Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2015

ĐÂU LÀ BIA MIỆNG? 12

 -Trăm năm bia đá thì mòn Ngàn năm bia miệng hãy còn trơ trơ!-Nhưng mấy ai thoát được sự cám dỗ của danh lợi - quyền lực?
-Và khi đã mù quáng về nhận thức mà lại còn khuếch trương quyền lực thì thật là đáng sợ! 

---------------------------------------
(ĐC sưu tầm trên NET)






Nhà văn Sơn Tùng: “Tâm linh” dẫn đường viết về Bác

P. Mai (Vietnam+) Bản in
“Chôn cất mẹ xong, Côn lại bế em về ngôi nhà hoang vắng… Côn không muốn đưa em đến ở nhà ai vì sợ người ta khó chịu vì sự có mặt của hai đứa trẻ mồ côi… Côn bế em vào lòng, tựa lưng vào bàn thờ mẹ nhìn đau đáu trong đêm…”

Đôi mắt ứa lệ, nhà văn Sơn Tùng không giấu được niềm xúc động khi nghe người khách trẻ đọc lại những trang văn “Búp sen xanh,” tác phẩm mà ông tâm đắc nhất viết về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Dành cả cuộc đời để xây dựng những tác phẩm văn học về đề tài Bác Hồ, ông được coi là nhà văn Việt Nam viết nhiều và thành công nhất về Người cho đến nay.

40 năm… một hành trình

Vừa trò chuyện vừa lấy khăn thấm mồ hôi trên gương mặt khô gầy, hằn in vết thời gian của nhà văn, bà Phan Hồng Mai, người bạn đời của nhà văn kể: “Vài năm gần đây, sức khỏe của ông ấy yếu đi nhiều, nói chuyện cũng rất khó. Thế nhưng, hễ có ai đến chơi, nhắc tới những câu chuyện về Bác là tâm trạng ông ấy lại phấn chấn hơn hẳn, đôi mắt sáng lên niềm vui.”

Những năm tháng quá khứ với quá trình tìm tư liệu để cho ra đời những áng văn về Bác như thước phim quay chậm mở ra trước mắt ông. Nhà văn đã thực hiện một cuộc hành trình dài để xây dựng một khối lượng tác phẩm phong phú về cuộc đời, sự nghiệp của Bác.

Ý tưởng tìm hiểu về Người lần đầu tiên đến với ông vào khoảng năm 1948. Khi ấy, người thanh niên Bùi Sơn Tùng đang công tác tại Tỉnh đoàn Thanh niên Lao động Nghệ An.

Trong thời gian đó, nhà văn đã nhiều lần được tiếp xúc với bà Nguyễn Thị Thanh [chị gái của Bác-PV] và ông Nguyễn Sinh Khiêm [anh trai của Bác] tại huyện Nam Đàn, Nghệ An. Chính những cuộc trò chuyện ấy đã cung cấp cho nhà văn nhiều tư liệu quý báu về gia phong của dòng họ Nguyễn Sinh cũng như những câu chuyện về gia cảnh, tuổi thơ… của Người.

Nhà văn Sơn Tùng kể, điều đọng lại trong ông sâu sắc nhất là lời dạy của cụ Nguyễn Sinh Sắc với các con từ thuở thiếu thời: Phải luôn coi “liêm sỉ” và “quốc sỉ” là hai điều căn bản nhất trong mọi hành động và suy nghĩ.

Tiếp sau đó, trên những chặng đường hành quân vào chiến trường, nhà văn tiếp tục lắng nghe, ghi chép những câu chuyện về Bác. “Ông ấy từng kể với tôi rằng, hồi đó, hễ có bất cứ ai hoặc nhóm nào nhắc đến Bác là ông ấy sà vào nghe, nếu có giấy bút là ghi chép lại ngay, như một người thư ký,” bà Mai nói, giọng đầy phấn chấn.

Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, ông lại miệt mài trong hành trình đi tìm tư liệu về Bác. Bước chân ông đã in dấu ở mọi miền Tổ quốc từ Cao Bằng, Thái Nguyên đến Phan Thiết, Sài Gòn… để tập hợp tư liệu và gặp gỡ những người thân trong gia đình Người.

Trong ký ức mờ nhòe của mình, ông không còn nhớ chính xác mình đã thực hiện tất cả bao nhiêu chuyến đi và gặp gỡ cụ thể bao nhiêu nhân chứng như vậy. Chỉ biết rằng, suốt hơn bốn thập kỷ cầm bút, nhà văn đã cho ra đời 14 đầu sách văn học về vị Cha già của dân tộc.

“Đó là một hành trình dài, xuyên suốt. Nhà văn Sơn Tùng đã làm việc với một thái độ cần mẫn, nghiêm túc để cho ra đời những tác phẩm vô cùng xúc động về Bác,” nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ.

“Tâm linh”… dẫn đường

Xác định gắn bó cả cuộc đời cầm bút của mình với những đề tài về Bác nhưng không phải cứ có đủ tư liệu là có thể viết. “Phải sáng tác bằng tâm linh,” nhà văn nói, giọng đầy khó nhọc do sức yếu nhưng ánh mắt lại rạng lên niềm vui.

“Tâm linh” theo cách nói của nhà văn chính là lòng kính yêu chân thành mà nhà văn dành cho Người cùng những khoảng lặng để dừng lại suy ngẫm, cảm nhận về những câu chuyện về Bác. Đó là lý do mà phải tốn đến hàng chục năm, những tác phẩm sâu sắc về Bác của ông mới hoàn thành.

Tư liệu có từ những năm 1948 nhưng phải đến năm 1982, “Búp sen xanh," tiểu thuyết đầu tiên về Bác của nền văn học hiện đại Việt Nam mới hoàn tất.

