về các đối thủ.
    Rõ ràng truyền thông Mỹ đã cố ý chơi trò “triệt tiêu uy tín” để loại bỏ các đối thủ cạnh tranh với Donald Trump. Và cũng rõ ràng là truyền thông Mỹ chỉ mong muốn một cuộc đấu tay đôi giữa ông Trump và bà Hillary Clinton.
    Hiểu rõ đối thủ
    Ngay từ đầu chiến dịch tranh cử, Donald Trump đã luôn đối đầu với các lãnh đạo Đảng Cộng hòa, cũng chính là những người đại diện các tập đoàn kinh doanh lớn và các triệu phú có tư tưởng bảo thủ.
    Trớ trêu thay, Donald Trump cũng là một ông trùm tài chính kiểu như vậy. Và điều đó lại giúp ông Trump có thể tuyên bố rằng ông chính là người cần được lựa chọn, bởi hơn ai hết ông hiểu rõ các đối thủ nặng ký của mình và vì vậy có thể loại bỏ được họ.
    Có một thực tế là lãnh đạo Đảng Cộng hòa đã không lường được các bước đi của Donald Trump. Phe Cộng hòa luôn tin rằng chiến dịch của nhân vật này sớm muộn rồi cũng đến hồi kết.
    Cho đến khi họ nhận thấy khả năng chiến thắng của ứng viên này hoàn toàn có thể thì mọi việc đã quá muộn.
    Kết cục là phe chống Trump đã tốn đến hàng triệu USD còn Trump thì ngày càng mạnh hơn. Cho đến giờ phút này, những nhà tài trợ chính của chiến dịch đã ngừng cấp vốn và chuyển sang ủng hộ các ứng cử viên ở cấp thấp hơn.
    Trong khi đó, với tỉ phú Trump, nguồn tài sản kếch sù của ông luôn là nền tảng tài chính vững chắc cho cuộc tranh cử của bản thân.
    Cho đến nay, tỉ phú Trump hoàn toàn không cần phải thực hiện một hoạt động gây quỹ nào, và để tiếp tục cuộc đua ông cũng không cần phải làm như vậy.
    Điều đó có nghĩa là trong suốt chặng đường dài tiến vào Nhà Trắng, Donald Trump không phải nợ bất kỳ ai một ân tình hay lời hứa hẹn nào cả.
    Những người ủng hộ Donald Trump tin rằng các quyết định của ông sẽ không bị bao phủ bởi đám mây lợi ích của các nhóm vận động hành lang. Rất hiếm ứng cử viên có thể làm được điều này.
    Chiến dịch tranh cử là sự tổng hòa của chiến lược gây bất ngờ, sự hậu thuẫn đắc lực của truyền thông và viễn cảnh thay đổi cho những người dân đang quá mệt mỏi với những lời hứa suông - những yếu tố này mở ra chặng tiếp theo của cuộc đua vào Nhà Trắng cho ông trùm bất động sản Donald Trump.
    Tiến sĩ TERRY F. BUSS
    Ngày 26-5, tỉ phú Donald Trump đã giành đủ số phiếu đại biểu cần thiết (1.238 phiếu, tức hơn một phiếu so với mức quy định) để chắc chắn được Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa vào tháng 7 chọn làm ứng cử viên đại diện đảng này tranh cử vào Nhà Trắng đầu tháng 11 tới.
    Bên Đảng Dân chủ, hiện bà Hillary Clinton đang có tổng cộng 2.305 phiếu đại biểu, vượt xa con số 1.539 phiếu của đối thủ Bernie Sanders. Nếu không có bất ngờ, bà Hillary cũng sẽ sớm giành đủ 2.383 phiếu đại biểu theo luật định để trở thành ứng cử viên của Đảng Dân chủ trong cuộc đua tháng 11.
    __________



    Donald Trump quái đến mức nào? - Kỳ 2:

    Donald Trump: Hồn Dân chủ, da Cộng hòa

    29/05/2016 10:30 GMT+7
      TTO - Lập trường về những chính sách của Donald Trump khá uyển chuyển. Ông dễ dàng đảo ngược quan điểm khi có nhiều áp lực tác động. 
      Donald Trump: Hồn Dân chủ, da Cộng hòa
      Người Mỹ gốc Mễ giương biểu ngữ ủng hộ Trump tại một buổi tập hợp ở California ngày 25-5 - Ảnh: Reuters

      "Nghe đọc bài Donald Trump: Hồn Dân chủ, da Cộng hòa"
      Điều đặc biệt là mặc dù ông đang tranh cử bên Đảng Cộng hòa nhưng các chính sách của ông lại trái ngược với đường lối của đảng này. Chúng giống với những chương trình nghị sự của Đảng Dân chủ hơn.
      Làm thế nào để ông Trump có thể trở thành tổng thống với những lập trường chính sách đối lập như vậy? Câu trả lời ngắn gọn là cuộc bầu cử năm nay không phải là về những chính sách hay các vấn đề tồn đọng ở Mỹ, mà là về khả năng lãnh đạo.
      Cuộc đua năm nay có nhiều điểm nổi bật như chính sách tiên tiến của bà Hillary Clinton, quan điểm xã hội của ông Bernie Sanders, và vị thế trung dung của ông Trump.
      Thế nhưng, người dân Mỹ không quan tâm mấy đến những chính sách quốc gia. Điều họ cần trước nhất là một người có khả năng lãnh đạo giỏi.
      Do thấy tiến trình đề cử ứng viên của bên Dân chủ hoàn toàn dối trá, rồi thì cái bà Hillary gian dối cùng bà chủ tịch đảng Debbie Wasserman-Schultz không cho phép Bernie Sanders giành chiến thắng và cũng do thấy nay tôi đã trở thành ứng viên của bên Đảng Cộng hòa nên tôi thấy không nên tranh luận với ứng viên hạng hai.
      Tỉ phú Donald Trump tối 27-5 lại chọc ngoáy các ứng viên đối thủ lẫn Đảng Dân chủ khi tuyên bố từ chối cuộc tranh luận dự kiến trực tiếp trên truyền hình với ứng viên Bernie Sanders bên Đảng Dân chủ
      Quan điểm thay đổi xoành xoạch
      Chúng ta hãy cùng xem xét cách thay đổi quan điểm của ông Trump trong quá trình tranh cử.
      Thứ nhất là chính sách đối với người Hồi giáo. Ông Trump tuyên bố nếu đắc cử sẽ cấm tất cả người Hồi giáo đặt chân vào lãnh thổ Mỹ cho đến khi Quốc hội giải quyết xong nạn khủng bố.
      Tuy nhiên, sau đó ông lại hạ nhiệt bằng tuyên bố những công dân Mỹ theo đạo Hồi được phép xuất nhập cảnh một cách tự do. Tiếp theo đó, ông mở rộng việc đi lại cho các chính khách và doanh nhân Hồi giáo. Cuối cùng thì ông chỉ ngăn cấm những người tị nạn Syria đi vào nước Mỹ!
      Ông Trump viết rất nhiều sách và trả lời phỏng vấn, trong đó nêu rõ quan điểm không đồng tình với vấn đề sở hữu vũ khí. Tuy nhiên, phe Cộng hòa lại ủng hộ quyền này như là một chính sách cốt yếu của đảng.
      Gần đây, ông Trump tham dự một hội nghị của Hiệp hội Súng trường quốc gia (NRA). Đây là nhóm vận động hành lang đầy thế lực cho chính sách sở hữu vũ khí ở Mỹ. Tại hội nghị này, ông Trump tuyên bố hết sức ủng hộ quyền sở hữu vũ khí và thậm chí bản thân mình cũng đang sở hữu súng!
      Đảng Cộng hòa xem thương mại quốc tế là một chính sách nòng cốt của mình. Tuy nhiên, ông Trump lại đồng quan điểm với bà Hillary Clinton và ông Bernie Sanders - hai ứng viên Đảng Dân chủ - rằng Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một quyết định sai lầm của Chính phủ Mỹ.