“Cháu biết không, chính ‘tâm linh’ ấy cũng chính là sức mạnh, động lực giúp ông ấy vượt qua những khó khăn, thử thách khắc nghiệt của cuộc đời để viết nên những tác phẩm văn chương về Bác,” người bạn đời của nhà văn chia sẻ, giọng bà nghẹn lại, đôi mắt nhòa lệ.

Năm 1972, nhà văn Sơn Tùng trở về từ chiến trường với 14 vết thương trên người và ba mảnh đạn trong đầu mà không thể phẫu thuật để lấy ra. Bàn tay trái bị liệt và bàn tay phải rơi vào trạng thái co quắp do chỉ còn ba ngón tay. Ấy vậy mà suốt hơn 40 năm nay, ông vẫn cần mẫn “bám” vào đời viết; để những câu chuyện về Bác như “Từ làng Sen,” “Hoa râm bụt”… có thể đến được với độc giả.

“Chính những tác phẩm văn học như vậy đã, đang và sẽ tiếp tục giúp thế hệ trẻ có thể hiểu, cảm nhận sâu sắc và ghi nhớ tốt hơn những câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của Bác, một lãnh tụ vĩ đại, danh nhân văn hóa thế giới,” Tiến sỹ Nguyễn Nam (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ.

“Gấp những trang sách của nhà văn Sơn Tùng lại, người ta vẫn không thể quên câu chuyện về thời niên thiếu của Người gắn với những biến thiên của lịch sử, những thăng trầm của gia đình nội-ngoại cùng quá trình ‘hình thành nhân cách,’ quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước của Người,” tiến sỹ Nguyễn Nam bày tỏ./.

Nhà văn Sơn Tùng tên đầy đủ là Bùi Sơn Tùng. Ông sinh năm 1928 tại làng Hoa Lũy (nay là Kim Lũy), huyện Diễn Châu, Nghệ An.

Ông đã cho ra đời 14 tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh; trong đó, tiêu biểu là: "Búp sen xanh," "Bông sen vàng," "Hoa râm bụt"... “Búp sen xanh” đã được tái bản hơn 20 lần và được dịch sang tiếng Anh.

Ngày 14/7/2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký Quyết định số 1083/QĐ- CTN phong tặng nhà văn Sơn Tùng là Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Nhà văn Sơn Tùng xin rút khỏi giải thưởng Nhà nước

Nhà văn Sơn Tùng xin rút khỏi giải thưởng Nhà nước

Trong khi nhiều nhạc sĩ phản ứng gay gắt khi không có tên trong giải thưởng Nhà nước thì ở mảng văn học, người vừa được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động - nhà văn Sơn Tùng lại gửi đơn xin rút khỏi đề cử giải thưởng Nhà nước đợt này.

Ngày 18/8, gia đình nhà văn Sơn Tùng mà đại diện là vợ của nhà văn - bà Hồng Mai đã gửi đơn xin rút khỏi đề cử giải thưởng Nhà nước về văn học tới Hội Nhà văn Việt Nam, Vụ Thi đua khen thưởng của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

Lý do gia đình nhà văn Sơn Tùng xin rút là vì lúc đầu hồ sơ xin xét giải thưởng Hồ Chí Minh nhưng lại bị “đẩy” sang giải thưởng Nhà nước. Theo bà Hồng Mai, ngày 12/7, đại diện của Hội nhà văn Việt Nam cho gia đình biết năm nay không xét giải thưởng Hồ Chí Minh và đề nghị gia đình làm lại hồ sơ ở hạng mục giải thưởng Nhà nước. Gia đình bà đã làm lại hồ sơ và không suy nghĩ gì.
Mô tả ảnh.
Cho đến thời điểm này, Sơn Tùng là nhà văn duy nhất được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động khi còn sống
Tuy nhiên, trên thực tế trên danh sách có tới 11 nhà văn năm nay được đề cử ở hạng mục giải thưởng Hồ Chí Minh. Khi biết thông tin này, gia đình nhà văn Sơn Tùng rất buồn và cảm giác Hội nhà văn đã không xét duyệt một cách công bằng. Chính vì lẽ đó, gia đình nhà văn Sơn Tùng xin rút ra khỏi đề cử giải thưởng Nhà nước.

Phía gia đình nhà văn Sơn Tùng cũng cho biết, công văn xin rút khỏi đề cử giải thưởng đã gửi lên Hội nhà văn Việt Nam và Vụ thi đua khen thưởng nhưng cho đến thời điểm này vẫn chưa nhận được phản hồi.

Nhà văn Sơn Tùng năm nay 82 tuổi, sức khỏe yếu nên mọi liên lạc đều thông qua vợ, bà Hồng Mai và các con. Ông sinh năm 1928 tại Diễn Châu, Nghệ An. Ông là tác giả của rất nhiều tác phẩm được đánh giá cao như: Búp Sen xanh, Bông Sen vàng, Anh thương binh tạc tượng Bác Hồ, Nhớ nguồn, Kỷ niệm tháng năm... Đặc biệt, tác phẩm Búp sen xanh được tái bản đến hơn 20 lần đã nói lên thành công vang dội của ông đối với công chúng yêu văn học.