      Chưa kể Donald Trump là một bậc thầy trong việc tự giải thoát khỏi những rắc rối từ các phát ngôn gây sốc của mình. Khi bắt đầu tranh cử, ông đưa ra nhiều phát ngôn rất cực đoan.
      Ví dụ ông phản đối mạnh mẽ việc phá thai và sau đó tiếp tục nói rằng những phụ nữ phá thai cần phải bị trừng trị. Nhưng sau đó ông làm giảm chỉ trích của dư luận bằng việc nói rằng những phát biểu đó chỉ là “gợi ý” chứ không phải là “đề nghị”.
      Khi bị áp lực mạnh mẽ từ dư luận, ông Trump sử dụng một chiến thuật kinh điển mà tất cả các chính trị gia thường dùng là tuyên bố rằng những phát ngôn về các chính sách của mình chưa được đặt vào đúng bối cảnh xã hội!
      Chiến thuật đánh trả cuối cùng của ông Trump là công kích cá nhân để kéo dư luận ra khỏi những vấn đề về chính sách. Chẳng hạn như khi bà Clinton đề nghị cấm vũ khí, ông Trump biến nó thành “vấn đề của phụ nữ”, và nói rằng những người phụ nữ không có súng sẽ không thể bảo vệ bản thân khỏi kẻ xấu.
      Ông gọi bà Clinton là “Hillary nhẫn tâm” khiến dư luận và truyền thông tập trung vào bà Clinton thay vì vào vấn đề sở hữu vũ khí.
      Donald Trump có rất ít bài phát biểu về chính sách trong chiến dịch tranh cử. Ông thường chỉ việc đứng lên và thẳng thắn nói ra những suy nghĩ của mình - đây là một chiến thuật rất bất lợi đối với một chính trị gia.
      Trang web của ông đầy những phát ngôn ngắn gọn về các vấn đề nan giải của Mỹ và không có những giải pháp cụ thể nào. Vì lẽ đó, những ai hi vọng ông Trump sẽ đưa ra được những chính sách đúng đắn có lẽ sẽ bị thất vọng rất nhiều. Rất khó để phản đối những chính sách của ông Trump nếu bạn không hiểu rõ về chúng.
      Dân muốn lãnh đạo cứng rắn
      Kết quả tranh cử sơ bộ hoàn toàn khác những số liệu thăm dò dư luận. Trong kết quả thăm dò của NBC News/Wall Street Journal vừa công bố hôm 23-5, có đến 60% cử tri thấy lo lắng về sự thiếu kinh nghiệm của ông Trump trong vấn đề quân sự hoặc điều hành chính phủ. Vậy vì sao ông Trump vẫn được chọn?
      Dường như những người ủng hộ ông Trump đang khao khát một vị lãnh đạo mới có thể đảo ngược những chính sách thất bại của bà Clinton.
      Thay vì ủng hộ các chính sách “Lãnh đạo từ phía sau” hay “Ngoại giao mềm mỏng”, những người ủng hộ ông Trump mong muốn tổng thống sắp tới sẽ tái thiết lập vai trò lãnh đạo hàng đầu của Mỹ trên thế giới. Họ muốn một lãnh đạo có thể đương đầu với tất cả những khó khăn của Mỹ. Họ muốn khôi phục vị thế của Mỹ mà cả thế giới từng tôn sùng.
      Bên cạnh đó, họ cảm thấy các lãnh đạo chính trị hiện tại không còn lắng nghe họ nữa. Những người cầm quyền không tôn trọng những mong muốn và cũng không thấu hiểu những khó khăn của người dân. Những người ủng hộ nhìn thấy ở ông Trump hình ảnh một nhà lãnh đạo dám chống lại những thể chế trong các đảng phái, Quốc hội, tầng lớp đặc quyền về kinh tế và truyền thông.
      Sự tài tình của ông Trump ở chỗ biết cách lảng tránh chuyện hoạch định chính sách nhưng vẫn cho mọi người thấy mình là một nhà lãnh đạo có khả năng giải quyết mọi vấn đề.
      Dù đã 69 tuổi nhưng ông vẫn còn tràn đầy nhiệt huyết như đang ở tuổi 25. Những phát ngôn cực đoan trước công luận lại được những người ủng hộ xem như là thiện chí của ông trong việc dám bày tỏ sự thật. Những đả kích cá nhân đối với các ứng viên khác được nhìn nhận như sự dũng cảm.
      Ông Trump không bao giờ nói chuyện trước đám đông với bài diễn văn trên tay hay dùng máy nhắc chữ như các chính trị gia khác. Quan trọng hơn hết, ông Trump là một người có thể gây hoạt náo - điều mà các ứng viên chính trị khác không có được. Những người ủng hộ ông dễ dàng nhận thấy điều đó. Vì đóng vai trò là “người giúp vui” thay vì chính trị gia, ông Trump thường không bị chỉ trích nhiều về những hành vi hay phát ngôn cực đoan của mình.
      Những lợi thế nói trên giúp chúng ta hiểu rõ tại sao ông Trump lại được sự ủng hộ mạnh mẽ và rộng rãi, nhưng lại không được yêu thích cho lắm. Những người ủng hộ dường như phớt lờ các điểm yếu của ông vì những phẩm chất lãnh đạo tuyệt vời của ông đã làm lu mờ chúng.
      Tiến sĩ TERRY F. BUSS
      Con mắt tinh đời của người làm ăn
      Ông Trump tinh ý hơn bất kỳ chính trị gia nào khác, đã nhận thấy tiềm năng và cơ hội kết nối với những người bị bỏ rơi và không được lắng nghe. Dù là một tỉ phú nhưng ông Trump lại có rất nhiều người ủng hộ thuộc tầng lớp lao động.
      Lý do? Ông Trump tuyên bố sẽ dùng những kiến thức của người giàu để tạo lợi ích cho những người kém may mắn hơn. Chắc chắn không ai có thể đứng ra chống lại thể chế chính phủ tốt hơn một siêu tỉ phú như ông Trump.
      __________
      kỳ tới: Người tạo đổi thay chính trường Mỹ
      MINH NHIÊN chuyển ngữ
        DONALD TRUMP QUÁI ĐẾN MỨC NÀO? - KỲ 3:

        Donald Trump đang phá vỡ những rào cản

        30/05/2016 16:22 GMT+7
          TTO - Rất ít người có thể làm thay đổi cục diện chính trường Mỹ như Donald Trump. Ông ta đã và đang phá vỡ tất cả những rào cản truyền thống trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay.
          Donald Trump đang phá vỡ những rào cản
          Những người ủng hộ ông Trump ở Billings, bang Montana ngày 26-5 - Ảnh: Reuters
          Donald Trump là một nhà đầu tư và không có bất kỳ 
kinh nghiệm nào về chính trị hay hoạch định chính sách.
          Ông lại chẳng thèm quảng bá hình ảnh bản thân trên truyền hình trong giai đoạn vận động tranh cử như các ứng viên đối thủ, nhưng lại nhận được gần 1 tỉ USD từ quảng cáo trên đó.
          Ông cũng không có bất kỳ tổ chức chính trị nào chống lưng trong khi bà Clinton sở hữu một dàn nhân viên hùng hậu gần 800 người làm việc cho các chiến dịch vận động của mình.
          Tỉ phú Trump cũng có thói quen không chuẩn bị những bài diễn văn trịnh trọng và sáo rỗng, mà trái lại phát biểu một cách tự phát, đôi khi kéo dài hàng giờ liền.
          Đặc biệt hơn nữa, ông cũng không tham khảo bất kỳ tài liệu hoạch định chính sách nào. Dù vậy, cho đến lúc này, ông Trump có nhiều khả năng sẽ trở thành vị tổng thống kế nhiệm ông Barack Obama.