Với những nỗ lực phi thường vượt lên bệnh tật để cho ra đời những tác phẩm có giá trị, nhà văn Sơn Tùng từng được ví “người anh hùng cầm bút”. Ngày 14/7 vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho nhà văn Sơn Tùng.
Theo Dân trí


Chuyện của nhà văn Sơn Tùng

TP - Nhờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho đi cùng chuyên cơ, cô giáo Thúy Lan kịp về gặp chồng, sĩ quan bộ đội tên lửa Ngọc Tân, có được tuần trăng mật mà trước đó họ chưa kịp hưởng, do anh và đồng đội phải mật phục B52…
Bệt trên Chiếu Văn kha khá lần, kể cả cái đận Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đi xe ôm đến thăm nhà văn Sơn Tùng với tư cách Sơn Tùng là ông anh, là Bí thư chi bộ với nhau trong những năm tháng ở chiến trường B2, tôi vẫn chưa hết ngờ ngợ về cái duyên quý mến của nhiều yếu nhân với cá nhân nhà văn này? Trên sân đình làng Lỗ Khê, Đông Anh sáng mồng Một Tết ấy, thấy phóng viên báo Tiền Phong, Sơn Tùng đứng ngay cạnh Bác Hồ đang mải mê ghi chép. Ông Bộ trưởng Hoàng Đức Thịnh nói với nhà báo đứng xa ra...
Bác nghe được quay lại: Ờ cái chú này phải để nhà báo đứng gần thì mới nghe được hết chứ đứng xa chữ tác đánh chữ tộ thì nguy... Rồi tấm gương người thiếu niên dũng cảm Hoa Xuân Tứ bị cụt cả hai tay trong một tai nạn vẫn học giỏi. Bài báo của Sơn Tùng đã lan nhanh vang xa khi đó và có tác dụng rất mạnh. Một phong trào học tập noi gương Hoa Xuân Tứ được phát động rộng khắp. Về sau, Bác Hồ gặp lại Sơn Tùng, thân mật hỏi vui: Này, chú viết gương Hoa Xuân Tứ tàn mà không phế chú bịa mấy chục phần trăm khai thật với Bác đi! Lần gặp Bác ấy, Sơn Tùng không ngờ lại là lần gặp cuối cùng.
Những giọt nước mắt
...Tôi ngước lên hai tấm ảnh trên vách tường nhà. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đang thân thiết ôm lấy nhà văn. Đó là lần Thủ tướng Phạm Văn Đồng (hồi còn đương nhiệm) đọc Búp Sen Xanh biết được hoàn cảnh khó khăn của nhà văn mời đến cùng ăn cơm chuyện trò và tặng nhà cho nhà văn, nhưng Sơn Tùng đã từ chối. Thủ tướng áy náy: Thế Sơn Tùng muốn mình giúp cái gì được đây? Còn bên cạnh là ảnh nhà văn trong một vòng tay ôm siết thân ái kiêm những giọt nước mắt của một yếu nhân khác: Võ Nguyên Giáp. Sau hỏi lại mới biết tác giả tấm ảnh có hồn, bắt được thần thái của hai người trong một buổi gặp tại nhà riêng Đại tướng ấy là Trần Hồng.
Nhà văn Sơn Tùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhà văn Sơn Tùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Sau này có dịp ngồi lại với nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng, nghe ông bộc bạch, từng chuyên chụp ảnh Đại tướng nhiều năm, nhưng lần đó nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, không rõ hai người trước đó gặp nhau nhiều lần không, nhưng chưa bao giờ thấy tướng Giáp khóc như lần gặp nhà văn Sơn Tùng ấy. Khóc thực thà mùi mẫn khiến người cầm máy ghi lại cảnh đó cũng rưng rưng.
Tôi tò mò về câu chuyện trong cuộc gặp ấy thì Trần Hồng nói không biết. Tò mò thêm với nhà văn Sơn Tùng thì ông cười nhẹ ý chừng muốn lảng sang chuyện khác... Mà chuyện ấy thế này. Nhà văn đang kể về một sĩ quan bộ đội tên lửa những năm miền Bắc tơi bời bom đạn. Người sĩ quan ấy là Nguyễn Ngọc Tân, Trung úy kỹ sư trung đoàn 238 Bộ đội tên lửa. Nhà văn Sơn Tùng biết Nguyễn Ngọc Tân cũng là tình cờ.
Năm đó, phóng viên báo Tiền Phong Sơn Tùng tìm gặp những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc ở các trường đại học mà bây giờ quen gọi là đỗ thủ khoa... Năm ấy, Nguyễn Ngọc Tân là thủ khoa Hóa của ĐH Bách khoa xung phong vào bộ đội. Nguyễn Ngọc Tân lấy vợ, nhưng không có tuần trăng mật vì đơn vị anh phải tức tốc lên đường về phía Nam để mật phục B52. Vợ anh là Thúy Lan, giáo viên trường Nguyễn Văn Trỗi, lại sang khu sơ tán của trường tận Nam Ninh, Trung Quốc.
Xong trận mật phục ấy, từ chiến trường, Trung úy Nguyễn Ngọc Tân được lệnh trở lại Hà Nội để làm nhiệm vụ huấn luyện tiếp cho một đơn vị khoảng hơn một tuần. Nhớ người vợ mới cưới nhưng chưa bén hơi quen tiếng, Tân đánh liều điện sang Nam Ninh em về dù chỉ gặp nhau một phút... Nhớ vợ và liều điện vậy chứ Trung úy Tân không dám hy vọng. Nhưng ba ngày sau, một chiếc xe Volga đen đỗ xịch trước cổng đơn vị Tân đang làm nhiệm vụ huấn luyện.
Thì ra, khi nhận được điện, cô giáo Thúy Lan bối rối lên gặp Ban giám hiệu. Cô không biết về Hà Nội bằng cách nào để kịp gặp được chồng? Một ông cán bộ tốt bụng mách cho cô giáo Lan cái tin mật là Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi công tác đặc biệt sang Trung Quốc ghé Nam Ninh, sắp đến thăm trường và cũng sắp về nước bằng chuyên cơ.
Cô giáo mảnh mai Thúy Lan ấy đã đánh liều gặp Đại tướng. Thúy Lan nói cháu có chồng mới cưới là kỹ sư của bộ đội tên lửa. Hòm thư là... Chồng cháu ra Hà Nội công tác đánh điện cho cháu... Không đợi cô giáo Thúy Lan nói hết, Đại tướng xúc động quay đi: Cháu đi lấy hành lý rồi cùng về với chú...
Gặp lại Sơn Tùng tại Hà Nội, niềm hạnh phúc vẫn tươi rói trên khuôn mặt dạn dày sương gió của chàng sĩ quan bộ đội tên lửa ấy. Anh Sơn Tùng ơi, nhờ Đại tướng mà bọn em đã có một tuần trăng mật tuyệt vời. Chỉ có vị Tổng tư lệnh của bộ đội Cụ Hồ mới có tâm hồn và tình thương đó!
Chàng sĩ quan bộ đội tên lửa người Hà thành ấy đã hy sinh trong một trận đánh B52 ở Vĩnh Linh mùa hè năm 1968...
Dĩ công vi thượng
Chất giọng xứ Nghệ trầm ấm xen lẫn băn khoăn khi nhà văn kể lại những buổi làm việc của nhà văn với Đại tướng tại nhà riêng ở Hoàng Diệu từ những năm đầu chín mươi của thế kỷ trước. Băn khoăn là cả những lần làm việc từ sáng xuyên sang cả chiều. Băn khoăn cái nỗi, ông đã thực sự ngạc nhiên khi chứng kiến cái mâm vẹo vọ, đúng hơn là méo mà Đại tướng mời cơm nhà văn. Đại tướng cười bữa nay có Sơn Tùng nên bà Hà ưu tiên cho đĩa thịt bò xào, còn Đại tướng đã có cái cà mèn đựng muối vừng mà phu nhân Đại tướng bao giờ cũng chuẩn bị sẵn. Ấn tượng hơn cả là cái toa lét xập xệ, vòi nước dẫn nổi nhiều đoạn đã gỉ sét...
Nhà văn Sơn Tùng bộc bạch, có lẽ nhiều người đã ưng dùng chữ nhẫn với Đại tướng có lẽ cũng phải nghĩ lại? Vị nhân tướng này điều bất biến là dĩ công vi thượng chứ không hẳn là nhẫn? Một bài báo có kể đại tá Nguyễn Huyên - Thư ký riêng của đại tướng đã kiên quyết bác bỏ thông tin cho rằng đại tướng treo chữ "nhẫn". Và ở kỳ trước chúng tôi đã chép hầu bạn đọc câu chuyện phu nhân Đại tướng kể. Khi Hội đồng Bộ trưởng quyết định giao Đại tướng làm Chủ tịch Ủy ban Dân số và Sinh đẻ có kế hoạch, một số người trong đó có bà bức xúc, đại tướng đã bình thản cười: Việc sinh việc dưỡng là việc lớn...
Phải gác tình riêng
Chất giọng trầm đều, rủ rỉ quen thuộc của nhà văn cũng có đoạn khiến tôi hơi bàng hoàng. Tỷ như Đại tướng quan tâm đến thời gian Sơn Tùng năm 1950, khi đó là cán bộ tỉnh Đoàn Nghệ An, trong một chuyến công tác đã rẽ qua Nam Đàn thăm người chị của Bác Hồ, bà Nguyễn Thị Thanh (mà nhà văn gọi là o. Mãi sau này, qua nhà văn hóa GS Phan Ngọc, tôi mới được biết và chắc nhiều người cũng chưa biết, bà nội nhà văn Sơn Tùng là cháu họ bà nội Bác Hồ. Em trai ông nội nhà văn đỗ tú tài cùng khoa với em trai cụ Hoàng Xuân Đường - ông ngoại Bác) và người anh cả của Bác là cụ Nguyễn Sinh Khiêm.
Câu chuyện mà tôi nghe được từ nhà văn có lẽ mới chỉ là đầu ý đầu việc thôi, nhưng nếu bắt sang mạch viết lách thì chắc chắn những tư liệu này của nhà văn Sơn Tùng sẽ sinh sắc thêm về cuộc đời của một vĩ nhân? Một phần buổi chiều rồi trắng đêm hầu chuyện người anh cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh đương ốm nặng, nhưng vẫn tỉnh táo để bắt chuyện với người cháu mà cụ rất quý... Không biết cụ đã ký thác với nhà văn Sơn Tùng những gì mà lần gặp đó là lần cuối. Chuyến đi công tác miền Tây Nghệ An ấy lúc trở về, Sơn Tùng không còn gặp được Bác Cả. Cụ từ trần ngày 25 tháng 8 năm Canh Dần, tức 6/10/1950. Đến ngày 9/11/1950, Bác Hồ mới biết tin anh Cả của mình qua đời. Bác chuyển lời đau buồn thống thiết về họ Nguyễn Sinh: Than ôi, tôi chịu tội bất đệ trước linh hồn anh và xin bà con nguyên lượng cho một người con đã hy sinh tình nhà vì phải lo việc nước...
Việc nước? Tôi lẩn thẩn nghĩ đến thời điểm cụ Cả mất, Bác Hồ đang sắp huề trượng đăng sơn quan trận địa trong chiến dịch Biên giới, nhằm thay đổi cục diện chiến trường? Hình như Anh Văn có bộc bạch đôi chút với nhà văn về thời điểm việc nước bộn bề phải gác tình riêng đi như thế?
Rồi cả một buổi sáng ngồi với người chị của Chủ tịch Hồ Chí Minh bên chiếc bình vôi dùng để ăn trầu (bà Thanh ưng ăn trầu). Chao ôi, những là chuyện nhà chuyện nước, chuyện chung chuyện riêng, những tư liệu này khác mà chỉ mỗi Sơn Tùng sở hữu? Cái gánh ấy bao giờ Sơn Tùng san sẻ cho bạn đọc đây?
Những lần bệt trên Chiếu Văn ấy, trong những câu chuyện lúc đứt lúc nối về những nhân vật này nọ, tôi có cảm giác Sơn Tùng đang dần dà hé lộ một biệt nhãn của một người có khiếu về viết tiểu sử? Hình như ở xứ mình, những nhà văn có khiếu để quản, để khuynh loát được đề tài này không có bao nhiêu? Những khúc ẩn hiện bắt mắt về Chủ tịch Hồ Chí Minh như một hội long vân mà Sơn Tùng thể hiện trong những Búp Sen Xanh, trong những Hoa Râm Bụt... đã bầu nên một Sơn Tùng có chỗ đứng vững chãi trong nhiều thế hệ bạn đọc hơn là một tấm gương vượt khó chiến thắng thương tật của người thương binh nặng 1/4 này? Hơn một Sơn Tùng tiết tháo ngay thẳng từ chối nhận nhà Thủ tướng tặng để nhường cho người khác có hoàn cảnh khó khăn hơn mình? Và cũng cần nói cho ngay rằng, với nhà văn này, tiểu sử Võ Nguyên Giáp không phải là cái gì khó khăn lắm? Cứ như cái cách ông mỗi lúc hé lộ những chi tiết, những đoạn còn khuất khúc về Đại tướng mà hầu hết bạn đọc chưa có điều kiện để biết đủ thấy một cái chi đó tày tặn lẫn bắt mắt một khi ông bắt tay vào việc? Nhưng tôi cũng có chút giật mình... Muốn thì là vậy, nhưng thương tật nhà văn khá là nặng. Vết thương thường xuyên trở chứng lại chảy máu... Tài ấy, hứng ấy, cảm ấy liệu có đủ sức dung chứa trong một cơ thể tật bệnh lẫn tuổi tác? Nhưng có lẽ thời gian gấp ruổi, phải mau mau lên nhà văn Sơn Tùng ơi!