          “Nhiều đề xuất ông ấy nêu ra chỉ cho thấy hoặc ông ấy chẳng biết gì về các vấn đề của thế giới hoặc chỉ là chuyện hời hợt
          Tổng thống Barack Obama bình luận từ Nhật khi dự hội nghị G7
          Lo giữ ghế nên mất cử tri
          Nhiều người theo Đảng Cộng hòa, đặc biệt là tầng lớp lao động, mất niềm tin rất lớn vào đảng của mình vì trong vòng 10 năm qua, các nhà lãnh đạo đã không thực hiện được những cam kết với người dân như đã hứa hẹn trước khi đắc cử.
          Họ thường bị chỉ trích vì chỉ lo tập trung giữ ghế đang ngồi mà quên lo cho cử tri hoặc không tuân thủ và thực hiện đường lối mà Đảng Cộng hòa đã đề ra.
          Ở thời điểm hiện nay, nhiều nhóm cử tri bao gồm tầng lớp lao động, nam giới, da trắng, tầng lớp tri thức thấp, và những người Công giáo cảm thấy đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế trong khi không ai chịu lắng nghe họ, đặc biệt là giới cầm quyền Đảng Cộng hòa và ông Obama. Nhiều người cảm thấy bản thân mình đang bị tước đi những quyền lợi cơ bản của một công dân.
          Cuộc khảo sát Rand năm nay cho thấy 87% số người chọn ủng hộ ông Trump thể hiện sự bất bình vì họ không có tiếng nói nào về mặt chính trị.
          Kết quả khảo sát của Viện nghiên cứu Pew cũng cho thấy 50% những người theo ông Trump bất bình với chính quyền hiện tại.
          Nhiều người nghĩ rằng chính phủ đang chống lại họ. Những chiến dịch tranh cử của ông Trump vì thế đều dựa trên tiền đề là ban lãnh đạo Đảng Cộng hòa đang lừa dối người ủng hộ khiến họ quay lưng lại với các “ứng viên chính thống” của Cộng hòa.
          Ông Trump là một tỉ phú về bất động sản nên hơn ai hết, ông hiểu rất rõ tình trạng bệ rạc của nền kinh tế Mỹ.
          Dưới con mắt của nhiều người, ông là một người xấc xược, thô lỗ, hung hăng và thù dai. Thế nhưng ông biết cách biến hóa những nhược điểm của bản thân thành một vũ khí lợi hại trong việc đánh bóng hình ảnh của mình như một người “dám nói, dám làm” và không dễ dàng bị mua chuộc, bị tác động từ giới chính trị.
          Nhiều người căm ghét tác phong, thái độ, cũng như cách hành xử của ông Trump. Tuy nhiên, họ lại cảm thấy ông là một ứng viên phù hợp để giải quyết những vấn đề “xương xẩu” của Mỹ như về những thành viên Hồi giáo cực đoan, sự hung hăng của Bình Nhưỡng, hoặc phái cứng rắn ở Iran...
          Tầng lớp trí thức Mỹ cảm thấy việc ông Trump ra ứng cử là một sự sỉ nhục kinh khủng đối với nước Mỹ.
          Tuy nhiên, những người ủng hộ lại xem ông như là một nhà lãnh đạo chính trị thực thụ. Một số còn xem ông như là Đấng cứu rỗi! Đến thời điểm này, có thể nói ông Trump là một nhân vật được rất nhiều cử tri sùng bái.
          Được cả Cộng hòa lẫn Dân chủ
          Từ những ngày đầu của cuộc bầu cử sơ bộ 2016, những nhân vật tầm cỡ của Đảng Cộng hòa đã nhận thấy ông Trump là một hiểm họa đối với họ.
          Chính sách thì kiểu Dân chủ, phong cách lại kiểu “dân chơi” nên nếu ông Trump lấy đủ phiếu thì sẽ là một sự sỉ nhục đối với Đảng Cộng hòa, thậm chí dễ thất bại trước đối thủ bên Dân chủ trong cuộc so găng chính thức tháng 11 tới.