Một ngày ở bên Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Sau chuyến đi Nghệ An trở về, tôi được Đại tá Nguyễn Nguyên thông báo đã thu xếp để đoàn làm phim của Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội ghi hình phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho phim chân dung nhà văn Sơn Tùng.
Cuốn sách về Đại tướng Võ Nguyên Giáp mang tên “Ở với người, ở với đời" của nhà xuất bản Thời đại tập hợp 20 bài viết của các tác giả là các tướng lĩnh, nhà sử học, nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu… trong và ngoài nước. Xin trích đăng bài viết "Một ngày ở bên bác Văn" của Cao Ngọc Thắng trong cuốn sách này.
Ngày 14/7/2005, chúng tôi đến nhà riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước giờ ghi hình để làm công tác chuẩn bị. Đúng giờ hẹn, Bác Văn hiện ra trong bộ quân phục mùa hè. Mái tóc của vị Tổng Tư lệnh - Người anh Cả của các lực lượng vũ trang Việt Nam trắng như cước, vầng trán cao, rộng, đôi mắt sáng và gương mặt hiền từ, phúc hậu. Đã 94 tuổi nhưng bước đi của bác Văn vẫn khoan thai, tự tại. Bác Văn bắt tay từng thành viên trong đoàn làm phim và nói với chúng tôi, giọng bác trầm và sáng, rõ ràng:
Truyền hình Hà Nội làm phim về nhà văn Sơn Tùng là rất tốt. Đó là một tấm gương lớn về nghị lực.
Một ngày ở bên Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Nhà văn Sơn Tùng.
Đại tướng ngắm nhìn vị trí phỏng vấn mà chúng tôi vừa chuẩn bị theo gợi ý của Đại tá Nguyễn Nguyên. Những lần phỏng vấn trước đây về đề tài cách mạng, chúng tôi biết bác Văn thường chọn vị trí ghi hình bên cạnh bức tượng đồng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi "dịch sử Đảng". Bối cảnh ghi hình đã hoàn tất, bác Văn nói ngay vào nội dung. Sau đây là lời của bác Văn mà chúng tôi đã đưa vào phim "Vẹn tròn như nón bài thơ" - phim phát sóng vào chương trình tối ngày 19/5/2006, đúng kỷ niệm lần thứ 116 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Sơn Tùng có thể nói là từ đầu đã có một cái như là chí hướng để suốt trọn cuộc đời mình nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho nên sau thời gian đó có dịp đi theo Bác (...). Bác Hồ đi đến đâu, ai gặp Bác Hồ đều muốn nghe kể chuyện lại, nhờ đó mà anh biết được rõ ràng về thân thế và sự nghiệp nói chung, về đời sống cụ thể của Bác Hồ, do đó đã viết được nhiều cuốn sách (...) về Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà thường người ta nhắc đến nhiều là quyển "Búp sen xanh" và đây là quyển mới nhất "Bác ở nơi đây" (Bác Văn cầm cuốn sách để trên mặt bàn giơ lên trước ống kính máy quay phim)... Đó là con người có trí mệnh.
Mỗi lần anh ấy gặp tôi thì tôi rất cảm động, bởi vì ngồi nói chuyện về Bác Hồ nhưng phải cố gắng vì vết thương lại đau, có khi cầm bút viết được có khi không (...).
Chúng ta nói chuyện về anh Sơn Tùng, chúng ta chúc cho anh khỏe mạnh mãi mãi và luôn nói chuyện về Bác Hồ để các thế hệ mới, đặc biệt là thế hệ thiếu niên nhi đồng hiểu về Bác Hồ. Đấy cũng là một cống hiến, tôi cho là cống hiến quan trọng của Sơn Tùng (...)".
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói liền một mạch. Buổi ghi hình phỏng vấn diễn ra nhanh gọn. Sau đó bác Văn gọi mọi người vào chụp ảnh chung với bác.
Giữa bác Văn - Đại tướng Tổng Tư lệnh Quận đội Nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp và nhà văn Sơn Tùng có mối tình cảm đặc biệt. Tôi đã được chứng kiến tình cảm đó trong một số lần gặp gỡ giữa vị tướng gốc Văn và nhà văn - thương binh chuyên nghiên cứu và viết về đề tài Bác Hồ.