          Thế rồi mọi nỗ lực của các “ông trùm” trong Đảng Cộng hòa nhằm gạt bỏ Donald Trump khỏi cuộc đua đều thất bại và dường như càng làm cho vị tỉ phú khác thường này trở nên mạnh hơn. Gió đã xoay chiều nhanh chóng.
          Ủy ban quốc gia Đảng Cộng hòa đầy quyền lực đã đồng ý giúp ông Trump gây quỹ 1 tỉ USD để đánh bại bà Clinton.
          Và đáng ngạc nhiên khi hàng tá những nhà bình luận, kênh truyền hình và báo giới theo Cộng hòa từng kịch liệt phản đối ông Trump thì bây giờ quay sang sát cánh cùng ông.
          Theo cuộc thăm dò tháng 5-2016 của Gallup, 64% những người theo Đảng Cộng hòa ủng hộ ông Trump, trong khi kết quả thăm dò trước đó cho thấy con số này chỉ khoảng 20%.
          Trớ trêu hơn nữa là khảo sát ở những người đăng ký đi bỏ phiếu cho thấy 59% tin rằng ông Trump sẽ là một vị tổng thống tồi tệ nếu đắc cử! Vấn đề là họ không ủng hộ chính quyền của tổng thống đương nhiệm Obama hay bà Clinton mà họ cho là kiểu “Obama 2.0”.
          Vì vậy, mặc dù ông Trump có nhiều thiếu sót, họ thà bầu ông làm tổng thống hơn là phải gánh chịu bốn hay tám năm nữa của bà Clinton, nếu bà đắc cử. Có một câu nói vui của những người bỏ phiếu cho ông Trump là “bịt mũi” mà bầu cho ông.
          Bên Đảng Dân chủ từng rất mong ông Trump sẽ đại diện cho phía Cộng hòa vì nghĩ rằng bà Clinton sẽ dễ dàng đánh bại ông vào tháng 11 tới. Nhưng có lẽ những nhận định ban đầu đó là quá chủ quan vì theo kết quả khảo sát gần đây của Viện Pew, bà Clinton chỉ nhỉnh hơn ông Trump 2%.



          Bầu cử Mỹ liệu sẽ có đảng thứ ba?

          31/05/2016 11:17 GMT+7
            TTO - Nhiều đảng thứ ba có thể được lập ra khi mà cử tri của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa không mấy mặn mà với những ứng cử viên của mình. 
            Bầu cử Mỹ liệu sẽ có đảng thứ ba?
            Ứng viên Gary Johnson nói chuyện với báo giới sau khi được Đảng Tự do đề cử tại đại hội tổ chức ở Orlando, bang Florida, ngày 29-5 - Ảnh: Reuters
            Đàn ông là đàn ông, đàn bà là đàn bà. Thật nực cười khi chính quyền buộc chúng ta tuân thủ theo chỉ thị mới về chuyện giới tính
            Donald Trump chỉ trích chỉ thị của chính quyền Obama yêu cầu các trường công lập để cho học sinh chuyển giới tự chọn nhà vệ sinh theo giới tính
            Điều này thậm chí từng được đề cập trong giai đoạn chạy đua tranh cử nhiều tháng qua.
            Nhiều thành viên của cánh tả và cánh hữu đang kêu gọi việc lập ra những ứng viên đảng thứ ba cho cuộc bầu cử chính thức vào tháng 11 tới.
            Những ứng cử viên này dù không có nhiều khả năng đắc cử, nhưng vẫn có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến các ứng viên chính thức của hai chính đảng lớn.
            Ai sẽ quấy rối?
            Hiện tại có ba ứng viên đang được vận động để thay thế cho tỉ phú Trump. Nhân vật đầu tiên là ông Mitt Romney, người từng bị đánh bại trong cuộc bầu cử với ông Barack Obama năm 2012.
            Ông Romney là một tỉ phú và đang nỗ lực liên kết với những đối tác khác nhằm thành lập một đảng thứ ba. Cho đến thời điểm này, ông vẫn chưa thành công nhưng cũng tạo được một vài sự bất ổn đối với ông Trump. Tuy nhiên, theo dự đoán, ông Romney không có nhiều khả năng thành công.
            Một ứng viên khác là ông Bill Kristol, con trai một trong những nhà sáng lập chủ nghĩa bảo thủ và là biên tập viên của tạp chí Weekly Standard rất nổi tiếng.
            Ông Kristol đang nỗ lực để hạ bệ ông Trump. Mặc dù ông gặp nhiều khó khăn trong việc chạy đua với ông Trump, nhưng các chiến dịch của ông cũng góp phần làm suy giảm hình ảnh của ông Trump. Ông Kristol cũng không có nhiều triển vọng thành công lắm cho chiếc ghế tổng thống Mỹ.
            Những cử tri không trung thành với Đảng Cộng hòa đang cố gắng kết hợp với những người thuộc Đảng Tự do.
            Nếu điều này xảy ra, ông Trump sẽ gặp nhiều khó khăn vào tháng 11. Để điều đó xảy ra, thành viên Đảng Tự do phải thay đổi chính sách của họ. Tuy nhiên, có rất ít khả năng họ sẽ làm điều đó, trừ khi có nhiều áp lực bên ngoài buộc như thế.
            Ông Bernie Sanders là thượng nghị sĩ tranh đua với bà Clinton trong đợt bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ.
            Ông là người theo chủ nghĩa xã hội và khá thành công trong việc chạy đua với bà Clinton. Ông Sanders đã giành thắng lợi ở 20 bang trong đợt bầu cử sơ bộ lần này và hiện tại có hàng triệu người ủng hộ.
            Mặc dù những người ủng hộ ông Sanders mong muốn ông tách khỏi Đảng Dân chủ và thực hiện chiến dịch tranh cử riêng cho mình.
            Tuy nhiên, điều này rất khó xảy ra vì ông quyết so kè với bà Clinton tận phút cuối nhằm đạt được những thỏa thuận về một vài chính sách mà ông đang theo đuổi.
            Một giải pháp khác là có thể đưa ông Sanders lên vị trí ứng viên phó tổng thống cho bà Clinton để nếu bà cựu ngoại trưởng đắc cử, ông Sanders có thể gây tác động lên những chính sách cần thiết.
            Ông Sanders đang có nhiều ảnh hưởng tích cực đối với Đảng Dân chủ bằng cách định hướng đảng theo cánh tả.
            Quấy rối và... thất bại
            Cuộc bầu cử năm nay được đánh giá là gây nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử nước Mỹ. Mặc dù khả năng thành lập một đảng thứ ba là thấp, nhưng điều này cũng từng xảy ra nhiều lần trong quá khứ.
            George Wallace là một minh chứng. Ông là người theo Đảng Dân chủ và là thống đốc bang Alabama. Ông được biết đến nhiều vì chủ trương chống lại các phong trào đòi nhân quyền trong thập niên 1960.
            Năm 1968, ông tách khỏi Đảng Dân chủ và thành lập Đảng Độc lập Hoa Kỳ. Đảng này đã giành được 13% số phiếu và thu hút 10 triệu cử tri. Dù ông thất bại trong nhiều cuộc tranh cử nhưng cũng tiến rất gần trong việc đánh bật Đảng Dân chủ.
            Ralph Nader là một nhà hoạt động môi trường và là người chống đối mạnh mẽ Đảng Dân chủ. Năm 2000 ông tách khỏi đảng mình và thành lập Đảng Xanh.
            Ông đã giành được một lượng phiếu khá lớn của các cử tri ở hai bang New Hampshire và Florida. Những thắng lợi của ông đã lấy đi nhiều lá phiếu của ứng cử viên Đảng Dân chủ Al Gore và vì thế giúp ông George W.Bush (Bush con) đắc cử năm đó.