Năm 1993, tôi có dịp theo nhà văn Sơn Tùng đến nhà riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bác Văn muốn nghe Sơn Tùng kể tỉ mỉ về gia thế, gia phong, về những chặng đường buôn ba khắp thế giới, về quá trình hình thành nhân cách của Bác Hồ, để từ đó kết tinh thành tư tưởng Hồ Chí Minh mà nhà văn đã dày công nghiên cứu từ hồi còn thanh niên và cần mẫn, kiên trì viết nên hàng chục tác phẩm văn học bất chấp những vết thương hành hạ thường xuyên. Đại tướng đang chuẩn bị tư liệu để viết về về tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đúng giờ hẹn, Giáo sư Sử học Đặng Bích Hà - phu nhân Đại tướng đã chờ nhà văn ở phòng khách. Bà thân mật mời nhà văn uống trà và hỏi thăm tình hình sức khỏe của ông. Rồi bà vào trong mời Đại tướng ra tiếp khách và làm việc.
Chỉ ít phút sau Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuất hiện trong bộ thường phục. Năm đó bác Văn 83 tuổi. Bác bước ra nhanh nhẹn và cười tươi. Bác giang vòng tay, vừa nói vừa ôm vai Sơn Tùng:
- Sơn Tùng đấy à! Có khỏe không?
Chứng kiến hình ảnh này tôi nhớ đến hình ảnh cách đó hai năm trước, mùa thu năm 1991. Hôm đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến dự và nói chuyện với các nhà văn mặc áo trấn thủ tổ chức tại hội trường nhỏ Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô. Đại tướng vừa bước vào thì tất cả mọi người có mặt trong phòng đợi đang ngồi đều đứng dậy đón chào Đại tướng. Đại tướng thân mật bắt tay từng người chợt nhận ra Sơn Tùng trong đám đông, Đại tướng bước nhanh tới ôm hôn nhà văn và hỏi thăm tỉ mỉ sức khỏe của nhà văn. Khi ngồi xuống ghế, Đại tướng đỡ Sơn Tùng ngồi cạnh mình. Mọi người đều xúc động trước tình cảm đặc biệt của Đại tướng đối với Sơn Tùng.
Hình ảnh xúc động từ hai năm trước, hôm nay tôi lại được chứng kiến tại nhà riêng của Bác Văn.
- Hôm nay, chúng ta làm việc cả ngày nhé! Đại tướng nói với nhà văn.
Trong khi Đại tướng và nhà văn trao đổi nội dung công việc, Giáo sư Đặng Bích Hà tự tay rót nước cho chủ nhà và khách, chuẩn bị cho Đại tướng những thứ cần thiết. Bà đi nhẹ nhàng. Tịnh không thấy một người cần vụ nào giúp việc.
Nhà văn Sơn Tùng bắt đầu trình bày với bác Văn những câu chuyện đã nằm lòng trong ông suốt mấy chục năm qua. Đã có chiệc máy ghi âm hoạt động, nhưng Bác Văn vẫn ghi chép rất tỉ mỉ. Cuốn sổ trên tay bác Văn lần dở sang trang mới theo mạch kể của nhà văn Sơn Tùng. Ở tuổi trên 80, trong lúc ngồi nghe người khác nói, bác Văn vẫn luôn giữ phong thái thoải mái, thi thoảng mới thay đổi tư thế ngồi. Tôi nhớ buổi nói chuyện tại cuộc gặp mặt các nhà văn mặc áo trấn thủ hổi mùa thu năm 1991, trên mục diễn giả, sau khi nói lời chào mừng cử tọa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp dừng lại ít phút để tháo giầy, chân chỉ đi tất mỏng. Ở tư thế đứng thoải mái đó, Đại tướng nói liền một mạch khoảng một tiếng đồng hồ. Sau này tôi biết Đại tướng thường xuyên thập thiền, một phương pháp hiệu quả không chỉ đối với rèn luyện để duy trì và nâng cao sức khỏe mà còn có tác dụng lớn trong tu tâm và duy trì trí nhớ. Tôi đã cảm nhận được những kết quả cụ thể từ nhà văn Sơn Tùng. Ông đã luyện tập thiền ngay sau khi trở về Hà Nội từ chiến trường Đông Nam Bộ. Do kiên trì luyện thiền suốt mấy chục năm liên tục nên Sơn Tùng có sức khỏe để hoàn thành hơn hai chục tác phẩm văn học và thực hiện tới gần năm trăm chục cuộc nói chuyện về đề tài danh nhận, cách mạng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tình trạng thương tất đèo đẳng trên cơ thể.
Một ngày ở bên Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu.
Tập thiền là một là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho Sơn Tùng bảo tồn được trí nhớ, mặc dù trong sọ não của ông vẫn còn ba mảnh đạn M79 mà không lấy ra được. Ngay cả lúc này đây, kể cho bác Văn nghe nhiều chuyện nhưng nhà văn không hề phải phụ thuộc vào một mảnh văn bản nhỏ nào.Phải công nhận, trí nhớ của Sơn Tùng thật hiếm có. Tôi lại nhớ chuyến theo ông về huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An hồi năm 1991. Huyện ủy và Ủy ban Nhân dân huyện Quỳnh Lưu mời nhà văn nói chuyện về đề tài Bác Hồ. Anh Hồ Phi Phục, lúc đó là Bí thư Huyện ủy, đã đưa xe ô tô ra Hà Nội đón nhà văn. Dịp đó đang là mùa mưa bão. Mấy ngày ở Quỳnh Lưu là mấy ngày mưa giông bão. Nghe tin nhà văn Sơn Tùng về nói chuyện đề tài Bác Hồ, cácn bộ từ các xã đội mưa, không quản ngại đường xá xa xôi tập trung đầy đủ tại hội trường Huyện ủy. 