            Một ví dụ khác là ông Patrick Buchanan, người từng phục vụ chính phủ thời Ronald Reagan và Gerald Ford. Ông là một nhà bình luận báo chí danh tiếng và từng chạy đua với ông George W.H.Bush (Bush cha) cho vị trí ứng viên Đảng Cộng hòa năm 1992.
            Ông thất bại vào năm đó và cả năm 1996. Ông thành lập Đảng Cách mạng năm 1998 nhằm đánh bại George W.Bush nhưng cũng không thành công.
            Ông Ross Perot - một tỉ phú trong ngành công nghệ thông tin - từng là một ứng cử viên độc lập và tranh cử với ông George H.W.Bush năm 1992. Trong cuộc bầu cử năm đó, ông Perot thật sự giành được nhiều sự ủng hộ hơn cả ông Bush và Bill Clinton.
            Tuy nhiên, ông Perot từ bỏ cuộc đua một cách bí ẩn để rồi sau đó tái xuất hiện. Ông Perot có lẽ đã gây ảnh hưởng không nhỏ đối với ông George H.W.Bush trong kỳ bầu cử năm 1992, và điều này giúp ông Bill Clinton đắc cử năm đó.
            Các ứng viên chính thống từng phải tiêu tốn rất nhiều vật lực và trí lực nhằm nhấn chìm các ứng viên của đảng thứ ba. Lịch sử cũng cho thấy không có đảng thứ ba nào từng giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống của Mỹ.
            Có một điều thú vị là các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang có sự tham gia của cả các tỉ phú - những người không dễ dàng để các đảng chính trị truyền thống kiểm soát mình. Nhiều người dự đoán trong tương lai, có lẽ thế lực kim tiền sẽ còn ảnh hưởng mạnh mẽ hơn nữa lên hệ thống bầu cử Mỹ.
            Ứng viên vì tự do
            Hôm 29-5, phong trào tự do ở Mỹ đã chỉ định ông Gary Johnson, 63 tuổi, làm ứng viên của đảng mình cho cuộc bầu cử tháng 11 tới. Ông Johnson là một triệu phú và từng làm thống đốc bang New Mexico.
            Theo RFI, ông Gary Johnson có ít khả năng thắng cử nhưng trong giai đoạn đầy rối ren hiện nay, ông hoàn toàn có thể "quấy rối" Donald Trump và Hillary Clinton.
            Ông sẽ đại diện cho đảng của mình với chương trình hành động tập trung vào sự tôn trọng tự do cá nhân. Thông tin cho thấy Đảng Tự do chống lại những điều mà họ gọi là “sự kiểm soát của quốc gia đối với cuộc sống người dân”.
            Xét trên bình diện chính trị, đảng này có tính “cực tả” về các vấn đề xã hội và có tính “cực hữu” về vấn đề kinh tế.
            Chính vì thế ứng viên Johnson sẽ tranh cử với chủ trương bảo vệ tự do hoàn toàn. Chẳng hạn ông chủ trương ủng hộ mọi kiểu hôn nhân, cho phép sử dụng cần sa và đồng tình với chính sách nhập cư rộng mở.
            Ông cũng hứa giảm thuế, giảm thiểu bộ máy hành chính để tránh gây phiền nhiễu người dân...
            Nhưng để có thể tham gia vào các cuộc tranh luận giữa các ứng viên tổng thống sắp tới, ông Johnson phải đạt được “chuẩn” có 15% cử tri có ý định bầu cho ông.
            Nhưng cho đến hiện nay, chỉ có mỗi một thăm dò về khả năng này và kết quả cho thấy ông Johnson chỉ đạt khoảng 10% ý định bầu và những người chọn ông chủ yếu từ phía cử tri tính chọn... Donald Trump!
            TÚ ANH
            ________________________________
            Kỳ tới: Những người phía sau Trump
            Tiến sĩ TERRY F. BUSS - MINH NHIÊN chuyển ngữ

            Không có nhận xét nào:

            Đăng nhận xét