Nhân dân quanh vùng cũng đến rất đông. Cuộc nói chuyện của nhà văn Sơn Tùng lần ấy kéo dài suốt cả ngày, buổi trưa chỉ nghỉ ăn cơm. Hàng trăm con người ngồi im phăng phắc nghe Sơn Tùng kể chuyện. Diễn giả không cần sổ sách, không một mảnh giấy trong tay. Ông nói theo trí nhớ mà nói theo sự kiện, những nhân vật, những địa chỉ, ngày tháng, số liệu cứ thế tuôn ra, chính xác và gây xúc động lòng người. Nhiều câu chuyện ông kể làm rơi nước mặt người nghe. Gần đây, nhà văn Sơn Tùng tập hợp những câu chuyện mà ông đã nghiên cứu, đã nói chuyện, viết thành tác phẩm đăng trên báo Khoa học và Đời sống năm kỳ với tiêu đề "Chuyện kể về Bác Hồ  - trăm năm chưa thấu ngọn nguồn" , được đông đảo bạn đọc hoan nghênh và chờ đợi tác giả công bố tiếp những phần sau. Cũng như các tác phẩm khác "Chuyện kể về Bác Hồ  - trăm năm chưa thấu ngọn nguồn" được viết ra với một lượng thông tin lớn, chính xác, không chỉ có giá trị văn học mà còn có giá trị lớn về sử liệu, đặc biệt là về truyền thống văn hóa thông qua các mối quan hệ của các danh nhân nổi tiếng của dân tộc; các nhân cách và những truyền thống quý báu này đã có tác động trực tiếp hay gián tiếp tời sự hình thành nhân cách cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ thuở thiếu thời.
Buổi làm việc giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà văn Sơn Tùng tiếp diễn trong khung cảnh tĩnh mịch và tràn đầy tình cảm thân ái. Nghe rõ tiếng chim rúc rích ngoài vườn, tiếng lá rơi nghiêng bên thềm và thoang thoảng hương hoa nhài, hoa lan quyện trong làn gió thu dìu dịu.
Giữa giờ làm việc buổi sáng, vẫn là bà Đặng Bích Hà bưng chiếc khay đựng dăm quả chuối trứng quốc để Đại tướng ăn đệm và mời khách văn.
Gần mười hai giờ, bác Văn đặt cuốn sổ tay xuống mặt bàn, tắt máy ghi âm và nói:
- Trưa rồi. Nghỉ đã Sơn Tùng. Chiều chúng ta làm việc tiếp. Hôm nay ăn bữa cơm gia đình nhé.
Tôi thực sự bất ngờ trước lời mời của bác Văn. Và tôi xúc động.
Tôi đưa mắt nhìn Sơn Tùng. Nhà văn cũng không dấu cảm xúc của mình. Ông nói với tôi khi Đại tướng đã vào phong trong:
- Đã nhiều lần đến thăm anh Văn, đây là lần đầu được ở lại ăn bữa cơm với vợ chồng Đại tướng ngay tại "dinh" của vị Tổng Tư lệnh - Người anh Cả của lực lượng vũ trang Việt Nam, một vinh hạnh hiếm có đối với người cầm bút. Hôm nay, anh em mình có dịp quan sát để hiểu thấu đáo hơn cuộc sống đời thường của vị tướng gốc Văn.
Lại thêm một bất ngờ. Và tôi hiểu... Chưa bao giờ tôi được tiếp cận bác Văn gần gũi và lâu như hôm nay. Suốt cả buổi sáng, trong khi Đại tướng và nhà văn làm việc, tôi thỏa sức chọn vị trí chụp ảnh và ghi vào trí nhớ những điều mắt thấy tai nghe, không bị cản trở như những lần tác nghiệp ở nơi đông đuc vẫn thường thấy.
Bác Văn trở ra và dẫn nhà văn Sơn Tùng vào bên trong. Một lúc sau, tôi theo bác Văn đi qua một căn phòng để tới nơi vệ sinh. Tôi bước vào. Ánh sáng ngọn đèn điện công sức thấp chỉ đủ để nhận ra các thiết bị vệ sinh đã cũ mèm, lớp men tráng đã tróc nham nhở, dụng củ bằng sắt thì hoen rỉ, không còn nhận ra chiếc vòi hoa sen vì đã mất bộ phận "hoa sen" chỉ còn trơ cục sắt gã vào bức tường ngả màu thấm do ẩm lâu ngày. Tôi với tay nắm đoạn dây và giật, tiếng và chạm vang lên khô khốc trong lòng chiếc âu bằng gang, tịnh không có nước từ đó chảy xuống bệ xí. Hóa ra nó đã hỏng. Từ nơi vệ sinh bước ra, tôi giật mình khi nhận thấy bác Văn vẫn đứng chờ; tôi lúng túng đỡ gáo nước từ tay Bác. Bác Văn chờ tôi dội xong gáo nước lại hướng dẫn tôi tới gào nước để rửa tay. Nước từ chiếc vòi chảy ra không mạnh lắm. Tôi tiếp tục ngỡ ngàng đón nhận chiếc khăn mặt bác Văn đưa cho để lau tay. Cảm giác trong tôi lúc đó lộn xộn, vì sự bất ngờ đến với mình liên tiếp trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, nhưng nó ngấm sâu vào ký ức. Tôi lặng người, không thể thốt lên một lời nào cho dù là lời cảm ơn giản dị trước sự ân cần của bác Văn. Cho tới bây giờ tôi vẫn áy náy mãi vì sự thiếu sót của mình ngày ấy.
Bác Văn dẫn nhà văn Sơn Tùng và tôi xuống phòng ăn của gia đình. Đường đi phải qua một hành lang hẹp chỉ có một chiếc bóng đèn điện công suất thấp, ánh sáng đỏ quạch. Vừa đi Bác Văn vừa nhắc nhở nhà văn thương binh cẩn thận kẻo vấp ngã.
Phòng ăn của gia đình Đại tướng cũng rất mộc mạc, chỉ một bộ bàn ghế gỗ cũ kỹ, bạc phếch, đặt gần khung cửa sổ.
Giáo sư Đặng Bích Hà bưng mâm cơm từ trong bếp ra. Bà nhẹ nhàng đặt mâm xuống bàn. Trên chiếc mâm nhôm vành đã có chỗ quăn bày mấy món ăn đơn giản: đĩa cá kho vàng sậm thơm mùi gừng, bát cà muối ướp tỏi đập dập, đĩa đậu đũa thái vát xào thịt bò, bát nước mắm nguyên không pha, tiếp đến là một xoong canh và cuối cùng là nồi cơm nhìn thì biết đó là những chiếc nồi đun trên bếp than tổ ong.
Bác Văn nói giản dị:
- Thực sự là bữa cơm gia đình nhé. Bà nhà tôi tự nấu đấy. Chúng ta vừa ăn vừa nói chuyện tiếp.
Giáo sư Đặng Bích Hà thì nói:
- Cơm tiếp khách văn có thêm món thịt bò xào đó. Anh Văn thích ăn món cá, ít khi dùng các món thịt.
Tôi tranh thủ nâng máy ảnh. Sao tay lại run thế này. Nhìn vào vi - dơ, hình ảnh cứ nhòa đi, chỉnh hoài cũng không nét. Tôi bấm liền mấy kiểu. Khi rửa, bức ảnh cũng bị rung. Tôi biết lúc chụp mình đã không làm chủ được tình cảm. Cũng phải thôi...
Mải chụp ảnh tôi quên khuấy một việc. Tôi nói nhỏ với bà Bích Hà để bà lấy cho một chiếc thìa. Quay trở lại bàn ăn, bà Bích hà nói:
- Sơ suất quá, quên là anh Sơn Tùng không dùng được đũa.
Bác Văn tiếp lời:                                    
- Đã có thời gian dài Sơn Tùng phải buộc cây bút vào ngón tay bằng sợi dây chun để viết. Bây giờ đỡ hơn rồi, phải không Sơn Tùng?
Nhà văn đáp:
- Dạ, luyện mãi rồi thành quen mà anh chị.
Bác Văn hỏi:
- Hàng ngày Sơn Tùng ngủ được mấy tiếng?
- Thưa anh, mấy chục năm nay quen giấc rồi, mỗi ngày chợp mắt vài ba tiếng đồng hồ, đủ thư giãn để tiếp tục nạp năng lượng.
Bác Văn hiểu Sơn Tùng nói "nạp năng lượng" là nói đến việc tập thiền, nên Bác đồng tinh:
- ĐÚng, cần phải nạp năng lượng mỗi ngày. Nó đặc biệt cần thiết đối với người lao động trí óc.
Giáo sư Bích Hà hỏi:
- Cuốn "Búp sen xanh" xuất bản năm tám hai (năm 1982) anh Sơn Tùng nhỉ?
- Thưa chị, đúng đấy ạ! Nhà văn đáp.
Bác Văn nói tiếp:
- Anh em trong Chiếu văn vẫn viết đều đấy chứ? Sách của anh em mình đọc không được hết, nhưng các tác phẩm cuuả Sơn Tùng thì mình đọc trọn vẹn.
Nhìn Sơn Tùng, tôi thấy sự xúc động hiện rõ trong ánh mắt ông.
Giáo sư Bích Hà là người rời khỏi bàn ăn trước tiên. Bà lui vào phòng bếp.
Trước mắt tôi, bác Văn hiển hiện là một người cha hiền từ, gần gũi và thân thuộc quá. Mái tóc bác pha sương, nhưng ở bác tuổi tác không hề khỏa lấp sức mạnh khỏe khoắn phát ra từ nội tâm sáng trong hiện trên vầng trán và trong ảnh mắt, vẫn phảng phất nét thư sinh của người học trò thông minh nổi tiếng trường Quốc học Huế hồi đầu thế kỷ hai mươi; vẫn nguyên vẹn chất hùng biện của người thầy giáo uyên thâm trên đất Thăng Long âm ỉ ngọn lửa cách mạng; vẫn trọn lòng nhân ái của một vị tướng am tường Binh thư yếu lược (của Trần Quốc Tuấn): "Tướng mà dùng nhân ái đối với kẻ dưới, lấy tín nghĩa để thuyết phục nước láng giềng, trên biết thiên văn, dưới tường địa lý, giữa biết nhân sự, đó là tướng chỉ huy được cả thiên hạ, không ai địch nổi".
Thu Hà Nội, 2006

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét